Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2023

Nhà văn Michel Houellebecq: Sự cần thiết của hư cấu

Nhà văn Michel Houellebecq:
Sự cần thiết của hư cấu

Lý do tồn tại cốt yếu của tiểu thuyết nằm ở chỗ con người nhìn chung là một bộ não quá phức tạp, quá trù phú cho sự tồn tại mà nó dẫn dắt. Tiểu thuyết, với con người, không phải là một lạc thú. Nó là sự cần thiết. Sự cần thiết của những cuộc đời khác, khác với cuộc đời của mỗi người đọc, đơn giản là bởi chỉ riêng cuộc đời anh ta là không đủ…
Đối với con người, tác phẩm hư cấu không chỉ là lạc thú, mà còn là cần thiết.
Nhà văn Michel Houellebecq
Tôi vẫn luôn cảm thấy bất ngờ mỗi khi người ta vinh danh nhà văn. Trừ một số ít ỏi, phần lớn các nhà văn vẽ lên cho chúng ta khung cảnh về một thế giới không còn hi vọng, tan hoang vì tai họa, bị xâm chiếm bởi những cá nhân tầm thường, đôi khi còn hung ác và bất lương. Trong thế giới ấy, niềm hạnh phúc, phẩm giá và tình yêu không có chỗ. Nói đúng hơn, chúng bị lạc chỗ, chúng chỉ hiện lên như những ốc đảo xa xôi, gần như là kỳ diệu, ngụ giữa một đại dương của nỗi đau khổ, sự dửng dưng và cái ác.
Còn tệ hơn nữa, chính các nhà văn lại thường mang các ám ảnh tình dục. Đôi khi họ là kẻ bợm rượu, thỉnh thoảng là con nghiện các thứ thuốc hạng nặng. Chẳng hạn như tôi, từ hơn 40 năm nay, là con nghiện thuốc lá nặng. Nếu các nhà văn cần tất cả những thứ ấy để bảo trợ cho sự sinh tồn của họ thì viễn cảnh thế giới họ bày ra – thứ họ mang, những thứ tốt nhất họ có để chia sẻ cho chúng ta – là một viễn cảnh sầu muộn và tai ương.
Trong hoàn cảnh như vậy, có thật chính đáng khi chúng ta ca ngợi các nhà văn, và đặt cho họ niềm ngưỡng mộ và trọng vọng của số đông?
Câu trả lời là có.
Văn chương không chỉ đóng góp cho tri thức sinh sôi, hay cho tiến bộ về đạo đức của con người. Văn chương còn đóng góp cốt yếu cho sự sống an lạc của chúng ta mà không hình thức nghệ thuật nào khác có thể thay thế.
Tôi thấy cần phải đưa ra những nhận định tương đối riêng rẽ để giải thích vì sao tôi lại đi đến niềm tin như vậy.
Cũng như số đông mọi người, tôi khám phá ra lạc thú trước khi khám phá ra nỗi đau khổ. Với những đứa trẻ, lạc thú thông thường là những món quà ngon, tuy hồi bé tôi không phải là đứa trẻ thích ăn quà bánh. Sau đó một chút, tôi khám phá ra tình dục; đây là thứ khiến tôi mê muội gần như lập tức. Và sau đó, dần dà là những lạc thú khác; chúng cũng không quá đặc biệt để phải kể lại.
Riêng điểm này làm tôi bất ngờ: từ hàng nghìn năm nay, sự tinh khéo của con người được viện đến để tạo ra những đồ vật mới, sản phẩm mới. Từ nhiều thế kỷ nay, tài năng và sự tháo vát đó được phát huy nhờ bệ đỡ là nền công nghiệp và chủ nghĩa tư bản, nhờ chúng mà con đường đi đến phát minh được rút ngắn và rộng mở. Nhưng sự tinh khéo ấy chưa bao giờ thành công trong việc tạo ra bất cứ thứ gì chạm gần tới tình dục, thứ được ban tặng cho con người bởi sự tồn tại đơn thuần của cơ thể chúng ta.
Tuy vậy tình dục, hay thậm chí là những món ngon vật lạ, chỉ chạm được tới những khu vực hạn chế của cơ thể người. Nỗi đau khổ thì trái lại – nó là thứ thông thường sau này ta mới khám phá ra, thứ mà càng có tuổi người ta càng hiểu hơn – nỗi đau có thể tấn công bất cứ phần nào của cơ thể, nỗi đau mang những kích thước và hình hài có thể kéo dài đến vô tận. Không ai trong chúng ta có thể phản bác điều này: nỗi đau tinh vi hơn, đa dạng và nhiều hơn là lạc thú.
Tôi không tin vào nỗi sợ cái chết. Tôi nhớ đến triết lý gắn liền với niềm vui của Epicurus, triết gia Hy Lạp cổ: ta tồn tại thì cái chết không tồn tại, và khi cái chết tồn tại thì ta cũng không còn. Tức là chúng ta không bao giờ gặp gỡ cái chết, chúng ta không có điểm gì chung với nó. Lý lẽ ấy tuy đơn giản nhưng nó thuyết phục và chính xác. Nỗi sợ duy nhất mà ta có thể có là nỗi sợ cái chết của những người khác, những người thân thương với chúng ta. Và nỗi sợ duy nhất ta có thể có về phần mình, đó là nỗi sợ đau khổ.
Bức tranh The Dramatist của nghệ sĩ Irish Brigit Ganley 1909-2002.
Cuộc cách mạng Pháp là sự tàn bạo đến khủng khiếp. Có những khoảng thời gian, nó chỉ đơn thuần là đưa người lên máy chém hàng loạt. Và tôi nghĩ, trong số những con người “đợi đến lượt mình”, như cách nói của Pascal, không ai sợ cái chết. Hay nói đúng hơn là vào thời đó, vì phần lớn là người Công giáo, họ được thuyết phục rằng chết đi là tới gần hơn đến Đức ngài, đến Đấng Tạo hóa. Nhưng đổi lại, tất cả họ đều run sợ trước thời khắc khiếp đảm, thời khắc họ chưa từng có, từ lúc lưỡi dao tiến kề tới cổ họ, cho tới khi đầu họ lìa ra khỏi cơ thể.
Trong số những con người “chờ đến lượt” ấy, có khá nhiều người thích đọc. Và, trong số những người thích đọc, có những người đã kịp gài dây ruy băng đánh dấu sách vào trang sách họ bỏ dở, ngay trước khi được đao phủ dìu lên đoạn đầu đài. Điều này đã được nhiều người chứng kiến kể lại. Tất cả sách vào thời đó đều có dải ruy băng đánh dấu sách.
Trong tình cảnh như vậy thì việc gài dây đánh dấu sách có ý nghĩa gì?
Nó chỉ có thể nói lên một điều, rằng thời điểm mà họ đọc, người đọc được đắm chìm vào trong cuốn sách, họ được cắt đứt hoàn toàn với thế gian xung quanh dầu chỉ trong một vài phút.
Ngoại trừ một cuốn tiểu thuyết hay, còn điều gì khác có thể tạo nên tác động như vậy? Không thứ gì hết.
Có lẽ trong tương lai sẽ chẳng có cuộc Cách mạng Pháp nào mới được tạo ra.
Nhưng có một tình cảnh khác cũng khủng khiếp không kém, lại càng đáng gờm hơn từ một thế kỷ qua và vẫn đang trên đà thăng tiến: những xét nghiệm y khoa. Một thế kỷ trước, con người chỉ có máy chụp X-quang. Giờ đây chúng ta có máy chụp cộng hưởng từ MRI và nhiều thiết bị hiện đại khác. Điều đó tốt chứ, y khoa đang phát triển không ngừng. Song, những con người cá nhân khi càng có tuổi càng dễ bị rơi vào tình cảnh là họ phải chờ đợi kết quả chẩn đoán sẽ quyết định vận mệnh mình trong vài tháng tới, hay may mắn là vài năm. Nó là thứ sẽ quyết định khoảng thời gian họ còn tồn tại trên quãng đời.
Ta thấy mình ở trong phòng đợi của bệnh viện, có thể là một giờ hay hai giờ – đó là chuyện bình thường vì các bác sĩ cần thời gian để đọc kết quả.
Ta phải làm gì trong hoàn cảnh đó? Cũng giống y như những gì các nhà quý tộc thời xưa bị đẩy lên đoạn đầu đài đã làm: ta đọc.
Âm nhạc không giúp ích được gì, vì âm nhạc can thiệp quá nhiều vào cơ thể, cái ta đang tìm cách quên đi. Mỹ thuật hay nghệ thuật thị giác, vì thế, càng không giúp ích. Hay như điện ảnh, ngay cả một bộ phim kinh dị giật gân cũng không đủ giúp ta dứt ra khỏi tình cảnh.
Ta cần một cuốn sách, nhưng điểm cốt yếu hơn là: không phải cuốn sách nào cũng phù hợp. Dĩ nhiên không phải sách triết học hay thi ca. Một cuốn kịch, cũng tạm được; nhưng tốt hơn hết, hãy đặt vào tay mình một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn. Ta sẽ nhất thiết cần một câu chuyện kể, và do đó tốt nhất là một tác phẩm hư cấu; một cuốn sách tiểu sử dĩ nhiên không thể mạnh ngang bằng cuốn tiểu thuyết.
Khi còn trẻ, tôi từng nghĩ thi ca là thể loại văn chương vượt trội hơn tất thảy; tới giờ, đôi lúc tôi vẫn nghĩ như thế. Đúng thực là sự kết nối của thanh âm và của ngữ nghĩa, thêm vào đó là những hình ảnh nào đó phóng hiện ra trong tâm trí, chúng đem lại những hiệu ứng mà không hình thức sáng tạo văn chương nào tạo ra được.
Và đúng, tôi vẫn nghĩ rằng thi ca là thứ đẹp đẽ hơn, nhưng đồng thời, tôi cũng bắt đầu nghĩ rằng tiểu thuyết mới lại là thứ cần thiết hơn.
Trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của tôi, Anéantir (Tiêu diệt), nhân vật chính cuối cùng gặp phải tình cảnh rất bi đát. Anh ta mắc bệnh ung thư và mặc dù vẫn còn cơ hội sống, anh ta sẽ buộc phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật cắt bỏ, bi đát đến mức đến cả chính những bác sĩ phẫu thuật cũng do dự khi đề xuất với bệnh nhân.
Song, có một khía cạnh trong cuộc chữa trị ấy, không đặc biệt đau đớn nhưng khá bất tiện về mặt thể xác, đẩy nhân vật ấy phát hiện ra ích lợi của tiểu thuyết. Anh ta phải chịu đựng những lần tiêm truyền kéo dài từ bốn đến sáu giờ, và để quên đi cái đau và nỗi khó chịu, để gột bỏ mong muốn thường trực là giật tung mớ dây nhợ, anh ta tìm thấy một việc để làm, đó là đọc Conan Doyle.
Tôi muốn nhắc ngắn gọn rằng Conan Doyle là một tác giả Anh, và theo tôi, ông ta viết ra rất nhiều thứ hấp dẫn, nhưng tác phẩm nổi tiếng nhất mà không ai có thể phản bác chính là những câu chuyện về Sherlock Holmes.
Ở đây, tôi muốn hướng sự chú ý của các bạn tới một điểm, vì rằng lựa chọn Conan Doyle có thể dẫn tới sự mơ hồ nhất định. Chúng ta có thể tin rằng phẩm chất quan trọng nhất của một cuốn tiểu thuyết giúp ta thoát khỏi tình trạng đau đớn và vật lộn của tâm trí – chẳng hạn, khoảng thời gian tiêm kéo dài vài tiếng, hay đợi kết quả chẩn đoán – chính là thứ mà người Anh gọi là “page turner”: một quyển sách mê ly, một thứ thực sự níu giữ khiến ta phải bực mình khi bỏ ngang việc đọc.
Đó là phẩm chất quan trọng, đích thực quan trọng, nhưng tôi tin đó chính là điều quan trọng nhất.
Tôi muốn mời bạn làm một thử nghiệm đơn giản. Nằm ra bãi biển đẹp một chiều hè. Cầm lên một cuốn truyện Sherlock Holmes. Chỉ trong chưa đầy một trang, nếu như Conan Doyle có chủ đích, bạn sẽ thấy mình đang hiện diện ở giữa London, trong một đêm đông giá lạnh và ướt át vì mưa, sương mù tỏa vây những con phố, hoặc có thể bạn hiện diện trong một căn hộ phố Baker, ở gần lò sưởi đang kêu rù rù. Conan Doyle có thể chuyển ta đến bất cứ nơi nào và khi nào ông muốn, đặt ta ở bên cạnh bất cứ nhân vật nào ông chọn. Và ông có thể làm điều đó, thực sự, chỉ trong chưa đầy một trang sách.
Các bạn có thể đợi tôi thuyết giảng rằng ông ấy làm điều đó như thế nào, những chi tiết nào giúp ông di chuyển độc giả vào bên trong thế giới mà tác giả tạo nên. Nhưng chẳng ích gì. Mỗi nhà văn đều có phương thức của riêng họ, đơn giản vì mỗi vũ trụ nhận thức, mỗi nhân sinh quan của họ là khác nhau.
Hay ta có thể đưa cho từng nhà văn một bài tập là họ thể hiện hết vốn liếng của mình ra mỗi trang giấy, xem cái cách họ lao động ra sao. Nhưng chẳng ích gì. Họ không thể làm được, vì viết từ sự phản tư có ý thức là cái lá chắn. Nhà văn có thể cảm giác được vào thời khắc họ viết, rằng điều gì là quan trọng, nhưng họ sẽ quên béng đi ngay vào lúc họ bước sang một trang khác. Thỉnh thoảng khi đọc lại, nhiều năm sau, họ sẽ nói: đây và đây này, chi tiết này hay đấy; nhưng đó chính xác là cách một cuốn sách được đọc bởi một người khác.
Bởi thế nhìn chung là vô ích khi ta tự hỏi, hay yêu cầu tác giả giải thích vì sao có những trang sách lại hấp dẫn tới như vậy; họ không biết được đâu. Tốt hơn là ta nên đợi các học giả chỉ ra các chi tiết quan trọng, những nét riêng, hay các phương pháp hữu ích cho việc neo giữ độc giả.
Tôi là một nhà văn, nhưng trên hết, cả đời tôi là một độc giả. Tôi dành nhiều thời gian để đọc hơn để viết. Và cuộc đời độc giả của tôi, khác với cuộc đời tác giả, dẫn tôi tới một vài kết luận cốt yếu, như điều tôi trình bày ở bài diễn thuyết ngắn này.
Lý do tồn tại cốt yếu của tiểu thuyết nằm ở chỗ con người nhìn chung là một bộ não quá phức tạp, quá trù phú cho sự tồn tại mà nó dẫn dắt. Tiểu thuyết, với con người, không phải là một lạc thú. Nó là sự cần thiết. Sự cần thiết của những cuộc đời khác, khác với cuộc đời của mỗi người đọc, đơn giản là bởi chỉ riêng cuộc đời anh ta là không đủ. Những cuộc đời khác đó không nhất thiết phải hấp dẫn, chúng có thể hoàn toàn buồn tẻ. Những cuộc đời đó có thể trải qua nhiều sự kiện trọng đại, hoặc không trải qua gì hết. Chúng không nhất thiết phải lạ: chúng có thể xuất hiện 5 thế kỷ trước, ở một lục địa khác; chúng có thể hiện diện ở ngay căn hộ kế bên. Điều quan trọng là chúng khác.
Việc cần những cuộc đời khác, xét rộng ra, cũng mang tính chính trị, bởi dường như cho đến nay không ai có thể nói một giải pháp chính trị nào cho mỗi cuộc đời riêng là tuyệt đối hợp lý và xác đáng.
Tôi nghĩ rằng một giải pháp như thế cho cuộc đời chúng ta, trên hết cả, cần phải gần gũi bản thân ta cả về mặt thể xác lẫn tình cảm; nhưng, ở đó, dường như không có giải pháp phù hợp nào xuất hiện.
Tôi không tin chút nào rằng giải pháp ấy cần viện tới cái gọi là thực tế ảo hay một vũ trụ ảo (metaverse); tất cả đều là bánh vẽ.
Sự thật là cho đến nay, văn học vẫn là thứ duy nhất làm được công việc ấy, đem lại chính thứ chúng ta cần. Tất nhiên, đòi hỏi về những cuộc đời khác sẽ càng gia tăng, càng bức thiết khi hoàn cảnh của chính cuộc sống chúng ta càng trở nên đau đớn và ác nghiệt. Đó là lý do tại sao, bất chấp mọi điều tôi đã nói ở phần đầu, có lẽ việc tôn vinh các tiểu thuyết gia là chính đáng.
MICHEL HOUELLEBECQ
TRẦN QUỐC TÂN
Dịch từ tờ Le Figaro, Pháp ngày 30.8.2022
_____________
(*) Bài diễn từ của Michel Houellebecq tại Đại học Kore ở Enna, Sicily (Ý) ngày 16.6.2022 khi tác giả nhận bằng tiến sĩ danh dự.
 
24/11/2022
Tô Hoàng
Nguồn: Báo Văn học Nga - 8/2022
Theo https://vanhocsaigon.com/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhặt từng mong manh

Nhặt từng mong manh Mùa yêu đã tận/ Dòng đời trôi nhanh/ Mình em lận đận/ Nhặt từng mong manh// Lạ gió lạ mây/ Đường xưa mưa nhỏ/ Mưa chạm...