Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2023

Tổ quốc tôi đã từng có những Binh nhất, Binh nhì như thế…

Tổ quốc tôi đã từng có những
Binh nhất, Binh nhì như thế…

Ra đời sớm cả chục năm, so với những “Quân khu Nam Đồng” của Bình Ca, “Mùa chinh chiến” của Đoàn Tuấn, “Chuyện lính Tây Nam” của Trung Sĩ,… khi mảng văn học “Người thực việc thực” chưa thực sự có sức hấp dẫn bạn đọc, có lẽ chính vì vậy tự truyện “Được sống và kể lại” của họa sỹ – nhà văn Trần Luân Tín còn ít được người đọc lưu tâm tới…
Miêu tả trực diện về chiến tích trụ bám, gìành giữ Thành Cổ Quảng Trị vào mùa hè 1972 không thể quên, với tư cách của người lính trực tiếp cầm súng,những ấn tượng mà cựu binh Trần Luân Tín còn lưu giữ được trong ký ức tạo nên những trang viết rất cụ thể, rất lạ, rất riêng, không “ tô hồng” mà cũng không “ bôi đen” khi miêu tả về trận mạc, về những thử thách sống chết..
Đã là “tự truyện” hẳn nhân vật chính phải là “Tôi”. “Tôi” ở đây là một chàng trai 20 tuổi, bỏ dở việc học hành tại một trường mỹ thuật để lên đường nhập ngũ vào năm 1971. Cũng vì là “tự truyện” nên lớp lang, cấu trúc thường tình tuôn chảy theo mạch thời gian và diễn tiến của sự việc mà không thể đảo ngược, lộn xuôi theo chủ quan của người viết. Từ hai yếu tố này, đọc hết và gấp sách lại, tự nhiên nảy sinh một câu hỏi: Vì sao “Được sống và kể lại” hấp dẫn, cuốn hút, khiến chúng ta bổi hổi bồi hồi từ trang đầu tới trang cuối đến như vậy?
Họa sỹ – nhà văn Trần Luân Tín
Cái “Tôi” của Trần Luân Tín khoác tấm áo lính, nhập cuộc không phải với cái hăm hở, lâng lâng, trong trẻo vô tư hoặc hừng hực lên gân như bị lây truyền từ báo đài, từ những bài ca giục giã ra trận suốt ngày đêm réo rắt trên làn sóng điện vào thời xa xưa đó… Rời cha mẹ yêu thương; chia tay với bè bạn cùng khóa, cùng trường; rời một niềm đam mê có lựa lọc, cái “Tôi” ấy thấm đượm một nỗi buồn sâu sa: “Lớp điêu khắc rộng thênh thang, im lìm. Bức tượng nghiên cứu toàn thân của tôi vẫn phủ ni lông đứng đó. Tôi mở tấm ni lông ra, chợt trào nước mắt. Mùi thơm của đất thân quen. Phải xa rồi, dường như xa chính mình. Mọi thứ trong lồng ngực tôi chợt dựng ngợp lên, không thể nhận ra là cảm xúc gì, cứ tràn ngập rồi lằng lặng… và rất buồn.” Cái “Tôi” ấy càng như ngẫm ngợi hơn, buồn hơn khi nhập ngũ vào một thời khắc thật đặc biệt, khi cái thị xã thân thuộc nơi neo chốt cả một thời ấu thơ và niên thiếu của anh chìm ngập trong cơn lụt dữ dằn vào năm 1971: “Tôi bước xuống chiếc canô gỗ chao nghiêng, nhìn lên cầu. Ba tôi, Má tôi, hai đứa em tôi đứng trên đó. Phía sau là những đám mây màu chì và một khoảng trời rợ lên màu sáng bạc. Cả nhà đưa tay vẫy…miếng vá trên vai áo của Má, hơi ấm những củ khoai luộc bên hông tôi, những giọt mưa gõ lộp bộp”. Như thế đấy, không phải lúc nào cũng cờ giong, trống gõ; cũng những lời động viên hào sảng; những “cây gậy Trường Sơn” trao tay. Nét chân thực này là thuộc về tất cả những chàng trai, những cô gái lên đường nhập ngũ thuở ấy, dù ra đi sớm hơn cái “Tôi” này 10 năm, 5 năm hay cùng thời với anh. Có điều với chỉ văn chương chữ nghĩa của thời kỳ Đổi mới, Hội nhập tâm trạng người lính mới được đào sâu, bồi đủ”. Nghĩ đi rồi nghĩ lại: “Những năm tháng học trò đã qua mất rồi. Một quãng đời vất vả, đói và thiếu vô cùng, nhưng kỷ niệm thì tròn đầy. Thầy trò, bè bạn đùm bọc nhau, trau dồi nghề nghiệp, say sưa trong niềm yêu nghề , yêu cuộc sống. Tuổi thơ của chúng tôi thật nhiều gian lao nhưng chật đầy ưu ái. Nó sinh động và thiết tha, mãi mãi là nguồn sinh lực của mỗi người”. Vậy là cũng cân đong,  toan tính, nâng lên đặt xuống kỹ càng đấy chứ! Và nét chân thực ấy cũng được bồi đắp ngay khi cái “Tôi” bước vào thời kỳ huấn luyên tân binh tại một làng quê nghèo Hà Bắc. Chỉ bằng ít dòng, bằng những nét phết phẩy trong bút pháp của chàng sinh viên hội họa, Trần Luân Tín đã vẽ được bức tranh của hậu phương miền Bắc trong bom đạn của chiến tranh, tuy nghèo khổ, thiếu thốn đấy mà vẫn yên hàn,trật tự, vẫn tràn ngập tình người; về nghĩa tình quân dân, lòng thương cảm xót xa của những bà mẹ, người chị đối với với những chàng trai trẻ sắp vào trận. “Đi qua đồi, chui vào làng rồi lại qua đồi, vào làng, hết làng này qua làng khác. Gặp sân kho hợp tác xã, các cô gái Yên Thế đang làm lúa buông lời cợt  nhả… Chúng tôi nhẩy vào sân, mỗi thằng dắt một con trâu hỳ hụi bừa rơm cùng các cô gái. Các bà xởi lởi gán cho bộ đội những cô gái xinh nhất. Kế như cá gặp nước, miệng nói như tép nhẩy làm cho không khí vui lên tưng bừng. Đến tối, khi trở về, hai thằng đã có hai vác tre của các cô gái làng chặt cho…”.  “Bác Tập dành toàn bộ ba gian nhà cho lính, gia đình Bác ở dồn cả vào căn nhỏ bên bếp. Ngôi nhà xây bằng đá ong xù xì. Cửa ra vào không có cánh, chỉ có một tấm phên tre dựng nghiêng. Sân đất rộng, một giếng nước trong, một cái vại sành hơi méo và một cây bưởi đang kỳ ra hoa thơm ngát. Thi thoảng Bác gái luộc cho anh em tiểu đội một rá sắn, sai bé út con bưng sang. Nó đặt nhanh cái rá ngút khói xuống vệ cửa rồi ù chạy lên nhà. Bác gái ngồi dưới bếp nói vọng ra:” Sắn nhà mới đào đấy, các chú ăn đi cho nóng”. Kế mau miệng, vừa ăn vừa nói vọng lên, hỏi han đủ thứ chuyện. Buổi tối, ngôi nhà leo lét ánh đàn đầu vang vang tiếng hát của lính..”.   
Tự truyện “Được sống và kể lại” của Trần Luân Tín
Tình yêu của người lính đối với quê hương, xứ sở; thái độ tự nguyện, tự giác của người lính gánh vác lấy những khó khăn, thách đố; tinh thần dũng cảm của người lính trong trận mạc – có lẽ chính đã được bắt đầu bởi những gắn bó, kết bện như vậy.
Thêm một, hai tháng huấn luyện. Thêm một chặng đường hành quân qua những tỉnh thành, làng quê khu Bốn cũ. Tiếp ngay tới là những Bãi Hà, Cao điểm 544, suối La La, Cam lộ, là những sông Hiếu, Cù Đinh, Ba de… Là “chảo lửa”, “cối xay thịt” Thành cổ Quảng trị mùa hè năm 1972…
***
Người viết những dòng này nhập ngũ năm 1964, tức bước vào đời lính trước Trần Luân Tín 7 năm. Những địa danh Trần Luân Tín nhắc tới trong tự truyện “Được sống và kể lại” rất quen thuộc đối với tôi, vào thời kỳ phía Nam bờ sông Bến Hải còn giăng giăng lớp hàng rào điện tử MácNama ra; lính Mỹ còn ra tận đồn Trung Lương, tận đầu cầu Hiền Lương phía Nam  để nghiêng ngó qua bờ Bắc; những nóng pháo “Vua chiến trường” của Mỹ từ Quán Ngang, Còn Tiên, Dốc Miếu, Cao điểm 544, Ái Tử vói bắn tận ra Lệ Thủy, Quảng Bình…
Với tư cách của một người “đi trước” Trần Luân Tín, tôi xin được nói vài lời mong giúp bạn đọc trẻ  hôm nay hiểu thêm những điều còn ẩn nấu phía sau những dòng, những trang của “Được sống và kể lại”.
Phương tiện thông tin phục vụ trận mạc thời bấy giờ chia làm thông tin vô tuyến (tức truyền tin qua sóng, đại loại như mobile bây giờ) và thông tin hữu tuyến (truyền tin qua đường giây trải lộ thiên trên mặt đất). Lính thông tin vô tuyến, về đại thể thường được ngồi trong hầm. Chân trần chạy bộ, phơi mặt ra giữa đất là lính thông tin hữu tuyến. Cái “Tôi” trong tự truyện “Được sống và kể lại” tham gia trận mạc tại Thành cổ Quảng trị là anh Binh nhì thông tin hữu tuyến. Trung đoàn Bộ binh 95 đang cố thủ tại Thành Cổ đã có một đường dây nối liền với Sư đoàn Bộ 325. Nhưng vì đường dây này thường bị pháo bom cắt đứt luôn, nên phải lập thêm một đường dây thứ 2. Và anh Binh nhì- “Tôi” được giao phụ trách cung đoạn lắm bom nhiều đạn nhất nối liền giữa làng Nhân Biều, phía bắc sông Thạch Hãn với Chỉ huy sở của Trung đoàn 95 đặt trong tầng hầm của Tòa nhà Tỉnh trưởng Thành cổ. Đường dây liên lạc đang thông suốt; báo cáo đang được truyền đi, mệnh lệnh đang được nhận lại, tay quay bỗng nhẹ bẫng, đường dây đã bị bom đạn cắt đứt ở một khúc nào đó; bất chấp là ngày hay đêm, bất chấp bom B.52 đang trải thảm; súng đại liên,  pháo bày đang bắn, đang rập tới đúng nơi cần đến, Binh nhì- “Tôi” không được một giây lưỡng lự, chần chừ mà phải xông ngay tới nơi chớp lửa đang giật nhằng nhằng, khói đen bụi vàng đang dựng cột; tìm cho ra bằng được chỗ giây bị đứt, nối lại cho bằng được để thông tin của trận đánh được thông suốt tức thì.
Và Binh nhì – “Tôi” đã âm thầm, bền bỉ hoàn thành nhiệm vụ được trao; đã trụ bám chắc chắn ven sông Thạch hãn suốt trong những ngày máu lửa ấy, suốt cả thời gian chiến dịch Thành cổ diễn ra. Ác liệt, khủng khiếp, tính mệnh treo trên sợi tóc ư? Hãy để tâm tới cung cách tác giả “Được sống và kể lại” gọi tên những âm thanh gieo rắc sự chết từ máy bay, từ các pháo đất, từ pháo hạm..: “Tiếng nổ của đạn pháo sáng nghe lục bục, như có ai đang lục lọi đồ đạc ở trên trời. Dưới đất pháo bầy gầu gầu , nhằng nhằng y hệt những bầy chó dữ đang cắn xé nhau”.” Tôi gỡ dây rồi quỳ xuống kéo, khi được một đống dây dưới chân, vừa đứng định chạy tới thì thoáng một tiếng xòa mát rợn, vụt ngang đầu”. “Những tiếng nổ dập xuống, dựng lên, u u, mung lung, ngột ngạt”.  ”Tiếng nổ bung xòa ra những vòm trống hun hút. Nó như là đã thấm hết vào trong thân thể người, ngoài ra không gian chỉ còn là hoang vắng”.”Thoạt tiên là một tiếng xòa như là tiếng hà hơi của một cái miệng khổng lồ trùm lên toàn thân. Người tôi bị ấn lún xuống, cái đầu vụt lạnh ngắt”. “Những làn đạn pháo chạy trên cao có âm thanh rất kỳ lạ. Chúng réo rắt, ríu rít y như một lũ trẻ con vừa cười nắc nẻ vừa kéo tay nhau chạy. Lại có những làn đạn lóc róc như nước chẩy lùa trong ống nứa, làm cho bầu trời bỗng như trong trẻo ra”… Nhiều, còn rất nhiều những ví dụ như thế. Tuyệt nhiên không phải sự lọc lựa, chọn chữ nghĩa trên bàn viết hoặc sự điêu luyện, công phu trong việc sử dụng các thủ pháp tu từ. Là người lính, đã qua trận mạc, tôi đảm bảo Trần Luân Tín đã găm vào đầu, vào thịt da mình những chữ nghĩa ấy, cách so sánh, ví von ấy bằng hàng trăm tình huống bản thân anh đã thực sự đối mặt với cái chết. Còn ghi nhận những cảnh huống dữ dằn, khốc liệt nơi trận mạc ư? Đây là một trong nhiều lần Binh nhì- “Tôi” vượt sông Thách Hãn: “Đêm đã khuya rồi. Phía Nhân Biều, những chân bom mầu cam bùng lên. Những búc tường khói lừ đừ lan rộng dưới ánh hỏa châu lạnh lẽo. Mặt sông nghiêng qua nghiêng lại, dòng nước như không còn biết chảy về hướng nào. Những con sóng, một bên đen thui, một bên sáng bạc cứ nhồi dựng lên. Sông không còn giống sông một chút nào..Bơi ra đến giữa dòng thì gặp một đoàn lính bơi ngược chiều, chắc là lính bổ sung cho thành cổ. Những cái mũ cối dập dình, những bọc nilông nổi lên chìm xuống cùng với những khẩu AK,B40 được buộc ngang trên đó…Đạn pháo bất chợt rót xuống mặt sông. Đầu quả đạn xoáy rít trước khi đập xuống nước, rồi nổ, như nổ tung ngay ở trong ngực.. phía trước tôi, phía bên cạnh tôi, nghe ục..rồi ục…hai chiếc mũ cối biến mất. Tôi thảng thốt: “Thôi đi rồi!”. Cố nhoài người rướn lên cho thật nhanh. Lại gặp hai cái mũ cối, lại ục..ục..lại biến mất. Những người đi xuống lòng sông,đi tự nhiên quá..” Đây là quang cảnh gian hầm dinh Tỉnh trưởng Quảng trị: “ … Tôi lách chân đi xuống. Trong luồng sáng mờ mờ của cái miếng trời nhỏ duy nhất, tôi nhận thấy sự ngọ nguậy của một khối người. Nhận ra thương binh nhờ vào mầu trắng lổn nhổn của những cái băng  trên đầu, trên tay, ở chân, ở bụng. Tất cả đều trần thủi lủi, có nhiều người cởi truồng. Có tiếng nói, giọng Thanh Hóa, nghe rất tha thiết: -Tối nay, đến lượt em sang sống phải không?Người quân y sỹ trả lời:- Ừ, sang sông, sang hết. Một giọng khác, cất lên ồ ồ như thở dốc:- Tối nào cũng nói thế..sang hết!”.
Nhà phê bình Tô Hoàng
Nhiều phóng sự báo chí, những ghi chép mang chất hồi ký, sách văn chương ít nhiều đã đả động tới cuộc “quyết đấu ” nẩy lửa, dữ dằn, quyết liệt giữa ta và địch – như chưa bao giờ từng xẩy ra- tại Thành cổ Quảng trị mùa hè năm 1972. Ấy thế nhưng “Được sống và kể lại” vẫn có cách ghi nhận riêng. Về hỏa lực pháo của đối phương thì: “Một trận pháo kích ở thị xã Quảng Trị thường diễn ra như sau: Thoạt tiên là pháo thụt. Quả đạn thụt có thể xuyên qua khoảng hai mét đất, gặp chỗ trống trong lòng đất thì nổ.Đây là loại đạn chuyên tìm hầm và xua người ra khỏi hầm..Sau tin rằng đã lùa được những người ở trong hầm chạy ra, pháo chụp lập tức xầm xầm ập tới. Những quả nổ ở trên cao, nhiều tầng khác nhau, không cần chạm tới mặt đất. Mỗi đầu đạn phóng ra hàng ngàn cây đinh nhỏ, đinh có đuôi bốn cạnh, đầu đinh cắm ngập được vào bê tông. Rồi đến các loại pháo hạng nặng có sức công phá rất lớn, giết người bằng mảnh gang, bằng tiếng nổ, đặc biệt là bằng sức ép. Người có thể bị mảnh gang chặt cụt đầu, cụt tay, cụt chân vân vân. Cũng có thể bị ép tức ngực, choáng đầu mà chết.Bài đánh này thường diễn ra từ một đến hai lần trong một ngày”. Còn đây, phía ta: “Sáng nay trung đoàn trưởng Thúy điện về phía sau xin thêm đạn B40 và B4i để ngăn chặn địch đang muốn tràn qua ngã ba Đồng Lâm. Ở mặt trận này, lính bộ binh gần như chỉ dùng súng chống tăng. Một thằng Ngụy các chú bộ đội cũng hào phóng tặng cho một quả hỏa tiễn, như để đáp lại những núi bom của chúng trút xuống hàng ngày”.
Không thể bằng sức tưởng tượng; không thể bằng óc thông minh, sự tinh tế trong thủ pháp “ phục hiện” những gì được nghe kể lại; cũng không thể bằng tay nghề cứng cáp, giàu thâm niên để có được những lát cắt hiện thực không giống ai như vậy.
Binh nhì – “Tôi” lập công tích như thực thi một việc cần làm, phải làm, nên làm. Anh lính trẻ không cần đến những lệnh lạp nghiệt ngã trói buộc. Không cần đến cả những lời động viên, khích lệ. Cũng không phải lên gân hoặc vặn giây cót tinh thần với “ôn nghèo nhớ khổ”. Nơi thử thách ấy, trước những thách đố số phận và cuộc đời như vậy, Binh nhì-“ Tôi” tự nhiên, nhuần nhụy tìm ra sức mạnh cho mình bởi những gì từ thuở ấu thơ, từ những kỷ niệm bè bạn, từ gương mặt yêu thương trao gửi của mẹ cha, từ cách cư xử của người dân khi chàng trai đã khoác lên mình bộ quân phục… Tựa như Binh nhì-“ Tôi” tại Thành cổ Quảng Trị đã được nhào nặn, tạo dựng, hun dức chất gang chất thép trong người đâu đó rất xa, ngay từ những ngày chàng trai mới cất tiếng khóc chào đời, từ khi cổ còn mang khăn đỏ, hoặc từ đời học sinh phổ thông không thể nào quên. Nhiều hơn cả là những gì nghe thấy, nhìn thấy, cảm nhận được trong mối quan hệ đồng chí-đồng đội, cấp trên- cấp dưới, trong nỗi đồng cảm, xót xa muốn che bọc, muốn hứng chịu  cho nhau của những người lính cùng vào sinh ra tử…” Trong “ Được sống và kể lại” ken dày những chi tiết, những mẩu chuyện xúc động về phương diện này.” C trưởng đưa cho tôi miếng lương khô mầu nâu: Ăn cái này, Tín!. Tôi cắn thử miềng lương khô 702 của sĩ quan. Ở chiến trường, sĩ quan cũng thi thoảng mới được cấp loại đặc biệt này.Thật sự là ngon, khác hẳn vị lương khô 701 của lính. Vị sôcôla trong căn hầm sặc khói là thứ hương vị rất khác lạ”.Vừa vượt qua khúc sông Nhân Biều-Dinh Tỉnh trưởng, vừa cặp bờ  Binh nhì-“ Tôi” được đón nhận như thế này:”…Tôi chưa kịp thò đầu vào hỏi, đã nghe tiếng nói phát ra ngay ở trước mũi” Mới sang hả?Cùng một lúc, phía trong có tiếng nói vọng ra: Quê đâu đấy?… Tôi bật hỏi lại: Các anh có muối không, lạnh quá. Tiếng nói từ trong hầm: Muối hả, có đây, có đây!Người đứng ở cửa hầm nắm lấy vai tôi lắc lắc: Trắng như lợn cạo thế này, đúng là mới vào, hả. Lấy áo tớ mặc này, cho đỡ lạnh. Thôi, em phải sang sông bây giờ ấy mà.Tôi xòe tay đón nhúm muối từ một bàn tay to khỏe. Cả hai người cựu binh thò đầu ra cửa hầm tiễn tôi đi. Một người nói: Cẩn thận đấy!Một người nói: Rõ khổ! Sau này tôi cũng sẽ nói với lính mới vào như thế, sự thương cảm thực sự”. Thứ “ đặc sản” của lính cách mạng, của “Anh Bộ đội Cụ Hồ” tạo nên một trong những cội nguồn sức mạnh bách chiến bách thắng trong”Được sống và kể lại” còn nhiều dịp được khai mạch, đào sâu hơn nữa:”… Sồi lấy trong túi ngực ra một cái bì thư đưa cho tôi.Em nhận được thư này từ hồi còn ở Hà Tĩnh mà không trả lời, sợ người ta thêm hy vọng. Cái phong bì tự làm bằng giấy viết học trò, có vẽ một đôi chim bồ câu ngậm mỏ nhau và một dòng thơ nắn nót: Xa nhau tình cảm dạt dào, nhờ anh bưu điện chuyển vào tận tay. Thư kể chuyện nhà làng xóm. Nét chữ tròn trịa của một người con gái đằm thắm. Lá thư được viết vào giữa trưa hè có tiếng thân tre cựa mình cọt kẹt..Cuối thư có hai câu thơ: Gần nhau cảm thấy bình thường. Xa nhau mới thấy tình thương dạt dào. Rồi lời chúc hoàn thành nhiệm vụ. Tôi hỏi: Thế có hứa hẹn với nhau chưa?Không. Bố em làm căng lắm, còn bắt xã đội phải can thiệp cho cưới rồi mới đi cơ mà..Nhưng em thì không, cũng chẳng hứa hẹn gì cả, biết có sống được không mà hứa…Quê em nhiều bà góa trẻ, khổ lắm!”.   
***
Cũng là sách “Người thật, việc thật”, cũng mô tả sự kiện và tâm lý con người trong cuộc chiến tranh nhiều cam go, thử thách vừa qua, nhưng “Được sống và kể lại” không có được thế mạnh dễ chiếm lĩnh mối thiện cảm của người đọc như “Nhật ký chiến tranh” của Chu Cẩm Phong, “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc hay cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”: sách đến tay người đọc, tác giả đã trở thành các Liệt sỹ, Anh hùng… Trần Luân Tín viết “Được sống và kể lại” vào 2 năm 2005 và 2006, tức khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã lùi tít tắp vào dĩ vãng tới 30 năm. Cũng tức là khi đất nước đã đặt chân bước vào thời kỳ Hội nhập, Đổi mới. Từ đây, một câu hỏi tấy yếu nẩy sinh: Viết về cuộc chiến tranh đã qua, lại vào thời điểm hiện tại, giây nhợ gì còn níu kéo ngòi bút và giây nhợ gì đã được tác giả tháo tung? Một chàng trai 21 tuổi đời, hơn thế còn là một nghệ sỹ tương lai, chỉ sau vài ba tháng huấn luyện tân binh bị “ ném” thẳng vào cái “vạc lửa” Thành cổ mùa hè năm 1972- cái thực tế này, bột chất liệu này rất dễ dàng để hướng câu chuyện kể (dù là tự truyện) đến những bến bờ khác, luận đề khác. Thừa sức để tạo nên những thân phận lính tráng thụ động, bị đun đẩy vào vòng xoáy chiến cuộc để trở nên nên tàn tạ, giở khóc giở cười và tỉnh ngộ lại? Quá đủ sự ác liệt, độ gay cấn, không gian, tình huống cụ thể để tạo nên bức tranh sám hối của người lính ở cả hai chiến tuyến để “hòa cả làng”, tôi và anh đều có lỗi? Cũng có thể với chất liệu ấy để chứng minh  cho những toan tính “xóa sổ”, chẳng ai được chẳng ai thua;  những thế lực phi nhân đánh ván bài chính trị bằng chính những núi xác của lính tráng…v..v… Những trù liệu như vậy đã thấp thoáng xuất hiện trong văn chương nghệ thuật hai ba chục năm trở lại đây!
“Được sống và kể lại” không sa vào thứ mồi nhử ấy!
Tuy mới lần đầu cầm bút viết văn, Trần Luân Tín đã tận dụng làn gió mát lành cởi mở, dân chủ để tránh xa căn bệnh công thức, giáo điều, chính trị hóa văn chương mà một thời gian dài nhiều cây bút nước ta đã mắc phải. Như phần trên chúng tôi đã dẫn, anh Binh nhì-“Tôi” trong “Được sống và kể lại” với mọi cung bậc vui buồn được phát lộ hết, với mọi thử thách xẩy ra nơi trận mạc, hiển nhiên không gượng gạo, không gò gẫm; máu thịt hơn, giàu sự sống và sức thuyết phục hơn nhân vật người lính trong nhiều tác phẩm văn chương trước đây. Binh nhì-“Tôi” có phần người trong thân xác người lính; biết buồn vui; nhận thức sâu sắc về cái giá phải trả cho mỗi chiến thắng..Ấy thế nhưng Binh nhì-“Tôi” có gốc gác, có cội nguồn; cầm súng vào trận với đầy đủ ý thức về mục tiêu chiến đấu đã được lựa chọn- đó là Độc lập, Tự do của non sông xứ sở. Binh nhì- “Tôi” không tếu táo, bốc đồng, hăng tiết bởi những lời động viên hời hợt, nông cạn; iủ xíu trước một va vấp thất bại. Binh nhì –“Tôi” biết rõ cái chết đang rình rập khắp mọi nơi mọi chốn, có thể ập xuống đầu vào bất cứ thời khắc nào nhưng anh ta cũng hiểu rằng cái chết ấy không phải là sự cúng tế cho hư vô, hoặc sự vô vị của một kiếp người. Không đòi hỏi phải là ai cả; phải có danh phận gì; phải được lưu danh thiên cổ mà Binh nhì –“Tôi ”chỉ cần khẳng định cái “Tôi” bình đẳng, dung dị trong hàng triệu cái “Tôi” vô danh như anh trong cuộc chiến đấu chung…
Nói về một phương diện khác, trong “Được sống và kể lại” mối tương quan giữa Cái Bi và Cái Tráng được cân đong một cách công bằng, khách quan. Cái Bi đủ đồng cần đồng lạng để làm tăng thêm Cái Tráng. Cái Bi không khiến người đọc sợ hãi, kinh khiếp mà chỉ làm Cái Tráng thêm uy nghiêm, lẫm liệt khiến không chỉ thế hệ hôm nay mà con cháu muôn đời mai sau kính cẩn nghiêng mình trước Tượng đài Chiến thắng.
Đây chính là hạt vàng, là điểm phát sáng kỳ lạ của tự truyện “Được sống và kể lại”. Khách quan, trung thực với thực tế lịch sử trong miêu tả là điều “Được sống và kể lại” xứng đáng để người nghe chuyện nâng niu, trân trọng.
Suy cho kỹ thì “Được sống và kể lại” chính là câu chuyện của một anh Binh nhì tại một trận quyết chiến điểm trước cuộc hòa đàm Paris năm 1973. Nghe nói, vào thời khắc ấy, có trường hợp chúng ta phải trả giá máu của cả một đại đội hoặc nhiều hơn thế, để giữ vững hoặc đẩy lùi đối phương ra khỏi một góc phố, một rẻo đất hẹp, và cũng để vào buổi họp sáng hôm sau ông Lê Đức Thọ và bà Nguyễn Thị Bình có thể cất lên tiếng nói mạnh mẽ, không khoan nhượng trên bàn hòa đàm…
Chuyện cũng đã xa ngái… Mừng sao, với “Được sống và kể lại” chúng ta như có được một bức tượng đài thật cụ thể, thật rõ nét, thật công tâm và cũng hết độ hoành tráng về những Binh Nhất, Binh Nhì của Tổ quốc chúng ta một thời binh lửa.
TÔ HOÀNG
 
Sài Gòn, 5/6/2019
Nguyễn Thị Hoàng
Nguồn:
Theo https://vanhocsaigon.com/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thế Là Thế Nào Trần Phúc Bảo An - 19 tuổi - Khoa Đạo diễn. Tự lập, lạnh lùng, đẹp trai, tài năng”. Những đứa con gái Sân khấu Điện ảnh...