Rượu của Nguyễn Cao Kỳ
Sao rượu bỗng dưng thành đắng đót
Trong tập thơ Nheo mắt nhìn thế giới (NXB Văn học
2008) của Bằng Việt, có một bài thơ được nhiều người quan tâm. Đó là bài Rượu
của Nguyễn Cao Kỳ.
Toàn văn bài thơ như sau:
Vị Thiếu tướng Công an cầm chai rượu ra bàn
– “Ông Nguyễn Cao Kỳ mới về gửi tặng”
Mọi người đang vui gật gù bảo “Uống”
Nhưng có một người bảo “Không”.
Vì sao không? Rượu cứ ngon là rượu!
Whisky Mỹ hay Vodka Nga, giờ có mặc cảm gì.
Chiến tranh lạnh qua rồi, ba mươi năm sau chống Mỹ.
Đây là chén rượu thăm quê của tướng Nguyễn Cao Kỳ!
Nhưng vẫn có một người không chịu uống!
Vì sao không? Chẳng cố chấp quá ư?
Cậu là lính phòng không, chúng tớ đều cựu chiến binh cả chứ!
Cũng bom đạn, cũng Trường Sơn, cũng vào sinh ra tử,
Sống đến hôm nay, đâu phải để hận thù!
Có phải tự đáy lòng không vượt qua mặc cảm?
Không vượt qua nỗi buồn của cuộc chiến tranh xưa?
Không vượt qua chính mình , không vượt qua quá khứ.
Vết thương cũ còn đau khi gió chuyển sang mùa …
Đám đông ồn ào của chúng tôi cứ uống
Anh bạn chỉ ngồi im, cũng chẳng nói thêm gì…
Và bữa rượu, bỗng dưng thành đắng đót
Chẳng phải tại vì ai, kể cả Nguyễn Cao Kỳ!
2007
Tính đến nay, bài thơ ra đời đã 10 năm. Câu chuyện đặt ra
trong bài thơ, cũng đã ngoài 40 năm. Người trong cuộc được nhắc tới, ông Nguyễn
Cao Kỳ (1930 – 2011), nguyên Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ, đã ra người
thiên cổ, về với cát bụi. Nói thêm, con người này, sinh thời, kể từ năm 2004,
đã nhiều lần về Việt Nam và là một biểu tượng của tinh thần hòa hợp hòa giải
dân tộc. Khi về nước lần thứ hai, ông Kỳ nói: “Rồi chim lại bay về tổ”.Tướng Nguyễn Cao Kỳnhân vật trong
bài thơ của Bằng ViệtBài thơ bắt đầu bằng chai rượu của vị tướng phía bên kia tặng
cho vị tướng phía bên này. Chỉ vậy thôi nhưng cũng đã thấy một tấm lòng. Chai
rượu không chỉ chai rượu, đó là cầu nối, là niềm tin trao gửi cho nhau. Bài thơ
có hơi hướm nghị luận, mượn rượu để nói những vấn đề ngoài rượu. Ngôn ngữ và
hình ảnh có tính đa nghĩa, kể cả việc lặp lại đến 3 lần tên riêng Nguyễn Cao Kỳ.
Mở đầu:
Vị Thiếu tướng Công an cầm chai rượu ra bàn
– “Ông Nguyễn Cao Kỳ mới về gửi tặng”
Mọi người đang vui gật gù bảo “Uống”
Nhưng có một người bảo “Không”.
“Uống” hay “không” không còn là việc của các cá nhân ngồi
trong tiệc rượu. Chung quanh mâm rượu là thế hệ đã cầm súng ở nhiều chiến trường,
hôm nay, đang gác lại quá khứ, vượt lên chính mình, hướng tới tương lai. Nhưng,
không dễ. Lúc này, chai rượu đã rẽ ra hướng khác. Vậy là, “chén rượu thăm quê của
tướng Nguyễn Cao Kỳ” đã nhuốm mùi vị đắng cay của lịch sử. Hóa ra, sau chai rượu,
ẩn hiện bao vấn đề thời sự. Giá, nếu bấy giờ không nói chủ nhân chai rượn, thì
rượu chỉ là rượu, một hợp chất hữu cơ, một loại đồ uống có chứa cồn, đơn giản vậy
thôi! Sẽ không có “uống” hay “không”:
Vì sao không? Rượu cứ ngon là rượu!
Whisky Mỹ hay Vodka Nga, giờ có mặc cảm gì.
Chiến tranh lạnh qua rồi, ba mươi năm sau chống Mỹ.
Đây là chén rượu thăm quê của tướng Nguyễn Cao Kỳ!
Quan sát kỹ kết cấu bài thơ, sẽ thấy ý tứ của tác giả. Giữa
bài thơ, Bằng Việt có một khổ thơ chỉ có một dòng. Dòng thơ đó như chia
bài thơ làm hai phần, chia những người ngồi trong mâm rượu thành hai phái, chia
thời gian thành hai mốc: hiện tại và quá khứ. Một dòng, lại mang nhiều ý nghĩa:
Nhưng vẫn có một người không chịu uống!
“Một người” thành một đại diện. “Một người” nhưng là một xu
hướng. Tình thế của bàn rượu không còn là bàn rượu, mà là bàn tròn thế sự. Nơi ấy,
có con người, có chiến tranh, có bom đạn Trường Sơn, có vào sinh ra tử, có hôm
qua và hôm nay:
Vì sao không ? Chẳng cố chấp quá ư?
Cậu là lính phòng không, chúng tớ đều cựu chiến binh cả chứ!
Cũng bom đạn, cũng Trường Sơn, cũng vào sinh ra tử,
Sống đến hôm nay, đâu phải để hận thù!
Qua khổ thơ này cho thấy, những người trong bàn rượu, xuất
thân từ các binh chủng, các chiến trường, còn sống và luận bàn được mất trong
cuộc chiến đã qua. Giọng điệu nhà thơ, người trong cuộc, như chùng xuống, tâm
tình, thuyết phục, gần gũi: “Cậu” – “Tớ”, “Cũng”, với nhiều dấu hỏi (?),
dấu than (!) của câu cảm.
Hai khổ thơ tiếp là những dòng tự vấn, nhiều câu hỏi tu từ vang
lên. Có đến bốn lần nhà thơ nhấn mạnh về “không vượt qua được” của mỗi con người
liên quan đến những vấn đề hậu chiến (Không vượt qua được mặc cảm/ Không vượt
qua nỗi buồn/ Không vượt qua chính mình/ Không vượt qua quá khứ). Lần thứ
hai, tác giả không ngần ngại đặt ra về “mặc cảm”, về “nỗi buồn chiến tranh”, về
trì kéo của lịch sử và cả nỗi đau có thật của thân thể khi trời đất chuyển sang
mùa. Tất cả những cái đó, không đâu xa, có ngay trong đời sống chúng ta:
Có phải tự đáy lòng không vượt qua mặc cảm?
Không vượt qua nỗi buồn của cuộc chiến tranh xưa?
Không vượt qua chính mình, không vượt qua quá khứ
Vết thương cũ còn đau khi gió chuyển sang mùa…
Những dòng thơ cuối, đỉnh điểm của dằng co giữa ồn ào và im lặng,
giữa “chúng tôi” và “anh bạn ngồi im”, vị đắng còn nguyên như buổi đầu bữa rượu
và thái độ “chỉ ngồi im, cũng chẳng nói thêm gì”: Đám đông ồn ào của chúng
tôi cứ uống/ Anh bạn chỉ ngồi im, cũng chẳng nói thêm gì…/ Và bữa rượu, bỗng
dưng thành đắng đót/ Chẳng phải tại vì ai, kể cả Nguyễn Cao Kỳ!
Hòa bình đã đến. Cuộc chiến đi qua nhiều thập niên rồi!
Nhưng, vẫn còn đó những âm vang trận mạc, những gai góc lịch sử, không thể sớm
chiều dứt bỏ: Vết thương cũ còn đau khi gió chuyển sang mùa…. Vết thương
cũ hiểu theo nhiều chiều, trách cứ ai được, kể cả Nguyễn Cao Kỳ. Phải hết sức
thông cảm!
Vấn đề còn lại, như tên một truyện ngắn của Tạ Duy Anh, “bước
qua lời nguyền”. Vâng. Phải dũng cảm “vượt qua chính mình”, dẫu chẳng dễ chút
nào! Phía trước là tương lai, là câu trả lời cho mai sau, cho nên, sẽ chẳng có
gì thay đổi, nếu: “không vượt qua quá khứ”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
viết: “Phải mất hơn 20 năm dân tộc mới đi qua được chiếc cầu Hiền Lương dài 194
mét“.
Vấn đề mà Bằng Việt đặt ra trong bài thơ Rượu của Nguyễn
Cao Kỳ cách đây 10 năm. 10 năm sau, theo thời gian, với những chuyển đổi về
nhận thức, những thúc bách của lịch sử, vào các ngày từ 20 đến 24-10-2017, tại
Hà Nội, cuộc gặp mặt lần thứ nhất “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” do
Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Tham dự cuộc gặp mặt này, có hơn 100 nhà văn tiêu
biểu ở trong nước và các nhà văn Việt Nam sống tại 12 nước trên thế giới.
Bài thơ Rượu của Nguyễn Cao Kỳ của Bằng Việt viết
theo khuynh hướng chính luận. Vấn đề là, chén rượu có tiếp tục đắng đót hay ngọt
ngào lại tùy thuộc vào thời gian, tình yêu, thiện chí và niềm tin của mỗi một
con người.
27/6/2020 Huỳnh Văn Hoa
27/6/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét