Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Saint-Exupéry - Vòm trời xanh vô tận

Saint-Exupéry
Vòm trời xanh vô tận

Nhân kỷ niệm 120 năm sinh của Saint-Exupéry (1900-2020), VHSG xin trân trọng giới thiệu lại bài viết của nhà phê bình Huỳnh Như Phương vào dịp kỷ niệm 100 năm sinh của thiên tài văn học Pháp mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị…
Văn hào Pháp Saint-Exupéry
Vùng trời nào đó anh đã bay qua
Chỉ còn lại đây những sáng bao la
Người tình rồi quên
Bạn bè rồi xa
Ôi tháng năm
Những dấu chân người cũng bụi mờ.
(Trịnh Công Sơn)
Vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Saint-Exupéry (1900-1944), trên khắp nước Pháp, tên tuổi và sự nghiệp nhà văn lại được nhắc nhở. Người dân Pháp cảm thấy quý hơn tờ giấy bạc 50 quan màu xanh in hình chiếc máy bay Breguet 14 bên cạnh khuôn mặt ngây thơ của chú bé thiên thần và chân dung nghiêm nghị của người khai sinh ra chú. Những con tem và bưu thiếp được tạo hình từ những bức tranh bằng màu nước trong tác phẩm Hoàng tử bé lại được bày bán và thu hút đông đảo người mua.
Lễ hội kỷ niệm chính thức được tổ chức tại Lyon, quê hương Saint- Exupéry, từ ngày 17-6-2000 và kết thúc vào ngày 2-7-2000 với cuộc mít-tinh lớn của ngành hàng không ở Bourg-en-Bresse. Nhân dịp này, phi trường Lyon được đổi tên thành phi trường Lyon – Saint-Exupéry.
Khai phá những đường bay mới
Antoine Marie Roger de Saint-Exupéry sinh ở Lyon ngày 29-6-1900 trong một gia đình quý tộc lâu đời. Mồ côi cha từ năm bốn tuổi, sống với người cô ở Saint-Maurice de Rémens, Antoine là một học sinh chăm chỉ, tỏ ra có năng khiếu văn chương, hội họa và cơ khí. Năm 21 tuổi, Antoine lên đường làm nghĩa vụ quân sự, phục vụ trong ngành không quân ở Strasbourg.
Đường đời và nghề nghiệp của ông được vạch ra từ đó. Lúc đầu ông được bổ nhiệm về Rabat, rồi chuyển qua đơn vị máy bay khu trục số 33 ở Le Bourget. Dù bị một tai nạn khá nặng, ông vẫn tiếp tục rèn luyện để hoàn thiện tay nghề phi công của mình. Mãn hạn nghĩa vụ quân sự, năm 1923 ông trở về Paris. Tháng 9-1926, ông gia nhập Công ty Latécoère, chuyên vận chuyển thư tín bằng đường hàng không từ Toulouse tới Dakar.
Năm 1929, Hãng Latécoère muốn khuếch trương hoạt động nên đã cử Saint- Exupéry đi Nam Mỹ để nghiên cứu mở thêm các đường bay mới. Nhưng rồi cuối cùng Latécoère gặp khó khăn đến mức phải tuyên bố phá sản. Sau những tháng ngày vất vả, Saint- Exupéry xin được việc làm tại hãng Air France. Tháng 12-1935, ông thử tìm cách phá kỷ lục đường bay Paris – Saigon mà Japy đã lập trước đó, nhưng giữa đường phải đáp khẩn cấp xuống sa mạc cách Cairo 200 km. Đây là tai nạn máy bay thứ tư mà ông gặp phải. Trong Cõi người ta, ông đã kể lại chuyến du hành này: ông và người thợ máy André Prévot bị lạc phải đi bộ năm ngày trên cát nóng, suýt chết vì đói khát và kiệt sức. Trong tình cảnh đó, ông viết, họ nhìn thấy một “sinh vật” hiện ra với tư cách Con-Người viết hoa, đó là một người Ả Rập du cư đã đến cứu họ.
Khi cuộc nội chiến Tây Ban Nha bùng nổ, Saint- Exupéry tình nguyện đến Madrid và Carabacel làm phóng sự cho hai tờ báo L’Intransigeant và France-Soir. Trở lại nghề phi công năm 1938, ông thai nghén một dự án nối liền đường bay New York – Terre de Feu (Vùng đất lửa), một quần đảo ở Nam Mỹ, gần Chile và Argentina. Thêm một tai nạn máy bay khiến ông bị thương nặng phải dưỡng bệnh nhiều tháng ở New York. Ít lâu sau ông lại bị động viên trở thành phi công quân sự. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, ông phục vụ trong hàng ngũ những người yêu nước đang tìm cách giải phóng nước Pháp khỏi ách chiếm đóng của phát xít Đức.
Trong một chuyến bay trinh sát trên vùng trời Grenoble – Annecy vào ngày 31-7-1944, cất cánh từ sân bay Borge trên đảo Corse lúc 8g30, lẽ ra Thiếu tá Saint-Exupéry phải trở về vào lúc 12g30, nhưng đến quá trưa thì đài rađa ở Corse không còn liên lạc với ông được nữa. Máy bay ông chỉ còn xăng đủ cho một giờ bay. Và ông đã bay vào khoảng không gian vĩnh cửu của mình. Chiếc máy bay Lightning P.38 mà ông điều khiển đã rơi xuống vùng biển Địa Trung Hải chỉ hai tháng trước khi Paris được giải phóng.
Bầu trời và những con người trên mặt đất
Năm 1925, Saint- Exupéry đưa cho nhà văn Jean Prévost truyện ngắn Cuộc vượt ngục của Jacques Bernis, viết về thế giới của những người lính không quân, mà ông vừa sáng tác. Truyện ngắn này ngay sau đó được công bố trên tạp chí La Navire d’Argent với lời nhận xét của Jean Prévost: “Với một người mới khởi đầu nghề văn như Saint-Exupéry, sức mạnh nghệ thuật và chân lý đời sống trong tác phẩm quả đã làm tôi kinh ngạc”.
Trong thời gian công tác ở miền Tây Sahara, Saint-Exupéry viết cuốn sách đầu tiên của đời mình: Chuyến thư miền Nam (Courrier Sud), xuất bản năm 1929. Nhà văn miêu tả đường bay trên sa mạc Sahara: máy bay phải vượt qua 2.000 km, bị thiêu đốt bởi những cơn gió nóng, có khi buộc phải bay xuống sát mặt đất bỏng lửa và có thể bị những tay súng của các bộ lạc bắn trúng. Đối với những người phi công trên tuyến bay này, sống là đối diện với cái chết, là tự mình dấn thân vào một cuộc hành trình để tìm kiếm những khoảng không gian mới xa hơn và cao hơn.
Hai năm sau, cuốn tiểu thuyết Bay đêm (Vol de nuit, 1931) được xuất bản ở Paris với lời đề tựa của André Gide. Là giám đốc cơ quan hàng không thư tín ở Argentina từ năm 1929, Saint-Exupéry đã tái hiện cuộc sống của một đội bay với người chỉ huy tên là Rivière, nhân vật trung tâm của tác phẩm. Qua ngòi bút của nhà văn, Rivière muốn chứng minh với mọi người rằng máy bay là phương tiện vận tải thư tín nhanh nhất thời đó, với điều kiện các phi công phải thực hiện những chuyến bay đêm, dù điều này lúc bấy giờ cực kỳ nguy hiểm. Rivière huấn luyện cho thuộc cấp của mình không biết sợ cái chết, chấp nhận những rủi ro của nghề nghiệp mà họ đã chọn lựa, và trung thành với sứ mệnh được giao phó. Họ phải hành động để làm rạng danh một điều gì đó còn cao hơn cả mạng sống con người. Đối với họ, thư tín là thiêng liêng, cần phải đến tay người nhận hằng ngày và đúng giờ đã định. Đó là trách nhiệm và cũng là lẽ sống của Rivière và đồng đội. Mặc dù chịu một tổn thất nghiêm trọng là cả một phi hành đoàn đã hy sinh, Rivière vẫn tiếp tục ra lệnh xuất phát để sự nghiệp những chuyến bay đêm không bị gián đoạn một ngày nào.
Tám năm sau khi cuốn Bay đêm được giải thưởng Fémina, Saint-Exupéry đạt đến đỉnh cao danh vọng với việc Viện Hàn lâm Pháp trao giải thưởng lớn về tiểu thuyết năm 1939 cho cuốn Terre des hommes. Bạn đọc Việt Nam đã quen thuộc với tác phẩm này qua các bản dịch khác nhau: Giá trị con người (Bùi Xuân Bào và Hồ Sĩ Khuê), Cõi người ta (Bùi Giáng), Quê xứ con người (Nguyễn Thành Long). Cuốn sách này được thể hiện dưới hình thức những thiên ký sự đan kết với những trầm tư mang ý nghĩa triết lý và đạo đức.
Đối với người phi công đi khai phá vùng trời trong những chuyến bay cô đơn, mỗi rặng núi, mỗi thung lũng, mỗi ngôi nhà với ánh đèn đỏ lửa đều là bạn đồng hành. Người phi công tự hào về trách nhiệm vận chuyển thư tín bởi vì trong những thời điểm nhất định, thư tín đã trở thành trung tâm các mối quan hệ của con người.
Theo Saint-Exupéry, máy bay không chỉ là một công cụ sử dụng như nông dân sử dụng cái cày, nó còn là một phương tiện tư duy và phân tích để đi sâu vào thế giới của con người. Thật tuyệt vời là nhờ máy bay mà người ta khám phá kỹ hơn về Trái đất và hiểu được rằng Trái đất là nơi cư trú đích thực của chính mình.
Trong chương cuối của cuốn sách, Saint-Exupéry đã trình bày những nguyên tắc luân lý làm nền tảng cho chủ nghĩa nhân văn của ông. Theo ông, chân lý duy nhất mà tinh thần phải thừa nhận là chân lý mà con người mang trong lòng nó. Chân lý ấy tự khẳng định và thể hiện thông qua hành động của những cá nhân biết liên kết lại vì một khát vọng, một niềm tin, nghĩa là một cái gì cao hơn chính họ : « Chúng tôi liên kết với những người anh em của mình vì một mục đích chung ở ngoài chúng tôi, và nhờ đó chúng tôi mới sống được. Kinh nghiệm dạy cho chúng tôi rằng thương yêu nhau không phải là người này ngồi nhìn người kia mà là cùng nhìn về một hướng”.
Cõi người ta là một tác phẩm mà bút pháp thuộc về một nhà thơ, một áng văn xuôi mang nhiệt hứng tư tưởng và vẻ đẹp cổ điển. “Đó là một trong những tác phẩm tuyệt diệu nhất đã xuất hiện đúng lúc để soi sáng ý nghĩa của thân phận con người trong thế giới hiện đại”, như Viện Hàn lâm Pháp đã đánh giá.
Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, ngòi bút Saint-Exupéry lại càng có điều kiện tiếp tục ngợi ca những phẩm chất tuyệt vời của người phi công là chủ nghĩa anh hùng và tinh thần đoàn kết. Trong cuốn Phi công thời chiến (Pilote de guerre, 1942), xen lẫn với những đoạn độc thoại nội tâm là những trang văn xuôi tư liệu miêu tả các tình huống gần như tuyệt vọng mà người phi công rơi vào. Theo tác giả kể, năm 1940, trong một mệnh lệnh vội vã và thiếu sáng suốt, cấp chỉ huy đã giao cho ông một nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm. Ông bay bên trên cánh đồng đầy những người dân thảm thương và hoảng loạn đang trốn chạy chiến tranh, bỏ lại đằng sau những làng mạc hoang vắng. Tất cả những chiếc đồng hồ chết máy ở các giáo đường, nhà ga và các căn nhà trống trải như là biểu tượng của một thời gian và không gian ngưng đọng. Trong tình huống khủng khiếp đó, trong tiếng ồn của động cơ, trong cái giá lạnh làm đông cứng cả máy móc lẫn cơ thể con người, người phi công thả mình theo dòng kỷ niệm để tìm lại thời thơ ấu và trốn vào đó mà quên đi giờ phút hiện tại. Chiếc máy bay dường như đứng im, nó trôi theo sự chuyển động của trái đất. Ngay lúc đó, bỗng nhiên xuất hiện những chiếc máy bay khu trục của Đức đuổi theo. Người phi công giật mình quay về với thực tại, chỉ một phút xao lãng hay chậm trễ thôi là anh không còn cơ hội sống sót.
Bốn năm sau khi Saint-Exupéry hy sinh, Thành trì (Citadelle, 1948) – tác phẩm dài hơi nhất của ông – mới được xuất bản. Cuốn di cảo này tập hợp những ghi chép được tìm thấy trong những trang giấy tờ ông để lại, qua đó người đọc có thể tiếp cận những kinh nghiệm mà nhà văn đã tích luỹ được trên đường đời. Có cảm giác tác phẩm còn dang dở này đã được viết như một thứ nhật ký riêng tư nhằm tổng kết đời mình, trong đó tác giả bộc lộ những ý tưởng liên quan đến những vấn đề đạo đức thường xuyên ám ảnh ông: mối quan hệ của con người với tha nhân, với xã hội, với chính mình và với Thượng đế.
Cùng với Albert Camus và Michel Tournier, Saint-Exupéry là một trong ba tác gia hiện đại được đọc nhiều nhất trong nhà trường phổ thông Pháp hiện nay. Các nhà nghiên cứu văn học Pháp đều nhất trí thừa nhận Saint-Exupéry là một trong những gương mặt đẹp nhất mà nước Pháp có được từ đầu thế kỷ XX đến nay. Và nói theo A. Maurois, ông “đã truyền tất cả tình yêu và lòng kính trọng của mình đến cho con người”.
Nhà văn Saint-Exupéry và vợ 
Consuelo, tác giả “Hồi ký hoa hồng”
Tình yêu như một ân sủng
Trong năm kỷ niệm này, bên cạnh những tác phẩm và Sổ tay (Carnets) của Saint-Exupéry được tái bản với số lượng lớn, nhiều cuốn sách liên quan đến cuộc đời ông cũng được cho ra mắt. Đáng chú ý nhất là việc Nhà xuất bản Plon vừa ấn hành cuốn Hồi ký hoa hồng (Mémoires de la rose) của Consuelo de Saint-Exupéry, vợ của nhà văn.
Trong tiểu sử của Saint- Exupéry, người ta chỉ biết rằng năm 1931 ông kết hôn với một người đàn bà goá chồng tên Consuelo Suncin và người này đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời ông, góp phần xây dựng nên sự nghiệp văn chương của ông. Từ khi nhà văn mất tích, Consuelo giữ kín tất cả bí mật về mối quan hệ tình cảm của hai người cho đến khi bà từ trần vào năm 1979.
Mới đây, nhà văn Alain Vircondelet, người từng viết một cuốn tiểu sử của Saint-Exupéry, quyết định thực hiện một album ảnh và tài liệu về nhà văn. Ông đã kiên trì thuyết phục những người thừa kế của Consuelo để được phép mở ra những cái rương sắt mà bà mang đi khỏi New York sau khi chồng mất. Dưới một đáy rương, bên cạnh những tấm thẻ bay, chiếc áo gilet bảo hiểm của Saint - Exupéry và hàng trăm tấm ảnh là một cuốn tập 400 trang đánh máy trên giấy pelure. Đó là cuốn Hồi ký hoa hồng do chính Consuelo viết bằng tiếng Pháp[i].
Consuelo sinh ở San Salvador, nơi vùng đất nằm dưới chân một ngọn núi lửa, thời trẻ là một người có tính khí ngông cuồng và sôi sục đam mê. Trước khi gặp Saint-Exupéry, bà đã có hai đời chồng. Bà làm quen với ông trong dịp sang Argentina dự hội thảo tưởng niệm người chồng mới mất – một nhà văn, nhà báo và nhà ngoại giao người Guatemala, người đã để lại cho bà một tài sản lớn. Ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên ở phi trường, Saint-Exupéry đã mời bà lên buồng lái máy bay của mình để ngắm những đám mây và mặt trời đang lặn. Khi máy bay cất cánh, ông nắm lấy bàn tay Consuelo và bảo: “Em ôm hôn tôi đi nhé!”. Ông còn nói thêm: “Nếu em không hôn tôi thì tôi sẽ đâm máy bay xuống biển và chúng ta sẽ tan xác”. Consuelo run lên vì giận dữ: “Chồng tôi vừa mất, cái lối tỏ tình đó không ăn thua gì với tôi đâu!”. Lúc đó bỗng nhiên Antoine bật khóc: “Chẳng qua vì em thấy tôi xấu xí quá chứ gì!”, đoạn ông đưa tay tắt máy. Consuelo hoảng hốt, đã để mặc cho ông hôn (!). Tất cả hành khách ở phía sau không hề biết rằng chiếc máy bay đã chấn động vì một tình yêu sét đánh (!!!).
Mấy ngày sau Consuelo nhận được một lá thư dài 40 trang của chàng phi công si tình. Lòng bà rung động. Bà biết rằng từ đây cuộc đời mình đã thuộc về ông. Đôi tình nhân sống trong một căn nhà nhỏ ở ngoại thành Buenos-Aires. Consuelo nhốt Saint-Exupéry trong một căn phòng để ông viết cho xong cuốn Bay đêm. Chính bà đã đặt tên cho cuốn sách này. Bà ra một quy định: ông chỉ được phép vào phòng ngủ nếu mỗi ngày viết được ít nhất từ 5-6 trang bản thảo. Ông chấp nhận trò chơi này. Ông yêu bà như điên cuồng. Nhưng đó là một cuộc tình đầy sóng gió.
Ngày 23-4-1931, Antoine và Consuelo tổ chức đám cưới. Cô dâu mặc đồ đen. Sau ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ lại chơi trò cút bắt trong tình yêu. Họ giận hờn nhau, lừa dối nhau, ly thân để rồi lại làm lành và say đắm nhau hơn. Một lần vào năm 1938, quá buồn chán vì Antoine vắng nhà luôn, Consuelo quyết định xuống tàu ở Le Havre để về Guatemala. Giữa biển khơi, bà nhận được điện tín: “Máy bay bị nạn ở Guatemala. Saint-Exupéry đang hấp hối”. Bà tức tốc đến bệnh viện và không thể nhận ra chồng nữa: ông bị 32 vết thương làm gãy xương và khuôn mặt bị biến dạng. Bà chăm sóc ông ngày đêm, bón cho ông ăn như một đứa bé. Khi vừa bình phục, ông lại từ giã bà để sang dưỡng bệnh ở New York. Từ nơi đó ông viết thư cầu xin bà trở về Paris sum họp. Nhưng lúc này Consuelo đã quá mệt mỏi, bà không còn chịu đựng nổi những ngày dài lo âu và thắc thỏm vì chờ đợi Antoine. Bà chuyển đến sống trong một khu nhà của các nghệ sĩ ở Oppède để dồn tâm sức cho hội họa và điêu khắc, những bộ môn nghệ thuật mà bà yêu thích. Về sau này, những kỷ niệm trong tình yêu của Saint-Exupéry đã gợi cảm hứng cho bà sáng tác những bức tranh và bức tượng đẹp về ông.
Năm 1943, Antoine khẩn khoản yêu cầu Consuelo đến New York gặp ông để làm thủ tục ly dị. Rồi chính Antoine lại cầu xin bà tha thứ. Lần tái hợp này, hai người sống thật hạnh phúc trong một ngôi nhà ở vùng nông thôn North Port gần New York. Ở đó họ cho ra đời đứa con duy nhất của mình: Hoàng tử bé. Chú bé sau này sẽ đặt chân trên khắp trái đất, kể cả những nơi mà người cha lãng du của chú chưa đến được. Chú cũng đã đến Việt Nam theo nhịp cầu của những Bùi Giáng, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Thành Long. Saint-Exupéry đã sáng tạo hình tượng chú bé hoàng tử với một nghệ thuật tuyệt diệu. Ông đưa cho Consuelo xem những trang bản thảo kèm theo những bức tranh minh hoạ độc đáo bằng màu nước. Chính bà là nguồn cảm hứng cho ông xây dựng hình tượng đóa hoa hồng trong tác phẩm. Bạn đọc hẳn còn nhớ khi hoàng tử bé hiểu vì sao con cáo cầu xin được thuần hoá thì đồng thời chú cũng nhận ra mình đã được thuần hóa bởi đóa hồng kia. Cuốn sách của Consuelo được đặt tên Hồi ký hoa hồng là vì thế.
Họ chia tay nhau ngày 20-4-1943. Những xấp thư từ vừa mới phát hiện sau bao năm bị giấu kín trong các rương sắt của Consuelo xác nhận rằng hai người vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Một vài ngày trước khi mất tích, Antoine còn viết cho vợ: “Consuelo, anh không thể sống mà thiếu những lá thư của em. Anh cần những lá thư đó như cần bánh mì mỗi ngày”. Lá thư này Consuelo chỉ nhận được hai tuần sau khi Antoine hy sinh.
Cũng như mọi lần xuất phát, trong chuyến bay định mệnh ông đã đeo trước ngực mình – như một lá bùa hộ mệnh – tấm ảnh chụp Consuelo đang say ngủ. Mặt sau tấm ảnh có dòng chữ của Consuelo: “Đừng bỏ em và hãy giữ mình. Sớm về với em”. Ở cổ tay ông đeo chiếc vòng bạc mà giám đốc một nhà xuất bản ở Mỹ đã tặng ông nhân dịp phát hành cuốn Hoàng tử bé, trên có khắc tên Consuelo. 54 năm sau ngày ông mất tích, vào ngày 7-9-1998, một ngư dân ở vùng biển Marseille đã vớt được chiếc vòng bạc ấy trong một mẻ lưới của mình [ii].
Chú thích:
[i] Sau khi Hồi ký hoa hồng được phát hành trong tháng 6-2000, trên hai tờ báo La Liberté (Thụy Sĩ) và Le Figaro (Pháp) đã có ý kiến cho rằng người chấp bút viết hồi ký này là nhà văn Thụy Sĩ Denis de Rougemont, một người bạn của Saint-Exupéry, về sau trở thành tình nhân của Consuelo khi Saint-Exupéry đã mất tích. Tuy nhiên nhà xuất bản Plon và những người thừa kế của Consuelo vẫn khẳng định rằng chính Consuelo đã viết nên hồi ký này, còn Denis de Rougemont chỉ là người góp ý, giúp đỡ sửa chữa văn bản mà thôi. Đến nay cuốn hồi ký đã bán được hơn 80.000 bản và nhiều nhà xuất bản nước ngoài đang chuẩn bị in những bản dịch bằng các thứ tiếng khác nhau (Chú thích tháng 6-2000).
[ii] Mãi đến năm 2008, một cựu phi công người Đức tên Horst Rippert mới thú nhận chính mình đã bắn hạ Saint-Exupéry trên vùng trời Địa Trung Hải. Điều oái oăm là hồi còn trẻ, Rippert từng rất ngưỡng mộ những tác phẩm của Saint-Exupéry và chính những tác phẩm đó đã góp phần đưa ông ta đến với nghề phi công (Chú thích bổ sung tháng 3-2008). 
1/6/2000
Huỳnh Như Phương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...