Tiểu luận của Nguyễn Chí Hoan:
Bước gió truyền kỳ - Cho lý lẽ
sinh tồn
Trường ca Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng gợi
lên dáng vóc một vở kịch-múa hiện đại về hình thức biểu hiện. Toàn bộ dựa trên
tính tượng trưng cao, cho dù, tất nhiên, bút pháp mô phỏng anh hùng ca cổ điển ở
đây không hề là một bút pháp tượng trưng. Tính tượng trưng bao trùm đó là bởi ý
niệm khởi hứng của tác phẩm này: ý niệm về “gió” như là một trung giới cho linh
hồn và cũng là một “trường” mang chứa những linh hồn.
Chương Mở đầu – “Những ngọn gió vô danh” – đã kiến lập cái
hình ảnh-ý niệm nền tảng đó: câu hỏi tu từ “Người ơi từ đâu theo gió bay
đi/ từ đâu hồn thiêng bay về cùng gió” đã giới thiệu cái nhìn tiên quyết của
tác phẩm, cái nhìn thấy “gió” mang chở những “hồn thiêng”; tiếp đến thấy “gió”
trở thành tinh thần của những “hồn thiêng” ấy khi mà “ước mơ căng tràn ngực
gió”; và kết chương thì “gió” ấy chính là “người” – “Người từ ngàn năm người
quên tên tuổi/ bỗng gió theo về bỗng gió bay đi”.
Chương mở đầu này tựa như màn “giáo đầu” trên sân khấu. Ngắn
gọn, nén dồn và gợi mở, nó đề xuất và diễn giải cái nhìn tính tượng trưng của tác
phẩm. Nếu “hồn thiêng” dẫn sang liên tưởng về quá khứ và do đó về lịch sử, thì
“gió” tượng trưng trực tiếp cho sức chuyển và động của cái lịch sử đó; đồng thời
“gió” là “người” trong mối tương liên lịch sử, là “người” không phân biệt –
“Người mới con trai người vừa con gái/ ước mơ căng tràn ngực gió thanh
xuân”.
Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan
Nền tảng cảm xúc của tính tượng trưng đó được trình bày qua bốn
chương thơ của Phần I, từ “Gió mở đường bay”, “Đồng dao nghịch gió” qua “Cuộc
trò chuyện giữa gió và núi” đến “Gió tiếp sức ước mơ” làm cái tên chung cho Phần
này. Chọn một khởi đầu là sự quay lại miền quê của ký ức tuổi thơ và tuổi trẻ –
một sự quay lại miên viễn suốt mỗi cuộc đời – để nhắc tới những địa danh lừng
vang như “núi Đá Bia”, “sông Ba”, biển “Vũng Rô”, dường như các chương thơ này
ngầm gợi cho người đọc một tham chiếu căn bản đến bài thơ “Nhớ máu” của Trần
Mai Ninh – một bài thơ mang sức ám ảnh kỳ lạ, tuyệt tác, và hầu như đã tạo ra
được một thành ngữ mới cho “gió Tuy Hòa/ cái gió hiên ngang/và phóng túng.” Như
vậy là “gió” quê hương đã mở ra đất nước, một hướng chân trời hợp lẽ, mà ở đây,
thi sĩ Phan Hoàng lấy đó làm cái bản lề – từ “Một thời núi là trọng tài phân
chia ranh giới hai nước Việt-Chiêm. Núi phóng tầm nhìn tận Sài Gòn, Cà Mau, Hà
Tiên… Hoàng đế thi sĩ Lê Thánh Tông mở đường đến đây… Con đường minh quân xây bằng
máu đào soi sáng đường bay chim Việt, nối ngàn xưa cho tới ngàn sau.”
Những người đọc ưa chuộng cái nhìn sử thi của trường ca hẳn dễ
dàng nắm bắt cái tầm nhìn chung của tác phẩm khai mở trọn vẹn qua các chương
thơ này, khi xúc cảm quê hương núi-cha-sông-mẹ, nơi “gió biển tuổi thơ dang rộng
vòng tay từ mẫu”, dâng lên trở thành xúc cảm về đất nước – lịch sử; và ở đó
tính tượng trưng của hình ảnh-ý niệm về “gió” được nhắc lại khẳng định không thể
rõ ràng hơn: “ – Gió ơi, đất trời cao rộng bốn phương,/ bay đường nào
con người bớt khổ đau?/ bay đường nào con người bớt nghèo đói?/ bay đường nào
con người bớt phản trắc?/ bay đường nào con người tin được nhau?”.
Trong hai Phần tiếp theo, gồm bảy chương thơ, thêm một chương
Vĩ thanh (“Những cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại”,) hầu như trình bày một cách
giải minh tính định mệnh của các câu hỏi đó, tác phẩm này nhìn lại “đường bay”
của “gió” từ “bước chân huyền thoại” mở ra “đất ngàn xưa trấn biên,” xuyên qua
hành trình dằng dặc “khẩn hoang” “xuôi chín khúc sông Rồng” tới “Tây Nam mùa
gió chướng” rồi tỏa khắp bốn cõi “Gió dựng thành lũy biên cương.”
Trường ca “Bước gió truyền kỳ” và những
tập thơ khác của Phan Hoàng
Các chương này liên tục dựng những bức tranh lớn theo phong
cách tượng trưng của phù điêu sử thi nơi đền tháp; chẳng hạn:
“lớp lớp người người/tay kiếm tay cờ/ … lẫm liệt lao
mình/ máu/ máu/ máu/ mở
cõi/ máu/ máu/ máu/ giữ nước! … lớp lớp người người/ tay cuốc
tay cày/ lớp lớp người người/ tay chài tay lưới/ chém cá tràng kình/ mắt xua
mây xám Biển Đông …Ơi lớp lớp người người/hiên ngang đôi cánh ước mơ chim Việt/
đôi cánh Lạc Long Quân/đôi cánh Âu Cơ/ bay từ đất thiêng trung thành voi phục
Phong Châu/bay từ khí thiêng oai hùng rồng lượn Thăng Long/ … … /Bước
gió dịu dàng kiệu hoa Huyền Trân/tay gạt nước mắt tay cầm nhan sắc/không tướng
không quân/xông pha bồi đắp hình hài đất nước/ Bước gió uy phong Lê Thánh
Tông/lưng kiếm túi thơ/rừng nghinh biển đón/phất cờ mở rộng biên cương Tổ
quốc/ Bước gió Nguyễn Hoàng/bước gió Lương Văn Chánh/ bước gió Nguyễn Hữu Cảnh…/bước
gió những đoàn quân vô danh/bước gió những lưu dân vô danh/bước gió những nghệ
sĩ vô danh/bước gió những mỹ nữ vô danh/nhập hồn xóm làng/nhập hồn sông suối/nhập
hồn núi rừng/nhập hồn biển đảo”.
Có nhiều đoạn phù điêu như thế hàm ngụ sức sống tự nhiên phì
nhiêu của người và đất đai Tổ quốc, chẳng hạn: “… /hừng hực ngực lửa/hừng
hực đùi hương/bềnh bồng suối tóc/bồng bềnh môi trầm/bồng bềnh lạch hoa/bồng em
lốc xoáy/bềnh ta bão rung/…”
Những đoạn mô tả tượng trưng sinh động đó, “dâng lên những
cái tên chân chất gần gũi quê mùa” và lồng lộng không khí dân dã phương Nam, là
một đặc sắc ở trường ca này. Tất cả nghiêng về phía bình yên. Đồng thời giọng
thơ có nhiều câu đoạn bổng trầm ngậm ngùi ưu uẩn. Và những nét giọng đầy sắc
thái thầm lặng ẩn khuất đó lại tương hỗ làm tôn lên chất khẳng khái và hào khí
của các mô-típ chính sử. Những nét ưu uẩn đó cũng ứng đáp với những câu hỏi
mang tính định mệnh đặt ra ở cuối Phần I như đã dẫn.
Đó là thuộc về phần những nền móng dân dã của lịch sử, chẳng
hạn: “Ông bà khai rạch khẩn đồi/ Sinh ra làng mạc để rồi sinh em/ Cảm thương cô
bé lọ lem/ Bơi trong gió chướng giặc đêm cướp ngày” – Và ta thấy, nương theo
tính tượng trưng của “gió” thì “gió chướng” cũng trở nên một ý niệm-hình ảnh tượng
trưng; mà qua nhiều những câu đoạn như thế mang lại cảm nhận một lịch sử khí
phách, đang sống động tranh đấu, hơn là một lịch sử bi tráng có hậu như người
ta quen nói.
Nhà thơ Phan Hoàng nhận Giải thưởng 5
năm lần thứ II của UBND TPHCM cho trường ca “Bước gió truyền kỳ”
Cái lịch-sử-đang-là đó trải ra trong Phần III “Gió dựng thành
lũy biên cương.”Chủ đề tính tượng trưng tâm linh của “gió” được tái hiện và khẳng
định với “ bao linh hồn trẻ hóa gió hiên ngang/ canh giữ giấc ngủ bình yên đất
mẹ” ở nơi “núi đồi biên giới,” giữa “những bóng ai lướt nhanh trong màn sương đục/bóng
của hôm qua bóng của hôm nay hay bóng của mai sau?”
Có thể thấy ở đây hai lần sự nhắc lại, điệp khúc biến tấu, của
các câu hỏi mang tính định mệnh con người đã đặt ra từ Phần I. Phần III này chọn
câu đề từ là “Khi lịch sử gồng mình trước những cơn bão lớn/mọi con đường đất
nước đều thẳng hướng biên cương”. Và, bên những mô-típ chính sử truyền thống chống
ngoại xâm quen thuộc, sức bật của các chương thơ này nằm vào những câu đoạn
như: “Có những cỏ cây bị đánh cắp xứ người cất lời trách gió/ có những hồn
thiêng mất quê đớn đau phẫn uất mắt đêm/ có những ngọn đồi máu xương vô tình bụi
mờ cát phủ”… “Những đạo quân chưa bao giờ rời mắt khỏi cõi bờ/chưa bao giờ rời
mắt khỏi biển đảo/chưa bao giờ rời mắt khỏi lũ sói đói di truyền…” Thì sự lặp lại
các câu hỏi định mệnh ấy là đây: “Dòng máu Lạc Hồng như tùng bách non cao/
phong ba đảo xa/ trúc mai khu vườn trầm tư minh triết/ nếu tìm được con đường
ánh sáng khác/ tiết kiệm sông máu núi xương đại dương nước mắt/ tiết kiệm thời
gian lạc hậu đói nghèo/ …”
Câu trả lời mà chương thơ này đề xuất cũng bắt đầu bằng chữ
“Nếu,” như một giấc mơ lộng gió: “Nếu tìm được đường bay vàng hội nhập bình
yên/ rộng mở chân trời nhân văn giống nòi Lạc Việt/ … /mạnh mẽ như ngọn gió
thiêng dựng thành lũy biên cương.”
Bản trường ca hẳn đã có thể khép lại với một cái kết trọn về
hình thức như vậy. Nhưng có lẽ về thực chất nó không thể kết trọn. Cho nên tác
giả khai triển sự tái hiện hồi kết đó vào chương Vĩ thanh – một lần nữa nối quá
khứ vào hiện tại cho thỏa đáng tính liên tục của “gió”: “Đất nước đi bằng mọi
con đường/ dân tộc lớn lên từ bao thảm kịch/ mỗi đời người một cánh buồm/ một
chuyến tàu lênh đênh/ vượt thoát những cơn đại hồng thủy lập trình/ … / ta bay
khắp Tổ quốc gánh gồng đau thương như đời mẹ tảo tần/ … / đớn đau kềnh càng vô
tình danh lợi/ ta vẫn phải tin những bông hoa lặng lẽ tỏa hương sót lại/ và những
trái tim âm thầm nhịp đập về phía minh triết chồi lộc sinh sôi.”
Chương Vĩ thanh quả đã làm cho cái kết trường ca này trở nên
thỏa đáng: với lời “Cám ơn người mở đường/ hóa thân bước gió truyền kỳ”, câu
chuyện tượng trưng này được nhìn như những “cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại dòng
giống rồng tiên”. Đó là cái nhìn phù hợp với cảm thức đương thời đòi hỏi vượt
và thoát những tình thế khó khăn thời đương đại. Ở đây luôn thường trực một
lòng tin dựa chắc trên truyền thống dân tộc, một truyền thống của “dòng hào khí
đánh đổi tinh hoa lớp lớp người người/ vẫy vùng thiên tai/ hiên ngang chiến trận”
– mô-típ xuyên suốt từ đầu đến cuối bản trường ca, tượng trưng cho lý lẽ sinh tồn
của một xứ sở đất nước.
Hà Nội, đầu xuân 2017
NGUYỄN CHÍ HOAN
24/11/2022
Tô Hoàng
Nguồn: Báo Văn học Nga - 8/2022
Theo https://vanhocsaigon.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét