Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2023

Phê bình văn học Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, phát triển nhìn từ đội ngũ phê bình

Phê bình văn học Việt Nam trong
thời kỳ hội nhập, phát triển
nhìn từ đội ngũ phê bình

Hơn ba mươi năm đổi mới và phát triển, mặc dù vẫn còn một số giới hạn nhất định, song với những thành tựu đáng trân trọng, phê bình văn học Việt Nam ở giai đoạn này đã bước đầu chạm đến những phẩm tính cần có của một nền phê bình có tinh thần dân chủ, nhân văn và phần nào đã tự vượt lên những ấu trĩ không đáng có của phê bình văn học thời kỳ trước đổi mới…
Nhà lý luận phê bình Cao Thị Hồng
1. Mở:
Hành trình hơn 30 năm đổi mới, nền phê bình văn học Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm. Hơn ba mươi năm là một quãng thời gian ngắn đối với lịch sử văn học dân tộc nói chung nhưng lại là một quãng thời gian đủ để làm nên những chuyển biến có tính chất “bước ngoặt” của nền phê bình văn học, trên hành tình hội nhập và phát triển. Sự đổi mới của đất nước trên nhiều bình diện, các chuyển động theo xu hướng tích cực trong cơ chế hành chính, quản lý văn hóa, văn nghệ cũng giúp gỡ bỏ nhiều rào cản cho phê bình nói riêng và văn học nói chung. So với trước, phê bình có điều kiện để tiệm cận với các giá trị nhân văn căn bản, phổ quát của nhân loại, hướng tới những phẩm tính đích thực của nghệ thuật. Đó là một nền nghệ thuật không chỉ quan tâm đến cái đẹp của văn chương mà trên hết và trước hết là quan tâm đến phận số của con người trong cõi nhân sinh. Hơn ba mươi năm, với ảnh hưởng của bản thân sự phát triển văn học, ảnh hưởng của đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội và đặc biệt sự ảnh hưởng từ việc tiếp nhận những thành tựu lý luận – phê bình văn học hiện đại trên thế giới đã làm cho diện mạo phê bình văn học ở nước ta có những đổi mới căn bản. Và, dẫu chưa thể đáp ứng được tốt nhất những nhu cầu, đòi hỏi của đời sống và của công chúng văn học nhưng không thể không ghi nhận và đánh giá một cách tích cực về sự hiện diện và tầm quan trọng của phê bình trong đời sống văn học nước nhà. Song bên cạnh đó cũng thấy tuy có những phát triển vượt lên so với trước nhưng do nhiều yếu tố nội/ ngoại sinh và sự phát triển nhanh chóng, ngày càng trở nên phong phú, phức tạp của sáng tác văn học, nền phê bình văn học không tránh khỏi những giới hạn như: Thiếu chuẩn mực trong đánh giá các giá trị văn học, chưa có nhiều những công trình phê bình mang tính phát hiện cá nhân, độc đáo, sắc sảo về văn học. Còn có những biểu hiện khiếm nhã trong văn hóa tranh luận văn học, dẫn đến làm vẩn đục bầu không khí phê bình văn học vốn rất cần sự cao nhã trên tinh thần tôn trọng sự dân chủ, bình đẳng, nhân văn, khai phóng và cầu thị của qui luật tiếp nhận văn học mà hệ hình lý thuyết mỹ học tiếp nhận đã xác lập. Đặc biệt việc chưa chú trọng đào tạo, xây dựng đội ngũ phê bình chuyên nghiệp, thiếu một khung chính sách rõ ràng, minh bạch để khuyến khích tập hợp nhân tài, lựa chọn phê bình như một nghề – đây là một trong những vấn đề mà nếu không được khắc phục triệt để thì  khó có thể nói đến việc phát triển một nền phê bình mang lại hiệu ứng tích cực cho phát triển xã hội trong thời đại lịch sử mới, bởi lẽ trong mọi sự thành công nhân tố con người luôn đóng vai trò quyết định hàng đầu. Với mong muốn góp tiếng nói hướng đến mục tiêu tiếp tục phát triển nền phê bình văn học dân tộc lên tầm cao chất lượng mới, nội dung dưới đây chủ yếu khái quát một vài thành tựu và giới hạn của phê bình văn học đương đại, trên cơ sở đó bước đầu có những khuyến nghị về giải pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cho nền phê bình văn học  nước nhà trong giai đoạn tới.
2. Nội dung
2.1. Trước hết, cần khẳng định đổi mới lý luận văn học chính là tiền đề quan trọng nhất để đổi mới tư duy phê bình văn học. Vận động tư duy theo xu hướng tiến bộ, tôn trọng những giá trị nhân văn đã khiến những vấn đề lý luận văn học quan trọng ở Việt Nam hoặc được khẳng định những giá trị vốn có, hoặc được mở rộng, bổ sung những phương diện giá trị mới, xem xét đánh giá đúng vai trò lịch sử mà nó đã hoàn tất. Những quan điểm nhận thức mới về những vấn đề lý luận mang tính chất then chốt vừa khoa học, biện chứng vừa khoáng đạt, dân chủ, chú trọng tính thực tiễn dần dần đã thay thế cho những quan điểm bảo thủ, giáo điều, phiến diện, hạn hẹp. Hệ thống lý thuyết mới có độ mở, linh hoạt và đặc biệt mang tính thực tiễn cao chính là nền tảng cơ sở quan trọng, là công cụ hữu hiệu để giải quyết, tháo gỡ các vấn đề nan giải đặt ra đối với phê bình văn học ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Một số phương pháp nghiên cứu có tính chất mũi nhọn, mở đường như: thi pháp học, phân tâm học, tự sự học, văn học so sánh, lý thuyết hiện sinh… đã bước đầu khẳng định được tiếng nói trong đời sống văn học, góp phần đưa phê bình văn học nước nhà vượt qua những giới hạn vốn đã tồn tại từ lâu để vươn đến những chân trời sáng tạo mới.
Trong tư duy mới của lý luận, phê bình văn học được coi là một loại hình hoạt động tinh thần nằm giữa khoa học và nghệ thuật. Các công trình nghiên cứu phê bình mang tính học thuật được công bố trong thời kỳ đổi mới 1 đã phần nào chứng tỏ giới nghiên cứu phê bình văn học nước nhà đã ý thức được một cách sâu sắc tính khoa học và tính nghệ thuật của phê bình văn học – đó là dấu hiệu cho sự xuất hiện của một nền phê bình chuyên nghiệp và nhà phê bình chuyên nghiệp. Phê bình văn học Việt Nam không hẳn là “yếu kém” và “lạc hậu” như một số ý kiến đánh giá, mà dưới ánh sáng của hệ thống lý thuyết mới, nó đã và đang tiếp tục hành trình về đích: trở thành một bộ môn khoa học độc lập đi tìm ý nghĩa của văn bản văn học. Hơn ba mươi năm, không thể phủ nhận: nhiều lý thuyết văn học phương Tây được giới thiệu và ứng dụng trong phê bình văn học, mang lại cho phê bình văn học Việt Nam sự thay đổi về chất lượng học thuật. Trong tư duy của mình, bên cạnh nội dung tư tưởng của tác phẩm, các nhà phê bình đã quan tâm “nhận chân lại các giá trị văn học”, quan tâm nhiều đến tính nghệ thuật, những cấu trúc tầng sâu của tác phẩm. Phê bình văn học từng bước thoát khỏi lối mòn của khuynh hướng phê bình xã hội học dung tục để vươn đến nhiều hệ hình triết mỹ khác trong quá trình chiếm lĩnh giá trị nhân văn của các hiện tượng văn học.
Với nhiều cơ hội thuận lợi do thời đại mang đến, sự phát triển của phê bình văn học Việt Nam giai đoạn 1986  đến nay  được đặt trên cơ sở tư duy lý luận xác lập rõ vai trò, vị thế, chức năng của nhà phê bình và phê bình. Giai đoạn này dân trí được nâng cao, giao lưu với thế giới được mở rộng, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin nên đội ngũ viết phê bình có điều kiện tiếp cận với những kiến thức mới và thời sự nhất. Dù còn chưa nhiều nhưng đã bước đầu hình thành một đội ngũ phê bình văn học có vốn kiến thức phong phú, nhạy cảm với cái mới, nhất là những lý thuyết lý luận phê bình hiện đại của thế giới và có thể tham gia giải quyết những vấn đề gay cấn đặt ra cho đời sống văn học đương đại để từ đó làm nhịp cầu kết nối giữa nhà văn và bạn đọc. Đội ngũ phê bình mới hình thành đã và đang từng bước tìm tòi, sáng tạo, đẩy lùi “căn bệnh” phê bình cảm tính, non kém về cơ sở lý thuyết ra khỏi đời sống phê bình, gia tăng thêm tính học thuật, từ đó nâng cao tính khoa học trong nghiên cứu phê bình.
Đối tượng chủ yếu của phê bình văn học là tác phẩm văn học nhưng hoạt động của nhà phê bình không đơn thuần chỉ thụ động dừng lại ở chỗ chỉ ra cái hay, cái đẹp của tác phẩm mà còn là một hoạt động “sáng tạo trên nền của sáng tạo”. Nhà phê bình phải nhận ra được sự vận động nội tại của đời sống văn học, đưa ra những luận giải thuyết phục về những hiện tượng văn học đang diễn ra, sự phán đoán và khẳng định các giá trị theo quan điểm thẩm mỹ độc đáo của bản thân. Nhà phê bình là một bạn đọc đặc biệt luôn “đồng sáng tạo” cùng nhà văn, tính sáng tạo trở thành nguyên tắc cơ bản trong quá trình tiếp nhận tác phẩm của người viết phê bình văn học. Phê bình văn học thực sự đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều bạn đọc, có hiệu ứng tốt trong việc giúp bạn đọc tìm hiểu những giá trị của tác phẩm, đặc biệt những tác phẩm được sáng tạo bởi những nghệ sĩ giàu cá tính, định hướng thẩm mỹ và hướng xã hội đến sự thay đổi dần những quan niệm còn nhiều giới hạn về văn chương nghệ thuật.
Cùng với sự phát triển của lịch sử thời đại, đời sống sáng tác văn học ngày càng trở nên phong phú, phức tạp. Hơn lúc nào hết, để phát huy vai trò của phê bình đối với xã hội đòi hỏi nền phê bình văn học của Việt Nam phải có cơ chế mở để xác lập được những tiêu chí định giá văn học cập nhật được giá trị nhân văn chung của nhân loại. Đó là một nền phê bình phải được phát triển theo nguyên tắc tôn trọng tư tưởng dân chủ, chấp nhận ý kiến khoa học đa chiều và cá tính sáng tạo độc đáo của mỗi nhà phê bình – Và đây, có lẽ cũng chính là chìa khóa để phê bình văn học Việt Nam có thể vượt qua cánh cửa trì trệ, bảo thủ, cực đoan, thực sự trở thành nhân tố tổ chức của tiến trình văn học, tác động một cách tích cực nhất vào sự vận động, phát triển của nền văn học dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển của xu hướng toàn cầu hóa (trong đó có toàn cầu hóa văn hóa mà văn học là một bộ phận trọng yếu của văn hóa, không thể không quan tâm và đứng ngoài khí quyển văn hóa toàn cầu đó).
2.2. Bên cạnh những thành tựu nổi bật trên, phê bình văn học Việt Nam giai đoạn 1986 đến nay cũng còn nhiều giới hạn – đó là những giới hạn mà nếu không khắc phục triệt để thì sẽ cản trở rất lớn đến sự phát triển về chất lượng của một nền phê bình. Có thể điểm đến một số giới hạn sau:
Thứ nhất, về đội ngũ các nhà phê bình văn học
Muốn có một nền phê bình văn học phát triển bền vững, trở thành một động lực thúc đẩy và định hướng cho sáng tác thì vấn đề xây dựng một đội ngũ những người làm lý luận phê bình có năng lực sáng tạo, thực thi một nền lý luận phê bình chuyên nghiệp là điều vô cùng quan thiết; Bởi lẽ, không chỉ có lĩnh vực phê bình văn học mà ở bất cứ lĩnh vực khoa hoc nào, muốn có sự phát triển bền vững, chất lượng thì vấn đề đào tạo con người có chuyên môn sâu, am hiểu, tâm huyết, say mê và dấn thân với lĩnh vực khoa học ấy là điều có tính quyết định. Song, nhìn nhận về lĩnh vực phê bình văn học thời kỳ 30 năm đổi mới (1986- 2016), chúng ta thấy còn thiếu một lực lượng chuyên tâm làm phê bình.
Sau vài chục năm đổi mới và phát triển, nền phê bình văn học thời kỳ đổi mới đã hình thành một đội ngũ làm nghiên cứu, phê bình văn học khá đông đảo 1. Tuy nhiên dù có hàng trăm người cầm bút viết phê bình văn học nhưng những người tâm huyết, say mê theo đuổi nghiệp viết phê bình không nhiều. Khi “nghề” viết phê bình bị coi nhẹ, chưa được quan tâm, đánh giá đúng mức, thậm chí là một nghề bạc bẽo và “nguy hiểm” thì chuyện không chuyên tâm với nghề cũng là điều tất yếu. Và vì không chuyên tâm nên một số họ đã chuyển sang làm phê bình “nghiệp dư”, viết để “góp vui”, có hứng thú thì viết, không hứng thú thì thôi, khen chê theo cảm tính… Tình trạng này đã khiến nền phê bình rơi vào trạng thái thiếu tính chuyên nghiệp trong cảm thụ, phân tích, đánh giá với tư cách là một bộ môn vừa là nghệ thuật vừa là khoa học. Vì thế trong đời sống lý luận phê bình đã xuất hiện nhiều bài phê bình nhạt nhẽo, vô bổ, thiếu tính độc đáo trong phát hiện, không hướng đến việc tiếp cận chân lý nghệ thuật và chân lý đời sống, phê bình theo xu hướng nói “nước đôi” và ai cũng có thể viết “phê bình” và trở thành “nhà phê bình” văn học.
Nền phê bình thiếu một đội ngũ tâm huyết còn bởi một nguyên nhân quan trọng đó là người làm phê bình ở nước ta không ai có thể sống được bằng nghề viết phê bình, bởi người đọc phê bình không nhiều và các cơ quan truyền thông như các tòa soạn báo, tạp chí, các đài phát thanh truyền hình… cũng không mặn mà với các bài viết lý luận phê bình nên việc trả nhuận bút cho những bài phê bình văn học nghệ thuật còn rất “khiêm tốn” so với các thể loại khác. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho các vị có trách nhiệm ở các cơ quan quản lý văn học nghệ thuật cần suy ngẫm để có những giải pháp đầu tư thích đáng cho lý luận phê bình, nếu muốn lý luận phê bình văn học nước nhà khởi sắc, phát triển một cách bền vững. Không thể chỉ đòi hỏi các nhà lý luận phê bình phải “nâng tầm” về mọi phương diện trong khi điều quan trọng nhất là làm sao họ có thể sống được bằng nghề viết nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật thì không quan tâm đến.
Một giới hạn khác cũng cần được nói đến, đó là việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ những người làm lý luận phê bình vẫn chưa có hệ thống bài bản. Vì thế, chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển một nền lý luận phê bình văn học chuyên nghiệp trong thời kỳ hội nhập của xu hướng toàn cầu hóa ở các phương diện như: trình độ học vấn, tri thức, văn hóa, năng lực cảm thụ và kỹ năng phê bình văn học, trình độ ngoại ngữ để tiếp nhận những lý thuyết mới từ nguyên bản, cũng như một bản lĩnh, dũng khí, từ đó hình thành một nhân cách văn hóa của nhà phê bình để phát hiện, luận giải và khẳng định chân giá trị của các vấn đề văn học và đời sống. Bởi lẽ vấn đề đào tạo chính quy được xem là nền tảng để hình thành tư cách nhà nghiên cứu, phê bình,. Tuy nhiên, một thực tế tồn tại là suốt nhiều năm qua, nước ta chưa có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực phê bình văn học. Các cơ sở giáo dục đại học có chuyên ngành Văn học hầu như chưa chú trọng xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ làm phê bình văn học. Ngay cả việc đào tạo nguồn nhân lực giảng dạy, nghiên cứu văn học cũng còn rất nhiều giới hạn bởi chương trình lạc hậu, xơ cứng, chưa phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, nhất là khi chúng ta đang bước vào thời đại cách mạng công nghệ mới, vì thế cũng chưa mở ra cho người học nhiều cơ hội được sáng tạo, học hỏi vươn lên để chinh phục những lý thuyết mới của phê bình văn học nhân loại. Tri thức phong phú, vốn sống, vốn văn hóa, sự nghiệm sinh cá nhân… cần phải được xem là cơ sở quan trọng để “hành nghề” phê bình. Cái thiếu hụt nhất của phê bình thời kỳ này là nhiều người làm phê bình nhưng chưa quan tâm đến vai trò then chốt của các cơ sở lý thuyết khoa học về phê bình văn học trong việc đánh giá thẩm định các hiện tượng văn học. Nếu thiếu đi chiều sâu học thuật trong các bài phê bình, các luận giải của nhà phê bình sẽ rơi vào tình trạng chủ quan, chông chênh, khó thuyết phục người đọc.
Sự giới hạn về nhận thức, thiếu hụt tri thức văn hóa và hiểu biết về các lý thuyết phê bình văn học nói trên đã dẫn đến vấn đề tranh luận trong phê bình văn học còn mang tính áp đặt, thiếu văn hóa tranh luận, thiếu và yếu tính học thuật. Lối phê bình xã hội học dung tục, mang tính “qui chụp chính trị” một cách phi lý và thô thiển, tưởng chừng chỉ có ở thời kỳ trước đổi mới và đã đi vào “dĩ vãng xa xôi” nhưng đến nay vẫn còn tồn tại dai dẳng thể hiện qua hiện tượng “chụp mũ” trong các cuộc tranh luận về tác phẩm: Phẩm Tiết (Nguyễn Huy Thiệp)  Bi kịch nhỏ (Lê Minh Khuê), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư), Bóng anh hùng (Doãn Dũng); Trăng nghẹn (Hoài Tường Phong); Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân (Đàm Chu Văn)…
Biết hướng về cái mới và bảo vệ cái mới tiến bộ là một phẩm chất của nhà phê bình chân chính, nhưng giai đoạn này cũng còn nhiều nhà phê bình chọn cho mình vùng “an toàn”, nói kiểu nước đôi để tránh bị chụp mũ, bắt bẻ. Thiếu dũng khí, bản lĩnh, thiếu tinh thần dấn thân và thiếu phát hiện độc đáo mang tính đột phá của cá nhân nhà phê bình khi luận giải các hiện tượng văn học là một giới hạn cản trở lớn đến sự phát triển của nền phê bình văn học Việt Nam.
Thứ hai, tư duy quản lý văn học nghệ thuật
Tư duy quản lý văn học nghệ thuật nói chung và lĩnh vực lý luận phê bình nói riêng còn nhiều giới hạn, chậm đổi mới chưa mạnh dạn chỉ đạo và định hướng việc tiếp nhận những hệ hình lý thuyết phê bình văn học hiện đại của thế giới để ứng dụng vào việc khám phá những hiện tượng văn học dân tộc và nhân loại. Vì thế, có thể nói tư duy quản lý này chưa đáp ứng được yêu cầu của sự vận động và phát triển của lý luận phê bình văn học trong thời kỳ hội nhập và phát triển của xu hướng toàn cầu hóa. Phương thức quản lý về lý luận phê bình văn học nghệ thuật còn thiếu mềm dẻo, linh hoạt và sáng tạo, thậm chí xơ cứng, bảo thủ, không phù hợp với tinh thần đổi mới mà Đảng đã đề ra.
Thứ ba, chưa xây dựng được chuẩn mực đánh giá các hiện tượng văn học:
Đây là một trong những hạn chế ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của phê bình văn học cả phương diện lý luận và thực tiễn. Biểu hiện của vấn đề này cho thấy tình trạng cảm tính, thiếu cơ sở khoa học trong phê bình văn học còn khá phổ biến, khiến người đọc không tin vào các nhà phê bình và giới sáng tác không an tâm vì phê bình không giúp gì cho họ trong việc nhận ra chân giá trị của văn học. Nhiều bài phê bình nhạt nhẽo, vô bổ, hời hợt chiếm lĩnh trên các trang báo kể cả các trang báo chuyên ngành văn học. Sự khen chê theo kiểu PR, quảng bá, tâng bốc nhau theo kiểu cánh hẩu… nhiều khi có xu hướng chiếm lĩnh thị trường phê bình văn học trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những cách phê bình này không thể thực hiện chức năng định hướng thẩm mỹ, tạo dư luận mà còn làm nhiễu loạn chuẩn mực văn chương, khiến người đọc không phân biệt được đâu là những giá trị văn chương thật và đâu là những thứ “văn chương giả cầy”. Và những điều này đã làm cho giá trị của phê bình văn học không còn được tôn trọng trong sự tiếp nhận của người đọc. Phê bình cần nhiều hơn đến tính phát hiện mang tính cá nhân, những ý kiến hướng đến mục tiêu vì văn học chứ không phải mục đích phi văn học. Tuy nhiên, những cây bút phê bình như vậy của nền phê bình chưa nhiều.
Thứ tư, chưa có những tác phẩm phê bình văn học đỉnh cao đáp ứng yêu cầu của nền phê bình văn học thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
Do hạn chế về việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ lý luận phê bình, hạn chế về tư duy quản lý  phê bình văn học, còn ngại ngần trong việc tiếp nhận các thành tựu lý luận phê bình văn học của thế giới, nhất là các lý thuyết phương Tây, cũng như chưa xây dựng được chuẩn đánh giá về phê bình, nên dù trong những năm qua đã có rất nhiều “giải thưởng” của các cơ quan quản lý văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương như: Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn, Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương, vùng miền… trao cho các tác phẩm, các công trình lý luận phê bình văn học hàng năm nhưng vẫn chưa có tác phẩm phê bình văn học đỉnh cao đáp ứng yêu cầu của nền phê bình văn học thời kỳ đổi mới, trong xu hướng hội nhập và phát triển, cũng như nhu cầu tiếp nhận của người đọc như kiểu “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh, “Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan thời kỳ 1930-1945. Có lẽ, đây là một trong những giới hạn cần phải được thức nhận để những người làm công tác lý luận phê bình nhận biết để nỗ lực rèn luyện, phấn đấu có những công trình lý luận phê bình đáp ứng nhu cầu của thời đại và của công chúng văn học.
Một nền phê bình văn học tiên tiến và hội nhập không thể không tự nhận ra những giới hạn của mình. Vì vậy, những giới hạn về phê bình văn học mà chúng tôi nêu trên cũng chỉ là một cách nhìn nhận của người làm nghiên cứu phê bình văn học, mong góp một cách nhìn, một cách nghĩ về việc xây dựng một nền phê bình thật sự đổi mới và phát triển bền vững phù hợp với thời kỳ hội nhập, đặc biệt là khâu đào tạo đội ngũ phê bình chuyên nghiệp.
2.3. Nghiên cứu lý luận và viết phê bình văn học nghệ thuật có một đặc thù riêng, khác với sáng tác văn học, người làm lý luận – phê bình văn học bên cạnh thiên năng còn phải được học hành và đào tạo toàn diện, nghiêm túc, bài bản. Dó đó muốn tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ làm lý luận, phê bình cần phải bắt đầu từ việc chú trọng đào tạo và sử dụng con người. Có mấy điểm cần làm sau đây:
Thứ nhất, cần có chính sách để trọng dụng, tập hợp đội ngũ những nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học đã được đào tạo chuyên sâu chuyên ngành Lý luận văn học hiện đang ở rải rác trong các trường đại học, viện nghiên cứu, lấy đội ngũ này làm nòng cốt để lan tỏa tinh thần nâng cao chất lượng học thuật trong nghiên cứu,  phê bình văn học nghệ thuật. Hiện tại ở nước ta, để đào tạo được một người làm nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật không phải dễ dàng gì nhưng khi đào tạo xong lại để lãng phí vì các nhà quản lý văn học nghệ thuật chưa chú trọng việc sử dụng đúng con người.
Thứ hai, môn Lý luận văn học cần được bố trí dạy – học một cách khoa học, bài bản phù hợp với năng lực tiếp nhận của người học ở từng cấp học. (Cần tập hợp những nhà nghiên cứu, những thầy/cô có kinh nghiệm chuyên môn, được đào tạo chuyên sâu về lý luận phê bình văn học tham gia vào việc làm chương trình).
Thứ ba, ở bậc Đại học,  những khoa đào tạo cử nhân liên quan đến các ngành thuộc Văn học nghệ thuật, môn Lý luận văn học phải được coi là môn học quan trọng, cung cấp kiến thức nền để luận giải các vấn đề về đời sống văn hóa nghệ thuật;  Cần  đổi mới triệt để về khung chương trình, phương pháp giảng dạy, thời lượng giảng dạy để làm sao người học được tiếp cận với những kiến thức nền tảng, cơ bản nhất. Ở các Khoa đào tạo về cử nhân văn học cần mở ngành đào tạo: Lý luận – phê bình văn học nghệ thuật. Tuyển chọn người học và có chính sách ưu tiên, khuyến khích với những người có thiên năng. Bên cạnh đó tăng cường thêm các lớp bồi dưỡng ngắn hạn (do những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, giảng dạy có chất lượng) cho đội ngũ hiện đang làm nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật.
Thứ tư, các tổ chức có thẩm quyền quản lý văn hóa văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng LLPBVHNT TW, các Hội VHNT ở các tỉnh, thành phố) cần đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động chuyên môn để thực sự nâng cao chất lượng, thúc đẩy sự phát triển lý luận phê bình văn học. (Ví dụ: Việc tổ chức các hoạt động như hội thảo, hội nghị, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức… chưa được tiến hành một cách chuyên nghiệp, bài bản để có hiệu quả thực sự và có tác động sâu, rộng đến đời sống văn học; Theo sự quan sát của tôi, những hội thảo, hội nghị khoa học do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức thường không có nhiều các nhà nghiên cứu phê bình văn học tham gia, ai biết thì đến, báo cáo ít chất lượng, thậm chí có nhiều báo cáo chưa đạt đến tầm là một báo cáo khoa học, nhiều hội thảo làm xong không có kỷ yếu khoa học được thẩm định và xuất bản).
Thứ năm, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng LLPBVHNT TW cần có một danh sách chính xác các nhà nghiên cứu Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật (có tri thức và văn hóa chứ không phải làm phê bình theo cảm tính, bình tán) thuộc các lĩnh vực, coi họ như một đội ngũ cố vấn,  huy động sự giúp đỡ, tư vấn để tổ chức các hoạt động chuyên môn.
3. Kết:
Hơn ba mươi năm đổi mới và phát triển, mặc dù vẫn còn một số giới hạn nhất định, song với những thành tựu đáng trân trọng, phê bình văn học Việt Nam ở giai đoạn này đã bước đầu chạm đến những phẩm tính cần có của một nền phê bình có tinh thần dân chủ, nhân văn và phần nào đã tự vượt lên những ấu trĩ không đáng có của phê bình văn học thời kỳ trước đổi mới. Tuy nhiên, để vươn đến một nền  phê bình văn học thật sự hòa nhập với những nền phê bình tiên tiến của nhân loại, thiết nghĩ, ngoài việc nâng cao chất lượng phê bình bằng cách mạnh dạn tiếp nhận các lý thuyết phê bình phương Đông và phương Tây, nhất là các lý thuyết phê bình hiện đại, cùng với ý thức xây dựng một nền phê bình cởi mở, dân chủ, chấp nhận những tranh luận, những quan điểm đa chiều trên tinh thần phản biện thì cần phải có chiến lược đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực để có đội ngũ phê bình chuyên nghiệp – một trong những nhân tố hàng đầu có tính quyết định đến tương lai của phê bình văn học dân tộc, và nếu làm được như vậy chắc chắn chúng ta sẽ có một nền phê bình đáp ứng được kỳ vọng của công chúng tiếp nhận trong thời đại lịch sử mới của đất nước – thời kỳ hội nhập và phát triển của xu hướng toàn cầu hóa. Song hành với quá trình đổi mới của đất nước, nền phê bình văn học Việt Nam đứng trước những vận hội mới, những thuận lợi chưa từng có nhưng cũng có nhiều thử thách, khó khăn cần phải vượt qua trong quá trình vươn lên tầm cao mới…
Tài liệu tham khảo:
1. Cao Hồng (2011), Một chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986-2011), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
2. Cao Thị Hồng (2013), Lý luận – phê bình văn học đổi mới và sáng tạo, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
3. Cao Thị Hồng (2019),  Phê bình văn học Việt Nam giai đoạn 1986-2016 (Đề tài cấp Bộ mã số: B2017-TNA-51)
4. Nhiều tác giả (2005), Lý luận và phê bình văn học đổi mới và phát triển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
17/3/2020
Cao Thị Hồng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...