Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2023

Tiếng kèn lá trong đêm

Tiếng kèn lá trong đêm

Ba năm trước, người bảo vệ duy nhất của trường tiểu học nơi miền núi hiu hắt của đại ngàn Tây Nguyên này, đã nghỉ việc vì bệnh nặng. Căn bệnh tai biến đã khiến ông ấy nằm một chỗ, không thể dậy được nữa. Thế là trường thiếu một chân bảo vệ, nhưng tìm mãi chẳng được ai thay thế vị trí ấy. Giáo viên phải thay nhau kiêm luôn công việc của bảo vệ. Thôi thì, chia nhau nào quét dọn, pha trà lẫn đánh trống.
Thầy hiệu trưởng đi tìm khắp nơi, nhưng chẳng ai chịu nhận cái chân bảo vệ. Người dân nơi đây thích lên rẫy hơn là ngồi đánh trống theo giờ. Người dưới xuôi thì ai thèm lên cái nơi mà mọi người thường gọi là nơi khỉ ho cò gáy này. Ngôi trường chỉ có 5 giáo viên, thêm bác bảo vệ là 6, với 5 lớp học lèo tèo. Những học trò nghèo mái tóc vàng hoe khét lẹt mùi của nắng và gió, số học trò cứ giảm dần theo khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5. Người dân ở đây ít ai trọng chữ nghĩa, họ cần cái ăn hơn cái chữ. Ngôi trường nhỏ bé lọt thỏm trong một đồi hoa dã qùy vàng ươm sắc nắng khi mùa mưa đã qua đi. Trò chơi của lũ trẻ nơi này là hái hoa dã quỳ về chơi trò cô dâu chú rể hoặc trốn tìm sau những khóm hoa. Có nhiều người ở dưới xuôi lên đây với cái máy ảnh có ống kính rõ dài, hướng về ngôi trường, về những triền hoa xung quanh cứ trải dài tít tắp mà trầm trồ “Ở đây lãng mạn quá, được làm việc ở nơi này thật tuyệt, cứ như được lạc vào chốn thần tiên”. Chốn thần tiên này chẳng mấy ai chịu xung phong đến, đến cả học trò cũng còn bỏ học dần khi chưa học đến lớp 5. Đấy, vì thế nên tìm một chân bảo vệ, cứ như mò kim đáy bể…
Thế nhưng, bất chợt đã có ứng cử viên đầu tiên. Một ông lão tha hương may mắn có được việc làm trong sự ngỡ ngàng, vui mừng của chính lão và của những thầy cô trong nhà trường.
Nhà văn Lý Thị Thủy (Mộc Miên) ở Phú Yên
Người bảo vệ mới tên là A Khền, lão đã 55 tuổi. Có hề gì, ở vùng núi hẻo lánh này, tìm ra người chịu làm bảo vệ đã khó, huống gì lão mới có 55. Trông lão hãy còn khỏe mạnh chán. Dưới mái tóc bạc phơ, là đôi mắt hãy còn vẻ tinh anh. Vẻ mặt u buồn, nhưng có cách nói chuyện nhã nhặn, từ tốn và đáng tin. Thầy hiệu trưởng chỉ hỏi những câu chiếu lệ như một thủ tục cần thiết để làm hồ sơ cho lão, chẳng đòi hỏi thêm bất kì điều gì ngoài việc yêu cầu lão chăm chỉ giữ vệ sinh và phải đánh trống đúng giờ quy định. Lão được làm việc ngay sau khi phỏng vấn. Thầy hiệu trưởng chỉ nơi ở của lão là một gian phòng nhỏ bé cạnh dãy phòng học. Lão đứng tần ngần trước cửa phòng hồi lâu, đưa mắt nhìn ra xung quanh, ngôi trường đơn sơ, nhỏ bé, được bao quanh bởi những vạt hoa dã quỳ đang mùa xanh um lá. Lão thở dài, một cảm giác nhẹ nhõm xâm chiếm. Lão thì thầm trong cổ họng, bến đỗ cuối đời của mình là đây. Sẽ chẳng còn ai biết quá khứ đau thương của mình nữa.
Lão trở thành người bảo vệ cần mẫn của ngôi trường. Từ đánh trống, quét dọn, nấu nước pha trà, lão làm tất. Hình ảnh của lão A Khền đã khiến mọi người quên đi người bảo vệ trước đó một cách nhanh chóng. Không những thế, lão còn có những tuyệt chiêu cảm hóa học trò tinh nghịch rất hiệu nghiệm. Thầy và trò ngôi trường này thường bắt gặp hình ảnh lão vừa quét sân trường vừa nghêu ngao hát, hay vừa pha trà vừa huýt sáo véo von.  Lão không thể giấu nổi niềm hạnh phúc với công việc mới của mình. Lão yên tâm với công việc mới ở ngôi trường lọt thỏm giữa đồi hoa dã quỳ này, và tin rằng lão sẽ kết thúc cuộc đời mình ở đây, giữa những triền hoa dã quỳ đang mùa xanh lá. Hoặc có thể may mắn hơn, lão sẽ trở về thế giới bên kia lúc mùa mưa đã kết thúc và dã quỳ đã vàng tươi trải khắp sườn đồi. Lão đã nghĩ như thế, một cuộc sống bình lặng và một cái chết nhẹ nhàng đến lãng mạn. Từ bây giờ cho đến lúc bước chân sang thế giới bên kia, lão sẽ được sống những ngày bình yên nhất. Những vận xui đã bị những triền hoa dã quỳ làm mất dấu lão rồi, không thể chạy theo lão đến tận đây được, lão sẽ không phải lang thang như trước nữa. Mọi phiền muộn xui xẻo của đời lão đã dừng chân ở bên kia của bức tường hoa hoang dại.
Lão say sưa với công việc của mình, những tưởng ngoài việc làm cho tốt nhất bổn phận của người bảo vệ, lão chẳng còn mối bận tâm nào nữa. Với lão, đây chính là ngôi nhà của mình, lão sẽ yên vị ở đây, cái phòng tập thể này sẽ là ngôi nhà cuối cùng của cuộc đời lão trên thế gian này. Thật là buồn khi mùa hè đến, sân trường vắng tanh nhưng lão vẫn thấy vui, lão phịa ra đủ thứ việc cho đôi tay lão chẳng có thời gian để nghỉ ngơi nữa. Lão cuốc đất trồng rau, trồng quả bên hông trường, để mỗi khi vào năm học mới, lão có nguyên một vườn rau, quả xanh tốt. Lão thường hái rau quả sẵn để giúi cho những giáo viên và những cô cậu học trò nghèo đem về nhà. Rồi cả vườn rau của lão cũng tíu tít tiếng cười nói của lũ nhóc con, chúng ùa vào tập giúp ông xới đất, trồng, tưới và hái rau, quả. Đất thì bận với những loại rau quả, còn lão thì bận với niềm vui của tuổi xế chiều bên lũ trẻ. Tạo hóa ưu ái ban cho vùng đất bên chân núi của ngọn Langbian này cái lành lạnh đến dịu ngọt, để rau quả được tốt tươi cả bốn mùa, nên nhiều lúc bận rộn với trường, với những thứ từ tay mình tạo ra, cũng đủ khiến lão quên đi chuyện của ngày hôm qua.
Rồi một năm học mới nữa lại đến. Một cô bé người Mông được mẹ dắt tay dẫn đến trường. Lão kinh ngạc đến suýt đánh rơi khay trà vừa pha xong, trố mắt nhìn mẹ con cô bé. Hai bộ váy Mông đủ sắc màu, rung rinh theo nhịp bước chân của hai mẹ con cứ như thôi miên lão. Chao ôi, hình ảnh chiếc váy Mông của hai mẹ con cô bé, chợt như một cái nút khởi động cho thước phim kí ức trong đầu lão bắt đầu trình chiếu!
Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng
Quê hương của lão cũng trập trùng đồi núi với những cung đường đèo dốc quanh co như chốn này. Nơi ấy không lành lạnh quanh năm mà chỉ có một mùa đông lạnh giá. Lão nhớ âm thanh tiếng kèn lá cao vút của bà, tiếng kèn lá réo rắt tha thiết của mẹ, tiếng kèn lá vang xa lảnh lót đến quyến rũ của Seo Mẩy. Lão yêu làm sao thứ âm thanh đi theo những người phụ nữ người Mông đến cuối cuộc đời. Vui buồn của những người phụ nữ mà lão yêu qúy đều được gửi gắm qua chiếc lá trên môi. Ngày ấy, tiếng kèn của Seo Mẩy theo anh Khền xuống chợ mỗi phiên. Seo Mẩy ngồi trên lưng ngựa để anh dắt. Cô đưa chiếc lá lên môi thổi bản tình ca của riêng mình. Những giai điệu của âm thanh lúc trong như tiếng suối chảy, lúc lại vút cao như tiếng chim sơn ca hót trong nắng mai. Môi cô cứ chúm chím thổi và mắt thì cứ lúng liếng nhìn Khền say đắm. Tiếng kèn lá theo hai người đi qua những cánh rừng thơm ngát hương hồi. Khền hiểu bản tình ca Seo Mẩy dành riêng cho mình…
Nhưng tình yêu của anh và Seo Mẩy đã không trọn vẹn. Seo Mẩy bị một chàng trai giàu có cùng đám người tâm phúc, phục kích trong bản bắt về làm vợ. Khền trắng tay chờ đợi những phiên chợ tình mỗi năm chỉ để được nhìn Seo Mẩy, để nói vài câu vội vã, rồi lại chìm trong đau khổ. Khền thèm nghe tiếng kèn lá, nên hằng đêm lại tự thổi cho mình nghe. Khền đắm chìm trong tiếng kèn lá của riêng mình. Anh đâm đầu vào nương rẫy, cho mệt rã, cho giấc ngủ vùi đến mau, để chẳng còn ý thức được thời gian sao chậm qua mùa. Khền chỉ ngóng đến khi nào núi rừng này bung nở sắc trắng hoa mận, hoa mơ, để anh lại được gặp Seo Mẩy của mình. Không biết bao nhiêu mùa hoa mơ hoa mận nở rồi tàn, bao nhiêu phiên chợ tình Khền đến đấy chỉ để nhìn Seo Mẩy thôi, nhìn nhau thật nhanh, nói những câu thăm hỏi nhau thật nhanh, như chưa kịp nói những gì mình nghĩ, đã lại phải chờ mùa sau. Mỗi mùa mỗi khác, Seo Mẩy có 1 con, 2 con, 3 con rồi 4 con. Dáng Seo Mẩy đẫy đà dần… Hình như tóc cô có đôi sợi bạc. Khền cũng được lũ trẻ gọi là lão Khền từ lúc nào chẳng biết, chỉ tội lão Khền không có con. Ngoài Seo Mẩy ra, lão chẳng ưa bất kì người con gái nào, không ưa thì làm sao đi bắt về làm vợ được. Lão chỉ chờ mùa hoa mơ hoa mận bung nở, cho chợ tình lại tụ họp thôi, từ thời tóc còn xanh rồi tóc dần điểm bạc, lòng Khền vẫn không đổi.
Nhưng mọi thứ không theo ý lão Khền. Lão lăn ra ốm, trận ốm đánh dấu sự cường tráng của cơ thể tuổi thanh xuân đã rời xa lão. Bệnh tật và cô đơn vây lấy lão. Lão trở thành gánh nặng của các cháu mình. Những câu nói với dụng ý xa xôi về của nợ to đùng là lão thường xuyên xuất hiện. Dù đã khỏi bệnh, lão Khền cũng không còn đủ sức chịu những lời ruồng rẫy ấy để chờ mùa hoa mận hoa mơ nữa. Lão bỏ nhà ra đi. Đi cho khuất mắt mấy đứa cháu. Đi để chạy trốn mùa hoa sắp tới, chạy trốn khỏi hình ảnh của Seo Mẩy. Lão cứ phiêu bạt khắp nơi, làm đủ chuyện để kiếm cơm qua ngày. Hết vá xe đạp, bán kem dạo, rồi bán kẹo kéo. Lão cứ hướng miền Nam mà rong ruổi trên đường. Chạy khỏi cái chốn có tiếng kèn lá và sắc trắng rừng hoa mơ hoa mận mùa xuân càng xa càng tốt. Lão không nhớ hết mình đã ngủ qua đêm ở những nơi nào nữa. Cứ tối ở đâu, là nhà lão ở đấy. Tỉnh dậy thì lão cứ tiếp tục hành trình của mình.
Giờ nghĩ lại, lão cũng chẳng hiểu nổi, bằng sức lực nào mà lão có thể đến được cái xứ lành lạnh tràn ngập màu vàng của hoa dã quỳ này, để được làm chân bảo vệ. Lão tưởng mình đã quên mọi thứ, thế nhưng lão đã nhầm. Chiếc váy Mông đã làm sống lại những kí ức ngày xưa. Và hình dáng người thiếu phụ Mông ấy, giờ nhớ lại sao mà giống Seo Mẩy quá thể? Hay đấy chính là Seo Mẩy? Chính là cô ấy rồi! Hôm đó, lão chỉ thập thò sau cánh cửa nhìn ra, không dám nghĩ xa xôi. Lão biết, Seo Mẩy cũng thương nhớ A Khền, kém gì A Khền thương nhớ Seo Mẩy. Và có thể, không chịu tiếp tục làm cái máy đẻ cho nhà chồng nữa, đêm Seo Mẩy ôm đứa con nhỏ, trốn khỏi làng, đi tìm người thương…
Từ đây, ngoài những việc thường nhật, lão có mối bận tâm khác là mong chờ cô bé đến trường mỗi sớm mai để được nhìn chiếc váy Mông sặc sỡ, để dõi theo chân cô bé vào lớp học, để có thể lân la hỏi về mẹ nó. Mỗi sớm mai lão tranh thủ làm cho xong mọi việc, để còn thời gian ngồi bên cái trống to đùng thật lâu mà chờ cô bé tới trường, để được ngắm chiếc váy xòe quen thuộc. Và nếu có dịp, lão sẽ nói chuyện với cô bé bằng tiếng Mông, thứ tiếng mà theo lão, nói được một lúc như uống một liều thuốc bổ. Cũng từ đó, lão đặc biệt yêu quý cô bé. Xuống chợ, lão chăm chăm mua quà cho bé, khi là gói kẹo, khi cái dây buộc tóc.
Cô bé thường xuyên vắng, bữa học bữa không. Những lúc không có cô bé, lão cứ bần thần trong người, như thiếu vắng một điều gì đó, cảm giác hụt hẫng cứ chạy dọc sống lưng. Từ nhớ màu váy những cô gái Mông mặc, lão nhớ Seo Mẩy, nhớ tiếng khèn lá, nhớ hương hồi và màu hoa mận hoa mơ bung trắng trời Tây Bắc, nhớ những phiên chợ tình xưa. Tất cả quấn lấy tâm trí của lão, khiến lão chẳng nhớ nổi giờ mình cần đánh trống nữa. Lão thường xuyên quên giờ giấc và nhìn xa vắng vào những vạt hoa dã quỳ, lẩm bẩm điều gì đó trong cổ họng. Cô bé vẫn bữa học bữa nghỉ, hôm nào cô bé đi học là lão sốt sắng, lăng xăng đủ việc, cốt sao cho xong nhanh nhất để có thời gian chơi với cô bé, thổi kèn lá cho bé nghe. Lúc nào lão cũng chăm chăm nhìn vào đồng hồ, chờ đến giờ ra chơi mà đánh một cái rõ mạnh, để chiếc váy Mông lại theo đôi chân nhỏ bé tung tẩy bên bạn bè, lão sẽ giúi vào tay cô bé viên kẹo rồi bảo cô bé nói “Cảm ơn ông” bằng tiếng Mông. Hôm cô bé nghỉ học là lão lại đâm ra đăm chiêu, lo lắng nhiều hơn. Ông lão quên pha trà, quét sân, chăm cây, quên cả việc phải đánh trống đúng giờ. Mọi việc cứ thế tiếp diễn, nhưng không ai phát hiện sự thất thường của lão trùng hợp với những buổi đến trường hay không của cô bé người Mông. Mọi người chỉ suy luận lão bị chứng đãng trí của tuổi già, không đủ sức khỏe để làm bảo vệ nữa nhưng họ vẫn cố gắng bỏ qua cho lão, cố gắng nhắc việc để lão làm.
Rồi cô bé người Mông không đến trường nữa, cô giáo chủ nhiệm đến nhà và biết em bị bệnh tim, không thể theo học. Lão Khền nghe mà thấy đầu gối mình mềm nhũn, phải cố gắng lắm lão mới không để mình ngã. Ngoài trời sắp đổ cơn giông, mọi người đã ra về hết, còn lại mình lão, ngôi trường vắng ngắt, chìm dần vào cái lạnh của mưa đêm. Lão trùm chăn cố gắng vỗ về giấc ngủ của mình, nhưng càng cố càng tỉnh. Lão lại trở dậy, với cái đèn pin ra ngoài trong đêm mưa, lọ mọ tìm một chiếc lá có bề mặt mềm mịn, trơn và dai với mép lá nhẵn xinh xắn. Tiếng kèn lá và tiếng mưa chen nhau suốt đêm, âm thanh của hàng triệu triệu giọt mưa rơi chẳng lấn át nổi tiếng kèm lá réo rắt như tha thiết, gọi về một miền kí ức nào xa lắm, một người nào xa lắm. Có lẽ vì sự tha thiết ấy mà cơn mưa cảm động, nên hóa nhẹ nhàng rả rích suốt đêm, như làm nền cho những âm thanh cao vút, trong trẻo ấy đưa lão về với một miền thương nhớ, một người thương nhớ mà bao năm qua lão đang cố gắng chạy trốn, để tìm quên.
Hôm sau, thầy và trò ngôi trường ấy không còn thấy lão Khền nữa. Lo lắng lão sẽ bỏ trường mà đi, thầy hiệu trưởng vội vã lên xe máy, hướng xuống núi mà phóng theo, mong đuổi kịp lão, trong đầu dự tính sẵn bao nhiêu lời thuyết phục làm sao cho lão bằng lòng ở lại với trường. Lúc sau thầy quay trở lại, khuôn mặt tươi cười. Người dân xóm núi bảo, mới tờ mờ sớm thôi, khi sương mù vẫn còn la đà mặt đất, họ đã nghe tiếng kèn lá dọc đường đi, xa dần về phía ngọn đồi có ngôi nhà nhỏ của cô bé người Mông. Chắc rồi lão Khền sẽ gặp được cô bé, nhanh thôi, rồi nơi ấy hạnh phúc sẽ đang về với lão. Chắc chắn rồi tuổi già của lão sẽ thôi cô quạnh và ở ngôi trường này sẽ có lão Khền chăm chỉ từng ngày. Cô bé người Mông lại đến trường và lão Khền sẽ thật vui tươi khi thấy cô bé tung tăng trong chiếc váy Mông xòe như những đóa hoa rung rinh theo bước chân tung tăng của bé. Đó đúng là niềm hạnh phúc mà lão mong đợi. Ông lão bảo vệ sẽ gắn bó lâu dài với ngôi trường này, đây sẽ là quê hương thứ hai của lão, mọi thứ rồi sẽ như ước nguyện.
Đúng là hành trình đến với những ước mơ thì luôn là một hành trình đầy gian nan và thử thách. Thế nhưng rồi mọi chông gai, khó khăn sẽ dần lùi xa khi con người ta biết mở lòng mình, biết yêu thương nhau và biết vì nhau nhiều hơn.
Trong hành trình đi tìm hạnh phúc, những ký ức về ngày xưa, về quê hương luôn hiện diện trong tâm trí của lão Khền. Chính nỗi nhớ đất quê đã khiến lão trở nên đau khổ, khó chịu.
Ai rồi cũng có một nơi để về, và nơi có tình thương chính là nơi trú chân con người ta mong đợi nhất. Ai rồi cũng mong có được một nơi như thế.
LÝ THỊ THỦY
 Tạp chí Văn Nghệ TPHCM
 
29/6/2021
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanvn.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...