Sự trường cửu của giá trị - Căn tính
dân tộc trên hành trình
hiện đại:
Trường hợp Esenin và Nguyễn Bính
Sergei Esenin không chỉ là một con người, mà là chiếc đàn organ do thiên nhiên tạo nên đặc biệt dành cho
thơ – M. Gorki
Trước sau và mãi mãi, Nguyễn Bính
vốn là nhà thơ của tình quê, chân quê, hồn quê -
Tô HoàiNhà thơ Nga Sergei Esenin (1895 -
1925)1. Trở về văn hóa dân tộc từ điểm nhìn trữ tình hiện đại: Ứng
xử nghệ thuật của Esenin và Nguyễn Bính trong buổi giao thời
Kể từ khi thơ Sergei Esenin được dịch năm 1962 đến nay, hành
trình tiếp nhận thơ Esenin tại Việt Nam đã trải qua sáu thập kỷ với bốn hình thức
chính: 1/ dịch thuât; 2/ nghiên cứu của các nhà nghiên cứu văn học; 3/ giảng dạy
trong nhà trường; 4/ là đề tài sáng tác của các nhà thơ (như trường hợp Thanh
Thảo, Nguyễn Trọng Tạo…) 1. Trong tham luận tại Hội thảo Quốc tế nhân dịp 120
năm ngày sinh Esenin tại Moskva, Ryazan và Konstantinova từ 23 đến 26 tháng 9
năm 2015, nhà nghiên cứu Đào Tuấn Ảnh cho biết: đến thời điểm ấy, đã có hơn hai
trăm bài thơ của Esenin được dịch sang tiếng Việt, Esenin có mặt trong 22 tuyển
dịch thơ nước ngoài, có 8 tập thơ mang tên Esenin được in riêng.
Như một liên tưởng tự nhiên, nhắc đến Esenin, độc giả Việt nhớ
đến Nguyễn Bính và ngược lại. Sự liên tưởng ấy gắn với ba tương đồng cơ bản: một,
cả hai thi sĩ đều có nguồn gốc nông dân và chủ yếu tự học; hai, đều
là những nhà thơ sống và viết trong giai đoạn giao thời văn học; ba, viết
hay về nông thôn và vẻ đẹp linh hồn làng mạc. Trong khi nhiều cây bút chịu ảnh
hưởng sâu đậm của các trào lưu nghệ thuật tiền phong hiện đại, Esenin và Nguyễn
Bính lại hướng về vẻ đẹp làng quê. Trước, như một “theo dòng” và sau, như một
“ngược dòng”. Nhưng ngược dòng trở về khác với lẫn, lặp ca dao hoặc bị
cớm/ lẫn trong thơ ca truyền thống. Về bản chất đây là một truy tìm văn
hóa, một cân bằng sinh thái, một hướng cách tân từ nhãn quan nghệ thuật hiện đại.
Bởi thế, trong thơ Esenin và Nguyễn Bính, yếu tố truyền thống và hiện đại luôn
đan cài, cùng có mặt trong một chỉnh thể độc đáo.
Đương thời, đã có người chê Esenin là cũ và coi Nguyễn Bính
là kẻ ít học, quê mùa. Nhưng trong khi nhiều thời thượng nghệ thuật nhanh chóng
bị lãng quên thì Nguyễn Bính và Esenin vẫn tồn tại, đầy quyến rũ. Nguyễn Bính
là gương mặt sáng giá của Thơ mới 1932- 1945. Sau nhiều năm bị lãng quên, đến Đổi
mới (1986), thơ Nguyễn Bính tái xuất và được người đọc yêu thích. Tuyển tập
Nguyễn Bính (Nxb Văn học, H.1986) được in với số lượng lớn và tiêu thụ
nhanh chóng vượt ngoài tưởng tượng của nhà xuất bản. Về mức độ phổ cập, nhiều
người coi Nguyễn Bính chỉ đứng sau Nguyễn Du. Thế Phong từng ghi nhận: Có thể
nói sau Nguyễn Du, Nguyễn Bính là người được mọi người học thuộc thơ nhiều nhất 2.
Thơ họ có khả năng lay thức con người ngay trong kỷ nguyên hiện đại và hậu hiện
đại. Con đường trở về kia, ngẫm ra là một ứng xử nghệ thuật đầy bản
lĩnh, ở đó, có cả sự mách bảo của vô thức sáng tạo. Trong ứng xử này, ít nhất
có hai vấn đề cần lưu ý: thứ nhất, như một phương thức khước từ thực tại để
hướng về những vẻ “đẹp xưa” – hình ảnh bình an của “vườn địa đàng” đang bị tước
đoạt bởi quá trình đô thị hóa; thứ hai, gắn với quê hương xứ sở chính là sự
kết nối giữa cái tôi cá nhân cô đơn trong thực tại với chiều sâu tâm thức cộng
đồng. Tất cả đều thể hiện những trăn trở về thân phận con người và sự biến đổi
các giá trị văn hóa trong buổi giao thời. Xem ra, tầm vóc của của Esenin và
Nguyễn Bính rộng lớn hơn nhiều so với mặc định rằng họ “nhà thơ nông thôn”. Nói
khác đi, coi Esenin và Nguyễn Bính là nhà thơ nông thôn là đúng, nhưng chưa đủ.
Sống và viết trong bước chuyển giao thời, cả Esenin và Nguyễn Bính vừa chịu/ bị
quy định bởi diễn ngôn thời đại, vừa là kẻ tham gia kiến tạo diễn ngôn thời đại
ấy.
Văn học Nga, sau “thế kỷ vàng” với những tài năng kiệt xuất
như A. Pushkin, L. N. Tolstoi, F. Dostoievsky… đã được tiếp nối bởi “thế kỷ bạc”
kéo dài từ thập niên cuối của thế kỷ XIX đến hai thập niên đầu của thế kỷ XX.
Danh xưng “thế kỷ bạc” do triết gia N. Berziaev đề xuất chưa hẳn đã được các
nhà nghiên cứu thống nhất về nội hàm, nhưng về cơ bản, tên gọi này nhằm biểu đạt
một thời đại có những kết tinh văn hóa nghệ thuật không hề thua kém “thế kỷ
vàng” trước đó. Về triết gọc là Soloviev, Berdiaev, Bungacov… Về âm nhạc và nghệ
thuật là Rakhmaninov, Skriabin, Staislavski,… Về hội họa là Levitan, Larionov,
Kandinski… Về văn học là Blok, Maiacovski, Esenin, Gorky…
Điều đáng nói là toàn bộ “thế kỷ bạc” trong văn học Nga nằm
trọn trong buổi giao thời. Vì thế, nghiên cứu nghệ thuật giai đoạn này phải đặt
nó trong những chuyển động mang tính giao thời, có kế thừa, tiếp nhận và tiếp
biến văn hóa. Nhìn một cách tổng thể, đây là giai đoạn văn học Nga sải những bước
chân mạnh mẽ để tiến vào quỹ đạo nghệ thuật hiện đại thế giới. Trước đó, về mặt
lịch sử, những nỗ lực phi thường của Pie Đại đế (1672 – 1725) đã mở toang cánh
cửa để nước Nga hội nhập Tây Âu, chuyển dần sang tư bản chủ nghĩa. Chính ông đã
biến Sankt – Petersburg thành “Venezia của phương Bắc” và là kinh đô của nước
Nga (1712). Đến cuối thế kỷ XIX, tiến trình hiện đại hóa đã đưa nước Nga nhập
sâu hơn vào thế giới và trở thành đế quốc hùng mạnh. Một nước Nga nông dân với
những cánh rừng bạch dương bạt ngàn đã bắt đầu làm quen với văn minh kỹ trị. Về
mặt văn học và văn hóa, “thế kỷ vàng” với những tài năng kiệt xuất đã đưa văn học
và văn hóa Nga phát triển đến độ rực rõ. Như vậy, từ phương diện nội sinh, “thế
kỷ bạc” đã được thừa hưởng những giá trị văn hóa to lớn của “thế kỷ vàng” và
văn học truyền thống. Nhưng từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nga bị chấn động
bởi hàng loạt các sự kiện lịch sử liên quan đến vị thế đế quốc Nga trên bản đồ
chính trị hiện đại. Cuộc chiến Nga – Nhật xảy ra năm 1905 và sự thất bại của
người Nga đã khiến chế độ Sa hoàng Nicolai II thêm một lần nữa phải đối mặt với
khủng hoảng và sự phản ứng của dân chúng. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất với
hàng chục triệu người chết cũng để lại những chấn thương to lớn không chỉ đối với
các quốc gia châu Âu mà còn đối với nước Nga mặc dù trước khi thế chiến kết
thúc, Nga xin rút khỏi liên minh. Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi
cũng là sự kiện chính trị to lớn làm đảo lộn đời sống chính trị của nước Nga.
Năm năm sau, vào 1922, Liên bang Xô viết được thành lập trong sự chào đón và hy
vọng của nhiều người, trong đó có S. Esenin.
Những biến động trên đây trong giai đoạn chuyển giao hai thế
kỷ đã tác động đến toàn bộ đời sống văn hóa xã hội Nga, trong đó, có bốn điểm nổi
bật: thứ nhất, quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa ngày càng nhanh chóng
đã làm thay đổi căn bản cấu trúc hình thái xã hội, hình thành lối sống, tâm lý
thị hiếu mới khác với văn hóa Nga cổ truyền; thứ hai, ở cấp độ hình thái
tư tưởng, đây là thời kỳ nẩy sinh sự tương tranh giữa nhiều trường phái tư tưởng
và các loại hình diễn ngôn nghệ thuật trong thời đại hội nhập quốc tế mà trước
hết là phương Tây; thứ ba, trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, với tư cách
là một “chỉnh thể phức tạp”, văn học “thế kỷ bạc” vừa tiếp nối truyền thống ưu
tú của thế kỷ vàng, vừa trực tiếp cọ xát/ tiếp nhận/ ảnh hưởng những trào lưu
triết mỹ hiện đại của Âu Mỹ; thứ tư, xuất hiện dự cảm về một “bước ngoặt
vĩ đại” cũng như ý thức về vị thế, vai trò của văn hóa Nga trên bản đồ văn hóa
thế giới Tính chất bước ngoặt và linh cảm về sự thay đổi này đã được V. A.
Keldysh nói đến qua việc dẫn giải ý kiến của L. Tolstoi, A. A. Blok, A.
M. Gorky 3. Đây cũng là bốn nhân tố quan trọng kết thành khung tri thức quy định
diễn ngôn văn hóa và văn học “thế kỷ bạc” mà bất cứ cây bút nổi tiếng nào cũng
chịu ảnh xạ ở những mức độ khác nhau.
Bước chân ra đi từ một gia đình mộ đạo ở làng Konstaninovo
thuộc tỉnh Ryazan, đến Moskva vào năm 1912 với bản thảo tập thơ Những suy
tưởng đớn đau, Esnin chính thức bước vào môi trường đô thị. Đây là những bước dịch
chuyển mang tính phiêu lưu, nhưng là sự phiêu lưu cần thiết để Esenin trở thành
một trong những thi sĩ tài năng nhất của “thế kỷ bạc”. Bởi cũng như Nguyễn Bính,
những khúc hát hay nhất của Esenin chỉ có thể xuất hiện khi ông đã rời khỏi
“quê” để bước ra “tỉnh”. Từ tỉnh/ đô thị ngoái nhìn về quê/ nông thôn, những tiếng
hót đầy day dứt của con đỗ quyên mới thực sự sâu sắc và ám ảnh. Dĩ nhiên, đó là
những ám ảnh kết hợp cả hữu thức và vô thức. Ở chiều sâu vô thức nghệ thuật, có
thể nhận thấy hơi hướm của những khúc hát dân ca vẫn còn dư đọng, âm hưởng của
thánh thi và truyền thuyết tôn giáo cũng như những trò nghịch ngợm thơ dại vẫn
còn bám riết lấy kẻ du đãng dịu dàng là Esenin, cũng như khung trời cổ tích gắn
với làng Thiện Vịnh đồng quê chiêm trũng đầy ắp hoa cam, hoa bưởi và tiếng trống
hội làng vẫn ẩn náu trong tiềm thức Nguyễn Bính sau khi ông lìa bỏ quê hương để
“gian díu với kinh thành”. Đó cũng là nguồn cơn tạo nên những phức cảm nghệ thuật
đầy mâu thuẫn của hai thiên tài “lỡ vận” là Nguyễn Bính và Esenin.
Để thích ứng với môi trường văn hóa đô thị, Esenin buộc phải
tìm cách bổ khuyết cho vốn văn hóa có phần “tự nhiên” của một chàng trai trẻ có
gốc gác nông dân. Esnin tham gia nhóm thơ nhạc của Surikov, theo học Đại học
Nhân dân mang tên A.L. Shanyavsky và say mê những tác phẩm kinh điển của văn học
Nga. Ông thấy mình gần gũi với nghệ thuật của Gogol, Necrasov, Koltsov… Tuy
nhiên, bước ngoặt trong cuộc đời cầm bút của Esnin thực sự diễn ra từ khi ông
chuyển đến Petersburg năm 1915. Tại đây ông được sống trong mạch chảy đầy sôi động
của văn hóa đương đại, được gặp gỡ và làm quen với các nhà thơ nổi tiếng như A.
Blok, S. Gorodetsky… Chính Blok đã truyền cho ông những năng lượng sáng tạo mới,
và môi trường văn hóa đương đại trở thành phép thử với Esenin, vừa “hút”, vừa
“đẩy”. Ở phía lực hút, nó cho phép Esenin tiếp cận những tư tưởng nghệ thuật hiện
đại; ở phía lực đẩy, nó khiến Esenin phải tự lắng nghe bản thân mình để lựa chọn
con đường sáng tạo thích hợp nhất. Con đường ấy chính là trở về với giá trị văn
hóa truyền thống. Dĩ nhiên, sự trở về ấy không còn nguyên bản mà đã mang theo
những phẩm tính hiện đại.
Chính tại kinh thành Petersburg vào năm 1916, ông ra mắt tập
thơ Radunitsa (Lễ cầu hồn) và được đánh giá cao. Esenin trở thành thi
sĩ nổi tiếng toàn Nga. Sự kiện này được Esenin nói đến trong thơ: Sáng mai
mẹ đánh thức con dậy sớm/ Mẹ châm đèn sáng phòng khách nhà ta/ Người ta bảo,
con một ngày sắp đến/ Thành nhà thơ nổi tiếng của nước Nga4. Đúng ra,
trong những ngày đầu, ánh sáng của văn hóa đô thị đã làm Esenin choáng ngợp.
Ông say mê Blok và nhanh chóng trở thành một trong những người sáng lập trường
phái thơ hình tượng (1919). Đây là trường phái đề cao trực cảm nghệ thuật, tôn
sùng hình tượng, chủ trương biểu đạt sự hỗn độn của thế giới qua những câu thơ
tự do. Nhưng có lẽ vì những ràng buộc đầy rắc rối của trường phái này mà về sau
Esenin đã ly khai khỏi nó như một tất yếu. Sau này, Esenin “phủ nhận mọi trường
phái” vì “nhà thơ không thể khư khư một trường phái nào đó”, và “chỉ có nghệ sĩ
tự do mới có thể mang lại những ngôn từ tự do” (Tự thuật, 20/6/1924).
Nguyên do nằm ở chỗ, năng lượng sáng tạo cơ bản trong thơ
Esenin gắn liền với cội rễ văn hóa truyền thống và những ám ảnh ấu thời. Tất
nhiên, nếu chỉ dừng lại ở truyền thống, sẽ không thể có một Esenin tầm vóc như
chúng ta vẫn thấy. Điều mấu chốt là năng lượng ấy phải được gắn kết sâu xa với
mạch nguồn văn hóa thời đại và được xử lý một cách cực kỳ tinh tế trong cái
nhìn nghệ thuật đầy cá tính của Esenin. Tại đó, sinh thể thơ Esenin có sự bện kết
của ba nguồn mạch chính: 1/ nỗi nhớ đồng quê, 2/ cảm thức tôn giáo và 3/ niềm khắc
khoải của đứa con hư muốn trở về trong sự bao dung của mẹ, thì thầm với mẹ về sự
trinh bạch của tâm hồn sau bao vấp ngã đường đời. Hướng về căn rễ văn hóa Nga,
yêu thiên nhiên và Tổ quốc Nga bằng tình yêu sâu sắc qua những vần thơ giản dị,
đầy họa và đầy nhạc là lựa chọn nghệ thuật chính xác của Esenin trong một thời
đại xuất hiện nhiều trường phái nghệ thuật tân kỳ. Tính hiện đại trong thơ
Esenin bắt nguồn từ sự kết hợp nhuần nhuyễn ấy. Yêu thích phiêu lưu nhưng thủy
chung với “nỗi buồn đồng ruộng”, Esenin nhận thấy rất rõ sự vướng víu của các
loại trường phái nghệ thuật đầy rẫy lúc bấy giờ: “Nghệ thuật đối với tôi không
phải là sự cầu kỳ của những đường thêu ren, mà là thứ ngôn ngữ cần thiết nhất
giúp tôi thể hiện mình” (Tự thuật). Với Esenin, ngôn ngữ phù hợp nhất chính là
thứ ngôn ngữ bảo đảm tính tự do trong sáng tạo nghệ thuật. Đó là lý do ông hướng
đến Pushkin, trân quý Block vì cũng giống như hai thiên tài nghệ thuật này, mạch
chảy cao nhất trong trữ tình của Esenin là tình yêu Tổ quốc, là sự say mê vẻ đẹp
Nga: Ôi, nếu như thiên thần lên tiếng gọi/ Bỏ nước Nga lên sống ở
thiên đường/ Tôi sẽ đáp: Thiên đường xin để đấy/ Cho tôi xin ở cùng tổ
quốc yêu thương (Ôi, nước Nga… 1914).
Cách mạng tháng Mười thắng lợi, Esenin nhiệt thành chào đón
và thực tế ông đã có nhiều thi phẩm chào mừng thời đại mới. Nhưng những cứng nhắc
của chính quyền Xô viết trong giai đoạn đầu, sự nghiệt ngã của đất nước sau chiến
tranh… đã không hóa giải được những bi kịch tinh thần của Esenin. Dẫu vậy, những
bài thơ hay nhất của Esenin giai đoạn này vẫn là những bài thơ viết về nước Nga
với vẻ đẹp thuần khiết, đượm buồn.
Còn Nguyễn Bính? Những bài thơ “chân quê” hay nhất của ông
cũng được viết khi con chim đã “lìa đàn” để trú ngụ trong không gian văn hóa đô
thị. Cái nhìn của Nguyễn Bính thực chất là sự “ngoái về” với rất nhiều rạn vỡ
bên trong. Giống Esnin, Nguyễn Bính “trở về” như một chối bỏ thực tại, cái thực
tại mà về lý trí, họ biết là hấp dẫn hơn thôn quê, nhưng về phương diện tinh thần,
đô thị không thể có sự thanh sạch, trinh khiết để cứu rỗi linh hồn và an ủi vỗ
về những nỗi đau tha hương của họ. Sự bình yên chỉ có thể tìm thấy trong văn
hóa đồng quê. Tại đó, nhà thơ nhận ra bản lai diện mục của mình một cách rõ nhất.
Thời đại Nguyễn Bính sống và viết là thời đại giao lưu văn
hóa Đông – Tây. Giai đoạn giao thời cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Việt Nam
không có được tầm vóc như “thế kỷ bạc” ở Nga nhưng sự tương tranh cũ/ mới về
quan niệm, tư duy và thi pháp nghệ thuật diễn ra hết sức gay gắt. Sự ra đời của
Thơ mới là sự kết hợp của yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh, trong đó, “Sự gặp
gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế
kỷ” 5. Đó là thời đại chứng kiến sự bùng nổ của cái tôi cá nhân (individu), và
chính sự giải phóng triệt để cá tính sáng tạo cá nhân đã giúp cho các nhà Thơ mới
có điều kiện tự do bày tỏ “khát vọng thành thực” của họ. Đây cũng là nguyên
nhân dẫn tới sự phân hóa các khuynh hướng mặc dù ranh giới giữa chúng là không
quá rõ ràng. Theo Hoài Thanh, Thơ mới có ba khuynh hướng nổi bật: khuynh hướng ảnh
hưởng thơ Pháp; khuynh hướng trở về phương Đông và làm sống lại hồn vía thơ Đường;
khuynh hướng “có tính cách Việt Nam rõ rệt”. Nguyễn Bính thuộc khuynh hướng thứ
ba, khuynh hướng thuần Việt. Sự độc đáo của Nguyễn Bính, theo nhà phê bình, nằm
trong chất giọng “quê mùa”. Tuy nhiên, là nhà thơ của thời đại giao thời,
“đường về chân quê”6 của Nguyễn Bính giống như cô gái trong thơ ông, đã
cài thêm chiếc “cúc bấm” hiện đại sau nếp khăn nhung quần lĩnh cổ truyền. Nói
khác đi, cả Nguyễn Bính và Esenin đều hoài nhớ về vẻ đẹp văn hóa truyền thống bằng
cái nhìn của trữ tình hiện đại. Trở về nhưng không phải để giữ nguyên trật tự
xã hội cổ truyền mà để lưu lại và sống với những giá trị văn hóa bản địa như một
ký ức đẹp đẽ thấm đầy nhân tính. Đó là đường về nguyên lý Mẹ trong cả
văn hóa phương Đông lẫn phương Tây. Từ điểm nhìn phê bình sinh thái hiện đại,
đây phải được coi là ưu thế của khuynh hướng này, khi nó thể hiện sự gắn kết giữa
con người với tự nhiên, giữa hiện đại với truyền thống, giã từ ảo tưởng của con
người về sức mạnh vật chất và sự hài hòa về sinh thái tinh thần bên trong.Nhà thơ Nguyễn Bính (1918 - 1966)Trong giao lưu văn hóa Đông - Tây đầu thế kỷ XX, văn học Việt
Nam thực hiện một chuyển dịch quan trọng: vượt khỏi phạm vi khu vực để tiến vào
thế giới 7. Tiến trình này chỉ có thể thực hiện thông qua hiện đại hóa văn học
và Nguyễn Bính, dù hướng về chân quê thì cái nhìn nghệ thuật của ông vẫn được
xác lập trên cơ sở của cái tôi cá nhân. Chỉ có điều, ông không ngả theo khuynh
hướng phương Tây khi học vấn và vốn sống không chuẩn bị cho hướng đi này. Ông
cũng không ngả về trầm tích văn hóa Á Đông qua ảnh xạ Trung Hoa và thơ Đường bởi
vốn Hán học của Nguyễn Bính chủ yếu là tự học. Căn rễ văn hóa của ông gần gũi
hơn với văn hóa dân gian, với tiếng nói của lớp người bình dân. Dễ hiểu vì sao
Nguyễn Bính yêu chuộng lục bát, và trong sâu thẳm, ông chỉ thờ phục Nguyễn Du,
đỉnh cao văn học dân tộc và thiên tài vô song về lục bát. Là nhà thơ trữ tình
hiện đại, Nguyễn Bính đã phổ những cung bậc buồn lỡ của ông vào tình và cảnh, tạo
nên một thế giới cổ tích đầy hoài niệm. Cố tích ấy không kết thúc có hậu mà thường
là nước mắt, bi kịch. Ở đây, dấu ấn thi học lãng mạn trong thơ Nguyễn Bính thể
hiện qua những ước vọng không thành, những mối tình oan trái, những bước chân
phiêu dạt lỡ làng…
Vậy là, trong giai đoạn giao thời, cả Esenin và Nguyễn Bính
đã biết lựa chọn ứng xử nghệ thuật hợp lý, có khả năng phô diễn tốt nhất tri nhận
của họ về lịch sử, con người, thời thế, thể hiện một cách đầy đủ nhất chiều sâu
cảm xúc của họ. Đó là mong ước tìm lại chốn an toàn trong một thế giới bất
toàn. Cho dù, cuối cùng, không một an toàn nào có thể bao chứa được con người
hiện đại. Nhưng so với Nguyễn Bính, Esenin sống và viết trong một môi trường phức
tạp hơn, lựa chọn của ông, vì thế cũng quyết liệt hơn. Quyết liệt ngay trong
cái chết ở độ tuổi ba mươi. Biết hóa thân vào cây cỏ quê hương, nhập mình vào lịch
sử văn văn hóa dân tộc, đó là yếu tố sâu xa nhất tạo nên sự trường cửu của thơ
Esenin và Nguyễn Bính.
2. Đồng quê - nơi hóa giải muộn phiền…
Cả Esenin và Nguyễn Bính đều mang trong mình lá “tử vi” tha
hương, phiêu bạt. Một mặt, đó là bản mệnh cá nhân trong hành trình tìm cơ hội
khẳng định tài năng và những nguồn cảm hứng mới, mặt khác, bước chân phiêu bạt
của họ cũng là hình ảnh của con người thời hiện đại lìa bỏ quê hương để bước tới
thị thành. Đô thị, với sức hấp dẫn của tiện nghi, nhịp sống hiện đại và xã hội
tiêu dùng có sức hấp dẫn đặc biệt với số đông. Nhưng đô thị cũng là nơi cô lập
con người, đẩy họ chìm sâu trong thế giới cô đơn. Sự tương phản văn hóa này đã
được Ch. Badelaire nói đến từ lâu trong tập Hoa ác nổi tiếng của ông.
Nguyễn Bính và Esenin đến với đô thị bằng vốn liếng văn hóa truyền thống và căn
cước nông dân, tất sẽ nảy sinh sự va chạm văn hóa. Trong sự đụng độ văn hóa
này, sau những hướng tâm ban đầu là quá trình ly tâm. Người sống
giữa lòng phố thị mà tâm tưởng nhớ về cố hương. Mâu thuẫn này khiến nỗi cô đơn
ngày càng đậm đặc. Bước chân phiêu bạt càng xa thì tâm hồn càng hoang lạnh, mặc
cảm lìa đàn và cảm giác tha hương ngày càng đắng chát. Thiếu tương thích về căn
cốt văn hóa đã khiến họ tìm về đồng quê như một hóa giải muộn phiền. Điều đó lý
giải vì sao vẻ đẹp đồng quê trong thơ Nguyễn Bính và Esenin đều hiu hắt nỗi buồn.
Thực ra so với Nguyễn Bính, bước chân lưu lạc của Esenin xa rộng
hơn nhiều. Ông tới Ba Tư, theo Duncan sang Mỹ… Nhưng càng đi xa càng khắc khoải
ngày về. Có tương quan để so sánh, Esenin càng thấy rõ hơn sự gắn bó giữa mình
và quê hương. Trong Gửi Pushkin (1924), một lần nữa ông khẳng định
mình là ca sĩ của thảo nguyên:
Nhưng, dẫu tử thần rượt theo không thể thoát
Tôi sẽ còn hát mãi giữa mênh mông
Để những bài ca về thảo nguyên bát ngát
Sẽ còn vang ngân lảnh lót tiếng đồng
Quê hương trong cảm nhận của Esenin là những gì bình dị nhất:
những con chó nhỏ, cánh đồng đã gặt, ao hồ, ánh trăng đêm… Nhưng có hai hình tượng
ám ảnh hơn cả với tâm hồn nhạy cảm của Esenin là bạch dương và người mẹ. Nếu với
người Việt, cây đa, bến nước, sân đình gắn liền với văn hóa và hình ảnh quê
hương thì với người Nga, bạch dương và thảo nguyên là hiện thân của Tổ quốc, của
thiên nhiên Nga tuyệt đẹp. Esenin không chỉ miêu tả vẻ đẹp nông thôn Nga ở
trình độ bậc thầy mà ông trò chuyện với những khóm cây, vầng trăng, khu rừng
như thể cả hai lắng nghe nhau trong những giao hòa bí mật. Bởi thế, nhà thơ
không dừng lại ở vẻ ngoài mà nhập sâu vào hồn cảnh. Hãy nghe ông trò chuyện với
bạch dương:
Hãy kể ta nghe những bí mật đời mình
Những ý nghĩ giấu trong từng thớ gỗ
Ta yêu tiếng xạc xào buồn bã
Của ngươi vào mỗi độ thu sang
(15 tháng 8 năm
1918)
Trong bài thơ gửi em gái Sura, Esenin tạo ra sự nhòe nhập giữa
người và cảnh, coi bạch dương và người em yêu quý của mình là một. Đủ biết, với
Esenin, bạch dương, cây cỏ cũng là con người, còn hồn người luôn gắn chặt với
linh hồn đất đai, tạo vật: Vì sa mù và sương mai lấp lánh/ Suốt đời anh
yêu thân trắng bạch dương/ Với mái tóc bạch dương như vàng nạm/ Với áo choàng vải
mộc thiết tha hương/ Bởi vì thế tim anh mềm lại/ Sau bài ca và sau cốc rượu
vang/ Anh tưởng em là cây bạch dương ấy/ Đứng bên nhà dưới cửa sổ thân thương
(1925).
Như vậy, nếu bạch dương và sự mênh mông của những cánh đồng
là biểu tượng gắn kết Esenin với Tổ quốc thì người mẹ và tình thân là nơi nhà
thơ tìm thấy sự bình an, che chở, cứu rỗi. Hình ảnh người mẹ trong thơ Esenin
mang vẻ đẹp của Đức Mẹ lòng lành. Trong rất nhiều bài thơ, Esenin tự coi mình
là kẻ du đãng, gây gổ, rượu chè… Có thể đây là một hình thức “mặt nạ” về thi
pháp nghệ thuật như có nhà nghiên cứu phân tích 8. Nhưng mặt khác, đặt trong dải
phổ văn hóa nhân loại, motif đứa con “hư” và người mẹ cũng là motif ta thường bắt
gặp trong thơ ca nhiều dân tộc. Mãi mãi, Esenin chỉ muốn mẹ nhìn thấy mình
trong sự trinh bạch ấu thời. Có lẽ cảm thức tôn giáo đã khiến Esenin nhìn về
tình mẫu tử như những vẻ đẹp thánh thiện và cao khiết nhất. Vậy là, nếu văn hóa
và thiên nhiên Nga cấp cho nhà thơ căn cốt tinh thần thì mẹ là người chở che và
chữa lành những vết thương lòng mà Esenin đã gặp. Đây cũng chính là những nhân
tố cơ bản giúp Esenin vượt qua những chấn thương tinh thần. Nó vô cùng bình dị
nhưng lại ẩn chứa sức mạnh tâm linh trong cái nhìn nghệ thuật Esenin.
Cũng như Esenin, ngày mới lên “tỉnh”, thơ Nguyễn Bính hãy còn
trong trẻo, những vết xước đầu đời chưa đến mức “oan nghiệt”. Bài thơ đầu tiên
của Nguyễn Bính đăng báo có tên Cô hái mơ (1936) đúng là một nỗi buồn
mơ, tình mơ của một thi sĩ lãng mạn… Trong phong trào Thơ mới Việt Nam 1932 –
1945, có hẳn một nhánh thơ đồng quê. Những cây bút xuất sắc của nhánh thơ này
như Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ… là những họa công tả cảnh. Nguyễn Bính
đi xa hơn, chạm vào hồn cảnh. Những nét vẽ của Nguyễn Bính dù thưa thoáng nhưng
cực kỳ tinh tế, đọng lại bao nỗi bâng khuâng:
Thong thả dân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng
(Xuân
về)
Giống Esenin, Nguyễn Bính có Thư gửi thầy mẹ với những
câu thơ đầy day dứt. Trong tâm trạng của “người con hư”, thi sĩ mong mỏi: Xin
thầy mẹ cứ yên tâm/ Đừng thương đừng nhớ một vài năm con về/ Thầy ơi,
đừng chặt vườn chè/ Mẹ ơi, đừng bán cây lê con trồng…
Nếu như hình tượng thiên nhiên ám ảnh trong thơ Esenin là
cánh đồng và bạch dương thì trong thơ Nguyễn Bính, vườn có ý nghĩa đặc
biệt quan trọng. Nó là hình ảnh “cố viên tâm” gợi nhắc cánh buồm phiêu dạt nhớ
về cố hương trong văn minh nông nghiệp phương Đông. Vườn là một thực thể được
bao bọc bởi làng, đơn vị quan trọng của văn hóa Việt. Vườn cũng là không gian
mang tính gia đình, gần gũi. Kể từ sau 1939 – 1940, con đường “Hành phương Nam”
đẩy Nguyễn Bính xa hơn với cuống nhau văn hóa xứ Bắc, cái tôi lỡ nhịp, lỡ dở, lỡ
vận trong thơ ông trở nên não nề và kết thành nỗi khắc khoải ngày về.
Giới nghiên cứu văn học miền Nam 1954- 1975 cũng nhận thấy điều
đó, chẳng hạn Tạ Tỵ: “Bính là một thiên tài, nhưng là một thiên tài lỡ dở, vì tổng
kết cuộc sống từ bản thân tới nghệ thuật, ở trong mỗi dữ kiện người ta như cảm
thấy Định Mệnh đã an bài cho Bính sự trừng phạt hơn sự ân thưởng”9; Đào Trường
Phúc: “Nỗi cô đơn, tình hoài hương, tâm trạng lưu đày cùng một lúc phả vào thơ
Nguyễn Bính giai đoạn sau này của ông một hơi thở chua chát thê lương và đốt
nóng lên ngọn lửa khao khát của một ngày về”10. Trong chuỗi ngày tha hương của
Nguyễn Bính, khác với thơ Esenin hình ảnh thầy mẹ xuất hiện trực tiếp không nhiều,
thay vào đó là hình ảnh chị Trúc. Chị là tình thân, cũng là kẻ vào vai cha mẹ để
Nguyễn Bính chuyện trò. Vây là ở Nguyễn Bính, ông cũng luôn cần những điểm tựa
tinh thần ruột thịt để hóa giải muộn phiền. Điểm tựa ấy tìm thấy rõ nhất qua
hình ảnh khu vườn và những tâm tình với tình thân (mẹ cha, chị Trúc). Rõ ràng,
những sợi dây kín nhiệm nhất trong tâm thức cộng đồng và vẻ đẹp tinh khôi của
văn hóa cội nguồn chính là biểu hiện tinh tế của mối tình đất nước quê hương
trong thơ Nguyễn Bính và Esenin. Nhà văn Tô Hoài nhớ lại: “Khi nào anh cũng là
người của các xứ đồng, của cái diều bay, của dây hoa lý, của mưa thưa, mưa bụi
giữa mọi công ăn việc làm vất vả sương nắng. Bởi đấy là cốt lõi cuộc đời và tâm
hồn thơ Nguyễn Bính. Quê hương là tất cả, mà cũng là nơi in đậm đấu vết đời
mình”11.
Cũng phải nói thêm rằng, cả Esenin và Nguyễn Bính đều là những
kiện tướng thơ tình. Ngoài đời, cả hai đều gặp những mối tình sâu sắc nhưng ngắn
ngủi. Trong thơ, những cuộc tình đẹp ấy gắn liền với những éo le trắc trở của
chính nhà thơ. Nếu thơ tình Esenin là những rung cảm mạnh mẽ của một người được
phụ nữ mê say và bản thân ông cũng là người dễ rung động thì tình trong thơ
Nguyễn Bính thường gắn với nhiều rạn vỡ, những nỗi buồn xót. Tình trong thơ
Nguyễn Bính thường là tình lỡ. Nguyễn Bính thường hóa thân vào những mối tình
quê nghẹn ngào. Ông là bậc thầy trong lối nói thác lời.
Đa dạng và phong phú, nhưng xét đến cùng cảm hứng và tình yêu
lớn nhất trong thơ Esenin và Nguyễn Bính vẫn là tình quê hương đất nước. Esenin
viết: “Thơ tôi sống bởi một tình yêu lớn, tình yêu tổ quốc. Tổ quốc là cảm xúc
chủ đạo của thơ tôi”12. Thơ họ chạm tới rung cảm sâu xa của nhiều người, nhiều
thời bởi sống trên thế gian này, ai mà chẳng cần đến một quê hương!
3. Sự độc đáo về thi pháp nghệ thuật
Điểm chung giữa Esenin và Nguyễn Bính là những cảm nhận vô
cùng tinh tế nằm sẵn đâu đó trong tâm hồn họ. Gắn bó sâu sắc với văn hóa dân tộc
nhưng thơ họ không phải là bài ca cổ vũ cho các giá trị truyền thống, cũng
không phải là những khúc hát vị lai mà là sự dung hòa giữa cũ và mới, giữa truyền
thống và hiện đại trên cơ sở năng lực thấu thị cá nhân. Thi giới của họ được dệt
nên bởi những chi tiết bình dị nhưng quyến rũ, giàu sức gợi. Ngôn ngữ của
Esenin và Nguyễn Bính là thứ ngôn ngữ giản dị đến mức như là hơi thở của tự
nhiên, như những thì thầm và vang vọng của nội giới.
Sự thuần khiết trong tình yêu đất đai, Tổ quốc được Esenin thổ
lộ qua những câu thơ vô cùng chân thực: Vì thơ con có một dòng sữa chảy/ Dòng
sữa của đàn bò của mẹ của nhà ta. Cũng như thế, Nguyễn Bính hơn một lần tự
nhận: Tôi là thi sĩ của thương yêu. Đa cảm và phóng túng, bản năng
nhưng quyết liệt, hướng về cái mới nhưng biết gắn cánh diều thơ vào cội rễ văn
hóa dân tộc, cả Esenin và Nguyễn Bính đều tạo nên nhiều thi phẩm bất tử cùng thời
gian.
Về thi pháp miêu tả thiên nhiên, nhiều người nhận thấy thơ
Esenin là những “bức tranh thuốc nước” thiên tài, ở đó có sự hài hòa giữa màu sắc
và bố cục 13: Mái tóc xanh tươi/ Bộ ngực trinh trắng/ Cây dương tơ non/
Trong hồ soi bóng (Cây dương tơ non, 15.8.1918); Tuyết rơi, quay lấp
loáng/ Trải tấm nệm trắng phau/ Trong mây, trời chợp mắt/ Bóng tuyết ánh rực
màu (Mùa đông 1911 – 1912)… Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, trữ tình phong cảnh
và những bài ca thiên nhiên đâu phải là đặc quyền của Esenin hay Nguyễn Bính.
Đã từng có hẳn một dòng thơ đồng quê trong “thế kỷ bạc” và trong Thơ mới Việt
Nam. Nhưng đi xa hơn các thi sĩ đồng quê cùng thời, cái làm nên chiều sâu và vẻ
đẹp thơ Esenin và Nguyễn Bính chính là sự giao hòa hơi thở của thi sĩ và thiên
nhiên, là khả năng nhập vào hồn của cảnh. Bởi thế trong thi giới Esenin, màu sắc
cỏ cây như đang chuyển động, làng quê và văn hóa Nga như thì thầm với nhà thơ về
số phận và tâm tư của chúng. Dường như luôn có mối kết giao bí ẩn giữa tâm hồn
nhạy cảm của Esenin và thiên nhiên Nga buồn bã qua cái nghiêng tai kỳ diệu của
ông. Sự bí ẩn ấy nằm sâu trong cơ chế thiết tạo thi ảnh và nhịp điệu của cây
đàn organ mang tên Esenin. Nó là nhân tố giúp cho thơ Esenin, từ những khúc hát
trong treo đầu đời những đến dằn vặt đau đớn cuối đời trở thành “kinh thánh của
tâm hồn Nga” (Lời kêu gọi của Viện Duma Nga nhân dịp Kỷ niệm 100 năm sinh
Esenin).
So với Esenin, màu sắc trong thơ Nguyễn Bính không phong phú
bằng, mặc dù không hiếm lúc Nguyễn Bính xuất lộ những nét trổ thần tình: Đã
thấy xuân về với gió đông/ Với trên màu má gái chưa chồng/ Bên hiên hàng xóm cô
hàng xóm/ Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong (Xuân về); Bữa ấy mưa
xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy (Mưa xuân)… Thiên nhiên
và văn hóa làng quê trong thơ Nguyễn Bính chủ yếu được dệt từ khung trời hoài
niệm, ở đó, cái thực tại khổ nghèo gần như mất dấu, chỉ còn lại vẻ đẹp của những
giấc mơ: giấc mơ quan trạng, mơ về những đám hội trai gái tìm gặp nhau, về những
dậu mồng tơi xanh mướt nhà nàng ở cạnh nhà tôi… Những giấc mơ bảng lảng sương
khói tương tư. Gần đấy nhưng như thể đã rất xa. Xa như chuyện của thời nào…
Thừa nhận mình đã từng say mê Lermontov giai đoạn đầu và sau
đó là Pushkin, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Blok nhưng thực ra Esenin không bó
mình vào bất cứ trào lưu nghệ thuật cụ thể nào. Ông mở riêng cho mình một cõi,
giản dị và thuần khiết, cháy bỏng đến tận cùng đau đớn. Bởi thế, song hành
trong thi giới Esenin là các đối cực: vui sướng và khổ đau, tôn giáo và thế tục,
sống và chết, hy vọng và tuyệt vọng… Cả hai nhân tố, vẻ đẹp muôn đời của đồng
quê/ văn hóa Nga và sự chuyển động của lịch sử buổi giao thời đều vọng vào thi
giới Esenin. Tất thảy, đều chân thực đến mức tuyệt đối.
Hướng về làng quê bằng khối tình lỡ và cái tôi đa sầu đa cảm,
nét độc đáo nhất của Nguyễn Bính là những trắc trở đời mình được ông kể lại bằng
giọng điệu nhà quê. Lấy cái lỡ dở của đời mình để phổ vào cái lỡ bước, lỡ nhịp
của người, Nguyễn Bính đã chạm đến một tâm lý phổ quát của nhiều thời: “Cũng là
thôi, cũng là đành/ Sang sông lỡ bước riêng mình chị đâu?”. Lỡ bước sang
ngang, vì thế, không chỉ là một câu chuyện cụ thể, một cá biệt đời sống mà
là một phổ quát về sự chia ly. Trong đời, ai chẳng có một mối tình lỡ nhịp, một
ước mơ đứt gãy, và trong những phút oái oăm ấy người ta soi thấy mình
trong Lỡ bước sang ngang. Nó cũng không chỉ là chuyện đàn bà, mà rộng hơn,
là chuyện của nhân sinh.
Thơ Nguyễn Bính có sự kết hợp giữa tình và sự,
mỗi bài thơ như một câu chuyện, trong sự có tình, trong tình có sự.
Đánh giá về Nguyễn Bính, ngay từ rất sớm Hoài Thanh đã nhận ra hai phẩm tính tạo
nên giá trị thơ Nguyễn Bính là chất giọng “quê mùa” và “hồn xưa của đất nước”14.
Tô Hoài cũng nhận thấy nét độc đáo này trong thi pháp thơ Nguyễn Bính: “Nguyễn
Bính chẳng khác một người tài kể chuyện, cứ nhẩn nha nói về mọi thứ quen thuộc
quanh mình mà khiến ta phải chú ý”15. Thụy Khuê muốn đính chính cách hiểu của
Hoài Thanh về hai chữ “quê mùa” khi đưa ra nhận xét: “Thơ Nguyễn Bính bình dân
nhưng không quê mùa” và khẳng định Nguyễn Bính nói thơ chứ
không làm thơ. Bà cũng nhận thấy trong thơ Nguyễn Bính có sự kết hợp của thể
ngâm và thể thoại để đi đến một khái quát: “thơ Nguyễn Bính là tự
truyện kết hợp với tiểu thuyết”16.
Thực ra thì thơ nào cũng là “tự thuật tâm trạng” của chủ thể
trữ tình, là câu chuyện bí mật của cá nhân họ. Đọc thơ, vì thế, như là nghe/ đọc
trộm chuyện của người khác. Sử dụng lối nói thác lời, Nguyễn Bính biến chuyện của
mình thành chuyện của một liền anh liền chị nào đó. Chính việc nhập hồn vào những
tự sự bình dân kết hợp lối kể nhẩn nha đã trở thành “nhịp mạnh” trong cấu trúc
thi pháp thơ Nguyễn Bính. Sức mạnh cảm hóa và khả năng chinh phục số đông của
thơ Nguyễn Bính nằm ngay trong cách xử lý thông minh này. Những câu chuyện ấy của
Nguyễn Bính “lây lan” đến người đọc qua đường ý thức và cả chiều vô thức 17. Thực
ra, trong thơ Esenin yếu tố tự sự xuất hiện khá nhiều, nhưng chủ yếu được trình
bày trong nguồn cảm xúc trực tiếp của chủ thể trữ tình, còn Nguyễn Bính lại chủ
yếu sử dụng cách nói thác lời theo lối trữ tình nhập vai. Vậy nên, đọc thơ ông,
chuyện của người mà như chuyện của mình, chuyện của mình lại như là chuyện của
người. Ở đó, “điệu nói” và “điệu ngâm” được kết hợp hài hòa, trong đó, điệu nói
giữ vai trò hạt nhân của cấu trúc.
Với một cấu trúc trữ tình mang màu sắc kể chuyện như thế,
ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính rất gần với lời nói thường ngày của dân gian. Dĩ
nhiên, là một thi sĩ Thơ mới, tính điệu nói trong thơ Nguyễn Bính có phần ưu trội
hơn so với điệu ngâm vốn là một đặc điểm nổi bật của thi pháp thơ trung đại. Đó
là thứ ngôn ngữ giản dị, bình dân nhưng đòi hỏi người viết phải thực sự tài
năng: Gái lớn ai không phải lấy chồng/ Can gì mà khóc nín đi không? Nín
đi, mặc áo ra chào họ/ Rõ quý con tôi, các chị trông (Lòng mẹ); Em
nghe họ nói mong manh/ Hình như họ biết chúng mình với nhau… (Chờ nhau)…
Còn ngôn ngữ thơ Esenin, trong cảm nhận của các nhà Esenin học là thứ ngôn ngữ
giản dị và gợi cảm, tràn đầy nhạc tính. Thừa hưởng những thành tựu nghệ thuật của
Puskin, Lermontov… và những giai điệu dân ca, Esenin đã tạo ra thứ ngôn ngữ
tinh chất, đủ sức biểu đạt những cảm nhận vô cùng tinh tế của một tâm hồn nhạy
cảm, đa đoan.
Nhà lý luận phê bình Nguyễn Đăng Điệp
(ngồi giữa) với bạn văn tại Viện Văn học, 18.7.2022.
Trong nhãn quan ngôn ngữ nghệ thuật của cả Esenin và Nguyễn
Bính, điều quan trọng nhất là sự giản dị của ngôn từ. Sức mạnh của ngôn từ nằm ở
chỗ đó phải là thứ ngôn ngữ cho phép nhà thơ bộc lộ tối đa trí tưởng tượng
phong phú và năng lực thấu thị cá nhân. Bởi thế, tầm vóc của nhà thơ không nằm ở
chỗ làm dáng ngôn từ một cách bề ngoài mà trong tay họ, ngôn ngữ phải hàm chứa
một tri nhận sâu sắc về thế giới, có khả năng sinh tạo tư tưởng. Với một quan
niệm nghệ thuật như thế, cả Esenin và Nguyễn Bính đã tạo ra thứ ngôn ngữ gần
gũi nhưng vô cùng trong sáng. Đó là thứ ngôn ngữ được sản sinh từ tinh chất của
tâm hồn.
4. Vĩ thanh…
Những năm 1920 -1925 được coi là quãng thời gian tài năng nghệ
thuật Esenin bộc lộ đầy đủ và trọn vẹn nhất. Đó cũng là thời gian ông đã đi qua
thời trong trẻo và bắt đầu hứng chịu những chấn động lớn của thời đại. Esenin
đã chào đón nước Nga mới một cách nhiệt thành. Nhưng khác với nhà vị lai
Maiacovxki, ông nhìn thời cuộc và cuộc sống mới bằng cái nhìn của nông dân. Đây
là thời mà Maiacovxki như cánh buồm no gió, còn Esenin chạy trốn thực tại bằng
những cơn say. Đúng ra, ông đã cố thử sức mình trong những khúc hát tráng ca.
Nhưng thực tại mới và sự không tương thích về văn hóa đã khiến Esenin từ hy vọng
chuyển dần sang thất vọng, chán chường. Dù đã nỗ lực thay đổi nhân sinh quan,
nhưng Esenin mãi mãi là mục đồng trên thảo nguyên. Tâm hồn ông thuộc về những
cánh rừng bạch dương bạt ngàn, những ngôi nhà gỗ, những khói sương tôn
giáo gieo vào thiên nhiên và cuộc sống Nga với nỗi buồn thinh lặng và sâu thẳm.
Tại đó, nước Nga thấy mình trong tâm hồn trong trẻo của Esenin và Esenin thấy
mình mãi thuộc về nước Nga thuần khiết. Dự cảm “trong thế gian này anh chỉ là kẻ
ghé qua” cuối cùng cũng được khép lại bằng khúc giã biệt: Trên đời này chết phải
đâu là mới/ Những dĩ nhiên, sống chẳng mới gì hơn (Giã biệt nhé, bạn ơi, giã biệt).
M. Gorky đã có lý khi nói về cái chết của Esenin từ góc nhìn ứng xử văn hóa:
“Như một cậu nông dân tình cờ bị lạc trong môi trường phố xá. Cậu đi loanh
quanh mãi trên các phố, không sao thoát ra ngoài để trở về cảnh đồng ruộng quen
thuộc của cậu. Và cuối cùng, cảm thấy thành phố không chịu buông tha mình, cầu
đã quỳ xuống đọc kinh cầu nguyện và đứng trên cầu nhảy xuống sông Vixoa, hy vọng
dòng sông sẽ đưa mình trở về đồng ruộng. Người ta đã vớt được cậu bé lên, nhưng
cậu đã chết vì những vết thương của mình…”. Bi kịch Esenin là bi kịch của thời
đại và cũng chính là bi kịch của bản thân ông.
Còn Nguyễn Bính, sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông đã tích cực
“nhập cuộc” với những bài thơ giàu tính sử thi, trong đó có những thi phẩm hết
sức nổi tiếng sau khi được phổ nhạc18. Song những bài thơ hay nhất của Nguyễn
Bính thời kỳ này vẫn là những khúc “tương tư” như Đêm sao sáng, Gửi người
vợ miền Nam… Rồi Nguyễn Bính làm Trăm hoa, nhưng Trăm hoa chỉ tồn
tại trong thời gian ngắn. Nguyễn Bính trở về quê Nam Định, vẫn mang cảm giác
tha hương ngay giữa cố hương. Thực ra, tinh hoa của Nguyễn Bính đã tỏa sáng từ
thời hoa niên, còn sau Cách mạng, thơ ông trở nên nhạt màu trong khi văn hóa
chưa được bồi đắp thêm để thích ứng với thời đại mới19. Thực tại lúc bấy giờ
khó có thể cho phép những bước chân lang bạt và những khúc tình lỡ của Nguyễn
Bính một chốn nương thân. “Năm mới, tháng Giêng, mồng Một Tết”, Nguyễn Bính đã
ra đi khi ông chưa kịp bước vào “tuổi tri thiên mệnh”. Nhưng cũng như Esenin,
trong tư cách nhà thơ, ông đã để lại cho mai hậu và dân tộc mình “nguyên vẹn một
mùa xuân”.
Chú thích:
1. Thơ Esenin mà chúng tôi sử dụng trong bài viết này chủ
yếu căn cứ vào bản dịch của dịch giả Thúy Toàn.
2. Xem Thế Phong: Lược sử văn nghệ Việt Nam: nhà văn
tiền chiến 1930- 1945, Nxb Vàng Son, Sài Gòn, 1974, tr 258.
3. Xem: V.A. Keldysh: Văn học Nga thế kỷ bạc như
một chỉnh thể phức tạp (Đào Tuấn Ảnh dịch), tạp chí Nghiên cứu văn học,
số 11/ 2007, tr153-154.
4. Trong Tự thuật, Esenin cho rằng tập thơ Lễ cầu
hồn in năm 1915 nhưng lại được ghi là năm 1916.
5. Hoài Thanh- Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam,Nxb Văn
học,H.1988, tr17.
6. Tên một tiểu luận trong Con mắt thơ của Đỗ
Lai Thúy, Nxb Lao động, H.1992.
7. Xem Nguyễn Đăng Điệp: Thơ Việt Nam hiện đại tiến
trình & hiện tượng, Nxb Văn học, H.2014.
8. Xem Đào Tuấn Ảnh: Esenin và kỷ nguyên thế kỷ bạc
trong văn hóa Nga, Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, số 13, tháng 9-10/2015, tr
163-170.
9. Tạ Tỵ: Mười khuôn mặt văn nghệ,Sài Gòn,
1970,tr134.
10. Đào Trường Phúc: Nguyễn Bính qua những mùa xuân
tha hương, Tạp chí Văn, số 189, ra ngày 1/11/1971,tr 50.
11. Tô Hoài: Lời giới thiệu Tuyển tập Nguyễn Bính,
Nxb Văn học, H.1986, tr20.
12. E.I.Naumov: Sergei Esenin – Cuộc sống và sáng tạo
nghệ thuật, Moskva- Leningrat,165,p.216; Dẫn theo Nguyễn Đức Tuấn: S.A.Esenin
– Người thơ, trong Sergei Esenin tiến trình thơ ca Nga (Lê Từ Hiển chủ
biên), Nxb Khoa học xã hội, H.2015, tr 224.
13. Nguyễn Trọng Tạo: Esenin- nhà thơ của thiên
nhiên và tình người, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 6/2006
14. Hoài Thanh – Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam, Sđd,
tr334.
15. Tô Hoài: Lời giới thiệu, Sđd, tr 20
16. Thụy Khuê: Nguyễn Bính. Nguồn:
http://thuykhuefree.fr/stt/n/NguyenBinh.html.
17. Thuật ngữ của Vugotsky, Xin xem: Tâm lý học nghệ
thuật, Hoài Lam, Hoài Ly dịch, Nxb Khoa học xã hội, H.1981.
18. Đó là trường hợp bài thơ Cửu Long giang được
nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc với nhan đề Tiểu đoàn 307 trong thời
gian Nguyễn Bính hoạt động văn nghệ ở miền Nam thời kháng chiến chống Pháp.
19. Đây cũng là nhận xét của Tô Hoài về bạn mình trong Lời
giới thiệu Tuyển tập Nguyễn Bính (1986).
1/8/2022 Nguyễn Đăng Điệp
1/8/2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét