Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Tiểu luận Hà Thy Linh: Mối quan hệ giữa cảm xúc và suy nghĩ trong thơ

Tiểu luận Hà Thy Linh: Mối quan hệ
giữa cảm xúc và suy nghĩ trong thơ

Thơ trước tiên là sự rung động của trái tim. Nhà thơ Tố Hữu nhận định: “Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn”. Thật vậy, thơ là tiếng lòng, thể hiện tâm tư tình cảm của con người, là phương thức để thi nhân bộc lộ thế giới nội tâm, còn người đọc thì cảm nhận và tìm thấy mình trong đó. Bước vào thế giới của thơ ca là đắm chìm trong những câu chữ, những dòng xúc cảm bồng bềnh chứa chan. Bởi thế, người ta yêu cái đẹp và cũng yêu những vần thơ hay.
Nhà phê bình trẻ Hà Thy Linh
Cảm xúc là cội nguồn của thơ ca
Nguồn gốc của thơ ca là cảm xúc. Timofiep quan niệm: “Sự xúc động là nguồn gốc đầu tiên và duy nhất của thơ ca”; còn theo Alfred de Musset: “Hãy đập vào trái tim anh, thiên tài là ở đó”. Ai cũng hiểu vai trò quan trọng của cảm xúc đối với thơ ca. Cảm xúc chân thành tạo nên giá trị cho thơ. Gorki khẳng định: “Thơ ca chân chính bao giờ cũng là thơ ca của trái tim, cũng là tiếng hát của tâm hồn”.
Tình cảm chi phối cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ, họ nhìn sự vật qua lăng kính cảm xúc của riêng mình. Cùng một đề tài nhưng mỗi nhà thơ lại có cảm nhận khác nhau, tạo nên những chất thơ khác nhau. Tình cảm trong thơ phong phú, với nhiều cung bậc cảm xúc, mang tới sức sống cho những vần thơ. Thơ xuất phát từ cái nhìn cô đọng sâu lắng, là kết tinh chuỗi rung động của thi nhân về cuộc đời và là bản hùng ca vượt qua không gian, thời gian đi vào lòng độc giả.
Cảm xúc làm cho những ngôn từ bình thường trở nên có hồn hơn, lung linh hơn, dễ thẩm thấu vào lòng người đọc hơn. Nhà văn Pautopxki cho rằng: “Các nhà thơ đã làm cho những chữ khô giòn, xơ xác tỏa hương”. Quả như vậy, tình cảm trong thơ không ở trạng thái tĩnh mà luôn có sự vận động. Cảm xúc trong thơ không phải thứ tình cảm dửng dưng, có chừng mực, mà là dòng chảy của xúc cảm, của tâm tư chất chứa trong lòng nhà thơ, là tình yêu nồng cháy của một trạng thái tâm lý khác thường. Người làm thơ hay vấn vương, tiếc thương cho cảnh cho người, trái tim nhà thơ trùm phủ lên muôn vật. Cảm xúc và rung động là điểm phát khởi, từ đó tình cảm trong thơ mạnh mẽ và lắng sâu.
Nói đến thơ ca là nói đến cảm xúc. Rung động là khởi điểm của sáng tạo. Không có rung động, thơ chỉ có phần xác mà không có hồn. Thơ ca giản đơn mộc mạc và có hồn nhất luôn có sự hòa điệu nhịp nhàng với nhịp đập cảm xúc. Giá trị tình cảm trong thơ mang phong cách và thái độ của thi nhân trước mọi cảnh đời. Khi hồn thơ càng lắng sâu thì tình cảm biểu hiện trong thơ càng trong sáng; và chính lúc tình cảm trào dâng, thi nhân cho ra đời những áng thơ tuyệt vời.
Do vậy, nếu quá coi trọng hình thức mà quên đi nội dung, thiếu vắng cảm xúc thì thơ chỉ là trò sắp xếp con chữ sao cho vần cho chuẩn chứ không phải một bài thơ hay; nếu chỉ viết những bài thơ đẹp về hình thức thì chỉ được coi là một người thợ ghép chữ chứ không phải một nhà thơ thực thụ.
Suy nghĩ tạo nên vẻ đẹp trí tuệ, chiều sâu triết lý cho thơ
Tình cảm là yếu tố nòng cốt, là linh hồn, là mạch sống, là hơi thở của thi ca; chính nhờ nó mà lời thơ, tứ thơ, hình tượng trong thơ trở thành biểu tượng của tư duy, tình và cảnh hòa nhịp tự nhiên, sống động. Nhưng nếu chỉ có cảm xúc không thì vẫn chưa đủ. Bên cạnh cảm hứng, nhà thơ còn phải suy nghĩ để tạo ra những câu thơ giàu hình ảnh. Chỉ khi có đầy đủ yếu tố cảm xúc và suy nghĩ thì mới có thể viết ra những bài thơ hay, ý nghĩa, có chiều sâu triết lý. Thiếu cảm xúc, thơ sẽ trở nên khô khan, vô cảm; còn thiếu suy nghĩ, thơ sẽ nhạt nhẽo, vô nghĩa. Hai yếu tố này hòa hợp, bù trừ lẫn nhau để tạo ra những bài thơ thành công cả về hình thức lẫn nội dung. Và chỉ khi ấy, bạn đọc mới đón nhận thơ một cách nồng nhiệt, đồng cảm và trân trọng tác giả cũng như tác phẩm của họ.
Tình cảm và lý trí không thể tách rời nhau mà tồn tại. Thiếu một trong hai thứ thì cuộc đời sẽ mù tối và khổ đau. Cả hai luôn quyện lẫn, hài hòa nhau, là nòng cốt khiến thơ hoàn thiện hơn về nghệ thuật, mạnh mẽ về chính khí, chân thành về tình cảm, trong sáng về ngôn từ và hình ảnh… Tuy rằng lý trí trong thi ca phải được sóng đôi với tình cảm, cả hai đều là chất liệu để thơ thêm phần giá trị; nhưng lý trí không phải để áp chế tình cảm, đối kháng cảm xúc, mà nó nhận định mức độ và xu hướng của cảm xúc. Còn tình cảm trong thi ca không hề mù quáng, mà có sự chiếu rọi của lý trí. Vì thế, tình cảm trong thơ không bị đóng khung bởi nhận thức mà vạch ra hướng đi mới. Bắt nguồn từ cảm xúc đến suy nghĩ, từ những rung động trực tiếp đến chiều sâu của nhận thức mà tạo nên những vần thơ tuyệt diệu.
Mối liên hệ khăng khít giữa cảm xúc và suy nghĩ trong thơ
Cảm xúc là gốc rễ, cội nguồn của cây thơ, nhưng vẫn cần dưỡng chất để nuôi sống cây. Vậy nên, cảm xúc và suy nghĩ có mối liên hệ gắn bó với nhau. Thơ tác động đến người đọc vừa bằng sự nhận thức cuộc sống vừa bằng khả năng gợi cảm sâu sắc; vừa trực tiếp với những cảm xúc suy nghĩ cụ thể, vừa gián tiếp qua liên tưởng và những tưởng tượng phong phú; vừa theo những mạch cảm nghĩ, vừa bằng sự rung động của ngôn từ giàu nhạc điệu. Cảm xúc và suy nghĩ tác động lẫn nhau. Tâm tư tình cảm tạo ra nguồn cảm hứng cho nhà thơ. Suy nghĩ tạo nên sự sâu sắc và vẻ đẹp trí tuệ cho thơ.
Mối liên hệ giữa cảm xúc và suy nghĩ trong thơ biểu hiện bằng nhiều dáng vẻ phong phú, phức tạp. Có khi một câu thơ đã bộc lộ cả cảm xúc và suy nghĩ, có khi chất suy nghĩ bộc lộ ra ở phần đúc kết, khái quát. Lại có khi suy nghĩ được bộc lộ một cách kín đáo trong chiều sâu của những cảm xúc đằm thắm.
Tình cảm trong thơ luôn luôn vận động và có sự kết hợp giữa cảm xúc và suy nghĩ, vận động từ cảm xúc đến suy nghĩ, từ rung động trực tiếp đến chiều sâu của nhận thức. Thơ không chấp nhận triết lý khan. Triết lý trong thơ là triết lý từ cuộc sống với những tình cảm cụ thể và hình ảnh sinh động.
Suy nghĩ thiên về lý tính tạo nên vẻ đẹp trí tuệ trong thơ. Sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và suy nghĩ sẽ tạo ra cái đẹp có tính triết lý.
Tóm lại, cảm xúc và suy nghĩ trong thơ có mối quan hệ mật thiết với nhau; cùng bổ trợ, tạo tiền đề ý nghĩa cho nhau để cùng thể hiện tư tưởng của tác giả. Ngô Giang Điệp nhận xét: “Thơ là tiếng lòng, không thể trái với lòng mà nảy ra thơ, lòng như nhật nguyệt thì thơ cũng như ánh sáng của nhật nguyệt, cứ theo nơi ánh sáng ấy sẽ thấy mặt trăng, mặt trời”. Vì thế, những bài thơ viết một cách dễ dãi, cảm xúc chưa đến độ sẽ không làm nổi bật được tứ thơ; coi nhẹ cảm xúc, viết bằng sự thông minh của lý trí sẽ khiến thơ trở nên khô khan, cứng nhắc. Vậy, cần phải kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và suy nghĩ, thơ mới dạt dào, lắng sâu.
HÀ THY LINH
 
21/8/2021
Huỳnh Như Phương
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Văn học, số 5-5/2011
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...