Nét chấm phá khác của
Thế Lữ trong thế giới thi ca
Mở rộng phạm vi quan sát, có thể thấy Thế Lữ còn đóng vai trò
người “dẹp loạn”, người “dọn vườn”, người bắn chặn, phòng ngừa, cảnh tỉnh, cảnh
báo những sự lạm dụng, ăn theo Thơ mới, khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải
“tan vỡ”… Nói cho đúng, với bút danh Lê Ta, Thế Lữ đã tích cực nhập cuộc luận
chiến thơ ca ngay từ buổi đầu hình thành Thơ mới…
Thi sĩ Thế Lữ (6.10.1907 – 3.6.1989), tên thật là Nguyễn Đình
Lễ (sau đổi là Nguyễn Thứ Lễ), còn ký bút danh Lê Ta, Mười Ba Chàng, 13 Chàng,
XIII Chàng… Quê nội của Thế Lữ ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh
(nay thuộc địa phận xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội), sinh tại ấp
Thái Hà (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội).
Thế Lữ theo học chữ Hán từ sớm, từng học Cao đẳng Tiểu học
Bonnal và Thành chung ở Hải Phòng; từ năm 1929 lên Hà Nội theo học Trường Cao đẳng
Mỹ thuật Đông Dương và tham gia tổ chức Tự lực văn đoàn (1932 – 1939)…
Đương thời Thế Lữ tích cực cộng tác với các báo Phong hóa,
Ngày nay, Tinh hoa, Thanh nghị,… gắn bó với các nhà xuất bản Tân dân, Đời nay.
Bên cạnh các bài thơ in báo và in thành tập Mấy vần thơ (NXB Đời nay, H.,
1935), Mấy vần thơ, tập mới (NXB Đời nay, H., 1941), Thế Lữ còn nổi tiếng ở văn
xuôi và hoạt động sân khấu…Nhà thơ Thế Lữ (1907 – 1989) và tác
phẩmThế Lữ là thi sĩ tiêu biểu cho hiện tượng “kép ba”, vừa là chủ
thể sáng tác Thơ mới (48 bài), vừa đóng vai nhà phê bình “dẹp loạn” Thơ mới
(khoảng 50 bài) vừa là đối tượng được người đương thời bàn về Thơ mới của mình
(khoảng 40 bài)…
Thế Lữ xuất hiện lần đầu với bài thơ Con người vơ vẩn (1933)
và kết thúc là truyện thơ dài Bức tranh tiên (1936). Thơ mới Thế Lữ hầu
hết in trên báo Phong hóa (1932 – 1936), được tập hợp trong Mấy vần thơ gồm 28
bài (Đời Nay, 1935); chỉnh lý, bổ sung, in lần hai Mấy vần thơ, tập mới (Đời
nay, 1941) gồm 47 bài (bỏ 1, thêm 20, thay đổi 6 tựa đề và cách sắp xếp thứ tự)…
Thế Lữ thuộc nhóm những tác giả tiên phong khơi nguồn Thơ mới
(nối tiếp chủ tướng nổ pháo lệnh Phan Khôi và những Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược
Pháp, Huy Thông, Nguyễn Thị Manh Manh, Hồ Văn Hảo, Nguyễn Vỹ, Vũ Đình Liên…).
Thơ mới Thế Lữ hướng tới tinh thần duy mỹ, vị nghệ thuật, đề
cao cái Đẹp và tư chất nghệ sĩ. Ngay nhan đề các bài thơ đầu tay của ông như Lựa
tiếng đàn, Tình bâng khuâng, Lời than thở của nàng mỹ thuật, Tiếng sáo Thiên
Thai, Cây đàn muôn điệu, Nhớ rừng… đều in đậm sắc màu lãng mạn, nhấn mạnh cái
tôi tự do, tiếng nói trữ tình và sự hòa hợp với thiên nhiên, đất trời, vũ trụ.
Quan niệm về thơ cũng được Thế Lữ đúc kết trong phần “Thay lời
tựa” thuộc khổ kết bài thơ Lựa tiếng đàn:
Chán nản ư?
Các anh đừng than thở,
Cứ im đi, rồi bảo cho tôi hay.
Lựa giọng buồn,
tôi sẽ vặn trầm giây,
Và gọi gió, gọi thông,
lên tiếng hoạ.
Năm trước Thế Lữ đã nổi danh với tập Mấy vần thơ (1935)
thì ngay năm sau ông tiếp tục cho in truyện dài bằng thơ Bức tranh tiên –
Duyên Bích Câu. Truyện thơ này in nhiều kỳ. Mở đầu có mục Mưa hoa (Lời nói đầu)
gồm 15 khổ thơ theo thể tứ tuyệt và mục I- Đời thái bình; mục II- Tú Uyên; mục
III- Xuân về; mục IV- Hội xuân; mục V- Khấn nguyện; mục VI không ghi nhan đề (gồm
23 câu thơ tự do, dòng thơ thay đổi 6 – 9 chữ); số VII và VIII đều không ghi
nhan đề (cộng chung 5 khổ thơ tứ tuyệt). Số cuối ghi “Còn nữa” nhưng không thấy
in tiếp…
Về cơ bản, Thế Lữ thuộc số những nhà thơ tiên phong khơi dòng
và thuộc dòng chủ lưu phong trào Thơ mới, kiến tạo trường cảm xúc, lối thơ, thể
thơ, quan niệm thơ bằng chính những vần thơ.
Thế Lữ đã góp công “dựng thành nền thơ mới ở xứ này” mà thế hệ
những người tiếp nối theo ông có thể khơi sâu, mở rộng thêm những chiều kích
tâm hồn và đời sống hiện thực, hệ thống đề tài và nội dung, hình thức nghệ thuật.
Chuyển sang thời kỳ cộng tác với báo Ngày nay (1936 – 1940),
Thế Lữ hầu như không sáng tác nữa mà chủ yếu dồn sức vào hoạt động phê bình, giữ
vai trò ngự sử, người phân loại, sàng lọc, đánh giá, kiểm định thơ ca.
Trong suốt thời gian dài, với các bút danh Thế Lữ, Leta, Lê
Ta, Dr. de Lê Ta, 13 Chàng, Mười Ba Chàng, ông chốt giữ chuyên mục Điểm sách –
Điểm thơ – Tin thơ – Tin văn – Thi thoại, kể cả nâng cấp giới thiệu những cây
bút nổi tiếng, mới lạ…
Bắt đầu từ tháng 4.1934, bút danh Lê Ta đã dần chuyển làn
sang bình luận chuyên biệt về Thơ mới với các bài trong mục “Cuộc điểm sách” trên
báo Phong hóa và chủ yếu trên Ngày nay (Anh với em của Lan Sơn, Tập
thơ đầu của Nguyễn Vỹ, Mơ màng của Đức Văn, Tình em của
Nhuệ Thủy…), cho đến chùm bài cuối cùng trong các mục “Điểm sách”, “Tin văn… vắn”,
“Tin xuân”, “Tin trong nhà” vào nửa đầu năm 1940 (Bình điểm tập Sóng thơ của
Tôn Nữ Thu Hồng; giới thiệu lối “thơ công cộng” vịnh tranh xuân của Thạch Lam,
Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Tú Mỡ, Lê Ta, Nhất Linh; bình thơ
xuân của Đinh Hùng, Hoàng Điệp, Kim Bội, Nguyễn Đinh Thư, Huy Chúc, Họa Sơn Ẩn;
thuật chuyện thơ vui của nhóm bạn Hoàng Đạo, Nhất Linh, Thạch Lam, Huy Cận, Thế
Lữ, Tú Mỡ, Khái Hưng, Xuân Diệu cùng ứng khẩu chắp vần thơ liên ngâm tiễn tặng
Xuân Diệu vào Sài Gòn “Bỗng nhiên thi sĩ hóa Tây đoan”; phê bình thơ xuân
trên báo Tin mới và thơ Nguyễn Vỹ – Lệ Chi)…
Mở rộng phạm vi quan sát, có thể thấy Thế Lữ còn đóng vai trò
người “dẹp loạn”, người “dọn vườn”, người bắn chặn, phòng ngừa, cảnh tỉnh, cảnh
báo những sự lạm dụng, ăn theo Thơ mới, khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải
“tan vỡ”… Nói cho đúng, với bút danh Lê Ta, Thế Lữ đã tích cực nhập cuộc luận
chiến thơ ca ngay từ buổi đầu hình thành Thơ mới.
Chính Thế Lữ đã trở thành đối tượng đồng thời là người “trong
cuộc” qua nhiều kỳ bút chiến – trong đó có cả những nhà Thơ mới – với Nguyễn Vỹ,
Bích Ngọc, Nguyễn Triệu Luật; và lôi cuốn thêm các nhà văn Nhất Linh, Thạch Lam
vào cuộc.
Điều quan trọng hơn, ngay thời kỳ Thơ mới vừa nảy mầm, Lê Ta
đã đăng trên báo Phong hóa một loạt bài đọc điểm một số tập nằm trong dòng chảy
Thơ mới (trong đó có người được Hoài Thanh – Hoài Chân khắc tên vào Thi
nhân Việt Nam như Nguyễn Lan Sơn, Bàng Bá Lân, Nguyễn Vỹ, Huy Thông)…
Đơn cử trường hợp Huy Thông với tập Yêu đương (1933),
Lê Ta bình phẩm và đi đến lời kết hài hước đúng mức: “Tôi đọc Yêu đương trong một
nơi tĩnh mịch, bên những người bạn làm việc ở gần mình… Họ thấy tôi là một người
kỳ dị nhất trên đời, đang thích chí vui cười bỗng sinh ra bực tức, rồi một lúc
thấy vui cười, nhưng rồi lại thấy bực tức nữa.
Đó là lỗi của ông Huy Thông. Sao ông chẳng làm thơ dở từ đầu
đến cuối để tôi vứt ngay sách ông đi có được không. Ông lại lỡm tôi, len vào đó
những cái hay làm tôi không nỡ bỏ” (Phong hóa, 1935)…
Nhìn chung, trên cả hai chiều khen – chê, Thế Lữ đại diện cho
hệ hình quan niệm tư tưởng thẩm mỹ và diễn ngôn phê bình kiểu mới trên đường khẳng
định sự ưu thắng của Thơ mới cũng đồng thời dụng công nghiêm khắc phê bình, chỉ
trích các tác giả và tác phẩm Thơ mới non yếu, nhạt nhòa…
Với vị thế một trong những người lĩnh ấn tiên phong và gắn với
phong trào Thơ mới qua suốt chặng đường dài, thơ Thế Lữ đã được hầu hết các nhà
nghiên cứu, phê bình đương thời như Nhất Linh, Phan Nhung, Thạch Lam, Nguyễn Tường
Bách, Trúc Hà – Hà Nhân (Trần Thiêm Thới), Tứ Ly (Hoàng Đạo), Nguyễn Nhược
Pháp, P.T.T (?), Hán Quỳ (Huy Cận), Nàng Lê (Lê Tràng Kiều), Vân Hạc – Linh
Nhãn (Lê Văn Hòe), Vương Tử, Trương Tửu, Kiều Thanh Quế, Hoài Thanh – Hoài Chân,
Diệu Anh (Đinh Gia Trinh), Hy Sinh, Lương Đức Thiệp, Vũ Bội Liêu, Vũ Ngọc Phan,
Hoa Bằng… cùng đọc điểm, khảo sát, trao đổi, luận bình.
Từ phương Nam, Phan Nhung cũng lên tiếng nhận xét tư chất cái
mới và phân tích các đặc điểm thơ Thế Lữ trong giai đoạn sơ khởi của nền thơ mới:
“Từ ngày lối thơ mới xuất hiện đến nay, các văn sĩ và thi sĩ ta đua nhau làm
thơ rất nhiều; nhơn đó mà sản xuất lắm bài thơ có giá trị.
Như nhiều bài thơ của thi sĩ Thế Lữ đã đăng ở báo Phong hoá
Hà Nội, ai cũng phải công nhận là có thú vị, đọc lên nghe êm tai thanh nhã, và
nhất là có cái thi cảm rất mạnh, xúc động được cả tâm hồn người đọc. Song, cũng
nên nhận rằng phần nhiều thơ đó thường mô phỏng theo lối thơ tự tình ly tao
(poésie lyrique) của các thi sĩ lãng mạn Pháp như Lamartine, Alfred de Musset,
v.v” (Phụ nữ tân văn, 1934).
Điều quan trọng hơn, hai ông Hoài Thanh – Hoài Chân xếp Thế Lữ
ở vị trí mở đầu các nhà thơ mới và tuyển bảy bài, đứng tốp mười nhà thơ có số
lượng bài nhiều nhất (Nhớ rừng, Tiếng trúc tuyệt vời, Tiếng sáo Thiên Thai, Vẻ
đẹp thoáng qua, Bên sông đưa khách, Cây đàn muôn điệu và Giây phút chạnh lòng),
đồng hạng với Nam Trân, Hàn Mặc Tử, từ đó đi sâu phân tích, luận bình, kiến giải:
“Độ ấy thơ mới vừa ra đời. Thế Lữ như vừng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả
trời thơ Việt Nam.
Dầu sau này danh vọng Thế Lữ có mờ đi ít nhiều, nhưng người
ta không thể không nhìn nhận cái công Thế Lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ
này” (Thi nhân Việt Nam, 1942).
Giới hạn trong sinh quyển phong trào Thơ mới, quan điểm lịch
sử cụ thể và cái nhìn đồng đại sẽ giúp người đọc hôm nay tiếp nhận sát đúng thực
chất trường hợp “tác giả kép ba” Thế Lữ.
Việc đặt Thế Lữ trong sinh quyển phong trào Thơ mới và tiếng
nói của người trong cuộc, người đương thời, “không – thời gian đương thời” góp
phần gia tăng tính liên kết, giao thoa, xâm nhập với các bộ môn khoa học khác
(Ngữ văn, Văn hóa học, Xuất bản, Báo chí); nâng cấp nhận diện hiện tượng Thế Lữ
trên căn bản tri thức toàn thể, tổng thể (nhận diện thơ ca từ chính trị – xã hội,
nhìn phong trào Thơ mới từ ý thức chủ quyền quốc gia và quan hệ Đông – Tây (Việt
– Pháp), nhìn trường hợp Thế Lữ từ truyền thống lịch sử và xu thế định hình nền
thơ ca toàn thế giới)…
Nhìn chung, bảng màu hệ thống di sản Thơ mới và phê bình Thơ
mới qua trường hợp điển hình Thế Lữ vừa là một hiện hữu đời sống thơ ca, vừa tự
thân trở thành giá trị lịch sử văn hóa dân tộc trong thời kỳ hiện đại hóa, hội
nhập và phát triển…
15/8/2022 La Nguyễn Hữu SơnNguồn: Báo Giáo dục và Thời đại
15/8/2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét