Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Olga Berggoltz, những nhầm lẫn đã trở thành huyền thoại

Olga Berggoltz, những nhầm lẫn
đã trở thành huyền thoại

Nữ thi sĩ Nga - Xô Viết Olga Fiodorovna Berggoltz sinh năm 1910 và qua đời năm 1975 tại Saint Petersburg (Petrograd, Leningrad). Ít người biết, xung quanh tác phẩm và cuộc đời Olga Berggoltz, đã có nhiều sai lệch do dịch thuật, thậm chí do quá yêu quý nhà thơ. Nói ra, có thể làm tan vỡ hình ảnh lung linh. Tuy vậy, việc tìm ra sự thật của những huyền thoại cũng cần thiết, để tránh việc “dĩ ngoa truyền ngoa” mà đắc tội với nhà thơ chúng ta yêu quý.
Cũng giống như rất nhiều bạn đọc Việt Nam khác, cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với Olga Berggoltz diễn ra nhờ nhà thơ Bằng Việt. Và cũng khá muộn. Năm ấy, tôi học năm cuối trường ĐHTH Sư phạm Moskva. Một ngày thu vàng và bài thơ “Mùa lá rụng”: Những đàn sếu bay qua, sương mù và khói tỏa…
Nhà thơ Olga Berggoltz (1910-1975)
Đương nhiên, cũng như nhiều người, trong bối cảnh ấy, tôi không thể không… phải lòng nữ sĩ người Nga xinh đẹp này. Và bắt đầu tìm đọc tất cả những gì có thể của bà và về bà. Thế nhưng, ngày ấy, chưa bao giờ tôi có ý định dịch thơ Olga. Với nhiều bài thơ có thể coi là kinh điển đối với người đọc Việt Nam, như “Mùa hè rớt”, “Mùa lá rụng”, “Bài thơ cuộc đời”… hình như, thật khó có thể chấp nhận được những bản dịch thơ khác ngoài những bản dịch của nhà thơ Bằng Việt.
Đến bây giờ vẫn thế. Ký ức và ấn tượng mạnh mẽ của buổi đầu gặp gỡ vừa là niềm hoài tưởng da diết đáng yêu, vừa là một barie vô hình ngăn trở tôi chuyển ngữ thơ Olga Berggoltz.
Viết cho con bị nhầm là viết cho chồng
Mãi đến sau này, gần 10 năm sau buổi “gặp gỡ đầu tiên” ấy, tôi mới bắt đầu dịch Olga. Một cách say sưa và nhiệt tình. Những bản dịch của tôi có thể còn rất nhiều sai sót, có thể chưa đúng chưa hay, nhưng lòng tôi thì vui sướng nghĩ rằng, tôi đã có một Olga Berggoltz “của tôi”, bên cạnh một Olga bất di bất dịch mà nhà thơ Bằng Việt đã đem đến cho tôi trước đó!
Việc tìm đọc những trang chú giải không in kèm theo văn bản thơ Olga ghi trong sổ tay cho phép người dịch sửa được nhiều lỗi sai vô tình mắc phải. Chẳng hạn, Olga để lại rất nhiều dòng thơ viết cho hai con gái nhỏ đã qua đời. Thời gian ghi dưới bài thơ thường là 1937, 1938, trùng với thời kỳ bà được tin nhà thơ Boris Kornilov, người chồng đầu tiên của bà, bị bắt.
Ban đầu, khi chưa nghiên cứu kỹ tiểu sử của Olga, mà chỉ dựa vào thông tin Boris Kornilov mất năm 1938, tôi đã nhầm tưởng một số thi phẩm Olga viết về cái chết của con gái là dành cho Kornilov. Nhưng sau, may thay tôi đã kịp tìm hiểu được xuất xứ của các bài thơ để mà sửa lại lỗi chuyển ngữ này.
Olga và người chồng đầu tiên – Kornilov
Chỉ thấy vừa ngạc nhiên vừa buồn buồn rằng, khi đọc bản dịch, dù nhân vật trữ tình được/bị cho là “anh” (Kornilov) hay là “con” (các con gái bé của Olga), thì bối cảnh của bài thơ trong các bản dịch hiện lên đều rất hợp lý và đầy xúc động, thậm chí người đọc hoàn toàn có thể chấp nhận sự nhầm lẫn của dịch giả mà không mảy may nghi ngờ!
Một trong những bài thơ đó tôi đã trích đăng trong bài viết “Olga Berggoltz – Những mối tình say mê và thống khổ” đăng trên Văn Nghệ Trẻ năm 2009, như là những dòng thơ Olga gửi Boris Kornilov như sau: Không, chẳng bao giờ em chấp nhận nổi đâu/ rằng anh đã qua đời, anh hãy tin em nhé/ Ranh giới giữa sáng tâm và loạn trí/ em bây giờ thường nhìn thấu được ra… (“Không, chẳng bao giờ em chấp nhận nổi đâu”, 1938*).
Thực ra, đây là bài thơ Olga viết cho con gái Irina đã mất cách đó một năm vì bạo bệnh. Xin sửa lại lỗi sai bằng bài viết này và chân thành mong độc giả lượng thứ.
Tôi cũng muốn nhắc đến ở đây một bản dịch thơ có lẽ đã trở thành kinh điển đối với độc giả Việt Nam của dịch giả Ngân Xuyên. Bản dịch này được lưu truyền trên mạng, ban đầu người ta cứ đinh ninh là của dịch giả Bằng Việt, (vì cứ nhắc đến Olga Berggoltz, Bằng Việt luôn là cái tên được mặc định!). Bài thơ được chuyển ngữ với giọng thơ tha thiết và nhuần nhuyễn, là lời của tình yêu ngọt ngào:
 
Anh hãy trở về
 
Anh hãy trở về trong giấc mơ em
Dẫu trong mơ anh không còn như ảnh
Anh một thuở như cuộc đời
như chim, như nắng
Như tuổi thanh xuân như hạnh phúc
vô bờ.
Anh bây giờ đã ở rất xa
Khoảng cách bao la xoá nhoà hình dáng
Chỉ còn lại trong tim nắm tro tàn
ảm đạm
Chẳng thể nào cháy lửa nữa đâu anh.
Chỉ mình em có lỗi, chỉ mình em
Vì đã vội buông anh ra quá sớm
Vì vẫn sống trái tim đầy kiêu hãnh
Ôi lòng khát thèm chẳng thể
nào nguôi…
Anh hãy trở về trong giấc mơ em
Dẫu trong mơ anh không còn như ảnh
Anh một thuở như cuộc đời
như chim, như nắng
Như tuổi thanh xuân hạnh phúc vô bờ.
(Ngân Xuyên dịch)
Tôi đồ rằng, bây giờ, nếu có dịch lại bài thơ cho đúng tình cảm của Olga, thì cũng chưa chắc đã được bạn đọc chấp nhận. Như vậy là, vô hình trung chúng ta đã có thêm một bài thơ tình mới đã thành huyền thoại, của Olga hay không phải Olga cũng chẳng quan trọng nữa! Đây có lẽ cũng là trường hợp cảm động trong câu chuyện thơ và độc giả. Tuy vậy, tôi cũng xin mạn phép đưa ra bản dịch mới của bài thơ nói trên, để bạn đọc tham khảo:
 
Hãy về với mẹ trong mơ
 
Hãy về với mẹ, con ơi, dù chỉ trong
giấc mộng,
nhưng đừng giống hình con trong
tấm ảnh chết cuối cùng:
hãy như tia nắng trời, như cánh chim,
sự sống,
Như tuổi thanh xuân như hạnh phúc
vô song
Con thân yêu giờ đã ở quá xa
khoảng cách khiến gương mặt con
nhòa nhạt.
Trái tim giữ bao tàn tro mất mát,
không cháy ngậm ngùi cũng
chẳng thể bùng lên.
Mẹ là người có lỗi, chỉ mẹ thôi,
rằng đã buông tay để con đi quá sớm,
không mất trí vì nỗi đau mà vẫn sống…
Ôi cái sức sống tham lam
đáng nguyền rủa quá trên đời!
Dù chỉ trong mơ hãy về với mẹ, con ơi,
nhưng đừng giống tấm hình con
màu xám
hãy như tia nắng trời, như cánh chim,
sự sống,
Như tuổi thanh xuân như hạnh phúc
vô song!
1937
Xuất hiện cả những “người yêu” ảo
Thế nhưng, thực ra, xung quanh nữ sĩ Olga Berggoltz của nước Nga từ trước đến nay đã tồn tại rất nhiều “nghi án”.
Hẳn các bạn còn nhớ bài thơ “Anh đi tìm em trên bán đảo Ban-căng” của tác giả Khổng Văn Đương một thời gian dài được nhắc tới như thi phẩm của Olga! Rồi một tác phẩm khác lâu nay trên các trang mạng, tôi cũng thấy người ta hay gắn tên của Olga vào phần tác giả, là bài “Những người đãi cát tìm vàng”.
Do nhiều lý lẽ (hình tượng văn học, thi pháp, không có nguyên tác trong di cảo đã từng công bố…), tôi cũng cho rằng đây là một sáng tác của người Việt. Tuy nhiên hiện tại trường hợp này đành phải xếp vào dạng “tồn nghi” nếu ta chưa có được một bằng chứng cụ thể về một tác giả có thật của nó vẫn còn trong vòng bí ẩn!
Thêm một “nghi án” nữa liên quan đến Olga Berggoltz khi bà gặp gỡ với người đọc Việt Nam – đó là bài thơ quen thuộc “Về Bài thơ cuộc đời” (Đừng nhắc nữa em ơi/Lỗi lầm thời quá khứ/Ngôi sao bùng đốm lửa/Đâu còn nữa màu xanh…) được coi như là những lời thương nhớ Kornilov gửi Olga để đáp lại bài Bài thơ cuộc đời của bà.
Thế nhưng, xét theo năm mất của nhà thơ Kornilov (1938) và năm Olga viết bài “Gửi Kornilov” mà nhà thơ Bằng Việt đặt tên là “Bài thơ cuộc đời” (1940) thì lời đáp cho “nghi án” này đã quá rõ ràng: tác phẩm ấy không phải do ngòi bút của nhà thơ tài danh và bạc mệnh ấy viết vì, than ôi, nơi chín suối, ông có được đọc bài thơ của Olga nữa đâu mà trả lời!!!
Một nhân vật độc đáo và bí ẩn nữa mà thiết nghĩ rất nên nhắc tới khi cùng bạn đọc Việt Nam đến với Olga Berggoltz, là một người – hay một nhà thơ – có họ Bessonov. Người này xuất hiện cùng với một bài thơ đã gây nên những hoài nghi về nguồn gốc của nó, là bài “Chuyện mười năm trước” (Chỉ có một lần thôi,/ Em hỏi anh im lặng,/ Thế mà em hờn giận,/Để chúng mình xa nhau…).
Được chép trong những cuốn sổ thơ, được “phát tán” trên nhiều diễn đàn mạng tiếng Việt, người ta thường ghi chú rằng đó là thi phẩm của Bessonov, người yêu Olga! Nhưng thông tin này có cơ sở để bác bỏ, vì trong tất cả các ghi chép, hồi ký của Olga và những người cùng thời với bà, chưa ai nhắc đến nhân vật kỳ lạ này.
Trong đời, Olga có ba cuộc hôn nhân, đều là kết quả của những mối tình say đắm, sôi nổi: Boris Kornilov, Nikolai Molchanov và Georgi Makogonenko. Cái họ Bessonov vô tình được đưa vào tiểu sử của Olga Berggoltz rất có thể do một sự nhầm lẫn nào đó từ phía người Việt. Có lần tôi đã nhờ một vài nhà văn Nga quen biết tìm hiểu hộ.
Nghe câu chuyện này, họ rất ngạc nhiên và cảm động, cho rằng đây là một sự kiện hi hữu: nhà thơ nữ của họ đã có thêm một mối tình nữa, mối tình do những người yêu quý Olga ở Việt Nam “thêu dệt” nên!
Những “rắc rối đáng yêu” nói trên xung quanh nhân vật Olga Berggoltz lại cho tôi cảm tưởng sâu sắc rằng, Olga Berggoltz đã trở thành nữ sĩ của… Việt Nam! Tình cảm của bạn đọc Việt đối với bà có phần hơi khác so với những tình cảm mà họ vẫn dành cho những nhà thơ nữ người Nga quen thuộc khác như Marina Svetaeva hay Anna Akhmatova.
Một phần, đương nhiên, là do sự thành công trong việc chuyển ngữ thơ Olga ở Việt Nam. Những bài thơ đầu tiên của Olga đến với công chúng đã thực sự gần gũi và “đánh thẳng” vào trái tim người đọc, để lại dấu ấn đậm nét khó phai mờ trong lòng người Việt nhiều thế hệ.
Tượng Olga Berggoltz trên tường ngôi nhà ở Leningrad (nay là Saint Peterbourg), nơi bà sống từ 1932 đến 1943.
Phần nữa, có lẽ là vì, Olga Berggoltz, kể cả trong những dòng viết cay đắng nhất, vẫn giữ được những suy nghĩ tha thiết với cuộc đời và con người, giữ được niềm hy vọng đôi khi tưởng chừng đã tắt trong tâm.
Chính nhờ những điều đó mà thơ của bà gần gũi với người đọc Việt Nam, một dân tộc luôn trân trọng tình người, và nhiều khi, phải nương vào tình người mà vượt lên trên mọi đau khổ.
Olga bắt đầu sự nghiệp văn học của mình bằng những tác phẩm viết cho thiếu nhi vànhững ghi chép, bút ký vềcon người Xô-Viết xây dựng đất nước 5 năm lần thứ nhất. Bà cũng là một cây bút thơ nữ được đánh giá cao. Nhưng phải đến thời kỳ chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), Olga Berggotlz mới thực sự tỏa sáng như một hiện tượng, một “nàng Thơ của thành Len”. Bấy giờ, Olga làm việc ở Đài Phát thanh Leningrad, hàng ngày đọc bản tin, đọc thơ trong cái đói cái rét mà chính bà cùng các đồng nghiệp cũng phải chịu đựng. Giọng đọc rành rọt, chân thành của người phụ nữ này đã nâng được những con người kiệt sức đứng lên từ hoang tàn đổ nát và cầm cự với giặc trong 900 ngày đêm nóng bỏng, trong nạn đói và dịch bệnh ốm đau.
Bây giờ, ở Nghĩa trang Piskariov, nơi yên nghỉ gần nửa triệu quân dân thành phố Leningrad, vẫn còn khắc dấu những dòng tưởng niệm mà Olga là tác giả. Trong đó có câu: Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng.
THỤY ANH
Báo Tiền Phong
 
Hà Nội, 21/8/2015 
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...