Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Văn hóa từ thiện xưa và nay

Văn hóa từ thiện xưa và nay

Theo từ điển Hán Việt của Thiều Chửu, “từ thiện” là sự kết hợp giữa “từ” nghĩa là thương yêu (“nhân từ” là thương yêu người) và “thiện” nghĩa là tốt lành. “Từ thiện”có nghĩa là làm việc tốt từ lòng yêu thương. Ngay nội hàm khái niệm đã cho thấy “từ thiện” là việc làm xuất phát từ cái tâm, tự nguyện, không bắt buộc.
Ngày nay người ta thường dùng các khái niệm khác đi kèm làm rõ nghĩa thêm như “thiện nguyện”, “tâm nguyện”, tức làm việc hoàn toàn xuất phát từ “tâm ý”, không có sự tác động ép buộc từ bên ngoài.
Hầu hết các tôn giáo lớn đều dùng ý cơ bản của khái niệm này, câu chữ có thể khác nhưng gặp nhau về quan niệm chung. Kitô giáo gọi là “bác ái” (tức lòng yêu thương rộng khắp mọi người). Chúa Giê Su dạy: “Ngươi hãy yêu người gần gũi như chính mình” và “Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!”. Do Thái giáo coi việc từ thiện là việc phải làm.
Khái niệm “công bình” (Tzedakah) chỉ những việc giúp người đúng đắn và hợp lý. Ai cũng tự nguyện đóng góp tiền bạc, thời gian và nguồn lực (cả vật chất và tinh thần) để giúp những người nghèo, coi đó là những việc “đáng làm” nhất. Luật Torah yêu cầu 10% thu nhập của một người Do Thái (không kể giàu nghèo) phải được dành cho “việc công bình”.
Phật dạy: Cứu mạng chúng sinh và thực hành bố thí!
Hồi giáo có khái niệm “Zakat” (từ thiện) yêu cầu mỗi tín đồ tặng ít nhất 2,5% phần thu nhập/ năm của mình cho người cơ nhỡ. Phật giáo có khái niệm “bố thí” (“bố” nghĩa là phát ra khắp nơi; “thí” là giúp, là cho). Phật giáo nguyên thủy coi bố thí đối trọng với dục vọng, ích kỷ, tham lam. Theo Đại thừa, bố thí là lòng từ bi dẫn dắt chúng sinh đến giác ngộ.
Ngày nay hầu hết mọi nghiên cứu hiểu “từ thiện” là những hành động giúp đỡ, chia sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn xuất phát từ tấm lòng nhân ái. Văn hóa từ thiện ở bất cứ đâu cũng nhấn vào “cách cho quý hơn của cho” (cũng là một ngạn ngữ của người Việt). Người ta thường kể lại câu chuyện của nhà văn L. Tônxtôi để nhắc nhở nhau khi làm “từ thiện”. Thuở Tônxtôi lên 5 tuổi, cha của ông (là một quý tộc) thường yêu cầu con mình cầm những đồng bạc lẻ bằng cả hai tay để đưa cho người ăn mày già.
Người ta cũng hay nhắc tới các “tấm gương” từ thiện lớn trên thế giới như là cách kêu gọi, cổ vũ nhau. Đó là tỷ phú Buffett cùng với Bill Gates lập ra quỹ “The Giving Pledge” kêu gọi những cá nhân giàu có quyên góp hầu hết tài sản vào tổ chức từ thiện. Riêng Buffett đã quyên góp được 25,5 tỷ USD. Quỹ Bill & Melinda Gates đã tài trợ hàng tỷ USD để phát triển các loại thuốc chống lại HIV, sốt rét, bại liệt và các bệnh khác…
Sống ở mảnh đất nhiều giặc giã, bão tố, nắng lắm mưa nhiều nên người Việt phải cô kết với nhau để tồn tại. Phật giáo như nhánh rễ cây từ Ấn Độ bắt sang mảnh đất Việt, “đất lành chim đậu”, phù hợp với thung thổ giàu tình thương người nên cây Phật giáo lớn nhanh rồi trở thành một đại thụ văn hóa.
Văn hóa bản địa “liên văn hóa” với văn hóa Phật giáo tạo ra những triết lý giàu có tình người: “Thương người như thể thương thân”; “Lá lành đùm lá rách”; “Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”; “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Thấy ai đói rách thì thương/ Rét thường cho mặc, đói thường cho ăn”…
Thế nên thật dễ hiểu mỗi khi gặp tai ương, cả cộng đồng Việt lại dấy lên phong trào giúp đỡ tương thân tương ái. Đó là sự kế thừa, phát triển các giá trị văn hóa tinh thần lên một tầm cao mới.
Năm 2020, cơn lũ lụt lịch sử tràn vào miền Trung, cả nước ngóng về khúc ruột cùng đau. “Rằng trong cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”. Người lớn có tiền giúp tiền, trẻ em giúp giấy vở, bộ đội, công an dựng lại nhà… Cả thế giới ngưỡng mộ khâm phục Việt Nam. Có báo nước ngoài nói phải học Việt Nam cách làm “từ thiện”…
Ngày nay thế giới kêu gọi hướng đến “từ thiện phát triển”tức hướng đến lâu dài, bền vững hơn là tự phát. Dĩ nhiên khi cần kíp thì tự phát rất quý! Như chúng ta thường nói “cho cần câu hơn là cho con cá”.
Kinh nghiệm của thế giới là cố gắng không trao tiền mặt mà dưới hình thức các khoản vay cùng cam kết “giải ngân” đúng mục đích, cùng các quy định pháp lý về trách nhiệm sử dụng của người nhận. Vì trao tiền mặt nếu không có các điều kiện đi kèm sẽ dễ dẫn đến việc sử dụng không đúng mục đích (ví như có trường hợp từ thiện bằng tiền mặt, vừa được trao xong, người nhận liền mang tiền đi mua rượu uống!!!).
Hơn nữa việc nhận tiền mặt hỗ trợ, không đúng lúc, không đúng đối tượng có thể sẽ triệt tiêu ý chí khát vọng vươn lên của người được từ thiện.
Thời cách mạng 4.0 là thời của vi điện tử, của kết nối vạn vật, của người máy…con người đứng trước cơ hội được thụ hưởng những văn minh mới mẻ nhưng cũng phải đối mặt với những thử thách ghê gớm: Nạn thất nghiệp, ô nhiễm môi sinh, dịch bệnh… Trước sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế ngày càng lớn, con người càng phải cần đến nhau hơn, để đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ, san sẻ.
Chưa kể, đứng trước sự can thiệp lạnh lùng của máy móc, công nghệ, của văn minh phi truyền thống, con người phải đối mặt với trạng thái stress, sự vô cảm, chai lỳ cảm xúc… dễ phát sinh những hành động khó kiểm soát. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đạo đức suy thoái nghiêm trọng, và sẽ ngày thêm nghiêm trọng hơn nếu không có sự chung tay ngăn chặn của toàn xã hội. Nhiều cộng đồng đang tìm đến triết lý cứu độ chúng sinh, từ bi hỷ xả của Phật giáo như một liều thuốc tinh thần góp phần chữa trị những căn bệnh này.
“Tứ diệu đế” và thuyết “Karma” (Nghiệp) rất đề cao hành động từ thiện và chủ nghĩa cộng đồng, tư tưởng bình đẳng. Về bản chất, Phật giáo hướng con người về hạnh phúc, và chỉ có thể đạt được hạnh phúc bằng sự giải thoát, kể cả giải thoát vật chất và giải thoát trong tâm trí.
Thời 4.0 là thời của vật chất, của những sản phẩm văn minh hiện đại. Nếu không làm chủ, không chế ngự được lòng tham, con người dễ trở thành nô lệ của vật chất. Nếu không vượt thoát lên những nhu cầu vụn vặt của cuộc sống để đạt tới sự hiểu biết, con người dễ bị chi phối bởi những cơn bão thông tin. Mà thiếu hiểu biết, như Phật dạy, sẽ là nguồn gốc sinh ra mọi tội lỗi. Thế nên nhà bác học vĩ đại Anxtanh rất đề cao đạo Phật, là có sự gặp gỡ này.
Theo Phật pháp, “bố thí” có 3 loại: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí.
Tài thí là bố thí về vật chất, gồm có bố thí nội tài và ngoại tài. Ngoại tài là những tài sản của cải vật chất ngoài thân như tiền bạc, thực phẩm, các vật dụng, phương tiện cần thiết trong đời sống… Nội tài là tài sản trong thân như mắt, tai, mũi, lưỡi, máu, các cơ quan bộ phận của cơ thể, kể cả sự sống thân mạng. Như chúng ta tham gia chương trình hiến máu nhân đạo tức là đang làm một việc phúc đức là từ thiện nội tài.
Pháp thí là đem lời hay, lẽ phải, những chân lý đúng đắn, những lời dạy quí báu của đức Phật để chỉ bày, khuyên bảo người khác. Bỏ dữ theo lành, cải tà quy chính cũng là pháp thí. Pháp thí có giá trị lớn lao hơn cả tài thí. Vì tài thí chỉ giúp người khác bớt túng thiếu về vật chất trong một thời gian, hay nhiều nhất là cứu giúp một đời người.
Hiểu theo Pháp thí thì những nhà khoa học nghiên cứu góp phần tạo ra sự phát triển của khoa học kỹ thuật để nâng cao đời sống con người, xã hội hòa bình và phát triển… là những nhà từ thiện đáng trọng. Các thầy cô giáo yêu nghề, yêu người cả đời đem tâm sức dạy dỗ học sinh hướng họ đi theo con đường tốt đẹp cũng là những nhà từ thiện…!!!
Trong những ngày Đại dịch Covid này những nhà khoa học nghiên cứu vaccine trị bệnh chính là những nhà Pháp thí lớn! Hành động của những bác sĩ, y tá, hộ lý, những anh bộ đội, công an dũng cảm quên mình cứu người cũng là những việc làm Pháp thí thật đáng kính!
Vô úy thí là làm cho người khác không sợ, hết sợ. Từ thiện bằng tấm lòng không để người nhận sợ hãi hay ghét bỏ mà họ cảm thấy như được thấu hiểu, thấu cảm, sẻ chia như người trong nhà. Giúp người không chỉ dừng lại ở vật chất mà còn phải nghĩ đến mục tiêu tinh thần: Tình yêu thương, sự đoàn kết, đạo đức, giác ngộ.
Khái niệm “bố thí” của Phật giáo đáp ứng khá đầy đủ các khía cạnh nhân văn, hiện đại của hoạt động từ thiện đang được thế giới hưởng ứng đông đảo!
NGUYỄN THANH TÚ
 
21/8/2021
Huỳnh Như Phương
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Văn học, số 5-5/2011
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...