Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Nguyên Tô và Con chim sơn ca cô độc

Nguyên Tô và
Con chim sơn ca cô độc

Đọc Như Bình, tôi chạm tới những áng thơ đẹp, dù có giãy giụa trong niềm đau phanh tim hay nồng nàn tột đỉnh, người đàn bà thơ đều đẹp đến tận cùng mỹ cảm. Chú Gấu là em, chú Hoẵng cũng là em. “Em” “gục đầu dưới trăng”. Thi ảnh này đã trở đi trở lại trong thơ chị. Ở “Viết cho một kí ức” là “Em an táng vầng trăng trong bầu ngực”. Thì ở đây là một tư thế tuẫn đạo khi trái tim đã ngậm mũi tên tình yêu. Người đàn bà tuẫn tiết trong tình yêu, hay tình yêu “an táng” trong bầu ngực em. Đem “bầu ngực” em đặt cạnh vầng trăng- chỉ có Như Bình mới có năng lực nổi loạn câu chữ đến thế. Câu thơ như một bức bích họa. Tước đi mọi trang sức ngôn từ, em và trăng, đẹp thánh thiện…
Nhà văn – nhà thơ Như Bình
TẢNG ĐÁ ĐANG THIỀN
Thơ Như Bình
 
Hãy để em yên
ngoài kia bóng tối phủ rồi
mùa đông đang đến
con gấu nhỏ quen ngủ đông tránh rét
Đi sâu rừng già.
Ngoài kia gió đã gọi mùa về
cây thôi trút lá
chú hoẵng trốn sương lạnh
gục đầu dưới trăng
Hãy để em yên
em che kín mình bằng những mảnh mùa thu
người đừng vô tình dẫm lên
bàn chân không thấy đau sao dưới thảm vàng hoai mục.
Hãy để em được cất tiếng
thanh âm như những kí tự
em truyền chú mật ngữ vào thinh không
hãy để em yên.
Đừng khóc nữa những tán cây
đêm qua có chú chim quên bay về tổ
mùa đông đến sớm rồi, gió và mưa tơi tả
thương chim non run rẩy cánh mềm
Đừng gọi nữa hỡi vọng câm
Hãy lặng yên tảng đá đang thiền.
1.11.2021
Lời bình của Nguyên Tô:
Mary Shelley, nhà văn, nhà thơ của nước Anh, thế kỉ XVIII, từng nói: “Thi sĩ là con chim sơn ca ngồi trong bóng tối hát lên những tiếng êm dịu để làm vơi đi sự cô độc của chính mình”. Từ cách xa chúng ta hàng mấy thế kỉ nữ thi sĩ đã cất lên nỗi hoang hiu, trong cái tôi nghệ sĩ cô đơn. Tôi mượn lời bà, bởi đó là tiếng nói phổ quát. Cô đơn chính là bản năng, gia tài tự tại của con người. Nghệ sĩ tầm vóc, cô đơn càng ngạo nghễ. Nỗi niềm ấy, tôi gặp trong hậu sinh của bà, nữ văn sĩ, họa sĩ, người họa hình bằng thơ. Như Bình qua thi phẩm “Tảng đá đang thiền”. Như Bình là tiếng nói riêng nhưng cũng đa mang niềm trắc ẩn thân phận đàn bà vì thế chị lên tiếng cho tất cả đàn bà, đặc biệt là phụ nữ tài hoa.
“Tảng đá đang thiền”, Như Bình là một người đàn bà mà chị có vẻ đẹp tưởng là bình lặng nhưng ẩn chứa trong đó là nội tâm dữ dội, sâu thẳm. Thi sĩ hiện đại, nhưng nhan đề thơ của chị lại gợi về thuở hồng hoang và mang màu sắc thơ trung đại. Những thế kỉ, bao nho sĩ phong kiến tạc tim mình vào thiên nhiên. Lấy thiên nhiên làm phong cảnh dữ dội cho tâm hồn con người. Trái tim chị run rẩy với nguyên sơ, hóa thạch thời gian. Người đàn bà tự đóng đá mình. Nhưng dù có khoác cho mình tấm giáp sắt thì tôi đồ rằng, duyên phận đã đâm cho nhân vật trữ tình những vết thương chí mạng. Tuy nhiên, cũng là một phép ban của tạo hóa, đàn bà xứ hủ nho vốn mang nhiều nỗi ràng rịt thân phận, thì họ lại có nhiều cách thức để phóng sinh cảm xúc. Đàn bà như dòng suối nhỏ, để chảy trôi muộn phiền, họ khác đàn ông. “Em” không hề che dấu bản năng đàn bà của mình: em- “Tảng đá đang thiền”. Như Bình hiện sinh ở cách dùng từ rất độc đáo: “đang”, hiện tại vẫn nóng rãy, con đường thiền mới lưng chừng. Nữ sĩ bắt trúng, gọi đúng tâm lý phụ nữ. Người đẹp vốn là một vưu vật, cái đẹp thường mỏng, người đẹp nghệ sĩ, tâm hồn càng mong manh. “Em” gắng gỏi đóng băng tim mình, nhưng tự sâu thẳm là một niềm đa đoan mơ hồ rất khó gọi tên. “Tảng đá đang thiền”- một nhan đề đầy sống động, Như Bình đã thổi hồn vào đá, đá mang sinh mệnh.
Và tứ thơ của chị đầy sức dẫn dụ. Không theo lối mòn thông thường, bằng cách vẽ ra những không gian lộng lẫy cho đôi cánh tình yêu, Như Bình dẫn độc giả xuyên không. “Em” đi sâu vào mình. Ai đó nói “đàn bà tóc dài trí tuệ ngắn”. Tôi quả quyết, đó là nhận xét hồ đồ. Vì thơ Như Bình đã đem cả vũ trụ và thế giới người vào trái tim đàn bà: có âm thanh “em” lẫn trong chim muông tác bạn, cả hình vóc đại ngàn run lên dưới cơn lệ trời. Tình yêu của anh thức dậy cả vũ trụ, khiến em phải van nài “Hãy để em yên”. Tôi đồ rằng, “em” đầy quyền lực, mềm như nước, lạnh như đá. Bốn chữ ngắn ngủi tưởng như mệnh lệnh, nhưng chân cảm run rẩy tận tế bào.
Nhà giáo Nguyên Tô ở Bắc Ninh
Đi sâu rừng già. Em cô đơn giữa bao la thiên hà. Ngoài kia là bóng tối, mùa đông, trong này là rừng già, vì bắt “để em yên”, nên chỉ còn mình em thôi. Những câu thơ bắt mạch nỗi yếu đuối đàn bà, lại dào dạt niềm kiêu ngạo da diết. “Em” trong đêm đông đã đem táng trái tim trần trụi trên những mỏm đá cô đơn vời vợi:
“Hãy để em yên
ngoài kia bóng tối phủ rồi
mùa đông đang đến
con gấu nhỏ quen ngủ đông tránh rét
Đi sâu rừng già”
“Em” đang lưng chừng, lỡ cỡ, nói chối từ mà trong lòng yêu cứ cồn cào. Tình yêu là vậy, khi trái tim lên tiếng thì lý trí đành câm lặng. “Em” đang tự dối mình, vỗ về anh, một sự níu van, nũng nịu, dấu yêu đến thổn thức. “Hãy để em yên”, nhưng lại vẽ ra bóng tối, đêm đông, tiếng loài ẩn nấp lẻ bạn. Đàn ông trong cơn say mê sẽ bất chấp tất cả, dù vũ trụ có tan tành.
“Ngoài kia gió đã gọi mùa về
cây thôi trút lá
chú hoẵng trốn sương lạnh
gục đầu dưới trăng”
Đọc Như Bình, tôi chạm tới những áng thơ đẹp, dù có giãy giụa trong niềm đau phanh tim hay nồng nàn tột đỉnh, người đàn bà thơ đều đẹp đến tận cùng mỹ cảm. Chú Gấu là em, chú Hoẵng cũng là em. “Em” “gục đầu dưới trăng”. Thi ảnh này đã trở đi trở lại trong thơ chị. Ở “Viết cho một kí ức” là “Em an táng vầng trăng trong bầu ngực”. Thì ở đây là một tư thế tuẫn đạo khi trái tim đã ngậm mũi tên tình yêu. Người đàn bà tuẫn tiết trong tình yêu, hay tình yêu “an táng” trong bầu ngực em. Đem “bầu ngực” em đặt cạnh vầng trăng- chỉ có Như Bình mới có năng lực nổi loạn câu chữ đến thế. Câu thơ như một bức bích họa. Tước đi mọi trang sức ngôn từ, em và trăng, đẹp thánh thiện.
Người đàn bà dưới trăng lại lần nữa cất lên điệp khúc: “Hãy để em yên”. Như một sự nài níu, trốn mình trong tảng đá, lầm lì trơ khấc, nhưng không trốn được tình yêu. “Em” tự cầm cố khát thèm “che kín mình bằng những mảnh mùa thu”. Câu thơ như một làn thu xao xuyến. Thu tự muôn đời vốn là mùa bâng khuâng của thi nhân. “Em” bầu ngực, vầng trăng ngạo nghễ tràn đầy nhựa sống nhưng phải chơi trò ú tim với anh bằng mùa lá rụng, cầm cố mình dưới thảm thực vật tình yêu. Người đàn bà đẹp, dẫu đi vào cõi cô đơn thì vẻ một mình càng tôn lên nét diễm lệ. Em cựa mình dưới thảm vàng, anh đi qua em, nhưng không phải bằng bàn chân vô tình mà lướt như làn gió thơm hương nhau đắm đuối. Câu thơ như một nỗi xuýt xoa. Cách loài người bao nhiêu thế kỉ Tây Thi càng nhăn nhó, càng đẹp, thì câu thơ Như Bình đã truyền tải vẻ yểu mị đó bằng những lời thầm thĩ khiến anh và độc giả thấy xót xa. Con chữ Như Bình đã khởi tạo tình yêu, một nét cọ thần tình vẽ hình vóc và sự dịu dàng của người đẹp. Mùa thu, thu vào mình “thảm vàng hoai mục”. Nữ sĩ đã pha màu cho bức tranh thu, mặt đất trong bước mùa đi đã dệt nên bức thảm mềm mại đến tinh xảo, dường như chỉ trong khoảnh khắc cả đại ngàn rùng mình trút lá dệt dệt muôn vàng. Thu đẹp lộng lẫy. Dưới chân tảng đá thiền, một thảm vàng hoai mục nhưng trong ngực đá, hạt mầm cựa, đá khát cháy như mắc ma trào dâng từ muôn kỉ băng hà. Như Bình, phù thủy của ngôn ngữ, trong vòm ngực nàng chứa trái tim diễm lệ! Chị đã dẫn dụ cảm xúc độc giả. Tứ thơ như luồng ánh sáng chói lói bừng thức mọi luân xa huyệt đạo. Những úa tàn của trùng trùng kiếp kiếp đã được phong gói trong “hoai mục”. Ngôn từ mở ra một thế giới lạ lẫm, đẹp bàng hoàng. Gọi chính xác khoảnh khắc lìa bỏ nhưng lại khởi sinh một hành trình mới
“Hãy để em yên
em che kín mình bằng những mảnh mùa thu
người đừng vô tình dẫm lên
bàn chân không thấy đau sao dưới thảm vàng hoai mục”
Như Bình là người phụ nữ làm thơ, nên mang niềm trắc ẩn bản năng. Gia tài người nghệ sĩ còn gì khác ngoài nỗi cô đơn bản năng?
“Hãy để em được cất tiếng
thanh âm như những kí tự
em truyền chú mật ngữ vào thinh không
hãy để em yên”
“Em” đang nói với mình hay nói với anh? “Em” đã bị dấu yêu dày vò trong cảm xúc mãnh liệt vô biên, dỗ dành trái tim mình, dỗ dành anh. Từ “yên” đến “cất tiếng”- “em” đang hành thiền, những kí tự cảm xúc đang quẫy đạp trong thế giới “em”. Tác giả diễn đạt rất chỉnh con đường ngẫm ngộ trên cõi hành thiền. Thơ là người thư kí trung thành của trái tim, thi sĩ là người cho máu. Nên mỗi câu thơ của chị là máu và nước mắt đàn bà trong đa đoan cuộc đời. Như Bình đã nói được những bộn bề, chi chít ngã tư của đường đời, mà con người là kẻ lữ hành vác trên mình cây quyền trượng khát vọng: công danh, sự nghiệp, tình yêu, hạnh phúc. Vai đàn bà phải mang thứ “thánh giá” sức nặng như trái núi ấy, mệt mỏi, cô đơn, tự cảm, hun hút đường dài, là tất yếu. Như Bình, với ngòi bút trong tay, đã chạm tới mọi nẻo, từ đài cao rực rỡ, đến xó tối tâm hồn, kiến tạo ngôn ngữ thần tình. “Kí tự, mật ngữ”, là những từ chỉ ngôn ngữ nhưng tài hoa của tác giả đã dồn vào chúng, như một cách chị vứt trí não giữa trang thơ, để chúng tự hôn phối và khai sinh những điều mới mẻ. Điều quan trọng của người nghệ sĩ là để lại tiếng nói riêng trong tác phẩm. Thơ Như Bình, dù đứng giữa đám đông cũng không thể trộn lẫn vì nó chứa bùa chú, mật ngữ. Chiết tự bằng cách tách riêng từ “kí tự”, ta có “kí” và “tự”.” Kí” có thể coi là dấu vết của nét vẽ phóng khoáng, lại mang tâm thế kí thác, một sự trao trút trăng trối trong cơn hấp hối sáng tạo, người nghệ sĩ vắt kiệt mình cho đứa con tinh thần. Thì “mật ngữ, “mật”- bí mật, mật mã, quy ước thiêng liêng, chỉ có anh và em biết, cũng là mật ngọt, vị tình yêu, “ngữ” là ngôn. Giải mã cả hai từ: ngôn ngữ bí mật của tình yêu ta đã khắc trong nhau. Tình yêu qua sự minh triết của nhãn huệ, giúp con người đủ tỉnh táo để giữ mình, phép hành thiền đắc địa để giữ tròn an ấm, không đẩy gia đình xuống huyệt mộ, nhưng tận thẳm sâu vẫn là những rung cảm đa đoan. “Em” yêu tỉnh táo, em yêu dại khờ. Ngôn ngữ thơ Như Bình có sức mạnh phục sinh và chối từ. Đàn bà trí tuệ, khôn ngoan biết giữ bàn chân mình trong lằn ranh giới đạo đức, nhưng tự cắn vỡ trái tim mình trong tử thương. Tình yêu muôn đời cắc cớ, không thể xác quyết, hay lý giải minh triết. Như Bình đã họa hình tình yêu qua gương mặt người đàn bà đẹp mà cao ngạo. “Em” không đi đến tận cùng, em chênh vênh, lưng chừng, “em” kí thác vào thơ những mật ngữ tình yêu đắm đuối và tỉnh táo. Hiểu đa đoan đàn bà, có lẽ chỉ Như Bình.
Tình yêu tảng đá vọng ngân khắp vũ trụ, bầu trời, rừng già, đi qua mùa vàng óng ả, thiêm thiếp trong những tiếng kêu đêm, lạnh như đêm, thơm hương như gió, nóng ấm như bầu ngực dưới trăng của em, để đến đoạn cuối, những câu thơ trở mình trong cơn kích động của một trái tim đau khổ. Giữa hỗn mang cảm xúc đắm đuối và đất trời rung giật, em trốn yêu vào thiền. Một lựa chọn đau đớn làm tuyệt tự cả ham muốn, người đàn bà Á Đông, cuối cùng vẫn quay về con đường bổn phận. Sự chung chiêng giữa sống hay không sống. Thực ra rất khó phân định. Yêu là sống trọn vẹn, trái tim uống vào lửa cháy, yêu là chết, là thiêu rụi mái ấm. Đến đây niềm cô đơn đàn bà òa khóc. Như Bình đã nói rất thật nỗi bẽ bàng phiền muộn đàn bà. Có biết bao đàn bà Việt Nam giữa gia đình mà luôn thấy trái tim tồng tuềnh, cô đơn rợn ngợp? Có bao người trong muôn người gặp được tri kỉ đời mình. Chị đã vẽ nỗi khát khao rất đàn bà, một sự tự thương, một niềm tự vỡ.
Trái tim dốc cạn yêu phập phồng trong thế giới ảo mộng. Người đàn bà tự vỗ về nỗi cô đơn, tự khóc với vai mình, chao ôi là đơn độc, cả một vòm trời lồng lộng pho tượng đá. Người đàn bà tự tạc mình vào muôn kỉ băng hà. Hy sinh vốn là thứ phẩm giá mặc định cho phụ nữ Á Đông, đàn bà giỏi việc nước, đảm việc nhà, hai vai đa mang, có bao nhiêu khoảnh khắc đẹp họ sống cho mình, hay chỉ cặm cùi mài mực mà vẽ nên bức tranh viên mãn gia đình? Thơ chị đặt ra những trăn trở mang tầm vóc xã hội về giới. Chị tôn vinh mình, tôn nên phẩm giá đàn bà. Thơ chị đẹp cả trong nỗi đau đời, mang khuôn mặt thân phận đàn bà.
“Đừng khóc nữa những tán cây
đêm qua có chú chim quên bay về tổ
mùa đông đến sớm rồi, gió và mưa tơi tả
thương chim non run rẩy cánh mềm
Đừng gọi nữa hỡi vọng câm
Hãy lặng yên tảng đá đang thiền”.
“Hãy để em yên”. Em tự bắt mình vô ngôn, nhưng bất lực và em òa khóc. Như Bình đặt nước mắt đàn bà trong “chim non run rẩy cánh mềm”. Chị với trái tim nghệ sĩ bẩm sinh đã đau nỗi đau giới, đã thương những nát bấy trong hồn tối của thân phận tình yêu đa đoan. Em tự phóng sinh yêu thương bằng một đêm “lạc đường”. Chao ôi là tình tội, đàn ông lạc đường, có đi xa đến đâu vẫn có đường về, đàn bà quên lối dù trong khoảnh khắc lầm lỡ, thì mọi cánh cửa đều khép chặt. Thơ Như Bình nhân văn như một niềm thống thiết về những hủ tục vô hình, từ bóng ma phong kiến gớm ghiếc qua bao thế kỉ vẫn đeo gông phụ nữ. Đàn bà là chúa ích kỉ, đàn bà tài sắc thì càng ngạo nghễ, nhưng Như Bình đã bước ra khỏi gia tài phụ nữ giàu có của mình để cất lên thông điệp về đàn bà. Chị đã vượt lên khỏi thân phận đàn bà, lồng lộng vẻ đẹp nhân cách.
Như Bình đánh rơi con tim yếu đuối của em vào cõi đá, “vọng câm”. Ngôn từ của chị ở đây đã thành một thứ kí tự ma mị truyền mật ngữ vào vọng câm. Vô ngôn nhưng âm vang. Ám ảnh mà da diết.
Người phụ nữ nhập thiền trong thinh lặng. Đoạn thơ đẹp như một bức vẽ. Có đại ngàn kiêu vĩ, thẳm tận như từ muôn kỉ phôi thai đá, ghé trên bầu đông lạnh đen, nhưng tất cả bỗng trở nên sống động dưới cánh non mềm chú chim thấm lệ trời. Người ta từng nói, có loài chim cứ lao mình vào gai xước đến nhỏ máu, trong tử thương để yêu bầu trời. Cánh chim gầy guộc, cô đơn tột cùng. Đi đến tận cùng bản thể, ta tìm thấy mình. Khao khát được thấy gương mặt tâm hồn mình, đó chẳng phải là phép nhập thiền của nhân loại? Thơ Như Bình vì thế, sâu sắc, khơi mở mọi huyệt lộ, luân xa cảm xúc Người trong cõi thế, đa đoan trên hành trình đi tìm chính mình.
NGUYÊN TÔ
 
Hà Nội, 21/8/2015 
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...