Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Thi pháp Haiku hiện đại - Thể thơ thế giới

Thi pháp Haiku hiện đại
Thể thơ thế giới

Chủ đề của haiku hiện đại có thể đa dạng, không cứ về thiên nhiên, mà về toàn thể tạo hóa. Ở Nhật, mặc dù nhiều nhà thơ tiếp cận theo hướng truyền thống bốn mùa, số khác vẫn nỗ lực kế thừa tinh thần cách tân của Shiki, đi tìm những chủ đề mới khác với đề tài thiên nhiên. Vào thập niên 1930, một số thi sỹ dẫu theo thể cố định đã phát động phong trào “Tân Hưng Haiku” nói ở trên với mục đích thể hiện bất cứ đề tài nào họ muốn trong haiku. Phong trào này đã trở thành một đợt sóng mạnh mẽ…
Nhà thơ cách tân Haiku, Masaoka Shiki (1867-1902)
Một điểm nhìn mới về Haiku hiện đại
Haiku, ở một mức độ nào đó, tiếp nhận các đặc tính truyền thống của thơ “haikai” thời Edo (1603–1868) và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc Cách tân Haiku của Masaoka Shiki (1867–1902) vào cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên, haiku hiện đại như là một thể thơ đương đại thì chỉ tính từ thế kỷ 20 đến thế kỷ 21, và có những đặc thù hiện đại của riêng nó. Ở đây, haiku hiện đại sẽ được xem xét trong so sánh với haiku truyền thống.
Cuộc Cách tân Haiku dưới ánh sáng thời nay
Khác biệt lớn nhất giữa haiku đầu thế kỷ 21 và haiku thời trước nằm ở chỗ, ngày nay haiku không còn là thể thơ riêng của nước Nhật. Haiku trong thế kỷ này đã trở thành một thể thơ thế giới, được thưởng thức ở hàng chục quốc gia: tức là, haiku được đọc và sáng tác bằng nhiều ngôn ngữ. Từ giữa thế kỷ 20, nhiều loại hình nghệ thuật đã được toàn cầu hóa và tiến trình đó càng được đẩy nhanh với mạng internet. Theo cùng cách ấy, haiku cũng trở nên quốc tế hóa. Dẫu vậy, do thể luật của haiku mang đậm tính Nhật nên một số nhà thơ haiku Nhật theo khuynh hướng bảo thủ cảm thấy những vần thơ của Basho và các thi hào khác khi dịch sang một ngôn ngữ khác thì không còn giống với nguyên tác. Thế nhưng, họ hãy nhớ rằng chính nước Nhật cũng đã tiếp nhận nhiều loại hình văn chương, được dịch sang tiếng Nhật, từ Ấn Độ và Trung Quốc thời xưa, và từ châu Âu những năm gần đây hơn.
Lại cần nói thêm rằng, kỷ nguyên hiện đại của chúng ta không phải thời điểm gặp gỡ đầu tiên giữa haiku và thế giới. Haiku đã được giới thiệu tới châu Âu gần như cùng lúc với thời gian của cuộc Cách tân Haiku do Shiki chủ xướng. Shiki là người khởi dựng cho thể thơ haiku ngày nay. Trong thập niên 1880, ông đã cải cách haikai, thể thơ liên ca hợp tác truyền thống và là tiền thân của haiku, thành thể thơ một dòng hiện đại chỉ do một người soạn tác, và gọi nó là haiku. Shiki cải cách haiku như vậy là bởi ông cho rằng thơ haikai cũ đã trở nên sáo mòn. Tuy nhiên, nếu chỉ thuần túy vì lý do đó, ông có lẽ chỉ cần tái thiết lại haikai về đề tài, chất liệu và kỹ thuật. Nhưng sự cách tân không dừng lại ở đó; ông đã thực hiện một cuộc đại phẫu thay đổi ngay chính hình thức thơ. Dường như lý do thực sự cho việc cách tân về thể thơ nằm ở chỗ thời đại của Shiki chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ cuộc hiện đại hóa theo phương Tây. Chứng kiến xã hội Nhật đang trong đà hiện đại hóa/Tây hóa, có thể ông cảm thấy rằng nếu haikai cứ tiếp tục lối cũ thì sẽ chẳng ai còn hứng thú với nó nữa. Kết quả từ công cuộc cách tân ấy của Shiki, haiku đã nở rộ trên đất Nhật và ngày nay lan tỏa khắp toàn cầu.
Sau khi haiku được giới thiệu ra châu Âu, cho đến giữa thế kỷ 20, chỉ một số ít nhà thơ ở các nước phương Tây, có thể kể đến Ezra Pound (1885–1972), quan tâm tới thể thơ này. Phải đến nửa sau thế kỷ 20, haiku mới bắt đầu mê hoặc nhiều thi sĩ hơn nữa trên thế giới. Giờ đây, haiku đã phổ biến trên toàn cầu, và dễ thấy rằng haiku như một thể “thơ thế giới” sẽ tác động trở lại haiku Nhật gốc trong tương lai, vì mọi thứ đều trở nên toàn cầu hóa ở kỷ nguyên này. Sau tất cả, tình huống toàn cầu hóa của haiku ngày nay gần như đồng cấu với tình huống của thời Shiki; cả hai đều chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố từ bên ngoài nước Nhật. Tuy nhiên, do quá trình phát triển của haiku ôm vào nó nhiều nhân tố nội, ngoại khác nhau, không nên coi sự tiến hóa đó chỉ mang tính thụ động. Ngoài cuộc cách tân của Shiki, trong thời gian chiến tranh, haiku còn chịu tác động do cuộc đàn áp “Phong trào Shinko-Haiku (Tân hưng Haiku)” phản chiến từ phía cảnh sát, và sau Thế chiến, chịu thêm búa rìu từ bài “Luận về Haiku như một Nghệ thuật thứ cấp” của nhà nghiên cứu và phê bình văn học Kuwabara Takeo. Đây là những áp lực đến từ bên ngoài thế giới haiku, nhưng haiku đã vượt qua những phép thử đó và phát triển càng mạnh mẽ hơn.
Tính ngắn gọn
Đặc điểm của haiku là ngắn gọn. Nó là thể thơ ngắn nhất ở Nhật. Tính ngắn gọn này thường được xem có nguồn gốc từ xa xưa, nhưng trên thực tế, vào thế kỷ 17 – thời của Basho, thể haiku còn chưa tồn tại; “Haikai-no-renga” (bài hài liên ca), tiền thân của haiku, thì dài hơn rất nhiều. Haiku mà chúng ta biết, như đã nói ở trên, xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, khoảng hơn 100 năm trước, có nghĩa rằng nó ra đời như một thể thơ hiện đại. Đây là lý do vì sao haiku thường có vẻ rất hiện đại. Basho thực chất không phải một nhà thơ haiku mà là một bậc thầy haikai, ông coi trọng “hokku” (phát cú – cú 17 âm đầu của một bài haikai) cũng như người soạn ra nó, và Basho đã nâng hokku lên tầm nghệ thuật.
Trong lịch sử thơ ca cổ điển thế giới, từ Homer đến thời Trung Cổ, rồi thời kỳ đầu hiện đại, châu Âu có truyền thống sáng tác các sử thi dài, ở đó, nhà thơ nỗ lực miêu tả trạng huống của sự vật một cách kỹ lưỡng sao cho người đọc hiểu được rõ ràng. Haiku ngược lại, nằm ở thái cực kia của bức phổ. Nguyên do haiku quá đỗi ngắn có thể là vì dưới thời chính quyền Kyoto và sau đó là Mạc Phủ Edo ở Nhật, quyền lực chính trị và cùng với đó các kiểu văn hóa được hợp nhất ở kinh đô. Hệ quả là, thị dân đủ học vấn để thưởng thức haikai có thể gợi lên một hình ảnh tương đồng từ quý ngữ trong một bài thơ. Những hình ảnh này được đặt cùng nhau vào “saijiki” (Tuế Thời Ký – từ điển các từ chỉ mùa).
Trong lịch sử văn chương thế giới, thơ ca có xu hướng thay đổi từ dài thành ngắn: từ sử thi đến thơ trữ tình và gần đây là haiku. Trong thời đại của chúng ta, nhờ vào các lực hợp nhất của việc toàn cầu hóa và mạng internet, thi sĩ trên khắp thế giới có thể có chung những ý tưởng tương đồng từ một sự vật, và do đó, haiku có thể là thứ thơ ca thế giới cho nhiều kiểu người khác nhau.
Ở bất cứ ngôn ngữ nào, haiku đều rất ngắn, ít diễn tả, đối lập với truyền thống thơ ca phương Tây. Bản chất ít diễn tả của nó dẫn đến việc quan hệ giữa các từ trong một bài haiku trở nên kém rõ ràng. Người đọc phải lấp vào những khoảng trống ấy bằng trí tưởng tượng của họ. Như thế, với haiku hiện đại, việc đọc là tối quan trọng: người đọc phải tham gia vào mỗi bài haiku mà hoàn thiện nó. Nghịch lý của sự thiếu miêu tả có lẽ là một đặc điểm hấp dẫn giúp cho haiku lan tỏa rộng rãi trên thế giới.
Thể thơ
Thể chính yếu của haiku trong tiếng Nhật là 5-7-5-on (âm). Như vậy, haiku Nhật là loại thơ có thể thức cố định với nhịp điệu từ bên ngoài. Tuy nhiên, haiku trong các ngôn ngữ khác chủ yếu là thơ tự do ba dòng. Cho dù một số nhà thơ bên ngoài nước Nhật thử làm với kiểu 17 âm tiết, nhưng đó chỉ là thiểu số. Và nữa, có những người thử làm với kiểu thơ một dòng theo dạng haiku Nhật gốc, hay số khác thử với thể hai dòng hoặc hơn ba dòng, tất cả những kiểu như thế chỉ là ngoại lệ. Ta có thể nói rằng, về haiku bên ngoài nước Nhật, kiểu thơ nguyên gốc 17-on với ngoại nhịp đã chuyển hóa thành thể thơ ba dòng với nội nhịp. Thể thơ ba dòng này rất dễ nhận biết và dường như là một nhân tố khác cho việc truyền bá rộng rãi của haiku trên thế giới.
I found my/ cat - one/ Silent star [1]
Tôi tìm thấy
con mèo của mình
tĩnh lặng một vì sao
Jack Kerouac
Khi xem xét định nghĩa thế nào là haiku ở các phần lãnh thổ khác của thế giới ngoài nước Nhật, chúng ta phải thừa nhận một điều rằng nó không phụ thuộc vào kiểu thức cố định 17-on. Trên thực tế, kiểu thức của haiku thế giới khác về căn bản so với haiku Nhật gốc. Thế thì đâu là điểm chung của haiku giữa Nhật và thế giới? Có một gợi ý cho vấn đề này khi ta nhìn vào lịch sử haiku Nhật. “Haiku Tự Do” (Jiyuritsu Haiku), khoảng năm 1910, là một phong trào cách tân khác nhằm mục đích giải phóng haiku khỏi niêm luật 17-oncố định và quý ngữ.
片つ方の耳にないしよ話しに来る
Katatsukata no mimi ni naishi yo hanashi ni kuru
To one of my ears, she comes to tell a secret [2]
Nàng đến thì thầm vào một bên tai tôi điều bí mật
Hosai Ozaki 
Haiku Tự Do đã thành công và vẫn được đọc rộng rãi trong thế kỷ 21. Điều đó cho thấy haiku không nhất thiết phải có thể cách cố định hay quý ngữ ngay cả trong tiếng Nhật. Từ sự thật lịch sử này, ta có thể rút ra một đặc điểm khác của haiku: thể thơ haiku chứa đựng một thi tính với khả năng đổi mới, thậm chí là xa rời chuẩn mẫu. Mặc dù đa số các nhà thơ haiku Nhật ngày nay vẫn sáng tác với thể cố định, dưới đây là một ví dụ về haiku tự do hiện đại viết bởi một thi sĩ cũng làm cả haiku 17-on.
Watch again/ Jesus’s despair/ made of rocks [3]
Nhìn lại
nỗi thất vọng của Jesus
làm từ đá
Ban’ya Natsuishi
Bài haiku trên trong nguyên tác tiếng Nhật được viết theo thể tự do chứ không theo thể cố định 17- on thông thường. Người đọc dễ nhận thấy ở bản dịch, không có khác biệt rõ ràng giữa haiku Nhật thể cố định với thể tự do. Tuy nhiên, thông qua nhịp điệu và chủ đề của nó, bài thơ được sáng tác hướng ra thế giới – cái thế giới vẫn đang đi tìm một tiêu chuẩn cho haiku.
“Cắt” (kire) là một yếu tố kỹ thuật. Đối với những thể thơ ngắn như haiku, kỹ thuật cắt có thể rất hiệu quả. Tại Mỹ, nó được diễn giải thành “phép đặt cạnh nhau” (juxtaposition). Ở hai bài thơ trên, mấy chỗ “nàng đến…” (ni kuru) và “nhìn lại…” (watch again) không sử dụng các lối cắt truyền thống hay đặt cạnh nhau các hình ảnh. Cho dù vậy, ta vẫn không thể kết luận đơn giản là chúng không có sự cắt. Dường như những thảo luận về kỹ thuật cắt cần có đặc điểm gì trong haiku hiện đại cho đến nay là chưa đủ. Nhưng ít nhất, ta có thể khẳng định đã có những khác biệt với phương thức truyền thống của haiku cổ điển.
Chủ đề
Trong thập niên 1910, Kyoshi Takahama, một trong số những môn đệ của Shiki đã chủ trương haiku nên là thể thơ 5-7-5-on và liên quan tới các mùa. Quan niệm đó hàm ý rằng mỗi tác phẩm haiku đều nên chứa đựng một “từ chỉ mùa”, tức quý ngữ (kigo). Hokku vốn có truyền thống sử dụng quý ngữ để gợi mở bốn mùa, và lời khẳng định của Kyoshi đặt cơ sở trên truyền thống ấy. Với nhiều nhà thơ Nhật, các chủ đề về thời tiết bốn mùa thường rất dễ hiểu và kết nối trực tiếp với đời sống của họ. Vì lẽ đó, quan niệm trên được đồng thuận rộng rãi. Tuy nhiên, bên ngoài nước Nhật lại không có từ điển các từ chỉ mùa như ở Nhật. Các nhà thơ haiku ở những nơi khác trên thế giới muốn theo truyền thống Nhật, thay vì sử dụng các quý ngữ, lại có suy nghĩ hơi khác. Họ xem haiku như một kiểu thơ về thiên nhiên. Cách nhìn này khá thông dụng ở nhiều nước. Đồng thời, tại những nước đó, nhiều nhà thơ cũng không quan tâm tới chủ đề thiên nhiên: họ viết haiku theo cảm năng của bản thân và theo các truyền thống thơ ca ở xứ sở của họ.
Hơn nữa, ngay cả ở Nhật, haiku không nhất thiết phải theo truyền thống; nó mở ra những thử nghiệm mới. Chủ đề của haiku hiện đại có thể đa dạng, không cứ về thiên nhiên, mà về toàn thể tạo hóa. Ở Nhật, mặc dù nhiều nhà thơ tiếp cận theo hướng truyền thống bốn mùa, số khác vẫn nỗ lực kế thừa tinh thần cách tân của Shiki, đi tìm những chủ đề mới khác với đề tài thiên nhiên. Vào thập niên 1930, một số thi sỹ dẫu theo thể cố định đã phát động phong trào “Tân Hưng Haiku” nói ở trên với mục đích thể hiện bất cứ đề tài nào họ muốn trong haiku. Phong trào này đã trở thành một đợt sóng mạnh mẽ.
Insist on the hairpin/ in the rain/ of ash [4]
Nài chiếc cặp tóc
trong làn mưa
tro
Kakio Tomizawa
Bài haiku này, làm nổi bật hình ảnh “chiếc cặp tóc”, thể hiện một phong cách mới. Trong khi nhiều người nghĩ haiku chỉ là một thể thơ truyền thống, những hướng tiếp cận như thế này, tiếp nối tinh thần cách tân của Shiki, có thể được xem là tương đối sớm trong lịch sử haiku.
Đa phần các nhà thơ Nhật đều viết haiku trong một dòng, haiku nhiều dòng là một thử nghiệm mới ở nửa cuối thế kỷ 20. 
Holding a lyre
a nameless
god
drifted ashore [5] 
Cầm cây đàn lia
một vị thần
không tên
trôi giạt vào bờ
Shigenobu Takayanagi 
Nhà thơ xuất chúng này, trong thập niên 1970, chủ yếu viết haiku bốn dòng thay vì ba dòng; dẫu vậy, dường như ông đã dự báo trước cho sự phong nhiêu của haiku ba dòng ngày nay. Bài haiku trên không phải một phác họa về thế giới tự nhiên trước mắt chúng ta, cũng không miêu tả thời khắc hiện tại – như vẫn gọi “haiku thời khắc”. Nó cố gắng theo dấu những ký ức thơ trở ngược về tinh thần sáng tạo của thi sỹ, gợi lên một vùng đất tưởng tượng và con người nơi đó. Lối tiếp cận này, khởi đầu từ cá thể, chuyển qua những nhóm người, và vươn ra toàn thế giới, tỏ ra hiệu quả thay cho những chủ đề mùa. Thi sỹ ở khắp nơi có thể thử sức với kiểu chủ đề này bằng khả năng tưởng tượng của họ.
Đi tìm Tinh thần Haiku
Định nghĩa chính xác về thể thơ haiku trên thế giới gần như là điều không thể. Dẫu chỉ xét trong nước Nhật, ý niệm “thể thơ cố định về bốn mùa” lấy từ bách khoa toàn thư cũng không thể đem áp dụng cho toàn bộ lịch sử haiku Nhật được. Do đó, định nghĩa về haiku hiện đại ở Nhật cũng như trên thế giới nên là “một thể thơ ngắn mang tinh thần haiku truyền thống, bảo tồn những giá trị đậm chất thơ của nó, và đồng thời truy cầu những tinh thần haiku mới”. Bất cứ bài haiku xuất sắc nào cũng biểu lộ ý niệm này. Bởi thế, haiku cốt ở cái tinh thần, không phải ở hình thức: Điểm mấu chốt không nằm ở phong cách mà ở chính cái tinh thần của haiku. Vậy tinh thần haiku là gì? Quả thực, nhận định chính xác điều này cũng thật khó. Tuy nhiên, ta có thể nói rằng đó là một cảm thức mà thể thơ haiku có được từ khởi nguồn của nó, và các thi sĩ haiku có thể cảm nhận một cách vô thức. Sau tất cả, haiku có thể dung hòa cả tinh thần truyền thống lẫn cách tân.
Chú thích:
[1] Jack Kerouac, Book of Haikus (Penguin, 2003), tr. 4.
[2] Hosai Ozaki, “The Sky”, Japanese Poets Collection 30 (Shincho-sha, 1969), tr. 133.
[3] Ban’ya Natsuishi, World Haiku 10 (Shichigatsudo, 2014), tr. 40.
[4] Kakio Tomizawa, “Revelation”, The World of Modern Haiku Vol. 16 (Asahi, 1985), tr. 98. Dịch sang tiếng Anh: Toshio Kimura.
[5] Shigenobu Takayanagi, “Collection of Mountains and Oceans”, Complete Works of Shigenobu Takayanagi Vol. 1 (Rippu Shobo, 1985), tr. 194. Dịch sang tiếng Anh: Toshio Kimura.
dịch thuật haiku Nhật hiện đại haiku thế giới lý luận Toshio Kimura.

27/6/2020
Toshio Kimura
Đinh Trần Phương dịch
Nguồn: World Haiku số 13 của WHA, 2017
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Viet Nam Thu Quan Trangchính Trang Truyện Trang Thơ Nhạc Online Khác biệt giữa thơ, văn Thơ văn là hai từ thường đi chung vớ...