Nguyên Minh với nỗi ám ảnh
cô đơn và tâm thức lưu đày
trong
hành trình sống và viết…
Nguyên Minh, một nhà văn mà sự ám ảnh của cảm thức cô đơn và
tâm thức lưu đày như một yếu tính thôi thúc anh cầm bút để được chia sẻ, để được
cảm thông, để được sáng tạo…
Nhà phê bình Trần Hoài Anh
1. Không phải ngẫu nhiên trong truyện Dĩ vãng ôm đầy,
khi nghĩ về những tháng năm đã qua trong cuộc đời, nhân vật xưng Tôi đã xác quyết
về sự hiện hữu của mình: “Tôi sống một mình, viết văn, đọc sách và lang thang
(…) vẫn chạy theo những đam mê nhất thời”.[1]Và trong
truyện Bàn tay, lại khẳng định: “Ngôi nhà to lớn sừng sững trước mặt tôi.
Tôi mở cửa bước vào (…) Tôi đi từ căn phòng này sang căn phòng khác. Tất cả đều
trống trải và im vắng. Thứ im vắng này làm tôi dễ chịu vô cùng. Thà một mình
tôi trong căn nhà không người, không một đồ vật còn hơn bao quanh tôi những người
thân quyến của tôi: cha tôi, mẹ tôi, anh tôi, em tôi, nhưng tất cả đều xa lạ với
tôi. Hai mươi năm trời tôi sống như vậy. Tôi sống mà như đã chết rồi đối với
người thân. Tôi đưa tay sờ lên mắt, lên tai, lên mũi, lên tóc tôi. Thân thể tôi
đây. Tôi đưa tay che miệng và la lên: Hoàng ơi! Hoàng ơi! Những tiếng vọng lại
và nhỏ dần chạy từ phòng này sang phòng khác, thành một điệp khúc. Hoàng ơi!
Hoàng ơi!”.[2]Như vậy, cảm thức cô đơn và tâm thức lưu
đày được đẩy đến tận cùng khi Tôi trở thành kẻ xa lạ trong chính ngôi nhà của
mình. Còn gì đau khổ hơn khi trong tâm thức người thân “Tôi sống mà như đã chết
rồi”. Nghĩa là, tôi không hiện hữu trong ý thức của họ. Tôi trở thành một sự vô
nghĩa trên cõi nhân gian này. Phải chăng, đây là căn nguyên để nhân vật Tôi tìm
đến với văn chương như một sẻ chia và trên cả sự sẻ chia còn là để khẳng định sự
hiện hữu của bản thể cho dù là một bản thể luôn bị ám ảnh trong cảm thức cô đơn
và tâm thức lưu đày. Theo tôi, đây chính là chìa khóa mở cánh cửa trong hành trình
sáng tạo, để giải mã thế giới văn chương của Nguyên Minh mà anh xem là sự đặt để
của số phận, như chính anh đã xác quyết: “Những ngày còn lại cuối đời, tôi
không có thì giờ để tự vấn mình nữa, mà tôi phải viết ra những gì tôi ấp ủ
trong lòng từ bao nhiêu năm của cuộc đời tôi về những người đã đi qua đời tôi
như một nón nợ cần phải trả. Nếu không, như có một vật gì nặng nề đè lên trái
tim tôi làm tôi ngạt thở. Và tôi sẽ chết”[3].
Và để không thể chết, cả về phương diện thể xác lẫn tinh thần,
sau hơn hai mươi năm lặng im, đến khi tình yêu đầu đời cùng những hoài niệm tuổi
trẻ ở một thời viễn du trong cõi văn chương đầy đam mê, và khát vọng thức dậy,
khiến anh không thể ngủ yên, để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa, nên anh
đã cầm bút trở lại và tác phẩm Tưởng chừng đã quên (Nxb. Thanh niên,
2007) đã ra đời như đánh dấu sự “phục sinh” trong hành trình sáng tạo của
Nguyên Minh. Rồi, trong một lần đi duyệt bản thảo cuốn Tưởng chừng đã quên,
biên tập viên nhà xuất bản Thanh niên, có hỏi Nguyên Minh – nhà văn: “Đây là tập
truyện ngắn hay hồi ký?” Anh trả lời: “Truyện ngắn thì có hư cấu. Hồi ký thì phải
đúng sự thật. ở đây thật hư lẫn lộn. Tốt nhất không để thể loại gì cả”. Sau này
cuốn Ngôi nhà số 11 cũng thế, có người gọi là tiểu thuyết, truyện
dài, tập truyện ngắn đều có lý cả”.[4] Nói như anh,
đó là cách nói “hàm hồ” của một nhà văn, người chỉ chuyên tâm sáng tác mà không
quan tâm đến vấn đề lý thuyết về thể loại văn học. Điều này, chúng ta có thể cảm
thông và chia sẻ với anh. Bởi, vấn đề nhà văn quan tâm khi viết không phải là sự
định danh cho tác phẩm thể loại gì mà cái chính là họ muốn gởi thông điệp gì đến
người đọc. Song, khi đã sinh ra một đứa con, dù là đứa con tinh thần như tác phẩm
văn học thì cũng cần định danh cho nó, nghĩa là phải xếp nó vào một “thể loại”
nhất định mà xưa nay con người đã qui ước. Chính vì vậy, khi đọc các tác phẩm của
Nguyên Minh, từ những tác phẩm viết trước 1975 như Đám tang Đa Đa (Ý
Thức xuất bản, Sài Gòn, 1971, Nxb. Hội Nhà văn, TB, năm 2019); Căn nhà
hoang (Ý Thức xuất bản, Sài Gòn, 1975) và các tác phẩm viết sau 1975
như: Tưởng chừng đã quên (Nxb. Thanh niên, 2007); Ngôi nhà số 11,
(Nxb. Thanh niên, 2009); Màu tím hoa mua (Nxb. Thanh niên,
2014); Dòng sông trong trí nhớ (Nxb. Hội Nhà văn, 2018), tính chất tự
truyện hầu như chi phối khá sâu sắc các tình tiết, nhân vật, bối cảnh, được anh
nói đến trong các tác phẩm, nên theo tôi có thể gọi tác phẩm của anh là những tự
truyện, một thể loại mà hiện nay đang có sức lan tỏa trong đời sống văn học
cũng như trong sự tiếp nhận của công chúng. Có hiểu được điều này, chúng ta mới
thấu cảm được thế giới tâm trạng của nhân vật Tôi được tác giả xây dựng trong
tác phẩm như một “cái loa” phát ngôn cho những suy tư, những nỗi niềm, những
hoài niệm của nhà văn về tình yêu, về tuổi trẻ, về cuộc sống, về thân phận con
người trong chiến tranh cũng như trong thời hậu chiến ở một đất nước mà những
biến thiên của lịch sử, xã hội đã làm đổi thay bao phận số con người. Và bao
trùm lên những bình diện này của đời sống thể hiện trong văn chương của Nguyên
Minh là sự ám ảnh của cảm thức cô đơn và tâm thức lưu đày của chính anh và phận
số các nhân vật mà anh đề cập đến trong tác phẩm.
2. Đọc Căn nhà hoang, những câu chuyện Nguyên Minh viết
từ những thập niên sáu mươi, bảy mươi ở miền Nam trước 1975, ta thấy ở đó rất
rõ dấu ấn cảm thức cô đơn và tâm thức lưu đày của những người thanh niên khi bước
vào đời, phải sống trong trong cảnh loạn lạc của chiến tranh, khi cái chết, sự
chia ly, mất mát luôn rình rập phận số của họ mỗi ngày, còn tương lai chỉ là một
bầu trời xám xịt, mờ sương của một “miền hoang vu” ngập tràn hư ảnh. Đó là một
cuộc sống hoàn toàn vắng lạnh, chỉ có những con người hiện hữu với nỗi cô đơn
chất ngất, mang thân xác lưu đày trong một thế giới rỗng không, vô nghĩa: “Tôi
bước vào quán, treo mũ trên móc. Quán vắng, không có một người khách nào khác
tôi. Đứa con gái chiêu đãi uể oải tiến lại. Khi nàng đặt phin cà phê trước mặt
tôi, nàng xem vẫn như không có ai trong quán này, nàng ngồi dựa ngửa vào một ghế
ở góc tường và hát mấy câu vọng cổ: “Anh ơi! Anh nào nỡ bỏ em bơ vơ một mình
nơi xứ lạ quê người…”.[5]Rõ ràng, sự ám ảnh của cảm thức
cô đơn và tâm thức lưu đày đã chảy qua từng ngữ ngôn, qua cái nhìn của nhân vật
Tôi, để rồi nhân vật Tôi / Nhà văn đã thốt lên một cách xa xót khi nhận ra đó
không chỉ là cuộc đời của cô chiêu đãi viên mà đó cũng là cuộc sống của chính
mình: “Vẻ mặt người con gái mang nỗi đau thương giống như một cô đào cải lương
đóng vai trò đó trên sân khấu. Tôi nhìn tôi qua người chiêu đãi đó”. [6]Và trên sân khấu cuộc đời ấy, nhân vật Tôi / Nhà
văn và bè bạn đã sống những tháng ngày đau thương, buồn chán, mất cả tuổi trẻ,
tình yêu và thân xác mình trong cuộc chiến tranh vô nghĩa. Chúng ta có thể cảm
nhận điều nầy qua lời than xé ruột của cụ già bị điên loạn vì mất con trong một
tình cảnh rất trớ trêu ở truyện Chuyến xe khắc nghiệt mà nhà văn đã
tái hiện khá tinh tế với những chi tiết vô cùng cảm động qua lời kể của người bạn:
“Mỗi buổi chiều tắt nắng một lão già, áo quần rách tả tơi, tóc bạc phếch, vai
mang cái đòn gánh, mỗi đầu treo lủng lẳng thân cây chuối mục, chân bước xiêu vẹo,
còn hai bẹ chuối đập vào sau lưng, đập vào trước ngực, và lão kể lể, khi cười
khi khóc: “Ngủ yên đi con, ngủ yên đi hai con, sao cứ đụng cha hoài vậy, ái
đau, để cha cỏng thằng Hòa đã chứ, rồi mới đến lượt thằng Hữu, tụi bay không chịu
hả, làm gì cũng cùng cả hai, đúng là anh em sinh đôi, thôi thì để cha cỏng hai
đứa một lượt. Hai thằng con cười đùa thích thú chưa” Lão đứng sựng, nét mặt
thay đổi quá đột ngột, đang cười đó lại khóc sướt mướt đó. “Trời đọa đày tôi
sao, cả hai đứa đều chết, mà anh em ruột thịt bắn giết lẫn nhau” Tuân kể lại
chuyện mà tôi cứ ngỡ ông già điên ấy là Tuân, đôi mắt Tuân rơm rớm giọng nói thật
trầm:
– Hai anh em Hữu đều là bạn tao, tên Hòa theo bên kia, Hữu ở
nhà nuôi cha đi dân vệ để được ở trong xóm làng. Một cuộc tấn công quận lỵ, sau
một đêm kinh hoàng, buổi mai xác chết đôi bên nằm đầy trong sân quận. Hai xác
chết mà mọi người trong xóm làng rúng động đó là anh em Hòa Hữu, hai tay nắm chặt
lấy nhau, hai tay còn lại cầm súng và hai lưỡi lê cắm vào bụng nhau, bốn mắt mở
to trừng trừng, ông già nhận được xác con vuốt mắt cho lũ con nhắm khép lại.
Khi hai đứa nhận được nhau thì đã trể phải không?” [7].
Những điều tưởng chừng như oan nghiệt ấy lại là sự thật trong chiến tranh mà sự
phi lý của nó không một lời biện minh nào có thể khỏa lấp được!? Vì vậy, lời
nguyện cầu cho đất nước hòa bình của nhân vật Tôi/ Nhà văn trong câu chuyện đã
sáng lên một giá trị nhân văn sâu sắc: “Đêm nay, mọi người sẽ trải qua một giấc
mộng đẹp? giấc mơ thiếu bóng dáng khuôn mặt chiến tranh, hận thù. Tôi cầu mong
như vậy”[8]. Nhưng trong chiến tranh, tuổi trẻ có khi
nào được sống bình yên, an lành với những giấc mơ hồn nhiên, mà họ đã bị ném
vào chảo lửa của cuộc chiến và sau lưng họ là những nỗi cô đơn, lo sợ của người
thân. Đây cũng là tâm trạng của Điệp, người con gái, chồng vừa cưới lại phải ra
chiến trường: “Tôi không muốn phải nhìn thời gian trôi đi chậm chậm mang theo nỗi
buồn, nỗi lo sợ về tính mạng của Thơ cùng sự cô đơn của tôi trong lúc này”.[9] Và “mỗi lần nghe tin người quen vừa tử trận, mẹ
thường cầu nguyện cho anh. Em không dám để một giây phút rỗi rảnh, em tìm việc
làm liên miên. Em chờ anh về. Em sợ những giây phút chợt thức giấc thấy vầng
trăng chiếu qua khung cửa sổ, và mình thì cô đơn. Những bạn gái của em lần lượt
chít khăn tang, theo sau một đàn con dại. Em không dám nghĩ rằng một ngày nào
đó em cũng phải như thế. Tất cả đều do định mệnh phải không anh?”.[10] Dẫn lại các diễn ngôn viết về chiến tranh này,
tôi không có ý muốn gợi lại nỗi mất mát đau thương của những ngày chinh chiến
đã qua mà chỉ muốn các bạn trẻ sau này, những người không phải trải qua chiến
tranh chia sẻ với những mất mát không nên có của thế hệ thanh niên ngày trước,
để càng quí hơn cuộc sống bình yên mà chúng ta đang có, cho dẫu vẫn còn những
điều bất cập, không được như mong ước. Nhưng dẫu sao, hôm nay không còn tiếng
“đại bát đêm đêm dội vào thành thành phố”, không còn những nỗi đau “người chết
hai lần, thịt da nát tan” mà Trịnh Công Sơn đã nói đến trong di sản nhạc phản
chiến của anh cũng là điều đáng quí. Mặt khác, những câu chuyện trong tập truyện
này của Nguyên Minh cũng cho thấy khát vọng hòa bình, tình yêu thương và sẻ
chia với nỗi khổ của phận số con người là những giá trị nhân bản cần được ghi
nhận từ những trang văn của Nguyên Minh cũng như của những nhà văn, nhà thơ thế
hệ anh ở các tác phẩm viết về chiến tranh trong văn học miền Nam trước 1975
như: Trần Hoài Thư, Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương, Vũ Hữu Định, Luân Hoán, Trần
Vàng Sao, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn…. mà những lời thơ đầy bi thiết của nhà
thơ Linh Phương trong bài thơ Một nửa cuộc đời của tôi trong tập
thơ Kỷ vật cho em do Thư Ấn Quán tái bản, 2006 là một xác chứng: “Tôi
đánh mất một nửa cuộc đời/ vào cuộc chơi khắc nghiệt/ có người yêu và bạn bè
thân thiết/ Ơ Sài Gòn/ Một nửa cuộc đời như sợi chỉ mỏng manh/ Cột chặt số phận
tôi trên giá treo cổ/ Của chiến tranh/ Ôi! chiến tranh/ Giống như que diêm bùng
lên ngọn lửa rực rỡ/ Ngọn lửa bạo tàn thêu đốt lòng nhân/ (….) Trong chiến
tranh tôi còn lại nửa cuộc đời/ Nửa cuộc đời tôi nâng nui – trân trọng/ Bằng
trái tim nóng bỏng/ Tôi khao khát được sống với những gì đáng sống/ Tôi khao
khát được yêu với những gì đáng yêu/ Tôi khao khát được quên với những gì đáng
quên/ Tất cả sẽ chìm vào quá khứ/ Khi tôi đặt giữa trái tim mình/ Một đóa hồng
tin yêu và hy vọng/ Ngày mai đất nước hòa bình”.[11]
Nhà văn Nguyên Minh (giữa)
Song, ở những trang văn của Nguyên Minh, không chỉ có sự mất
mát đau thương của tuổi trẻ trong chiến tranh mà tình yêu của họ cũng chìm sâu
trong những vỡ tan, chỉ còn lại cảm thức cô đơn với một cuộc đời vô định trong
một tâm thức lưu đày: “Uyên ra bến tiễn tôi đi. Tôi nhìn Uyên lần cuối của một
cuộc tình vừa tan. Bao nhiêu kỷ niệm xót xa, êm ái đã qua (…) Và tôi trong những
ngày sắp tới vẫn mãi mãi đi trên con tàu vô định” của kiếp sống lưu đầy.[12] Và trên con tàu vô định ấy, nhân vật Tôi/ Nhà
văn, còn gặp những người tình dù đã đem đến cho mình những cảm xúc yêu thương
thánh thiện, đáng yêu của tuổi trẻ nhưng rồi, những người tình ấy cũng “bỏ ta
đi như những dòng sông nhỏ” (TCS) để lại trong tâm hồn người con trai ấy những
nỗi đau, sự trống vắng và cô độc: “Nga đến bất chợt và Nga cũng ra đi vội vàng.
Buổi chiều nhận được tin, tôi bàng hoàng xúc động. Buổi sáng sớm, tôi chạy đến
gặp Nga lần cuối. Kẻ đứng ngoài thành tường, người bên trong vườn. Những lời
nói dự định từ trước bỗng trở thành sự im lặng… Nga như con chim đã bay và bay
đi mất. Nga như nàng tiên trong giấc mơ một lần hiện đến trong đời rồi biến tăm
mất dạng … gọi tên Nga như một lời thảng thốt. Gọi tên Nga như gọi về vùng tuổi
thơ mình đã đánh mất”. [13] và trong lòng của
người con trai – nhân vật Tôi, chỉ còn lại một nỗi đơn côi, trôi trong một tâm
thức lưu đày mà phận số đã dành cho mình, để rồi trải qua những tháng năm phiêu
bạt, người con trai ấy đã tự vấn: “Ôi hai mươi bảy năm trôi qua tôi đã sống, đã
yêu đã ghét, đã ước mơ và đã thất vọng ê chề, hai mươi bảy năm qua bao khuôn mặt
người thân khắc sâu trong tim giờ đã chết đã đi xa. Còn lại ai?”[14] Và bửa tiệc trong đêm sinh nhật 27 tuổi của nhân
vật Tôi đã miêu tả trong tác phẩm là câu trả lời cho những điều tự vấn này và
cũng là biểu hiện của cảm thức cô đơn và tâm thức lưu đày trong cuộc sống mà sự
hiện hữu chỉ là một cõi hoang vu: “Tôi đưa ly rượu lên một mình giữa khoảng
không như chia buồn những người thân đã mất: mẹ tôi chết vì bệnh ung thư, Tân gục
ngã trên chiến trường, những người đã trốn đi biệt tăm như Anh phú, chú Linh,
những bạn bè bỏ xa thành phố và đã thề không bao giờ trở lại. Thanh. Bửa tiệc
sinh nhật thứ 27 của tôi diễn ra trong im lặng nói với nhau bằng cử chỉ như một
đoạn phim câm”.[15] Và sự câm lặng trong đêm sinh
nhật lần thứ 27 ấy như một dự cảm định mệnh cho sự im lặng trong cuộc đời cầm
bút của nhà văn Nguyên Minh – hình hài của nhân vật Tôi / Nhà văn trong các tác
phẩm của anh hơn hai mươi năm sau đó, để rồi khi tiếp tục hành trình sáng tác của
mình từ năm 2007 với tập truyện Tưởng chừng đã quên, những ám ảnh về cảm
thức cô đơn và tâm thức lưu đày vẫn đầy ắp trong trang viết của anh như sự tiếp
nối từ những trang viết thời tuổi trẻ.
Một tác phẩm của nhà văn Nguyên
Minh
Có thể nói, cảm thức cô đơn và tâm thức lưu đày là cảm hứng
chủ đạo ám ảnh hành trình sống và viết của Nguyên Minh, để rồi, bây giờ, dù trải
qua bao nhiêu biến động của cuộc sống, cảm thức cô đơn của thời trai trẻ trong
anh vẫn còn đó nên khi cầm bút, tất cả đã ùa về như những tiếng gọi thao thiết
từ vô thức. Điều này, ta thấy rõ ở sự hồi tưởng về tiệc cưới của Hà, cô bạn
“láng giềng xinh xinh Bắc kỳ” ngày xưa ở Sài Gòn qua lời tự thú thật đáng yêu:
“Ra khỏi cái ồn ào náo nhiệt và ngộp ngàng hơi người tôi nhẹ hẳn người, nhưng
sau đó một nỗi bơ vơ chợt đến choáng ngợp hồn tôi. Tôi chơ vơ ngã xuống vực
sâu. Trọng kéo tôi và Hân vào vũ trường ở sân thượng của nhà hàng… Trọng mời
Hân ra sàn nhảy, còn tôi ngồi uống rượu một mình. Dưới ánh đèn mờ ảo, từng cặp
trai gái ôm nhau nhảy điệu Boston tình tứ. Tôi vẫn ngồi một mình và uống rượu
cùng với nỗi cô đơn tràn ngập”.[16] Còn đây là lời
tự thú đối với T người con gái “đã đi vào đời anh và mãi mãi vẫn ở tận đáy
lòng” và khi nhớ lại vẫn thấy một nỗi cô đơn ngập tràn: “Thuở ấy, tình yêu đã
làm tôi nếm đủ mùi vị. Đắng cay. Ngọt bùi. Đau khổ. Hạnh phúc. Giận hờn. Tha thứ.
Hẹn hò. Thất hứa. Thất tình, chưa uống hết một cốc rượu nhỏ mà đã say túy lúy.
Những đêm lang thang ngoài phố nửa đêm ôm trụ điện khóc ròng như trẻ con đánh mất
đồ chơi. Những sáng thức dậy vẫn còn ngái ngủ lơ mơ những giấc mộng vàng. Những
lần đợi chờ em đến với tôi, khoảng thời gian đó cũng đủ làm tôi bồn chồn lo lắng”.[17] Nhưng dường như, trong vũ trụ của tình yêu này,
anh và T mãi mãi là hai ngôi sao cô đơn lập lòe ở chân trời xa thẳm vì “mãi đến
cuối đời tôi cũng không đưa em về tận nhà”. Hay trong lần “Loanh quanh lòng phố
cũ”, sau bao nhiêu năm xa cách, nay gặp lại nhau, vậy mà, khi chia tay, mỗi người
vẫn đi về trên mỗi chiếc taxi, từ hai hướng ngược chiều như một sự sắp đặt trớ
trêu của nỗi cô đơn định mệnh, dẫu rằng anh khao khát: “Như ngựa đã xuống chuồng.
Cánh đồng rộng mênh mông. Khung trời bao la. Những dòng sông nước trong. Những
ngọn đồi xanh cỏ mọc. Tôi thoát khỏi nỗi cô đơn đã từng nhấn chìm mình trong
bao nhiêu năm”.[18] Tuy có lúc, con người cơ học của
anh thấy mình vơi bớt nỗi cô đơn khi gặp lại người tình xưa, gặp lại những bạn
văn ngày trước nhưng con người tinh thần, con người nhà văn thì vẫn luôn sống
trong sự ám ảnh của cảm thức cô đơn và tâm thức lưu đày của kiếp nhân sinh. Đây
là căn tố làm nên “hồn cốt” trong những trang viết của Nguyên Minh trong hành
trình sáng tạo, cho dù có trải qua những thăng trầm, những được mất trong cuộc
sống. Và chính điều này đã đưa anh trở về với thế giới văn chương như anh chia
sẻ: “Tôi viết trong cơn mê đồng bóng. Cuộc đời đã cho tôi biết bao điều khổ đau
cũng như hạnh phúc cận kề. Tôi đón nhận cả hai và tôi xin cảm ơn đời. Tôi đã trải
nghiệm qua cuộc sống. Tôi viết ra như trả nợ người. Tôi viết ra như trả nợ đời.
Thế thôi”.[19] Có thấu cảm được điều này mới thấy
được ý nghĩa của sự dấn thân trong hành trình sáng tạo văn chương của Nguyên
Minh, một nhà văn luôn xem văn chương như một món nợ, một nghiệp chướng mà số
phận đã đặt để cho anh trên cõi đời.
3. Quá trình sáng tác của nhà văn, theo Nguyên Sa là một hành
trình sáng tạo trongcô đơncủa thân phận không ai có thể sẻ chia. Đây là sự
khởi đầu cũng là sự kết thúc quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ mà Nguyên Sa
đã chỉ ra: “Tôi vẫn nói là, trong văn nghệ không ai thực sự giúp đở ai được cả.
Chỉ có tác giả một mình trước tờ giấy trắng như lão ngư ông và biển cả, tay đấu
bò và con bò rừng. Tiền bạc và uy quyền, bằng hữu và gia đình, đàn anh và đàn
em chẳng thể nào võ trang cánh tay nhà văn để biến tập giấy trắng thành tác phẩm”.[20] Như vậy, quá trình sáng tạo của nhà văn là hành
trình tự thân vận động, tích lũy vốn sống, vốn văn hóa, vốn tri thức để sinh
thành đứa con tinh thần đó là tác phẩm. Đây là nguyên lý của sáng tạo văn học.
Điều này rất đúng với hành trình sống và viết của Nguyên Minh, một nhà văn mà sự
ám ảnh của cảm thức cô đơn và tâm thức lưu đày như một yếu tính thôi thúc anh cầm
bút để được chia sẻ, để được cảm thông, để được sáng tạo. Vì vậy, cảm thức cô
đơn và tâm thức lưu đày như một động lực, một tiếng gọi thao thiết đối với hành
trình sống – viết của Nguyên Minh và thể hiện rõ trong thế giới văn chương của
anh, đúng như Trần Nhựt Tân đã xác quyết: “Nếu ta xem cô đơn là chủ đề chính
(thème principal) thì mỗi chuyện đều mang chở một phần, xem như biến đề
(variations d’un thème). Nói khác, cô đơn là hệ số của những trầm tư u uẩn, của
nỗi hoài hương vần vũ trong tất cả các truyện của NGUYÊN MINH. Có bao giờ tát
được hết cô đơn cho hiện hữu! Ta chờ xem những NGUYÊN MINH mới”.[21] Tôi đồng ý với suy niệm của Trần Nhựt Tân về chủ
đề cô đơn trong sáng tác của Nguyên Minh. Và như đã nói ở trên, điều này đã trở
thành một nỗi ám ảnh trong hành trình sống và viết của Nguyên Minh từ những
ngày đầu cầm bút, khi còn rất trẻ cho đến hôm nay, anh đã thuộc hạng người “xưa
nay hiếm”. Bởi, theo tôi, viết văn với Nguyên Minh không chỉ là để trả nợ đời,
nợ người như anh chia sẻ mà viết văn còn là cách để khỏa lấp, để chạy trốn nỗi
cô đơn và tâm thức lưu đày đã ám ảnh hành trình sống và viết mà những sáng tác
của anh là một minh chứng. Nhưng càng chạy trốn, dường như anh càng lún sâu vào
trong những ám ảnh đó và như thế anh không thể nào không sáng tạo. Vì vậy, tôi
tin rằng, khi cảm thức cô đơn và tâm thức lưu đày còn réo gọi thì anh vẫn còn
tiếp tục hành trình sáng tạo. Bởi, với anh văn chương là lẽ sống như lời tâm
nguyện của anh với người bạn đã mất: “Trước ngôi mộ anh, tôi tự nguyện với lòng
mình, trước sau tôi vẫn một lòng với văn chương chữ nghĩa. Chính niềm say mê
này tôi đã đánh mất một người yêu. Một đánh đổi mất mát quá lớn đối với tôi.
Tôi phải sống bằng văn chương chữ nghĩa như tôi phải ăn phải uống, phải thở hằng
ngày. Nếu một ngày tôi không còn cầm bút nữa thì tôi không còn là Nguyên Minh”.[22] Tôi tin vào lời thề nguyện thiêng liêng ấy và chờ
mong những sáng tạo mới của anh…
Xóm Đình An Nhơn, Mười hai, Tháng giêng, Canh Tý
Gò Vấp, Sài Gòn, 05.02.2020
PGS-TS TRẦN HOÀI ANH
_______________
[1] Nguyên Minh, Dỷ vãng ôm
đầy, Căn nhà hoang, Ý thức, 2005, tr.35
[2] Nguyên Minh, Bàn tay, Căn
nhà hoang, Ý thức, 2005, tr.50
[3] Nguyên Minh, Ông bạn
già, Màu tím hoa mua, Nxb. Thanh niên 2014, tr.31
[4] Nguyên Minh, Màu tím
hoa mua, Nxb. Thanh niên 2014, tr.199
[5] Nguyên Minh, Miền
hoang vu, Căn nhà hoang, Ý Thức 2005, tr.25
[6] Nguyên Minh, Miền hoang
vu, Căn nhà hoang, Ý Thức 2005, tr.25
[7] Nguyên Minh, Chuyến xe
khắc nghiệt – Căn nhà hoang, Ý Thức 2005, tr.81
[8] Nguyên
Minh, Chuyến xe khắc nghiệt – Căn nhà hoang, Ý Thức 2005, tr.81
[9] Nguyên
Minh, Từ quân y viện Nguyễn Huệ – Căn nhà hoang, Ý Thức 2005,
tr.137
[10] Nguyên Minh, Từ quân y viện
Nguyễn Huệ – Căn nhà hoang, Ý Thức 2005, tr.137
[11] Linh Phương, Một nửa
cuộc đời của tôi – Kỷ vật cho em, Thư Ấn Quán tái bản, 2006
tr.76
[12] Nguyên Minh, Chuyến xe
khắc nghiệt – Căn nhà hoang, Ý Thức, 2005, tr.82
[13] Nguyên Minh, Những
khuôn mặt tình – Căn nhà hoang, Ý Thức, 2005, tr.169
[14] Nguyên Minh, Những
Khuôn mặt tình – Căn nhà hoang, Ý Thức 2005, tr.170
[15] Nguyên Minh, Những
Khuôn mặt tình – Căn nhà hoang, Ý Thức 2005, tr.172
[16] Nguyên Minh, Tiếng hát
dưới trăng – Tưởng chừng đã quên, Nxb. Thanh niên, 2008, tr. 153
[17] Nguyên Minh, Chốn xưa,
Màu tím hoa mua, Nxb. Thanh niên, 2014, tr.101
[18] Nguyên Minh, Màu tím
hoa mua, Nxb. Thanh niên, 2014, tr.199
[19] Nguyên Minh, Màu tím
hoa mua, Nxb. Thanh niên, 2014, tr.200
[20] Nguyên Sa, Một bông hồng
cho văn nghệ, Nxb. Trình Bầy, 1967, tr.15
[21] Trần Nhựt Tân, lời tựa tập
truyện Căn nhà hoang, ý thức 2005, tr. 20
[22] Nguyên Minh, Chốn xưa, Màu
tím hoa mua, Nxb. Thanh niên, 2014, tr.97
Sài Gòn, 5/6/2019
Nguyễn Thị Hoàng
Nguồn:
Theo https://vanhocsaigon.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét