Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Thơ Nguyễn Tấn Việt - Quyền lực của sự im lặng

Thơ Nguyễn Tấn Việt
Quyền lực của sự im lặng

Nhà thơ Nguyễn Tấn Việt luôn luôn sống đúng ông cả trong cuộc đời và trong thơ. Điều ấy đã làm nên nhân cách ông và thơ ca ông. Trong bài thơ Bài thơ về các con vật, ông viết: Là con thú nào suốt đời nó thế/ Không đội lốt bao giờ. Còn con người thì luôn luôn đội lốt. Đó là những câu thơ hay, những câu thơ hiện đại, những câu thơ chứa đựng tư tưởng…
Nhà thơ Nguyễn Tấn Việt thời trẻ
Vào một buổi tối năm 1979, có một người đàn ông đến tìm tôi. Ông tự giới thiệu ông là Nguyễn Tấn Việt, biên tập thơ của Tạp chí Sáng tác Hà Sơn Bình. Đấy là thời gian tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình hợp nhất thành tỉnh mới có tên Hà Sơn Bình. Ông đến tìm tôi để nói với tôi về những bài thơ đầu đời của tôi mà ngày đó tôi đã liều lĩnh gửi cho Tạp chí Sáng tác Hà Sơn Bình. Trước đó, tôi đã từng đọc thơ của ông in trên Báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Tạp chí Sáng tác Hà Sơn Bình… Và vì thế, khi được ông đến thăm, ngực tôi tức ngạt đi vì bất ngờ và hạnh phúc.
Với những người mới cầm bút làm thơ, đặc biệt của những năm tháng trước kia, thì đó là một diễm phúc. Ông ngồi xuống trước tôi, đặt lên bàn những bài thơ viết tay của tôi và ông nói về thơ ca. Bây giờ mọi chuyện đã khác đi nhiều. Thơ ca đã không còn thiêng liêng và bí ẩn đối với quá nhiều người làm thơ trẻ như trước kia nữa. Bởi thế, sự hấp dẫn hay quyền lực, hay sự bí ẩn mơ hồ nhà thơ cũng mất đi nhiều. Nhưng thuở ấy, được gặp một nhà thơ mà mình đã đọc, đã yêu thích và kính nể thực sự là một sự kiện của tâm hồn.
Đó là một đêm tôi không bao giờ quên được trong suốt cuộc đời mình. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được nghe giảng về thơ ca từ một nhà thơ hiện hữu trước tôi. Cho đến tận bây giờ, tôi ít được nghe các nhà thơ nói về thơ ca chân thành, say đắm, huyền ảo và khúc triết như vậy. Ông chỉ cho tôi thấy những vụng về, non kém trong cách cấu tứ những bài thơ của tôi, ông nói về những câu thơ có hình ảnh và những câu thơ sáo mòn của tôi, ông dạy tôi cách khai triển một bài thơ, cách mở đầu và kết thúc một bài thơ, cách đặt tên một bài thơ…và bao điều liên quan đến thơ ca. Sau này, cứ mỗi lần được gặp ông, sự hiểu biết về thơ ca và tình yêu thơ ca cũng như tình yêu cuộc sống của tôi lại được mở rộng và lớn thêm một chút. Suốt những năm tháng ông làm việc ở Sở Văn hóa Thông Tin Hà Sơn Bình đóng tại thị xã Hà Đông là thời gian tôi được sống gần ông. Và ông đã truyền vào tôi nguồn cảm hứng thi ca mãnh liệt. Ông xuất hiện ở đâu thì ở đó ngập tràn không khí thi ca, một không khí thi ca của những cao vọng, những đắm mê, những chia sẻ và thiêng liêng. Bây giờ, người ta nói về thi ca có thể nhiều hơn nhưng lại quá nhiều những câu chuyện phiền muộn và đi ra ngoài tinh thần của nó.
Nhà thơ Nguyễn Tấn Việt tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ Hà Nội, khoa tiếng Anh. Sau khi ra trường, ông làm phiên dịch cho các chuyên gia Thụy Điển ở nhà máy giấy Bãi Bằng. Nhưng rồi, với tình yêu thơ ca, ông quyết định chuyển về làm biên tập thơ cho Tạp chí Sáng tác Hà Sơn Bình. Đó là một quyết định không dễ dàng. Bởi thời đó cuộc sống vô cùng khó khăn. Ông đã rời bỏ một công việc có thu nhập tốt để sống trong khó khăn, thiếu thốn của một công chức thời đó. Thơ ca đã lên tiếng gọi ông và ông đã đi theo tiếng gọi đó. Cho đến tận bây giờ, khi ông đã trở về sống cuộc sống của một người hưu trí ở một làng quê yên ắng thì tình yêu thơ ca trong con người ông cũng không một ngày lắng xuống. Ngọn lửa thơ ca trong ông là ngọn lửa thuần khiết. Ông chưa một lần lợi dụng thơ ca cho những mục đích cá nhân của mình. Chỉ có thơ ca đã lợi dụng một tâm hồn sâu lắng, tinh khiết, một cảm xúc mãnh liệt như đám lửa khổng lồ cháy trong bão gió và một tư duy minh triết của ông để hiện hữu trong đời sống này với một vẻ đẹp riêng của nó.
Tôi đang viết những dòng này về ông sau khi đọc xong bản thảo tập tuyển thơ của ông. Cho dù tôi vẫn đọc rải rác thơ ông trong mấy chục năm qua, nhưng chỉ đến khi đọc tuyển tập tôi mới thấy được một một cách khá đầy đủ con đường sáng tạo thơ ca của ông. Và tôi đã giật mình. Tôi giật mình bởi ông đã làm được nhiều hơn rất nhiều những gì chúng ta nhìn nhận ông cả trong lẽ làm người và việc làm thơ. Lúc này đây, tôi đang nghĩ về con đường của sự sáng tạo, con đường làm hiển lộ những vẻ đẹp đời sống của những nhà thơ chân chính. Đó là con đường đắm mê và dâng hiến đến tận cùng chứ không phải con đường của sự ồn ĩ. Tôi có viết một bài thơ nói về con đường của cái đẹp. Và bây giờ, tôi thấy bài thơ ấy phải là bài thơ đề tặng ông. Tôi mong ông chấp nhận lời đề nghị này.
Những cánh bướm
Kính tặng nhà thơ Nguyễn Tấn Việt
Đâu đấy, một cánh bướm run rẩy, trong hơi thở tháng Giêng
Một cánh bướm như không có bởi mỏng hơn cả sự mơ hồ
Nhưng đã mở ra, ở đâu đó, một cánh bướm có thật
Không bởi màu sắc rực rỡ mà bởi như hơi nước đang tỏa 
Chúng ta đổ ra quảng trường, chen lấn và xô đẩy
Một số ai đó gào thét và nhiều lúc đập phá
Và chúng ta quên đi, đâu đấy, trong những lùm cây bé bỏng
đang rộn rã mùa sinh nở côn trùng
Đâu đấy ánh sáng không bao giờ tắt trong cả những đêm
Và sự chuyển động mỗi lúc một mãnh liệt trong cái kén bất động
Rồi đột ngột xuất hiện, trong sự chờ đợi của đất đai, của cây cỏ và bầu trời,
một sự sống diệu kỳ với vẻ đẹp mong manh
Đâu đấy, không chỉ một đâu đấy, mà tràn ngập bất tận
Từ bóng tối đến ánh sáng, mở ra những cánh bướm
Và theo luồng hơi thở ấm áp và rộng lớn của tháng Giêng
Chúng mang vẻ đẹp của đời sống đi khắp thế gian
Mà không để lại một tiếng động nhỏ
Không ít người những đồng nghiệp và bạn đọc đã không để ý đúng mức đến những sáng tạo thơ ca của ông. Bởi có lẽ trong suốt cuộc đời của mình, ông đã sống lặng lẽ và khiêm nhường giữa bạn bè và đồng nghiệp, một sự lặng lẽ và khiêm nhường đôi khi tôi cho là quá mức cần thiết. Ông không đăng đàn diễn thuyết, ông cũng rất ít gửi thơ cho các báo và tạp chí, ông không sống với những gì người ta ban tặng cho ông như các giải thưởng về thơ (Giải Ba cuộc thi thơ của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 1983, Giải Nhất cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ năm 2000, Giải A của Ủy ban toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam….), ông vẫn sống trong đắm mê mãnh liệt và dâng hiến không vụ lợi cho con người và cho thơ ca ngay cả những lúc có những người không công bằng với ông hoặc thậm chí có lúc họ cố tình lãng quên ông. Nhưng tất cả những điều ấy chưa bao giờ gợn sóng trong cái hồ nước tâm hồn ông. Ông chỉ dày vò về chính bản thân mình hay nói cách khác ông luôn luôn tự vấn về con người mình. Đấy là hành vi nhân tính nhất của con người mà không phải nhiều người trong chúng ta làm được.
Xin hãy đọc một bài thơ của ông:
Tôi gọi tôi về
Đêm đêm tôi phải gọi tôi về
Tôi bay quá xa tôi
Nỗi buồn không nhà trọ
Niềm vui không cố hương
Vuông là thế và tròn là thế
Quơ vào trời chỉ nắm ánh trăng suông
Tôi bay quá xa tôi
Quá sông quê một người ảo vọng
Quá bờ tre là một kẻ vô tình
Quá thói quen một gã thất thường
Tôi quá sức khi phải làm người lạ
Nên đêm đêm tôi phải gọi tôi về
Quả thực, mỗi lần gặp những chuyện phiền muộn và cay nghiệt trong đời sống văn chương ở xứ sở mình, tôi lại nghĩ về ông. Nghĩ về ông để tìm cho lòng mình một khoảng bình an, để hiểu thêm một lần nữa thơ ca chỉ thực sự hiện hữu khi nhà thơ luôn hướng về những điều đẹp đẽ và biết lắng nghe những điều đẹp đẽ ở mọi nơi chốn của đời sống này, để biết lùi vào trong tĩnh lặng mà suy ngẫm mà tự vấn mà bừng tỉnh…. Bởi trong suốt phần đời đã sống của mình, ông đã lặng lẽ tỏa sáng như một ngọn đèn giấu trong ngôi nhà đơn sơ, như một trái cây tỏa hương thơm giấu trong vòm lá mà nhiều lúc mà nhiều người không nhận thấy.
Nhà thơ Nguyễn Tấn Việt luôn luôn sống đúng ông cả trong cuộc đời và trong thơ. Điều ấy đã làm nên nhân cách ông và thơ ca ông. Trong bài thơ Bài thơ về các con vật, ông viết: Là con thú nào suốt đời nó thế/ Không đội lốt bao giờ. Còn con người thì luôn luôn đội lốt. Đó là những câu thơ hay, những câu thơ hiện đại, những câu thơ chứa đựng tư tưởng. Hai câu thơ kia có thể khắc vào một tấm bia dựng ở những nơi công cộng cho con người hôm nay đọc và suy ngẫm về tư cách sống của mình, của đồng loại mình trong một đời sống mà hiện thực đang diễn ra thật buồn bã và đau đớn. Thực ra, chúng ta làm thơ, chúng ta lao động, chúng ta sống chỉ để thoát ra khỏi cái lốt chúng ta vẫn đội ngày ngày. Chỉ để chúng ta được trở về chính chúng ta. Thơ ca sẽ trở thành một thứ phản loạn và bất chính nếu không sinh ra để thực hiện điều ấy.
Cho dù tôi thấy việc nói đến tính hiện đại hay hậu hiện đại về thơ ông lúc này quả là một cách nói đầy tính hình thức và có thể rơi vào thói phù phiếm, nhưng tôi vẫn phải nói rằng: những bài thơ ông viết cách đây 30 năm hay 40 năm nó vẫn mang ngôn ngữ của thời đại nó đang hiện hữu. Nghĩa là nó chứa đủ những yếu tố để nó hiển hiện một cách luôn luôn mới mẻ và vượt qua cái khoảng thời gian nó ra đời. Trong khi có những nhà thơ mà tên tuổi họ được bạn đọc biết đến hơn ông trong một giai đoạn nào đó, nhưng khi cái giai đoạn đó, cái thời tiết của đời sống đó đi qua thì những bài thơ của họ cũng không còn lý do để tồn tại nữa.
Nhà thơ Nguyễn Tấn Việt với gia đình và người thân
Ông sống với những dày vò, suy tư và chiêm nghiệm một cách nghiêm khắc về lẽ sống, về con người và về thơ ca. Khi quá nhiều người trong chúng ta ồn ào về nhiều chuyện và ít có khả năng im lặng và đứng trong một không gian hẹp nhất có thể để ngắm nhìn và suy ngẫm về sự sống và nghệ thuật thì ông đã có những khoảnh khắc lùi lại để chiêm ngưỡng một con người vô danh đang ngủ. Cái khoảnh khắc ấy hiện lên một cách chính xác và toàn hảo trong bài thơ Giấc ngủ con người:
Giấc ngủ con người
Tình cờ tôi được ngắm con người
Ngủ ngồi
Hướng về vườn cây cảnh
Lồng một khoảng đêm vào ngày
Tay buông lỏng
Như vừa buông một cánh chim
Bờ mi khép vào gương mặt mở
Giấc ngủ sâu – nước lặng hồ mây
Anh ngủ ngồi – thai nhi trong bụng mẹ
Khoảng nắng như bọc hồng
Giấc ngủ thơm hương mật ong
Bờ môi ngậm
Tiếng chào cây cỏ
Và bài ca hát hết con đường
Tôi từng núi xa ngắm bao biển bao trời
Chưa bao giờ mây bay trong tôi
Bằng giấc ngủ ngồi
Bằng hương thơm giấc ngủ một con người
Bài thơ này ông viết đã mấy chục năm về trước. Đọc lại bài thơ, tôi tự biết rằng: Mình mãi mãi là học trò của ông. Học trò về lẽ làm người, học trò về sự hiểu biết đời sống và học trò về khả năng khám phá thế giới con người và dựng lên cái thế giới ấy bằng thơ và lớn hơn tất cả là lòng nhân ái của ông. Và trong lúc này, khi người ta đang làm cho ngôn từ trở nên hung bạo khi đối xử với nhau thì bài thơ về một con người ngủ ngồi trở nên thánh thiện đến nhường nào. Bài thơ trên ông sáng tác theo chủ nghĩa nào ? Lãng mạn, tượng trưng, siêu thực hay hậu hiện đại ? Bất cứ câu trả lời nào cũng chẳng có ý nghĩa gì với ông nói riêng và với thi ca nói chung. Chủ nghĩa nào cũng chỉ có thời của nó. Rồi nó sẽ dừng lại nhường chỗ cho một chủ nghĩa sau nó hoặc nó sẽ chìm vào quá khứ. Chỉ có một chủ nghĩa mãi mãi còn khi con người còn là chủ nghĩa nhân văn. Một bài thơ với ngôn từ, hình ảnh chính xác, hiện đại, đẹp và bất tận tình yêu con người như vậy dù ở thời nào nó cũng đủ toàn bộ tư cách để bước vào thế giới kỳ diệu của thơ ca mà nó không cần bất cứ chủ nghĩa nào gắn mác cho nó.
Có hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Tấn Việt mà tôi nghĩ đó là nguyên lý cho mọi sáng tạo nghệ thuật:
Nếu không yêu mặt đất
Trên trời mây không bay
(Những người sống trong mây)
Tôi xin diễn giải hai câu thơ này trong nghĩa hẹp nhất và nôm na nhất mà tôi nghĩ tới: Mây là thơ ca, Mặt đất là con người. Khi chúng ta không có tình yêu con người thì chúng ta không thể làm ra thơ ca đích thực. Điều này tưởng bất cứ ai cầm bút làm thơ cũng hiểu. Thế nhưng, sự thật lại không như thế. Hôm qua xuất hiện chủ nghĩa hiện đại thì hôm nay sẽ xuất hiện chủ nghĩa hậu hiện đại và ngày kia sẽ xuất hiện một chủ nghĩa khác. Nhưng sự bất biến trong mọi sáng tạo thơ ca là vẻ đẹp của ngôn từ, của hình ảnh, của tình yêu con người, thiên nhiên và của những tư tưởng. Nguyên lý sáng tạo hay cái bất biến đó như một dòng sông chưa một ngày ngừng chảy trong toàn bộ sự nghiệp sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Tấn Việt từ bài thơ đầu tiên cho đến một bài thơ mới làm đêm qua của ông. Viết đến đây, tôi lại nghĩ đến sự hung bạo của ngôn từ đang tràn ngập trên xứ sở chúng ta. Và đã có lúc, tôi thực sự khiếp sợ điều ấy. Nhưng tôi lại hồi tỉnh khỏi nỗi khiếp sợ đó khi trên xứ sở này có những nhà thơ mang lòng trắc ẩn, khiêm nhường và nhân ái như ông và một số nhà thơ khác mà có ngày tôi sẽ phải cúi xuống viết những dòng nghiêm túc về họ.
Tôi chưa bao giờ nghe ông nói về bản thân mình. Cả những khi người đời không hiểu đúng ông thì ông cũng không nổi giận và cũng không thanh minh. Hơn ai hết, ông biết ông phải làm gì. Quan sát và chứng kiến con người ông qua mấy chục năm thăng trầm, tôi nhận thấy : Ông tìm cách lùi xa những lời khen, ông tìm cách đến gần những lời chê. Cuộc đời sáng tạo thi ca của ông đã cho tôi ý nghĩ rằng : ông sáng tạo thơ ca như là phép thiền định của một tinh thần sống giản dị và thanh tao. Ông không bao giờ chiếm chỗ của bất kỳ ai cho dù cái chỗ đó chỉ nhỏ bằng chỗ của một con kiến. Tôi thấy đôi tai ông luôn luôn lắng nghe và miệng ông luôn luôn mỉm cười. Tôi tin chắc rằng : hầu hết những người đã sống với ông đều nhận ra điều ấy. Và tôi viết những dòng về một con người, một nhà thơ như ông trong khi không ít những người mang danh nhà thơ ở xứ sở chúng ta đang tranh giành một vị trí nào đó cho mình, họ chen đẩy nhau, họ tức tối nhau, họ thù hận nhau, họ thấy chỉ họ là số một, là duy nhất, không ai có quyền được xã hội hay đồng nghiệp nhắc đến hơn họ hay ngoài họ mà chỉ có họ mới được quyền đó. Thời gian sẽ trôi đi và những đắc thắng ngu ngốc của chúng ta sẽ bị chôn vùi nhanh chóng. Sự thật đã chứng minh biết bao lần điều ấy. Và bây giờ, nó lại phải chứng minh thêm một lần nữa.
Khi tôi viết những dòng này thì có lẽ ông đang khó ngủ vì tuổi tác và bệnh tật trong ngôi nhà của một làng quê yên tĩnh và ông không hề biết tôi đang viết về ông. Quả thực, tôi viết về ông không phải để cho ông. Ông chưa một lần đợi chờ điều ấy và không bao giờ cần điều ấy. Tôi viết về ông là để cho tôi, tôi đọc thơ ông là để cho tôi. Và tôi viết những dòng này là để chiếu rọi vào bản thân tôi để xua bớt đi một phần bóng tối trong con người tôi. Ông đã im lặng sống và viết như không thể còn cách nào khác ngoài sự im lặng ấy. Và bây giờ, không ít những câu thơ và bài thơ viết trong sự im lặng ấy đang thống trị tôi. 
Hà Đông, đêm sang thu, 9/2012
Nguyễn Quang Thiều
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...