Thế Lữ - Người khai sáng
phong trào Thơ mới
Thế Lữ trước sau vẫn được coi là người cách tân số một của
thơ Việt Nam thế kỷ XX. Có ông, thơ Việt yên tâm khép lại cổ điển mà mở vào
lãng mạn.
Tròn trăm năm tính từ năm 1907, đầu năm (20.1) Tú Xương tạ thế
(theo ngày âm là rằm tháng chạp Bính Ngọ, Thành Thái thứ 18) và gần cuối năm
(6.10) Thế Lữ ra đời. Lúc ấy không ai nghĩ rằng hai con người có năm mất
năm sinh kế nhau ấy lại là mối giao nhau tiêu biểu của hai thời đại thơ ca dân
tộc. (Khoảng giữa bài thơ cuối của Tú Xương và bài thơ đầu của Thế Lữ có thể kể
đến các bài thơ của Tản Đà. Tản Đà có 18 năm thở chung khí quyển với Tú Xương
và 32 năm chung với thế Lữ).
Thi sĩ Thế Lữ (1907-1989)Thế Lữ
(1907-1989) tên thật là Nguyễn Thứ Lễ. Thứ Lễ đọc lái đi thì thành Thế Lữ và có
nghĩa là cái quán trọ của đời người (coi đời người như quán trọ?). Sinh ra ở Hà
Nội, trải qua tuổi thơ ở Lạng Sơn, nơi cho ông những ấn tượng thâm u của truyện
đường rừng và của thơ nhớ rừng sau này. 9 tuổi về Hải Phòng học trung học. Năm
23 tuổi thi vào trường Mỹ thuật nhưng thôi học ngay năm đầu. Sau đó viết truyện
và làm thơ. Truyện của ông hấp dẫn vì tính chất bí ẩn và suy luận trinh thám. Từ
năm 1942 ông sang kịch và ở lại đó cho đến khi mất. Đóng góp của ông cho sân khấu
kịch nói là tư cách khai sáng cho bộ môn này.Về thơ, trong khoảng 7 năm sáng
tác (1933-1941) chỉ in có hai tập, đúng ra là một tập, Mấy vần thơ (1935)
sau bổ sung thành Mấy vần thơ Tập mới (1941) nhưng lại có ý nghĩa
khai sinh một chặng phát triển mới cho cả nền thơ Việt. Ông là người khởi xướng
thành công phong trào Thơ Mới. Đầu những năm 30, thơ cũ theo luật Đường không
còn đủ sức phô diễn những tình cảm mới. Ngay Tản Đà cũng đã phải có những yếu tố
cách tân. Đến năm 1932 thì một loạt thi sĩ mang vào thơ những thay đổi cả vể nội
dung lẫn hình thức. Những cuộc tranh luận giữa mới cũ diễn ra sôi nổi. Thế Lữ
không tham gia tranh luận mà lặng lẽ làm thơ theo lối mới. Khi tập Mấy vần
thơ của ông ra đời thì phái thơ cũ không còn lý lẽ để công kích thơ mới nữa.
Với Thế Lữ, lần đầu công chúng thơ được nếm một thi vị hoàn toàn mới mẻ, một dạng
xúc động mới, một chất tâm hồn mới. Ngôi thứ đầu bảng của Thế Lữ đã được công
nhận ngay từ những năm ấy và thể hiện khá rõ khi nhìn lại trình tự xuất hiện
các tập thơ tiêu biểu:– Năm 1935: Mấy vần thơ của Thế Lữ– Năm 1937: Tiếng
thu của Lưu Trọng Lư, Điêu tàn của Chế Lan Viên và bốn bài của
TTKh trên Tiểu thuyết thứ bảy
– Năm 1938: Thơ thơ của Xuân Diệu
– Năm 1940: Lửa thiêng của Huy Cận và Thơ say của
Vũ Hoàng Chương
Điều có ý nghĩa với hôm nay, khi thơ đương thời cũng đang có
nhu cầu đổi mới, đổi mới trong nội dung và cả cách làm ra nội dung ấy, là thấy
rõ hơn cái khoảng cảm xúc mà Thế Lữ đã mở ra, cái cách ông nới rộng thêm hồn
thơ và từ đó mà thay đổi bút pháp. Cảm hứng của thơ cổ điển, tạm lấy cụ thể một
Tú Xương khi ấy, thường phát sinh từ những chuyện đời, việc người của cuộc sống
vật chất cụ thể bao quanh tác giả. Một cảnh “Bức sốt mà mình vẫn áo bông”, một
nỗi lòng thương vợ dội lên từ tình cảnh “Quanh năm buôn bán ở mom sông”… Ngay với
những đề tài tưởng đã là tâm trạng lắm, hư ảo lắm như tiếng gọi đò ban đêm bên
con sông đã lấp thì vẫn cứ tựa vào sự kiện thực là con sông Lấp và rộng hơn, là
một cõi lòng công dân vừa mất nước. Thơ cứ phải “Có tích mới dịch nên tuồng”.
Và từ tích nên tuồng, thơ hình thành qua một hệ thống thao tác tư duy hợp
lôgíc, hợp quy luật tâm lý, hướng tới ý tưởng toàn cục, giữ tính nhất quán trên
dưới, cân đối trước sau. Tính quy phạm của bút pháp dù tự nhiên, hồn nhiên vẫn
luôn luôn được tôn trọng. Mà đấy chính là tài năng của các nhà thơ cổ điển. Tú
Xương dù đã là một cá tính phóng túng, một tính cách đã gần lắm với người thị
thành hiện đại, thế mà ngay cả trong những bài thơ bỡn cợt, hóm hỉnh ví dụ như
bài Ngày xuân bỡn làng thơ:
Ngày ba tháng tám thấy đâu mà
Sao đến ngày xuân lắm thế a
Ý hẳn thịt xôi lèn chặt dạ
Cho nên con tự mới thòi ra
vẫn giữ đầy đủ những quy luật của tư duy thơ quy phạm với
cách biểu hiện tung hứng nhân quả, đối ứng tề chỉnh.
Cảm hứng thơ Thế Lữ không còn như thế nữa. Ông không phản ánh
hiện thực, ông chỉ phản ánh tâm hồn mình. Mà cái cõi tâm hồn ấy không phải lúc
nào cũng cứ phải liên hệ chằng chằng với hiện thực, như bóng với hình. Nó có những
so le, những trái khoáy rất không quy luật với cái hiện thực cụ thể của khoảnh
khắc ấy như thuộc tính vốn có của tâm hồn con người. Bài thơ cất lên tự một cõi
riêng, nhiều khi không dính trực tiếp một – một với thời sự cơm áo gạo tiền,
hay với cõi rộng xa vận nước. Mối liên hệ của tâm và sự trong Thế Lữ, nếu có
cũng cách bức hơn nhiều, biện chứng phức tạp hơn nhiều. Nhiều lúc ngỡ như chuyện
trên giời, xa đời, xa mặt đất, bất ngờ và đầy biến hoá. Do vậy ở vào thời kỳ
nhu cầu dùng thơ làm nhiệm vụ thông tin, cổ động, tổ chức công chúng thành cấp
bách, thì người đời không ưa lắm, thậm chí chế giễu tính vô dụng của thứ thơ lơ
mơ này. Xin đơn cử một ví dụ ngẫu nhiên, bài Tiếng trúc tuyệt vời. Nghe tiếng
sáo trúc tác giả cảm nhận “như khua động nỗi nhớ nhung, thương tiếc”. Thơ phát
triển đến đây thì cả cổ điển lẫn lãng mạn như nhau. Nhưng khi tác giả “buộc” nỗi
nhớ nhung thương tiếc vào cái cô vu vơ nào đứng bên hồ kia, ông đoán chắc cô
đang nghĩ ngày vui sẽ mất, sắc đẹp sẽ tàn phai. Rồi cô man mác, cô bâng khuâng,
cô tê tái, cô thổn thức. Ông tác giả lại muốn nâng “tấm khăn hồng lau mắt lệ”
cho cô. Lau mắt lệ mà không chỉ vì nước mắt, mà chính “vì ta sợ má đào kia phai”
thì đa sự quá, chiếu vào đời thực thì nó là hành động của anh dở người. Nó phi
thực. Đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa lãng mạn chính là phi thực, phóng túng
theo cơn tưởng tượng của tình cảm, không còn lý trí kiểm tra. Nghe tiếng sáo,
thấy buồn thì khóc, thấy người đẹp khóc thì phải xông vào mà lau nước mắt cho
người ta mà khăn tay cứ phải màu hồng (“Khóc như em mấy khăn hồng chả phai”
– Nguyễn Bính). Lau nước mắt cho người rồi mình cũng mưa gió khóc theo. Những
tâm hồn kiểu ấy trước Thế Lữ không có trong thơ Việt. Thế sao bây giờ lại xuất
hiện? Ai đặt hàng những mẫu tâm hồn ấy mà thơ lại chế tác ra và được xã hội tiếp
nhận?
Tiếng súng xâm lược đầu tiên bắn vào Đà Nẵng 1858. Thành Hà Nội
thất thủ lần thứ hai 1883. Hoà ước mất nước, triều đình Huế kí năm 1884. Kẻ xâm
lược bắt tay vào giai đoạn khai thác. Ở thành thị, phố chợ, nhịp sống tao loạn
chuyển dần sang cuộc sống đời thường lo ăn lo làm, phát triển, lo thoả mãn nhu
cầu vật chất và tinh thần của con người. Để cải thiện cuộc sống tinh thần của
chính mình, con người tìm mọi cách. Có tôn giáo và có cả mê tín. Có nghệ thuật
và đặc biệt là nghệ thuật mơ mộng. Hình thành nhu cầu mơ mộng để chí ít hưởng
thụ trong cõi tinh thần. Đó cũng là kinh nghiệm của nhân loại. Xã hội Việt Nam
ta lúc đó, hình thành lớp người có nhu cầu đó thì kinh nghiệm đó nhập vào, tự
phát lẫn tự giác nhập vào mà hình thành chủ nghĩa lãng mạn cho thơ. Tác động của
hiện thực tới thơ là tác động qua tâm trạng và đấy là tác động qua tâm trạng và
đấy chính là cái cách đê thơ trở nên nhân văn hơn, thương xót con người hơn.
Thưởng thức Thế Lữ và cũng để thấy những khai phá của Thế Lữ
trong thơ lãng mạn Việt Nam, chúng ta nên hình dung lại những đòi hỏi tinh thần
của lớp người có học trong các nơi đô hội thời ấy. Một đòi hỏi mơ hồ nhưng bức
thiết. Trong tình cảnh ấy, sự đáp ứng của chủ nghĩa lãng mạn là có ý nghĩa. Nó
có sức giải toả những ngột ngạt bức bách, nó nâng cấp tâm hồn con người. Không
nên coi lãng mạn là bài ca đánh lừa, ru ngủ cơn đói cơn đau. Lãng mạn làm người
ta bớt đau và mở rộng lòng yêu. Yêu cái đẹp của thiên nhiên, đất nước, lòng người.
Cụ Hồ Chí Minh năm 1942-1943 trên đường tội tù xiềng xích cũng đã vận dụng chủ
nghĩa lãng mạn để tự vui đời, bài Trên đường (Lộ thượng), bản dịch:
Mặc dù bị trói chân tay
Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng
Vui say ai cấm ta dừng
Đường xa âu cũng bớt chừng quạnh hiu.
Chân tay bị trói thì hãy tìm chỗ kẻ thù không trói được (ở
đây là thính giác, khứu giác, ở chủ nghĩa lãng mạn là mơ mộng) mà hưởng thụ
tinh hoa cuộc sống, mà tự diệt khổ. Thơ Cụ Hồ ở bài này là cổ điển nhưng lại ca
ngợi chủ nghĩa lãng mạn trong cuộc sống, coi nó như một cánh cửa mở vào tự do.
Thế Lữ đã có cách lắng nghe kỳ diệu những tiếng vọng mơ hồ đầy
gợi cảm trong tâm hồn lớp người tuổi trẻ, những tiếng vọng hình thành từ những
đổi thay của lối sống, của lối nghĩ, cách vui buồn. Mà những đổi thay này bắt
nguồn từ những đổi thay của thời thế, không cưỡng được. Thế Lữ đã phát hiện và
diễn tả được cái tâm trạng bâng khuâng man mác (cụm từ này xuất hiện trong nhiều
câu thơ của Thế Lữ và Xuân Diệu đã tách nó ra để chỉ thuộc tính của thơ Thế Lữ)
của những người vừa tách ra khỏi cái tập thể chung chung mù mờ cảm giác của chế
độ phong kiến già nua để tìm lại cá tính thiên nhiên, tìm lại cảm xúc riêng tư
của con người. Tâm trạng phổ biến của những con người ấy là nỗi bâng khuâng khi
đối diện mình với khoảng xa rộng của không gian, của đời người, của hạnh phúc lứa
đôi. Đó là đòi quyền tồn tại của cái cá thể dưới mặt trời. Thế Lữ thường kí
thác niềm bâng khuâng mơ hồ ấy vào cuộc sống trôi dạt một khách chinh phu “mũ lợt
bốn trời sương nắng gội”, hoặc vào đời một nghệ sĩ “tìm mộng vàng trên cảnh
lộng trời mây” cao quý và đói khổ. Đừng tìm nguyên nhân những đau khổ trong thơ
lãng mạn trực tiếp từ xã hội. Đau khổ sầu muộn sinh ra từ tâm trạng và nương tựa
vào những nhân tố rất vu vơ bất ngờ, không quy luật: “Hay đâu cơn gió lạ đâu
đâu/ Thổi lại cho em những mối sầu”. Sự lắng nghe những gợn nhỏ bé của tâm
trạng ấy chính là dấu hiệu to lớn của một thời đại thi ca mới.
Thế Lữ đắm say trong những cảm xúc lãng mạn, ông tạo dựng bồng
lai và tự kinh ngạc trước vẻ đẹp thần thoại do chính hồn mình tạo dựng:
Trời cao xanh ngắt – Ô kìa!
Hai con hạc trắng bay về bồng lai.
(Tiếng sáo Thiên Thai)
Và:
Ái ân bờ cỏ ôm chân trúc
Sau trúc, ô kìa! Xiêm áo ai?
(Vẻ đẹp thoáng qua)
Trời xanh hạc trắng ấy là phi thực. Xiêm áo trút sau tre ấy
cũng chỉ trong cõi mộng. Hãy lấy mơ và mộng, càng hư ảo càng dễ cảm thụ cõi
tinh vi huyền diệu của thơ Thế Lữ. Thói quen cảm nhận phẩm chất thơ quá câu nệ
vào hiện thực, có thể dẫn đến những suy diễn lệch lạc về thơ Thế Lữ. Tôi xin
phép mạnh dạn thú nhận một băn khoăn của riêng mình về cách hiểu bài thơ vào loại
hay nhất của Thế Lữ, bài Nhớ rừng.
Bài thơ mượn lời con hổ ở vườn Bách thú “gặm một khối căm hờn
trong cũi sắt” nằm nhớ cảnh rừng xưa, thuở hổ tự do tung hoành giữa cõi “sơn
lâm bóng cả cây già/ Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi”. Hình
bóng chúa sơn lâm được đặc tả, đẹp và oai, rất tạo hình, bắt đầu là bàn chân chắc
nặng móng vuốt dũng mãnh, sau là tấm thân sóng cuộn đường hoàng. Cảnh sống oai
hùng và thơ mộng của chúa sơn lâm đầy chi tiết tráng lệ, phi thường trong hơi
thơ anh hùng ca âm vang hào sảng. Nghệ thuật của thi pháp Thơ mới như ở đoạn giữa
bài thơ này thì không một tài năng cổ điển nào bài xích nổi. Say đắm thơ, say đắm
tâm hồn yêu tự do của loài hổ, không ít nhà nghiên cứu khẳng định mối tương
quan của thân phận con hổ trong chuồng sắt với thân phận mất độc lập tự do của
dân tộc ta: “Vận vào những cái “Thời oanh liệt” đầy những chiến công chói lọi của
Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung thì lại càng thấy hùng tráng
và tự hào. Càng nhớ đến “thời oanh liệt” càng thấy uất ức phải bị tù hãm, xung
quanh toàn là những cái tầm thường nhỏ nhen ngang trái của người dân mất nước,
và nhiều nhà nghiên cứu đã có lí khi xếp nó (tức bài Nhớ rừng- VQP) vào xu hướng
lãng mạn cách mạng rất hiếm hoi trước Cách mạng tháng Tám”.
Hãy đọc bài thơ, nếu con hổ nhớ rừng là biểu hiện khát vọng tự
do của dân ta trong cảnh bị người đô hộ, thì giải thích ra sao tính thống nhất
của hình tượng, khi chính con hổ ấy lại đầy tham vọng thống trị khắc nghiệt tàn
bạo cả muôn loài:
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi
Ta biết ta chúa tể cả muôn loài.
Bài Nhớ rừng thực chất là một tuyên ngôn của chủ
nghĩa lãng mạn, không chấp nhận cái tầm thường (“Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng,
cây trồng/ Dải nước đen giả suối chẳng thông dòng/ Len dưới nách những mô gò thấp
kém…”) để đòi cái phi thường, phi thực (“Với tiếng gió gào ngàn, với giọng
nguồn hét núi” hoặc với “những đêm vàng bên bờ suối/ Ta say mồi đứng uống
ánh trăng tan” và “những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn/ Ta lặng ngắm giang
san ta đổi mới”…). Thế giới lãng mạn của Thế Lữ gần với tiên cảnh, gần với
Thiên Thai, với “Tiên nga xoã tóc bên nguồn”, với “Ngọc nữ uốn mình trong không”.
Tạng lãng mạn của ông là vậy. Người đọc nên nhập gia tuỳ tục, đừng ép ông phải
chặt cánh phóng túng của cơn mơ để vừa với cái khuôn thực dụng của thời mình.
Trong cách kết cấu bài thơ, cách làm câu, Thế Lữ xuất phát từ
nhiều điệu thơ dân tộc lăn lóc trong văn học dân gian, kết hợp với kỹ thuật thơ
Pháp mà dấu tích khá rõ trong lối thơ vắt dòng để tạo nên thể thơ uyển chuyển
biến hoá không cùng theo tâm trạng, đáp ứng được mong ước của Tản Đà hồi nào
“phá cách vứt điệu luật”.
Nghệ thuật ngôn ngữ, âm điệu, hình ảnh… ở Thế Lữ đã đạt tới độ
tinh xảo đủ để chuyên chở cái cõi mộng của hồn ông. Hơn hai phần ba thế kỷ đi
qua, nay đọc lại vẫn còn nguyên mới mẻ.
Tả âm thanh:
Êm như hơi gió thoảng cung tiên
Cao như thông vút, buồn như liễu
Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên
(Tiếng gọi bên sông)
Lưu khoảnh khắc:
Mây hồng ngừng lại sau đèo
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi
(Tiếng sáo Thiên Thai)
Thế Lữ không đi tận cùng với thơ. Những nhà thơ xuất hiện sau
ông, được ông giới thiệu, nâng đỡ đã có những thành tựu vượt qua ông. Xuân Diệu
mơ mộng, say đắm nhưng không cần lên tiên, cứ gắn vào mặt đất mà nồng nàn, càng
nồng. Huy Cận vừa thâm trầm vừa rộng xa, từ hoa đại lãng mạn mà nhập vào triết
học, lấy cảm xúc đo kích thước của hư vô… Nhưng Thế Lữ trước sau vẫn được coi
là người cách tân số một của thơ Việt Nam thế kỷ XX. Có ông, thơ Việt yên tâm
khép lại cổ điển mà mở vào lãng mạn. Kinh nghiệm cách tân thành công của ông xuất
phát từ đáp ứng yêu cầu đích thực của tâm hồn con người thời ông và kết thúc bằng
sức thuyết phục của tài năng ông.
VŨ QUẦN PHƯƠNG
24/11/2022
Tô Hoàng
Nguồn: Báo Văn học Nga - 8/2022
Theo https://vanhocsaigon.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét