Tiểu luận Trần Huy Minh Phương:
Dung dị hồn quê thương đến
bao giờ
Thơ Nguyễn Thanh Hải gần gũi với những gì mộc mạc, gợi nhớ,
nói lên cái dung dị mà sâu lắng, ăm ắp, chảy mãi, miên miết trôi qua mỗi chúng
ta nỗi nhớ, thoáng chút giật mình, thoáng chút cay cay mắt, thoáng chút vô tư
tuổi nhỏ, thoáng chút cười bình yên và thoáng chút nuối tiếc cái đã và đang đi
qua mất hút…Nhà thơ Trần Huy Minh PhươngTừ cái nick bên trang Yumi là Biển Vắng
Nhớ hồi sân chơi yume rồi chat yahoo, lúc đó xuất hiện thơ với
cái nickname là Biển Vắng, là một gương mặt nghiêm nghị, miền Tây. Thế rồi đọc
và chat với nhau, bình luận thơ rồi cảm mến nhau qua cái chân chất, thiệt thà,
hiền lành và mô phạm của nhà giáo nhà thơ Nguyễn Thanh Hải.
Nhà thơ sinh ngày 01/7/1970, quê tại Vĩnh Hựu, Gò Công Tây,
Tiền Giang. Thương mến cái chữ, đam mê nghiệp giáo dục, gửi hết tình thương lên
trang giáo án khai sáng tri thức cho học sinh vùng sâu vùng xa từ thuở ban đầu
trai trẻ cho đến tận bây giờ. Nhà giáo Hải hiện là chuyên viên Phòng Giáo dục
và Đào tạo huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, là Cử nhân Sư phạm Tiểu học, với bề
dày kinh nghiệm và tình thương, đoàn kết, đồng nghiệp thương quý, bạn bè dang rộng
vòng tay, là người cha mẫu mực, người chồng đáng quý của sự hạnh phúc thật sự!
Chúng tôi thật ngưỡng mộ!
Có phải vậy chăng mà thơ đã trổ đầy trong tâm hồn người trung
niên ấy.
Thi sĩ là hội viên tích cực của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh
Tiền Giang, là người rất có duyên với giải thưởng từ khu vực tới các tỉnh và địa
phương tổ chức. Tuy vậy, sự khiêm tốn và sức sáng tạo của nhà giáo, nhà thơ hiện
cư trú tại Cái Bè này luôn làm cho độc giả bất ngờ, reo vui, chúc mừng, nhớ
cùng nhịp ký ức với tác giả qua những dòng thơ đậm chất Nam bộ.
Chợt nhớ, từ dạo anh lấy cái nick bên trang Yumi là Biển Vắng,
rong chơi miền lục bát thì thơ Nguyễn Thanh Hải hiền đến thơm tho của một tấm
chân tình rụt rè, sợ mình bị lấm lem, sợ mình phá vỡ mô phạm. Thế rồi, một ngày
nọ lục bát đã không thể dung chứa nổi cái nỗi niềm bay bổng và rạo rực kia. Nó
phải được bay nhảy, bức phá tất cả bằng trắc, chạy thẳng vào nhau bằng những va
chạm của dài vắn ký tự a, b, c…. chao ôi! Nó như những con sóng mạnh mẽ mà đầy
phù sa trù phú trĩu cành của một miền quê thơm thảo – Cái Bè! Thương thiệt là
thương vậy đó!
Yume khép lại, chat yahoo cũng trở thành quá khứ. Hiện tại, sự
hot đang túc trực trên làng facebook – nơi trải nghiệm, thách thức, chia sẻ những
tâm tư tình cảm của nhiều người, trong giới văn nghệ sĩ cũng rất nhiều người hưởng
ứng tham gia trang mạng xã hội này. Ảo và thật tùy vào quan niệm và cách ứng xử
của mỗi người. Và thơ của thi sĩ Nguyễn Thanh Hải không ảo, nó thật và dồi dào
sinh lực trên trang báo in, báo mạng và trang cá nhân facebook của anh.
Bất chợt trong lúc chat facebook, tôi đã hỏi ‘Tại sao
huynh mần thơ?’. ‘Cũng không nghĩ là mình mần thơ, viết cũng là cách để cân bằng
cảm xúc thôi à’. ‘Tại sao phải cân bằng cảm xúc qua thơ mà không qua cái
gì khác hơn?’. ‘Hihi, cái khác là gì cơ: rượu, chè, cờ, bạc? Không nên và cũng
không hợp lắm. Thơ giấu được giùm mình cảm xúc, mà không dễ ai nhận biết được.
Hihi’. ‘Giấu nhưng rồi lộ hàng hết trơn hết trọi. Vậy thơ có phải là “bờ
vai” cần nương nhờ chăng?’. ‘Cũng có thể lắm lắm. Ha ha, ví như có nhiều
người hỏi “t” trong thơ Hải là ai vậy, thì mình cứ bảo “ấy” là “nàng thơ”. Đố
ai biết được! Khà khà’. ‘Ủa, thơ là cái gì mà hấp mình đến vậy?’. ‘Thật
ra, thơ là thật hết đấy! Chỉ là mình giấu lòng thôi! Cho nên mội khi có chuyện
vui buồn trắc trở, thương nhớ, giận hờn đều mượn thơ để vu vơ. Hi’. “Trở lại
t, đơn giản, chúng ta chớ cố tìm cho ra t là gì, là ai, là cái chi chi, có khi
tác giả cũng chẳng biết, chẳng nghĩ, chẳng suy tư nhiều. Thử nghĩ coi, t có thể
là thơ, là tâm, là tiền, là tình, là một con chữ cái tiếng việt, là thập giá cứu
rỗi nhân gian qua khổ, t là tình thương yêu bất tận. Vậy hãy để t ngân lên cùng
chúng ta chuỗi âm thanh bí mật, da diết, thương yêu!’.
Tác phẩm của Nguyễn Thanh HảiNhà thơ Nguyễn Thanh Hải có lẽ làm thơ từ lâu, lâu lắm kìa!
Còn tác phẩm chính thức được xuất bản trình làng thì mới chỉ có ba tập thơ, đó
là: Cúi chiều nhặt sóng (thơ, NXB Hội Nhà Văn – 2013), có 32 bài thơ
cùng với một số bài viết cảm nhận về thơ Nguyễn Thanh Hải; Mùa dang tay
tha thứ những quay về (thơ, NXB Hội Nhà Văn – 2020), có 53 bài thơ cùng với
một số bài viết cảm nhận về thơ Nguyễn Thanh Hải; Nước mắt không làm sáng
hơn bầu trời chạng vạng (thơ, NXB Hội Nhà Văn – 2020), có 50 bài thơ được
chia làm ba tiểu mục, cùng với một số bài viết cảm nhận về thơ Nguyễn Thanh Hải.
Thơ anh gần gũi với những gì mộc mạc, gợi nhớ, nói lên cái
dung dị mà sâu lắng, ăm ắp, chảy mãi, miên miết trôi qua mỗi chúng ta nỗi nhớ,
thoáng chút giật mình, thoáng chút cay cay mắt, thoáng chút vô tư tuổi nhỏ,
thoáng chút cười bình yên và thoáng chút nuối tiêc cái đã và đang đi qua mất
hút…
Từ Biển Vắng mang trong tâm tư dòng thơ lục bát tuôn ra bất tận.
Nhưng có lẽ lục bát chưa thể, không thể dung chứa hết sông ngòi kênh rạch chằng
chịt câu chữ trong tâm hồn thi nhân, nên tác giả đã mày mò, tìm kiếm, chiêm
nghiệm, trải nghiệm, tung tăng, chảy chữ trên cánh đồng chữ nghĩa bất tận mùa
màng này bằng thơ văn xuôi. Những dòng dài ngắn đan xen, nối kết, xiết chặt,
đan chéo, nâng niu nhau làm nên một giọng điệu riêng trong thơ Nguyễn Thanh Hải.
Chất trữ tình kể chuyện, chi tiết được nhà thơ lẩy ra cho người
đọc, người nghe hòa mình vào trong đó, thấy mình đâu đó trong dòng thơ. Điều
này đã là một sự khó khăn và thành công ở tác giả.
Tôi xin mạn phép cảm nhận qua lăng kính hạn hẹp về một vài
bài thơ trong ba tập thơ đã in của thi sĩ đất Tiền Giang.
Cúi chiều nhặt sóng
Cách đặt tiêu đề thơ dễ gây chú ý, tạo hấp lực, ví như: Phía
mùa cam bạc lá, Nắng đã về từ chiều, Về vuốt mặt cánh đồng, Cỏ vô thường ngó xuống
những ngón tay, Cúi hôn tóc mẹ chiều xuân, Cánh đồng quả phụ, Khúc khích ô rô,
Cúi chiều nhặt sóng…
Những con vật, cỏ cây hoa lá, sự vật cứ nhẹ nhàng hiển lộ để
chúng ta chợt ngồi im nghe khúc ru tuổi thơ buồn vui ùa về, xào xạc cùng lá hoa
trời đất của tuổi thơ, của những ước mơ và dang dở…
“con dế lửa úp đầu vào hoàng hôn thổi điệu sáo
gió cuốc những đường thở nhọc nhằn trên nền đất đen nâu”
hoặc như:
“ai bắn vào trời cọng u du tuổi thơ còn đau vết sẹo
để sau mùa riêng tiếng mẹ thở dài
để khói trắng đêm cha dằn cơn ho mất ngủ
để trang sách niềm tin anh lén giấu
để lỡ mùa chị mượn chữ nghèo tiếc rẻ thời gian
để trái tim ước ao ngày cũ”
Một loạt điệp từ “để”, một chuỗi hình ảnh, sự việc gợi lên dằng
dặc trong nỗi nhớ của nhân vật trữ tình. Sự dằng co, níu kéo kia, để rồi tác giả
hạ bút kết cho bài thơ “Phía mùa cam bạc lá” rằng: “nhổ bụi u du chiều sẽ
đứt bớt tâm tư…”. Nói vậy thôi chứ làm sao bớt được dòng tâm tư u hoài ấy…
Sự sáng tạo, đột phá, đẫm chất quê và trăn trở nhân sinh:
“cầm vé gió chuyến trở về hương cỏ
nửa đời người chưa qua khỏi vân tay
máu ký ức trong gam màu nắng đỏ
mưa bóng mây cũng đủ ướt chuyến mai này”
(Đồng
ta)
Rồi trò chơi tuổi thơ rôm rả cho nỗi chơi vơi cũng dâng tràn:
“tuổi thơ rịt ràng ống thụt vỡ trái mây trời
sậy lau vẹt hai bờ giáp trận
chiều rã ngày
nhịp trống ếch chơi vơi”
(Hương gió cù lao)
Có đôi mắt quan sát và găm vào nỗi niềm nghe mà thương mà nhớ
quê nhà quá đỗi:
“Ta đã nợ nần cây mắc cỡ
cả đời rách rưới lá khoai lang
tuyệt nhiên bờ kênh quê hương cất giữ giùm năm tháng
ký ức đời người chấp chới xa xăm”
(Về vuốt mặt cánh đồng)
Thảng thốt gọi “em” hay gọi vào mặt hồ của năm tháng thuở nhỏ,
của bạn bè trang lứa, của tình quê xứ sở, của cọng cỏ lọn rau, của bờ lau rẫy
mía, của đồng thơm khói chín vụ mùa, của nhớ nhung theo từng nét thơ lay chuyển
trong hồn người. Tác giả đã “Dự cảm” cho mình, cho lứa tuổi ấy, cho ngày ấy và
mong buổi trở về hay thuở đã từng ra đi… mong manh trong nếp nhớ, nâng niu
trong vạt nghĩ, cời lên, cho nó bay mãi, thơm mãi theo thời gian.
“những chiếc lá xoay chiều vũ điệu bầy gió đi hoang
treo lên đỉnh mùa thu bằng nỗi nhớ không đầu không cuối
từng bầy nắng kéo nhau về tổ
em có về gối mặt hoàng hôn nghe mùa ăn năn lời tình dở mưa dở
nắng”
Sự khẳng định của tác giả về tình yêu thiêng liêng, tha thiết,
gần gũi, giản dị, chân tình, hiện hữu khắp mọi lúc mọi nơi: Quê hương.
“quê hương ơi! rưng rức bãi bờ
cánh mai nhỏ nâng niềm vui cốt nhục
chim chóc đoàn viên bên chiều trỗi khúc
thấp thoáng đồng bằng nắng dõi bóng người thân…”
(Cúi chiều nhặt sóng)
Hình ảnh người phụ nữ hiện lên xuyên suốt dòng thơ Nguyễn
Thanh Hải là người mẹ, là những người phụ nữ bình dị nhưng đó là cả bầu trời sữa
ngọt, hồn thiêng nuôi nấng bao người con lớn lên, làm cho đất mẹ đẹp giàu, tình
nghĩa, vui lao động… Bởi, “mẹ cho con bình yên tiếng lá thổi đồng” (Khế
trổ một bông), riêng mẹ nuốt từng cọng buồn vào trong theo năm tháng mọc dài
trên tóc trắng “mẹ gục đầu bên mâm cơm rước ông bà chiều ba mươi khóc con
không về nữa/ bếp nghèo tàn tro lạnh lửa/ tổ tiên về buồn cong rớt ngọn tàn
nhang” (Nắng đã về từ chiều).
Thành công của tác giả là biết lẩy từ, cụm từ ngữ rất duyên
dáng, quen, rất quen mà lạ, sáng tạo, riêng biệt, sống động, gợi mở. Thi sĩ biết
lấy những hình ảnh quen thuộc để đánh thức những tiềm ẩn những ký ức của mọi
người. Nếp quê miền tây Nam bộ hồn hậu cứ theo về trùng điệp qua dòng dòng chữ
chữ thơ hào sảng của chàng trai xứ miệt vườn này!
Mùa dang tay tha thứ những quay về
Vẫn độc đáo cách đặt tiêu đề, cụm từ ngữ làm cho người đọc
‘tò mò’ với thơ với tình với chuyện với cái đọng lại thương yêu mà thi sĩ đã
dâng lên đầy đặn gửi cho chúng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đồng bằng phì nhiêu:
Về nghe sen nở lại mình, Chiều bỗng dưng đổ dột trong lòng, Em có về đếm gió
cùng tôi, Mùa dang tay tha thứ những quay về, Vẹt đỉnh trời hứng Tết, …
Trong năm 2020, nhà thơ Nguyễn Thanh Hải đã “chơi mạnh”, “đẻ
mắn” song sanh hai đứa con tinh thần thơ. Một bứt phá, bùng vỡ cho thanh âm
trong trẻo ùa về, cho mùa quê mùa gió mùa người cũng ùa về trong hơi thở thơm
tho thương nhớ, vị tha, chia sẻ, đồng hành.
Ở tập thơ này, buổi chiều nhập cuộc cảm xúc đong đầy trong
thơ. Không gian vẫn là cảnh quê, tình quê, người quê, những hỷ nộ ái ố rất đời
nhưng được nhà thơ chẻ ra tâm tư thơ nhẹ nhàng, đủ cứa để đau, vừa vặn nỗi nhớ
và cho cái cười xòa bao dung ngọt lịm, dẫu cho cuộc đời đầy thương đau, sự thật
luôn phũ phàng không như trong lúc mơ màng mộng mị tưởng tượng. Chao ơi! Sợi
khói chiều vương trên chái bếp, cọng rau, dáng mẹ, con cò, nắng, gió, mưa, em,
tôi… làm nên một hình hài thi vị ngân ngấn sóng nước Cửu Long.
Tên tập thơ là “Mùa dang tay tha thứ những quay về” nghe rất
nhân văn, rất đẹp, rất NGƯỜI. Nó không còn gói ghém của bốn mùa mặc nhiên xuân
hạ thu đông, mà nó là mùa giành cho con người, giành cho sự chiêm nghiệm, bao
dung, vì nhau, sống chậm lại, thở nhẹ nhàng an vui cho nhau. Dù rất đầy cung bậc
buồn, nhớ, nhói, rát, suy tư, vỡ mộng, chia lìa… nhưng suy cho cùng, tình
thương yêu thật sự, soi lại chính mình, khó khăn với chính mình và dễ với người
thì đó mới là sự cất cánh bay lên của mùa người tươi roi rói này. Cả tập thơ có
rất nhiều bài hay, bài nào cũng có nét chấm phá riêng. Tuy vậy, tôi thích nhất
một bài thơ “Niệm Phật đi anh”. Đó là hành trình trở về của trí tuệ và từ bi, của
ánh sáng đẹp mà chúng ta cùng đang vươn tới, trưởng dưỡng để được thật sự trưởng
thành.
Xin cùng tôi lắng nghe và đọc chậm lại dòng âm thanh này
trong tập thơ nhé!
“Băng qua rừng khuya một mình lành lạnh gió
thanh âm quái đêm đập rớt tim người
hồi hộp lá hình thù ma quái
chắp tay
giữ lòng rằm
niệm Phật đi anh… ”
Suy cho cùng, tất cả cái đẹp, nỗi nhớ, tình thương là vun bồi
cho tâm hồn ta thêm cao thượng, là làm sao cho người thương yêu, bà con quyến
thuộc, cha mẹ – đấng sanh thành luôn bình yên, hạnh phúc, thấy được cái ánh
sáng của thiện lành mà noi theo, cùng vui vẻ làm điều tốt đẹp. Mỗi người đều
như vậy thì cuộc sống này là Thiên Đàng, là Cực Lạc, là Hạnh Phúc nhân gian có
thực!
Bài thơ Đời mà Đạo, hương Đạo mà lại thấm vị Đời, là khoảnh
khắc thăng hoa sáng tạo trong sát-na tỏa sáng của thi sĩ thiện lành!
Nước mắt không làm sáng hơn bầu trời chạng vạng
“Sao không bồ câu thật lòng
gù nhau thôi làm gì mà giấu
tôi và em bây giờ không thể lấy đường xa làm trang điểm
bởi mùa thu đã từ chối nhau rồi…”
Tôi đọc chậm và thong thả giọt trà nghe trăng lên.
Thơ Nguyễn Thanh Hải đậm tính tự sự và duyên dáng mộc mạc tự
nhiên như chất miền Tây Nam bộ. Đó là bờ tre, cọng rau, nhánh hoa, ruộng vườn,
con chuồn kim. Nơi đó có tâm tư của mẹ, của chị, của anh, của tất cả nỗi niềm ẩn
giấu bằng giọng thơ hào sảng phương Nam. Những con chữ dàn trải ra bất tận rồi
cô quánh lại đến không cùng, tựa như những con kênh rạch chảy ra sông, đổ về biển
lớn. Những con chữ như chàng lực điền đi cùng bưng biền với cuốc xẻng, chài lưới
và cũng rất nho nhã của chàng thư sinh đi bên cô em gái chân quê tay vân vê tà
áo bà ba, tay vén tóc mai trong gió chiều. Những con chữ hát lên từ đọc, ngâm,
ca để rồi đọng lại trong ta là nỗi nhớ như dấu trong nhau ngày gần.
Những sóng sánh của con nước Cổ Cò – Cái Bè thơm trĩu cây
trái đã nuôi dòng thơ Nguyễn Thanh Hải ngọt thơm nhưng đầy váng phèn, đọng chất
trữ tình trong câu thơ văn xuôi. Nét đẹp rắn rỏi chứ không phải đẹp kiểu ủy mị,
bi lụy.
Lời tâm sự của người quê với vàm sông, bông súng, lục bình, cỏ
hoa quanh nhà, hàng bần, bụi hoa mười giờ, với cánh chim nào đó, với con cá quẫy,
với người dưng để rồi tất cả trôi vào thinh không mà xa xót, mà quay quắt nhớ
vô bờ.
Anh như luôn sẵn lòng chào đón những nỗi buồn, những bình
minh đi ngang, như chợt tắt của ai đó va vào. Thây kệ, anh đón nhận và xoa cho
những vết xước ấy mau lành như những giọt sữa trên môi bé thơ, như những ngụm
nước cho ai đó khát khô giữa nắng ngọ bên vệ đường.
Thơ ư?!
Nói không dễ chút nào!
Như một ly rượu đế ngon, uống xong phải vỗ đùi cái đéc, khà một
tiếng với tri âm trong đêm trăng rồi cười sặc sụa so dây guitar phím lõm xuống
xề liu cống, nghe con nước óc ách bụng xuồng, rồi ta cùng lắc lư dìu nhau theo
rạ rơm thơm nhói lòng. Như đóa hoa quê mà không thô, thị mà không sặc sỡ, nó cứ
đượm lòng người bởi làn hương vừa đi ngang lại níu nhau đến vô cùng. Thơ Nguyễn
Thanh Hải là như vậy đó, đó là giọt rượu được chưng cất từ tay nấu rượu điệu
nghệ và cũng cần có đúng người thưởng thức rượu nữa chứ!
“Dòng sông nào đã trôi đến buồn vui thăm thẳm cõi bờ
lại ở đây không biết buồn hay vui chiều cứ rượu
không lẽ cầm nỗi buồn của mình mà đem đo ra bao nhiêu sào mẫu
lòng thương sao bông bí cứ vàng”
Đoạn thơ trên trong bài “Chiều như lá mênh mông”, cả bài mênh
mông xoắn lòng tôi day dứt.
Rồi như ca dao đi ngang lòng tôi, rồi như buồn thương gần xa
hiện về mà đằm thắm quá đỗi.
“Đuổi con kiến vàng sao bò ngang nỗi buồn của mẹ
bờ bãi hoài hoang cỏ cú mọc tơi bời
thò tay vớt vũng bèo xanh vời vợi
dừa ai trưa rụng một tiếng khô thương”
(Chiều nhớ mẹ
tôi bông sứ trổ nhau buồn)
Mà thôi đi, thương còn chưa đủ nữa mà lấy chi nỗi buồn. Những
thương yêu quê hương hồn hậu neo về trên thơ, trên mắt nhau bằng chữ chữ chữ
tròng trành cho ta neo nhau, vương vít nhau đến trăm năm bất tận!
“cây cau vua trước nhà thương người đã nụ
đừng để bằng lăng lối đó
đâu phải cứ đom đóm là tối bay ra ngõ
đêm còn lý lẽ của cây bần”
(Chúng mình vừa vặn hơn sông)
Nở ra những khát vọng:
“muốn về gom hết những mênh mông đốt cho chiều gió trở
gửi con én chấm lên trời những chấm tàn tro”
(Cỏ lông bông)
Những hoài niệm mang bóng dáng của nhiều người. Cầm trên tay
xấp nhớ không thể giận hờn, chẳng hề vu vơ mà nó đằm sâu, nén lại cho mỗi ai rồi
cũng có nơi quay về, bóng mát quê nhà. Vì,
“đi đâu về đâu vẫn là mình Vĩnh Hựu
chỉ cần mắt nhắm lại thôi là về tới cội nguồn”
(Là trở về thăm một chuyền
sắp đi xa)
Thơ Nguyễn Thanh Hải không cố sắp xếp, chẳng phải cầu kỳ,
không làm dáng mà nó chảy ra tự nhiên như hơi thở. Sần sùi, bóng mẩy, sàng sảy
ra sẽ có những mầm thơ lóng lánh, đẹp trong ngần!
T cứ trùng điệp trong thơ anh. T là Nàng Thơ. T là một ẩn dụ.
T là một chiếc đũa thần cho anh gõ vào nhịp lòng mình…. thổn thức những đêm gọi
trăng sao. Rồi có một lần xuất hiện cũng không kém phần dấu hỏi là Q. Q đi
ngang qua anh, qua thơ, qua cả bờ đê roi rói…
Những câu thơ đưa mình về kỷ niệm đẹp, xa xăm trong trẻo, lưu
dấu trong “Không thể thanh xuân những bạc dấu con đường”:
“Tôi xốc ba lô một nỗi buồn phía cũ
không thể thanh xuân những bạc dấu con đường
bìm xõa nhớ thương xuống bờ quê như tóc ngọn cứ dài dòng
chiếc nơ thời gian có còn kẹp dùm xưa lọn tím?”
Thơ của Hải không thể trộn lẫn vào người khác được. Vậy mà có
đôi lần ai đó mang chút màu sắc, ý tứ y hệt thơ Hải, anh chỉ cười và nói ‘vui
thôi mà!’. Bao dung quá! Thơ còn bay lên những cung bậc, của những nỗi niềm
dang rộng, của những miền thương yêu xua đi giọt nước mắt để buổi chạng vạng là
những niềm tin yêu, là nụ cười của trở về, của sum vầy, của an hạnh!
Phải là người yêu quê lắm mới am hiểu từng loài thảo mộc, mới
dễ tâm tình cùng với hoa cỏ quê nhà, con sông ngọn nước cứ bì lõm như ca dao,
như nhắc hẹn, như gọi mời, như ì đùng cả trời thơ ấu bay về. Đọc nhanh và rồi lật
lại đọc chậm để thấy thơ ấy là một Nguyễn Thanh Hải trăn trở, yêu thương, khát
khao và trữ tình.
Rồi khi đọc nhiều bài thơ về mẹ của Nguyễn Thanh Hải, giọt nước
mắt nào cay xè, giọt bụi nào đi qua, nỗi niềm thiêng liêng ủ kín và bay lên xòa
vào trong nhau cả quãng đời, cả bầu trời mặt đất không thể ví hơn mẹ, không gì
ví như mẹ được! Những bài thơ về mẹ, có thể kể như: Chuyến mẹ lên thăm con mẹ về,
Chiều nhớ mẹ tôi bông sứ trổ nhau buồn, Là trở về thăm một chuyến sắp đi xa. Và
nhiều nữa! Để rồi tôi đọc chậm lại “Mùa tỷ muội” để gặp anh trong câu thơ da diết:
“Con sông trước nhà nước mắt chảy thăng trầm
và tóc mẹ chưa bao giờ biết ngủ?”
Hiểu được mình, nhận ra mình đang ở đâu và làm gì là điều vô
cùng khó, không phải dễ làm. Nhưng nhà thơ đã một lần nào đó tự cảm và nhận ra,
rồi chợt ồ:
“Rốt cuộc rồi mình chỉ là hạt bụi
hạt bụi loanh quanh quằn quặt giữa cuộc đường
có lần T đã nói khi nhìn vào bụi bặm
mình là bụi/ hạt bụi cũng là mình”
(Phải dè mình thây được sóng
trong lòng)
Đọc thơ Hải không phải để lẩy ra câu, chữ nào đó là câu hay,
ý đã mà là thấy cả tâm tư, tư tưởng, tinh thần của bài thơ anh gửi gắm. Nó ào ạt
và dồn nén, bung ra và cô đặc như một miền riêng Hải với cỏ quê, mặc đời khen
chê, anh vẫn bình dị sống chơn tình!
Nhắc nhớ trong tôi mãi ở bài thơ “Chuyến mẹ lên thăm con mẹ về”
cứ không thôi ám ảnh một nỗi niềm của tình mẫu tử, của đạo và đời vốn dĩ không
hai.
“Cho đến khi mùa thu chở mẹ về rồi
con mới ngơ ngác hỏi tháng mười gửi gì chưa gió bấc
nhiều khi nghĩ vô tình thành cái tật
mẹ thích áo màu gì và cũng chẳng biết ai may
không gì vui bằng khi nghe con đọc vài câu Phật
Mẹ nói đọc kinh để biết trả nỗi buồn cho đất
nhưng không phải dễ dàng như bứng cây ngâu từ ngoài vườn lên
chậu
con còn đời nên chưa thuộc nổi một câu kinh”
Tôi xin khép lại những lan man cảm hoài lòng mình qua làn
sóng thơ Nguyễn Thanh Hải. Hy vọng một lúc nào đó, chàng thi sĩ biết tiết chế cảm
xúc, dồn ứ câu thơ, vo tròn hòn thơ ấy thành một chất sánh đặc sẽ độc đáo hơn nữa.
Đôi khi câu chữ thơ kia cũng cần chải chuốt lại, có lúc lại nên để cho nó sạm
màu da, thuần khiết, tự nhiên, xộc xệch rồi lớn lên trên tay đời. Đồng bằng
sàng sẩy và rồi thơ ấy còn cất cánh cao giọng hót nhiều nơi trên đất nước này
và biết đâu, mai này, thơ sẽ gặp tâm hồn đồng điệu nào đó trên cuộc đời bất kể
màu da, châu lục. Đọc và cùng ngấm vị của thơ, của tình người bổn xứ để thấy
Thơ là vùng bí hiểm mà không dễ chạm vào mà một khi chạm vào thì khó mà bước ra
khỏi nó được.
Phú Lộc, 23/2/2021 Trần Huy Minh Phương
Phú Lộc, 23/2/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét