Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2023

"Đố kỵ": Một bí ẩn mang tên con người

"Đố kỵ": Một bí ẩn
mang tên con người

Sẽ ra sao nếu Dostoevksy cùng Charlie Chaplin và James Joyce hòa nhập làm một? Câu trả lời có lẽ là họ sẽ trở thành Yuri Olesha, nhà văn Nga vĩ đại, “người cuối cùng của thế kỷ [mười chín]” – như ông tự gọi mình.
Olesha từng tấn công Joyce thế này: “Người nghệ sĩ phải nói với con người rằng “Vâng, vâng, vâng”, nhưng Joyce lại nói “Không, không, không”, “Mọi thứ trên Trái đất này đều tồi tệ”. Và vì thế, dù ông ấy thiên tài cỡ nào, tôi cũng không cần ông ấy.” Olesha chỉ trích cách Joyce gọi phô mai là xác của sữa. “Hãy nhìn đi, các đồng chí, kinh khủng làm sao. Nhà văn Tây phương ấy nhìn thấy cái chết của sữa. Ông ta bảo rằng sữa có thể chết.” Với Olesha, đó là cách viết hay, và có lẽ cũng đúng, nhưng ta không cần đến sự đúng đắn ấy. Cái ta cần là một chân lý biện chứng đẹp đẽ, rằng sữa từ bầu ngực của người mẹ chảy sang con, sữa là bất tử.
Thế nhưng, ông đã bắt đầu tiểu thuyết Đố kỵ theo đúng cách mà Joyce đã bắt đầu Ulysses. Nếu như Buck Mulligan của Joyce bước xuống cầu thang với chiếc bát đựng bọt xà bông cùng tấm gương và dao cạo râu thì Andrei Babichev của Olesha cũng xuất hiện đầu tiên khi đang làm vệ sinh buổi sáng, vừa làm vừa hát “ta ra…ta ra”. Và rõ ràng lời buộc tội Joyce của Olesha không chính xác, bởi Ulysses đã kết thúc bằng lời độc thoại nội tâm của Molly Bloom rằng “rồi anh hỏi tôi có đồng ý nói vâng không bông hoa miền núi của tôi và đầu tiên tôi vòng tay quanh anh vâng và kéo anh xuống để anh cảm nhận được ngực tôi mùi nước hoa vâng và trái tim anh sẽ trở nên cuồng dại và vâng tôi nói vâng tôi sẽ vâng.” Còn chính Đố kỵ của Olesha mới kết thúc trong sự hoài nghi tột bực khi Kavalerov nhân vật kể chuyện dù đã nhận ra mình suy vi tới nhường nào, và mình lười biếng và gian dối biết bao, và mặc dù anh đã hiểu tất cả, nhưng rốt cuộc một lần nữa, anh lại thấy mình bước vào sự vô nghĩa, trầm cảm cùng cái hầm tăm tối nơi xuất phát điểm của anh. Ai mới là kẻ sa sút ở đây?
Tiểu thuyết “Đố kỵ” của Yuri Karlovich Olesha 
(dịch giả Đào Minh Hiệp) do NXB Hội Nhà văn 
phối hợp với Phanbook xuất bản. nguồn: Netabook
Nước Nga luôn sản sinh ra những nhà văn lớn kiêm bậc thầy tâm lý học, có Dostoevsky, có Nabokov, những cái tên mà độc giả Việt Nam đã quen thuộc, và giờ đây, ta được giới thiệu thêm Yuri Olesha. Nhân vật Kavalerov của ông thiếu tín nhiệm chẳng thua gì Humbert Humbert trong Lolita, còn mối bất hòa của anh ta với thế giới cũng trầm trọng không kém tay công chức mà bên trong “lúc nhúc những yếu tố tương phản nhau” ở Bút ký dưới hầm. Anh ta, sau một trận say xỉn vật vã, được Andrei Babichev, một giám đốc công ty công nghiệp thực phẩm, hình mẫu cho một công dân xuất sắc của xã hội, chìa tay cứu giúp, đưa về nhà sống chung và giao cho một công việc hèn mọn nhưng sạch sẽ. Thay vì cảm thấy biết ơn Andrei Babichev, Kavalerov ghê tởm anh ta, thậm chí muốn ám sát anh ta.
Yuri Olesha đã đặt một ống kính văn chương ở tư thế rất kỳ quặc, kiểu như cách một con bọ hung tức tối nhìn mọi thứ quanh nó. Mọi thứ hiện ra đều bị bẻ cong méo mó, cay nghiệt, tím tái, bị o ép trong cái nỗi sợ rằng bất cứ lúc nào, mình cũng có thể bị những thế lực khác đập cho bẹp rúm. Con bọ hung đó vừa bị thiêu đốt bởi mong muốn được trở thành ngôi sao được thế giới trọng vọng, vừa ngùn ngụt lòng ghen ghét đố kỵ muốn phá hủy cái trật tự thế giới không thừa nhận nó. Nó muốn hòa nhập với thế giới đến mức nó căm ghét thế giới.
Thế nhưng, khi đọc kỹ hơn, ta sẽ cảm thấy có một điều gì không đúng đắn lắm ở Kavalerov. Anh ta hiện ra là một kẻ thất bại toàn tập thì rõ rồi, nhưng anh ta hình như còn là một thi nhân. Nếu không phải là một thi nhân, một nghệ sĩ, làm sao anh ta có thể mô tả thế giới phập phồng sống động đến thế: anh ta thấy mọi món đồ nội thất đều bắt nạt mình, anh ta so sánh máy bay như một con cá nặng nề, những tán lá như một thiên thần, tàu điện như một con dao cắt vào bánh gato – anh ta nhìn ra những mối quan hệ kỳ dị giữa vạn vật, trí tưởng tượng của anh ta thuộc lòng mọi đường tắt xuyên qua những logic vuông vắn thông thường, và đây là những khả năng chỉ có thể có ở một nhà thơ đại tài. Vậy thì điều đó có ý nghĩa gì?
Hãy đọc một trong những đoạn hay nhất mà Olesha đã viết khi Kavalerov được Babichev giao cho mang một thanh giò lụa giá 35 xu tới chỗ chủ một kho hàng. Kavalerov không thể hiểu nổi tại sao một thanh giò tầm thường lại trở thành thành tựu chói lọi đưa Babichev thành một vĩ nhân: “Vậy mà niềm vinh quang trong cái thế giới mới này lại xuất phát từ bàn tay của người thợ làm giò chả để làm ra loại giò chả chất lượng mới. Tôi không hiểu về sự vinh quang đó, rằng nó có ý nghĩa như thế nào? Các sự tích, các tượng đài kỷ niệm và lịch sử không nói gì với tôi về niềm vinh quang như thế.”
Kavalerov đương nhiên không thể hiểu. Anh là một thi nhân. Một thi nhân thì không thể hiểu được thực tế, càng không thể hiểu được thứ nghệ thuật “giò chả” nần nẫn, tròn lẳn, ố vàng những hạt mỡ đang được tuyên truyền rộng khắp, thanh giò đó là ẩn dụ cho thứ điển phạm mới, đỉnh cao mới của nghệ thuật, một “Mona Lisa” của chủ nghĩa Hiện thực Xã hội sắp cập bến. Kavalerov khác với Humbert Humbert ở điểm này. Humbert Humbert là người kể chuyện không đáng tin. Kavalerov bề ngoài cũng bệnh hoạn và không đáng tin, nhưng sự không đáng tin này là một động tác đánh lừa. Cách anh ta nhìn bữa nhậu của tay chủ kho hàng cùng Babichev như một bức tranh vẽ yến tiệc của Tiepolo, một họa sư thế kỷ 18, là cú nốc-ao với nghệ thuật – chiếc xúc xích quyến rũ một cách bí hiểm trong tranh của Tiepolo đại diện cho nghệ thuật như con đường vượt thoát đã bị kéo thẳng xuống mặt đất thành một mớ thịt nạc sáng bóng đại diện cho thứ nghệ thuật vì nhân dân, muôn năm lao động, cổ động sản xuất, một thứ nghệ thuật thiết thực, đúng đắn, không dành cho những quý bà phè phỡn.
Kavalerov phải có vẻ điên rồ thì anh ta mới có thể nói ra sự thật – một sự thật tưởng như luyên thuyên, lệch lạc và không hề đáng tin. Cũng như Olesha phải vờ như sỉ nhục anh ta đến tận cùng nếu muốn để Đố kỵ tồn tại.
Thật phi thường cái cách mà Olesha lèo lái để qua được ải kiểm duyệt gắt gao thời bấy giờ. Một mặt, Olesha lên những diễn đàn lớn tiếng chỉ trích Joyce, một mặt khác, ông chua xót thừa nhận mình không thể viết được nữa vì nếu ông mà viết rằng thời tiết thật xấu, thì người ta sẽ lên án rằng thời tiết như thế là tốt cho cây bông, rồi ông ngợi ca Joyce trong nhật ký riêng tư rằng “Araby là một trong những truyện ngắn hay nhất của văn chương”, và không nghi ngờ gì chuyện ông đã coi Ulysses như một nguồn cảm hứng sáng tác cho mình. Chính ông có lẽ cũng đố kỵ với vị đồng nghiệp người Ireland, rằng Joyce có được tự do để viết ra một thứ văn chương cổ xúy sự tầm thường của con người, quay lén con người trong những giờ phút trần trụi nhất như khi họ ngồi trên bồn cầu vệ sinh mà đi ngoài, nhưng chính trong sự tầm thường ấy ta thấy sự mặc khải, còn ông, phải làm bộ như hùa theo đường lối sáng tác phục vụ cái “chân-thiện-mỹ” bị đóng gói tiêu chuẩn kỹ thuật như một chiếc máy nạo khoai tây.
Cuối cùng, câu hỏi mà ta phải đặt ra là, liệu thế giới nào tốt hơn – thế giới của tất cả những con người như Andrei Babichev, thành đạt, suôn sẻ, hăng say làm việc, luôn làm tròn bổn phận với xã hội, luôn đứng ngoài ánh sáng; hay thế giới của những kẻ sa ngã như Kavalerov, những kẻ biết thương xót và biết căm ghét, những kẻ đi đến tận cùng mọi xúc cảm đẹp nhất như tình yêu nhưng cũng đi đến tận cùng mọi cảm xúc đen tối nhất như đố kỵ và căm giận? Có thật rằng thế giới bằng phẳng sáng sủa của Babichev thì tốt hơn? Có tốt hơn khi con người đốt bỏ căn hầm lắt léo trong tâm tưởng, có tốt hơn khi con người từ bỏ những hỉ nộ ái ố rất người? Hay là, khi từ bỏ sự tầm thường ấy, thì con người cũng đánh mất luôn sự thần thánh của mình, đánh mất bí ẩn sâu thăm thẳm không thể hiểu được, mãi mãi không thể hiểu được, để như chiếc xúc xích của Tiepolo, con người chỉ còn là một mớ thịt nạc bóng loáng và hoàn hảo?.
26/6/2022
Hiền Trang
Nguồn: Báo Tia Sáng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thế Là Thế Nào Trần Phúc Bảo An - 19 tuổi - Khoa Đạo diễn. Tự lập, lạnh lùng, đẹp trai, tài năng”. Những đứa con gái Sân khấu Điện ảnh...