Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Tiểu luận Hà Thanh vân: Trường phái ngữ văn Đức ở nửa đầu thế kỷ XX

Tiểu luận Hà Thanh vân: Trường phái
ngữ văn Đức ở nửa đầu thế kỷ XX

Ở nửa đầu thế kỷ XX, chúng ta ghi nhận sự xuất hiện nổi bật của ba lý thuyết nghiên cứu văn học: Nghiên cứu văn học dưới cái nhìn phân tâm học của Sigmund Freud và tâm lý học phân tích của Carl Jung; Chủ nghĩa hình thức Nga; Trường phái ngữ văn Đức.
Đề cập đến sự xuất hiện của ba hướng nghiên cứu nổi bật này, chúng ta không thể không nhắc đến những lý thuyết nghiên cứu văn học đã đóng vai trò chi phối suốt thế kỷ XIX và vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến đầu thế kỷ XX, đó là phương pháp tiểu sử và trường phái văn hóa – lịch sử. Không phải ngẫu nhiên mà các lý thuyết nghiên cứu văn học ra đời vào nửa đầu thế kỷ XX đều bắt đầu bằng việc phê phán kịch liệt những quan niệm nghiên cứu văn học trước đó.
Ở thế kỷ XIX, phương pháp nghiên cứu tiểu sử của nhà phê bình người Pháp Charles Augustin Saint – Beuve (1804 – 1869) ra đời gắn liền với chủ nghĩa lãng mạn, khi mà mỹ học lãng mạn đề cao con người như là chủ thể sáng tạo tài năng, và thể hiện tài năng ấy trong tác phẩm của mình. Tác phẩm đối với Saint – Beuve chính là sự thể hiện cái tôi của tác giả. Nhân tố quyết định sự sáng tạo tác phẩm văn học không phải là hình thức mà chính là cá nhân cụ thể, riêng biệt của người sáng tạo ra nó. Phương pháp nghiên cứu tiểu sử đã được Saint – Beuve áp dụng để vẽ nên những chân dung văn học Pháp như Ronsard, Corneille, Chateaubriand…, trong đó các tác giả được miêu tả với đầy đủ những khí chất, tính cách cụ thể của đời thường.
Tuy vậy phương pháp nghiên cứu tiểu sử dễ dẫn đến xu hướng đồng nhất tâm lý học với phê bình văn học, mà trong đó tác phẩm văn học không phải xuất phát từ tâm lý của nhà văn, mà ngược lại, tác phẩm văn học chỉ được sử dụng như là tư liệu để khám phá tâm lý nhà văn. Tác phẩm văn học không phải là mục đích của nghiên cứu văn học, mà chỉ là phương tiện để tìm hiểu con người tác giả.
Nếu Sainte – Beuve coi tác phẩm văn học là tài liệu để nghiên cứu con người tác giả, thì trường phái văn hóa – lịch sử mà đại diện tiêu biểu là Hippolyte Taine (1828 – 1893) lại xem tác phẩm văn học là tài liệu miêu tả một trạng thái xã hội nào đó. Xuất phát từ chủ nghĩa thực chứng của nhà triết học người Pháp Auguste Comte (1798 – 1857), Hippolyte Taine cho rằng động lực chung cho sự phát triển văn học nghệ thuật của mọi thời đại là các yếu tố: chủng tộc, môi trường và khoảnh khắc, trong đó khoảnh khắc được hiểu như những thời đại lịch sử khác nhau. Cách nghiên cứu của Hippolyte Taine được nhiều học giả kế thừa, trong đó nổi bật nhất là nhà phê bình văn học người Pháp Gustave Lanson (1857 – 1934), và trường phái này vẫn còn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong suốt những năm đầu thế kỷ XX.
Cũng không thể không nhắc đến những trào lưu sáng tác văn học song hành bên cạnh những phương pháp nghiên cứu, phê bình văn học. Ở suốt nửa cuối thế kỷ XIX và sang nửa đầu thế kỷ XX, chúng ta phải ghi nhận sự xuất hiện của chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa dada, chủ nghĩa vị lai… bên cạnh những hồi quang của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn.
Trường phái ngữ văn Đức và những yếu tố lịch sử
Ra đời cùng thời với chủ nghĩa hình thức Nga, trường phái ngữ văn Đức (Phùng Ngọc Kiên trong bài viết “Lịch sử văn học phương Tây qua cái nhìn của Erich Auerbach” (Tạp chí “Nghiên cứu Văn học” số 8-2005) cũng dịch thuật ngữ này là ngữ văn) bao gồm một số nhà nghiên cứu có tên tuổi tại Đức như Frédéric Gundolf (1881 – 1931), Ernst – Robert Curtius (1886 – 1956), Erich Auerbach (1892 – 1957), Léo Spitzer (1887 – 1960). Ngay từ năm 1915, trường phái này đã gây được tiếng vang và hoạt động sôi nổi tại nhiều trường đại học ở Đức. Có thể nói, đây là một trong những khuynh hướng đầu tiên của nền phê bình, nghiên cứu văn học tại phương Tây thế kỷ XX. Đặc biệt Frederic Gundolf không chỉ là một trong những cây bút cột trụ của nhóm này, mà tư tưởng của ông còn ảnh hưởng đến cả những nhà phê bình Thụy Sĩ trong trường phái phê bình ý thức như Marcel Raymond, Georges Poulet ở thập niên 50, 60 của thế kỷ XX, hay những thao tác nghiên cứu văn học của Erich Auerbach cũng được xem là có sự tác động lớn đến việc nghiên cứu so sánh văn học và phương pháp nghiên cứu liên văn bản ở nửa cuối thế kỷ XX.
Các nhà ngữ văn Đức cho rằng văn chương châu Âu là một khối toàn diện, có những giá trị chung, không thể tách rời, không phân chia ranh giới quốc gia, và đặc biệt là có chung một nguồn gốc là tiếng Latinh. Trên một phương diện nào đó, cũng giống như nhiều nhà hình thức chủ nghĩa Nga, từ năm 1933, khi tư tưởng phát xít thống trị nước Đức, một số nhà ngữ văn Đức đã lưu vong ra ngoài và công bố những công trình nghiên cứu chủ yếu của mình tại nước ngoài. Không ngần ngại công khai tư tưởng chống Đức quốc xã và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, các nhà ngữ văn Đức chủ trương đề cao một châu Âu đoàn kết và phát triển toàn diện ngay cả trong lĩnh vực văn chương. Chính vì vậy, khi Đức quốc xã xâm lược nước Pháp, các nhà ngữ văn Đức như Ernst – Robert Curtius đã đem văn học Pháp ra làm đối tượng nghiên cứu ưu tiên.
Những quan niệm nghiên cứu
Về mặt phương pháp luận, có thể nói các nhà ngữ văn Đức đi theo con đường ngược chiều với các nhà hình thức chủ nghĩa Nga. Các nhà hình thức chủ nghĩa Nga chuyên tâm vào việc khảo sát văn bản, khảo sát các thủ pháp nghệ thuật và gạt bỏ tác giả, gạt bỏ các yếu tố lịch sử, xã hội ảnh hưởng đến tác phẩm, thì các nhà ngữ văn Đức cũng đi từ văn bản, nhưng dùng văn bản để tìm hiểu tác giả, tìm hiểu bối cảnh lịch sử, xã hội của thời đại mà tác giả đã sống.
          2.1. Nghiên cứu văn bản trong mối quan hệ lịch sử của nó
Các nhà ngữ văn Đức quan niệm nghiên cứu văn học là nghiên cứu văn bản, bao gồm việc phê bình, tìm hiểu cội nguồn ngữ, lịch sử chữ và mối tương quan của văn bản ấy đối với đời sống xã hội của tác giả. Họ tập trung vào việc nghiên cứu ngôn ngữ châu Âu trong quan niệm cho rằng tiếng Latinh là nguồn gốc chung của mọi thứ tiếng châu Âu. Chủ trương khảo sát toàn diện văn học châu Âu như một thể thống nhất, trường phái này có những đóng góp hết sức cụ thể trong lĩnh vực nghiên cứu và phê bình văn học. Trong những công trình của mình, họ đã đề cập đến những khái niệm như văn học so sánh, liên văn bản. Tác phẩm “Mimesis: The Represention of Reality in Western Literature” (Mô phỏng hay là sự trình bày hiện thực trong văn học phương Tây) xuất bản năm 1946 của Erich Auerbach (1892 – 1957) đã cho thấy rõ ưu điểm của việc so sánh và kết hợp các mối liên hệ giữa các văn bản qua các thời kỳ lịch sử, nhưng đều xuất phát từ một nguồn gốc văn hóa chung. Con đường của Erich Auerbach mấy chục năm sau có một người kế tục xuất sắc là nhà phê bình Gérard Genette (Pháp), được xem là người chủ soái của phương pháp nghiên cứu liên văn bản với tác phẩm Nguyên cảo (1982).
Nhà phê bình Hà Thanh Vân
Trong tác phẩm của mình, Erich Auerbach không đề cập nhiều đến lý thuyết nghiên cứu, mà vận dụng trực tiếp vào việc nghiên cứu văn học phương Tây trong suốt thời kỳ từ Hy Lạp và La Mã cổ đại. Ông giải thích như sau: “Tôi không bao giờ có ý định trình bày lịch sử văn học hiện thực phương Tây. Làm như thế không những mình sẽ chìm trong một khối lượng văn bản khổng lồ, mà còn sa vào các cuộc tranh luận vô ích về việc phân chia các thời kỳ văn học, phân chia các nhà văn theo khuynh hướng riêng và nhất là sẽ gặp khó khăn trong việc định nghĩa thế nào là hiện thực. Để viết lịch sử văn học một cách đầy đủ theo kiểu truyền thống, tôi phải viết về những hiện tượng mà tôi không thật hiểu biết sâu sắc. Tôi sẽ phải đọc thêm để biết những kiến thức mà tôi thiếu, một điều mà tôi cho rằng không cần thiết. Chỉ vì những chủ đề mà tôi đã chọn buộc tôi phải nói đến những thông tin mà nhiều người đã biết, hoặc họ có thể dễ dàng tìm thấy chúng trong những công trình nghiên cứu khác. Ngược lại, nếu như tôi lấy một số chủ đề mà tôi hiểu biết, đem đối chiếu đem đối chiếu với một loạt văn bản sống động thì tôi tin rằng điều này có thể làm được và có những khám phá mới. Tôi tin rằng chủ đề chính của lịch sử văn học hiện thực phải nằm trong bất cứ văn bản hiện thực nào” (Erich Auerbach. “Mimesis: The Represention of Reality in Western Literature”. Princeton University Press, 2003, p. 553.) Như vậy Erich Auerbach đã giải thích phương pháp nghiên cứu của ông thật rõ ràng. Ông dùng những văn bản, đem đối chiếu chúng với nhau để xác định các mô phỏng hiện thực của tác giả. Dù không trực tiếp định nghĩa phương pháp này, nhưng qua cách làm của Erich Auerbach, chúng ta thấy bóng dáng của phương pháp nghiên cứu so sánh và liên văn bản trong văn học sau này.
2.2. Tính nhất quán trong sáng tạo và nhất quán trong lịch sử văn học.
Nhất quán trong sáng tạo là quan niệm của Frederic Gundolf. Tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo trong sự nhất quán về mặt tinh thần của người nghệ sĩ. “Nghệ thuật chẳng bắt chước đời sống mà cũng chẳng phải là trực giác của đời sống; nghệ thuật là một hình thức nguyên khai của đời sống, nó không vay mượn những lệ luật tôn giáo, đạo đức, khoa học, nhà nước, hay tất cả những hình thức đầu tiên hay thứ yếu khác” (Thụy Khuê. “Phê bình văn học thế kỷ XX: Trường phái bác ngữ học Đức”. Tạp chí “Văn học” số 230, 3-2006, tr. 30.)
Sự nhất quán trong lịch sử văn học châu Âu là tư tưởng xuyên suốt các công trình nghiên cứu của Ernst – Robert Curtius. Sự nghiệp của ông gồm 18 tác phẩm, 6 dịch phẩm, 6 tập thư từ trao đổi về văn học và hàng trăm bài viết. Ernst – Robert Curtius chủ yếu nghiên cứu về văn chương Pháp và châu Âu, tìm hiểu bối cảnh văn hóa Đức trong lòng văn minh châu Âu và quan tâm nhiều đến thời kỳ trung cổ trong văn học châu Âu. Ông trình bày quan niệm của mình trong tác phẩm “European Literature and the Latin Middle Ages” (Văn chương châu Âu và thời trung cổ Latinh), xuất bản lần đầu năm 1948. Tác phẩm này gồm hơn 30 bài viết. Đối với Ernst – Robert Curtius, lịch sử văn học thông thường chỉ soi chiếu được bề mặt của văn chương châu Âu. Muốn tìm hiểu sâu xa nguồn gốc của sự nhất quán này, thì phải vận dụng cả hai phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ và nghiên cứu lịch sử văn học song hành. Văn chương châu Âu, theo Curtius có hai nguồn gốc: từ nền văn minh Địa Trung Hải cổ xưa và và từ văn minh phương Tây hiện đại. Cho đến thời kỳ trung cổ ở châu Âu, toàn bộ nền văn chương này được viết bằng tiếng Latinh, sau đó mới hình thành ngôn ngữ văn chương riêng ở mỗi quốc gia. Thế nhưng hình bóng của văn chương quá khứ vẫn tồn tại trong những tác phẩm ra đời ở thời kỳ hiện đại, dưới cái bóng của Hy Lạp và La Mã cổ đại, thể hiện ở thể loại, vần, chủ đề, đề tài, nhân vật, chẳng hạn như tiểu thuyết Ulysses của James Joyce (1882 – 1941)… Không cần phải có sự chia cắt giữa văn chương quá khứ và văn chương hiện tại, bởi đó là sự tiếp nối liên tục. Và khi nghiên cứu văn chương, chúng ta có thể có những so sánh liên thời gian và không gian. Bằng vào việc đọc nhiều văn bản qua các thời kỳ, cho phép chúng ta tìm thấy những hiện tượng hay những yếu tố có ý nghĩa bất biến, thường xuyên lặp đi lặp lại.
Cụ thể, Curtius đã chứng minh rằng văn học châu Âu có 3 sự nhất quán:
– Nhất quán về ngôn ngữ: Tiếng Latinh là ngôn ngữ thống trị văn chương châu Âu trong suốt 13 thế kỷ, từ nhà thơ La Mã cổ đại Virgile cho đến nhà thơ Italia Dante.
– Nhất quán về nguồn gốc: Văn chương châu Âu đều bắt nguồn từ văn chương Hy Lạp – La Mã cổ đại.
– Nhất quán về cảm hứng sáng tạo: Các nhà văn châu Âu thường sáng tạo dưới những cảm hứng chung về tôn giáo, về tư tưởng, mà ở đây chủ yếu là tư tưởng Công giáo.
Curtius cũng đã đưa ra một quan niệm độc đáo về lịch sử văn học. Ông phản đối những công trình nghiên cứu chia lịch sử văn học thành những trường phái, hay trình bày theo dân tộc, theo ngôn ngữ, theo phân kỳ lịch sử… Ông cho rằng đó là sự xé lẻ lịch sử văn học, thiếu hẳn đi sự toàn diện trong cách nhìn. Chẳng hạn ông cho rằng khuynh hướng hiện thực trong văn học không phải mới xuất hiện từ thế kỷ XIX, mà đã có từ thời xa xưa, từ trong thơ văn Hy Lạp cổ đại, trong những tiểu thuyết viết bằng tiếng Latinh thời La Mã, trong những truyện cổ tích Bắc Âu thế kỷ XII, rồi đến tác phẩm của các nhà văn như Francois Rabelais (1494 – 1553) hay Miguel de Cervantes (1547 – 1616)… Nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu văn chương là phải nhận diện được những hình thức khác nhau của khuynh hướng hiện thực ấy. Mục đích cuối cùng của nhà nghiên cứu là phải tìm ra tính nhất quán của tác phẩm, của một thời kỳ hay của một nền văn học.
Quan niệm của Ernst – Robert Curtius không chỉ phù hợp với lịch sử văn học châu Âu. Chúng ta cũng có thể vận dụng cách tiếp cận của ông khi nghiên cứu văn học truyền thống Đông Á hay Đông Nam Á.
2.3. Tác giả văn học và phong cách học
Trường phái ngữ văn Đức cũng được xem là đã góp phần xây đắp nền móng cho phong cách học hiện đại, trong đó công lao to lớn nhất thuộc về Leo Spitzer, một người gốc Áo, từng là giáo sư tại Đại học Marburg và Cologne. Ông là một nhà ngôn ngữ học tài ba, thông thạo nhiều thứ tiếng (ngoài tiếng Đức ông còn biết tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italia).
Khi khảo sát văn bản, trong thời gian đầu Leo Spitzer chỉ chú trọng vào ngữ pháp, từ nguyên, từ vựng, như một nhà ngôn ngữ học thuần túy. Nhưng sau đó ông chuyển sang tìm hiểu về văn phong (style) của các tác giả văn học. Ông cho rằng khi tìm hiểu về văn phong của một tác giả, không những có thể chỉ ra đặc điểm ngôn ngữ văn chương của tác giả đó mà còn cho thấy sự thay đổi văn phong của tác giả qua từng thời kỳ sáng tác. Đằng sau những câu chữ ấy là cá tính sáng tạo của tác giả, là tư tưởng, là cuộc đời của một con người.
Nhận xét về phương pháp nghiên cứu của Leo Spitzer, Rene Wellek và Austin Waren đã viết: “Leo Spitzer đã sớm nghiên cứu về quan hệ hai chiều giữa đặc điểm ngôn ngữ với những yếu tố nội dung, chẳng hạn như xem xét việc lặp đi lặp lại của những motif như máu và vết thương trong những tác phẩm của Henri Barbusse… Sau đó ông cố gắng thiết lập những mối liên hệ giữa đặc điểm ngôn ngữ với tâm lý sáng tạo của tác giả dưới sự chi phối của những tư tưởng thời đại. Ví dụ như ông liên hệ giữa văn phong của Péguy với chủ nghĩa trực giác của Henri Bergson hay giữa văn phong của Jules Romains với thuyết vạn vật hữu linh” (Rene Wellek, Austin Waren. Theory of Literature. Penguin, 1963, pp. 182 – 183).
Phương pháp của Leo Spitzer thể hiện rõ trong công trình “Nghiên cứu phong cách”, gồm 10 bài viết, trong đó có 1 bài tổng quan và 9 bài phê bình các tác giả văn học Châu Âu. Ông tự xác định con đường nghiên cứu của mình là sự kết hợp giữa công việc của một nhà ngôn ngữ học và một nhà văn học sử. Leo Spitzer nhấn mạnh vai trò của từ nguyên học. Ông cho rằng bằng vào việc truy nguyên căn rễ của một từ, chúng ta có thể thấy những thời đại, những giai đoạn lịch sử đã qua, những đổi thay trong tính cách con người. Mỗi một giai đoạn lịch sử sinh ra những kiểu văn phong khác nhau.
Theo Leo Spitzer, qua nền văn chương của một dân tộc, có thể thấy tâm hồn của dân tộc ấy. Ông đặc biệt chú ý đến cách dùng từ của nhà văn, cho rằng quan sát cách dùng từ, có thể thấy cá tính của nhà văn, tức là tìm thấy nguồn gốc tâm lý, nguồn gốc tinh thần đã sản sinh ra phong cách của nhà văn, cảm hứng văn chương của nhà văn.
Nhìn chung, với quan niệm nghiên cứu văn học trong một sự nhất quán (ở đây là sự nhất quán của văn chương châu Âu), các nhà ngữ văn Đức được đánh giá là có một tư tưởng tiên phong, trước hết là trong lĩnh vực văn học. Mấy chục năm sau, chúng ta đã thấy hình thành một châu Âu nhất quán trong kinh tế, trong tổ chức chính trị. Sự nhất quán trong các phương diện xã hội như vậy, phần nào cũng dựa trên một nền móng vững chắc là sự nhất quán về văn hóa trên mảnh đất châu Âu. Về mặt này, có thể nói là các nhà ngữ văn Đức đã đi trước thời đại. Hơn thế nữa, cho dù phạm vi nghiên cứu chỉ bó hẹp ở văn chương châu Âu, nhưng phương pháp nghiên cứu của họ có thể được áp dụng ở những phạm vi rộng rãi hơn, ở những vùng miền văn học khác trên thế giới.
TS HÀ THANH VÂN
 
Hà Nội, 21/8/2015 
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … ...