Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Tiểu luận Trần Minh Thông: Đôi điều về thơ 1-2-3 Nguyễn Đinh Văn Hiếu

Tiểu luận Trần Minh Thông: Đôi điều
về thơ 1-2-3 Nguyễn Đinh Văn Hiếu

Có nhiều điều về thơ 1-2-3, thơ Nguyễn Đinh Văn Hiếu để nói. Xin mượn lời của nhà văn Nam Cao: “Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có…”. Thơ 1-2-3 tăng dần về lượng – chất và đã đến gần, đến với nhiều bạn yêu thơ. Và dần khẳng định vị trí trong thơ ca Việt Nam…
Nhà thơ Nguyễn Đinh Văn Hiếu ở Trà Vinh
Thơ 1-2-3 là thể thơ do nhà thơ Phan Hoàng khởi xướng. Mỗi bài thơ 1-2-3 là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu. Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện. Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị. Đề tài thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện. Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Nghe qua thật sự khá thú vị nên tôi định tìm đọc thì được nhà thơ Nguyễn Đinh Văn Hiếu gửi đôi chùm thơ 1-2- 3. Điều làm tôi bất ngờ ở lối viết kiệm lời, do đặc điểm của thể thơ đòi hỏi người viết phải tuân thủ nhưng lại chất chứa bao xúc cảm đòi hỏi một sự tẩn mẩn, khéo léo sử dụng con chữ đạt đến độ khái quát cao nhất là điều không dễ dàng với nhà thơ. Ở bài viết này, xin mạn phép đôi điều về thơ 1-2- 3 của nhà thơ Nguyễn Đinh Văn Hiếu vừa là dịp để góp thêm cảm nhận về ngôn từ trong thơ 1-2-3 vậy.
Sinh ra và lớn lên ở miền quê sông nước, nên không ngạc nhiên khi hình ảnh dòng sông quê được Nguyễn Đinh Văn Hiếu gợi nhắc đầu tiên:
“Con sông Cần Chong ngăn ngắt mấy lời thề
Theo từng chuyến lúa chất đầy ghe hồi ba quen má
Nắng vịn đầu ngọn sóng tưởng hồng hào duyên con gái
Chỉ vậy thôi mà hơn bốn mươi năm nồng đượm nghĩa cau trầu
Má nuôi ba ốm đau, ba chăm má khi trở trời trái gió
Tối thủ thỉ nước lớn ròng nuôi sông đắp đỗi phù sa”.
Bằng thủ pháp nghệ thuật nhân hóa dòng sông Cần Chong, tác giả đã mang đến cho người đọc một cảm giác gần gũi thân quen về một dòng sông quê hay cũng chính dòng sông đã chứng kiến bao điều về cuộc sống dâu bể duy chỉ có những lời thề về tình nghĩa thủy chung son sắc vẫn còn âm vang mãi mãi không bao giờ mất đi của ba, của má, của những con người vốn nặng ân tình miếng ruộng, mảnh vườn được dòng sông “đắp đỗi phù sa” cho cây trái ngọt lành. Hay tác giả cũng ẩn ý mà rằng tình cảm yêu thương của người với người không vơi cạn như khi nước ròng mà càng lớn dần như chính dòng sông luôn mang phù sa cho cây lúa trĩu say nặng hạt. Để rồi chính những mảnh đất này lại góp thêm những địa danh đặc trưng vùng miền gắn với những sản vật khó hòa lẫn như rượu Xuân Thạnh, tôm Vinh Kim,…
“Theo em qua Long Bình một tối mưa
Rượu Xuân Thạnh đầu bờ mới nhắm đã tê đầu lưỡi
Miếng tôm khô Vinh Kim mặn mòi thấm dịu bờ môi
Rẽ giồng cát hai bên xanh mượt đưa anh vào phum sóc
Hôi hổi nồi canh xiêm lo rau rừng khói bốc đến tận lòng
Kèn trống rộn ràng xui điệu Răm Vông phập phồng mưa ấm”.
Chỉ sáu dòng thơ mà khái quát được một vùng miền về mảnh đất và con người thì phần nào thể hiện được sự khéo léo trong điều khiển con chữ của nhà thơ. “tê đầu lưỡi” không chỉ đơn thuần do nồng độ của một loại rượu mang lại mà còn thể hiện một phong cách sống hào sảng của con người nơi đây. Sự “mặn mòi” của tôm nhưng lại “thấm dịu bờ môi” thì quả là thú vị chính điều này đã tạo một trường nghĩa cho người đọc. Thỏa sức liên tưởng và suy luận để hiểu cảm giác “thấm dịu bờ môi” theo cách riêng của mình. Chưa hết, ở ba dòng cuối chỉ ba mươi bảy chữ mà văn hóa của một vùng miền đã hiện ra rất rõ nét thông qua những từ ngữ giàu tính hình tượng: xanh mượt, tận lòng mưa ấm. Một điều khá ấn tượng ở Nguyễn Đinh Văn Hiếu là từ một sự tích vùng miền truyền miệng nếu dùng văn tự cũng ngót dăm mặt giấy vài trăm con chữ thì anh chỉ thể hiện qua một bài thơ 1- 2- 3:
“Ao Bà Om huyền thoại lung linh chuyện tình
Những người đàn bà căng mắt cần mẫn hì hục nhát đào
Cánh đàn ông nông nổi ngắm trăng sao ngạo nghễ thách đấu
Mây mẩy vòm ngực căng tròn mồ hôi áp dính lần nếp áo
Cổ thụ cuồn cuộn nổi hòn bao ngần ấy vẻ đẹp trần gian
Từ cuộc thi hồi nảo hồi nào thay đổi tục lệ cưới xin”.
Thú thật ngạc nhiên quá đỗi về những từ láy: lung linh, cần mẫn, hì hục, nông nổi, ngạo nghễ. Mỗi từ được sử dụng đúng chuẩn nghĩa của nó vốn có khi đặt vào vị trí rất phù hợp, đặc biệt là hình ảnh “vòm ngực căng tròn” vừa thực cho nét đẹp nữ tính vừa tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực thì quả là sự sáng tạo của riêng cá nhân nhà thơ.
Như đầu bài viết thì thơ 1-2-3 chỉ khuôn về dòng, về số từ, còn lại nhà thơ thỏa sức vẫy vùng con chữ. Chính vì điều này mà không ít người vội nhận định “thơ 1-2- 3 không vần không nhịp”. Xin hãy đọc cùng tôi những bài 1-2-3 nên điệu nên vần. Minh chứng cụ thể là khi đọc thơ 1-2- 3 của Nguyễn Đinh Văn Hiếu thấy sự tự nhiên của tính nhạc như đã mặc định sẵn trong thơ anh mà yếu tố quan trọng tạo nên tính nhạc là vần và nhip:
“Những chuyện ly kỳ, quái đản in dấu ấn thiếu thời
Con trâu đen thần thánh trao sức phi thường cho ai hớp dãi
Hoa tử huyền – Muối của rừng – ba mươi năm nở một lần
Con gái thủy thần ở đâu giữa ranh giới tình yêu – thù hận?
Mẹ Cả là dòng sông thao thiết, là biển cả vô cùng tận.
Khi chữ của nhà văn như khẩu súng đã nạp đạn – dấn thân”.
“Đừng gọi là người lái đò!
Vì chưa một ai làm lữ khách
Trách nhiệm bòn vai dìu dắt lớp lớp học trò
Có lúc đương đầu sóng cả gió to
Có con sóng lòng âm thầm, réo gào cuồn cuộn
Trang giáo án sáng ngời bài học rạng rỡ ngày mai”.
“Sân trường mùa vắng tiếng em
Cái lần hè vội gọi tên
Ngập ngừng phượng thắm chồng chềnh tháng năm
Huyên thuyên vạt áo em cầm
Áo dài tha thướt cà lăm mắt người
Hay là trời cũng đổ ngươi!”
“Khi người nghệ sĩ hóa thân
Cũng rằng một kiếp tơ vương
Nhả sao cho hết đoạn trường thế gian
Hoàng bào gấm vóc cao sang
Tả tơi manh áo, sỗ sàng ba hoa
Khóc – cười, cười – khóc thật thà?”
Rõ ràng ở mỗi bài nhịp rất linh hoạt giúp người đọc nghiệm rõ điều nhà thơ gửi gắm. Vần trong các bài khi thì độc vận, khi song vận, khi vần lưng khi vần chân,… Để đạt được cách kết hợp vần nhịp một cách hài hòa trong mỗi bài thơ trên, có thể nói, nhà thơ Nguyễn Đinh Văn Hiếu cũng đủ cho thấy được sự kỳ công của anh cũng như chính anh góp phần vào việc đưa thơ 1-2-3 dần gần và có thiện cảm với bạn đọc vậy!
Thiết nghĩ còn nhiều điều về thơ 1-2-3, thơ Nguyễn Đinh Văn Hiếu để nói. Xin mượn lời của nhà văn Nam Cao: “Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có…”. Thơ 1-2-3 tăng dần về lượng – chất và đã đến gần, đến với nhiều bạn yêu thơ. Và dần khẳng định vị trí trong thơ ca Việt Nam. Mặc nhiên thơ 1-2-3 đã đáp ứng được tiêu chí về văn chương mà nhà văn Nam Cao đã tuyên ngôn về một tác phẩm văn chương có sức sống lâu bền trong lòng người đọc vậy!
TRẦN MINH THÔNG
 
Hà Nội, 21/8/2015 
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...