Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Tìm Nguyễn Huy Thiệp qua "Vong bướm"

Tìm Nguyễn Huy Thiệp
qua "Vong bướm"

Vì sao con đường sáng tạo của một nhà văn có tâm hồn phức tạp, tinh tế, sâu thẳm, và tài năng lớn (để là tác giả của tất cả những tác phẩm trên đây) dường như bị chững lại? Đó có phải là một sự suy thoái trong sáng tạo?
Thiên tài cũng bởi chữ Duyên mà thành!¹
Sau khi đọc Vong bướm, một người đọc bình thường có thể đặt câu hỏi rằng phải chăng nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp đã qua thời kỳ của cái đẹp đau đớn nhưng đầy xúc cảm, với sức mạnh giúp con người thăng hoa và hồi sinh, thời kỳ của Con gái thủy thần, Muối của rừng, Mưa Nhã Nam, hay Cánh buồm nâu thuở ấy?
Và phải chăng cũng không còn nữa những cuộc xung đột đa chiều đầy hàm súc của nhiều tuyến nhân vật sinh động giàu sức sống, như Không có vua và Sang sông?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Thế thời phải thế
Vì sao con đường sáng tạo của một nhà văn có tâm hồn phức tạp, tinh tế, sâu thẳm, và tài năng lớn (để là tác giả của tất cả những tác phẩm trên đây) dường như bị chững lại? Đó có phải là một sự suy thoái trong sáng tạo?
Câu hỏi trên đây là cần thiết. Có lẽ bản thân nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng luôn suy nghiệm về sự suy thoái, và điều này thể hiện qua nhiều tác phẩm, trong đó có Vong bướm. Hai tác phẩm Vong bướm và Truyền thuyết tìm vua trong cuốn sách mới của ông đều xoay quanh những suy nghiệm về sự tha hóa của con người, do chủ động hoặc bị hoàn cảnh tác động mà đi chệch khỏi con đường của Đạo.
Năm 2008, trong diễn văn đọc nhân sự kiện được nhận giải thưởng Nonino Risit D’Âur Prize, Nguyễn Huy Thiệp từng kể lại câu chuyện ngụ ngôn về sự thoái hóa của một vị đạo sĩ. Đại ý như sau. Ở một xứ nọ, con người thuần phác có một đạo sĩ thánh thiện, nghèo túng, thường cho dân làng những lời khuyên chí thánh, và cũng được dân làng hết sức quý trọng. Thấy ông bị bọn chuột quấy phá, một người thương tình đem cho một con mèo. Con mèo thường được dân làng cho sữa, và một ngày kia có người ở xa giàu có đem cho vị đạo sĩ một con bò sữa để nuôi con mèo. Dân làng thấy vậy mới làm cho con bò cái chuồng, nhân thể làm cho vị đạo sĩ một cái am nhỏ để ở. Để giúp ông nuôi bò, không lâu sau người ta gửi cho ông một người đàn bà. Vậy là vị đạo sĩ không còn giữ được sự yên ổn trong lòng mình nữa. Trở nên đầy đủ như một phú ông, ông lấy người đàn bà làm vợ. Ít lâu sau ông bắt đầu hay cáu gắt, văng tục, nói nhảm nhí, uống rượu, đánh người, và chạy theo những cô gái đáng tuổi con mình. Con đường tu hạnh của vị đạo sĩ đến đây chấm dứt.
Câu chuyện kể này có lẽ ẩn chứa một số ám ảnh thường trực nhất định. Ám ảnh của một con người phải đối diện với những biến đổi khó khăn (hoặc thuận lợi) của đời sống khiến cho năng lượng bị phân tán, thời gian cho riêng mình ít đi. Đặc biệt đối với các nhà văn là sự mất đi những khoảng không để tĩnh tâm, chiêm nghiệm, tự thanh lọc và tu tập.
Nhưng là một người có những suy nghiệm sâu sắc về Đạo, hẳn Nguyễn Huy Thiệp không hoàn toàn coi tiến trình trên đây là một sự tha hóa, mà là một điều gì đó do sự vận động tất nhiên của đời sống: thế thời phải thế.
Tính đơn tuyến của con người thời loạn
Đối với mọi người bình thường, để vượt qua những khó khăn của vị đạo sĩ trên đây đòi hỏi một tư duy và kỹ năng tổ chức cuộc sống. Đó là sắp xếp các nguyên liệu vật chất và tinh thần mình đang có theo một trật tự phù hợp nhằm đem lại những kết quả trong cuộc sống đúng như mình mong muốn.
Tư duy tổ chức là biểu hiện của một xã hội đang phát triển đi vào ổn định. Nếu như văn học là tấm gương phản ánh hiện thực xã hội thì bản thân nhà văn trong những xã hội đang phát triển đi vào ổn định cũng cần thẩm thấu tư duy tổ chức cuộc sống, đưa nó vào trong tác phẩm văn học. Những đại tiểu thuyết như Đông Chu Liệt Quốc hay Những người khốn khổ giúp lưu giữ được cho chúng ta các không gian đại cảnh hùng vĩ, phản ánh những biến hóa sâu sắc, phức tạp của con người và thế giới trong lịch sử. Để dựng được những đại cảnh ấy, người nghệ sĩ ắt phải có tài tổ chức, một sản phẩm của xã hội đã phát triển đạt đến một độ ổn định nhất định.
Nhưng Nguyễn Huy Thiệp có lẽ không phải là con người của sự ổn định. Ông ít nhiều vẫn là người của thời loạn. Những ám ảnh về sự mất mát và ly tán vẫn luôn thường trực trong tác phẩm của ông. Có lẽ nguyên nhân một phần do khách quan cuộc sống, một phần khác do chính những đặc thù nội tại của nhà văn.
Bản năng thời loạn khiến người ta luôn trong tư thế phòng vệ và ngờ vực, vừa mong manh, vừa bảo thủ. Trong thời loạn đó là nguồn năng lượng mãnh liệt giúp người ta sinh tồn, và giúp đem đến những tác phẩm để đời cho các nhà văn lớn. Nhưng khi xã hội đi vào ổn định hơn, khi mà người ta tất yếu phải tăng cường số lượng các tương tác, giao dịch, những bản năng thời loạn bỗng trở thành có hại.
Đối với nhà văn, tâm lý phòng vệ tự bảo toàn cái tôi sẽ gây khó khăn cho việc hấp thụ nguồn sinh khí mà thời thế mới mang đến. Tri thức sâu sắc, tâm hồn đa cảm khiến nhà văn có thể nắm bắt rất nhanh các đặc thù của đối tượng quan sát, nhưng anh ta sẽ không thể hóa thân trọn vẹn thành người khác. Nếu chúng ta để ý kỹ sẽ nhận ra điều này trong các tác phẩm lâu nay của Nguyễn Huy Thiệp. Anh chỉ có khả năng phân thân chứ không thể hóa thân. Những cuộc đối thoại giữa các nhân vật khác nhau nếu thực chất chẳng phải tự sự thì cũng đơn thuần chỉ là đối đáp giữa những nhân diện giả định của cùng một tâm hồn. Tâm hồn ấy rất sắc sảo và phức tạp, nhưng đơn tuyến.
Đến với chèo
Có hai tạng nhà văn viết kiếm hiệp: Cổ Long và Kim Dung. Tạng của Cổ Long kiêu hãnh, khắc bạc, luôn xoáy sâu vào nội tâm nhân vật trung tâm. Ngược lại, Kim Dung luôn thiên về sắp xếp, tổ chức, bày binh bố trận, dàn dựng nên vô số các chi tiết đa tuyến sinh động để chắp nối hội tụ lại thành những xung đột cao trào. Một người là tạng của kiếm khách độc lai độc vãng, còn người kia là tạng của nhà quân sự. Có thể nói đây là hai thái cực cơ bản trong thế giới các nhà văn nói chung.
Nguyễn Huy Thiệp là tạng kiếm khách độc hành, không phải tạng của nhà quân sự. Anh có thể xếp quân tướng thành các lớp, các mảng một cách mạch lạc, hợp lý, và đặc tả tính cách, tâm lý, hành vi của họ rất khéo, rất tinh. Nhưng anh không thể thổi hơi cam lộ vào nhiều nhân vật cùng một lúc, buộc họ phải cùng nhảy vào lửa và đem hết tinh hoa phát tiết để phụng sự cho mình.
Tuy nhiên, Không có vua và Sang sông là ngoại lệ. Những xúc cảm bất an về một thời kỳ hỗn độn, dù mang tính đơn tuyến (và có phần độc tài) nhưng có đủ độ quyết liệt và chân thành để cho phép nhà văn thống lĩnh được các nhân vật một cách hợp tình, hợp lý.   
Trường hợp Vong bướm và Truyền thuyết tìm vua thì sao? Đây là hai tác phẩm chèo đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp. Là sản phẩm của nền văn minh lúa nước, trong tâm thức của chèo luôn ẩn chứa sẵn sự nhẫn nại của người gieo hạt chờ đến ngày gặt hái. Nghĩa là bảy được ba thua, ba chìm bảy nổi. Luôn kỳ vọng vào một ngày mai tươi sáng, nhưng nếu không may mà chẳng được thì âu cũng là lẽ thường tình. Phải chăng Nguyễn Huy Thiệp đã đến với chèo từ những đồng điệu về tâm thức, trong đó nửa phần có tâm thế bấp bênh từ một thời kỳ đã qua, nửa phần lại có tâm thế quy củ ổn định của một xu hướng thời đại đang đến. Vô tình hay hữu ý, tên gọi hai tác phẩm trong cuốn sách – Vong bướm và Truyền thuyết tìm vua – cũng phần nào phản ánh hai nửa tâm thế này.
Con đường phía trước
Thời cuộc mà chúng ta đang sống đang ở một giai đoạn mà một kiếm khách lừng danh như Nguyễn Huy Thiệp vài năm trước đã tự thán rằng giang hồ sót lại mình tôi². Ông từng tự nhận mình viết cuốn Vong bướm nhằm dưỡng tâm. Người đàn ông nguyên thủy của những ngọn gió Hua Tát đã đi qua thời kỳ giang hồ kiêu bạc để đến với một chặng đường mới với những trói buộc không tránh khỏi mà ông tự thấy phải chấp nhận. Dù sao thì giữa ông và thời cuộc dường như đang có một độ lệch pha nhất định.
Sự lệch pha này đặt một nhà văn tử tế trước ba lựa chọn (không loại trừ lẫn nhau), nếu vẫn muốn tiếp tục hành trình sáng tạo. Một là nửa tỉnh nửa say theo đời thường thường. Hai là trở thành thi sĩ với đôi mắt ngồi đây mà thấy những đâu đâu³. Ba là đi sâu hơn vào con đường tu tập. Con đường nào sẽ thật sự đưa vong bướm về gần hơn với Đạo?
PHẠM TRẦN LÊ
Báo Tia Sáng
1 Nguyễn Huy Thiệp, Truyền thuyết tìm vua
2 Thơ Nguyễn Bính
3 Bùi Giáng nói về Tuệ Sĩ trong Đi vào cõi thơ
 
Hà Nội, 21/8/2015 
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chợ ven đường - Tản văn Đặng Thị Thu Tôi sinh ra ở vùng xuôi, từ bé tôi đã thích được đi chợ phiên với bà và mẹ. Chợ phiên dưới xuôi họp...