Thứ Ba, 10 tháng 1, 2023

Tiểu luận Hồ Anh Thái: Đối diện những "gương mặt"

Tiểu luận Hồ Anh Thái:
Đối diện những "gương mặt"

Giữa các nhà phê bình đang theo sát đời sống văn chương hiện nay, Hoài Nam thuộc số ít người viết phê bình có văn. Không cao giọng lớn tiếng, không đanh sắc, nhưng giọng văn ôn tồn điềm tĩnh, có lý có tình. Cứ thế mà gây được thiện cảm và cuốn được người đọc đi cùng những trang viết của anh…
Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam
Thực trạng của những thể loại văn chương
Ở tập phê bình văn học của Nguyễn Hoài Nam, Từ trang sách đến gương mặt văn chương*, người đọc chứng thực sự thành thật của một cây bút không bằng lòng với quan niệm viết phê bình là phải “khách quan”, điều mà theo anh, không phù hợp với “một công việc mang đậm tính chất cá nhân, cá tính”. Anh cho rằng người làm nghề phê bình “hãy trung thực, thậm chí trung thực với chính sự thiên vị của mình và đừng viết ra những gì mình không/chưa tin tưởng. Như thế, cần thiết hơn là khách quan, “công tâm” một cách giả tạo…”
Khi bàn đến văn xuôi viết về đô thị, Hoài Nam nhận thấy hầu hết các nhà văn trong cuộc di cư vào đô thị và đang tự mình đô thị hóa, họ “còn đang phải vất vả vật lộn với đô thị – vật lộn để được bằng nó và để trở thành một phần hữu cơ của nó – thì thật khó để mà có những trang viết “đích đáng” về nó” (trang 11). Anh quan sát nền thơ đương đại và thẳng thắn chỉ ra rằng “đại đa số thơ Việt Nam hiện đại, thực chất, vẫn là thơ Việt Nam “tiền hiện đại” mà thôi. Chỉ có thể “hiện đại” khi mô hình từ nghĩa đến chữ bị đảo ngược thành từ chữ đến nghĩa. Tức “chữ” là yếu tố đầu tiên, chữ tự quy chiếu vào bản thân, chữ thỏa mãn cho chính mình. Nhà thơ hiện đại phải là người chơi với chữ, để mặc chữ quan hệ với chữ mà phát sinh nghĩa” (trang 85).
Trong khi có người vẫn ám ảnh với những “nhà thơ một bài” theo kiểu thà ít mà tốt, Hoài Nam cũng thành thật chỉ ra: “Hiện tượng những “nhà thơ một bài”, trái với cách nghĩ đầy những sương khói huyền thoại của nhiều người, chính là biểu hiện cho thấy sức sáng tạo của những người làm thơ ấy mỏng và ngắn đến thế nào” (trang 55). Hoài Nam đã chọn ra năm tập thơ như cột mốc trong lịch sử thơ Việt Nam hiện đại, nhưng anh chưa đẩy vấn đề đi xa hơn: khi được chọn để “làm nên lịch sử”, thì chính những tập thơ ấy đã đóng vai trò những viên đá lát đường, để người khác bước lên xây dựng thành tựu và tiến xa về phía trước.
“Từ trang sách đến gương mặt văn chương” – tập phê bình văn học của Nguyễn Hoài Nam
Bàn đến thể loại tản văn, Hoài Nam cho rằng “tản văn không khó viết” (trang 101), nói cách khác nó “dễ viết nhưng khó hay” (trang 104). Bài viết của anh khá bao dung khi lật qua lật lại một thể loại đang tràn lan. Trong một cái nhìn nghiêm ngặt hơn, người ta có thể nghĩ ngợi thêm: đấy là một thể loại có nhiều khả năng sa vào dễ dãi. Người viết dễ viết, người duyệt dễ duyệt, người đọc dễ đọc. Dù có gọi thể loại ấy là tản văn, tạp văn, tạp bút, tản bút, tùy bút, ngẫu bút… thì không khó gì không nhận thấy cái sự “tạp, ngẫu, tản, tùy” trong ấy.
Hoài Nam cũng bàn luận về điều cốt yếu của thể loại tự truyện: “Đạo đức của nó là nói ra sự thật, chỉ sự thật mà thôi” (trang 111). Anh nhận ra tự trong bản thân thể loại này đã ngầm ẩn hai khả năng là “tự thỏa mãn” và “tự thú nhận” (trang 108). Tôi muốn nói thêm: tự truyện còn là nơi để người ta sử dụng hai chữ thanh – thanh minh và thanh toán. Đấy là khi người kể/viết tự buông lỏng, và tự truyện sa vào thảm họa.
Thẳng thắn đối diện những “gương mặt”
Nói về các gương mặt văn chương thuộc nhiều thế hệ, Hoài Nam cũng có những phát hiện tinh tế và thấu hiểu. Độc giả có thể kiểm chứng điều này bằng cách tự đọc, nhưng cũng xin dẫn ra đây một số phát hiện và nhận định của Hoài Nam về các tác giả cùng thời:
Đây là Trần Hùng: “Thơ với anh, không phải là một danh từ, tức nó không chỉ/trỏ một loại vật thể mà người ta có thể có được bằng lao tâm sáng chế hoặc gia công tạo tác. Thơ, chính là một động từ chỉ/trỏ một trạng thái sống, một hoạt động sống thường trực và tự nhiên của Trần Hùng, tự nhiên như hơi thở, như nghĩ, như cảm giác” (trang 80).
Về nhà văn đồng thời là họa sĩ Đỗ Phấn: “Hay dở chưa vội bàn, nhưng [tiểu thuyết của Đỗ Phấn] thống nhất từ cuốn đầu tới cuốn cuối, và nó, có thể nói, “biệt ra một phái”. Cả về cái viết, cả về cái được viết, cả về kiểu nhân vật với kiểu tâm thế của một giới xã hội đặc thù” (trang 15).
Về một tiểu thuyết của nhà văn Đỗ Tiến Thụy: “Để cho con chim joong và khẩu đại liên trở thành nhân vật người kể chuyện là một sáng tạo khá độc đáo của anh” (trang 33).
Về một giọng hoạt kê đặc biệt của văn chương Việt Nam: “Tiếng cười hài hước của Vũ Bão là tiếng cười rất đặc biệt, thậm chí không giống ai. Nó là tiếng cười “xả láng”. Nó là tiếng cười phanh phui, quất roi vào cái giả cái xấu cái đáng ghét trong đời sống. Nó là tiếng cười có ý nghĩa điều chỉnh xã hội v.v… Có cả, nhưng còn hơn thế: ở một số trường hợp, tiếng cười hài hước của Vũ Bão đã chạm tới những vấn đề triết luận, và mang tầm của triết luận” (trang 179).
Đứng trước một hiện tượng gây nhiều bàn luận là Nguyễn Huy Thiệp, Hoài Nam khẳng định: “Dù sao chăng nữa, nhìn lại, văn nghiệp của Nguyễn Huy Thiệp vẫn là một văn nghiệp thành công, thậm chí đại thành công” (trang 220). Nhưng nhà phê bình vẫn bình tĩnh nhìn nhận để thấy rằng: “Nguyễn Huy Thiệp chỉ thực sự viết và thực sự viết được những tác phẩm có giá trị đóng đinh vào văn học sử Việt Nam trong khoảng mười năm đầu của nghiệp viết. Nghĩa là bắt đầu vào quãng 1987, 1988, khép lại vào quãng 1997, 1998, và tất cả đều là truyện ngắn” (trang 218).
Giữa các nhà phê bình đang theo sát đời sống văn chương hiện nay, Hoài Nam thuộc số ít người viết phê bình có văn. Không cao giọng lớn tiếng, không đanh sắc, nhưng giọng văn ôn tồn điềm tĩnh, có lý có tình. Cứ thế mà gây được thiện cảm và cuốn được người đọc đi cùng những trang viết của anh.
HỒ ANH THÁI
______________
* Từ trang sách đến gương mặt văn chương, tập phê bình văn học của của Nguyễn Hoài Nam, Tao Đàn và nxb Hội Nhà Văn 2021.
 
Hà Nội, 21/8/2015 
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Chuyện Ngày Chủ Nhật Chủ nhật ngày … tháng... năm... Hắn cặm cụi ngồi viết trong tiếng cằn nhằn của vợ: - Anh có thể cứ để nhân vậ...