Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

"Nhạt hóa" là một phương pháp nghệ thuật

"Nhạt hóa" là một
phương pháp nghệ thuật

Là nhà văn hay bàn luận về văn chương, Hồ Anh Thái quan niệm, đọc xong một tác phẩm “người ta có thể không nhớ cốt truyện, không nhớ cuốn sách, nhưng: Nhớ Một Ấn Tượng” (tiểu luận Tự mình cách biệt). Đó cũng chính là một đặc điểm truyện ngắn Hồ Anh Thái, gần đây nhất là tập truyện Ở lại để chờ nhau (NXB Thế Giới 2020). Tập truyện gây ấn tượng từ nhan đề, từ cái tên tác giả đã thành một địa chỉ tin cậy; từ cảm nhận Hồ Anh Thái luôn ở trong trạng thái đang viết và nghĩ về sự viết.
Sau hàng chục cuốn tiểu thuyết rậm rạp, Hồ Anh Thái tìm một khoảng lặng để kể ngắn, gọn về một quãng đời tuổi trẻ, về những người bạn gắn liền với các miền văn hóa đông tây; và trên hết vẫn là về một Ấn Độ như từ trường thu hút bao người từ các vùng đất xa xôi. Tác giả từng tâm sự: “Văn hóa Ấn Độ như một đại dương, nếu nhảy xuống bơi thì càng bơi càng thấy xa bờ. Sau bốn năm sống ở Ấn Độ tôi mới dám viết truyện ngắn đầu tiên Người đứng một chân”. Từ truyện ngắn đầu tiên, với niềm đam mê Ấn Độ, Hồ Anh Thái tiếp tục viết nhiều về “đề tài” này. Những tưởng ông cạn vốn hoặc nhạt bớt đam mê, nhưng Ở lại để chờ nhau ra đời, thổi bùng thêm niềm say Ấn Độ, khơi dậy cả một thời tuổi trẻ với những trải nghiệm buồn vui. Ấn Độ trong tâm hồn, cảm xúc, cảm hứng của Hồ Anh Thái là ám ảnh, là vô thức sáng tạo. Ở lại để chờ nhau chính là độ dồn nén, ở đó nhà văn lấp đầy niềm đam mê một xứ sở đã trở thành một phần cuộc sống của ông.
Nhà văn Hồ Anh Thái. Tranh của họa sĩ Hoàng Tường
Tập truyện xoay quanh những câu chuyện về/liên quan đến Ấn Độ – một Ấn Độ xuất hiện với tần suất cao trong chuỗi xuyên văn bản của Hồ Anh Thái, một Ấn Độ sang trọng lẫn nhàu nhĩ, một xứ thiêng và một chốn phàm, đỉnh văn minh và đáy lạc hậu. So với những cuốn tiểu thuyết đồ sộ, truyện ngắn Hồ Anh Thái dường như “nhạt”. Nhưng, từ phương diện mỹ học, cái “nhạt” (the fading) được nhà triết – mỹ học Francois Jullien xem là “lý tưởng sáng tạo thơ ca”; cái nhạt “làm thay đổi tín hiệu trong văn học”[1]. Theo đó, trong thơ, nhạt là cái “ý tại ngôn ngoại”, là khoảng trống vô ngôn. Với văn xuôi, theo Hồ Anh Thái, “nhạt bớt đi”; “làm tối giản yếu tố cốt truyện, để mở đường cho việc gây ấn tượng về tâm lý hoặc để cho ngôn ngữ lên ngôi”. Chính ông đã từng đánh giá về truyện ngắn của Raymond Carver, của Hemingway: “Những cái truyện rất ngắn, xem ra rất sơ sài, đọc xong thì… chẳng thấy gì cả” (Tự mình cách biệt). Thật vậy, truyện ngắn Hồ Anh Thái chẳng có cốt truyện đáng nhớ hay tình huống li kỳ. Chẳng có câu chuyện nào cho ra chuyện mà chỉ là những mảnh vụn được người kể chuyện nhặt chỗ này ghép chỗ kia. Tuy vậy, lượng thông tin cứ đầy dần, đầy thêm qua từng mảnh ghép rời rạc, đôi lúc chẳng ăn nhập gì nhau. Là những câu chuyện vu vơ về thời sinh viên ở xứ người; những sinh hoạt của hai mốt chàng trai gặp nhau trên đất Ấn, nơi họ đến, rồi đi, rồi lại gặp nhau, tình cờ có mà ở lại để chờ nhau cũng có. Chẳng có nhân vật nào gây ấn tượng về đa nhân cách hay ẩn ức nội tâm. Chẳng huyền ảo, mờ hóa, giải thiêng. “Nhạt” từ cách đặt tên truyện cho đến những cái kết vu vơ. So với những nhan để tiểu thuyết, Hồ Anh Thái có phần “dễ dãi” với truyện ngắn. Trừ nhan đề tập truyện ra, tên hai mươi truyện trong tập đều được gọi bằng những con chữ cụt, khô (Cho bạn vay tiền, Chưa gặp lại, Chỗ ngồi, Ngồi đường, Cho thêm, Năm trăm, Xem phim tránh nóng…). Nó mộc mạc, khiêm tốn đến lạ giữa một rừng tên gọi khác đầy ám gợi trước đây (như Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Người và xe chạy dưới ánh trăng, Cõi người rung chuông tận thế, Dấu về gió xóa, Tranh Van Gogh mua để đốt…). Nhưng, hình dung, nếu hai mươi truyện ngắn đều có những cái tên dài lộng lẫy thì lại phá hỏng ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Hồ Anh Thái quan niệm, “nhạt hóa là chủ trương, là một phương pháp nghệ thuật, là tư tưởng, và rốt cuộc chính là triết học” (tiểu luận Tự mình cách biệt). Hiểu như vậy thì cái-sự-nhạt đó chính là quan niệm viết, là lối viết, là thuật dụng ngôn. Cái nhạt thuộc một phương diện tư tưởng. Đọc hết hai mươi truyện trong tập mới nhận ra dụng ý của nhà văn. Mỗi truyện đậm lên một triết lý, một cái nhìn văn hóa, hoặc một tầng cảm xúc. Nó thể hiện tri thức cũng như nghệ thuật kể chuyện của một nhà văn ít chú trọng cái cốt, mà nghiêng về cái hồn, về văn, về “cái cảm” văn chương. Những câu chuyện kể cứ lồ lộ ra đấy nhưng đôi lúc phải loay hoay lần mò giữa những con chữ để thấy hóa ra là thế này hoặc thế kia. Là đối thoại và dung hợp các nền văn hóa qua những câu chuyện vu vơ. Là cảm thức thời gian, vô thường đời người trong dòng sông đời mải mê trôi… Ẩn kín giữa những câu chuyện được kể bằng giọng bông đùa, hài hước nhẹ nhàng là nỗi-buồn-văn-hóa.
Truyện ngắn của Hồ Anh Thái chỉ là những mảnh ghép các mẩu chuyện nhỏ nhưng tính khái quát cao. Ngay cả những truyện dường như chỉ là những mẩu hồi ức vụn nhưng bên trong là sắc thái của các vùng miền văn hóa. Cũng giống như tiểu thuyết, tính chất liên văn hóa trong tác phẩm Hồ Anh Thái thật đậm. Đằng sau những chuyện kể về sinh hoạt, thói quen, tục lệ… là những thông điệp về văn hóa, về căn tính của các tộc người. Nhân vật của ông thật khó tham chiếu theo một hệ lý thuyết nào, vì họ sống động, họ thật, như không cần diễn ngôn hư cấu. Thằng Modi hay mượn tiền và hay quên trả lại, thằng Lee “tao thích mày đấy. Tiếc là nước mày với nước tao…”. Thằng Scotland keo kiệt, thà đi bộ nhếch nhác 7km dưới nắng, lệch vai vì kéo vali nhưng còn hơn phải trả tiền taxi. Lim người Hàn Quốc hăm hở viết cuốn tiểu thuyết nhưng “cái truyện tình không có một chữ yêu nào, rốt cuộc chỉ được xuất bản miệng”. Ravi nhân hậu và đàn chó hoang ăn chay… Tác giả cũng chẳng bình luận, đánh giá tính cách con người. Mọi phán xét là về phía người đọc. Những người bạn mỗi người mỗi tính, xấu lẫn tốt, cũng có thể là đại diện cho một căn tính nào đó của dân tộc mình. Họ xa nhau rồi lại gặp nhau, gắn bó với nhau ở một vùng đất nhiều kỷ niệm. Họ ở lại để chờ nhau. Nhà văn thổi niềm đam mê Ấn Độ vào nhân vật của ông. Lạ lùng một chàng trai người Đức, mê mẩn xứ sở “chưa đi đã say. Đến nơi thì mê” đến nỗi đổi tên (“không còn Heinrich nữa, từ nay chỉ có Amar Dip; ngủ giường của Heinrich nhưng dứt khoát không trả lời những ai gọi gã là Heinrich”; chỉ có điều “khi tính toán tiền nong thì vẫn là người Đức”), cải theo đạo Hinđu, mượn tiền mua vợ trong một buổi đấu giá đắt đỏ, rồi mải miết theo đam mê của mình (Cuộc đổi chác). Lạ lùng anh bạn người Ý, một lần du lịch Ấn Độ trở về, trở thành “một Savino quay cuồng, Savino chới với, Savino héo hon, như cái dây leo bị bứt ra khỏi thân cổ thụ”; sau đó được học bổng sang nghiên cứu Ấn Độ học, anh chàng “như người tái nghiện” (Họ ở lại để chờ nhau). Nhiều truyện đơn giản chỉ là tự sự hoài vãng, nhưng cái đơn giản đó lại gom được thần sắc, cốt lõi câu chuyện. Đằng sau những vu vơ nhớ, phi tâm, phi chuyện là những vấn đề đáng ngẫm suy. Đằng sau những chuyện phiếm là lẽ tử sinh, vô thường, nhân quả (Chia lìa); là những sự kiện lịch sử trọng đại được nhìn từ nhiều giác độ (Chưa gặp lại); là ngậm ngùi văn hóa hay nhức nhối môi sinh (Vốc nước trong lòng bàn tay) v.v… Chỉ vu vơ một vốc nước sông Hằng, nhưng liên quan đến thân phận đẳng cấp, niềm tin tâm linh và nỗi bất an sinh thái. Trận mưa giầy dép ném vào bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ xuất thân hạ lưu, con trai của một người thợ đóng giầy, “một cái nghề mà người Ấn coi là bẩn thỉu chỉ dành cho người đẳng cấp thấp”. Chị Then, thực tập sinh Việt Nam, hiếm muộn, đã kín đáo uống nước sông Hằng từ lòng tay. Gần một năm sau chị có thai và sau đó sẩy thai. Tràn trề một dòng sông thiêng. Nước thánh. “Biết bao con người đã vốc nước sông Hằng vào lòng bàn tay, mắt hướng về phía đông chờ mặt trời mọc”; “Người có thông điệp gửi lên chư thiên thì vốc nước sông Hằng giữa hai lòng bàn tay hướng lên trên mà gửi gắm”. Đám đông. “Bờ sông nghìn nghịt người”, “mặt sông chen chúc toàn người là người”, “đàn ông cởi trần, đàn bà để nguyên cả sáu mét sari quấn quanh người mà nhúng nước”; “những tử thi quấn vải trắng đặt trong cáng gỗ được khiêng xuống nhúng nước sông Hằng rồi đưa đặt trên giàn hỏa táng xếp bằng củi”, “lửa bùng bừng, khói nghi ngút” và nghìn nghịt đàn ông đàn bà vẫn tắm vẫn vốc nước uống, vẫn “hướng về một vầng dương rực rỡ trên dòng sông rực rỡ” (Vốc nước trong lòng bàn tay). Nhà văn không một lời bình luận, chỉ có những con chữ, những biểu tượng lên tiếng. Ấn Độ – một đất nước kỳ lạ. Một xứ sở có những thành tựu rực rỡ về văn hóa, tôn giáo, lịch sử. Một đất nước có thiên nhiên tươi đẹp với những kỳ quan thế giới. Một dân tộc thiên về duy linh. Và một Ấn Độ đắm mình trong một không gian thiêng sền sệt, con người rã rượi trong câm lặng, hoặc cuồng si đến mê muội.
Tập truyện “Ở lại để chờ nhau” của Hồ Anh Thái
Truyện của Hồ Anh Thái không bi thương nghiệt ngã, nhân vật ít giày vò, đau đớn nội tâm, nhưng cái cách nhà văn biểu hiện tâm lý con người lại lưu dấu ấn. Không cầu kỳ diễn ngôn tâm trạng, chẳng tạo mê cung mê lộ tâm hồn. Một lối viết tối giản. Kiệm lời. Nhạt. Nhưng để lại ấn tượng. Đó là tâm lý của thằng Nam Phi trên chuyến xe kỳ thị màu da (Chỗ ngồi). Trong một chuyến du ngoạn, sinh viên đủ sắc tộc. Rộn nhất là thằng Ai Cập lúc nào cũng lanh lảnh “my topic” và rú lên khi my topic hai lần bị nhàu nát dưới mông người khác. Im lìm, tẻ nhạt nhất là thằng Nam Phi. Nhưng cũng chính chàng trai da màu đó ý thức về cái chỗ-ngồi-thân-phận, cố giành lấy vị trí chính đáng của  mình khi bị quyền lực của bà chuyên viên giành chiếm. Câu chuyện vu vơ về cái chỗ ngồi trên xe khách, cùng lắm cũng chỉ mang ý nghĩa về văn hóa nhường chỗ, lại là câu chuyện sâu sắc về sách nhiễu chủng tộc, về mặc cảm sắc tộc. Cái mặc cảm đeo đẳng vò xé (chế độ Aparthied ở Nam Phi; nhiều công sở rạp phim quán ăn cấm chó và người da đen; nhiều chuyến xe và ghế ngồi công viên cấm người da đen… HAT) khiến thằng Nam Phi quyết tâm giữ chỗ của mình; bên cạnh đó niềm kiêu hãnh của một kẻ da-màu-văn-minh trên xứ sở Ấn Độ khiến thằng Nam Phi cuối cùng cũng chủ động về lại chỗ ngồi mới, lẽ ra không phải của mình. Chỗ ngồi, không thuần túy là cái ghế, cái chỗ, mà là ngai vàng quyền lực, là kỳ thị chủng tộc, là màu da, căn tính, là mặc cảm, tâm lý sắc tộc. Trong truyện Ngồi đường, vấn đề văn hóa gia đình ngỡ như xa lạ với phương Tây, nhưng vẫn tồn tại ở một vùng đất xa xôi của nước Mỹ, với tâm lý khi để con ra khỏi nhà tự lập “cha mẹ nào cũng cảm thấy có chút vương vướng khi phải chạm mặt láng giềng, phải giãi bày với hàng xóm”. Nhà văn kéo xích gần các nền văn hóa, không qua rườm rà câu chữ mà qua tâm trạng của những cha mẹ có những đứa con chờ đúng mười tám tuổi để rời khỏi gia đình, bởi “cuộc đời ngoài kia chắc chắn là rộng hơn một căn nhà”; hoặc chỉ để chọn một chỗ ngồi ngoài đường để xin ăn. Đứa con trai đẹp như một pho tượng thiên thần. Đúng là như tượng. Bất động. Khô khốc vô cảm. Vô hồn cả ánh nhìn. Và ông bố với “một thoáng chua xót trên nét mặt”. Rồi cảm xúc, ánh nhìn cũng lặn vào trong (Ngồi đường). Có khi, từ góc nhìn tâm lý, Hồ Anh Thái mang lại một tiếng cười triết lý về tuổi tác và thời gian. Motif “gặp lại” như một tình huống. Cảm thức thời gian, nỗi xót xa về cái già, sự hủy hoại thầm lặng của thời gian biểu hiện qua cái nhìn tự trào chua xót – “Tôi sợ những cái sản phẩm của thời gian, sợ phải nhìn thấy những cái mũi phù thủy. Và sợ họ nhìn lại mình phải thấy một con quạ hói đầu”; “Mỗi người trong chúng ta đều phải được thời gian cho thêm một cái gì đó. Ngoài ý muốn” (Cho thêm). Mười năm. Mười tám năm. Hai mươi năm. Ngoài nỗi sợ hãi thời gian, “gặp lại” chủ yếu để nhận ra tình bạn lâu bền dẫu khác màu da, khác biệt văn hóa; để những cái xấu, cái khuyết thiếu trở nên không đáng kể; để nhận chân tình người là vĩnh viễn. Ngầm trong mạch truyện là cái đẹp của sự thống hợp giữa các tộc người, giữa các nền văn hóa. Gặp lại để khẳng định cái Đẹp luôn ngự trị, cái Đẹp là trên hết ở một xứ sở vừa văn minh vừa lạc hậu. Để thấy Ấn Độ mãi mãi là nơi thu hút, níu kéo, là nơi để họ ở lại để chờ nhau hoặc gắn kết với họ suốt cuộc đời.
Ở lại để chờ nhau có lối viết thật giản dị, giọng kể tự nhiên, thấp thoáng nụ cười hài hước, chế giễu nhẹ nhàng. Sự dung dị trong cách kể, cái dí dỏm trong cách chen chêm những lời bông đùa. Giống như nhà văn vui kể chuyện phiếm, những chuyện vụn bên bàn tiệc, bên lề chính trị, ngoài văn hóa. Chuyện nói tục bằng tiếng địa phương (“Có biết văng tục không? Ông xưởng phó cười ha ha rồi hỏi, có biết matachod bahinchod là gì không? Lạ gì… mấy từ ban đầu bọn sinh viên dạy tôi nghĩa là xin chào, nhưng về sau tôi mới biết đấy là câu văng tục” – Vốc nước trong lòng bàn tay). Chuyện hỏi đường người Ấn; chuyện những Mr./Ms. Tomorrow, những quý ông/quý bà Biết Tuốt. Mr. Know-All. Ms. Know-All (truyện Shame). Là truyện ngắn nhưng không có cảm giác nhà văn hư cấu. Chẳng cầu kỳ câu chữ. Chỉ là những chuyện nhỏ. Vụn. Vu vơ. Một lối viết chẳng theo mô thức giáo điều thể loại. Giọng chính luận, giọng trữ tình, triết lý đan hòa tự nhiên. Trong sự thống hợp giọng điệu đó, yếu tố làm nên chất “nồng” của chuyện lại là giọng bông đùa hài hước. Chính nụ cười dí dỏm đan xen giữa những mẩu chuyện đã làm nên một giọng văn hấp dẫn, nó xóa bỏ chất hư cấu tạo khoảng cách giữa cuộc đời và những trang văn.
Sự tương tác thể loại, liên văn bản vốn là yếu tính của văn xuôi Hồ Anh Thái. Tập truyện ngắn có yếu tố tự thuật, tự truyện, những mảnh của hồi ức, hồi ký; chất truyện, lối kể của tiểu thuyết, chất trữ tình đan xen. Nếu xem tập truyện là tiểu thuyết ngắn nhiều chương cũng không sai bởi tính chất liên hoàn giữa các câu chuyện kể. Nhiều mẩu chuyện trích lại từ tiểu luận một cách cố ý, một số nhân vật xuất hiện nhiều lần. Sự trùng lặp trong truyện ngắn Hồ Anh Thái như một chiến lược xuyên văn bản, nối kết các câu chuyện, motif, biểu tượng, nhân vật từ văn bản này sang văn bản khác. Đậm rõ trong các câu chuyện là một người kể chuyện biết trước việc mình sẽ kể, có lúc làm ra vẻ ngẫu nhiên nhưng chính là dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Dẫu truyện của Hồ Anh Thái không có “ý hướng tự truyện” nhưng những câu chuyện từ quá khứ luôn có sự hiện diện của tác giả trong hiện tại. Những câu chuyện của quá khứ được kể lại theo quy luật của sự quên và sự hồi nhớ nhưng vẫn tươi mới, lôi cuốn. Cảm giác cái tôi trong truyện đã sống thật nhiều cuộc đời, chứng kiến, trải nghiệm và luôn trăn trở về sự thiếu hụt văn hóa. Tâm lý này xuyên suốt các tác phẩm của Hồ Anh Thái – một nhà văn dẫu viết về vấn đề gì, chọn thể loại nào cũng không che giấu được nỗi-buồn-văn-hóa.
LÊ THỊ HƯỜNG
Văn Nghệ Thái Nguyên 25.6.2021
____________
[1] F. Jullien (2003). Bàn về cái nhạt (Dựa vào tư tưởng và mỹ học Trung Hoa). Trương Thị An Na dịch. Nxb Đà Nẵng.
 
21/8/2021
Huỳnh Như Phương
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Văn học, số 5-5/2011
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Gánh Hàng Rong Dưới Mưa Tháng năm hoa phượng nở cuối sân trường. Từng tán lá rộng, xanh ngắt, làm nổi bật chùm hoa đỏ rực rỡ. Cơn mưa ...