Thứ Năm, 5 tháng 1, 2023

Sáng tác văn học nghệ thuật bằng tiếng Khmer góp phần tạo nên sự phong phú cho nền văn học Việt Nam

Sáng tác văn học nghệ thuật bằng tiếng
Khmer góp phần tạo nên sự phong phú
cho nền văn học Việt Nam

Dân tộc Khmer là một trong những dân tộc có chữ viết rất sớm ở khu vực Đông Nam Á. Trải qua sự biến thiên của trời đất, thăng trầm của lịch sử, đồng bào dân tộc Khmer vẫn giữ được nguyên vẹn và phát triển đến mức hoàn thiện chữ viết của dân tộc mình. Do là dân tộc có chữ viết sớm nên VHNT cũng hình thành từ rất sớm. Từ đó, chúng ta có một bộ phận VHNT sáng tác bằng tiếng Khmer chiếm một vị trí độc đáo, góp phần làm phong phú thêm cho nền VHNT dân tộc Việt Nam.
Nhà thơ Thạch Đờ Ni - Ủy viên BCH 
Hội VHNT các DTTS Việt Nam
Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII khẳng định: “xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị lại nhấn mạnh: “Văn học là bộ phận quan trọng và đặc biệt tinh tế của văn hóa”. Văn học chuyển tải văn hóa một cách đầy đủ và sinh động nhất từ trang phục, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, tư duy, ứng xử và cảm nghĩ… Sáng tác VHNT bằng tiếng Khmer là sự biểu hiện và khẳng định văn hóa của dân tộc khmer, thể hiện sự trân trọng, tự hào tự tôn của dân tộc, sự bình đẳng hòa nhập của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Khi người Khmer có tiếng nói, có chữ viết thì tác phẩm VHNT bằng tiếng Khmer là sự biểu hiện cao nhất của tính dân tộc trong văn học. Vì văn học là sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, là nơi giao cảm của bạn đọc. Đối với văn nghệ sĩ Khmer chẳng còn gì thuận lợi hơn khi được sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình để sáng tác. Khi ấy, văn nghệ sĩ Khmer sẽ phát huy được vốn ngôn ngữ dồi dào của mình, như cá được trở về với sông suối, như chim muôn được về với núi rừng. Đối với bạn đọc là người Khmer chẳng còn gì hạnh phúc hơn khi được đọc tác phẩm VHNT viết về cuộc sống của mình bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình. Những tác phẩm bằng tiếng Khmer sẽ trở thành gần gũi hơn và dễ dàng đi vào lòng bạn đọc hơn. Sáng tác VHNT bằng tiếng Khmer chính là sự kế thừa, phát huy, giữ gìn, bảo tồn các yếu tố đó. Bởi vậy, việc sáng tác VHNT bằng tiếng Khmer vốn là điều thiết yếu cần phải làm.
Nhìn lại những tác phẩm VHNT đồ sộ mà cha ông của người Khmer để lại như: Chau Sro Tuap Chek; Tum Teav; Rem Ker; Mak Phu duong Keo; Preh So Thun Keo Ma Nô Rea… đã cắm rể sâu vào đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer. Điều đáng nói ở đây là những tác phẩm văn học đó chứa đựng cả một nền văn hóa. Bởi nó là tiếng mẹ đẻ nên đã trở thành nếp nghĩ, thành phong tục tập quán, tâm lý, đạo đức và hành vi ứng xử của ông cha như là “Bách khoa toàn thư” của cuộc sống vậy. Nó đã trở thành gốc vững rễ bền để thế hệ con cháu vượt qua thử thách mọi thời đại.
Nước ta hiện nay sử dụng tiếng Việt làm quốc ngữ nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục thống nhất và có hiệu quả trên toàn lãnh thổ. Con em đồng bào dân tộc Khmer được đến trường học tập bằng tiếng Việt. Thế hệ đồng bào dân tộc Khmer sinh sau năm 1975 dần dần đã thoát nạn mù chữ, dần dần làm chủ tiếng Việt trong giao tiếp, họ có điều kiện học tập nghiên cứu tiếp thu kiến thức tiên tiến góp phần xây dựng quê hương đất nước. Tuy nhiên, từ việc học tiếng Việt, biết tiếng Việt, sử dụng tiếng Việt là phổ biến, nên tiếng mẹ đẻ của họ dần dần bị thu hẹp, thẩm chí bị lãng quên. Các văn nghệ sĩ Khmer cũng nằm trong hoàn cảnh vốn tiếng mẹ đẻ ngày càng vơi cạn. Số văn nghệ sĩ sáng tác được bằng tiếng Khmer ngày càng ít đi và tuổi thọ của họ ngày càng già theo thời gian. Từ đó, kéo theo bạn đọc cũng ít dần đi từng ngày. Đó là thực trạng đáng trăn trở hiện nay, khi thế hệ con em người Khmer “xóa được nạn mù chữ thì lại đối mặt với nguy cơ mất chữ”.
Trong tiến trình đi đến văn hóa, văn minh của nhân loại, đến với những kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại. Con em người Khmer nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung đã vất vả để theo kịp nhịp phát triển. Trong tiến trình họ đang vươn lên phía trước đôi khi họ không kịp nhận ra rằng họ đang bỏ lại sau lưng văn hóa của dân tộc mình và họ càng không kịp suy ngẫm để thấy rằng nếu họ đến được đích rồi thì họ là ai và nguồn gốc từ đâu. Khi ấy, không biết họ có tìm lại được những gì đã mất không. Đây là điều đáng được suy ngẫm.
Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay hoạt động VHNT của văn nghệ sĩ Khmer ở vùng Tây Nam Bộ sôi động hẳn lên nhờ những văn nghệ sĩ Khmer tâm huyết, có năng lực, có kinh nghiệm đã vận động văn nghệ sĩ Khmer tham gia vào đội ngũ hội viên của Hội VHNT địa phương để hợp thức hóa về mặt pháp lý cho văn nghệ sĩ Khmer an tâm hoạt động VHNT của dân tộc mình. Từ đó, có một số tỉnh như: Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh đã thành lập được Chi hội riêng dành cho văn nghệ sĩ dân tộc. Và một số tỉnh trong khu vực có Chi hội VHNT các DTTS Việt Nam như: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng. Từ đó, cho ta thấy rằng nhà lãnh đạo, quản lý, biên tập, sáng tác đã chú trọng quan tâm đối với việc sáng VHNT bằng tiếng dân tộc, đặc biệt là tiếng Khmer và tạo điều kiện cho hoạt động sáng tác ngày càng thuận lợi hơn như tỉnh Trà Vinh đã có tạp chí chữ Khmer để đăng tải các tác phẩm tiếng Khmer.
Trong tổ chức định hướng sáng tạo, các hoạt sáng tác đặc thù này đã được chú trọng như một nhiệm vụ cấp thiết nên việc sáng tác VHNT bằng tiếng Khmer một loại hình sáng tác đặc thù và có ý nghĩa riêng đang dần dần được chú trọng và ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Từ đó, nhiều văn nghệ sĩ Khmer đã an tâm tham gia hoạt động VHNT sôi động tạo cho văn nghệ sĩ Khmer nói riêng văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số nói chung có một địa chỉ giao lưu đáng tin cậy, bạn đọc có thêm một sự chia sẻ tinh thần. Từ đó, VHNT Khmer vùng Tây Nam Bộ có thêm một nét vẽ đặc thù tạo thành một khuôn mặt mới. Đặc biệt là văn nghệ sĩ có vốn văn hóa, tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer có một địa chỉ để thỏa sức thể hiện bản lĩnh, tài năng của mình, nhằm góp phần tạo nên phong phú thêm nền văn học Việt Nam.
9/12/2022
Thạch Đờ Ni
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...