Tiểu luận của
Hồ Anh Thái: Buông bỏ
Tặng hay không tặng. Tặng cho ai thì đúng đối tượng. Câu hỏi
muôn đời của người viết sách. Câu hỏi khó trả lời của nhà văn. Câu hỏi đúng
theo kiểu to be or not to be, tồn tại hay không tồn tại. Theo quan niệm của bác
Tô Hoài, sách mình cần thì hãy mua lấy một cuốn, rồi mang đến đưa cho đồng nghiệp
ký, như vậy lịch sự hơn. Chắc chắn lịch sự hơn cái người cứ gặp nhà văn là đòi
tặng sách, không tặng thì thôi, không mua.Nhà văn Hồ Anh TháiCó lần Yên Ba cho tôi xem một cuốn sách anh mới tìm được
trong hiệu sách cũ. Anh là người sưu tầm sách cũ, là bạn của những hiệu sách
cũ, khi ta cần mua sách gì không còn ở hiệu sách thì anh có thể tìm giúp trong
những hiệu sách cũ anh hay lui tới. Nhưng cuốn sách này không phải là sách cũ
thông thường. Trong ấy vẫn còn dòng chữ tác giả ghi tặng “chú LC”, một nhà báo
đã về hưu. Rồi vài năm sau, nhà báo Mạnh Cường lang thang trên mạng, lôi xuống ảnh
chụp trang sách có chữ ký tặng của tác giả cho “chị ĐT”, một nhà báo ở Sài Gòn.
Người chụp cái trang ấy từ một cuốn sách cũ viết thêm vài dòng bình luận trên mạng:
chỉ một việc đơn giản và có văn hóa mà cũng không làm được: trước khi thải bỏ
cuốn sách, hãy xé cái trang có dòng ghi tặng đi.
Yên Ba chỉ vì hay lui tới các hiệu sách cũ mà còn mua được những
cuốn có chữ ký của những Nguyễn Tuân, Ma Văn Kháng… hoặc của các đấng bậc này tặng
cho những đấng bậc khác.
Nghĩ lại thì thấy cũng bình thường. Sản phẩm không cần đến nữa
thì bỏ. Và người bình luận trên mạng kia cũng có lý: thải bỏ là chuyện bình thường,
chỉ cần hủy cái trang có lời ghi tặng kia đi. Tủi cho người tặng, chán cho người
được tặng, bơ vơ cho cuốn sách.
Tôi muốn kể lại lần nữa chuyện nhà thơ George Evans. Anh ở
San Francisco miền tây nước Mỹ, đi cùng chúng tôi một chuyến sang chơi miền
đông. Trong một buổi dạ tiệc ở Boston, chúng tôi được một nhà thơ tặng tập thơ
mới của bà. Tan tiệc, cả bọn kéo nhau đi bộ về qua mấy dãy phố, đến một góc đường,
George ném toẹt tập thơ vào thùng rác. Tôi sững người ớ lên một tiếng. George
cười phá lên: Trước sau gì nó chẳng vào đấy. Một lúc sau anh bảo trong khi mọi
người trò chuyện, anh đã kịp lướt qua tập thơ, một thứ thơ sặc mùi kinh viện của
một bà giáo sư tập tọng làm thơ.
Ngay cả người mê sách, ngay cả con mọt sách bookworm thì lâu
lâu cũng phải dọn dẹp lại giá sách của mình một lần. Có cuốn sách mấy năm trước
còn cần thì mấy năm sau đã không cần đến nữa. Không cần thì giữ lại làm gì cho
chật nhà. Bỏ. Nó sẽ vào quang gánh của bà đồng nát đi qua trước cửa. Bà đồng
nát có thể gánh nó đến một hiệu sách cũ nào đó. Bà đồng nát cũng có thể bán nó
cho một bà hàng xôi hàng bánh. Người viết văn hầu như ai cũng có lần mua một
gói xôi ngô xôi xéo hoặc miếng cơm nắm cái bánh bao, bọc bằng lá chuối có lót
trang sách của ai đó, thậm chí là trang báo có cái ảnh của chính mình loang lổ
vết mỡ.Ở Âu - Mỹ có một tập quán khá tiện lợi. Một số mặt hàng mua về,
không dùng đến, một cái áo chẳng hạn, sau mấy tháng ta có thể mang trả lại cửa
hàng, nếu còn nguyên cái nhãn mác thương mại. Sách cũng vậy, mua về, sau một thời
gian nếu vẫn còn mới, có thể đem trả lại hiệu sách. Không sử dụng thì có quyền
trả, đơn giản vậy thôi, thậm chí sách đã trót đọc rồi, nhưng thấy không cần nữa
thì trả vẫn được. Nếu sách không còn mới để trả cho hiệu sách thì có thể đưa nó
đến hiệu sách cũ, bán theo giá thỏa thuận. Trong khu vực trường đại học luôn có
những hiệu sách cũ, người ta dùng một khái niệm là used book, sách đã qua sử dụng.
Sách đã dùng này thường rất rẻ, nhiều cuốn trông vẫn như mới ấn hành. Những con
mọt sách như tôi thường là bộ mặt quen thuộc ở những hiệu sách đã qua sử dụng
như thế. Người ta bỏ đi thì mình rước về. Người không cần thì bỏ. Người cần thì
tìm mua. Ở giữa họ có một kẻ trung gian là cái hiệu sách cũ. Rất tự nhiên thôi.
Rồi chính tôi cũng phải làm cái việc buông bỏ. Khi còn ở nhà
cũ đã dành một phòng riêng khoảng mười hai mét vuông cho sách. Giá sách chạy hết
ba bức tường, giá sách kê ở giữa nhà, chỉ trừ lối đi giữa những giá sách theo
kiểu thư viện. Không đủ chỗ cho hàng nghìn cuốn sách. Đấy là sách đã bị mất nhiều
sau mấy lần chuyển nhà. Vài ba năm lại phải ngồi lọc ra. Lại phát hiện ra những
cuốn bấy lâu mình không đọc lại và sẽ không đọc lại. Bỏ. Không quẳng cho bà đồng
nát mà cho người nhà mang đến cơ quan, bỏ vào thư viện của cơ quan. Mình không
cần nhưng có người cần.
Tôi cứ muốn phản biện trước việc có những người đã bỏ sách đi
mà không xé cái trang có chữ ký tác giả. Nhà họ chật, không có chỗ chứa sách, một
ngày nào đó vợ con họ phải xử lý đống sách không dùng đến. Vợ con chỉ biết quẳng
sách ra cho đồng nát mà chẳng có ý nghĩ phải kiểm tra những trang sách bên
trong, cũng chẳng có khái niệm xé hay không xé cái trang có chữ ký thì khác
nhau ở chỗ nào. Thế là cuốn sách đã bị bỏ đi mà người được tặng cũng không hề
biết. Họ mang lỗi mà các công dân mạng bình luận là lỗi văn hóa.
Tôi cũng không dám chắc một mai khi mình không còn ở trên đời,
những cuốn sách mình được bạn bè đồng nghiệp ghi tặng sẽ không phải vào gánh đồng
nát hoặc ra vỉa hè. Tôi cũng không dám chắc những người thải sách sẽ biết xử lý
cái trang có tên tôi được ghi tặng. Phải nói thật là nghĩ đến như vậy thì tôi
cũng không còn nhiều cảm hứng khi cầm cuốn sách bạn bè tặng. Nhiều khi không chờ
họ tặng mà tiện qua hiệu sách, tôi mua đọc, đọc xong thì tùy theo, sách có hay
thì mới giữ lại, còn thì đem cho thư viện. Không lưu giữ. Một cuộc đời không cần
gì nhiều, kể cả tiền bạc, tài sản, đất đai. Đất thì khi sống có người sở hữu
vài ba miếng đất vài ba cái nhà, rốt cuộc chỉ cần vài mét khối nếu như mai
táng, thậm chí chỉ một cái lọ tro nếu như hỏa táng. Sách cũng vậy, một đời có
thể đọc thiên kinh vạn quyển, nhưng đích thực cần cho mình cũng chẳng nhiều.
Bàn tay ta nắm được bao nhiêu chiếc lá, thì chỉ bấy nhiêu là đủ cho mình. Đến
thời có sách điện tử và chiếc máy đọc sách, cả vạn cuốn sách có thể lưu lại
trong máy tính gọn nhẹ, không lo ẩm mốc mối mọt, tôi lại càng quyết tâm không
ham hố giữ sách như trước. Càng thêm tuổi tác, lại càng quyết tâm phải buông bỏ.
Buông bỏ nhiều thứ. Đến những gì quý nhất là cha mẹ con cái gia đình mà sẽ có
lúc phải chia tay phải rời bỏ, cứ lần lượt mà mất dần, chẳng níu giữ lại được.
Nữa là tài sản, sao lại nghĩ cách phải khư khư giữ lấy, tìm mọi cách để có bằng
được, rồi tìm cách níu giữ. Không phải là bỏ, mà buông bỏ. Không phải là xả, mà
buông xả. Nghĩ được như vậy thì trước bất cứ cái gì đội nón ra đi, lòng ta vẫn
thản nhiên trầm tĩnh.
Nghĩ được đến đấy thì tôi cũng biết kiềm chế cái tính tặng
sách của mình. Ngày trước nhà văn ưa hài hước Vũ Bão (1931-2006), bạn vong niên
của tôi, vẫn nói một câu: viết báo thì được tiền, viết văn thì mất tiền. Ý của
ông là viết báo được nhuận bút, nhuận bút cao, nếu in ở tờ báo phát hành số lượng
lớn, mà hiếm khi tác giả phải mua tờ báo tặng bạn bè. Còn viết văn thì sách in
ra số lượng thấp hơn in báo nhiều lần, nhuận bút vì thế cũng ít, nhưng sách thì
phải tặng. Có khi phải mua đến vài ba trăm bản để tặng, phải bù tiền chứ nhuận
bút chẳng đủ.
Ấy thế, người phải tặng sách lại nhiều. Bạn đồng nghiệp đã
đành. Bạn ở những ngành nghề khác, phải tặng như một cử chỉ được vui thì phải
chia vui. Rồi còn những thành phần phải hiếu hỷ: hàng xóm láng giềng, thầy cô
giáo của con của cháu, bác sĩ chữa bệnh cho cả nhà, có khi lại còn thêm những
ông sếp. Không dám chắc thành phần hiếu hỷ có đọc hay không, nhưng tặng sách
lúc ấy là một cử chỉ thiện chí, tỏ ý hàm ơn hoặc đơn giản là tôi không quên anh.
Ai dám chắc trong thành phần hiếu hỉ ấy không có những cuốn sách ngày mai còn
nguyên mùi giấy mới mực mới và chữ ký tác giả không ra gánh đồng nát.
Tặng hay không tặng. Tặng cho ai thì đúng đối tượng. Câu hỏi
muôn đời của người viết sách. Câu hỏi khó trả lời của nhà văn. Câu hỏi đúng
theo kiểu to be or not to be, tồn tại hay không tồn tại. Theo quan niệm của bác
Tô Hoài, sách mình cần thì hãy mua lấy một cuốn, rồi mang đến đưa cho đồng nghiệp
ký, như vậy lịch sự hơn. Chắc chắn lịch sự hơn cái người cứ gặp nhà văn là đòi
tặng sách, không tặng thì thôi, không mua. Dạo trước, lâu lâu gặp nhà văn Tô
Hoài, tôi vẫn thường mang theo mấy cuốn sách của bác để bác ký vào. Nhưng rồi vẫn
thường trực cái ý nghĩ: cháu không bao giờ bỏ sách của bác, nhưng cháu không
dám chắc là cuốn sách bác ký lưu niệm sẽ không bao giờ bị ra hiệu sách cũ.
Đấy là tính vô thường của đời sống. Một khi ngay cả cái thân
xác ta, ta đã dặn dò đem hỏa táng mà con cháu cứ đem chôn, thì làm sao ta quyết
định được số phận những gì ta để lại đằng sau.
Vậy đã trở lại cái chân lý giản dị muôn đời, là buông bỏ,
không từ bỏ mà là buông bỏ. Cái gì không cần thiết, hãy buông. Cái gì cần thiết
mà đến một lúc nào đó cũng chẳng giữ được nguyên lành, hãy ý thức được quy luật
và hãy buông. Người mà ta yêu mến, một ngày nào đó cũng ra đi, ta chẳng
giữ được, hãy biết trước như vậy mà thanh thản, không níu giữ khóc lóc.
Mà thôi, ngay cả cái trang sách có ghi tên mình kia, tự tay
mình không xé bỏ thì một ngày nào đó nó nghênh ngang phơi lộ trước mắt ai đó,
cũng chẳng có gì phải băn khoăn ngại ngùng nữa. Thản nhiên đi và hỷ xả đi.
5/8/2022 Hồ Anh TháiNguồn: Rút từ tập tiểu luận Tự mình cách biệt, NXB Trẻ 2015
5/8/2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét