Nghiên cứu và giảng dạy văn học
Nhật Bản ở Việt Nam trong hai
mươi
năm đầu thế kỷ XXI
Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn bền bỉ hiện
diện ở Việt Nam thông qua hàng loạt các ấn phẩm truyện dịch của Junichiro
Tanazaki, Haruki Murakami, Yoshimoto Banana,… và sự tái bản tác phẩm của
Ryunosuke Akutagawa, Yukio Mishima, Yasunari Kawabata… Điều này chứng tỏ
văn học Nhật, rộng hơn là văn hóa Nhật đã được tiếp nhận một cách tích cực
và chủ động trong đời sống tinh thần của người Việt.
Không chỉ ở phương diện dịch thuật, có thể nói, những công
trình nghiên cứu về văn học Nhật ở Việt Nam có giá trị nhất cũng đều được công
bố trong giai đoạn này. Có thể kể, theo thời gian xuất bản: Đào Thị Thu Hằng
(2007), Văn hóa Nhật Bản và Yasunari Kawabata; Nguyễn Thị Mai Liên
(2010), Hợp tuyển văn học Nhật Bản; Nguyễn Tuấn Khanh (2011), Những
cây bút kiệt xuất trong văn học Nhật Bản hiện đại; Nguyễn Nam Trân
(2011), Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản; Đào Thị Thu Hằng
(2018), Nhà văn Nhật Bản thế kỉ XX… Thực tế này cho thấy, xét từ
góc độ tiếp nhận văn học của một quốc gia thì văn học Nhật Bản hiện đang đứng
vào tốp đầu trong số hai quốc gia (cùng với Mỹ) được dịch, nghiên cứu và giảng
dạy ở Việt Nam.
Lần lại những thập niên 1980 khi văn học Nga thống trị văn
đàn văn học dịch Việt Nam, độc giả bắt gặp rất nhiều nhà văn Nga trên các quầy
sách, từ Anton Chekhov đến Fyodor Dostoievsky, Lev Tolstoi hay Mikhail
Sholokhov… Thập kỷ 1990 là sự xuất hiện ưu trội của văn học Mỹ với Edgar Allan
Poe, Mark Twain, Jack London, Ernest Hemingway, John Steinbeck… Nếu thập kỷ 2000 ghi nhận sự lan tỏa đa quốc gia của các tác phẩm văn học Trung Quốc, Mỹ,
Pháp, Đức, Anh,… thì thập kỷ 2010 văn học Nhật Bản chiếm vị trí vượt trội.
TS Đào Thị Thu HằngTrong vòng 20 năm nay, trong lúc chỉ có đôi ba nhà văn Nga có
sách được dịch in mới ở Việt Nam, thì con số nhà văn Nhật đã gấp cả chục lần.
Trong khoảng thời gian này, các nhà văn Nhật và ấn phẩm xuất hiện trên các quầy
sách ở Việt Nam thật ấn tượng: có hơn 20 nhà văn với hơn 200 đầu sách (đặc biệt
là Murakami với 23 đầu sách) được dịch mới hoặc tái bản và phát hành. Đáng ghi
nhận ở loại truyện trinh thám, nhà văn Higashino Keigo dược dịch và in 24 tác
phẩm bằng tiếng Việt trong khoảng thời gian 2009-2021. Điều này phản ánh một
chiến lược mới của sức mạnh mềm về văn hóa của Nhật và quan trọng hơn là việc
khẳng định khả năng văn chương của quốc gia này. Việc chọn lựa tiếp nhận văn học
Nhật của người Việt phù hợp với xu thế chung của thời đại, khi ảnh hưởng của
văn hóa Nga, Pháp, Mỹ, Trung Quốc… không còn mạnh như trước và đặc biệt là Ý thức
truyền bá văn học của Nhật Bản đóng vai trò quan trọng cho cuộc phô diễn này.
Thế kỷ XXI, bên cạnh thành tựu về kinh tế, văn học Nhật Bản nở
rộ nhiều tài năng và đạt được những tầm cao mới không chỉ ở quốc nội mà còn cả
thế giới. Đây là một nền văn học có truyền thống lâu đời. Nhiều thế hệ nhà văn
kế tiếp đã tạo nên một diện mạo văn chương Nhật Bản đặc thù. Trên hành trình
sáng tạo, như mọi quốc gia châu Á, học hỏi phương Tây là một trong những tiêu
chí sống còn để cách tân văn chương, người Nhật đã làm rất tốt điều này so với
phần còn lại của châu lục. Trong ý thức xây dựng một bộ mặt văn chương mang tầm
cỡ nhân loại, và đặc biệt là mở đường văn hóa để phát triển kinh tế, người Nhật
rất xem trọng việc phổ biến văn học Nhật ra thế giới. Việc làm này được thực hiện
theo một chiến lược nhất quán và nhiều quyết sách cụ thể. Văn học đã trở thành
một dạng sức mạnh mềm (soft power) quan trọng trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng
văn hóa. Không chỉ các nhà văn Nhật sống và sáng tác ở nước ngoài đảm nhận nhiệm
vụ này, mà chính phủ Nhật cũng đầu tư thích đáng để đưa tác phẩm tiêu biểu của
các nhà văn kiệt xuất của họ ra thế giới. Người Nhật muốn thông qua văn học, bắc
một cây cầu văn hóa đến những quốc gia khác. Hầu hết những tác phẩm xuất sắc của
Nhật đều được chuyển ngữ sang tiếng Anh, ngôn ngữ hiện đang được sử dụng toàn cầu.
Nhiều tác phẩm văn học Nhật được dịch ra tiếng Việt cũng từ bản tiếng Anh. Có
thể nói, trong chừng mực nào đó, người Nhật đã Anh ngữ hóa phần lớn các dạng sức
mạnh mềm của họ. Cần chú ý, nhà văn Nhật luôn ý thức kế thừa sâu rộng và phấn đấu
bền bỉ vì một nền văn chương tiến bộ mang tính toàn nhân loại. Đầu thế kỷ XX,
ta thấy nổi lên Natsume Soseki, Ryūnosuke Akutagawa, Dazai Osamu, Junichiro
Tanizaki,… giữa và cuối thế kỷ là Abe Kobo, Yasunari Kawabata, Yukio Mishima,
Yuko Tsushima, Kenzaburo Oe; đầu thế kỷ XXI là Ryu Murakami, Haruki Murakami,
Yoshimoto Banana, Yoko Ogawa, Mitsuyo Kakuta, Murata Sayaka… những nhà văn này
lại tiếp tục tỏa sáng sang thập niên 2020.
Đối với những nhà văn thành danh ở thế kỷ XX, Kawabata và
Mishima là hai tác giả được dịch sớm và nhiều nhất ở Việt Nam. Hầu hết các tác
phẩm lớn của họ được chuyển dịch sang tiếng Việt. Có tác phẩm được dịch nhiều lần
như Người đẹp say ngủ, được Vũ Đình Phòng dịch từ tiếng Pháp (Nxb Văn học
in năm 1990), Quế Sơn dịch từ tiếng Anh (Người đẹp ngủ mê, Nxb Trẻ in năm 2000)
và Uyên Thiểm dịch từ tiếng Nhật (Những người đẹp ngủ mê, Nxb Hội Nhà văn in
năm 2019). Những thập niên đầu thế kỷ XXI, Haruki Murakami là tác giả có tác phẩm
được dịch nhiều nhất ở Việt Nam (14 tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn, 1 tác phẩm
không hư cấu). Các tiểu thuyết tiêu biểu của ông đa phần dịch từ tiếng
Anh: Rừng Nauy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển, Người
tình Sputnik… Đặc biệt, các nữ văn sĩ Nhật Bản cũng có nhiều tác phẩm được
dịch ở Việt Nam: Yamada Amy với 3 tiểu thuyết (Đôi mắt ấy vẫn ở trên gường (Nxb
Hội nhà văn, 2008), Sống lưng của Jesse (Nxb Văn hóa Sài Gòn,
2008), Trò đùa của những ngón tay (Nxb Văn học, 2009) và tập truyện
ngắn Phong vị tuyệt vời (Nxb Hội Nhà văn, 2010). Yoshimoto Banana được
độc giả Việt Nam biết đến với 6 tiểu thuyết (Kitchen, Amrita, Nắp biển, N.P,
Vĩnh biệt Tugumi, Hồ) và 2 tập truyện ngắn (Thằn lằn, Say ngủ). Yoko Ogawa có 3 tiểu thuyết được giới thiệu: Quán trọ hoa diên vĩ (Nxb Văn học,
2008), Nhật ký mang thai (Nxb Văn học, 2009), Giáo sư và công
thức toán (Nxb Hội nhà văn, 2009)…
Thành tựu dễ thấy của nhà văn Nhật là dẫu có mở rộng nội hàm
văn hóa đến đâu thì họ vẫn có sự gắn kết mật thiết với xứ sở. Truyền thống Nhật
luôn bỏng cháy trên trang sách của bất cứ nhà văn xứ Phù Tang nào. Murakami được
xem là nhà văn đậm chất “Tây” nhất, thì vẫn cứ là một cây bút đặc thù của văn
hóa Nhật. Thậm chí ngay đến một người rời xa nước Nhật suốt thời gian dài như
Kazuo Ishiguro, thì khi được trao tặng Nobel văn chương 2017, người ta cũng ghi
nhận căn tính Nhật sâu đậm trong tiểu thuyết của ông.
Với chủ trương quảng bá văn học đúng đắn để làm bàn đạp cho
phát triển đất nước, sự nổi tiếng của văn học Nhật trên thế giới đến nay thì khỏi
phải bàn. Họ quá thành công và quá mạnh so với phần còn lại của châu Á, tuy dân
số của Nhật Bản chỉ ở mức khiêm tốn khi đặt tương quan với Trung Quốc, Ấn Độ,
Indonesia… Nếu tính cả nhà văn Anh gốc Nhật, thì Nhật Bản đã được trao tăng ba
giải thưởng Nobel văn học. Chưa hết, cần phải tính đến Haruki Murakami hay
Yoshimoto Banana như những ứng viên tiềm năng, khó có thể thiếu cho những Nobel
tương lai.
Với chủ trương học hỏi thế giới và tiếp thu tinh hoa văn hóa
của nhân loại trong việc đào tạo những công dân Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập
toàn cầu, Việt Nam đã đưa văn học Nhật Bản vào chương trình đào tạo từ cấp
Trung học đến Đại học và Sau Đại học. Việc đào tạo này, căn bản dựa trên lợi
ích của người Việt, song nhờ thế cũng phần nào giúp truyền bá văn học Nhật rộng
khắp Việt Nam. Qua việc dạy học trường quy, khi nói đến nước Nhật, bất kỳ người
Việt nào cũng biết đấy là xứ sở của hoa anh đào, kimono và thơ Haiku…
Thực chất của giáo dục phổ thông là chỉ giúp học sinh biết được
một số kiến thức cơ bản về văn hóa của các quốc gia trên thế giới. Về sau khi
trưởng thành, tùy thuộc vào nhu cầu công việc hay sở thích của bản thân mà học
sinh đó sẽ tự nâng cao thêm vốn hiểu biết về văn hóa của đất nước mình quan
tâm. Ở cấp Trung học phổ thông, văn học Nhật Bản được giảng dạy ở Việt Nam kể từ
khi cải cách giáo dục năm 1991. Lúc này, Việt Nam có hai bộ sách. Bộ sách của
miền Nam và bộ sách của miền Bắc đều chọn dạy (ở phần đọc thêm) tác giả
Yasunari Kawabata với đoạn trích Cố đô và truyện ngắn Trăng soi
đáy nước. Năm 2000, khi hợp nhất thành một bộ sách, Yasunari Kawabata chỉ còn
được dạy Thủy nguyệt (cách dịch
khác của nhan đề Trăng soi đáy nước). Lần thay sách giáo
khoa này, kết thúc vào năm 2008, văn học Nhật Bản, trước đó hoàn toàn lép về
trước văn học Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ… đã được đưa vào dạy chính thức ở lớp
10, thơ Haiku của Matsuo Basho thay thế cho truyện của Yasunari Kawabata. Dẫu
sao thì, tuy được gọi là “hợp nhất” (Nam – Bắc) nhưng thực tế ở Việt Nam vẫn cứ
tồn tại hai bộ sách, thay vì sách miền Nam và miền Bắc, thì nay có bộ sách cơ bản
(dùng cho các khối lớp không chuyên) và bộ nâng cao (dùng cho khối chuyên văn).
Những bài thơ Haiku được chọn dạy trong bộ cơ bản là:
Đất khách mười mùa sương
về thăm quê ngoảnh lại
Ê-đô là cố hương.
Chim đỗ quyên hót
ở Kinh đô
mà nhớ Kinh đô.
Lệ trào nóng hổi
tan trên tay tóc mẹ
làn sương thu.
Tiếng vượn hú não nề
hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc
gió mùa thu tái tê.
Mưa đông giăng đầy trời
chú khỉ con thầm ước
có một chiếc áo tơi.
Từ bốn phương trời xa
cánh hoa đào lả tả
Gợn sóng hồ Bi-oa.
Vắng lặng u trầm
thấm sâu vào đá
tiếng ve ngâm.
Nằm bệnh giữa cuộc lãng du
mộng hồn còn phiêu bạt
những cánh đồng hoang vu.
Bộ nâng cao chỉ tuyển ba bài, đó là:
Trên cành khô
Chim quạ đậu
Chiều thu
Hoa đào như áng mây xa
chuông đền U-ê-nô vang vọng
hay đền A-sa-cư-sa
Cây chuối trong gió thu
tiếng mưa rơi tí tách vào chậu
ta nghe tiếng đêm
So với bộ cơ bản, bộ nâng cao chọn được những
bài thơ Haiku nổi tiếng hơn. Việc chọn ba bài cũng là vừa đủ để giới thiệu thể
thơ này với học sinh Việt Nam. Đợt thay sách giáo khoa đang bắt đầu từ 2019 đến
nay, với chủ trương một chương trình nhiều bộ sách, thơ Haiku vẫn được đề xuất
đưa vào chương trình phổ thông. Hiện tại, Việt Nam đang có ba bộ sách chính (có
thể còn thêm vài bộ nữa). Việc chọn văn bản thơ Haiku của từng bộ sách ắt hẳn
cũng sẽ có những khác biệt nhất định.
Dạy học thơ Haiku là một thách thức lớn trước khả năng tiếp nhận
của học sinh. Thơ Haiku vốn là loại thơ khó hiểu, khó cảm nhận được cái hay cái
đẹp hơn thơ Đường gấp bội phần. Đây là loại thơ Thiền, đòi hỏi sự tĩnh lặng và
suy ngẫm từ chiều sâu của tâm cảm. Loại thơ này thích hợp với tầm tri nhận của
người đã trưởng thành, có nhiều trải nghiệm cuộc sống.
Trong khi đó, ở bậc Phổ thông, học sinh chắc chắn chưa có đủ
trải nghiệm để có thể hiểu hết cái hay cái đẹp của thơ Haiku. Tuy nhiên việc chọn
dạy này, chủ yếu là để học sinh biết được một thể thơ độc đáo, không chỉ của
người Nhật mà của cả nhân loại. Việc hiểu sâu sắc thơ Haiku, có lẽ chưa được đặt
ra một cách cụ thể với học sinh bậc Trung học. Các nhà giáo chỉ cần tập trung đề
xuất một hiện tượng thơ, một hình thức thơ và việc hiểu nội dung thơ đó sẽ đòi
hỏi một thời gian dài sau này với khả năng chiêm nghiệm của mỗi một cá nhân.
Lên bậc Đại học, sinh viên ngành ngữ văn được tiếp xúc với nền
văn học Nhật qua nhiều tác gia tiêu biểu. Tuy chưa có được một chuyên đề riêng
biệt về văn học Nhật, nhưng số lượng tác gia, tác phẩm văn học Nhật được dạy học
trong chương trình quả không hề ít: thơ Haiku, tiểu thuyết Kawabata, tiểu thuyết
Murakami và Banana… Cần chú ý thêm một hiện tượng mà có lẽ trên thế giới duy nhất
có ở Việt Nam. Đó là những người dạy văn học Nhật (hoặc văn học của bất cứ nước
ngoài nào) thì đều dạy qua bản dịch, và ngôn ngữ dạy học là tiếng Việt. Ở các
trường đại học ngoại ngữ có khoa tiếng Nhật, giảng viên chủ yếu dạy tiếng Nhật,
được sử dụng trong giao tiếp kinh tế, xã hội, chứ không chuyên sâu về tiếng Nhật
trong văn học. Điều này có nghĩa, người dạy văn học Nhật chuyên sâu ở Việt Nam
thì hầu như không sử dụng thành thạo tiếng Nhật, còn người dạy tiếng Nhật
chuyên sâu thì không mấy am hiểu nhiều về văn chương. Do vậy, dạy học văn học
Nhật ở Việt Nam là việc Việt hóa một nền văn học và, nếu có chuyên gia giỏi tiếng
Nhật đảm trách thì việc hiểu sâu sắc nền văn học này mới được thực hiện tốt
hơn. Vì lẽ đó, Việt Nam đến nay vẫn chưa có chuyên gia nghiên cứu văn học Nhật
mang tầm thế giới.
Bất chấp rào cản về ngôn ngữ đó, người Việt vẫn đam mê văn học
Nhật qua bản dịch.
Như đã nói, trong khoảng 20 năm nay, bình quân số đầu sách
văn học Nhật được in mới và tái bản ở Việt Nam là vào khoảng 200 đầu sách. Đây
là con số không hề khiêm tốn chút nào. Đặc biệt số lượng sinh viên tham gia làm
đề tài nghiên cứu khoa học và khóa luận ở đại học về văn học Nhật ước tính khoảng
vài trăm công trình lớn nhỏ trên cả nước. Con số đề tài luận văn thạc sĩ thì có
đến cả trăm, tập trung nhiều nhất ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Luận án tiến
sĩ thì đã có chín đề tài bảo vệ thành công:
– Nghệ thuật kể chuyện trong tác phẩm của Yasunary
Kawabata của Đào Thị Thu Hằng bảo vệ năm 2006. Đây là luận án tiến sĩ về
văn học Nhật đầu tiên ở Việt Nam do GS. Hà Minh Đức hướng dẫn.
– Thơ Haiku Nhật Bản – Lịch sử phát triển và đặc điểm thể
loại của Nguyễn Vũ Quỳnh Như, bảo vệ năm 2013, do PGS-TS. Lê Giang hướng dẫn.
– Yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Haruki
Murakami của Lê Thị Diễm Hằng, bảo vệ năm 2014, do PGS.TS. Trương Đăng
Dung hướng dẫn.
– Ảnh hưởng của Manga Nhật Bản đến học sinh Phổ thông tại
thành phố Hà Nội, của Hạ
Thị Lan Phi bảo vệ năm 2017, do PGS.TS. Đinh Thị Vân Chi và
PGS.TS. Phạm Hồng Thái
hướng dẫn.
– Mỹ cảm aware trong văn học Nhật Bản qua tiểu thuyết
“Truyện Genji” của Murasaki Shikibu và “Ngàn cánh hạc” của Kawabata Yasunari của
Hoàng Thị Mỹ Nhị, bảo vệ năm 2018, do GS.TS. Nguyễn Đức Ninh hướng dẫn.
– Thân phận con người trong tác phẩm của Abe Kobo và Oe
Kenzaburo: một sự so sánh, của Trần Thị Thục, bảo vệ năm 2018, do GS.TS. Nguyễn
Đức Ninh hướng dẫn.
– Nghệ thuật kể chuyện trong tiểu thuyết của Haruki
Murakami của Đặng Phương Thảo, bảo vệ năm 2018, do GS.TS. Lê Huy Bắc và
TS. Đào Thị Thu Hằng hướng dẫn.
– Tiểu thuyết của Haruki Murakami từ góc nhìn văn hóa của
Phạm Thị Hạnh, bảo vệ năm 2020, do GS.TS. Nguyễn Đức Ninh hướng dẫn.
– Biểu tượng trong tiểu thuyết của Haruki Murakami của
Phan Thị Huyền Trang, bảo vệ năm 2021, do GS.TS. Lê Huy Bắc và TS. Đào Thị Thu
Hằng hướng dẫn.
Ngoài ra, còn ba đề tài tiến sĩ về văn học Nhật đang được thực
hiện ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
Về văn học Nhật, những nghiên cứu trường quy ở Việt Nam rất
đáng ghi nhận, nhưng ở lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu thì chưa có nhiều công
trình. Đến nay, ước tính chỉ có độ mười cuốn chuyên luận về văn học Nhật được
lưu hành. Con số này quả quá khiêm tốn khi so với các công trình nghiên cứu về
văn học Pháp, Mỹ, Nga,… ở Việt Nam. Tình hình đó đòi hỏi giới nghiên cứu nỗ lực
thêm nữa để đưa văn học Nhật đến với bạn đọc Việt Nam.
Nhật Bản từng xâm lược Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ XX.
Tuy nhiên, thời gian thống trị ít ỏi đó (1944-45) không đủ để người Nhật áp đặt
văn hóa của họ lên một đất nước xa lạ. Thêm nữa, Việt Nam lúc đó thuộc Pháp và
đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa, văn học Pháp. Sau chiến tranh lạnh 1990,
Pháp vẫn quay lại Việt Nam với mục đích thực hành sức mạnh mềm về ngôn ngữ –
văn hóa, hình thành nên cái được gọi là Francophone. Nhưng hài hước thay, trừ số
ít những tri thức lúc đó bước qua tuổi 60 có thể nói được tiếng Pháp, còn tuyệt
đại đa số người Việt đều sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp với người nước
ngoài. Tình hình sử dụng tiếng Nhật ở Việt Nam lại còn nhiều hạn chế hơn. Đội
ngũ những tri thức biết tiếng Nhật ở ta quá ít, nên việc dịch thuật, phổ biến
văn học Nhật Bản ở Việt Nam trực tiếp qua tiếng Nhật cho đến cuối thế kỷ XX là rất nghèo nàn.
Từ những năm 1960 văn học Nhật Bản đã được giới thiệu ở Việt
Nam, chủ yếu là ở miền Nam. Tác giả được chú trọng nhất là Yasunari Kawabata. Kể
từ Đổi mới 1986, văn học Nhật Bản có điều kiện xâm nhập sâu rộng hơn vào đời sống
của người Việt. Các tập truyện ngắn của Nhật Bản được dịch và giới thiệu ở Việt
Nam qua ngôn ngữ trung gian là tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Anh. Bởi lẽ lúc
đó (và cho đến bây giờ) chúng ta vẫn chưa có một đội ngũ dịch thuật tiếng Nhật
đông đảo nên đòi hỏi dịch văn học Nhật qua một ngôn ngữ trung gian là thực tế.
Dẫu vậy, rào cản ngôn ngữ không hề ngăn được tình yêu văn học
mà người Việt dành cho xứ Phù Tang. Thêm nữa, văn học là một kho tàng chứa đựng
nhiều giá trị văn hóa mà người Việt cần học hỏi trong quá trình toàn cầu hóa.
Việc người Việt dịch và đọc văn học Nhật tăng lên trong hai thập kỷ đầu của
thiên niên kỷ 2000 đã cho thấy sự thoái lui của các cường quốc văn học khác như
Nga, Trung Quốc, Pháp, vốn từng rất gần gũi với đời sống tinh thần Việt Nam. Hiện
tại, chỉ có văn học Mỹ mới có khả năng cạnh tranh mạnh trong việc tạo ảnh hưởng
đến sân chơi văn hóa Việt với văn học Nhật mà thôi *.
Tài liệu tham khảo:
* Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa
học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số:
602.04-2020.307.
1. Nhật Chiêu (2007), Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến
đến 1868, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
2. Đào Thị Thu Hằng (2007), Văn hóa Nhật Bản và
Yasunari Kawabata, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
3. Đào Thị Thu Hằng (2018), Nhà văn Nhật Bản thế kỷ XX, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh.
4. Nguyễn Tuấn Khanh (2011), Những cây bút kiệt xuất
trong Văn học Nhật Bản hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
5. Nguyễn Thị Mai Liên (2010), Hợp tuyển văn học Nhật Bản,
Nxb Lao động, Hà Nội.
6. Hà Văn Lưỡng (2014), Sự tiếp nhận văn học Nhật Bản ở
Việt Nam từ những thập niên cuối thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI
– Nhìn từ phương diện dịch thuật và nghiên cứu,
http://vannghehue.vn/tin-tuc/p158/c195/n172/. Truy cập ngày 15/02/2021.
7. Nguyễn Nam Trân (2011), Tổng quan lịch sử văn học Nhật
Bản, Nxb Giáo dục.
21/8/2021 Đào Thị Thu HằngNguồn: Tạp chí lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật, số 4/2021
21/8/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét