Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

"Rừng có tiếng người" của Đinh Công Diệp: Dư âm và đồng vọng

"Rừng có tiếng người" của Đinh
Công Diệp: Dư âm và đồng vọng

Đối với tiểu thuyết “Rừng có tiếng người”, thời gian đã không làm mờ đi thiên truyện hấp dẫn, quyến rũ ấy, mà còn làm cho nó thêm sống động đến bất ngờ. Không quá rộng, cũng không quá chật (như cách nói của nhà văn Đinh Công Diệp trong tiểu thuyết), “Rừng có tiếng người” vừa đủ để trở thành tiếng gọi thức tỉnh cõi người dù là nơi sâu xa, u tối nhất.
Nhà văn Đinh Công Diệp (1942 – 2012)
Cuốn tiểu thuyết vừa được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải tác phẩm xuất sắc chuyên ngành Văn học năm 2021. Được biết đây là tác phẩm cuối cùng của cố nhà văn Đinh Công Diệp (1942 – 2012) viết từ thập niên 1990 và được xuất bản sau gần 10 năm ông mất.
Không chỉ là dư âm
“Rừng có tiếng người” là một thiên tiểu thuyết đặc biệt, trải dài trên 20 chương kể về câu chuyện tình yêu và cuộc sống của người dân tộc nơi núi rừng Tây Bắc. Mỗi trang sách như để tô điểm thêm nỗi thống khổ, nghiệt ngã của những con người cô đơn, nghèo khó, nhất là những người phụ nữ đã có chồng…
Nhân vật Xúa Ly tuổi vừa đôi tám, như là bông hoa đẹp nhất của núi rừng, tràn đầy sức sống và vẻ đẹp khiến cho không chỉ con người mà cả thiên nhiên vạn vật cũng phải yêu quý, khao khát nàng. Nàng cùng với người con trai Thào Lềnh dệt nên một mối tình tuyệt đẹp; nhưng quanh nàng có biết bao mối hiểm nguy chực chờ: chữ hiếu treo trên đầu, món nợ của gia đình đè trên vai, sự ganh ghét thù hận của bao con người khác nặng trĩu lòng nàng. Đất Khỏa Thầu không phải dành cho người nghèo, mà là thuộc về nhà giàu tham lam như Cư Vần, hay là Xịa Chá chuyên bày trò lường gạt… Con người càng mơ ước và vun đắp cho tương lai, lại càng chua xót cho thân phận của mình – vốn nghèo khó, phải phụ thuộc vào người khác. Và người phụ nữ như cái cọc, cái kèo trong nhà còn phải phụ thuộc vào người đàn ông, trở thành món đồ đổi chác để thỏa mãn dục vọng của họ…
“Rừng có tiếng người” là một tiểu thuyết đa thanh, được xây dựng từ góc nhìn của từng nhân vật. Tác giả dùng tiếng nói nội tâm của nhân vật để kể câu chuyện của chính mình, ít bình luận hoặc trữ tình ngoại đề. Cách viết của ông ngắn gọn và tinh tế, không bao giờ cho nhân vật nói hết những suy tính hoặc dục vọng trong lòng mà sắp xếp, đan xen những câu chuyện, khiến người đọc bị cuốn theo không dứt ra được. Cả một vùng đất rộng lớn với các nhân vật người Mông, Lô Lô, La Chí…; và biết bao thân phận con người từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ đều được khắc họa rất sắc nét. Những câu chuyện đàn ông nghiện ngập, bắt vợ, thầy cúng chữa bệnh, rồi chuyện xin rượu trong rừng mả, chuyện dạy và thuần hóa cọp, chuyện cán bộ miền xuôi lên miền ngược… “Rừng có tiếng người” có đủ các cung bậc hỉ, nộ, ái, ố với bối cảnh cuộc sống đang dần hiện đại hóa, con người cũng dần tha hóa theo nhiều cách khác nhau…
Không chỉ là dư âm của một cuộc sống xã hội vùng cao, “Rừng có tiếng người” còn là kết quả của sự quan sát, chiêm nghiệm dài lâu của nhà văn Đinh Công Diệp. Ông gắn bó hầu như suốt đời với núi rừng, với mảnh đất Tuyên Quang. Tiểu thuyết của ông mang ngôn ngữ của núi rừng Tây Bắc, là cái bụng, cái dạ của con người; là cái cây, cái bông trên ruộng rẫy; là sương, là tuyết trên cao nguyên núi đá; là tiếng khóc câm lặng của con người cùng cực, dù ở trên sàn nhà cao rộng hay phải lăn lóc ở rìa nghĩa địa hoang tàn… Tiểu thuyết được in sau hơn ba thập kỷ vẫn giữ nguyên vẹn chất giọng, hơi thở, sức sống của tác giả và nhân vật, làm say lòng người – đó là một điều hết sức đặc biệt của văn chương.
Bìa cuốn sách “Rừng có tiếng người” của nhà văn Đinh Công Diệp.
Tiếng người đồng vọng
Chính vì vậy, “Rừng có tiếng người” còn là một tác phẩm ẩn dụ, mang tính nhân văn sâu sắc. Rừng của tạo hóa, của thiên nhiên nay đã đồng vọng tiếng người, có cả lương thiện lẫn xảo trá. Tiếng người đi đôi với tiếng những đồng tiền cọ xát vào nhau, tiếng rượu chảy và rít hơi thuốc phiện qua nõ điếu, tiếng khóc cho thân phận nghèo hèn bị ăn chặn, ép uổng… Nói như chính nhà văn Đinh Công Diệp: Tiếng Người hay tiếng của Ma đội lốt người? Nhưng trên tất cả, đó là tiếng nói nhân từ, thương người của những phận người ở tận cùng làng bản, như ông Nhụa Đê (tiếng dân tộc dùng để chỉ kẻ mồ côi, ăn xin) vì thương người mẹ mà tìm mọi cách cứu con gái (nàng Xúa Ly) thoát khỏi tai ách của lão Cư Vần nhà giàu, để nàng tự do đến với tình yêu, hạnh phúc của đời mình. Âm vang của tiểu thuyết còn là tiếng hát, tiếng khèn tình tự của tình yêu, thể hiện sức sống mãnh liệt của con người, là sự ca ngợi tự do và khát vọng yêu đương.
Kết thúc câu chuyện, nhà văn trả cho con người cái “tiếng người” thiêng liêng, thật thà mà quý giá, thông qua những hình ảnh biết nói: “Ngựa hí vang. Chim thánh thót. Tiếng người nọ đan vào tiếng người kia – Mùa xuân đến”. Thào Lềnh trở thành bố, Xúa Ly được làm mẹ, đứa trẻ trong vòng tay họ lần đầu được nếm rượu xuân say nồng, vốn là thú vui lớn của đời người nơi cao nguyên núi đá. Nhụa Đê không gia đình, không người thân thích trở thành một người cha tinh thần, được yêu thương và tôn trọng; ông nhắc đến những con người bạc ác nhất bằng niềm tin rất đẹp: “Có khi rồi ông Vần, ông Chá được lên tiên”…
Kết thúc trong không khí mùa xuân, tiểu thuyết “Rừng có tiếng người” như một sự hiện thực hóa những ước vọng cuộc đời vốn được nuôi dưỡng trong mỗi con người, có người thì cháy bỏng, có người lại âm thầm, lặng lẽ. Những nút thắt nghiệt ngã được mở ra nhờ vào sự đồng cảm giữa người với người, những “kinh nghiệm” thương đau được chuyển biến thành tình yêu thương và giải thoát.
Đối với tiểu thuyết “Rừng có tiếng người”, thời gian đã không làm mờ đi thiên truyện hấp dẫn, quyến rũ ấy, mà còn làm cho nó thêm sống động đến bất ngờ. Không quá rộng, cũng không quá chật (như cách nói của nhà văn Đinh Công Diệp trong tiểu thuyết), “Rừng có tiếng người” vừa đủ để trở thành tiếng gọi thức tỉnh cõi người dù là nơi sâu xa, u tối nhất.
TRẦN THU HẰNG
 
Hà Nội, 21/8/2015 
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...