Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2023

Tiểu luận Nguyễn Thị Thu Trang: Âm vang hồn thơ Hồ Dzếnh

Tiểu luận Nguyễn Thị Thu Trang:
Âm vang hồn thơ Hồ Dzếnh!

Phong trào Thơ Mới nói riêng cũng như cuộc Cách mạng hiện đại hóa văn chương nói chung diễn ra sôi nổi hồi đầu thế kỷ XX đã đưa văn học Việt Nam từ trung đại sang giai đoạn hiện đại. Trong phong trào đó có rất nhiều tác giả xuất sắc xuất hiện. Nhân kỷ niệm 90 năm Phong trào Thơ Mới (1932-2022), xin trân trọng giới thiệu bài viết về nhà thơ Hồ Dzếnh của PGS-TS Nguyễn Thị Thu Trang như nén tâm hương tưởng nhớ đến ông!
Hồ Dzếnh là nhà thơ, nhà văn Việt Nam xuất hiện và nổi tiếng ở giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, khi cuộc Cách mạng hiện đại hóa văn chương nước nhà đang diễn ra sôi động. Các nhà nghiên cứu văn học xếp Hồ Dzếnh, Thạch Lam, Thanh Tịnh vào cùng một nhóm các cây bút hiện thực trữ tình. Tuy nhiên so với cả Thạch Lam, Thanh Tịnh; tên tuổi của Hồ Dzếnh vẫn ít được nhắc đến hơn. Thậm chí vào ngày 13/8/1991, khi nghe tin Hồ Dzếnh mất; nhiều người hơi ngỡ ngàng vì cứ nghĩ  người thơ quá vãng đã lâu.
Nhà thơ Hồ Dzếnh (1916 – 1991)
Văn chương đôi khi cũng có số phận nghiệt ngã như con người. Nhưng thời gian sẽ thanh lọc và bù đắp công bằng cho những giá trị nghệ thuật chân chính. Hồ Dzếnh là trường hợp như vậy. Từ 1988 đến nay, tác phẩm của ông (cả thơ và văn xuôi) cùng với những công trình nghiên cứu về tác giả liên tục được in, xuất bản và tái bản.
Hồ Dzếnh xuất hiện trên văn đàn lặng lẽ nhưng rất ấn tượng với bút danh rất lạ, rất Tàu (Hồ Dzếnh theo giải thích là được phiên âm từ tên thật Hà Triệu Anh). Cha ông là người Trung Hoa ly hương, lúc nào cũng nhớ đến cội nguồn. Mẹ ông là cô lái đò trên sông Ghép ở Quảng Xương, Thanh Hóa. Và Hồ Dzếnh đã mang cái tuổi thơ u hoài với tâm hồn dịu dàng nhạy cảm của mình vào văn chương, trong những năm cảm hứng sáng tác như một dòng chảy mạnh trào dâng, lôi cuốn hầu hết mọi người trí thức trai trẻ.
Bắt đầu viết truyện ngắn và thơ đăng trên các báo như Tiểu thuyết Thứ Bảy, Trung Bắc Chủ nhật; đến 1940 trở đi, Hồ Dzếnh mới có những tác phẩm được in như:
– Dĩ vãng (truyện vừa), xb 1940.
– Quê ngoại (tập thơ), xb 1942.
– Chân trời cũ (tập truyện ngắn), xb 1943.
– Một chuyện tình 15 năm về trước (truyện dài), xb 1943.
– Hoa xuân đất Việt (tập thơ), xb 1945.
– Cô gái Bình Xuyên (truyện vừa), xb 1946…
Năm 1942, cuốn Thi nhân Việt Nam và bộ sách Nhà văn hiện đại ra đời. Đó là hai công trình nghiên cứu quan trọng, đã làm nhiệm vụ tổng kết đầu tiên quá trình hiện đại hóa văn học nước nhà diễn ra trong vòng 10 năm (đến 1941). Nhưng Hoài Thanh, Hoài Chân và cả Vũ Ngọc Phan; tác giả của những cuốn sách nêu trên đều chưa kịp ghi nhận tên tuổi Hồ Dzếnh!? Sau 1945, Hồ Dzếnh vẫn tiếp tục sáng tác; từ khoảng 1958 trở đi ông hầu như vắng bóng trên văn đàn, sống lặng lẽ với công việc của một người thợ cơ khí bình thường.
Chỉ có trong trái tim người đọc, những bài thơ, truyện ngắn của Hồ Dzếnh vẫn âm vang, nhớ thương.
Người ta nhớ nhiều nhất là bài Chiều với thể thơ năm chữ, nhẹ nhàng mà quyến rũ:
“Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây
 
Chim rừng quên cất cánh
Gió say tình ngây ngây
Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay?
 
Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng,
Ngỡ hồn mình là mây,
 
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây…”
Gần mười năm, sau khi ra đời, bài Chiều đã được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ nhạc (năm 1950). Nhiều người cho rằng nhạc sĩ đã bắt trúng cái hồn của bài thơ, đã cộng hưởng với thi sĩ cùng tạo nên một bài hát mà giai điệu và ca từ đều đẹp, hờ hững mà da diết, vang vọng mãi đến tận ngày nay.
Chiều (hay Màu cây trong khói) và nhiều bài thơ khác của Hồ Dzếnh cũng mang nỗi sầu đau lãng mạn chung của thời đại Thơ Mới, nhưng Chiều có một dáng vẻ rất lạ. Ông Hoàng Hưng bình: “Ngay ở khổ thơ đầu, ba câu lẻ bất thường đã phóng một thế chênh vênh, mở ra một khoảng cộng hưởng mênh mông từ trời mây đến vạn cổ, để kết thúc với đốm thuốc đơn độc trên tay. Đó là phút cái cá thể lãng mạn thăng hoa để hòa với cái vô cùng. Nếu tôi không lầm trong thơ tiền chiến cái tôi chưa bao giờ có được một tư thế như vậy...”(1).
Và từ đó người ta hay nhắc đến “khói huyền Hồ Dzếnh” như một ấn tượng khó phai về ông. Có lẽ vì xuất hiện muộn, khi phong trào Thơ Mới đã đi qua giai đoạn đỉnh cao, nên Hồ Dzếnh không tìm được những tha thiết cả trong buồn đau, nhớ mong như các thi sĩ ở buổi ban đầu.
Nỗi niềm hững hờ, xa cách đó đôi khi lại tạo nên một kiểu dáng riêng khó bắt chước. Có những câu rất Hồ Dzếnh như:
“Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân…
…Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở...”.
(Ngập ngừng)
 
“Trời không nắng cũng không mưa
Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung…”.
(Màu thu năm ngoái)
Những câu thơ nhẹ như tơ trời ấy có sức ám ảnh ghê gớm. Nó dịu dàng mà trói buộc tâm hồn con người. Hồ Dzếnh dường như đã cảm nhận được nỗi cô đơn đầy bất an của con người hiện đại. Đã không còn những đắm đuối van xin kiểu Xuân Diệu hay hồn nhiên, nhí nhảnh như cô gái 15 tuổi của Nguyễn Nhược Pháp trong bài Chùa Hương. Những nghịch lý hay mâu thuẫn mà thơ ông hay nhắc (hẹn nhưng đừng đến, thư viết đừng xong, tình dang dở…) thực chất chính là biểu hiện của trạng thái tâm lý mới: con người vừa phải chấp nhận hiện thực vừa muốn thoát ly hiện thực. Nhu cầu giải phóng cá nhân để tự do yêu đương (thời kỳ đầu) đã không tìm ra ý nghĩa đích thực hạnh phúc! Hồ Dzếnh trong thơ không phải là tâm trạng thất bại chua cay mà là vẻ buồn đơn độc, lặng lẽ trong hành trình kiếm tìm cái đẹp, đích thực nhưng mong manh.
Nhà phê bình Nguyễn Thị Thu Trang ở Phú Yên
Nhiều người nói Hồ Dzếnh gần với Nguyễn Bính vì cảm hứng của thi sĩ thường xuất phát từ những hoài niệm tha thiết. Bài Trở lại thuộc thể lục bát quen thuộc, vừa êm đềm nhớ nhung vừa xót xa nuối tiếc:
“Trời trong đến nỗi không mây
Cây im đến nỗi bóng đầy mặt sân
  Tôi về giữa xứ bâng khuâng
Nghe thơ lục bát gieo vần nhớ xưa
 
Chạy dài lớp bí, dàn dưa
Vẳng nghe dấu cũ hồn mơ đang tàn
Mộng lòng xây giữa nhân gian
Một căn nhà nhỏ, mấy hàng trầu không
   
Những người tôi vẽ chưa xong
Thi nhau trên bức bình phong méo đầu
Phẳng lì ngõ trước, ao sau
Đêm đêm cá đớp trăng sầu đêm đêm.
 
Con người tôi gọi bằng em
Nhớ tôi nhưng cũng thành duyên lâu rồi
Mộng tàn nước chảy mây trôi
Tôi lui hồn lại, nhưng đời đã xa…”
Âm điệu, hình ảnh đều phảng phất bóng dáng Nguyễn Bính, cả cách vận dụng thể lục bát duyên dáng, uyển chuyển. Nhưng so với những trắc trở, thổn thức của Nguyễn Bính, thơ Hồ Dzếnh bình yên hơn. Đó là sự bình yên của một tâm hồn đã trải thương đau, không tuyệt vọng nhưng cũng không còn nhiều tin yêu, hy vọng:
“Từ thuở ly hương ta vẫn nhớ
Nhưng tình…xa lắm, gió mây ơi!“.
(Tư hương)
Đọc thơ Hồ Dzếnh mới hay ngôn ngữ mẹ đẻ đã thành máu thịt tâm hồn ông, giản dị mà diệu kỳ biết chừng nào! Nhà thơ đã từng xúc động nói: “…Tôi yêu tiếng Việt lắm, tôi sung sướng thấy mình được tồn tại trong lòng tiếng Việt yêu thương“. Tình yêu ấy đã dệt nên những trang thơ còn mãi với thời gian.
Cũng như Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh làm thơ và viết văn; và với cả hai, ông đều thành công. Tập truyện ngắn Chân trời cũ của Hồ Dzếnh không phải là hồi ký cũng không thuộc tác phẩm tự truyện, nhưng nó có sự cộng tác của cả hai thể loại này. Đọc những truyện viết trong đó như: Ngày gặp gỡ, Người chị dâu tôi, Con ngựa trắng của ba tôi, Lòng mẹ, Chú Nhì, Hai anh em v.v… ta vẫn mường tượng rất rõ những ngày thơ ấu của nhà văn. Văn xuôi Hồ Dzếnh không lạ bởi nó chỉ là những dòng kể chân thực về cuộc đời; nhưng nó cũng không mòn cũ với thời gian vì nó đánh thức lòng yêu thương trắc ẩn của con người. Mà tấm lòng của con người thì đời nào cũng vậy!
Hồ Dzếnh đến văn chương không mong kiếm tìm một chỗ đứng. Hồ Dzếnh lìa xa cuộc đời cũng không cần lưu lại tuổi tên. Nhưng suốt cuộc đời thực và suốt cuộc đời văn chương, ông đã thủy chung, chân thành trọn vẹn.
“Mây nước vô tình, lãnh đạm trôi.
Tình không như nước, tình không xuôi.
Bao lần lá thắm xuôi dòng nước
Nước chảy, tình duyên ở với người…”
(Nước chảy chân cầu).
Nước chảy, mây trôi chỉ còn niềm thương yêu ở lại! Nhà thơ dù đã đi vào sương khói, thì văn chương vẫn còn tiếp tục sự sống của ông. Và một buổi chiều tím, một đêm khuya; đọc thơ Hồ Dzếnh ta lại nghe nhớ thương dâng lên đến nghẹn ngào.
NGUYỄN THỊ THU TRANG
_________________
(*) Xem bài Hồ Dzếnh một tài năng văn học độc đáo của Hoàng Hưng, in trong Hồ Dzếnh một hồn thơ đẹp, Nxb Văn hóa thông tin, H, trang 79, 80.
 
24/11/2022
Tô Hoàng
Nguồn: Báo Văn học Nga - 8/2022
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Café yêu

Café yêu Giới thiệu Nếu đã quen với những trang báo Hoa Học Trò thì cái tên Minh Nhật có lẽ không xa lạ gì với các bạn. Tuy còn khá trẻ nh...