Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Võ Hồng là niềm tự hào của quê hương Phú Yên và vùng đất Nam Trung bộ

Võ Hồng là niềm tự hào của quê hương
Phú Yên và vùng đất Nam Trung bộ

Chúng tôi thật sự cảm kích khi đại dịch Covid-19 còn căng thẳng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã chấp thuận và tạo điều kiện để Trường Đại học Phú Yên phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, Trường Đại học Thái Bình Dương và Viện Khoa học Giáo dục – Văn hóa – Thể thao – Du lịch tổ chức hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng.
20 năm sau truyện ngắn đầu tay Mùa gặt (1939), in trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy với bút hiệu Ngân Sơn, tập truyện đầu tiên Hoài cố nhân (1959) của Võ Hồng được xuất bản. Từ ấy đến nay đã có gần hai trăm bài viết bàn về sự nghiệp và tác phẩm của ông. Hơn tám thập niên đi vào đời sống, văn chương Võ Hồng đã khắc họa chân dung tinh thần của tác giả như một nhà văn có vị trí vững chắc trên văn đàn nửa cuối thế kỷ XX. Nay là dịp thuận lợi để chúng ta đào sâu suy nghĩ tìm ra những phẩm chất văn chương đặc biệt ở Võ Hồng và góp phần làm một tổng kết về sự nghiệp của ông.
Nhà văn Võ Hồng (1921 – 2013)
Võ Hồng có nhiều kỷ niệm với Quy Nhơn, Huế, Hà Nội, Đà Lạt nhưng sâu đậm nhất vẫn là với quê mẹ Phú Yên. Vậy mà từ khi định cư ở Nha Trang ông rất ít khi về thăm lại quê nhà. Hình ảnh trong Chuyến về Tuy Hòa là hình ảnh từ chất liệu thực tại hay từ tưởng tượng? Có thể nhà văn quá bận bịu dạy học, viết văn, nuôi dạy con cái, rồi tuổi già, sức khỏe, thời gian không cho phép. Cũng có thể ông muốn lưu giữ nguyên vẹn ký ức thiếu thời về quê hương, không muốn khuấy động làm xáo trộn thế giới mà ông biến thành vĩnh cửu bằng nghệ thuật sáng tạo của mình.
Đây là lời của nhân vật người kể chuyện trong Mùa xuân nghe tiếng chim: “Không chỉ mồ côi cha mẹ, tôi còn mồ côi cả ngôi nhà thơ ấu, khu vườn xanh tươi, bến sông heo hút và những ngõ xóm quanh co. Trong chiến tranh, nhà tôi bị bom tàn rụi, nhớ quê hương, nhớ bà con làng xóm mà không dám về thăm. Nhiều hôm ngồi nhớ, nước mắt âm thầm. Trong trí nhớ, ngôi nhà, khu vườn hiện lên rõ ràng như trải ra trước mắt. Nhưng nếu về thăm thì cảnh còn sót lại trong trí nhớ sẽ vĩnh viễn mất luôn”.
Thế nhưng Võ Hồng luôn hiện diện với Tuy An, Tuy Hòa, Sông Cầu… trong những tác phẩm của ông. Chính hôm nay anh linh ông cùng chúng ta trở về Phú Yên, về với dòng sông, cây cầu, lò gốm, ngõ chợ, bến xe… Trong không khí đầm ấm này, tôi xin mạo muội nêu ra với hội thảo mấy đề nghị sau đây.
Một, xin đề nghị gia đình nhà văn Võ Hồng ủy quyền cho Trường Đại học Phú Yên lưu trữ và quản lý toàn bộ bản thảo, sách vở của ông. Trường Đại học Phú Yên vui lòng nhận nhiệm vụ sưu tầm, tập hợp, phục hồi nguyên dạng văn bản và sắp xếp tác phẩm Võ Hồng theo thể loại/ thứ tự thời gian để lần lượt tái bản: truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, suy niệm – tản văn – phỏng vấn.
Sở dĩ chúng tôi có đề nghị này là vì hiện nay vẫn còn những di cảo của Võ Hồng chưa được công bố. Một số tác phẩm của ông được tái bản nhưng có nhiều lỗi kỹ thuật do in ấn. Trong những cuốn sách được Võ Hồng tặng mà chúng tôi lưu giữ, có nhiều chỗ ông sửa chữa bằng bút chì, bút mực, bút xóa, thậm chí có chỗ ông bổ sung cả một đoạn văn hay một chương sách (chẳng hạn, tiểu thuyết Nhánh rong phiêu bạt). Ngoài ra, cũng thật buồn mà nói rằng Võ Hồng ít có những cuốn sách được trình bày mỹ thuật và in trên giấy tốt.
Chúng tôi chưa dám đề cập đến một Toàn tập tác phẩm Võ Hồng vì điều này đòi hỏi đáp ứng những tiêu chí nhất định và sự đầu tư nhiều thời gian và công sức. Vả chăng, những toàn tập in trang trọng, bìa dày, có giá thành cao thường khó tiêu thụ và tiếp nhận trong độc giả hiện nay. Gia đình có thể trực tiếp ký kết hay ủy quyền cho Trường Đại học Phú Yên để nơi đây hợp đồng với một nhà xuất bản hay công ty làm sách, với những thỏa thuận chặt chẽ về tác quyền, để lần lượt in lại tác phẩm Võ Hồng theo một định dạng thống nhất về hình thức, cách trình bày và mẫu bìa trang nhã, giản dị đúng như tính cách của nhà văn.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Trang đồng chủ trì hội thảo
Hội thảo này ghi nhận một thư mục tác phẩm Võ Hồng khá công phu do PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Trang thực hiện. Một thư mục khác cũng có giá trị tham khảo về những tác phẩm của nhà văn và những công trình viết về ông do nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban tập hợp. Dựa trên hai thư mục này, Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Phú Yên có thể tổ chức cho giảng viên và sinh viên triển khai những công trình nghiên cứu, luận văn, khóa luận về Võ Hồng, tiếp nối những thành tựu đã có.
Hai, xin đề nghị các nhà biên soạn sách giáo khoa bậc tiểu học và trung học quan tâm chọn lựa văn bản tác phẩm Võ Hồng để giảng dạy cho học sinh. Ở miền Nam trước 1975, tác phẩm Võ Hồng đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Hiện nay trong các bộ sách giáo khoa được biên soạn chính thức, có nhiều văn bản của các tác giả miền Bắc, ít tác giả miền Nam, càng ít tác giả miền Trung. Dù không tán thành chủ nghĩa địa phương và sự bình quân, chúng ta cũng nên lưu ý đến bức tranh đa dạng vùng miền trong một nền văn học thống nhất.
Trong chương trình văn học địa phương, Võ Hồng đương nhiên là tác gia quan trọng của văn học Phú Yên. Nhưng tác phẩm của ông, với cảnh sắc và con người Nam Trung bộ, với giá trị nhân văn và ngôn ngữ nhuần nhị, cần được giới thiệu cho học sinh cả nước như một trong những thành tựu của văn học thế kỷ XX. Một số bài thơ trong tập Hồn nhiên tuổi ngọc rất phù hợp với tâm lý học sinh tiểu học. Nhiều trích đoạn trong các tác phẩm Áo em cài hoa trắng, Trận đòn hòa giải, Vùng trời thơ ấu, Vẫy tay ngậm ngùi, Thương mái trường xưa và những truyện ngắn, tiểu thuyết khác của cùng tác giả có thể thành văn liệu cho sách giáo khoa trung học cơ sở, với tư cách bài trích giảng hay bài đọc thêm.
Không bao giờ phủ nhận rằng làm văn học cũng là làm giáo dục và không đối lập nghệ thuật với đạo đức, ngòi bút Võ Hồng đem lại sự “thanh lọc tâm hồn” cho độc giả thiếu nhi và ta chỉ có thể nhận ra giá trị của tác phẩm từ góc độ của tình thương yêu. Thiết nghĩ, với tài năng hóa thân vào những nhân vật trẻ em của tác giả, những tác phẩm này vẫn có thể tìm được sự đồng cảm của bạn đọc thiếu nhi ngày nay.
Ba, Võ Hồng là niềm tự hào của quê hương Phú Yên và vùng đất Nam Trung bộ, vì vậy tôi mạnh dạn đề nghị hai thành phố Tuy Hòa và Nha Trang nên có con đường mang tên Võ Hồng. Tỉnh Phú Yên, đặc biệt là huyện Tuy An, nên có trường tiểu học hay trung học mang tên Võ Hồng. Việc ứng xử này đã có tiền lệ dành cho các văn nhân nổi tiếng ở một số địa phương khác như Á Nam Trần Tuấn Khải, Đông Hồ, Bích Khê, Nguyễn Hiến Lê…
Do hoàn cảnh gia đình, ngôi nhà và phòng văn của Võ Hồng trên đường Hồng Bàng (Nha Trang) không còn được lưu giữ như một kỷ niệm. Với sự hỗ trợ về tư liệu, hiện vật của gia đình nhà văn, các văn hữu và độc giả, khi đủ điều kiện, Trường Đại học Phú Yên có thể tổ chức một triển lãm về Võ Hồng. Những tư liệu và hiện vật này nên tập hợp trong phòng lưu niệm của nhà trường về các danh nhân lịch sử – văn hóa của tỉnh Phú Yên, nơi mà công chúng, nhất là thế hệ trẻ, có thể đến tham quan, tìm hiểu về những nhà văn, nhà hoạt động văn hóa tiêu biểu của quê hương. Với cách làm này, Trường Đại học Phú Yên sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa nằm trong bản đồ du lịch, thu hút các du khách đến với tỉnh nhà.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
______________
Trích tham luận “Võ Hồng – phẩm hạnh của văn chương” gửi Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng, tổ chức tại Phú Yên ngày 24.4.2022.
Bài đã đăng Tạp chí Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 20, ngày 21.4.2022.
 
Hà Nội, 21/8/2015 
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Công dân áo gấm Henry Cabot Lodge000000

Công dân áo gấm Henry Cabot Lodge TỰA - LỜI TÁC GIẢ Hồi đó, tám năm qua… Tháng 8.1963, tình hình căng thẳng, ngột ngạt, các phóng viên các...