Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Phân tâm học và phê bình phân tâm học

Phân tâm học và
phê bình phân tâm học

Thuật ngữ Phân tâm học (psychanalyse) do Sigmund Freud đưa ra năm 1896, tập hợp những lý thuyết và phương pháp tâm lý học có mục đích tìm hiểu những mối quan hệ vô thức của con người qua tiến trình liên tưởng tự do để chữa trị một số rối loạn nhiễu tâm (psychoneurotic disorders). Chính những phát hiện, lý giải về vô thức, tính dục, giấc mơ, mặc cảm Oedipus… của Sigmund Freud đã gây chú ý với các ngành khoa học xã hội, trong đó có nghiên cứu văn học.
Tiến sĩ Vũ Thị Trang
1.1. Phân tâm học và sự hiện diện trong khoa học xã hội – nhân văn
1.1.1. Học thuyết Phân tâm học
Sigmund Freud (1856 – 1939) là người sáng lập và đặt nền móng cho Phân tâm học. Sau khi tốt nghiệp trường chuyên ở Vienna, Sigmund Freud bắt đầu nghiên cứu y học vào năm 1873 tại Trường Đại học Vienna. Tại đó ông chịu ảnh hưởng nhà sinh lý học Ernest Brucke và tiếp thu triệt để quan điểm rằng: mọi tư duy và hành động của con người có thể được thông hiểu bằng cách phân tích các tác nhân hóa học và vật lý. Sigmund Freud hoàn tất chương trình y của mình vào năm 1881 và thực tập hành nghề tại Bệnh viện Đa khoa ở Vienna. Năm 1886, ông bắt đầu thực hành thần kinh học. Trong khoảng năm 1885 – 1886, ông làm việc ở Paris cùng với Jean-Martin Charcot và bắt đầu quan tâm đến chứng hysteria (cuồng loạn).
Vào những năm 1890, ông đã dần hình thành và phát triển những ý niệm cơ bản về Phân tâm học. Sự phát triển này vốn là một sự chuyển dịch dần dần từ những kiến giải sinh lý học sang tâm lý học về trí óc và chúng thể hiện qua công trình Studies on Hysteria (Những nghiên cứu về chứng cuồng loạn, 1895), đồng chấp bút cùng với Breuer. Từ năm 1897 cho đến năm 1900, khi Sigmund Freud kết hợp những phân tích cá nhân của mình với kết quả điều trị tích cực các bệnh nhân tâm thần, ông cho ra đời Phân tâm học như một thuật ngữ và một chuyên ngành khoa học về tư duy mới. The Interpretation of Dreams (Giải đoán giấc mơ, 1900), The Psychopathology of Everyday Life (Tâm bệnh học của đời sống thường ngày, 1901), Three Essays on the Theory of Sexuality (Ba tiểu luận về lý thuyết tính dục, 1905), Jokes and Their Relation to the Unconscious (Những chuyện đùa và mối quan hệ của chúng tới vô thức, 1905) và Fragment of an Analysis of a Case of Hysteria (Một phần phân tích ca bệnh cuồng loạn, 1905) đã xác lập những nguyên lý cơ bản của Phân tâm học, bao gồm: ý niệm về quá trình tinh thần của vô thức bị dồn nén; ý nghĩa của những giấc mơ; tầm quan trọng của tính dục ấu thời (đặc biệt phức cảm Oedipus) trong trải nghiệm thông thường về thần kinh của con người và vai trò của sự chuyển dịch trong quá trình điều trị – tức sự phóng chiếu những cảm xúc và tưởng tượng nảy sinh từ những mối quan hệ của vô thức bệnh nhân tới nhà phân tích.
Trong một bức thư gửi cho Fliess năm 1897 trích trong La naissance de la psychanalyse (Sự hình thành của phân tâm học), Sigmund Freud nhắc đến vở bi kịch Oedipe làm vua của Sophocle và lần đầu tiên đưa ra thuật ngữ phức cảm Oedipe. Tiếp theo là tiểu luận về tác phẩm Người đàn bà làm thẩm phán của Meyer (1829) với những phát hiện thú vị. Tám năm sau tiểu luận về Meyer, Sigmund Freud bắt tay vào phê bình Gradiva của Jensen với tên gọi Délires et rêves dans la Gradiva de Jensen (Hoang tưởng và giấc mơ trong truyện Gradiva của Jensen), trong đó ông chỉ ra những đặc điểm về người sáng tạo, huyễn tưởng, giấc mơ, biểu tượng…  và tỏ ra ngày càng thích thú với phê bình văn học. Năm 1913, trong cuốn L’intérêt de la Psychanalyse (Sự thích thú của Phân tâm học), Sigmund Freud đã lý giải nguyên nhân sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Cùng năm đó, Sigmund Freud viết một bài với tựa đề Chủ đề ba cái tráp trong cuốn Essais de psychanalyse appliquée (Tiểu luận về Phân tâm học ứng dụng), nghiên cứu vở kịch Người lái buôn thành Venise của Shakespeare. Năm 1914, trong cuốn Pour l’histoire du movement psychanalytique (Viết cho lịch sử của trào lưu Phân tâm học), ông tiếp tục cho rằng Phân tâm học đã tiết lộ những đặc điểm của sự sáng tạo văn học. Năm 1919, Sigmund Freud ra mắt một tiểu luận quan trọng đối với nghiên cứu văn học mang tên L’inquiétante étrangeté (Tính lạ lùng gây lo sợ) trong đó có nhiều ví dụ được rút ra từ văn học. Từ cơ sở là những bài giảng, những tiểu luận đó đã hình thành nền tảng của một xu hướng phê bình mới được nhiều nhà nghiên cứu ứng dụng – Phê bình phân tâm học.
Tới năm 1923, Sigmund Freud thao tác với mô hình “định vị” của trí óc bao gồm ba cấp độ của trải nghiệm tinh thần – hữu thức, tiền hữu thức (vô thức nhưng không bị đè nén) và vô thức bị dồn nén. Theo quan điểm của ông, hữu thức không thể tiếp cận vô thức bị dồn nén, ngoại trừ gián tiếp thông qua các ngoại hành vi (buột miệng, sai sót trong trí nhớ…), những giấc mơ, các triệu chứng thần kinh và những câu chuyện đùa. Tiếp đó, The Ego and the Id (Cái Tôi và cái Nó, 1923) đặt ra một mô hình cấu trúc của quá trình tâm lý – một sự điều chỉnh mô hình có trước – và đưa một tập hợp thuật ngữ mới – cái tôi, nó và siêu tôi – vào Phân tâm học. Nó tập trung vào cách mà cái tôi hữu thức và vô thức (phòng vệ) giải quyết những đòi hỏi của thực tại bên ngoài, cái nó (vô thức bị dồn nén) và cái siêu tôi (lương tâm). Mục tiêu điều trị của Sigmund Freud lúc này không đơn thuần chỉ là phát hiện những yếu tố vô thức dồn nén, mà còn là mở rộng sự kiểm soát “cái Tôi”. Từ quan điểm mới này, trong lý thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud về sau hình thành tâm lý học về “cái Tôi”, nhấn mạnh cơ chế phòng vệ và sự thích ứng của “cái Tôi”, như một trọng tâm nghiên cứu của Phân tâm học. Sau này những hạt nhân đó được mô tả rõ ràng hơn trong The Ego and the Mechanisms of Defense (Cái Tôi và cơ chế phòng vệ, 1936) của Anna Freud và Ego Psychology and the Problem of Adaptation (Tâm lý học cái Tôi và vấn đề thích ứng, 1939) của Heinz Hartmann.
Trước khi trở thành một học thuyết, Phân tâm học là một khoa chữa bệnh. Con người có hai loại bệnh: một do tổn thương thực thể và hai không do tổn thương thực thể. Loại thứ hai này người ta thường gọi là “bệnh vờ”, “bệnh tưởng” hoặc “ma ám”. Ở phương Tây thế kỷ XIX, người ta không coi đó là bệnh, bởi lẽ với một đầu óc cơ giới luận thì cơ thể người giống như một cỗ máy, nếu không hỏng một bộ phận nào thì không thể coi cỗ máy/cơ thể đó là hỏng hóc/bệnh tật được. Về sau, do sự bớt dần của tư duy cơ giới và sự tăng dần những hậu quả của bệnh không tổn thương thực thể, mà tiêu biểu là chứng hystérie (cuồng loạn), người ta bắt đầu coi đó là một loại bệnh và tìm cách chữa trị. Thoạt tiên là chữa bằng thôi miên và ám thị (Jean Martin Charcot 1825 – 1893, Sarah Bernheim 1844 – 1923), rồi bằng cocaine, sau cùng mới tới phương pháp phân tích tâm lý (Joseph Breuer). Phân tâm học (psychanalyse) chỉ thực sự bắt đầu với Sigmund Freud (1856 – 1939) sau khi ông đã trải qua tất cả những phương pháp trên. Sigmund Freud không phải là người phát hiện ra cái vô thức, bởi lẽ trước ông, Charcot trong tâm thần học, Taine trong tâm lý học, anh em nhà Goncourt, Dostoyevsky trong văn học đã nói đến. Công lao của Sigmund Freud là sự đổi mới cách hiểu về cái vô thức, tìm ra “con đường hoàng đạo” để đến với nó, chứng minh được sự tồn tại của một thứ “động cơ vô thức” có liên quan đến “dồn nén” mà trong đó đặc biệt là “dồn nén tính dục”.
Ngay từ khi mới ra đời, Phân tâm học đã phải chịu ngay “búa rìu dư luận”. Người ta coi nó là sự “hạ nhục” con người lần thứ ba và triệt để nhất. Lần đầu khi Copernicus lật đổ thuyết địa tâm chứng minh Trái Đất quay quanh Mặt Trời, khiến địa vị con người từ trung tâm vũ trụ phải ra rìa. Lần thứ hai với học thuyết tiến hóa của Darwin chứng minh con người được tiến hóa từ loài khỉ cao cấp (linh trưởng) khiến con người bị mất nguồn gốc thần thánh, hay ít nhất cũng bán thần thánh của mình, điều đã được ghi rành rành trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, con người vẫn còn hơn con vật ở chỗ nó có ý thức (ví dụ “con ong xây tổ” của Marx), có lý trí/đầu óc (“con người đứng bằng đầu” của thế kỷ Ánh sáng), nhưng với Sigmund Freud thì lý trí/ý thức chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, còn xung năng tính dục (libido)/phần chìm mới quyết định hướng trôi/đi của tảng băng/người. Như vậy, con người từ con vật lại trở về con vật, “khỉ lại hoàn khỉ”. Và Sigmund Freud, người đề xướng Phân tâm học cũng lãnh đủ hậu quả. Người ta lăng mạ, tẩy chay ông trong các hội họp chuyên môn, hội thảo khoa học. Rồi chứng minh Phân tâm học không phải là khoa học, mà chỉ là huyền thoại, tưởng tượng của một đầu óc bệnh hoạn, thậm chí bịp bợm. Có lẽ cũng chính bởi những lăng mạ đó mà sau này, dù gặp nhiều khó khăn nhưng cả đời Sigmund Freud bám lấy nghiên cứu lâm sàng, cố chứng minh bằng được Phân tâm học là một khoa học.
Dần dần bằng những hiệu quả chữa bệnh, bằng những công trình học thuật nghiên cứu nghiêm túc, Sigmund Freud đã thuyết phục được mọi người tin tưởng vào Phân tâm học. Người chữa bệnh và nghiên cứu Phân tâm học ngày càng đông. Năm 1902, hoàng đế François – Joseph ký quyết định bổ nhiệm Sigmund Freud làm giáo sư đặc biệt (extraordinarius). Năm 1908, Hội nghị quốc tế về Phân tâm học lần thứ nhất họp tại Salzbourg quyết định thành lập Hội Phân tâm học quốc tế do Sigmund Freud làm chủ tịch. Sau đó Hội Phân tâm học của các quốc gia cũng lần lượt ra đời. Như vậy, Phân tâm học và Sigmund Freud đã chính thức được thừa nhận, không chỉ trong giới khoa học mà trong cả đời sống thường nhật. Phân tâm học ra đời đã phá vỡ bức tường ngăn cách giữa tâm lý học và tâm bệnh học, giữa cái bình thường và cái không bình thường. Từ đó nhà Phân tâm học ngộ ra rằng, bản chất của chứng loạn thần kinh là sự thật không được biết đến, còn bản chất của Phân tâm học là sự thật được tìm lại. Từ đó, nhiều người bệnh được chữa khỏi và uy tín của  Sigmund Freud cùng với Phân tâm học càng được khẳng định.
Phân tâm học, như một cái cây, càng phát triển thì càng có nhiều cành lớn vươn ra và lên cao, do đó, càng xa với gốc. Các phạm trù, khái niệm của Sigmund Freud dần dà cũng được/bị đệ tử của các thế hệ sau hiểu sai/khác đi, từ đó mà nảy sinh mâu thuẫn thầy trò và dẫn đến những cuộc chia tay. Người ly khai sớm nhất, năm 1911, là Alfred Adler (1870 – 1937). Tuy vẫn thừa nhận luận điểm của Sigmund Freud về tầm quan trọng của thời thơ ấu, nhưng Alfred Adler diễn giải khác, bằng mặc cảm tự ti và do đó đề cao giáo dục gia đình và xã hội. Alfred Adler đã sáng lập ra ngành tính tình học và nhân cách học. Bốn năm sau (1914), Carl Jung (1875 – 1961) cũng ly khai với Sigmund Freud do quan niệm khác nhau về libido. Với Sigmund Freud thì libido thuần túy chỉ là xung năng tính dục, tức chỉ có ý nghĩa sinh học, còn với Carl Jung thì libido là năng lượng sống, tức là có ý nghĩa văn hóa. Sự mở rộng nội hàm khái niệm libido của người học trò Carl Jung đã khiến cho Phân tâm học tách khỏi lâm sàng, vốn là cơ sở khoa học của Phân tâm học. Với Sigmund Freud đây là “sự phản bội”, một mũi dao đâm từ phía lưng. Còn với Carl Jung, ông cho rằng, Phân tâm học đã phát triển tới mức không cần bệ đỡ sinh lý nữa, mà có thể mở rộng sang văn hóa. Chính nhờ ly khai này mà Carl Jung đã đưa Phân tâm học (mà ông gọi là tâm lý học phân tích hoặc tâm lý học các chiều sâu) từ vô thức cá nhân sang vô thức tập thể. Tuy nhiên, những người ly khai, rẽ lối, hoặc chống đối Sigmund Freud vẫn phải dựa trên những tiền đề của Sigmund Freud và do đó, ở một khía cạnh nào đó mà họ không thể thoát ra khỏi bàn tay của ông, như chuyện Tề thiên Đại thánh với bàn tay Phật tổ.
Sự phát triển của Phân tâm học cũng mang đến một hệ quả khác nữa. Cây đại thụ càng lớn thì càng nhiều giao cành chen bóng với những cây đại thụ bên cạnh của các khoa học khác, để mang lại những không gian mới cho mỗi bên. Trước hết, Phân tâm học kết hợp với chủ nghĩa Marx, đúng hơn xã hội học Mác xít. Nếu những hiện tượng trước đây chỉ được giải thích bằng các nguyên nhân xã hội thì nay được diễn giải thêm bằng cả nguyên nhân Phân tâm học. Xu hướng này đã nảy sinh ra một nhà Phân tâm học lỗi lạc Erich Fromm. Những nghiên cứu của ông về tình yêu (Phân tâm học Tình yêu), về tôn giáo (Phân tâm học Tôn giáo), về sự phát triển xã hội từ thời Cải cách đến Thế chiến Một (Chạy trốn khỏi tự do)… đã mở ra một hướng mới cho Phân tâm học. Một “giao cành” nữa giữa Phân tâm học và cấu trúc luận đã sản sinh ra một bậc thầy Phân tâm học khác, đại diện cho Trường phái Paris, là Jacques Lacan. Thấy nhiều người đi quá xa với gốc, Jacques Lacan chủ trương quay về với Sigmund Freud. Ông lấy lại các phạm trù, khái niệm của thầy mình, nhưng đưa ra một diễn giải khác, không dựa trên cơ sở sinh lý nữa, mà trên cơ sở ngữ học cấu trúc. Từ định đề nổi tiếng: “vô thức được cấu trúc như một ngữ ngôn”, Jacques Lacan đã có một cái nhìn mới về cái biểu đạt/cái được biểu đạt, đồng thời đưa ra những khái niệm mới như trật tự tượng trưng/trật tự lãng mạn, biểu tượng dương vật và sự thiến hoạn tượng trưng… Tóm lại, với Jacques Lacan, vô thức là diễn ngôn của “kẻ khác”.
Phân tâm học, kể từ khi Sigmund Freud đặt nền móng xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, đã tạo ra một cuộc cách mạng trong khoa học xã hội. Một khoa học thoạt đầu mang tính chất lâm sàng và điều trị lấy vô thức của con người làm đối tượng trung tâm, sau này đã bén rễ và đâm sâu vào các ngành khoa học xã hội mà tính chất liên ngành (interdisciplinary) và xuyên ngành (transdisciplinary) ngày càng được đề cao. Có lẽ, văn học là một chuyên ngành hưởng lợi nhiều nhất từ sự cộng tác mang tính quan hệ biện chứng với Phân tâm học. Bởi ban đầu Phân tâm học là một phương pháp điều trị, một lý thuyết về tâm lý khởi nguồn từ những phát hiện lâm sàng của Sigmund Freud và những phát hiện đó lại được Sigmund Freud tìm thấy trong nghiên cứu chất liệu văn học. Nổi tiếng nhất trong số đó là sự phát hiện ra phức cảm Oedipus của Sigmund Freud, được đặt tên theo bi kịch Oedipus Rex của Sophocles (Ba tiểu luận về lý thuyết tính dục, 1905). Xuyên suốt sự nghiệp của mình, Sigmund Freud viện tới văn học để kiểm chứng những phát hiện lâm sàng của mình. Cho dù rất nhiều công trình của Sigmund Freud bỏ qua vai trò của thực hành sáng tạo trong phương pháp nghiên cứu Phân tâm học, các nhà lý thuyết hiện tại đã quay trở về mối quan hệ giữa Phân tâm học và phê bình văn học/văn hóa. Đồng thời, các nhà lý thuyết đương đại như Jacques Lacan, Norman Holland và Harold Bloom đều thừa nhận công lao rất lớn của Freud trong lý thuyết nghiên cứu ngôn ngữ và văn học của họ.
Như vậy có thể thấy, từ những bước đi ban đầu mang màu sắc y học đơn thuần, Phân tâm học đã phát triển sâu hơn, chạm ngõ với tâm lý học, thần kinh học và trở thành một học thuyết mang tính chất triết học sâu sắc. Từ những khởi đầu của Sigmund Freud, các học trò sau này đã phát triển học thuyết đó với nhiều nhánh, nhiều tầng, biến Phân tâm học trở thành một học thuyết đồ sộ với ảnh hưởng rộng lớn trên hầu hết các mặt của đời sống xã hội cũng như các khoa học khác.
1.1.2. Sự hiện diện của Phân tâm học trong khoa học xã hội – nhân văn
Phân tâm học càng phát triển bao nhiêu thì diện ứng dụng của nó càng rộng lớn bấy nhiêu. Đầu tiên là ứng dụng trong chữa các bệnh tâm thần, làm tư vấn cho những người, những cặp đôi có trục trặc về tâm/sinh lý, cơ sở cho những phán đoán, diễn giải tâm trạng, hành vi của các đối tác làm ăn buôn bán, những hợp tác hoạt động chung. Không dừng ở đó, Phân tâm học tiếp tục đi vào các khoa học xã hội và nhân văn, tạo ra những ngành khoa học mới, nằm ở đường biên đã trở nên xơ cứng của hai khoa học đã định hình từ lâu. Trước hết phải kể đến Phân tâm học và nhân học với Geza Roheim (Nguồn gốc và chức năng của văn hóa, 1943; Phân tâm học và nhân học, 1950), với M.Mead (Từ vùng biển Nam, 1939), với Devereux (Phân tâm học tộc người, 1978); sau đó là Phân tâm học và chủ nghĩa Marx với W.Reich (Chủ nghĩa duy vật biện chứng với phân tâm học, 1929), với H.Marcuse (Dục tính và văn minh, 1955; Con người một chiều kích, 1964); rồi Phân tâm học và nghiên cứu trẻ em với M.Klein (Phân tâm học trẻ em, 1932); với Anna Freud (Cái bình thường và cái bệnh lý ở trẻ em, 1965); cuối cùng là Phân tâm học với phê bình văn học. Có thể nói, học thuyết của Sigmund Freud có một ảnh hưởng to lớn đối với tư duy hiện đại. Nhờ phát hiện ra vô thức và tìm tòi nghiên cứu những thứ chưa ai biết về trí não con người mà Sigmund Freud đã đưa ra những ý tưởng, những từ ngữ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của con người hiện đại. Tất cả mọi lĩnh vực tri thức của con người như văn chương, nghệ thuật, tôn giáo, nhân học, giáo dục, luật pháp, xã hội học, sử học… đều chịu ảnh hưởng của học thuyết này. Phân tâm học đã ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống tinh thần của thế kỷ XX.
Đối với khoa học xã hội và nhân văn, tiếp cận liên ngành (interdisciplinary) đã trở thành một xu hướng tất yếu. Đó là sự vượt ra ngoài những giới hạn giữa những lĩnh vực cố hữu để tích hợp và vận dụng lối tiếp cận cũng như các phương pháp nghiên cứu một cách triệt để. Một đối tượng có thể được nghiên cứu giao thoa giữa nhiều khía cạnh lĩnh vực khác nhau như xã hội học, tâm lý học, phân tâm học, dân tộc học, phong tục học… Mặt khác, chính sự giao thoa của những lĩnh vực này lại góp phần soi chiếu đối tượng từ nhiều góc độ khác nhau, mang lại kết quả nghiên cứu toàn vẹn và sâu sắc hơn.
Đóng góp của Phân tâm học đối với khoa học xã hội gồm ba phương diện. Nó thúc đẩy sự phát triển của nghiên cứu liên ngành trong những lĩnh vực như lịch sử và nhân học; giới thiệu những vấn đề lý thuyết mới (ví dụ như vấn đề của tính chủ quan, tính dục và cảm xúc); đóng góp cho sự phát triển các lý thuyết xã hội quan trọng như cấu trúc luận, lý thuyết phê bình của trường phái Frankfurt và hậu hiện đại. Tuy nhiên, những đóng góp ngược trở lại của khoa học xã hội đối với Phân tâm học thường không được quan tâm. Trên thực tế, cả Sigmund Freud và Jacques Lacan đều nhận ý tưởng từ các lý thuyết xã hội thời bấy giờ, như thuyết tiến hóa xã hội hay cấu trúc luận. Ví dụ như nền tảng của cấm kỵ loạn luân hay hành vi giết cha nguyên thủy được Sigmund Freud xây dựng nên từ công trình của các nhà tiến hóa luận xã hội như Lewis H.Morgan và James Frazer, từ đó dẫn đến bản chất phổ quát của phức cảm Oedipus. Sigmund Freud còn sử dụng các khái niệm nhân học như tính lấp lửng hai mặt và cấm kỵ nhằm củng cố lý thuyết về thần kinh của mình, đồng thời đưa ra định đề về sự đẳng trị giữa trẻ em, người dã man và bệnh nhân tâm thần.
Các tác phẩm của Sigmund Freud và Jacques Lacan được các nhà sử học và nhân học đương thời trích dẫn phổ biến. Thậm chí còn trở thành những cuộc tranh luận học thuật mang tính xây dựng và đóng góp vô cùng lớn cho khoa học liên ngành. Tiêu biểu như cuộc đối thoại giữa Sigmund Freud và nhà nhân học Bronislaw Malinowski trong nghiên cứu văn hóa. Trong công trình Sex and Repression in Savage Society (Tình dục và ức chế ở xã hội man dã,1927) Malinowski đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa trong phát triển xã hội và con người, phê phán lý thuyết phức cảm Oedipus được Sigmund Freud trình bày trong cuốn Vật tổ và cấm kỵ như là nguồn gốc của tôn giáo và văn hóa. Sự đối lập các xã hội nguyên thủy mẫu hệ với các xã hội phụ hệ Tây Âu được Malinowski coi là nguồn gốc của Phân tâm học. Bởi vậy, ông cho rằng, phức cảm Oedipus không có tính phổ quát với mọi con người và mọi xã hội. Cái mà có vẻ như phức cảm Oedipus trong xã hội mẫu hệ chỉ là sản phẩm của cấu trúc gia đình, của văn hóa. Ông muốn thay thế phức cảm này của Sigmund Freud bằng phức cảm hạt nhân gia đình. Thực ra, phức cảm Oedipus tồn tại phổ quát trong vô thức của con người, còn khi nó đã biểu hiện ra xã hội cụ thể thì nó có những khác biệt do sự khác biệt về văn hóa. Sigmund Freud hẳn đã nghĩ đến trường hợp này khi ông đề ra nguyên tắc chuyển vị: vai trò của ngôi cha trong xã hội mẫu hệ có thể chuyển sang ngôi cậu, ngôi mẹ sang ngôi chị em gái… Có điều dù phủ nhận phức cảm Oedipus, nhưng Malinowski luôn kêu gọi sự kết hợp giữa Phân tâm học và nhân học nhằm nâng cao tính sáng tạo của các công trình nghiên cứu.
Một nhà Phân tâm học khác có ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo, đó là Carl Jung với nghiên cứu biểu tượng tính tôn giáo. Carl Jung cho rằng, vấn đề sự tồn tại của Chúa là không thể lý giải đối với các nhà Phân tâm học và ông chọn lựa theo thuyết bất khả tri. Nhưng ông cho rằng, địa hạt tâm linh chứa đựng một thực tế tâm lý không thể được lý giải theo cách mà Sigmund Freud đề xuất. Carl Jung giả định rằng, bên cạnh vô thức cá nhân, vô thức tập thể, vốn là tập hợp trải nghiệm con người trong đó chứa đựng “siêu mẫu” (archetype, những hình ảnh cơ bản phổ quát trong các văn hóa độc lập khác nhau). Ông coi sự xâm nhập của những hình ảnh này vào địa hạt hữu thức là cơ sở của trải nghiệm tôn giáo và sáng tạo nghệ thuật. Một số công trình của Carl Jung tập trung vào làm rõ một số biểu tượng cổ mẫu và những tác phẩm khác của ông về so sánh tôn giáo, lịch sử giả kim và những lĩnh vực liên quan đã thu hút được nhiều học giả. Chính phong trào được khởi xướng bắt nguồn từ Carl Jung, với những tên tuổi về sau như Mircea Eliade, Karoly Kerenyi đã trở thành tác nhân chính trong việc phục sinh sự quan tâm nghiên cứu phân tích thần thoại. Từ đó lan dần ra những phân tích, dẫn chứng tác phẩm ở các thể loại văn học khác như một cách phê bình văn học.
Các nhà Phân tâm học đã có ảnh hưởng rất lớn đến phê bình văn học. Đầu tiên là Sigmund Freud, ông tổ thứ nhất của Phân tâm học, tiếp theo Carl Jung và Jacques Lacan. Họ cũng đã đào tạo nên một loạt các học trò thuộc trường phái khoa học của mình. Với tư cách nhà Phân tâm học, trong quá trình xây dựng học thuyết hoặc luận điểm của mình, ngoài việc lấy dữ liệu trực tiếp từ người bệnh, họ còn lấy dữ liệu gián tiếp từ các tác phẩm văn học, hoặc chính bản thân các nhà văn được coi như một ca tâm bệnh. Có thể kể đến trường hợp René Laforgue, nhà Phân tâm học Pháp với công trình Sự thất bại của Baudelaire năm 1931. Ông không nghiên cứu thi phẩm Ác hoa như một tác phẩm nghệ thuật, mà chỉ ra căn bệnh của thi nhân. Ông dịch ngôn ngữ thơ ra ngôn ngữ lâm sàng và biến những biểu tượng của Baudelaire thành những phúng dụ đơn giản của chứng loạn tâm. Trường hợp khác là Marie Bonaparte (1882 – 1962), người sáng lập Hội Phân tâm học Paris, với công trình Edgar Poe năm 1953. Nghiên cứu Edgar Poe, bà luôn đặt tác phẩm và tiểu sử của ông song song với nhau và lấy cái tiểu sử giải thích tác phẩm. Mặc dù có những phát hiện thú vị và sâu sắc về văn học nhưng đây vẫn chỉ là những nghiên cứu Phân tâm học hơn là phê bình văn học. Bởi lẽ ở thời điểm đó, các nhà nghiên cứu luôn coi Phân tâm học là tính thứ nhất, còn văn học chỉ là tài liệu khảo sát, thậm chí minh họa. Điều này khác với nhà phê bình văn học thực thụ luôn coi văn học là tính thứ nhất, còn Phân tâm học chỉ là lối tiếp cận. Tuy vậy, từ những ảnh hưởng ban đầu đó bắt đầu xuất hiện đông đảo các nhà phê bình văn học từ Phân tâm học. Họ tiếp thu những lý thuyết Phân tâm học khác nhau, sáng tạo ra lý thuyết phê bình của mình, làm giàu cho những lý thuyết văn học, phê bình văn học và cho cả tác phẩm nghệ thuật.
Có thể thấy, Phân tâm học ảnh hưởng lớn tới hội họa, điêu khắc và thế giới nghệ thuật nói chung. Những tác phẩm hội họa được giải thích bằng học thuyết Phân tâm học như các bức tranh của Leonardo de Vinci. Những công trình triết học nghiên cứu về nhân học triết học Sigmund Freud. Những công trình nghiên cứu về biểu tượng, mẫu gốc trong ngành văn hóa học. Thậm chí, số lượng những công trình về tôn giáo học, luật học, xã hội học… tiếp cận từ Phân tâm học là không hề nhỏ, cho thấy sự ảnh hưởng của Phân tâm học đến hầu hết các ngành khoa học xã hội. Đặc biệt, ảnh hưởng của Phân tâm học đến văn học nghệ thuật là tương đối sâu sắc. Trong tiểu thuyết, thơ, kịch và các hình thức văn chương khác, những ý tưởng chính của Sigmund Freud đã được phát triển. Một loạt các dẫn dụ khi phân tích các tác phẩm trong các công trình đã được dịch như Phân tâm học và nghệ thuật thơ ca, Vấn đề loại hình trong mỹ học, Tâm lý học và văn học, Cành vàng, Giải phẫu phê bình… đã cho thấy rõ điều đó. Phân tâm học gợi mở những cách tiếp cận từ ẩn ức cá nhân, những biểu tượng trong văn bản hoặc vô thức của độc giả đã dẫn người đọc đến một cách hiểu thú vị về văn bản. Đặc biệt, với những tác phẩm văn học hiện đại/hậu hiện đại, khi cuộc sống con người trở nên cô đơn, hoang mang với sự khủng hoảng của các giá trị sống, tiếp cận các biểu tượng văn học từ Phân tâm học càng cho thấy những giá trị sâu sắc.
1.2. Phê bình phân tâm học
1.2.1. Thuật ngữ Phê bình phân tâm học
Ý niệm về Phê bình phân tâm học đã tồn tại được hơn một thế kỷ. Nó đã xuất hiện ngay từ đầu thế kỷ XX, hoặc ít nhất từ năm 1908 khi Creative Writers and Day-Dreaming (Cây viết sáng tạo và mộng mơ) của Sigmund Freud được xuất bản. Phê bình phân tâm học tạo ra những vấn đề ký hiệu học tuy nan giải nhưng đầy hiệu quả trong việc khơi gợi và thử thách các triết gia như Ricoeur, Derrida và Althusser, các nhà Phân tâm học như Jacques Lacan, Gilles, Deleuze và Roy Schafer, cũng như các nhà phê bình như Roland Barthes, Julia Kristeva, Northrop Frye và Norman Holland. Sự xoắn luyến của Phân tâm học và Phê bình phân tâm học, đặt ra vấn đề thức nhận phân biệt giữa nhà Phân tâm học sử dụng văn học như là một tài liệu khảo sát, minh họa, kiểm chứng cho lý thuyết, và nhà phê bình sử dụng Phân tâm học như là một cách tiếp cận đối với văn học.
Có nhiều cách gọi khác nhau về việc ứng dụng các lý thuyết Phân tâm học vào nghiên cứu phê bình văn học. Có nhà nghiên cứu gọi đó là Phương pháp phê bình tâm lý (Nguyễn Văn Dân), Phê bình văn học theo phân tâm học, Phân tâm học ứng dụng trong văn học (Vũ Đình Lưu), Phê bình văn học theo xu hướng phân tâm (Liễu Trương)[1]… Thuật ngữ Phê bình phân tâm học (psychoanalysis criticism) trong chuyên luận này chỉ những cách sử dụng nội hàm Phân tâm học để ứng dụng vào nghiên cứu phê bình văn học. Hơn nữa, thuật ngữ này còn là sáng tạo của nhà Phê bình phân tâm học Pháp nổi tiếng, Charles Mauron.
Thật khó để xác lập một khái niệm cụ thể về Phê bình phân tâm, bởi dựa trên lý thuyết về Phân tâm học, các học giả sau này đã phát triển thành nhiều nhánh phê bình với những nội dung khác nhau. Thậm chí, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới còn kết hợp với các lý thuyết khác để tạo ra một lối phê bình mang bản sắc riêng như: nghiên cứu văn hóa với tâm bệnh học tộc người (G.Devereux), Phân tâm học và thiền (E.Fromm), Phân tâm học và folklore (V.Dundes), các nghiên cứu về chủ đề (Charles Mauron, G.Bachelard), nghiên cứu tác giả, tác phẩm (M.Bonaparte, J.Delay, J.Bellemin-Noel), người đọc (Norman Holland)… Nhà nghiên cứu Liễu Trương cho rằng: “Phê bình văn học theo xu hướng phân tâm học là một phê bình diễn giải và là một phê bình biến đổi cách nhìn văn bản. Nhưng sự biến đổi có giới hạn vì tính khác biệt giữa cách chữa bệnh tâm thần và cách đọc văn bản: một bên là lời thổ lộ của người bệnh được phân tâm, một lời nói lộn xộn, đối diện với người nghe (y sĩ phân tâm), bên kia là văn bản được viết, được xây dựng hẳn hoi cho một người đọc vắng mặt. Và sự mong chờ của tác giả ở độc giả khác với sự mong chờ của bệnh nhân ở y sĩ phân tâm”[2]. Tuy nhiên, cách hiểu trên của Liễu Trương mới chỉ nhắc đến văn bản và cách đọc văn bản mà chưa nhắc đến quá trình sáng tạo của tác giả và quá trình tiếp nhận của người đọc. Phê bình phân tâm học thực sự phủ rộng cả quá trình sáng tạo của tác giả (Phê bình phân tâm học tiểu sử), sản phẩm sáng tạo (Phê bình phân tâm học văn bản) và quá trình tiếp nhận sản phẩm sáng tạo (Phê bình phân tâm học người đọc).
Nói một cách khác, Phê bình phân tâm học là cách diễn giải văn học dựa trên những lý thuyết về Phân tâm học. Thông qua việc truy tìm cội nguồn của quá trình sáng tạo, sản phẩm sáng tạo và sự tiếp nhận sản phẩm sáng tạo, những giá trị nghệ thuật thẩm mỹ sẽ từ đó được khám phá và phơi bày [3].
Phê bình phân tâm học ngày càng phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Từ những cách đọc đầu tiên còn bị những ràng buộc nặng nề bởi lý thuyết, càng về sau các nhà phê bình càng cởi mở hơn trong cách vận dụng vào phê bình văn học.
Phê bình phân tâm học với một khối lượng lý thuyết đồ sộ và ngày càng phát triển rất khó để bao quát toàn bộ. Đặt trong một cái nhìn mang tính triết học theo mô hình phát triển nhận thức từ tiền hiện đại đến hiện đại và hậu hiện đại, có thể tạm chia ra ba khuynh hướng Phê bình phân tâm học đó là: Phê bình phân tâm học tiểu sử; Phê bình phân tâm học văn bản và Phê bình phân tâm học người đọc.
1.2.2. Phê bình phân tâm học tiểu sử
Chịu ảnh hưởng Thuyết tiến hóa của Darwin hay Chủ nghĩa thực chứng trong triết học của Auguste Comte, Herbert Spencer…, tư duy tiền hiện đại giải thích thực tế bằng những lí lẽ của đạo đức trên cơ sở niềm tin hay thuyết nhân – quả. Thời điểm đó người ta thường diễn giải văn chương từ bối cảnh xã hội, tiểu sử tác giả, nói chung là từ các nguyên tắc bên ngoài văn bản. Ở châu Âu, hai trào lưu quan trọng là Thực chứng luận và Lịch sử tinh thần đều dựa trên những nguyên tắc của lịch sử. Tư duy tiền hiện đại thể hiện rõ trong Phân tâm học thời kì đầu mà đại diện tiêu biểu là Sigmund Freud. Theo đó thì giai đoạn này, Phân tâm học đề cao vô thức tác giả trong quá trình diễn giải văn học, xem tác phẩm văn học như một biểu hiện của vô thức tác giả. Công việc của nhà phê bình lúc này là phân tích văn bản để từ đó tìm ra những bí mật trong vô thức tác giả, soi chiếu văn bản vào tiểu sử của nhà văn. Tuy cách tiếp cận này bộc lộ một số nhược điểm nhưng cũng gặt hái được những thành công nhất định với các đại diện tiêu biểu như Marie Bonaparte, René Laforgue, Charles Mauron, Harold Bloom…
Sinh thời, Sigmund Freud là người yêu thích văn chương và cho rằng chính các nhà văn mới là người phát hiện đầu tiên về vô thức. Ông đặc biệt ưa thích Sophocle và Shakespeare. Ông để tâm nghiên cứu những tác phẩm của các nhà văn này và lấy làm dẫn chứng cho những phát kiến về Phân tâm học của mình. Sigmund Freud cho rằng, nghệ sĩ là người có một trực cảm nhạy bén và có thể tiên tri về các hiện tượng mà bản thân anh ta không biết được nhưng Phân tâm học có thể khai phá những bí mật đó. Tuy vậy, Sigmund Freud thường tìm trong văn học những điều mà ông cho là hợp lý với lý thuyết của mình và nhằm minh họa cho lý thuyết đó hơn là việc khám phá văn học. Chính điều đó khiến cho nhiều nhà nghiên cứu sau này cho rằng, cách diễn giải của Sigmund Freud về văn học chỉ mang tính minh họa cho học thuyết phân tâm, dù rằng nó có giá trị nghệ thuật.
Sự phát triển của Phê bình phân tâm học cũng tương ứng với sự phát triển hai giai đoạn trong các tác phẩm của Freud. Giống như Phân tâm học, Phê bình phân tâm học bắt đầu từ Freud. Freud viết phần lớn các tiểu luận về nghệ thuật của mình trong giai đoạn mà mô hình định vị chi phối tư duy của ông (1900-1923), trừ một biệt lệ, Dostovesky and Parricide (Dostovesky và hành vi giết cha, 1928). Những ý tưởng thẩm mỹ phản ánh mối quan tâm chính của ông về sự giải mã giấc mơ và những hình thức khác của đời sống tưởng tượng vô thức, cũng như tầm quan trọng của tính dục ấu thời (đặc biệt phức cảm Oedipus) trong trải nghiệm và tâm thức con người. Trong nhận định của mình về Vua Oedipus của Sophocles trong Giải mã giấc mơ, ông thấy trung tâm là sự tưởng tượng vô thức thay vì những chủ đề trí tuệ hữu thức. Văn bản văn chương – giống như giấc mơ – là một cấu trúc thỏa hiệp giữa mục đích vô thức và hữu thức. Hơn nữa, tưởng tượng vô thức không chỉ tồn tại trong văn bản mà còn ở trong trí óc tác giả và người đọc – một quan điểm mở đường cho Phê bình phân tâm học tiểu sử và Phê bình phân tâm học người đọc. Trong các tác phẩm Hoang tưởng và giấc mơ trong truyện Gradiva của Jensen (1907), Creative Writers and Day-Dreaming (Cây viết sáng tạo và giấc mơ ban ngày, 1908) và Leonardo Da Vinci and a Memory of His Childhood (Leonardo Da Vinci và ký ức thiếu thời, 1910), Freud bàn luận thêm những quan điểm của mình về mối quan hệ giữa tưởng tượng và sáng tạo, nội dung vô thức của các tác phẩm văn học và tầm quan trọng của trải nghiệm vô thức ấu thời đối với hoạt động sáng tạo lúc trưởng thành.
Sigmund Freud đặc biệt quan tâm đến tâm lý người sáng tạo: “Do đâu có sự sáng tạo?”. Ông cho rằng những huyễn tưởng của trẻ con, tức tâm lý ấu thời có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sáng tạo, đặc biệt là tính dục ấu thời. Mặc cảm Oedipe có những ảnh hưởng tâm lý không nhỏ đến đời sống con người, đặc biệt là những ấn tượng mạnh sẽ để lại những dư chấn tâm lý khó phai trong vô thức. Điều đó đặc biệt quan trọng đối với sự sáng tạo. Freud đã tiến hành khảo sát quá trình sáng tạo của văn hào Dostoievski và họa sĩ lừng danh Léonardo de Vinci để phát hiện ra rằng: sự thiếu vắng chăm sóc của người mẹ có ảnh hưởng lớn đến các bức họa nổi tiếng của Léonardo de Vinci. Mặc cảm Oedipe, bệnh động kinh và sự ghét cha đã tạo nên những tác phẩm văn học lừng danh trên toàn thế giới của Dostoievski. Freud kết luận: “Nhà thơ làm thơ như đứa trẻ đang chơi; ông tự tạo cho mình một thế giới tưởng tượng mà ông cho là có thật, nghĩa là ông vừa phú cho thế giới đó một lượng cảm xúc to lớn vừa phân biệt nó rõ ràng với thực tế” (Liễu Trương, Phân tâm học và phê bình văn học). Sự sáng tạo văn chương cũng là một huyễn tưởng do những ước muốn không được thỏa mãn, gây ức chế và hằn sâu trong vô thức. Tác phẩm văn chương như một huyễn tưởng được viết ra, ở đó sẽ xuất hiện tư duy vô thức (architechtonique), là những dấu vết, những kỉ niệm trong ấu thơ đã bị vùi sâu dưới vô thức. Có hai loại viễn tưởng và từ đó có hai cách thức tạo nên tác phẩm văn học: cách thứ nhất là sự tái tạo hiện thực nhưng là một hiện thực đầy đau thương như trường hợp của các nhà văn Balzac, Hugo, Dostoievski…; cách thứ hai là nhà văn sáng tạo ra một thế giới khác hẳn với thế giới hiện thực đang có, như trường hợp của các nhà văn Hoffmann, Kafka…
Cho dù các tác phẩm của Freud chủ yếu minh họa cho lý thuyết của ông, những tiểu luận và nhận định của Freud về nghệ thuật vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của Phê bình phân tâm học. Hai vấn đề lý thuyết trọng tâm: đầu tiên là tình trạng thần kinh của người nghệ sĩ và thứ hai là mối quan hệ giữa nghệ thuật và giấc mơ. Vấn đề đầu tiên dẫn tới Phê bình phân tâm học tiểu sử, như Edgar Poe (1933) của Marie Bonaparte, vấn đề thứ hai dẫn đến Hamlet và Oedipus (1949) của Ernest Jones. Mô hình lý thuyết cấu trúc của Freud thay đổi hoàn toàn Phê bình phân tâm học. Sự chú trọng của nó vào phòng vệ và thích ứng của “cái Tôi” cho phép các nhà phê bình suy nghĩ lại về bản chất của nghệ sĩ. Thay vì bị cho là chi phối bởi vô thức, người nghệ sĩ được quan niệm sở hữu một khả năng thiên phú trong việc sử dụng các chất liệu vô thức cho sáng tác. Hơn nữa, các nhà phê bình có cơ sở lý thuyết để nhìn nhận vai trò của các hình thức nghệ thuật (thường trước đó bị bỏ qua) như một khía cạnh của chức năng phòng vệ và thích ứng của nghệ thuật.
Sau những khám phá của Freud về tâm thần con người và những bài giảng, bài viết liên quan đến đời sống văn học nghệ thuật, việc nghiên cứu văn học theo hướng phân tâm phát triển mạnh mẽ trong suốt thế kỉ XX, đặc biệt là ở Pháp. Nhiều hướng phê bình phân tâm được mở ra, trong đó Phê bình phân tâm học tiểu sử tạo thành một trào lưu phát triển sớm nhất. Những đại điện tiêu biểu của phương pháp phê bình này là René Laforgue, Marie Bonaparte, Jean Delay, Charles Mauron…

Charles Mauron (1899 – 1966) là nhà lý luận và phê bình văn học theo trường phái Phê bình phân tâm học tiểu sử tiêu biểu (thậm chí cả ở hướng Phê bình phân tâm học văn bản). Vốn được đào tạo trở thành một nhà điều chế hóa học, nhưng việc thị lực ngày càng suy giảm (do bị bong võng mạc) buộc ông phải thay đổi kế hoạch sự nghiệp của mình, sát ngay ngày được nhận công việc đầu tiên. Được sự khích lệ của Roger Fry, nhà phê bình nghệ thuật hậu ấn tượng theo chủ nghĩa hình thức người Anh, Charles Mauron bắt đầu dịch cuốn A Passage to India (Đường đến Ấn Độ) của E.M.Forster, sau đó là rất nhiều tác phẩm của các tác giả Laurence Sterne, D.H.Lawrence, Katherina Mansfield, Virginia Woolf và T.E.Lawrence… Charles Mauron tiếp thu thẩm mỹ văn học mang thẩm mĩ Anh quốc thay cho thẩm mỹ Pháp. Hai sáng tác đầu của ông là The Nature of Beauty in Art and Literature (Bản chất của cái đẹp trong nghệ thuật và văn chương, 1927) và Aesthetics and Psychology (Mỹ học và tâm lý học, 1935) đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu lúc đó. Charles Mauron nhận được bằng tiến sĩ tại Sorbonne khi ông đã 64 tuổi. Trước khi qua đời, ông giảng dạy một thời gian ngắn ở Trường Đại học Université d’Aix.
Qua các tác phẩm của mình, Charles Mauron hình thành khái niệm về mỹ học với tư cách là một môn khoa học, quan tâm đến các tình trạng của giác quan tri nhận, từ đó hình thành môn tâm lý học khảo sát thực nghiệm bản chất của sự sáng tạo và giá trị thẩm mỹ. Trong khi bị hấp dẫn bởi các lý thuyết của Sigmund Freud (trước phần lớn các nhà phê bình Pháp), ông thấy được yêu cầu phải đặt ra một thực tại cao hơn, một cảm quan tâm linh, như là cội nguồn của nghệ thuật, đồng thời như là sự đối kháng lại vô thức dục tính bản năng. Hệ thống lý thuyết của Freud, như đã từng bị nhiều nhà phản biện chỉ ra, là kết quả lịch sử của sự hòa lẫn giữa chủ nghĩa duy lý theo quyết định luận thế kỷ XVIII, thuyết phi lý lãng mạn và sinh lý học thế kỷ XIX. Khi áp dụng vào nghiên cứu văn học, Phân tâm học mở ra cánh cửa đến với những lý thuyết phê bình diễn cảm, có xu hướng coi trọng tính chủ quan và trực giác. Đây chính là điều mà Charles Mauron bị lôi cuốn. Thêm vào đó ông có sự mê hoặc với thần bí phương Đông được khởi phát từ sự nghi hoặc đối với chủ nghĩa duy lý và sự đánh giá cao những nhận định của Claude Bernard và Henri Poincaré về vai trò của nhận thức trực giác. Năm 1950, khi L’Introduction à la psychanalyse de Mallarmé (Dẫn nhập vào phân tâm học Mallarmé) được xuất bản, Charles Mauron đã trình bày Phê bình phân tâm học, như sự thỏa hiệp của bản thân giữa những gì ông thấy là “chủ quan” và cái “khách quan” giữa mỹ học và tâm lý học.
Phê bình phân tâm học cải thiện tri thức của chúng ta về các tác phẩm văn học bằng cách cô lập (và rồi nghiên cứu) các cấu trúc văn bản, mà nguồn gốc của chúng được gắn với “nhân cách vô thức” của tác giả. Nó không hề phủ nhận sự tồn tại (hay tầm quan trọng) của các cấu trúc văn bản phức tạp hay do hữu thức quy định cũng như không hề xem nhẹ tác động của các ảnh hưởng. Luôn đặt mình vào vị thế mà ông gọi là “con người khoa học” Charles Mauron nhấn mạnh rằng, phương pháp thực nghiệm của mình đòi hỏi nhà phê bình nhận diện ba biến thể trong hành động sáng tạo tự do của nhà thơ – bối cảnh, ngôn ngữ và tính cách của người nghệ sĩ, trong đó biến thể thứ ba là mối quan tâm chính của ông. Sử dụng khái niệm của Sigmund Freud về nguồn gốc vô thức tiềm ẩn của dạng thức biểu hiện và nội dung của tác phẩm nghệ thuật, Charles Mauron cho rằng, dưới bề mặt thống nhất được biểu hiện của văn bản, có một ý nghĩa ẩn tàng và quan trọng hơn. Ông không rơi vào cái bẫy của những người theo chủ nghĩa rút gọn, nhầm lẫn tác phẩm nghệ thuật với một giấc mơ hoặc một triệu chứng. Ông thấy được những gì mà Phân tâm học hoặc “khoa học về tâm lý” mang lại, giúp nhìn xuyên qua những tưởng tượng, đến với quá trình sáng tạo.
Charles Mauron cho rằng, những phương pháp của Phân tâm học nên/phải được áp dụng vào phê bình văn học. Ông tìm kiếm kết hợp các ưu điểm của sự liên tưởng tự do của bệnh nhân (tự nguyện dừng việc kiểm soát hữu thức) và sự thận trọng của nhà phân tích (sẵn sàng nắm bắt lấy các cấu trúc lặp đi lặp lại). Phương pháp ông phát hiện ra bao gồm sự xếp chồng các văn bản. Trước tiên phải chấp nhận việc đánh giá văn bản trong tư cách là văn bản và văn học trong tư cách là văn học, chứ không phải đi tìm những dấu hiệu lâm sàng của lí thuyết Phân tâm học trong tác phẩm. Phương pháp của Charles Mauron yêu cầu tiếp cận văn bản trên bốn bước: một là, đi tìm những ẩn dụ và biểu tượng trong tác phẩm; hai là, đặt các biểu tượng và ẩn dụ trong các tác phẩm này cạnh nhau để đối chiếu; ba là, tìm được “mạng lưới ẩn dụ” soi chiếu những biểu tượng ám ảnh đó; cuối cùng, bốn là, tìm lại quá khứ trong cuộc đời của người viết các dữ kiện có thể giải mã những ám ảnh nghệ thuật đó nhằm hiểu rõ hơn các giá trị và các vấn đề nghệ thuật liên quan trong tác phẩm. Nhà phê bình tự cho mình thả trôi sự chú ý hữu thức của bản thân và cho phép các sự trùng hợp ngẫu nhiên được gợi lên trong các văn bản liên tưởng đến, cho dù không có trật tự hữu thức hay thời gian. Những sự trùng hợp này được chú ý và nếu nguyên nhân của chúng không nằm trong bề mặt hình thức thống nhất của văn bản, chúng được cho là vô thức, tiềm ẩn và do đó được quan tâm phân tích. Chúng sẽ được tập hợp lại thành cái gọi là “ẩn dụ ám ảnh” (cho dù không phải tất cả hoàn toàn là ẩn dụ) hoặc mạng lưới những liên tưởng “cộng hưởng” rất phổ biến trong lý thuyết của Charles Mauron. Những mạng lưới này được cho là biểu hiện của các tập hợp vô thức bên trong tâm lý tác giả, tập hợp mối liên hệ với những đối tượng bên trong và bên ngoài nhằm tạo ra một cái nhìn thống nhất về thế giới nội tại phân mảnh. Nhìn nhận tác phẩm của Charles Mauron trong một tổng thể có thể thấy vai trò quan trọng của hệ thống những mối liên hệ trong nghệ thuật. Sau này, Charles Mauron biện luận (được tóm tắt trong Des Métaphores obsédantes au mythe personnel – Từ ẩn dụ ám ảnh tới huyền thoại cá nhân, 1962) rằng có một “lực trường” tâm lý (force field) được tạo ra bởi hệ thống hình ảnh, một trường các mâu thuẫn, đau đớn và phòng vệ trở nên phân cực thành các hình tượng huyền thoại. Nói khác, ẩn dưới những mạng lưới hình ảnh ám ảnh này, có một tưởng tượng ám ảnh – “huyền thoại cá nhân” – là biểu hiện kịch hóa của những cấu trúc tâm lý và mối tương quan giữa chúng.
Mối quan tâm ban đầu của Charles Mauron là các nhà thơ trữ tình, những người có tác phẩm thể hiện sự xếp chồng, hé lộ các mạng lưới ẩn dụ ám ảnh. Tuy nhiên, sự giả định bản chất kịch của huyền thoại cá nhân cho phép phương pháp của ông mở rộng biên độ nghiên cứu tới các tác phẩm kịch và sử thi, như trong L’Inconscient dans l’oeuvre et la vie de Racine (Cái vô thức trong cuộc đời và tác phẩm của Racine, 1954). Song, trong nỗ lực nhằm đưa Phê bình phân tâm học vào nghiên cứu các tác phẩm của Molière, Charles Mauron buộc phải cân nhắc cả cấu trúc chung lẫn chức năng khả thi của vô thức độc giả: nghĩa là, khi huyền thoại cá nhân của Molière trùng hợp với cấu trúc hình thức của hài kịch nói chung, Charles Mauron nghiên cứu thể loại hài như một tổng thể (trong Psychocritique du genre comique, Phê bình phân tâm học thể loại hài kịch, 1964), kết hợp cả những lý thuyết của Sigmund Freud về đùa cợt, Carl Gustav Jung về vô thức tập thể, của Klein và Anna Freud về những cơ chế phòng vệ.
Nhìn chung, tác phẩm phê bình phân tâm của Charles Mauron hé lộ sự căng thẳng thường trực giữa mong muốn làm sáng tỏ đối tượng được sáng tạo và mối quan tâm đến tâm lý người sáng tạo. Nói khác, đây là sự trình bày mâu thuẫn ban đầu giữa mỹ học và tâm lý học. Trong thời gian ngắn, vào đầu những năm 1960, Charles Mauron bị cuốn vào cuộc tranh luận về trào lưu Phê bình Mới (Nouvelle Critique). Vào thời điểm này, ông luân phiên tán thành rồi phản đối sự khắt khe của phương pháp luận mà ông rút ra được từ Phân tâm học. Ngày nay ở Pháp, các tác phẩm của ông có xu hướng bị đánh giá là lỗi thời hoặc bị viết lại – với sự bóp méo đáng kể. Nhưng đóng góp của ông tới phương pháp luận phê bình và việc đọc/nhìn tác phẩm của các nhà văn (cũng như các họa sĩ), có lẽ vẫn rõ ràng theo đúng cách hiểu thuật ngữ Phân tâm học ở Pháp, chủ yếu dựng lại quá trình sáng tạo của nhà văn.
Phê bình phân tâm học tiểu sử cũng có những giới hạn nhất định. Đó là sự đơn giản hóa ý nghĩa, làm mất đi tính độc đáo của văn bản, thu hẹp phạm vi nghệ thuật và thay vào đó là mở rộng phạm vi của tâm lý sáng tạo, dùng văn học để diễn giải tâm lý. Nói cách khác, việc đọc tác phẩm theo cách này chỉ có thể đưa đến những kết quả đã được nhà phê bình dự kiến trước dựa trên những hiểu biết tâm lý của người sáng tạo. Kết quả thu được là khởi điểm của nghiên cứu hơn là một quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, phương pháp này đã tạo ra một trào lưu và ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà phê bình văn học sau này. Và nói một cách công bằng, Phê bình phân tâm học tiểu sử đã đưa lại những liên hệ nhất định trong việc khẳng định mối quan hệ giữa ẩn ức vô thức của người sáng tạo với sản phẩm sáng tạo. Từ đó gợi mở những ám ảnh nghệ thuật trong văn bản – điều mà nhà phê bình văn học nào cũng quan tâm.
1.2.3. Phê bình phân tâm học văn bản  
Đến đầu thế kỉ XIX, con người theo đuổi những tri thức khách quan và phương pháp khoa học thay cho niềm tin và quan hệ nhân – quả từ tư duy tiền hiện đại. Chân lý lúc này phải dựa trên những kết quả thu nhận được từ thế giới khách quan có thể kiểm chứng. Những bí mật của đời sống được lý giải từ tư duy phê phán, từ sức mạnh của lý trí, của khoa học và tư duy duy lý. Lúc này, trong văn học nghệ thuật, thay vì nhấn mạnh vào việc tìm hiểu tiểu sử tác giả, người ta chuyển sang nghiên cứu văn bản như sự tồn tại tự thân. Phê bình phân tâm học cũng chuyển sang quan tâm nhiều hơn đến các giá trị tồn tại trong nội giới của văn bản, gạt bỏ dần những ảnh hưởng của ngoại quan đến việc lý giải giá trị tác phẩm.
Phê bình phân tâm học tiểu sử tuy có những thành công nhất định, song cũng bộc lộ nhiều hạn chế và ngày càng mất dần vị trí. Chính vì vậy, nhiều nhà Phê bình phân tâm học giai đoạn sau đã phê phán việc quá coi trọng tiểu sử tác giả trong quá trình diễn giải văn bản. Vì vậy, họ đi vào trọng tâm là nghiên cứu văn bản và xem tác phẩm như là một quá trình sáng tạo. Công việc của nhà phê bình lúc này là khám phá quá trình hình thành của văn bản, tìm hiểu văn bản đó được tạo dựng như thế nào. Nếu trước đó, các nhà Phê bình phân tâm học tiểu sử cố gắng truy nguyên vào cõi vô thức của tác giả, thì các nhà Phê bình phân tâm học hiện đại lại cố gắng chuyển sự truy nguyên đó sang văn bản. Các đại diện tiêu biểu cho phương pháp phê bình này là Carl Gustav Jung, Jacques Lacan, Gaston Bachelard…
Card Gustav Jung (1875 – 1961) là môn đệ cưng của Sigmund Freud, đã từng được chỉ định sẽ kế ngôi vị Chủ tịch Hội Phân tâm học Quốc tế. Tuy nhiên, những phát triển của Carl Gustav Jung đã ngày càng xa ông thầy của mình, khiến tình thầy trò xa cách và dẫn đến sự li khai vào năm 1913. Hai điểm khác biệt lớn nhất trong lý thuyết của Card Gustav Jung so với Sigmund Freud là: Card Gustav Jung không giải thích libido như một đặc điểm tính dục mà coi nó như một năng lượng sống, đồng thời Card Gustav Jung cũng phát hiện ra rằng dưới vô thức cá nhân còn là vô thức tập thể được cấu trúc bằng các siêu mẫu (archétype). Card Gustav Jung đi sâu vào nghiên cứu các lĩnh vực về văn hóa, tâm linh, thần bí hơn thầy của mình và có ảnh hưởng đặc biệt sâu rộng đối với phê bình văn học nghệ thuật.
Đối với thuật ngữ libido, Card Gustav Jung đã nới rộng nội hàm so với quan điểm của Sigmund Freud. Card Gustav Jung cho rằng, libido không chỉ là bản năng tính dục mà nó còn là sức sống bao gồm nhiều hoạt động khác. Ông chia ra hai loại hình libido là hướng nội và hướng ngoại. Với người có loại hình hướng nội, các cảm xúc và tư tưởng của họ hướng vào trong. Họ ưa thích những suy tư, cô độc và sự yên tĩnh. Ngược lại, đối với người hướng ngoại lại hướng những cảm xúc và tư tưởng ra bên ngoài, do đó họ ưa thích các hoạt động giao du, vui vẻ và dễ thích nghi với hoàn cảnh. Trong mỗi người đều có cả hai loại hình này, nhưng chỉ là có một loại hình nổi trội hơn mà thôi.
Với thuật ngữ vô thức, Card Gustav Jung cho rằng, dưới vô thức cá nhân (tức tiềm thức), ở tầng sâu hơn còn có vô thức tập thể. Sơ đồ kết cấu tâm lý theo Card Gustav Jung cũng gồm có ba phần, nhưng ba phần đó khác với Sigmund Freud. Quan điểm của Sigmund Freud cho rằng: hai phần nhô trên mặt nước là ý thức (ego) và siêu thức (superego), phần dưới mặt nước là vô thức – tiềm thức (id). Khác với thầy của mình, Card Gustav Jung cho ba phần đó là: ý thức là phần ở trên mặt nước, vô thức cá thể là phần chìm dưới mặt nước và vô thức tập thể là phần dưới đáy sâu. Như vậy là Card Gustav Jung còn nhấn mạnh vô thức hơn cả Sigmund Freud và coi vô thức tập thể mới là yếu tố quyết định hành vi của con người. Card Gustav Jung cho rằng, vô thức tập thể là giá trị chung của toàn nhân loại và thể hiện giống nhau ở tất cả mọi người. Như vậy, quan điểm của Card Gustav Jung và Sigmund Freud ngày càng xa nhau, thậm chí trái ngược nhau. Trong khi Sigmund Freud cho rằng vô thức là sự di truyền bản năng mà ở đây là bản năng tính dục thì Card Gustav Jung lại cho rằng trong vô thức còn chứa đựng yếu tố di truyền mang tính xã hội nằm sâu trong văn hóa của cộng đồng người.
Card Gustav Jung cho rằng vô thức tập thể nằm trong những kinh nghiệm nguyên thủy và yếu tố cơ bản của nó chính là các siêu mẫu (archétype). Trong cuộc sống nguyên thủy có bao nhiêu tình cảnh điển hình thì có bấy nhiêu loại siêu mẫu: sinh nở, chết, quyền lực, anh hùng, trẻ con, ác quỷ, cha, mẹ, mặt trời, sông, nước, biển…. Các siêu mẫu này có tác dụng dẫn đường và điều phối sự phát triển tâm lí con người từ tâm thần nguyên thuỷ chung thành những cá nhân riêng biệt mà Card Gustav Jung gọi là quá trình Cá nhân hoá (Individuation). Trong đó, có năm loại siêu mẫu quan trọng nhất là: Mặt nạ nhân cách (Persona), Căn tính nữ (Anima), Căn tính nam (Animus), Bóng âm (Shadow) và Vô thức tự ngã (Self).
Tiếp nối phương pháp phê bình siêu mẫu, Gaston Bachelard là một người chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Card Gustav Jung. Gaston Bachelard (1884 – 1962) là một triết gia kiêm nhà phê bình văn học. Trong phê bình văn học, dựa trên những lý thuyết về phân tâm, ông đề xuất hướng phê bình, đi tiên phong cho phương pháp Phê bình Mới ở Pháp. Gaston Bachelard vận dụng các lý thuyết Phân tâm học theo một hướng khác, không theo hướng tính dục mà thuần túy là vô thức. Cái vô thức bắt nguồn từ những trạng thái vật chất như nước, lửa, không khí, đất… mà người ta gọi là Phê bình phân tâm học vật chất. Ông cho rằng, những tiếp xúc ban đầu của con người với thế giới vật chất có vai trò cực kì quan trọng và để lại lâu dài trong thế giới vô thức của con người. Nó nằm sâu trong vô thức và được bộc lộc ra bằng sự sáng tạo. Những tác phẩm nổi tiếng của ông như Phân tâm học về lửa (1938), Nước và những giấc mơ (1938), Không khí và những giấc mơ (1943), Đất và những mơ mộng của ý chí (1948)… Bằng những tác phẩm đó, Gaston Bachelard đã mở ra một lối phê bình mới – phê bình của trí tưởng tượng.
Một nhà phê bình phân tâm nổi tiếng khác cũng đặc biệt quan tâm đến vô thức là Jacques Lacan. Jacques Lacan (1901 – 1981) không những là nhà Phân tâm học nổi tiếng tại Pháp mà trên toàn thế giới. Ông chủ trương trở về học thuyết của Sigmund Freud bằng cách dựa vào cấu trúc luận với tuyên bố nổi tiếng “L’inconscient est structuré comme un langage” (Vô thức được cấu trúc như một ngữ ngôn). Lý thuyết của Jacques Lacan về vô thức đặt trên nền tảng về ngữ ngôn đã tạo nên tiếng vang sâu rộng trong lĩnh vực phê bình. Ông cho rằng không những vô thức được cấu trúc như một ngữ ngôn, mà còn là sản phẩm của ngữ ngôn. Jacques Lacan sáng lập ra trường phái Phân tâm học cấu trúc (Structuralist Psychoanalysis), khai mở con đường từ Sigmund Freud dưới góc độ của chủ nghĩa cấu trúc (Structuralism) và hậu cấu trúc (Post-Structuralism). Ông đã tạo lập ra bộ ba khái niệm The real (cái thực) – The imaginany (cái tưởng tượng) – The symbolic (cái biểu tượng) thay cho bộ ba Id (vô thức) – Ego (ý thức) – Superego (siêu thức) mà Sigmund Freud dùng trước đó để mô tả cấu trúc tâm lý con người. Bộ ba khái niệm đó thiết lập một cấu trúc ngôn ngữ chặt chẽ và không có khái niệm nào vượt qua được phạm vi của ngôn ngữ, kể cả vô thức.
Một số nhà phê bình thế hệ sau chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lý thuyết của Jacques Lacan như Bermard Pingaud và Jean Bellemin-Noel. Bermard Pingaud cho rằng, tác phẩm thật sự đòi hỏi sự vắng mặt của tác giả và phương pháp phê bình phân tâm học chỉ đạt mục đích nếu nó đặt ra mục tiêu từ đầu về giả thuyết vô thức của văn bản. Jean Bellemin-Noel cũng đồng tình với việc loại bỏ hoàn toàn nhà văn ra khỏi văn bản trong việc diễn giải văn bản đó. Là nhà Phân tâm học thế hệ sau, ông xét lại khái niệm huyền thoại cá nhân của Charles Mauron và cho rằng Charles Mauron đã bị ràng buộc trong hệ tư tưởng phê bình của thời đại cũ. Jean Bellemin-Noel đi theo một hướng khác, đó là đi tìm vô thức trong văn bản. Ông là một trong những người chịu ảnh hưởng của Lacan với tác phẩm nổi tiếng Psychanalyse et littérature (Phân tâm học và văn học, 1978). Với những đóng góp đó của các nhà phê bình, Phê bình phân tâm học văn bản đã thực sự trở thành một phương pháp nổi bật.
Trong việc dùng Phân tâm học để diễn giải văn bản, thế kỉ XX đã chứng kiến nhiều cách đọc văn bản độc đáo. Chúng tôi muốn nhắc tới nhà phê bình Pierre Bayard với lý thuyết văn học ứng dụng. Pierre Bayard ít quan tâm đến việc diễn giải văn bản mà ông tập trung nghiên cứu sự vận hành ẩn giấu của tư duy đằng sau văn bản. Nếu như các nhà phê bình phân tâm trước đó tập trung vào hai cách diễn giải văn bản: hoặc là diễn giải văn bản trong mối quan hệ với tiểu sử tác giả, hoặc là tách hoàn toàn tác giả sang một phía chỉ để xem xét tác phẩm thì Pierre Bayard lại đưa ra một lập trường mới, ông cho rằng có thể đưa ra một lý thuyết độc đáo nào đó về tâm lý học từ tác phẩm, cách đó gọi là văn học áp dụng vào Phân tâm học hay còn gọi bằng thuật ngữ là văn học áp dụng.
Ngoài ra, còn nhiều nhà Phê bình phân tâm học văn bản khác như André Green, Didier Anzieu, Jean Laplanche, Jacques Derrida… Đặc điểm chung của các nhà phê bình này là họ nhấn mạnh vào quá trình viết và diễn giải tác phẩm hơn là các triệu chứng hay các chỉ dẫn được khám phá trong văn bản.
1.2.4. Phê bình phân tâm học người đọc
Từ giữa thế kỉ XX, con người dần thất vọng về hiện thực và nhận ra khoa học và tư duy duy lý không khiến cuộc sống hạnh phúc như họ mong mỏi. Thậm chí nhiều vấn đề của đời sống không thể giải thích bằng tư duy khoa học. Những hệ lụy từ chiến tranh, từ tàn phá môi trường, nạn nghèo đói… tồn tại khắp nơi trên thế giới khiến con người hoài nghi về những giá trị chân lý đang tồn tại. Tất nhiên, người ta cũng không quay lại với tư duy tiền hiện đại là xác lập niềm tin đối với tôn giáo hay quy luật nhân – quả, mà chuyển sang một hệ tư duy mới – tư duy hậu hiện đại: con người kiếm tìm ý nghĩa của riêng mình. Con người hậu hiện đại trở thành quyền uy cho chính mình và chỉ tin những gì mình đã từng trải nghiệm. Chính vì vậy, văn học nghệ thuật cũng chuyển sang chú trọng đến người đọc như một yếu tố không thể thiếu trong quá trình lý giải. Phê bình phân tâm học lúc này cũng coi sự tiếp nhận của người đọc như một đối tượng ưu tiên trong quá trình nghiên cứu và tìm kiếm ý nghĩa của văn bản.
Nếu việc sử dụng các lý thuyết phân tâm vào phê bình văn học ở phương diện quá trình sáng tạo và sản phẩm sáng tạo ngay từ đầu đã thu hút được nhiều nhà phê bình và có nhiều thành công, thì việc ứng dụng Phân tâm học vào phê bình ở phương diện tiếp nhận lại ít được chú ý. Phê bình phân tâm học người đọc là phương pháp ứng dụng lý thuyết phân tâm để phê bình văn học nhưng chủ yếu trên phương diện tiếp nhận. Phương pháp này chỉ ra vô thức của người đọc có vai trò như thế nào trong quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học. Đại diện tiêu biểu cho phương pháp phê bình phân tâm học người đọc là nhà phê bình Norman Holland.
Người đọc là một khái niệm quen thuộc trong đời sống văn học, là một phần trong chu trình văn học: tác giả – văn bản – người đọc. Theo quan niệm truyền thống phương Đông thì người đọc lý tưởng là người đồng cảm chia sẻ với tác giả về văn bản và chính người đọc đó biến văn bản thành tác phẩm. Ở phương Tây, việc nghiên cứu về người đọc phát triển mạnh vào giữa thế kỉ XX bởi nhà nghiên cứu Roman Ingarden (trong công trình Tác phẩm văn học, 1931). Roman Ingarden cho rằng tác phẩm văn học chịu sự tác động có ý thức của người đọc và chính người đọc sẽ lấp đầy những “khoảng trống” của văn bản để tạo thành tác phẩm văn học. Theo quan điểm của mỹ học tiếp nhận (receptive aesthetics), người đọc giữ vai trò chủ động và tích cực trong quá trình tạo nghĩa cho văn bản, vì vậy nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các hoạt động văn học. Hans Robert Jauss và W.Iser đại diện tiêu biểu cho mỹ học tiếp nhận cũng khẳng định người đọc và văn bản có mối quan hệ mật thiết với nhau. W.Iser đưa ra khái niệm “người đọc tiềm ẩn” hay “độc giả – đồng tác giả” đánh giá vai trò cực kì quan trọng của đối tượng tiếp nhận. Manfred Naumann thì cho rằng có hai loại người đọc là người nhận (der leser) và người đọc giả định (der hypothetische lerser). Manfred Naumann đặt người nhận trong các phạm trù xã hội học, tâm lý học và thẩm mĩ. Khái niệm người đọc giả định được ông nhắc tới thuộc về nhóm người đọc có trong ý thức, tiềm thức của tác giả, được tác giả hướng tới. Manfred Naumann đặt người đọc trong mối quan hệ biện chứng với tác giả và văn bản, đó là quan hệ biện chứng giữa sản xuất và tiêu dùng. Cũng gần với quan điểm đó của Manfred Naumann, Robert Escarpit cũng cho rằng người đọc tham gia vào quá trình tiêu thụ văn học và thông qua hành động đọc, người đọc “đối thoại” với nhà văn bằng việc phản ứng hay đồng tình với tác giả khi đọc văn bản. Ông đặc biệt coi trọng việc đọc văn bản như một phương tiện để người đọc tự đối thoại với mình, với tác giả và suy ngẫm về cuộc đời.
Norman Holland đã có hàng loạt công trình về Phê bình phân tâm học người đọc. Trong bài viết Phân tâm học văn học, Norman Holland đã khái quát sơ qua các hướng phê bình phân tâm, trong đó nêu rõ cả những thành công và sự chỉ trích đối với Phân tâm học. Ông chỉ ra rằng, trước đó các nhà phê bình chủ yếu quan tâm đến hai cách: một là phê bình văn bản trong mối liên quan với những chi tiết về tiểu sử của nhà văn và hai là diễn giải văn bản dựa trên văn bản và cách xây dựng nhân vật. Đối với Norman Holland, ông quan tâm nhiều hơn đến sự tiếp nhận của độc giả và coi đó là phần thú vị nhất của Phê bình phân tâm học. Ông cho rằng, trong công việc giảng dạy hoặc phê bình, quan trọng là làm thế nào để người đọc hiểu được những gì mà văn học mang đến cho họ, làm cách nào để người đọc xâm nhập được vào thế giới của nhà văn và thế giới của văn bản đó để thu nhận những giá trị tinh hoa của tác phẩm. Norman Holland chỉ ra các kiểu độc giả, cách để các kiểu độc giả đó cảm nhận được thế giới mà văn học mang lại và coi đó là niềm đam mê lớn của cuộc đời. Ông viết: “Trong suốt cả cuộc đời, tôi đã bị mê hoặc bởi những gì liên quan đến văn học và nghệ thuật. Và kết quả là tôi đã dạy và viết về Phân tâm học, khoa học nhận thức và những gì liên quan đến văn học, cho chúng ta biết về phản ứng của độc giả với những văn bản văn học, phim ảnh hoặc các nghệ thuật khác”[4].
Norman Holland cho rằng, mục đích quan trọng nhất đối với Phân tâm học là những kiến thức về tâm thần, nhận thức, trí tuệ, còn đối với một nhà Phê bình phân tâm học là trong cách sử dụng ngôn ngữ. Việc tích hợp những lý thuyết của Phân tâm học vào phê bình văn học là cách tìm hiểu về não bộ và cơ chế sử dụng ngôn ngữ của não bộ. Ông cũng cho rằng nó không đơn giản như cách mà Lacan đã làm, mà thay vào đó nó có một ý nghĩa rộng lớn phía sau. Hay nói đúng hơn, khi sử dụng một từ, não phải sử dụng một loạt các tính năng riêng biệt, âm thanh, vai trò ngữ pháp như một khu biệt cho riêng từ đó. Và để đi đến nghĩa của từ, não bộ lại lắp ráp với các thông tin khác. Công việc của các nhà phê bình là chỉ ra ý nghĩa, thông tin và cảm xúc đằng sau mỗi từ đó. Công trình Literature and the Brain (Văn học và Bộ não) đã cho biết chức năng của bộ não hoạt động theo những cách rất riêng biệt đối với các tác phẩm nghệ thuật. Cuốn sách đã giải quyết một số câu hỏi cơ bản về văn học và tâm lý: Điều gì làm cho chúng ta cảm nhận được một ngôn ngữ như là văn học? Có nghĩa gì khi chúng ta cảm nhận được một tác phẩm văn học là tuyệt vời hay kinh khủng? Những tình trạng nào của bộ não giải thích cho sự sáng tạo văn học? Tại sao có tất cả các nền văn hóa trong mọi thời đại nhưng lại chỉ có một số hình thái nghệ thuật ngôn ngữ?…
Công trình nổi tiếng của Norman Holland đã được dịch ra nhiều thứ tiếng là The I (Cái Tôi) – cuốn sách mà như Norman Holland nói là “đầy tham vọng phát triển mô hình của bản chất tự nhiên con người”. Cái Tôi chủ yếu nói về mô hình của bản chất con người để phục vụ cho các ngành khoa học nhân văn, lý giải tại sao con người vừa là một cá nhân lại vừa như một tộc loại. Đối với các nhà phê bình văn học, có thể tìm thấy ở cuốn sách sự giải nghĩa về người đọc: tại sao mọi người đọc vừa giống nhau lại vừa khác nhau. Ngoài phần tiền đề và hậu đề, cuốn sách gồm có bốn phần: phần I –  The Aesthetics of I (Mỹ học của cái Tôi); phần II – A Psychology of I (Tâm lý của cái Tôi); phần III – A History of I (Lịch sử của cái Tôi) và phần IV – A Science of I (Khoa học của cái Tôi). Cuốn sách là tài liệu lý tưởng cho những người quan tâm đến quan hệ giữa Phân tâm học và văn học, trong đó có nhiều luận điểm về vấn đề tiếp nhận của người đọc đối với văn bản văn học.
Norman Holland đưa ra thuật ngữ identity themes (những chủ đề bản tính) của người đọc. Ông cho rằng, chủ đề của một tác phẩm văn học là sự phóng chiếu những tưởng tượng, nó được tạo ra do sự mâu thuẫn giữa ham muốn vô thức và sự tự vệ có tính chất ý thức của nhà văn. Con người đọc một tác phẩm thực chất là quá trình tái tạo chính bản thân mình. Sự tái tạo đó phụ thuộc vào kết quả của sự gặp gỡ giữa những tưởng tượng được phóng chiếu bởi tác giả và sự tưởng tượng của người đọc. Theo Norman Holland, tác phẩm văn học không có một ý nghĩa tổng thể xác định mà nó phụ thuộc vào kinh nghiệm tâm lý của người đọc. Những người đọc có sự diễn giải tác phẩm giống nhau nhưng cũng chỉ ở một mức độ nào đó và điều đó cũng phụ thuộc vào những kinh nghiệm tâm lý giống nhau. Norman Holland đã viết nhiều sách về Phân tâm học và Phê bình phân tâm học như: Psychoanalysis and Shakespeare (Phân tâm học và Shakespeare, 1966); Shakespeare’s Personality (Nhân cách của Shakespeare, 1989)…
Với mỗi loại người đọc khác nhau sẽ có cách diễn giải khác nhau về ý nghĩa của từ. Điều đó cho thấy, đối với mỗi một văn bản văn học sẽ bao gồm rất nhiều những từ mà nhà văn sử dụng, tạo ra nhiều cách diễn giải. Norman Holland chỉ ra, nghiên cứu Phê bình phân tâm học người đọc, hay nói rõ hơn là cách tiếp nhận văn bản của người đọc, cần chú ý nhiều hơn vào những người đọc đã phản ứng với tác phẩm trong một thời gian dài, nghĩa là những đánh giá đã được thẩm định bởi thời gian, đặc biệt là người đọc lý tưởng – đó là các nhà phê bình. Đối với các bạn đọc thông thường, cách để họ tiếp cận và hiểu được một tác phẩm nghệ thuật nào đó một cách sâu sắc thường thông qua ý niệm của nhà phê bình. Nếu bị ảnh hưởng bởi nhà phê bình, người đọc sẽ chịu sự chi phối những yếu tố tâm lý nhất định bởi nhà phê bình đó. Norman Holland đưa ra ví dụ về cách đưa độc giả xâm nhập vào thế giới của Charles Dickens: nếu nhà phê bình cho rằng Charles Dicken là một nhà văn chịu sự chi phối của những ám ảnh thì nhà phê bình cần thuyết phục người khác bằng cách cung cấp cho họ những chỉ dẫn trong tác phẩm, trong tâm lý của Charles Dicken và thuyết phục điều đó là đúng: “Tôi tin rằng công việc chính của Phê bình phân tâm học văn học là làm nổi bật các yếu tố tâm lý mà nhà phê bình diễn giải cuốn sách. Nói cách khác, tôi cho rằng các nhà Phê bình phân tâm học nên đưa ra cách lý giải riêng của họ về văn bản hoặc bất cứ điều gì mà họ muốn thuyết phục người khác”[5].
Hai công trình quan trọng nhất của Norman Holland nói về người đọc là 5 readers reading (Năm kiểu người đọc, 1975) và Dynamics of Literary Response (Các động lực của phản ứng văn học, 1968). Trong Lời nói đầu cuốn 5 readers reading Norman Holland cho rằng: phản ứng của con người tới văn học liên quan đến một sự chuyển đổi theo cách hoạt động dạng thức như phòng thủ, nỗ lực, sự thôi thúc và tưởng tượng từ các tầng lớp sơ bản nhất tới những tầng lớp cao nhất về đời sống tâm linh. Với mô hình như vậy, người ta có thể hiểu được những chủ điểm về xã hội, trí tuệ hay đạo đức mà con người được tìm thấy trong văn học như là bậc cao nhất của một quá trình chuyển đổi liên tục và năng động. Người ta có thể giải thích về cách mà độc giả phản ứng tới những nhân vật văn học cứ như họ là những con người thực sự, trong khi rõ ràng nhân vật đó không có thật. Người ta có thể hiểu cảm giác con người bị “hấp thụ” hoặc “lấy đi” tinh thần trong quá trình hưng phấn, say mê: quá trình chuyển đổi của người đọc hòa quyện với thế giới bên ngoài để họ không còn cảm thấy khác biệt giữa thế giới “trong này” và “ngoài kia”. Tóm lại, việc dựa trên các khái niệm khác về phân tâm, bên cạnh biểu tượng và phức cảm Oedipus, đặc biệt là sự phản ứng tự vệ và các giai đoạn tiền Oedipus, đã dẫn đến một mô hình phức tạp của văn học, có thể để giải thích một số hiện tượng văn học như: ý nghĩa, chủ nghĩa hiện thực, mối quan hệ của tính cách tác giả với tác phẩm, vai trò của những câu chuyện tưởng tượng được lồng ghép… [6].
Như vậy, một độc giả phản ứng lại với tác phẩm bằng cách sử dụng nó để tái tạo quá trình tâm lý của riêng mình. Ông cho rằng với mỗi người đọc sẽ “tạo” ra cho mình một phong thái riêng, như cách ăn uống, đi lại, cười nói, ngủ nghỉ… Và việc tiếp nhận văn học cũng như vậy, mỗi “tạng” người sẽ cảm thấy phù hợp với một kiểu văn học khác nhau. Bằng việc thử phản ứng của năm kiểu người đọc đối với tác phẩm A rose for Emily (Bông hồng cho Emily, của  Faulkner), Norman Holland đã tổng kết bốn nguyên tắc mô tả những phản ứng của người đọc đối với tác phẩm văn học: Style seeks itself (Tự thân) – Defenses must be matched (Phòng vệ) – Fantasy projects fantasies (Tưởng tượng) và Character transforms characteristically (Chuyển hóa). Ở nguyên tắc đầu tiên, mỗi người đọc sẽ liên kết lại những hình ảnh, nhân vật, ngôn ngữ… trong tác phẩm để tạo ra ý nghĩa mà mình mong muốn. Ở nguyên tắc thứ hai, khi người đọc tổng hợp được những yếu tố trong tác phẩm văn học sẽ tạo ra ý nghĩa mà mình mong muốn. Lúc này, người đọc sẽ phải giải quyết những xung lực bên trong bản thân, mong muốn của bản thân với ý nghĩa thực tế của tác phẩm văn học. Ở nguyên tắc thứ ba, sau khi vượt qua được những xung lực của bản thân để hòa hợp với các dữ liệu trong văn bản văn học, người đọc sẽ tái tạo ý nghĩa của tác phẩm văn học đó để phù hợp với những gì mà mình mong muốn khi đọc văn bản. Norman Holland cho rằng, những dấu ấn trong tuổi ấu thơ có ảnh hưởng lớn trong việc tiếp nhận văn học và tái tạo ý nghĩa của tác phẩm văn học. Ông đã nghiên cứu các tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng như Jonson, Charles Dicken, Gogol, Balzac và giải thích những tác phẩm của họ có liên quan mật thiết đến tuổi ấu thơ[7].
Quan điểm về Phê bình phân tâm học người đọc của Holland giúp người đọc định hình được những kinh nghiệm của bản thân bằng cách hiểu được kinh nghiệm tâm lý của nhà văn, hoặc các nhân vật trong tác phẩm, qua đó hiểu hơn về thế giới xung quanh mình và tạo ra cách ứng xử hợp lý với thế giới. Bằng cách đó, tác phẩm văn học mới thật sự có giá trị phổ quát và mang lại ý nghĩa nhân văn. Có thể nói, Phê bình phân tâm học người đọc có nhiều điểm tương đồng với các quan điểm về người đọc, thuyết người đọc của các trường phái phê bình khác. Tuy nhiên, nó nhấn mạnh vào các dấu ấn vô thức của người đọc hơn là hoạt động có ý thức. Điều đó phụ thuộc vào kinh nghiệm sống và các kí ức ấu thơ của mỗi người đọc.
TS VŨ THỊ TRANG
(Trích từ cuốn Phê bình phân tâm học – Phía của những ám ảnh nghệ thuật)
________________
[1] Liễu Trương (2011), Phân tâm học và phê bình văn học, NXB Phụ nữ, Hà Nội.
[2] Liễu Trương, sđd, tr110.
[3] Vũ Thị Trang (2015), Luận án tiến sĩ văn học Sáng tác Vũ Trọng Phụng nhìn từ Phê bình phân tâm học, Học viện Khoa học xã hội.
[4] http://www.literatureandthebrain.com truy cập lần cuối 10/7/2020.
[5] Norman N.Holland (2009), Literature and the brain, The PsyArt Foundation, Florida – USA.
[6] Norman N.Holland (1975), 5 Readers Reading, Yale University Press, London – UK.
[7] Norman N.Holland (1975), 5 Readers Reading, Yale University Press, London – UK.
 
21/8/2021
Huỳnh Như Phương
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Văn học, số 5-5/2011
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một d...