Thứ Ba, 10 tháng 1, 2023

Nỗi lòng Đồ Chiểu hay Phan Văn Hùm? - Tiểu luận của Trần Bảo Định

Nỗi lòng Đồ Chiểu hay Phan Văn Hùm?
Tiểu luận của Trần Bảo Định

“‘Nỗi lòng Đồ Chiểu’ tức là nỗi lòng Phan Văn Hùm. Sự thật có phải như thế chăng? Tôi xin nhường quyền cho tri-kỷ bốn phương của anh Hùm tôi phán-đoán”[1]. (Kim Ba Mai Huỳnh Hoa)
Phan Văn Hùm, người con đất Búng, Lái Thiêu tuy chưa đạt thành tâm nguyện cứu đồng bào Nam Kỳ thoát kiếp đời dân thuộc địa Pháp song, ông đã làm cho xứ sở rạng danh và lưu lại hậu thế tấm gương trí thức Nam Kỳ vững ý chí, chắc tiết tháo; thệ nguyện vì chính nghĩa quyết đấu tranh dù phải bị sát hại, mất xác. Đời ông, sống cũng như sau khi chết, lắm điều tiếng thị phi, tên tuổi bị xóa. Dẫu vậy, Đời ông, thuộc về đời của đất nước mà ông, đã tận hiến. Trong lòng dân Việt yêu nước đều coi trọng ông và gọi ông, là chí sĩ yêu nước!
Nhà văn – nhà báo Phan Văn Hùm (1902 – 1946)
Lúc sinh thời, năm 1937, điều gì đã thúc bách người chí sĩ yêu nước ấy viết “Nỗi lòng Đồ Chiểu” và năm 1938, Đỗ Phương Quế xuất bản (Lần nhất), năm 1957 Tân Việt xuấ bản (Lần hai). Trong tác phẩm này, Phan Văn Hùm thực hiện hai phần: Tiểu truyện, Sưu tầm và trích lục tác phẩm. Trong phần Tiểu truyện, Phan Văn Hùm sử dụng Duy vật lịch sử làm góc nhìn soi rọi tác phẩm Đồ Chiểu (cũng là cố ngoại vợ), như Nguyễn Huệ Chi và Nguyễn Thành đánh giá: “Có thể nói Phan Văn Hùm là người đầu tiên lý giải Nguyễn Đình Chiểu một cách khoa học, xác đáng”(“Tự điển văn học, Bộ mới”, tr. 1101, Nxb Thế giới, 2004). Riêng phần Sưu tầm và trích lục tác phẩm, Nguyễn Đình Chiêm (1869 – 1935) con trai thứ bảy của Nguyễn Đình Chiểu (Theo gia phả “Nguyễn Đình Tộc Phổ, bản 1811″), lúc sống đã tạo điều kiện tiếp cận và trao một số tư liệu đáng tin cậy về Nguyễn Đình Chiểu cho cháu rể Phan Văn Hùm gọi Nguyễn Đình Chiêm là ông Bảy (Nguyễn Đình Chiêm em trai của Sương Nguyệt Anh và Kim Ba Mai Huỳnh Hoa, thứ thất Phan Văn Hùm gọi Sương Nguyệt Anh là bà ngoại).
Vậy thì, phải chăng Phan Văn Hùm mượn cớ “Nỗi lòng Đồ Chiểu” để tỏ biểu kiến cũng như trải lòng trước thời cuộc nhiễu nhương, tao loạn của Nam Kỳ thuộc Pháp. Nhà văn Thiếu Sơn, cùng thời cùng là bạn Phan Văn Hùm đã nhận định: “Nỗi lòng Đồ Chiểu nói lên một phần nào của Phan Văn Hùm”(“Những văn nhân chính khách một thời”, Thiếu Sơn, tr.180, Nxb Công An nhân dân, 2006). Và, để tìm hiểu, soi rọi “một phần nào của Phan Văn Hùm”, bài viết này nhằm mục đích thực hiện:
1. Cuộc đời Phan Văn Hùm: Những chặng đường tranh đấu
2. Tâm thế kẻ sĩ giữa hồi quốc biến
3. Nỗi giằng xé mong mỏi của người thầy thuốc quốc dân
4. Người trí thức Nam Kỳ tiểu biểu cho thời đại cách mạng tư tưởng
5. Ưu tư về nhân tâm – nhân tính hay nhân bản của Phan Văn Hùm
Đường cách mạng của chí sĩ yêu nước Phan Văn Hùm cũng chính là đường tư tưởng của trí thức Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng vào nửa đầu thế kỷ XX. Ở đó, hẳn có và còn những bài học thời đại quý giá. Nguyễn Đăng Thục, viết:“Bởi thế mà trong hàng thanh-niên trí-thức chúng ta ai là người thành thực chẳng phải hoang-mang bất-định trong tâm-thần, chẳng phải đi tìm lý-tưởng để sống cuộc đời có ý-thức, nếu không làm lợi được cho ai cũng không tổn hại cho lương-tâm. Trong bọn trí-thức này, người  đã cảm sâu với sự khủng-hoảng của tinh-thần thời-đại, có lẽ là Phan-Văn-Hùm, cho nên chúng tôi thấy cần phải bàn rộng và thiết-thực đến con đường tiến-hóa trong tư-tưởng của ông, vì sự tiến-hóa chung của thanh-niên Việt-Nam cận-đại”[2].
1. Cuộc đời Phan Văn Hùm: Những chặng đường tranh đấu
1902-1925, thơ ấu và theo học. “Bút danh Phù Dao, là nhà báo, nhà văn hóa và nhà cách mạng Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, sinh năm 1902 tại ấp Búng, làng An Thạnh, quận Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (nay thuộc chợ Búng, phường An Thạnh, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương). Thuở nhỏ, học tiểu học tại quận Lái Thiêu, sau khi đỗ bằng tiểu học, ông lên Sài Gòn học trung học tại trường Chasseloup Laubat. Năm 1922, Phan Văn Hùm thi đỗ Thành chung (tốt nghiệp trung học), làm giáo viên dạy ở trường tư thục một năm, rồi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Công Chánh từ năm 1923 đến 1925”[3].
1926-1929, bước đầu dấn thân đấu tranh; đỉnh điểm sự kiện Cai Nên ở Bến Lức, ông với Nguyễn An Ninh bị vu tội hành hung người thi hành công vụ; trong lao ngục ông viết Ngồi tù khám lớn (1929); bất công xã hội qua vụ Cai Nên và hoàn cảnh nhà tù thuộc địa, khiến Phan Văn Hùm nhận thức cần thứ vũ khí tư tưởng đủ thiết thực để thay đổi hiện trạng đất nước; sự việc này ảnh hưởng khiến ông thay đổi chí hướng đấu tranh chính trị;
1929-1933, học tập và hoạt động ở hải ngoại; đây là giai đoạn Phù Dao tiên sinh nhận thức cần phải mở rộng về tư tưởng; ông theo học triết trong vòng ba năm đỗ luôn Thạc sĩ Triết của Đại học Sorbonne; nhưng danh vị không phải là niềm mong mỏi của Phan Văn Hùm, điều ông tìm kiếm là đường hướng tư tưởng khả dĩ giải quyết hiện tình thuộc địa của quê hương. Ông nghiên cứu các vấn đề văn hóa, tư tưởng, chính trị. Nhưng không dừng lại ở cương vị học giả, ông hăng hái tham gia hoạt động chính trị cùng cộng đồng người Việt tại Pháp. Cũng chính vậy, chính quyền Pháp truy lùng, ông trốn sang Bỉ và trở về Saigon năm 1933;
1933-1936, về nước làm báo và dạy học. Trở về Saigon, ông cùng với những bạn bè cho ra đời tờ La Lutte. Riêng ông làm chủ bút báo Đồng Nai, cộng tác cùng nhiều tờ báo khác khắp cả nước. Trở lại với nghiệp dạy học, Phan Văn Hùm ý thức vai trò giáo dục trong thức tỉnh tư tưởng quốc dân; qua giáo dục có thể góp phần hình thành thế hệ mới đủ sức đấu tranh chính trị. Ông tổ chức giáo viên bãi khóa, chống thực dân. Cũng vì vậy, ông lại bị cho thôi việc;
1936-1939, tham gia nghị trường. Để có tiếng nói mạnh mẽ hơn, lên án chế độ thực dân và bênh vực quyền lợi dân tộc, ông cùng với Tạ Thu Thâu và Nguyễn Văn Tạo tham gia ứng cử và trúng cử Hội đồng thành phố Saigon. Đến 1939 ông ứng cử Hội đồng quản hạt Nam kỳ nhưng thực dân Pháp ra sức phá hoại, chuyện không thành;
1939-1942, tù đày Côn Đảo. Do tham gia nhiều hoạt động trên nghị trường lẫn báo chí, chính quyền thực dân kết án ông tù đày Côn Đảo ba năm. Nhiều gian khổ bệnh tật nhưng ông đã vượt qua, giữ vững ý chí và tinh thần đấu tranh;
1942- cuối 1945 đầu 1946, mãn tù, bị quản thúc tại Tân Uyên và bị sát hại mất xác. Trong thời gian quản thúc, ông soạn tác, sưu tầm, hiệu chú để lại nhiều công trình giá trị. Đây là giai đoạn ông gửi tâm tư hoài vọng đấu tranh vào địa hạt chữ nghĩa. Từ trong di sản tinh thần còn lại, ta có thể nhìn thấy chí hướng cao viễn của ‘mãnh hổ đất miền Đông’. Người thanh niên và trí thức trẻ hôm nay có thể nhìn theo đó rút cho mình bài học thời thế.
2. Tâm thế kẻ sĩ giữa hồi quốc biến
Viết về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu, Phù Dao tiên sinh chú ý nhiều đến tâm thế cụ đồ giữa hồi gia biến và quốc biến. Tiên sinh có ý khắc họa sự thay đổi nhận thức của Nguyễn Đình Chiểu trước sự thay đổi của thời cuộc. Nhận thức mới ấy, trước hết ở cuộc biến loạn của Lê Văn Khôi (1833), từ đó Nguyễn Đình Chiểu ra Huế theo học người bạn của cha mình (Nguyễn Đình Huy) là ông thái phó. Học ròng rã tám năm (1833-1841), mới quay về Gia Định. Tu chí học hành, thế nhưng tiếng súng Lang Sa nổ ran ở cửa Hàn những năm 1843, 1845; cụ đồ bấy giờ nhận thức mối hiểm họa rình rập ngai vàng Nguyễn triều và chực chờ giày xéo quê hương. Việc Thiệu Trị nhúng nhường, thả các linh mục trước sức ép đại bác của chiến hạm Pháp, càng cho thấy cảm giác hiểm họa của cụ càng chân thực rõ ràng hơn. Từ nỗi lòng của Đồ Chiều hồi thanh niên trước mối họa ngoại bang đến nỗi lòng Phù Dao cuối thập niên 1920, là quá trình vận động tư tưởng của trí sĩ Nam Kỳ trước tình thế thuộc địa. Nếu như, Tú Chiểu nghe tiếng súng Lang Sa càng hăng chí học tập những mong ở đường khoa hoạn có thể thực thành ý nguyện góp sức cho giang sơn thì Phù Dao, nếm mùi khám lớn càng hăng chí xuất ngoại đến Tây phương hòng tìm kiếm lợi khí tư tưởng giải phóng quê hương. Đường hướng có khác nhau những nỗi lòng chỉ một.
Tâm thế kẻ sĩ giữa hồi quốc biến, mỗi người mỗi khác. Chuyện cũng dễ hiểu. Bởi vậy, ta cũng hiểu vì sao Phù Dao tiên sinh có ý chê Cụ Đồ “cục bộ” trong việc nhìn nhận Tây phương. “Ta phải nhận rằng văn chương trong tập thơ này có lắm nơi thanh thoát, lắm nơi hùng hồn, nhưng hiềm vì luận điệu thì rất tây lệch và lắm chỗ vụng về lẩn thẩn”[4]. Nhưng, ngẫm lại, Phan Văn Hùm thừa biết thời đại đã khác (gần một thế kỷ), tâm thế càng khác. Nếu như, kẻ sĩ hồi giữa đến nửa sau thế kỷ XIX có ý bài xích triệt để văn hóa Tây phương, coi đó là mối họa tiềm tàng làm mục ruỗng tâm hồn quốc dân.
“Dân mà mê đạo tây rồi,
Nước người muốn lấy mấy hồi phòng lo.
Dầu ai tranh khỏi mê đồ,
Lại thêm nha phiến trao cho hút liền.
Tối ngày ôm những ống đèn,
Nào rồi toan việc đánh phiên dẹp loàn” [5].
(Dương Từ – Hà Mậu).
… thì nửa đầu thế kỷ XX, kẻ sĩ Nam Kỳ có cách nhìn nhận khác về văn hóa Tây phương. Ở đó, kẻ sĩ như Phù Sao tiên sinh nhìn thấy hiểm họa mà cũng nhìn ra con đường giải thoát. Năm 1929, tiên sinh trở gót trời Tây.
Đối với Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Hùm có ý đánh giá thơ văn và con người. Phù Dao đề cao nhân cách đức độ của Hối Trai tiên sinh cao hơn lối tu từ mỹ pháp trong thơ văn. Cũng phải, bởi giữa hồi quốc biến, lẽ nào còn tâm trí trau dồi khoa sức con chữ. Thơ văn cốt để chuyển tải trọn vẹn nỗi niềm đau đớn tím ruột bầm gan mà thôi. Ví như, Hối Trai tiên sinh có ý mỹ hóa ngôn từ, thì không phải là không thể. Nhưng, dụng ý nói cho tỏ tường đức độ của cụ đồ là bởi Phù Dao muốn xác lập một hình tượng kẻ sĩ Nam Kỳ, một cá tính phương Nam nhơn nhơn vững chãi giữa cõi trời đất. Tiên sinh thuật lại viên chủ tỉnh Bến Tre có vài lần đến thăm hỏi cụ đồ (khoảng 1884). “Trừ lần đến xin nhuận chính bổn Lục Vân Tiên ra, Michel Ponchon sau còn ba lần nữa đến viếng, có ý khuyên dụ Nguyễn tiên sinh, hỏi thăm đất cát của tiên sinh ở Sài Gòn ranh rấp như thế nào để tìm giao trả lại cho. Tiên sinh cám ơn và cười mà khước lời rằng: ‘Đất vua còn phải bỏ, thì đất của tôi có sá gì?’ Ông Ponchon lại nói đến việc nhà nước Pháp định cấp cho tiên sinh tiền dưỡng lão, tiên sinh cũng một mực chối từ … Tưởng con nhà văn mà được chính phủ và toàn thể nhân dân ưu đãi như thế, thời thật là sự thiên tải nhất thời. Người không có tiết tháo, ở cái địa vị của tiên sinh, ắt đã không cầm được vững dạ. Tiên sinh thời chỉ muốn cho được sạch mình, cho nên rất cẩn thận trong sự chọn đường xuất xử. ”[6]. Gói ghém trong đó, Phù Dao tiên sinh ấp ủ nỗi niềm chắp nối lưu truyền tiết tháo của kẻ sĩ Nam Kỳ, lấy đó làm bài học cho hậu bối, nhất là hồi nửa đầu thế kỷ XX. Cũng như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm chú trọng nhiều ở lớp trẻ. Làm sách về cụ đồ, đặt nặng ở chỗ làm rõ đức độ của cụ đồ, ấy là muốn trao truyền khí tiết phương Nam cho lớp tuổi thanh xuân – lớp tuổi thuộc về rường cột nước nhà –  may ra trong lớp người ấy, có được vài kẻ chắp nối xiển dương thì coi như quê hương cũng có người kê vai gánh lấy đỡ đần. Kỳ vọng Phù Dao tiên sinh trong việc làm sách, có lẽ nằm ở chỗ đó.
Mối kỳ vọng của Phù Dao hẳn có lý. Bởi, xem qua tâm ý cụ đồ biểu bộc ở thơ văn, xem qua hậu duệ của cụ thì, rõ ràng cụ đồ vẫn ắp ôm tâm thế “hoài cựu chúa”. Cụ đồ cấm con cháu học chữ quốc ngữ. Cho tới nhà thơ Nguyễn Đình Chiêm hay nữ sĩ Sương Nguyệt Anh thảy đều có ý trông mong ở Nguyễn triều. Rõ thấy, cụ đồ giáo dục con cái rất nghiêm khắc và giữ vững tiết tháo Khổng-Mạnh, trước sau tôn phò hai chữ “trung quân”, chẳng dám làm phường “nghịch đảng”. Trọng những kẻ sĩ dám đứng lên bảo vệ quê hương dân tộc, nhưng bản thân vướng phải “ơn vua” không thể bước chân sa vào chỗ bia danh “nghịch đảng” làm bợn nhơ mãi về nhau. “Tấc đất ngọn rau ơn chúa, / Vun trồng cho nước nhà ta”. Do đó, Phù Dao tiên sinh có ý đánh giá, “nghĩa quân thần” buộc cụ giữ tiết tháo trong sạch đồng thời khiến cho cụ tách mình khỏi cuộc đấu tranh của nhân dân trước giặc ngoại bang. “Thôi thời sự chẳng như nguyền, hãy lo bề minh triết bảo thân làm trọng. Cái tư tưởng thoát trần của tiên sinh cũng từ đó mà nảy ra. Thân tiên sinh đương ở trong vòng lịch sử xung đột, mà chí tiên sinh lẩn quất nơi lưu thủy cao sơn”[7]. Gián tiếp, Phan Văn Hùm xác lập tâm thế của chính ông trước thời cuộc. Mà kỳ thực, chuyện đã quá rõ ràng, giữa hoạt động báo chí, tham gia nghị trường và làm sách, Phan Văn Hùm thống nhất quan điểm cách nhìn thời cuộc. Tuyệt nhiên, ông không đứng về phe “bảo hoàng”. Ảo mộng “cựu chúa” không thể mang lại lối thoát nào cho quê hương.
Nhưng, cái tình ý thực sự của Phù Dao tiên sinh có phải ưu tư về chuyện xưa người cũ. Có lẽ, chẳng phải dừng lại ở đó. Ta đọc thấy nhận định của Phù Dao về cụ đồ như sau: “Danh đã không màng, lợi đã không màng, cho nên vãn cảnh của tiên sinh thật là cảnh tịch liêu trong tâm hồn. Người vì nước đã rủ nhau chết ngặt hầu hết rồi. Tiên sinh sống thừa, tiếng đồng vọng của cuộc đời đến tiên sinh không còn phản xạ”[8]. Phải chăng, Phan Văn Hùm có ý trách cụ đồ dửng dưng trước thời biến. Nếu, có ý trách cụ đồ, chắc ông đã chẳng đặt mình trong vị thế cụ đồ để phân tích. Phan Văn Hùm nhận thấy “thế giới quan” của nhà nho, chịu sự chi phối của ý hệ cũ, của chính thể cũ, của nền tư tưởng Khổng Mạnh. Huống hồ, bối cảnh lịch sử thế kỷ XIX khó lòng vượt qua được, cho thấy chẳng phải đánh giá như vậy là có ý trách cụ đồ. Ngòi bút Phan Văn Hùm hướng đến những kẻ ắp ôm sự học để cầu có danh lợi bản thân. Phù Dao tiên sinh có ý trách những kẻ đặt mình ngoài vòng nguy biến của sơn hà xã tắc. Những kẻ “sống thừa”, chỉ quẩn quanh ở vài ba chuyện thường ngày, lui cui trong xó bếp tính chuyện sinh nhai. Lấy chữ nghĩa, học hành, bằng cấp làm mồi “câu cơm”, lấy chuyện tranh giật “địa vị” làm nghĩa lý sống, chỉ cầu được an thân ổn mệnh, ngó lơ trước cảnh lầm than cay cực thuộc địa của nhân dân. Xét ra, ý hướng này của Phan Văn Hùm có lẽ ảnh hưởng từ Nguyễn An Ninh (bởi ông Ninh cũng không ít lần lên tiếng phê phán những kẻ lấy việc học cầu danh lợi).
3. Nỗi giằng xé mong mỏi người thầy thuốc quốc dân
Niềm mong mỏi “người thầy thuốc” chữa bệnh tư tưởng quốc dân, Phù Dao tiên sinh cơ hồ ký thác ở đôi dòng đề từ, vốn bài thơ “Y sư tự thuật” của cụ Đồ Chiểu:
“Trời đông sùi sụt gió mưa tây,
Đau ốm lòng dân cậy có thầy,
Phương cũ: vua, tôi, gìn trước mắt;
Mạng nay: già, trẻ, gởi trong tay.
Trần đồ tám quẻ còn non nước;
Binh pháp năm mùi sẵn cỏ cây.
Hỡi bạn y lâm! Ai muốn hỏi,
Đò xưa, bến cũ, có ta đây”[9].
Đằng sau chuyện y thuật, vận khí, bồn thảo, y tông, mạch trạng, kỳ thực là chuyện “nước loạn người lìa”. Phù Dao tiên sinh dường như có ý ngẫm nghĩ về mạch trạng và phong khí nước nhà tron cơn bỉ cực, hầu như tâm tư mong mỏi người thầy thuốc và một bài thuốc khả dĩ chữa bệnh ương hèn, yếu nhược, dần kiện tráng tinh thần quốc dân, mới thực là ưu tư của tiên sinh. Nếu, được vậy, may thay mới làm cuộc đấu tranh chính trị đưa nước nhà thoát cảnh thực dân. “Làm thầy đồ, làm thầy thuốc, cứu xác thịt, cứu tinh thần, hai phương diện cùng nhau như lang bối. Làm lương tướng, làm lương y, địa vị tương đương, được một này sánh tày một nọ. Nhưng mà nơi Nguyễn Đình Chiểu, thời sự lựa chọn đâu được có tự do, vì chưng mắt đã mù lòa, không thể cầm thương lên ngựa. Phải chọn lấy nghề y, thay vì làm viên tướng là sự tiên sinh phải làm, bởi chẳng đặng đừng làm. Lòng tiên sinh thời chẳng những nguyện cứu dân, mà vẫn còn nguyện tá quốc, mà vẫn còn nguyện phò vương”[10]. Như đã nói ở trên, Phan Văn Hùm ưu tư hai nỗi cứu dân, tá quốc. Mong mỏi người thầy thuốc, đúng ra là mong mỏi bài thuốc. Tật bệnh tư tưởng thời phải dùng thuốc tư tưởng để chữa. Ông tìm đến trời Tây phương, ngó một lượt Đông phương (Phật học, Nho học), chẳng phải để tìm bài thuốc tư tưởng cho quốc dân sao!
Hồi mới ấn hành, đã có người chê trách Phù Dao vì quyển Nỗi lòng Đồ Chiểu, cho rằng nặng về quốc gia, trong khi cả thiên hạ chỉ quẩn quanh chuyện giai cấp, quy cho ông xa rời hiện thực tranh đấu. Việc này, chính Phan Văn Hùm có thuật lại. “Năm 1938, giữa buổi phong trào xã hội mãnh liệt, hiệu giả cho ra quyển Nỗi lòng Đồ Chiểu. Khi ấy có người công kích hiệu giả, cho là mang nặng óc quốc gia. Ngoài ra, ở xã hội, không ai buồn nhắc đến Đồ Chiểu trong lúc đài khiêu vũ hiện ra ngày một nhiều”[11]. Nhưng, soạn tác hiệu chú Nỗi lòng Đồ Chiểu hay hiệu đính và chú thích Ngư Tiều vấn đáp y thuật chẳng phải chuyện tồn cổ luận bàn đông y, Phan Văn Hùm cho rằng chuyện ấy cứ để công luận lên tiếng[12]. Làm sách nói chuyện y thuật, vậy mà tiên sinh thẳng thắn nói rõ từ đầu chuyện y thuật không dám lạm bàn. Phần ấy để cho thiên hạ. Vậy, đủ thấy, tâm tư tiên sinh đặt ở đường hướng khác. Mong mỏi ấy đặt ở người thầy thuốc quốc dân chữa bệnh tinh thần mà chắc hẳn, tiên sinh phải khởi đi từ việc nhìn thấy những tật bệnh trong chính tinh thần và thể xác của quốc dân. Thăng trầm, sóng gió đấu tranh chính trị đủ cho tiên sinh phát hiện thể trạng quốc dân què và quặt ở chỗ nào, tật và bệnh ở chỗ nào… Tâm ý đó còn quẩn quanh trong chuyện “mạch trạng”, trong lời “vận khí” của cụ đồ, và rồi bỏ ngõ cho tới hôm nay.
4. Người trí thức Nam Kỳ tiêu biểu cho thời đại cách mạng tư tưởng
Theo Nguyễn Đăng Thục, sau 1930 khi cuộc cách mạng của quần chúng bấy giờ có những bước lùi nhất định thì tinh thần của giới trí thức có chao đảo ít nhiều. Và chao đảo thì ngã nghiêng, có người ngã bên này, có người ngã bên kia, có người quay về cái cũ, có người hướng tới cái mới, có người vọng bên Tây có người ngóng bên Tàu[13]. Nhưng, “Những khuynh-hướng ấy bởi không có một quan-niệm văn-hóa cai-quát và thâm-trầm có thể đem lại cho tâm-hồn người ta một triển-vọng cao xa, mới chỉ là những khuynh hướng lờ-mờ phản-ứng nhất-thời với thời-đại, cho nên nửa đường đành bỏ bê. Trong thế-hệ ấy, một cá-nhân trung-thành với văn-hóa và nhiệt-thành với chân-lý, đáng làm tiêu-biểu trong làng học-giả thanh-niên có lẽ là ông “Phan-Văn-Hùm” vậy”[14]. Nguyễn Đăng Thục đánh giá cao Phù Dao tiên sinh ở chỗ lập trường văn hóa và chân lý. Niềm tin son sắc của tiên sinh đối với văn hóa dân tộc và sự đúng đắn của Tự do và Độc lập. Nói khác, tiên sinh đã chẳng hề nghiêng ngã lung lay trước sóng gió thời cuộc như phần đông thiên hạ đã ngã nghiêng. Bấy nhiêu, đủ thấy tư cách tiết tháo của tiên sinh và chí hướng của tiên sinh chẳng phải là hoa bèo trôi theo dòng nước.
Từ Nỗi lòng Đồ Chiểu (1938) Biện chứng pháp phổ thông (1939) tới Vương Dương Minh – thân thế và học thuyết (1944), dường như người trí sĩ Tây học năm nào đã khởi hành từ quê hương đến với biển lớn tư tưởng thế giới. Năm đó, từ Pháp sang Bỉ rồi về Sà Gòn (1933), ông không những mang theo vốn liếng tư tưởng tiếp nhận ở trời Tây mà còn trở về gắn chặt lòng mình hơn nữa với quê hương xứ sở. Đấy cũng là lí do khiến Nguyễn Đăng Thục nể phục. Con đường tư tưởng Phù Dao tiên sinh theo Nguyễn Đăng Thục tựu trung có thể đúc kết: “Quan-niệm ấy ông Phan-Văn-Hùm đại-biểu cho phái Tây du-học này, tưởng đã tìm thấy ở Biện-chứng-pháp Duy-vật của Mã-KhắcTư mà ông đem cống-hiến quốc-dân trong tập sách mỏng đề là “Biện chứng-pháp Phổ-thông” xuất-bản năm 1936 [15]. Thế rồi, bẵng đi một hồi khá lâu khoảng năm, bảy năm, ông mới lại cho xuất-bản, một cách đột-ngột không ai ngờ, một quyển sách nghiên-cứu về Triết-học Phật-giáo tiếp luôn một quyển về Vương-Dương-Minh. Lấy bề ngoài mà xét, thực là ông đã từ cực-đoan “Duy-vật ” đi sang cực-đoan ” Duy-tâm” về phương-diện tư-tưởng – theo ý-nghĩa căn-bản triết-lý của tiếng “Duy-vật” thì cho vật-chất là thực-tại, có thực trước, và “Duy-tâm” thì cho tinh-thần là thực-tại. Ông đã từ góc trời Tây Triết-học “Khoa-Học” đi sang góc trời Đông Triết học “Đạo-Học”. Như thế đủ tỏ trong tâm-hồn ông chắc đã kinh-nghiệm qua những trận bão-táp hãi-hùng, mặt biển đã bao phen phong-ba cồn sóng, chưa tới ngày được êm lặng. Phải chăng, ông cũng như chúng tôi, cùng một bọn thanh-niên trí-thức đồng cảnh, sinh-trưởng vào thời-đại điêu-linh, chưa tìm được đầu-mối quân-bình cho tâm-trí? Chưa tìm được quan-niệm nhận-thức với nhân-sinh đích-đáng, chưa nhận thấy con đường “Cách-vật trí-tri” mới, thích-trung làm tiêu-chuẩn cho sự tu, tề, trị, bình trong xã-hội Việt-Nam hiện-đại”[16]. Đương thời, Nguyễn Đăng Thục tỏ ra xót xa cho chí hướng của Phù Dao tiên sinh mà xót nhứt, là sự cùng quẫn chưa tìm ra lối đi đường tới. Cùng quẫn, ta e rằng Nguyễn Đăng Thục chưa mấy chú ý đến quyển Nỗi lòng Đồ Chiểu, Phù Dao tiên sinh đã tìm và đã thấy trong cõi hoàn vũ từ Tây sang Đông, những đường hướng khả dĩ tiêu trừ nạn tai cho quê hương. Con đường tư tưởng của tiên sinh là con đường bão táp, cọ xát, giằng co giữa lý luận và thực tiễn. Do đó, con đường tư tưởng vận động không ngừng từ Tây sang Đông. Nhưng, không phải vì vận động, chuyển hướng mau chóng mà cho rằng tiên sinh “chưa tìm thấy đầu mối”. Dẫu đại diện cho giới trí thức Tây học (hậu Đông Du), nhưng tâm hồn tiên sinh vẫn gắn chặt với quê hương. Và, như vậy, thì không thể cùng quẫn được. Dù Đông hay Tây, tiên sinh vẫn lấy quê hương làm gốc, gạn lọc trong đó những vấn đề khả dĩ phù hợp của xứ sở. Bởi vậy, quyển Biện chứng pháp phổ thông, tiên sinh chọn lối viết dân dã gần gũi cho giới bình dân Việt tìm đọc; ở quyển Phật giáo triết học, tiên sinh lại bám sát vào đặc trưng tư tưởng Phật giáo của người dân Nam Kỳ (Hòa thượng Thích Mật Thể phải có đôi dòng chia sẻ cho tròn chánh pháp – việc này sẽ nói rõ hơn ở đoạn sau). Vậy thì, bám chặt lấy quê hương để tiếp nhận tư tưởng Đông Tây, không thể gọi là cùng quẫn tư tưởng. Có chăng, đó là sự vận động tư tưởng mau lẹ nhằm “cặp cái bến” mà tiên sinh muốn tới. (Lấy việc này so lại mấy dòng chia sẻ của Tạ Thu Thâu với Hồ Hữu Tường hồi mới quen nhau ở Hội tiếp rước du học sinh mới qua Pháp, ta càng thấy có lý).
Điều đáng lưu tâm trong nhận định của Nguyễn Đăng Thục. Ông đã nhận thấy vì sao những trí thức Tây học ở Nam Kỳ, dẫu tiếp thu bài bản kiến thức trường quy của Tây phương song sự ảnh hưởng của Tây phương thật sự không mấy chi phối đến tư tưởng và nền học vấn cũ – nho học Khổng Mạnh -, cũng chẳng mấy thấm ngấm sâu trong tâm hồn con người ở vùng đất “phù sa mới” Nam Kỳ. Lý giải cho sự việc này, ông nhận thấy một nền tảng văn hóa Việt Nam bền vững lâu đời kết tinh trong đời sống con người ở đây, dẫu lịch sử vùng đất so với Bắc Việt và Trung Việt thì không thể có bề dày cho bằng. “Sự thực từ ngày Đông Tây gặp nhau trên giải đất này, thế quân-bình trong xã-hội và trong con người Việt-Nam đều bị khủng-hoảng rất mạnh, và mỗi ngày rời xa với nguồn-gốc cũ lại càng khủng-hoảng thêm hơn. Tuy-nhiên, trước sự tràn-ngập của văn-hóa Tây-phương cận-đại, theo sau với súng đạn, thì quan-niệm văn-hóa Đông-phương nề-nếp cũ nhất quyết không còn thích-trung nữa. Muốn cách-mệnh quan-niệm ấy, thì chưa ai ý thức rõ-ràng; mượn văn-hóa Tây-phương hoàn-toàn thì trong tâm-hồn Việt-Nam không có đất cho rễ nó đâm sâu vì dưới lượt đất phù-sa mới này vẫn nằm trơ kiên-cố nền-tảng văn-hóa đã kết-tinh đời đời kế-tiếp. Hai mạch đất vẫn phân đôi chưa duy-nhất thành một giòng thuận chảy, lớp trước miên-tục với lớp sau. Bởi thế trong tâm-hồn và ngoài thực-tế xã-hội đều chưa có thế quân-bình bền-vững, con người đang chơi-vơi vì không có tin-tưởng bờ-bến” [17]. Đọc kèm với đoạn trước, ta mặc nhiên hiểu rằng Nguyễn Đăng Thục có ý cho rằng Bắc Việt và Trung Việt chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lối thủ cựu của nền nho học Khổng Mạnh khiến văn hóa thuần Việt đôi khi mờ nhạt. Ở Nam Việt, đất mới, bề dày khoa cử không thể sánh, nhưng bù lại dân tộc tính có được môi trường sinh trưởng và cũng nhờ vậy, khi văn hóa Tây phường theo súng đạn vào Nam Kỳ thì dân tộc tính ấy phát huy sức đề kháng mạnh mẽ đối với “văn hóa ngoại lai”. Rõ là, dù xuất thân từ nền giáo dục phương Tây phương nhưng kỳ thực, nền giáo dục ấy chưa đủ sức xâm nhập nội tạng dân tộc tính ở người trí thức Việt và nó, chỉ dừng lại ngoài da. Nòi Việt, vẫn phát huy bản sắc giống Việt đậm đà trong lòng người trí thức Nam Kỳ nói riêng và dân Nam Kỳ nói chung trước sự xâm lược của thực dân Pháp.

Hành trình tư tưởng Phan Văn Hùm, nói vậy cũng tức là kèm theo quá trình hoạt động của tiên sinh. Bởi, với tiên sinh, tư tưởng và hoạt động chẳng tách rời nhau. Vậy, tiên sinh đã tư tưởng gì, đã làm gì? Về tư tưởng, nền tảng căn bản là văn hóa Việt của đất phương Nam, tiên sinh gắn chặt trái tim lòng, khối óc vào nền đất nước phù sa xứ sở. Rồi, tiên sinh vọng phương hoàn cầu, ngóng hướng Tây phương mong muốn tận mắt ngó thấy cách người Tây phương làm cách mạng. Nhưng, có lẽ, tiên sinh phát hiện ra sự trống rỗng của căn bản tư tưởng Tây phương hàng ngàn năm mà đương thời, Heidegger ca thán trong nhiều trước tác (Hữu thể và thời gian, Về thể tính chân lý, Thư về nhân bản). Cho nên, tiên sinh tìm kiếm u huyền man mác (numen)[18] của Đông phương (cùng với sự phát hiện và căn nguyên thúc đẩy này,  Kim Định tiến hành đối chiếu hai nền triết lý Đông Tây) nhằm bổ khuyết cho những gì còn khiếm khuyết của tư tưởng Tây phương. Nhưng, tựu trung, tiên sinh không thấy rằng cả hai nền triết lý ấy có thể tạo nên thế quân bình cần thiết cho tâm thế linh hồn của người Việt bấy giờ. Lấy sự dung hòa hai nền triết lý Đông Tây tạo thành thế quân bình cho tư tưởng Việt, e rằng bất khả. Song, cũng không có nghĩa hành trình tư tưởng của tiên sinh họ Phan lâm vào khủng hoảng, cùng quẫn. Người ta chẳng cùng quẫn nếu còn có quê hương. “Nhưng dù sao ông cũng nhớ mình là người Việt-Nam, có một bầu tâm-lý Việt-Nam do bao nhiêu thế-hệ nung-đúc di-truyền. Cho nên khi trở về nước, sống cuộc đời Việt-Nam thì hồn lịch-sử như một thế-lực tự-nhiên trầm-tiềm bàng-bạc ở giang-sơn, trong xã-hội, đêm ngày gọi tỉnh trong ý thức tiềm-tại, cái tiềm-tại ý-thức của bao nhiêu thế-hệ đã qua”[19]. Và, rõ ràng, quê hương là kim chỉ nam cho tư tưởng tiên sinh giữa tạo loạn cách mạng của thời cuộc. Là Duy vật hay Duy tâm, trong tư tưởng Phan Văn Hùm vẫn là dòng chảy xuyên suốt của tinh thần Duy Nhân. Khoa học và Đạo học là tử số, mẫu số là Nhân học. Nhân học hay Nhân bản luận, căn nguyên tư tưởng vốn có bàng bạc trong toàn bộ hành vi tác ý tác hành của tộc Việt phương Nam, thấm nhuần trong mọi sinh hoạt gia đình, xã hội, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, … của người bình dân. Nói rộng là vậy, nói hẹp thì ở ngay trong nền nếp sẵn có tiền nhân. Cho nên, nói gần nói xa chẳng qua nói ngay “cụ cố ngoại” trong nhà. Nguyễn Đình Chiểu nằm trong dòng chủ lưu của văn chương tư tưởng phương Nam. Khác với lối văn chương ưa phản ánh phê phán, văn chương phương Nam nhắm đến chuyển tải tư tưởng, gửi gắm kỳ vọng vượt qua thời gian. Trong việc làm tiếp nối như vậy, chúng ta thấy Phan Văn Hùm ưa hành động kèm theo tư tưởng. Chớ không phải chỉ tư tưởng không hành động. Tiên sinh nghĩ là làm và làm luôn có nghĩ. “Cho nên thế quân-bình của tinh-thần chúng ta ngày nay không thể hoàn-toàn tìm ở tư tưởng Tây-phương, vì ý-thức chúng ta không thể đoạn-tuyệt với tiềm-ý thức, chúng ta không thể xóa hết lịch-trình quá-khứ Tổ-tiên ở sinh-lý hay tâm-lý, để mượn những tài-liệu mới mẻ mà hợp thành. Những tài-liệu ấy dù có mỹ-miều mấy mươi, nhưng không có rễ ăn sâu vào tâm-hồn và cơ thể thì cũng không làm động-cơ linh-động ở ta được. Cho hay chúng ta không thể mượn căn-bản cho tinh-thần, mà chỉ phải cải-tạo, nghĩa là lột bỏ cái vỏ chết khô do những hình-thức lâu ngày ngừng-trệ kết lại, để cho mạch suối trung-tâm bắt đầu tuôn ra giòng nước mới đầy tiềm-lực cần thiết cho hoàn-cảnh hiện-thời”[20]. Bám chặt lấy tình quê nghĩa đất, tiếp nối tiền nhân, giữ gìn dân tộc tính, phát huy tái thiết đổi mới tư tưởng dân tộc sao cho phù hợp với thời đại. Muốn vậy, phải là người có văn tâm lẫn văn tài. Tâm cao vọng và thiết tha với vận mệnh đất nước, con người ấy cố nhiên phải có đức độ và tài năng để thực thành. Ta thấy tâm của tiên sinh ở chỗ nhận thức sâu sắc, tin chắc ở sự tiếp nối dân tộc tính của tiền nhân truyền đời; ta thấy cái tài của tiên sinh ở chỗ trước tác và vận động đồng bào làm cuộc cải cách xã hội. (Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên, bước chướng ngại trên đường tư tưởng và hành động của tiên sinh, có lẽ cũng là chướng ngại của việc giữ gìn và phát huy giá trị tư tưởng truyền đời của tộc Việt, chướng ngại cho sự hồi sinh của minh triết Việt ngay trên chính quê hương Việt, thậm chí cho đến tận hôm nay). “Ấy ông Phan-Văn-Hùm đang kiến-cố tự-cường, đào-sới, soi-mói lớp phù-sa trùm lấp để tìm mạch suối tự-nhiên mà ông không còn xa bao đường đất nữa. Chúng ta hãy nhìn lại kỹ-càng thành-thực một chút con đường của ông, đặng tìm lấy cho chúng ta bài học kinh-nghiệm tưởng không phải là thừa lời đang lúc quốc-gia đứng trước con đường rẽ của lịch-sử”[21]. Từ nỗi lòng của Sùng Đức tiên sinh đến Lương Khê tiến sĩ, đến cụ Đồ Chiểu và tiếp tục lại là nỗi lòng của đứa cháu cố rể Phù Dao, … rồi ai đây sẽ tiếp tục nhận lấy ngọn đuốc truyền đời của tư tưởng nhân bản phương Nam. Giữ lấy nỗi lòng và chí hướng đó, gieo vào hậu thế; may sao khởi thông con nước lớn tẩy trừ uế nhơ quê nhà, tái dựng chân trời mới cho thế hệ tiếp nối. Và, có lẽ, ta nên nhớ một cách thấu đáo rằng, sẽ chẳng làm được cuộc cách mạng nào nếu ta chưa thực sự làm cuộc cách mạng về mặt tư tưởng cho quốc dân. Nếu, chưa làm cách mạng tư tưởng, thì dù có xảy ra hằng hà sa số cuộc cách mạng cũng chỉ là đổi chủ thay ngôi, biến từ hình thức này đổi sang hình thức khác chẳng lợi ích gì và đôi khi, hình thức sau bạo tàn và đau khổ hơn hình thức trước. Gầy dựng một căn bản tư tưởng cho quê hương trên mỗi địa tầng văn hóa, nối kết dòng chảy còn tắc nghẽn đâu đó, từ thượng nguồn đến hạ lưu hôm nay có đến hàng ngàn năm lưu vực. Phần công nghiệp mà Phù Dao tiên sinh đương làm dang dở, hậu thế – ai sẽ nối tiếp?
Phù Dao tiên sinh chẳng những xác lập cách thế đối diện với thời cuộc cho tiên sinh mà còn nghĩ đến xác lập thế đứng cho con người Việt Nam. Nhứt là, những lứa thanh niên ham học hỏi, ẩn chứa nhu cầu mở mang tầm nhìn, thay đổi tư tưởng, để tiếp cận với thế giới. Nhưng, rõ ràng, tình thế lúc bấy giờ của thanh niên và số đông quần chúng nhân dân rất khó tiếp cận với nền học vấn bốn phương. Tiếp cận với học vấn Tây phương lại càng khó. Dẫu hệ thống trường Pháp Việt có dần mở rộng, nhưng quả thực còn quá xa vời với số đông người dân. Nghĩ vậy, Phan Văn Hùm những mong phổ biến tân tiến tư tưởng Á Âu cho người bình dân. Cũng vì hướng đến lớp người ấy, tiên sinh lựa chọn cách làm sách của mình, sao cho thuận tiện dễ dàng đối với người bình dân. Tiên sinh dùng lối nghị luận kết hợp kể chuyện chớ không thuần túy bàn luận những học thuyết sâu xa, lại còn đặt ra những thuật từ mới sao cho gần gũi với người bình dân. “Lại nữa cách dàn ý của tôi cũng không đúng với phép nghị luận. Có nhiều đoạn nên để lên đầu, đã đem xuống cuối. Là tôi muốn đi từ cái dễ đến cái khó, từ cõi có hình lên cõi không hình”[22]. Ở đây, ta thấy thêm tấm lòng của tiên sinh đối với người dân quê nước Việt. Dẫu biết mình có chỗ có thể lầm lạc, thẹn mình học chưa rộng khắp bao quát được thuyết của Marx và Engels, nhưng đánh liều soạn sách để giải tỏ những nguyên lý căn cơ của chủ nghĩa xã hội khoa học, góp phần mở mang dân trí, đưa người cần lao đến gần hơn với lợi ích mà trên trường quốc tế, đã có dân tộc dụng đến và làm cuộc cách mạng xây dựng đời mới.
Do đó, tiên sinh không ngại làm…  cốt chỉ vì tấm lòng phụng sự đất nước, đồng bào.
5. Ưu tư về nhân tâm – nhân tính hay tư tưởng nhân bản của Phan Văn Hùm
Trải qua cảnh “bát nháo” của thời cuộc trên dải đất An Nam thập niên 1920, xông pha trời Tây để tìm kiếm một phương tiện tư tưởng khả dĩ cho xứ sở thập niên 1930, và sau khi đã phủ bóng trên chốn nghị trường, báo giới, văn giới, học thuật giới; Phù Dao tiên sinh buộc phải gióng lên hồi chuông cứu nguy, báo khẩn cho tình trạng nhân tâm chẳng riêng gì nước Việt mà còn trên toàn cõi Đông phương trong tình thế đối diện với văn minh Tây phương.
“Nhân tâm duy nguy!
S.O.S. của Nghiêu Thuấn phóng ra
Xa lắm trong thời gian
Bốn ngàn ba trăm năm về trước
Ngàn muôn đời sau nữa phấn phát cấp cứu biết mà được chưa.
Ông Khổng đã ra tay
Công vẫn luống
Xuống hai ngàn năm sau, Vương Dương Minh tiếp báo nguy.
Nguy đến lớp ta đây rất khẩn cấp
Ai đó tổ chức cứu nhân tâm?”[23]
Tỷ như, chẳng cứu nguy nhân tâm, làm một cuộc cách mạng gột rửa rồi tái thiết nhân tâm thì những cuộc cách mạng khác sẽ cũng chỉ là ảo tưởng. Bởi, con người là vấn đề căn bản, là hạt nhân cốt lõi của vận động xã hội. Cho nên, tư tưởng chẳng vận động tiến tới thì làm cuộc tiến tới cách mạng e rằng “dịch chủ tái nô”, cởi bỏ sự dã man này chuyển qua sự dã man khác, đổi từ hình thức nô lệ này sang hình thức nô lệ khác. Nhân tâm, nhân tính và nhân bản, … việc Phù Dao tiên sinh đến với biện chứng pháp rồi Phật giáo triết học, Vương Dương Minh cùng những vấn đề tâm tư Đồ Chiểu và trong nhiều trước tác khác, cho thấy sự đòi hỏi và thúc bách cần kíp nhân tâm và nhân tính mới. Phan văn Hùm trên đường tìm kiếm Nhân bản luận. Rồi, ai sẽ tiếp đuốc, giữ gìn…!
Tầm nhìn Phan tiên sinh qua phong ba cách mạng, bão tố chính trị ngày càng mở rộng. Tiên sinh đi từ dân tộc đến con người, từ cuộc tiến hóa của cách mạng nước nhà đến cuộc tiến hóa tư tưởng của nhân loại. Ấy vậy, tiên sinh chẳng coi việc đó là của mình. Bởi, Phan tiên sinh thừa biết sức mình thật không thể vẫy cùng cái thế xoay chuyển thời cuộc. Huống hồ, lúc soạn tác những sách này, tiên sinh còn đương bị thực dân Pháp buộc an trí ở Tân Uyên như cá trong chậu chim trong lồng. Tự trọng, tiên sinh chẳng dám nhận cái trách nhiệm trọng đại cứu nguy nhân tâm cho nước Việt lẫn toàn cõi Đông phương. “Đó không là sứ mạng của tôi”. Tiên sinh chỉ nhận rằng vì thương nỗi “cùng một lứa bên trời lận đận”. Như Vương Dương Minh mang dấu ấn phương Nam tính, mang nỗi niềm ưu tư về nhân tâm trong dòng chảy dằng dặc của văn minh Đông phương cho tới nỗi cảm hoài của Phù Dao, thiết nghĩ cùng một bản chất. Vấn đề con người trên dải đất Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đương khủng hoảng và mục ruỗng. Một trong số đó, tiên sinh có nhắc đến lối văn chương tượng trưng lãng mạn của tâm tư què quặt bấy giờ đang rất phổ biến trong xã hội. Nói thêm, về lối văn chương diễm tình lãng mạn… tiên sinh thấy thiên hạ ráp nhau ngấu nghiến đọc, sách tư tưởng chẳng quan tâm. Điều này, không có nghĩa tiên sinh đánh giá thấp sách văn chương so với sách tư tưởng, triết học nói chung. Với Phan tiên sinh, đáng lo ngại ở chỗ văn chương cạn cợt, thiếu tư tưởng. Chẳng hạn cuộc tranh luận thơ cũ và thơ mới hồi thập niên 1930 nổ ra râm ran từ Nam chí Bắc với những đại diện và lực lượng cổ súy hùng hậu[24]. Với Phù Dao tiên sinh, thơ mới hay cũ trong cuộc tranh biện ấy hồ như sa vào bàn luận vẻ bề ngoài mới hay cũ, mà quên mất cái nghĩa lý căn cốt của thơ là hồn thơ[25]. Lại chưa bàn đến thấu đáo tính cách mạng của thơ, cách mạng ở đây chẳng phải làm cuộc vận động thay đổi chính trị xã hội, cách mạng tức là vận động thay đổi hệ hình văn học. Trong số những bài thơ cũ, chưa hẳn đã cản trở sự vận động của hệ hình văn học mới, trong số những bài thơ mới, chưa hẳn đã thúc đẩy sự tiến phát của hệ hình văn học mới. Lẽ ra, nên xét trên đường tư tưởng, để thấy rằng chỉ có thơ dở và thơ hay, nào đâu là mới với cũ. Sa vào cũ mới tức là sa vào tính tương đối của thời tính. Chẳng phải thơ mới đặc quánh hình thức uốn éo khoa trương, tư tưởng rỗng tuếch đang trở thành đá tảng ngán đường đang ngày càng xuất hiện đầy rẫy trên thi đàn. Chẳng phải là kiểu lao mình chạy theo sự cách tân hình thức thuần túy mà chẳng làm cuộc cách mạng thúc đẩy tư duy văn chương phát triển. Chiêu “điểm huyệt” của Phù Dao tiên sinh thuở trước giữa hai làn sóng cũ mới hồi thập niên 1930, thiết nghĩ hôm nay cũng đáng bận tâm! Thơ thiếu nền tảng tư tưởng, ấy là mớ chữ cái, ký tự do “thợ thơ” lắp ghép chắp nối bằng lối lý luận “cá tính” và “cách tân” vừa nông vừa cạn. Chuyện này, chẳng phải mới đây, hồi thập niên 1960-1970, Kim Định cũng nhìn ra và thao thiết đòi hỏi một chuyên khoa Văn-Triết thực sự để văn chương nước nhà vươn đến tầm dân tộc và nhân loại. Dẫn chứng thơ Trung Hoa – cuộc vận động của Hồ Thích từ văn hóa tư tưởng xã hội đến văn học thơ ca -, thơ Pháp (phái siêu thực/ Surréalisme và phái xu cộng/ Communisant) và thơ Việt xưa nay, Phù Dao tiên sinh có ý nhắc cả hai phái cũ mới, thay vì sa đà vào cũ hay mới như là sự tiếp nối thời tính, cũ rồi mới vốn là quy luật tất yếu của vũ trụ, sao có thể cưỡng lại chuyện tre già măng mọc. Vấn đề cốt ở cuộc cách mạng về tư tưởng, thơ ca có thể mang lại. Hẹp là cách mạng tư tưởng trong phạm vi văn chương chữ nghĩa, rộng là cách mạng tư tưởng trong phạm vi xã hội con người. “Thơ, cũng như mọi sự mọi vật khác trong vũ trụ, cũng có sanh mạng, cũng có lịch sử dinh hư tiêu trưởng của nó, cũng phải ‘biện chứng’ hóa chuyển luôn luôn. Nhận rõ cái lịch trình biện chứng (processus dialectique) thì có lạ gì sự mới cũ phân tranh. Trái trở lại, lại còn phải nhận rằng đến một cái quá trình kia, thì thơ mới bây giờ, sẽ già cỗi mà bị mời vào trong viện cổ vật học” [26]. Lúc thiên hạ tranh nhau cũ mới, Phan Văn Hùm đã nhìn thấy “thơ mới” rồi cũng đến lúc xếp xó bó lọn. Quy luật cũ mới trong vũ trụ, sao có thể tránh được, nhưng biết đường hóa chuyển biện chứng của vạn vật trong vũ trụ, vậy thì không nên sa lầy vào chỗ tạm bợ bỏ mất căn cơ của vạn vật. Cuộc tranh luận cũ mới chẳng phải như thiên hạ xô xát tranh nhau cái bóng trăng dưới mặt hồ, chẳng ai thèm ngó tới “vầng trăng vằng vặc giữa trời”, cứ “đinh ninh hai miệng” chẳng thể “một lời song song”. Quả thực bãi thị phi hàm hồ giữa đời! Hôm nay, thơ ca đã hẳn có căn bản tư tưởng đủ sức làm cách mạng hệ hình văn học chưa, văn chương đã hẳn có cốt lõi minh triết đủ sức làm cuộc đổi dời hệ hình văn học chưa; hay chữ nghĩa vẫn còn quẩn quanh trong bảo tàng viện, còn nằm im với mớ cổ vật rỉ sét dưới ba tấc đất tiệp thời gian. Việc này, chẳng phải riêng ai có thể luận bàn, hãy dành phần thiên hạ và lớp hậu sinh may ra có thể nhìn nhận với độ lùi lịch sử cần thiết.
Trở lại với Phù Dao tiên sinh, nỗi lòng của tiên sinh thuở còn bó gối giữa bốn vách nhà, chính là thông qua sách vở trước tác để vùng vẫy cái tư tưởng cao đại của mình. Rõ ràng, trong tình thế rối ren và bất tiện ấy, có chăng chỉ có chữ nghĩa là địa hạt có thể giúp cho tiên sinh kín đáo gửi gắm tấm lòng ưu hoài cho thời cuộc, dân tộc và quê hương. Cho nên, dầu nói về Phật, dầu đối thoại với ông cụ sống trong hang, dầu kể chuyện Đồ Chiểu thì ý hướng tiên sinh, cốt ở chỗ khơi gợi vấn đề nhân tâm, khai mở vấn đề nhân tính, khởi dậy nhận thức nhân tình… rốt lại ở nền nhân bản luận làm gốc việc gieo trồng vun tưới hình tượng con người cho thời đại mới. Đúng hơn, hình tượng con người trên nền tảng tư tưởng phương Nam (thể hiện ở chỗ nhắc nhớ, cân chỉnh, gạn lọc những giá trị lưu truyền quý giá từ cụ Đồ Chiểu đến trí thức Nam Kỳ đầu thế kỷ XX). Mối hoài vọng của Phù Dao tiên sinh vượt ra ngoài phạm vi thời gian tồn tại của đời người, vượt ra ngoài không gian hiện hữu của cá thể.
Do nhìn vậy, tiên sinh thấy rõ khả năng cách mạng của đồng bào lúc bấy giờ thiếu hạt nhân tư tưởng làm nòng cốt, làm nguyên động lực trên bình diện tinh thần. Để tỏ rõ nhận thức của tiên sinh, ta có thể nhận biết qua chuyện ấn hành sách Biện chứng pháp phổ thông hay lời đề tựa của tiên sinh trong sách Duy vật biện chứng pháp của Trần Hữu Độ. Giữa bối cảnh nhân tâm và dân trí Việt hồi nửa đầu thế kỷ XX coi triết học là cái gì rất ư xa xôi, viễn vông, chỉ dành cho hàng thức giả hàn lâm; tức là thuộc về tầng lớp tiểu tư sản trí thức (giai cấp hóa), chung quy thuộc về giới có học chẳng thể nào lớp người bình dân tiếp cận nổi. Ấy thế, giới bình dân thợ thuyền, bần nông và bần cố nông… là nguồn sức mạnh cho cuộc cách mạng thay đổi toàn diện xã hội. Hướng đến lớp người đó, như Tạ Thu Thâu đã từng dịch sách Triết học phổ thông, Phan Văn Hùm soạn sách Biện chứng pháp phổ thông, hay trước đó một chút có Trần Hữu Độ soạn sác Duy vật biện chứng pháp thì quả thực, loại sách triết học này khó có thể phổ biến cho xã hội bấy giờ. Nhưng, không phải vì vậy mà không làm. “Sách của ông ra đời biết liệu nó bán chạy hay không. Tôi mà biết thuốc như ông, thà tôi kê đơn, trừ ba cái bệnh cảm thương hàn, trúng thử, trúng thực, mà lấy tiền chi độ qua ngày còn hơn. Nhưng ông Trần Hữu Độ không phải mưu sinh với nghề viết sách. Xưa vậy nay vậy. Thế chắc ông không yên lòng với cái học biết của mình, không rồi với cái tư tưởng của mình. Đem cái học biết ấy ra, đem cái tư tưởng ấy ra, ông còn ngập ngừng chưa dám quả quyết, cho nên ông chỉ muốn “Giúp cho anh em sơ học hiểu được tánh chất biện chứng pháp” mà thôi. Bấy nhiêu đó cũng là nhiều”[27]. Phan tiên sinh gửi gắm mấy dòng này ở Gia Định (17.4.1936). Qua đó, ta biết được loại sách tư tưởng, sách triết học hồi đó thật lắm ít ỏi, lại càng khó tiếp cận độc giả. Nói trắng ra, chưa có lớp độc giả sẵn sàng và đủ sức tiếp cận những loại sách tư tưởng. Cốt lõi tinh thần tư tưởng của dân Việt thời bấy giờ nông cạn và còn yếu nhược lắm. Tiên sinh đã nhìn thấy việc cần có một đường hướng tư tưởng làm kiện tráng tâm hồn dân tộc. Cho nên, tiên sinh rất lấy làm vui mừng khi có một quyển sách tư tưởng được ấn hành. Ngẫm lại, cho tới nay sách triết học và tư tưởng nói chung đã phổ truyền khắp nẻo đường nước Việt, cùng sự phát triển kỹ nghệ in ấn phát hành, sách vở dễ dàng đến tay mọi tầng lớp người dân, sách vở đa dạng chủng loại, kiểu dáng; đa dạng danh tác danh gia đủ mọi đường hướng trên thế giới nhưng có lẽ, nỗi băn khoăn lo lắng của Phan tiên sinh vẫn còn đó. Hình như tâm hồn Việt trên đất Việt vẫn chẳng mấy tiến triển phát dương là bao so với hồi nửa đầu thế kỷ XX. Phải chăng, vẫn thiếu nền minh triết đủ sức mạnh kiện toàn tâm hồn và tư tưởng dân tộc, vẫn thiếu gốc rễ dân tộc tính đủ bao quát lẫn phổ biến, gần gũi với tâm hồn Việt Nam cho dân Việt Nam lấy đó kiện tráng tinh thần và thể chất. Nhìn nhận cuộc diện hôm nay, càng thấy băn khoăn của tiền nhân thuở trước thật là hữu lý. Sự hữu lý ấy, thế hệ tiếp nối có nối tiếp suy nghĩ và hành động?
Tạm kết
Đời người, xét cho cùng, còn lưu dấu đôi điều hoặc mấy trang sách rời vạch đường chỉ lối có lợi ích cho dân cho nước thì cũng đã là quý giá biết bao. Và, điều quý giá biết bao đó, nếu được các thế hệ kế tiếp nghiên cứu, luận bàn, thực hiện… cốt góp thêm cuộc minh tân đất nước từ hồi đầu thế kỷ XX đến bây giờ thì quả là hồng phúc của dân tộc. Nhắc nhớ tư tưởng của người trí thức Nam Kỳ xưa để nhận ra hiểm họa tiền nhân lưu tâm. Mối hiểm họa này đến nay vẫn còn, thậm chí phổ cập hung hiểm hơn, chẳng khác gì đại dịch lây lan trong tâm hồn dân Việt. Đó là, tệ ru mình trong những cảm xúc ái tình tỉ tê, trong những bài học luân lý rởm đời, những tháp ngà thoát tục làm dáng hào hoa, mấy thú vui thường ngày tủn mủn từng được đám Tây thực dân mang tới. “Tập sách Biện chứng pháp nầy dầu sao đi nữa, cũng sẽ là tập thứ nhất ở cỏi đất An nam, bàn về vấn đề ấy mà có đầu đuôi thứ lớp. Hoặc có chỗ còn sơ lược, hoặc có chỗ nên nghi ngờ, hoặc có chỗ hơi đường đột, mà tập sách nầy cũng cứ riêng có cái giá trị của nó. Trong khi toàn cả nước, từ Nam chí Bắc, đắm say tiểu thuyết nào những trẻ già trai gái, nào những lao động thầy bà, cho đến văn nhân học sỉ, cũng một nhịp như nhau, ráp lại đọc, đọc, đọc, … những chuyện ngắn chuyện dài, trong khi ấy, bên phía tư tưởng, lưa thưa một vài người xuất bản sách, là thứ sách người ta làm biếng đọc. Ông Trần Hữu Độ khiến chết đói!”[28]. Rõ ràng chết đói. Bởi, cá không có nước thì cá chẳng thể sống. Tư tưởng chưa thông, tư tưởng lấy chi vẫy vùng. Và, tư tưởng nằm im trên trang sách là tư tưởng chết. Tư tưởng chỉ phô nở triển nẩy lộc lá đâm chồi, đơm bông và kết trái một khi lưu chuyển xoay trở trong tâm trí con người, trong đời sống thường ngày. Do vậy, tư tưởng phải nhập thân vào lòng người, hiển hiện trong tâm trí người mới trở thành triết đã minh. Trải qua bể dâu thời cuộc, Phan tiên sinh dần nhận ra tư tưởng trên đất An Nam thuở ấy có khác gì cây thiếu đất, cá thiếu nước, chim thiếu trời… muốn gieo hạt tư tưởng phải cố sức cày bừa vỡ đất, phải khai thông dòng chảy, phải mở củi xổ lồng và có vậy, tư tưởng – tư tưởng Việt – mới có cơ may nẩy nở phát triển. Nhược bằng không, thì tâm hồn Việt dẫu có “tam bách dư niên hậu” cũng khó bề lành mạnh kiện tráng, nói gì tới chuyện “sánh với cường quốc năm châu”!
Sanh tiền, Phù Dao tiên sinh là bậc trí thức được xã hội trọng vọng, được giới văn sĩ đương thời nể phục. Không những vì văn tài và hiểu biết của tiên sinh mà còn bởi, tánh khiêm nhường ôn nhu của tiên sinh trong cách đối đãi với mọi người. Chẳng hạn, mối giao tình giữa Nhượng Tống và Phan tiên sinh thuở chưa biết mặt thế nhưng vì ái mộ, Nhượng Tống đã đề tặng tập thơ dịch Đỗ Phủ cho tiên sinh (Trân trọng tặng anh Phan Văn Hùm một người bạn không quen biết)[29]. Đáp lại tấm chân tình của Nhượng Tống, Phan tiên sinh cũng đề thư gửi mấy lời cảm tạ[30], tỏ ý thẹn thùng vì không đủ lời lẽ chuyển tải lòng biết ơn tri ngộ. Đó là, nhân cách tối thiểu cần có của người trí thức. Chẳng những biết những cái biết, mà còn biết những cái mình chưa hiểu. Dẫu soạn tác, Phan tiên sinh cũng nhận rằng sẽ có chỗ thiếu sót, nhưng chẳng phải e sợ ngại làm nếu như việc ấy mang lại ích lợi cho dân. Nghĩ vậy, Phan tiên sinh mới gửi gắm đôi điều ngẫm ngợi qua sách vở. Như soạn sách Phật giáo triết học, tiên sinh tự biết sở học còn cạn cợt với nền tư tưởng Phật đà, thế nhưng chẳng đặng đừng in sách vì trọng nể ông chủ nhà in Tân Việt và cảm thấy nền triết lý ấy có thể ích dụng cho nhân tâm bấy giờ (Việc này Phan Văn Hùm đã nói rõ trong phần mở đầu quyển sách ấy). Ngoài ra, khi Hòa thượng Thích Mật Thể góp ý ít nhiều về quyển Phật giáo triết học ấn hành lần đầu, Phan tiên sinh rất hoan hỉ trân trọng thụ lãnh, và cho đăng bức thơ cảm tạ Hòa thượng Thích Mật Thể trên tờ Viên Âm[31]. Đó là, vì lòng hướng đến cái ích dụng chung cho đại chúng, người trí thức không vướng mắc lối sĩ diện cá nhân. Dầu ở vai trò nhà văn hóa tư tưởng, nhà cách mạng hay một con người đơn thuần trong xã hội, Phan tiên sinh cũng giữ khí chất người trí thức có tư cách đáng tôn trọng.
Về địa hạt chữ nghĩa, Thiếu Sơn nhận định: “Nỗi lòng Đồ Chiểu nói lên một phần nào của nỗi lòng Phan Văn Hùm và Ngồi tù Khám Lớn nói lên những gì tha thiết nhứt, thâm trầm nhứt, khả ái nhứt ở tâm hồn người quá cố (ý nói đến Phan Văn Hùm). Ngồi tù Khám Lớn là một cuốn sách có giá trị về nhiều phương diện: nội dung, hình thức, giáo dục, luân lý, nhân bản, xã hội. Tác giả chẳng những có văn tài mà lại có văn tâm”[32]. Để xác quyết những gì Thiếu Sơn nhận đinh, ta xem lại mấy lời bộc bạch của Phan sinh thuở còn sanh tiền. Phan iên sinh quan niệm: “Văn tâm, văn học, văn tài, ba đều, khuyết đi một, thì không nên văn, lại càng không nên thơ. Hồn thơ man mác trong vũ trụ, gồm thâu vũ trụ, vào trong tâm hồn, là tìm được thi tứ thi thần. Mà diễn ra thơ, bất kỳ trong khuôn khổ nào, cũng phải theo những luật thuộc tâm lý và sanh lý”[33]. Văn tâm của Phan tiên sinh cũng là nhân tâm. Bởi, tư tưởng cốt lõi của họ Phan nằm ở nhân bản luận và ông, đã góp công vực dậy đồng thời bồi đắp tư tưởng phương Nam trên mảnh đất Nam Kỳ thuộc địa, hoài vọng của tiên sinh lớn lao thay! Mong sao, thời nay, có những người trí thức vì nghĩa lớn tiếp tục thực hiện phần dở dang công nghiệp Phan tiên sinh đã gầy dựng.
“Xưa, bốn mươi, thầy Khổng hết ngờ
Giờ ta tuổi ấy rõ đời vờ
Gia đình ngoảnh lại lần lưng túc
Xã hội chường ra thẹn mặt bơ
Lấm tấm sương dầm đôi mái tóc
Lạnh lùng tuyết quyến một lòng tơ
Mong nào sự nghiệp công danh muộn
Tràn đến, già như nước vỡ bờ”[34]
Từ “Nỗi lòng Đồ Chiểu”, người cùng thời họ Phan cũng như các thế hệ sau đều bùi ngùi nhận ra đó là nỗi lòng của Phan Văn Hùm – đứa con xứ Búng trên dải đất cuối cùng của miền Đông Nam Bộ. Lần giở từng trang sách cũ, mùi mực vẫn còn hương tươi rói như mới hôm qua và hậu thế, cảm nhận Phan tiên sinh xứng danh học giả, nhà tư tưởng đồng nhất với hình tượng người chí sĩ yêu nước thương dân.
Mong rằng, ngày không xa lắm, nơi quê nhà Phan chí sĩ sẽ có một ngôi trường hoặc một giảng đường đại học và đoạn đường quê ghi khắc tên ông!
Biết trân trọng quá khứ – quá khứ của người vì dân tộc mình đã hóa thân vào hồn thiêng sông núi, đó chính là đúc tượng đài tình yêu đất nước vào lòng người!
TRẦN BẢO ĐỊNH
______________________
[1] Phan Văn Hùm (1957). Nỗi lòng Đồ Chiểu (in lần thứ hai) (Bạt của Kim Ba Mai Huỳnh Hoa). Tân Việt ấn hành. Saigon, tr.109.
[2] Nguyễn Đăng Thục (1945). Ông Phan Văn Hùm đi tìm biện chứng pháp. Tạp chí Duy Nhất số 8 (15/7/1945), tr.?
[3] Cao Văn Thức (2017). Phan Văn Hùm (1902-1946). Tạp chí Xưa & Nay số 483 (5/2017), tr.19 (19-21).
[4] Phan Văn Hùm (1957). Nỗi lòng Đồ Chiểu (in lần thứ hai) (Bạt của Kim Ba Mai Huỳnh Hoa). Tân Việt ấn hành. Saigon, tr.22.
[5] Phan Văn Hùm (1957). Nỗi lòng Đồ Chiểu (in lần thứ hai) (Bạt của Kim Ba Mai Huỳnh Hoa). Tân Việt ấn hành. Saigon, tr.22.
[6] Phan Văn Hùm (1957). Nỗi lòng Đồ Chiểu (in lần thứ hai) (Bạt của Kim Ba Mai Huỳnh Hoa). Tân Việt ấn hành. Saigon, tr.34.
[7] Phan Văn Hùm (1957). Nỗi lòng Đồ Chiểu (in lần thứ hai) (Bạt của Kim Ba Mai Huỳnh Hoa). Tân Việt ấn hành. Saigon, tr.38.
[8] Phan Văn Hùm (1957). Nỗi lòng Đồ Chiểu (in lần thứ hai) (Bạt của Kim Ba Mai Huỳnh Hoa). Tân Việt ấn hành. Saigon, tr.40.
[9] Bài thơ đề từ sách của Đồ Chiểu (1944?). Ngư tiều vấn đáp y thuật (Phan Văn Hùm hiệu đính và chú thích, Nhượng Tống tăng bình bổ chú). Tân Việt ấn hành. Saigon.
[10] Phan Văn Hùm (1957). Nỗi lòng Đồ Chiểu (in lần thứ hai) (Bạt của Kim Ba Mai Huỳnh Hoa). Tân Việt ấn hành. Saigon, tr.36-37.
[11] Đồ Chiểu (1944?). Ngư tiều vấn đáp y thuật (Phan Văn Hùm hiệu đính và chú thích, Nhượng Tống tăng bình bổ chú). Tân Việt ấn hành. Saigon, tr.xi.
[12] Đồ Chiểu (1944?). Ngư tiều vấn đáp y thuật (Phan Văn Hùm hiệu đính và chú thích, Nhượng Tống tăng bình bổ chú). Tân Việt ấn hành. Saigon, tr.xii.
[13] Vì cái bát nháo đó, vì cái ngã nghiêng nhiều chiều nhiều phía như vậy mà người ta thường dễ sa vào chỗ bày trò triệt hạ lẫn nhau (đâu riêng gì xứ ta, khắp hoàn vũ Đông Tây kim cổ cũng đầy rẫy chuyện như vậy), xem ra chẳng khác cuộc đấu tranh sanh tồn trong chốn rừng sâu nước độc. Nhưng ngặt nỗi, chính ở chỗ vu khống bôi nhọ, hậu thế lại có dịp tìm lại những kẻ bị bôi nhọ. Càng nực cười, kẻ bôi nhọ và người bị bôi nhọ, đến cuối cùng lại đổi vị trí cho nhau. Xem thêm Võ Khắc Thiệu (1935). Gở mặt nạ bọn giả danh cách mạng lợi dụng quần chúng (Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh, Hồ Hữu Tường, Phan Văn Chánh, Dương Bạch Mai, Lê Văn Thử). Imprimerie Moderne J.Testelin. Saigon. Cho tới khi ở tù Côn Đảo, tưởng ở tù mà yên thân! Những người như Nguyễn An Ninh vẫn bị vu khống bởi chính những người từng một thời được ông nâng đỡ, những người mà trước đó vốn xem Nguyễn An Ninh là thần tượng truyền cảm hứng (một người ở Chợ Đêm, một người ở gần thị trấn Tầm Vu). “Môn đệ” vu cho thầy chứng loạn trí. Cho tới khi ông thác trong tù Côn Đảo, những kẻ ấy còn mang cái sự vu khống kia về đất liền, để loa cho thiên hạ hay tin Nguyễn An Ninh loạn trí, muốn phá hủy hình tượng người trí thức cách mạng Nguyễn An Ninh trong lòng nhân dân. Nhưng tiếc thay, đến nay hình tượng chí sĩ Nguyễn An Ninh vẫn còn sáng tỏ trong lòng nhân dân, mà những kẻ vu khống sớm đã bị quả báo mất hết lòng tín nhiệm của bề trên.
[14] Nguyễn Đăng Thục (1945). Phan Văn Hùm đi tìm biện chứng pháp. Tạp chí Duy Nhất số 8 (15/7/1945), tr.?
[15] Có lẽ Nguyễn Đăng Thục nhầm chăng! Bởi trong năm 1936, Phan Văn Hùm đề tựa cho sách của Trần Hữu Độ, có nói rằng Trần Hữu Độ đã đi trước ông một bước. Ông còn đang ắp ủ một quyển sách về biện chứng pháp thì ông Trần Hữu Độ đã có sách ấn hành.
[16] Nguyễn Đăng Thục (1945). Phan Văn Hùm đi tìm biện chứng pháp. Tạp chí Duy Nhất số 8 (15/7/1945), tr.?
[17] Nguyễn Đăng Thục (1945). Phan Văn Hùm đi tìm biện chứng pháp. Tạp chí Duy Nhất số 8 (15/7/1945), tr.?
[18] Kim Định (1970). Việt lý tố nguyên. An Tiêm xuất bản. Saigon. tr.274.
[19] Nguyễn Đăng Thục (1945). Phan Văn Hùm đi tìm biện chứng pháp. Tạp chí Duy Nhất số 8 (15/7/1945), tr.?
[20] Nguyễn Đăng Thục (1945). Phan Văn Hùm đi tìm biện chứng pháp. Tạp chí Duy Nhất số 8 (15/7/1945), tr.?
[21] Nguyễn Đăng Thục (1945). Phan Văn Hùm đi tìm biện chứng pháp. Tạp chí Duy Nhất số 8 (15/7/1945), tr.?
[22] Phan Văn Hùm (1939!). Biện chứng pháp phổ thông (Khảo cứu tùng thơ). Editions Do Phuong Que. Cholon. tr.III.
[23] Phan Văn Hùm (1944). Vương Dương Minh – thân thế và học thuyết (Tủ sách Triết học, in lần thứ nhất). Tân Việt ấn hành, Hanoi, tr.9.
[24] Thanh Lãng (1972). Phê bình văn học thế hệ 1932 (I). Phong trào Văn hóa xuất bản. Saigon, tr.168-384.
[25] Nguyễn Văn Hạnh (1935). Nói chuyện về thi (thi cũ và thi mới) – Mấy lời đã nói tại Hội khuyến học Nam kỳ ngày  9 Janvier 1935 hồi 9 giờ tối (bài tựa của ông Phan Văn Hùm viết tại Chợ Quán ngày 23/1/1935). Imprimerie de L’Union (57 rue Lucien Mossard), Saigon, tr.iv-v.
[26] Nguyễn Văn Hạnh (1935). Nói chuyện về thi (thi cũ và thi mới) – Mấy lời đã nói tại Hội khuyến học Nam kỳ ngày  9 Janvier 1935 hồi 9 giờ tối (bài tựa của ông Phan Văn Hùm viết tại Chợ Quán ngày 23/1/1935). Imprimerie de L’Union (57 rue Lucien Mossard), Saigon, tr.vi.
[27] Trần Hữu Độ (1946). Duy vật biện chứng pháp (Phan Văn Hùm đề tựa, in lần thứ hai). Tủ sách Triết học. Tân Việt ấn hành. Hanoi, tr.10.
[28] Trần Hữu Độ (1946). Duy vật biện chứng pháp (Phan Văn Hùm đề tựa, in lần thứ hai). Tủ sách Triết học. Tân Việt ấn hành. Hanoi, tr.9.
[29] Trong dịch phẩm Đỗ Phủ (1944). Thơ Đỗ Phủ (Nhượng Tống dịch). Tân Việt ấn hành. Hanoi.
[30] Bức thư Phan Văn Hùm viết gửi Nhượng Tống vào ngày 28 août 1944 tại Tân Uyên. Cuối thư có đoạn “Không biết bao giờ tôi có cơ hội để báo đáp cho xứng đáng ơn tri ngộ. Thẹn lắm thay!”.
[31] Bức thư này Phan Văn Hùm viết ở Tân Uyên (le 17 Octobre 1943). Nhã ý gửi ông chủ nhiệm Viên Âm đăng trên bổn báo nếu tiện, nhằm ngỏ ý cảm tạ Hòa thượng Thích Mật Thể. Phan Văn Hùm (2507/1943). Bức thư của Phan Văn Hùm tiên sanh gửi cho Ông Chủ nhiệm báo Viên Âm ở Huế. Viên Âm nguyệt san, năm thứ 6, số 66-67. Annam Phật học hội phát hành. Nhà in Đuốc Tuệ (73 rue Richaud). Hanoi. trang bìa 2.
[32] Thiếu Sơn (2006). Những văn nhân, chính khách một thời. Nxb. Công an nhân dân, tr. 80.
[33] Nguyễn Văn Hạnh (1935). Nói chuyện về thi (thi cũ và thi mới) – Mấy lời đã nói tại Hội khuyến học Nam kỳ ngày  9 Janvier 1935 hồi 9 giờ tối (bài tựa của ông Phan Văn Hùm viết tại Chợ Quán ngày 23/1/1935). Imprimerie de L’Union (57 rue Lucien Mossard), Saigon, tr.vii.
[34] Dẫn theo Cao Văn Thức (2017). Phan Văn Hùm (1902-1946). Tạp chí Xưa & Nay số 483 (5/2017), tr.21 (19-21). Trong bài này Cao Văn Thức có lẽ nhầm. Vì Nỗi lòng Đồ Chiểu theo tự thuật của Phan Văn Hùm ra đời năm 1938 chứ không phải 1943 (đây là bản in lại).
 
 
Hà Nội, 21/8/2015 
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXNhà thơ lãng tử

Nhà thơ lãng tử Chương 1 Một chuyến du lịch. Tâm Sứt huýt gió một hơi dài, trao trả bé Thơ tấm hình: - Trời ơi! Công viên đẹp vô cùn...