Thạch thảo ngắt rồi,
em nhớ chăng?
Khi dịch Thư gửi một nhà thơ trẻ [1] của Rainer
Maria Rilke đầu những năm 90, tôi không biết đã có một bản dịch tiếng Việt
khác, Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi của Hoàng Thu Uyên, do An Tiêm xuất
bản ở Sài Gòn năm 1969. Cách đây vài năm, bắt gặp những dòng chữ mở đầu của
mình xuất hiện dưới một cái tên khác, tôi mới biết đến bản dịch đó và có dịp
thưởng thức tình trạng lộn xộn thú vị ngự trị trên cõi tự tung tự tác mà chúng
ta gọi là internet: có trang đăng bản dịch của Hoàng Thu Uyên với bìa sách
An Tiêm nhưng chêm phần lời dẫn từ bản dịch của tôi; có trang cũng đăng như vậy
nhưng với bìa sách do NXB Văn hóa Sài Gòn tái bản năm 2008; có trang để tôi làm
dịch giả cho bản dịch của Hoàng Thu Uyên; có trang cho Hoàng Thu Uyên đứng tên
bản dịch của tôi. Sở dĩ cho đến nay tôi không nhầm mình là Hoàng Thu Uyên, vì
đó là bút danh của một trong những gương mặt trí thức lừng lẫy nhất ở miền Nam
Việt Nam trước 1975: Phạm Công Thiện.
Thông thạo cả chục ngoại ngữ cổ kim Đông Tây song lại “khinh
bỉ những kẻ nào biết nhiều thứ tiếng” và cho rằng tiếng Việt là khó nhất vì
“không có văn phạm và ngữ pháp”, Phạm Công Thiện đã dịch những tác giả thượng
thặng như Heidegger, Nietzsche, Krishnamurti, Henry Miller, Nikos Kazantzakis,
Rainer Maria Rilke nhưng ông không phải là một dịch giả theo nghĩa thông thường
để có thể đem đặt vào một trường phái dịch thuật nhất định hay đánh giá bằng những
nguyên lý và tiêu chí ngày càng phức tạp của nghề này; nhất là ở thời mà trí tuệ
nhân tạo đã đủ sức chuyển phần xác của hầu hết mọi ngôn ngữ sang các ngôn ngữ
khác trong chớp mắt song vẫn bó tay trước phần hồn và chúng ta, thua xa quy mô
và tốc độ của AI, vẫn liều lĩnh và vô vọng đâm đầu vào những ngõ cụt của bất khả
dịch. Không là dịch giả xuất sắc nhất cũng như không là thi sĩ sáng giá nhất,
không là nhà văn đặc biệt nhất, không là học giả uyên bác nhất, không hẳn là một
nhà tư tưởng dù thường được gọi là triết gia và lại càng không thực sự là một
tu sĩ, song Phạm Công Thiện là tổng thể kỳ lạ nhất của ngôn ngữ, tư tưởng, nghệ
thuật, tôn giáo và tinh thần thời đại mà miền Nam Việt Nam sinh ra trong một
khoảnh khắc ngắn ngủi và đặc quánh của lịch sử, từ giữa thập niên sáu mươi đến
biến cố tháng Tư 1975, trong vòng xoáy của một cuộc chiến leo thang từng ngày,
giữa vỏ đạn, xác người và những chiến tuyến khốc liệt.Thi sĩ - triết gia Phạm Công ThiệnTrong lời giới thiệu Về thể tính của chân lý, dịch từ
nguyên bản tiếng Đức Vom Wesen der Wahrheit của Martin Heidegger, ông
tuyên bố bản dịch của mình “đánh dấu một biến cố quan trọng trong tư tưởng Việt
Nam, vì dịch, theo Heidegger, có nghĩa nhảy, dịch chỉ có thể thành tựu được là
nhờ một cái nhảy. Người dịch Heidegger phải bắt buộc làm hai cái nhảy: nhảy vào
thể tính Đông phương qua ngôn ngữ Việt Nam và nhảy vào thể tính Tây phương qua
ngôn ngữ Đức: điều kiện sơ đẳng của người dịch là phải nắm lấy tính thể Đông
phương trong mười ngón tay mình và nắm lấy tính thể Tây phương trong mười ngón
chân mình.” Chuyện mười ngón tay mười ngón chân chỉ là một cách nói điển hình
Phạm Công Thiện, có thể cường điệu đại ngôn, có thể tu từ mê hoặc, có thể cực
đoan lập dị và cả tào lao nonsense, nhưng bay bổng, nên thơ, độc đáo bất
ngờ, quảng bác mà nóng rực như một dòng dung nham trẻ trung cường tráng, phun xối
xả dăm năm rồi tắt vụt. Ông dịch cũng như viết, lang thang, ngẫu hứng, phóng
túng, thậm chí bất cần, nhất là không cần “đau đáu đi tìm một tương đương” vì
tiếng Việt đơn âm, trong sự tôn thờ đắm đuối của ông, mang một “khả tính siêu
việt” và một trật tự hoàn toàn khác với trật tự tổng hợp của ngôn ngữ đa âm
phương Tây, khiến dịch là “sờ mó tiếng Việt và bị tiếng Việt sờ mó, nâng từng
chữ, bóp từng chỗ kín”, là “phục hồi lại ngôn ngữ Việt Nam, lắng nghe lại tất cả
dư âm phong phú của từng chữ Việt, mỗi từ Việt là kết quả lâu dài gian nan của
sự đấu tranh khủng khiếp, kết tinh tất cả hồn thiêng đất nước, là một bước chân
của tổ tiên bước đi hoang vu vào đêm tối của dân tộc, té lên, té xuống, mở rộng
ra chân trời rực sáng của non sông”, và rốt cuộc, dịch để hiểu “vì sao một chữ
Đức, một chữ Hy Lạp lại quyết định chiến tranh Việt Nam”. Tiếng Việt là ngôi
nhà đầy an ủi để hồn của một dân tộc đang thí xác cho bom Mỹ và súng trường
Kalashnikov lui về nương náu.
Phạm Công Thiện không làm nghề dịch để phải bận tâm đến những
chuẩn mực chao ôi là nghiêm cẩn mà chúng ta thường nép vào, dính chặt và nhiều
khi chết gí ở đó. Ông chỉ dịch những tác giả ruột thịt với mình để nhờ tiếng Việt,
quy chiếu từ một ngôn ngữ khác, phát ngôn tinh thần hư vô, thái độ khước từ và
sự cô đơn của chính mình. Nên ông trung thành với bản thân hơn với bản gốc và nếu
cần thì hy sinh bản gốc để bảo toàn hay thậm chí khuếch đại bản thân. Rilke của
ông chệch với Rilke của Rilke khá nhiều, song đó là chủ định, đầy ý thức và
thách thức, chứ không đơn giản là dịch ẩu hay dịch nhầm. Cách dịch của ông khiến
tôi phải nhớ đến nhân vật Faust của văn hào Goethe, cũng là dịch giả nhiệt
thành và một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho lý thuyết dịch thuật
văn học ở Đức.
Faust muốn dịch nguyên bản Kinh thánh Tân ước sang tiếng Đức
cho thỏa khát khao khải thị, và vấp ngay vào câu mở đầu lời dẫn Phúc âm theo
Thánh Gioan: “Sách có ghi: Khởi thủy là Lời“. Chàng băn khoăn, không, không thể
đề cao Lời quá mức như vậy, phải dịch khác. “Khởi thủy là Tư tưởng” chăng?
Nhưng liệu tư tưởng có tác động và tạo ra tất cả không? Hay nên dịch thành “Khởi
thủy là Sức mạnh“? Lựa chọn này vừa tính đến đã thấy không ổn. Và cuối cùng,
như được thần linh dẫn dắt, chàng vững lòng đặt bút viết: “Khởi thủy là Hành động“[2].
Khái niệm logos trong bản gốc tiếng Hy Lạp của câu này cho phép nhiều
cách diễn giải. Bản tiếng Việt trùng với phần lớn các bản dịch ở những ngôn ngữ
khác: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời“, trong khi ở bản tiếng Nhật và tiếng Hàn
thì logos là chính Ki-tô, khi chưa có gì trong vũ trụ thì đã có
Ki-tô; còn ở bản tiếng Trung thì “Thái sơ hữu đạo“, khởi thủy là Đạo chứ không
phải Lời. Một cách dịch tuyệt vời, “mở ra một chân trời cho chiêm niệm”, theo
tiêu chí dịch thuật của một dịch giả đặc biệt khác, thi sĩ Bùi Giáng, cũng một
hiện tượng kỳ lạ và kỳ diệu của miền Nam trước 1975 và tương đồng về tinh thần
hơn là tương phản trong hành động với Phạm Công Thiện. Cũng chuyện nhảy, từ
Heidegger qua Phạm Công Thiện, cú nhảy trong dịch thuật ở Bùi Giáng là nhảy
lùi, lùi xa khỏi bản gốc để trân trọng nó từ khoảng cách thích đáng và “nếu buộc
phải dịch thì đành cưỡng bức”. Ông đã cưỡng 8 câu thơ tự do của Emily Dickinson
vào 14 câu lục bát, trong đó một câu là trích nguyên văn từ Truyện Kiều của
Nguyễn Du. Ông không dịch, vì “kẻ biết dịch tối cao không bao giờ chịu dịch”.
Mỗi thời đại hay thực ra mỗi thế hệ đều cần bản dịch của thời
đại mình, thế hệ mình. Mọi bản dịch đều sẽ đến lúc lỗi thời và thường lỗi thời
nhanh hơn bản gốc. Nhiều trang dịch của Phạm Công Thiện, như chính con người
quá đỗi khác thường và cuộc đời đầy đứt gãy của ông, tách khỏi ngữ cảnh của thời
đại hố thẳm và thế hệ bơ vơ, khủng hoảng, quằn quại mà kiêu hãnh của ông, khó
có thể khiến độc giả bây giờ hình dung sức lan tỏa và chấn động của chúng ở miền
Nam nửa thế kỷ trước. Tôi không thuộc nhóm đệ tử vô điều kiện của ông để say
sưa niệm những câu dịch bùa chú, như “Tính thể mà khi lập thể thì không có căn
thể” (Sein als Gründendes hat keinen Grund), song mỗi lần lướt qua biết
bao bản dịch rón rén sợ sệt, biết bao bản dịch rúm ró nhu nhược, biết bao bản dịch
gò bó tủn mủn, biết bao bản dịch bẹp gí dưới bóng đè của bản gốc, biết bao bản
dịch vô vị và nô lệ đang nghiễm nhiên sống khỏe thì nhành thạch thảo của Phạm
Công Thiện lại hiện về.
Trong Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, chương
bảy, cuốn sách huyền thoại mà ông khởi viết lúc 19 tuổi để xuất hiện như một
cơn địa chấn giữa một Sài Gòn đang chao đảo trong những biến cố kinh hoàng, Phạm
Công Thiện đã trích dẫn bài thơ “L’Adieu” của Guillaume Apollinaire trước
khi Phạm Duy mở đầu ca khúc nổi tiếng của mình với “Ta ngắt đi một
cụm hoa thạch thảo. Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi”, phổ lời Việt của bài
thơ ấy. Hoàng Nguyên Chương và Bùi Giáng đều dịch bruyère là thạch
thảo. Một phần tư thế kỷ sau, Phạm Công Thiện vẫn trở đi trở lại với thạch thảo
trong Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất. Ông biết bruyère là
loài thảo mộc đặc trưng của các vùng đồng hoang châu Âu mà ông dịch là “truông
thạch thảo”, tiếng Đức là Heide trong một đoạn thơ của Georg Trakl được
Heidegger – vẫn Heidegger! – trích trong Was heißt Denken?. Bây giờ, với
trụ sở của Google trong não bộ, chúng ta thông thái ghê gớm. Chúng ta thừa biết
thạch thảo là một loài hoa cúc chẳng liên quan gì đến Apollinaire, Georg Trakl
và Heidegger. Nhưng chết rồi sẽ là một mùa thu khác chứ không phải mùa thu ấy,
mùa thu của Phạm Công Thiện, Phạm Duy, Bùi Giáng, Hoàng Nguyên Chương, của miền
Nam trước 1975, khi ta ngắt đi một cụm hoa cúc mối.
Phạm Công Thiện qua đời mười năm trước ở chốn lưu vong. Nếu
không, hôm nay ông tròn tám mươi, tuổi bây giờ không còn quá hiếm.
Chú thích:
[1] Bản mới hiệu đính đã đăng trên Tuần báo Trẻ tháng
4 & 5, 2021
[2] J. W. Goethe, Faust, phần I, câu 1217-1237, tr.
62-63, bản dịch của Quang Chiến, NXB Văn học, Hà Nội 2001.
1/6/2021 Phạm Thị HoàiNguồn: Vietstudies/ Tuần báo Trẻ
1/6/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét