Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Nguyên Tô và Biển của tình yêu muôn kiếp

Nguyên Tô và Biển
của tình yêu muôn kiếp

“Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu” (Lev Tolstoy). Người đàn bà viết, người đàn bà yêu Bình Nguyên Trang, tôi đồ rằng, trái tim cô đã ươm hạt mầm tình yêu từ muôn kiếp trước để đến khi vừa vặn trong sứ mệnh nhà thơ, con chim sơn ca trong lồng ngực Trang đã cất lên khúc tình tuyệt diệu, bất tận. Có nét trong trẻo buổi bình minh cuộc đời, lại có nét già dặn, trải nghiệm dọc đường đời đã từng có lúc vụn vỡ. Thơ đã chắp cánh cho Trang…
Nhà thơ Bình Nguyên Trang
Tìm trong muôn vạn kiếp đời em đã sống
 
Tìm trong muôn vạn kiếp đời em đã sống
một thẳm sâu không bến không bờ
biển nằm đó trong ngàn lời than thở
trong hân hoan thức mỏi đợi chờ
 
em tìm trong điệp trùng con sóng
con sóng nào đã nhắc tên em
thuở hồng hoang buổi nào em đi lạc
trong tim anh nồng ấm êm đềm
 
Anh là biển của tháng ngày rộng lượng
cất giữ giùm em muối mặn cuộc đời
một mai nếu buồm em phiêu bạt gió
em xin về khóc giữa bến bờ anh
 
Có những lúc muốn làm con cá nhỏ
thả mình trên ngọn sóng luân hồi
biển đừng cạn và anh đừng vắng mặt
đừng để em nhìn thấu trái tim người
 
Em sợ lắm một ngày biển chết
tình yêu kia bị đánh lưới tiêu điều
em cô đơn không còn biển gọi
cất vào đâu khô khát những buổi chiều
 
Tìm trong muôn vạn kiếp đời em đã sống
những nợ nần dưới đáy biển sâu
ta đã yêu và ta ly biệt
ta đã thương đau và ta đã chữa lành
ta đã thấy dẫu mù loà thời cuộc
ấp ôm mình vô tận biển xanh
 
Xin anh đấy ngày mai dù hoại diệt
đủ thẳm sâu cho em một cõi về
đủ thứ tha qua dằng dặc bến mê
cho em hát một bình minh trước biển
 
cho em sống một kiếp thuyền nhớ bến
trong hoang vu ngày tháng gọi con người.
 
BÌNH NGUYÊN TRANG
Nhà phê bình Nguyên Tô
Lời bình của tác giả Nguyên Tô:
Khi Bình Nguyên Trang đã là một nhà thơ, thì tôi chỉ là con bé lớp 10 ngu ngơ, đầu tháng kiễng chân ở quầy báo bưu điện huyện của một tỉnh lẻ chờ ngắm thơ nàng trên tờ báo Hoa Học Trò. Rất may mắn, sau này tôi đã trở thành bạn facebook của Trang.
Thơ Trang là một thứ trong veo, da diết đến khó tả, có những câu đã neo lại hồn tôi mấy chục năm trời:
“Đành rằng tháng ba vẫn thắp màu hoa cũ
Nhưng có những điều phải sống khác với ngày xưa.”
Trang thì thầm với tuổi mây của tôi như vậy, nhưng đến giờ trong tôi vẫn “thắp màu hoa cũ”. Tôi yêu thơ Trang như yêu kí ức học trò thần tiên, như yêu hiện sinh cõi đàn bà ngổn ngang 7x của chúng tôi. Thơ Trang dong gió để cánh buồm tôi ra khơi, cái màu đỏ thắm chói chang phía trời xa, cứ lấp lóa như thực, như mơ, thứ mà tưởng như trong lòng tay, nhưng có khi lại dong du tận cõi xa ngái, mơ huyền nào đó. Thơ Trang cho tôi vịn dậy, mở òa cả niềm chông chênh thân phận đàn bà đa đoan.
“Tìm trong muôn vạn kiếp đời em đã sống” – tình yêu là thứ gì đó, tưởng có nhưng thoắt vụt bay, để lại trong vi huyền kí ức những dấu môi son diễm hằng lại vương vương giọt khóc. Lệ đàn bà. Đến giờ Trang và “em” cũng như tôi, có lẽ vẫn đi tìm? Đi sâu vào bản thể, với muôn hồ xa xăm, mờ mịt, “em đã sống”. “Em” chưa bao giờ hết yêu, em chưa bao giờ buông “sống”- một con tim đa mang tình tội. “Em” – người đàn bà thơ, yêu là bản năng, bởi nghệ thuật chỉ được cất lên trong thế giới cảm xúc nhiệm màu. Nếu yêu chết, thơ cũng hết. Đàn bà hiện diện mọi nông nỗi trong yêu, ở đủ mọi cung bậc cảm xúc đối lập.
“Tìm” – Trang đã vẽ nên đường tình xuyên muôn kiếp, cô lên tiếng cho phụ nữ mọi thời đại. Có lẽ vì thế, nội lực con chữ của Trang rất trẻ trung và hiện đại. Phụ nữ Á Đông thường giấu cái tôi của mình trong những xó tối tâm hồn thầm kín, bởi sắc màu Nho giáo che phủ, nhưng Trang đã yêu rất đẹp, táo bạo. Đó cũng là điều tôi lĩnh ngộ ở Trang. Không thụ động, chủ động đi tìm những giá trị đích thực- thông điệp từ nhan đề bài thơ mà Trang gửi gắm.
“Tìm trong muôn vạn kiếp đời em đã sống
một thẳm sâu không bến không bờ
biển nằm đó trong ngàn lời than thở
trong hân hoan thức mỏi đợi chờ”
Tình yêu mà em tìm kiếm quá đỗi tham lam, vượt qua mọi đường biên của vũ trụ, “biển” chỉ là một mảnh ghép văng ra từ thiên hà phập phồng dấu yêu ươm ủ, “nằm đó” chơ vơ giữa “một thẳm sâu không bến không bờ”. Câu thơ chứa đến hai từ “không”, phủ định của của phủ định vẽ ra cõi vô biên không hạn định nhưng lại khẳng định một tình yêu rất “em”, rất đàn bà. Thẳm sâu kiếp nhớ sầu hoài vạn cổ là “than thở, hân hoan”. Trang đã thần tình hạ nét bút phóng khoáng trong nghệ thuật đối lập hai trạng thái cảm xúc: buồn, vui. Từ hai dấu mốc tâm trạng ấy, khai sinh tình yêu của “em”. “Em”, giữa không bờ bến vẫn “thức mỏi đợi chờ” anh. Tôi cho rằng Trang là một người dồn nén câu chữ và cảm xúc rất tài tình. Bởi tôi hiểu, khát vọng “tìm” yêu đã làm em mất ngủ, nỗi thao thức, hờn nhớ trong giấc miên trường mỏi mong chờ đợi. Tình yêu đã thổi cánh gió vào trái tim, sự khát khao rung cảm tận tơ tóc. “Tìm” và “chờ”- người phụ nữ đã bán tim mình cho suốt hành trình tháng năm hân hoan để mong tin một ngày rực rỡ nào đó sẽ gặp anh đích thực. Tôi trân trọng khát vọng đàn bà ấy.
“Anh là biển của tháng ngày rộng lượng
cất giữ giùm em muối mặn cuộc đời
một mai nếu buồm em phiêu bạt gió
em xin về khóc giữa bến bờ anh”
Trang đã gặp và có được biển – “Anh là biển của tháng ngày rộng lượng”. Giữa nhân sinh, gặp được người tử tế với mình đã là quý, được có một người đàn ông rộng lượng, đó là một ân điển. Được yêu như thế, Trang là người đàn bà hạnh phúc, thứ hạnh phúc không chia đều cho một nửa thế giới. Đàn bà khi yêu, dù đỉnh cao hạnh phúc vẫn thấp thỏm, đó là bản năng giới. Đàn bà viết, lo âu tính bằng cấp số nhân, bởi sự nhạy cảm. “Em” gửi vào gia tài yêu kim cương của trái tim- “muối mặn cuộc đời”. Để tưởng ra trong một bão tố đại dương, “buồm em phiêu bạt gió” vẫn được neo vào “bến bờ anh”, được thấm giùm lệ mặn. Tôi thấy Trang rất thành thực. Cô moi tim mình để muối biển mài mòn, mở cửa xó tối. Đàn bà, phàm đã yêu thường nông nổi, dốc vốn. Trang là nghệ sỹ, tim từng bị muôn ngàn mũi tên nhắm tới, đổ nát, hoang tàn không tránh khỏi. Trang đã gọi tên nỗi đa đoan đàn bà bằng một khái niệm rất mới- “buồm em phiêu bạt gió”. Ngôn ngữ đại dương được cất trong một thi ảnh đẹp. Trang là người đàn bà quyền năng, nhốt cả vô hình vũ trụ trong ngòi bút mình.
Và Trang đã đảo chiều những thứ vốn là truyền thống. Bến bờ trước giờ để chỉ giới nữ – chờ đợi, neo đậu, êm ả, cũng là một kiểu Vọng Phu giữa cuộc đời. Và đố ai đếm được trên dải đất Việt Nam này có bao nhiêu thế hệ đàn bà Vọng Phu. Trang lạ hóa gương mặt chờ đợi, đón với, chiều yêu, nhẫn nhường bằng “biển”-anh. Chỉ một sự vượt thoát định kiến ấy, Trang đã trở nên người sáng tạo lịch sử tâm hồn tình yêu lứa đôi hiện đại. Đàn ông rộng lòng để đón nhận người đàn bà của mình, sau những tan hoang, đổ nát của những cơn bão lạc. Tôi nể Trang bởi tư duy vượt ra mọi đường biên bằng giá trị nhân văn thấm thía ấy.
Cuộc đời dâu bể, sợ hãi là một thứ bản năng. Vì sợ mà con người biết răn mình không sa vào cõi mê lầm. Nhưng cũng chính vì nỗi sợ hãi, con người đôi khi đánh mất cơ hội vượt lên giới hạn bản thân. Nếu e sợ sự hiểm nguy, không dám dấn thân thì liệu bạn có hiểu được về giá trị của sự sống? Chúng ta thường chúc nhau an lành, tuy nhiên tình yêu đầy rẫy thử thách, thậm chí là cái chết nhưng nhân loại có ai đủ tỉnh táo để chối từ? Sự bí ẩn và bất ngờ luôn là thứ hấp dẫn, để thức tỉnh khao khát dấn thân, từ bỏ lựa chọn một cuộc đời nhợt nhạt, bằng phẳng.
“Em sợ lắm một ngày biển chết
tình yêu kia bị đánh lưới tiêu điều
em cô đơn không còn biển gọi
cất vào đâu khô khát những buổi chiều”
Dấn thân, du mình vào bão đại dương, và Trang sợ một ngày biển chết. Ai biết ngày mai màu gì? Trang đã lấy giả định “biển chết” để tỏ bày tình yêu của mình. Biển chết, “em cô đơn”, em “khô khát”. Đàn bà thường thế, trong cõi say mê, nồng nẫu, luôn nghĩ rằng, nếu anh chết thì em cũng không sống nổi, song le, họ vẫn sống điềm nhiên, thậm chí tốt hơn ngày hôm qua. Trang đã nói hiển nhiên một thực tế trần trụi của tình yêu.
Thực tế thì, tình yêu đâu chỉ là thứ chắp cho con người đôi cánh dệt bằng những sợi lãng mạn. Nó còn là thứ tận diệt, đẩy con người vào cõi u mê. Vì thế nhân loại đã từng có bao nhiêu bi kịch và bi kịch luôn đồng hành cùng sự sống con người. Yêu nhau, bên nhau, xa nhau, delete khỏi kí ức đã là hạnh phúc, đôi khi còn là những vết thương không lành, chỉ khẽ cựa là ứa máu, nhàu đau. Nhưng đó lại là những giọt máu mang sinh mệnh tình yêu. Dù chia cắt, vẫn phập phồng, khắc khoải. Người đàn bà ấy vẫn còn yêu. Dù cô nói “đã chữa lành”.
“Tìm trong muôn vạn kiếp đời em đã sống
những nợ nần dưới đáy biển sâu
ta đã yêu và ta ly biệt
ta đã thương đau và ta đã chữa lành
ta đã thấy dẫu mù loà thời cuộc
ấp ôm mình vô tận biển xanh”
Khổ thơ này kéo dài bất thường, đến 6 câu, tình yêu đã trào chảy ra ngoài khuôn khổ hạn định, 4 câu không đủ, Trang cắt thêm nửa khổ nữa, như cắt trái tim em. Chỉ 6 câu thơ nhưng đủ viết nên khúc tình yêu bất tận. Mà ở đó chúng ta đã “sống”, đã “yêu”, đã “ly biệt, thương đau, chữa lành”. Không, tim em vụn vỡ, không một cuộc đại phẫu nào có thể chữa lành. Nỗi tiếc nuối dừng lại trong câu cuối “ấp ôm mình vô tận biển xanh”. Tưởng đã đặt dấu chấm hết, thì đến đây, tất cả lại ùa về. Cả một đại dương trong tim em gào thét, hổn hà, thở than. Đau khổ trong tình yêu cũng là một thứ hạnh phúc vô tận. Đàn bà yêu kì lạ, một kiểu tuẫn mình nhưng vẫn ngậm ngùi trong cõi hoang vu dâu bể.
Đi qua nỗi cồn cào, nhấn chìm, Trang hạ khổ thơ cuối vỏn vẹn chỉ 2 câu:
“cho em sống một kiếp thuyền nhớ bến
trong hoang vu ngày tháng gọi con người.”
Em yêu mạnh mẽ, quyết liệt đến tận tuyệt. Em biến mình thành con thuyền. Thuyền xuôi ngược vạn dòng hải lưu, lênh đênh dập dồi, uống trăng, tắm bình minh, mặn mòi ướp muối, xoải mình giữa thênh thang hoang hiu, để trong suốt dặm dài năm tháng vẫn gọi tên nỗi nhớ biển: “cho em sống một kiếp thuyền nhớ bến”. Anh là bến bờ.
“Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu.” (Lev Tolstoy). Người đàn bà viết, người đàn bà yêu Bình Nguyên Trang, tôi đồ rằng, trái tim cô đã ươm hạt mầm tình yêu từ muôn kiếp trước để đến khi vừa vặn trong sứ mệnh nhà thơ, con chim sơn ca trong lồng ngực Trang đã cất lên khúc tình tuyệt diệu, bất tận. Có nét trong trẻo buổi bình minh cuộc đời, lại có nét già dặn, trải nghiệm dọc đường đời đã từng có lúc vụn vỡ. Thơ đã chắp cánh cho Trang. Trang là kiểu viết cho tất cả. Ai đọc Trang cũng thấy mình trong đó. Cô không keo kiết cảm xúc mà trang trải độ lượng. Thơ Trang ám ảnh tôi bởi cái da diết, khôi nguyên như giọt ban mai, có cả hào hển run rẩy tận từng tế bào vi tế. Nó cho tôi thấy được mình từ thuở ban mai học trò xa xưa, lại gặp tôi trong cõi đàn bà đầy phế tích tình yêu. Để thấy rằng, đời này dù dâu bể thì vẫn xin nguyện được tát cạn đại dương để tìm thấy tim mình neo trong bến bờ anh, nơi trầm tích biển cả.
NGUYÊN TÔ
 
Hà Nội, 21/8/2015 
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...