Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Ngôn ngữ và thiên nhiên - Tiểu luận của Konstantin Paustovsky

Ngôn ngữ và thiên nhiên - Tiểu luận
của Konstantin Paustovsky

Tôi chắc chắn rằng để hoàn toàn thông thạo tiếng Nga, để không mất cảm giác với ngôn ngữ này, bạn không chỉ cần giao tiếp thường xuyên với những người Nga bình thường mà còn phải giao tiếp với đồng cỏ và rừng cây, với những thác nước và những cây liễu già, với tiếng huýt sáo của các loài chim và với từng bông hoa gật đầu chào bạn từ dưới bụi cây phỉ.
Mỗi người đều phải có khoảng thời gian để khám phá hạnh phúc cho riêng mình. Tôi cũng đã có một mùa hè như vậy ở vùng rừng rậm và đồng cỏ của miền Trung nước Nga – một mùa hè đầy giông bão và cầu vồng.
Mùa hè năm ấy đã trôi qua trong tiếng rì rào của rừng thông và tiếng sếu kêu, trong đám mây tích trắng, trong những trò đùa của bầu trời đêm, trong hương thơm của những bụi cỏ níu giữ bước chân qua, trong tiếng gáy của những chú gà trống hiếu chiến và trong những bài hát của các cô gái giữa cánh đồng vào lúc sập chiều,khi hòang hôn phủ hạt bụi vàng lấp lánh ánh mắt của các cô ấy và những giải sương mù đầu tiên nhẹ nhàng bay lượn trên mặt nước hồ…
Nhà văn Nga Konstantin Paustovsky
Mùa hè năm đó tôi đã nhận ra một lần nữa đối với xúc giác, vị giác, khứu giác – nhiều từ mà cho đến thời điểm đó, mặc dù tôi đã biết, nhưng vẫn xa vời và chưa trải nghiệm. Trước đây, chúng gợi lên một hình ảnh nghèo nàn chung chung. Nhưng bây giờ hóa ra trong mỗi từ như vậy có cả một vực thẳm hình tượng sống động.
Những từ đó là gì? Có rất nhiều từ như thế, thậm chí ta không biết những từ đó ra đời như thế nào. Dễ hơn cả có lẽ nên bắt đầu với từ ” mưa “.
Tất nhiên, tôi biết rằng có mưa phùn, mưa bụi, mưa nặng hạt, mưa giông, mưa mà những sợi mưa rải hàng,hàng thẳng hoặc hàng xiên khoai, và cuối cùng là mưa rào (mưa như trút nước).
Nhưng có điều này, cần suy đoán một chút, và một điều nữa là tự mình phải trải qua những cơn mưa ấy để hiểu rằng mỗi cơn mưa đều có chất thơ riêng, những dấu hiệu riêng, không hề giống với những cơn mưa khác.
Chỉ khi đó, tất cả những từ được đặt tên là “ mưa “ sẽ trở nên sống động, mạnh mẽ, chứa đầy sức biểu cảm. Chỉ khi đó, đằng sau mỗi từ “mưa” như vậy, bạn nhìn thấy, cảm nhận ra những gì bạn đang nói, và không phát âm nó một cách máy móc, theo một thói quen.
Tiện thể nói luôn, có một loại quy luật về sự ảnh hưởng của ngôn từ nhà văn đối với người đọc.
Nếu người viết khi ngồi vào bàn, không nhìn thấy rõ những gì ẩn sau những chữ đang viết, thì người đọc sẽ càng không nhìn thấy gì hết.
Còn nếu nhà văn nhìn rõ những gì anh ta sẽ viết ra, thì những từ ngữ đơn giản nhất, thậm chí đôi khi cả những từ bị tẩy xóa sẽ có được sự mới lạ, tác động tới người đọc bằng một sức mạnh không ngờ tới và gợi lên ở họ những suy nghĩ, những cảm xúc và trạng thái mà nhà văn muốn gửi gắm đến họ.
Đây, rõ ràng là bí mật của cái gọi là văn bản phụ.
Nhưng hãy quay trở về với những cơn mưa.
Có rất nhiều dấu hiệu liên quan đến chúng. Mặt trời lặn trong mây, khói rơi xuống đất, những con én bay thấp, trong sân những chú gà trống gáy liên hồi, mây kéo dài trên bầu trời thành những vệt sương dài – tất cả đều là dấu hiệu của cơn mưa. Và ngay trước cơn mưa, mặc dù mây chưa kéo đến, nhưng một làn hơi ẩm nhẹ đã cảm nhận ra được. Làn hơi ẩm ấy phải đến từ nơi mà những cơn mưa đã đổ xuống.
Nhưng sau đó những giọt nước đầu tiên bắt đầu nhỏ tí tách. Động từ “nhỏ” trong dân gian truyền đạt sự xuất hiện của mưa, khi những giọt vẫn còn hiếm hoi để lại những đốm đen trên những con đường, những mái nhà đầy bụi.
Rồi mưa rơi. Khi đó, cơn mưa phát sinh mùi thơm mát tuyệt vời của đất lần đầu tiên thấm ướt mưa. Mùi thơm ấy không tồn tại lâu. Nó được thay thế bằng mùi cỏ ướt, đặc biệt là cây tầm ma.
Có một đặc điểm là dù cơn mưa như thế nào thì ngay khi mới bắt đầu, nó vẫn luôn được gọi một cách rất trìu mến là mưa. “Mưa đi”, “Mưa bắt đầu rồi đấy”, “Mưa sẽ rửa sạch cỏ “…
Hãy xem xét một số kiểu mưa để hiểu cách một từ đi vào cuộc sống ra sao, khi nào các ấn tượng trực tiếp được liên kết với nó và điều này giúp người viết sử dụng nó một cách chính xác như thế nào.
Chẳng hạn, cơn mưa rào khác với cơn mưa lâm thâm như thế nào?
Từ “mưa rào” có nghĩa là – dữ dằn, nhanh chóng. Cơn mưa rào đổ tháo nước xuống và rất mạnh. Loại mưa này luôn tiếp cận với tiếng ồn đang đến.
Mưa rào trên sông đặc biệt lạ. Mỗi một giọt mưa khoan một chỗ lõm tròn trong nước, một cái bát nước nhỏ được hất lên, lại rơi xuống và trong chốc lát, trước khi biến mất vẫn còn như nhìn thấy rõ đáy của lõm nước này. Giọt nước long lánh sáng giống như ngọc trai.
Đồng thời, có tiếng chuông thủy tinh vang khắp dòng sông. Theo cao độ của tiếng chuông này, bạn có thể đoán được mưa đang mạnh lên hay đang dịu lắng dần.
Một cơn mưa lâm thâm, mịn màng rơi xuống từ những đám mây thấp. Những vũng nước mưa này luôn ấm áp. Cơn mưa không reo to, nhưng thì thầm điều gì đó của riêng mình, ru và khẽ cựa quậy trong bụi cây, như thể chạm vào chiếc lá này hay chiếc khác bằng những bàn chân mềm mại.
Mùn và rêu rừng hấp thụ từ từ, triệt để lượng nước mưa này. Vì vậy, sau trận mưa, nấm bắt đầu nhú ​​lên dữ dội. Nhiều loại nấm khác nhau mà không kể hết tên được
Với những trận mưa phùn, trong không gian có mùi khói; một loài cá xảo quyệt và khôn ngoan rất thích kiểu mưa này.
Người ta nói về cơn mưa rào ào tới ngay khi trời còn nắng, trong dân gian có kiểu ví von: ” Đó là công chúa đang khóc.” Những giọt mưa lấp lánh dưới nắng trông giống như những giọt nước mắt lớn. Và ai có thể khóc với những giọt nước mắt đau buồn hay vui sướng rạng ngời như vậy, nếu không phải là các nàng công chúa sắc đẹp không ai dám so bì!
Bạn có thể theo dõi trò chơi ánh sáng trong mưa một lúc rất lâu bởi những âm thanh hết sức khác nhau từ tiếng mưa gõ trên mái nhà lợp ván,  tiếng nước chẩy lóc bóc trong những chiếc ống thoát nước đến tiếng rú liên tục, dữ dội khi mưa đổ xuống, như người ta nói, hệt một bức tường mưa.
Tất cả những điều này chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì có thể nói về mưa. Nhưng ngay cả điều này cũng đủ để phẫn nộ trước những lời của một nhà văn đã nói với tôi bằng giọng chua chát:
-Tôi thích những con phố sống động và ngay cả ngôi nhà buồn thảm của ông hơn cái thiên nhiên mệt mỏi, chết chóc kia. Tất nhiên, ngoại trừ những rắc rối và bất tiện, mưa không mang lại điều gì cả. Ông chỉ là một kẻ mơ mộng!
Có bao nhiêu từ tuyệt vời tồn tại trong tiếng Nga dành cho cái gọi là một hiện tượng của thiên nhiên như mưa!
Những cơn giông bão mùa hè lướt qua trên mặt đất và rơi xuống phía chân trời. Trong dân gian người ta thích nói rằng cơn giông không trôi qua mà là rơi xuống.
Sét với tất cả sự ôm trùm của mình giáng thẳng xuống mặt đất, sau đó làm thốc lên những đám mây đen như muốn dựng đứng lên những cây cổ thụ bị đánh bật gốc.
Cầu vồng lấp lánh phía bên trên  khoảng không gian ẩm ướt, sương khói. Sấm cuộn ầm ầm, gào thét, tựa như có ai đó đang lăn những chiếc thùng gỗ khổng lồ trên tầng gác trời, làm mặt đất rung lắc.
Cách đây không lâu, ở một làng kia, trong một cơn giông bão, một cậu bé đến phòng tôi, nhìn tôi với đôi mắt to đầy thích thú và nói:
– Ông và cháu đi xem sấm sét đi, ông ơi!
Chú bé đã đúng khi dùng từ ở số nhiều “ ông và cháu “ bởi giông tố bao trùm, và sấm sét từ mọi phía cùng một lúc ùa ập tới.
Chú bé nói “đi xem sấm sét”, và tôi chợt nhớ những lời trong “Hài kịch Thánh thần” của Dante rằng “những tia sáng của mặt trời đã lặng ngắt”.
Chú bé và thi hào Dante đã có một sự thay đổi trong các khái niệm, nhưng ở cả 2 trường hợp đều mang lại một sự biểu cảm rõ ràng cho từ ngữ.
Tôi đã đề cập đến tia chớp rồi.
Thông thường, sét xuất hiện vào tháng Bảy, khi lúa mì ngậm hạt. Đó là lý do tại sao có một niềm tin dân gian rằng tia sét “sẽ nhanh chóng làm hạt lúa mì căng mọng hơn” – đêm đêm sét chiếu sáng những cánh đồng lúa mì và từ đó lúa mì mau được thu hoạch.
Cùng với tia chớp, đứng cùng một hàng mang nhiều chất thơ là một trong những từ đẹp nhất của tiếng Nga- bình minh. (Tiếng Nga, “tiếng sét” và “bình minh đều bắt đầu bằng chữ j). Từ này không bao giờ được nói to. Thậm chí không thể tưởng tượng rằng nó có thể được hét lên. Bởi vì nó giống với sự tĩnh lặng lắng đọng của đêm, khi một màu xanh trong và mờ nhạt mọc trên những bụi cây của khu vườn làng.
Trong giờ phút tinh mơ ấy, ngôi sao ban mai xà thấp nhất xuống trái đất. Không khí trong lành tựa như nước ở đầu nguồn suối.
Vào lúc ban mai, vào buổi bình minh, có chút gì đó nữ tính, rất thuần khiết.Ở chính thời khắc đó, cỏ được rửa sạch bằng sương, trong các bản làng thơm mùi sữa tươi. Và những người chăn cừu hát trong sương mù bên ngoài vùng ngoại ô.
Ánh sáng bừng lên rất nhanh. Trong ngôi nhà ấm áp ngự trị sự im ắng, cùng sự mờ ảo chưa nhận rõ mặt nhau.  Nhưng rồi những hình vuông ánh sáng màu cam rơi trên các bức tường gỗ, và các khúc gỗ sáng lên như thanh hổ phách nhiều lớp. Mặt trời đang mọc.
Ban mai vào mùa thu thì khác – ảm đạm hơn, chậm rãi hơn. Ngày miễn cưỡng thức giấc. Dẫu sao ban mai cũng không hể làm ấm lại mặt đất lạnh giá, không mang ngay tới những tia nắng còn quá yếu ớt. Tất cả mọi thứ đều chịu thua thiệt, chỉ có người là không chịu đầu hàng. Từ mửng sáng, gian bếp trong các ngôi nhà gỗ đã đỏ lửa. Khói bay lơ lửng trên các xóm thôn và lan lan xà sát mặt đất. Và sau đó, bạn nhận ra không, mưa sớm gõ nhịp trên những ô cửa sổ mờ sương.
Lúc chạng vạng đó không chỉ xuất hiện vào thời khắc ban mai mà còn cả lúc sập tối nữa.Chúng ta rất hay lầm lẫn giữa hai khái niệm chạng vạng ban mai và chạng vạng hòang hôn. Chạng vạng buổi tối bắt đầu khi mặt trời đã lặn ở cuối đường chân trời. Sau đó, trạng thái ánh sáng chiếm hữu bầu trời ấy mờ dần, trộn lộn nhiều màu – từ vàng đỏ đến xanh ngọc – và từ từ đi vào chạng vạng của đêm.
Gà gô gáy trong bụi cây, chim cút đập cánh, côn trùng rỉ rả đắng cay lần cuối tạm biệt đêm, những ngôi sao đầu tiên bùng cháy, và bình minh còn lâu nữa mới tỏa sáng trên những con đường xa vẫn mờ mịt sương mù.
Đêm trắng phương Bắc, đêm mùa hè của Leningrad – đấy là lúc chạng vạng tối kéo dài  hoặc có lẽ là sự kết hợp của hai thời khắc nhập nhoạng, của buổi tối và của buổi mai.
Không ai có thể nói điều này với độ chính xác đáng kinh ngạc như thi hào Pushkin:
Tôi yêu sự sáng tạo của thành Piter,
Tôi yêu vẻ ngoài nghiêm khắc, mảnh mai của nó,
Dòng chảy chủ quyền của Neva,
Đá granit ven bờ.
Có một mẩu hàng rào bằng gang,
Tôi yêu những đêm nghiền ngẫm của thành phố
Hoàng hôn trong suốt, không có ánh trăng,
Khi tôi ở trong phòng của mình
Tôi viết, tôi đọc mà không cần ngọn đèn,
Và rất đông người đang ngủ
Kim đồng hồ nơi tòa nhà Đô đốc,
không tiếp nhận bóng tối của đêm
cho tới lúc bầu trời vàng lên
Một chạng vạng này đến thay cho một chạng vạng khác
Vội vàng, lúc sắp nửa đêm.
Những vần thơ này không chỉ là đỉnh cao của thơ. Ở đó không chỉ có sự chính xác, mà còn có sự rõ ràng về thần thái và sự tĩnh lặng. Những vần thơ ấy chứa đựng tất cả sự kỳ diệu của tiếng Nga.
Ví nếu như ai đó có thể tưởng tượng rằng thơ Nga sẽ biến mất, rằng bản thân tiếng Nga cũng sẽ biến mất, và chỉ còn lại vài dòng này, thì ngay cả khi đó sự giàu có và sức mạnh du dương của ngôn ngữ Nga sẽ vẫn minh triết đối với tất cả mọi người. Bởi vì trong những dòng thơ này của Pushkin được chưng cất, như trong một tinh thể kỳ diệu toàn bộ những phẩm chất phi thường trong lời ăn tiếng nói của người Nga.
Một dân tộc đã tạo ra được ngôn ngữ như vậy thực sự là một dân tộc lớn lao và hạnh phúc.
TÔ HOÀNG
(Chọn dịch từ “Cuốn sách của những năm phiêu lãng”  của K. Paustovsky )
 
Hà Nội, 21/8/2015 
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ghi chép của Nguyễn Bình Phương: Palestine - Khi biển bị rào… Nhà văn Nguyễn Bình Phương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vừa cùng đo...