Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2023

Triết lý nhân sinh qua bài thơ Đò chiều - Nguyễn Huyền Thoại Vy

Triết lý nhân sinh qua bài thơ
Đò chiều - Nguyễn Huyền Thoại Vy

Thơ lục bát vốn dĩ là mảnh đất màu mỡ của văn học dân gian. Thế nhưng, văn học viết đã từng có những gương mặt phu chữ cày ải miệt mài trên thửa ruộng thi ca, được thể lục bát vinh danh như Nguyễn Du, Bùi Giáng, Đồng Đức Bốn … Ai có thể là truyền nhân tiếp nối?
Không ít lần người viết tự vấn, rồi tự trả lời: Không nhiều nhà thơ để lại dấu ấn ở thể thơ tưởng dễ mà khó tiếp cận này. Viết không khéo không hay, cảm xúc cạn hoặc đi đến chỗ vay mượn, thơ lục bát sẽ rơi vào chỗ non tay của một bài vè. Mà vè thì hầu như ai cũng làm được. Thơ hay đã quý. Lục bát thần tình lại càng hiếm. Vì lẽ đó, người viết trân trọng gọi những bài thơ lục bát viên thành cả về nội dung lẫn nghệ thuật là thiên lục bát. “Đò chiều” của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ là một trong những bài thơ như thế.
ĐÒ CHIỀU
Chiều gần. Chiều chậm. Chiều rơi
Tiếng chuông chùa ngắn như hơi thở chiều
Trên đò ngọn gió tịch liêu
Lạnh lùng thổi lại hồn chiều bơ vơ
Ta qua chưa hết chuyến đò
Thấy trăng đứng đợi bên bờ tử sinh
Thấy sông trôi lại bóng mình
Biết ta là bóng hay hình rong chơi
Tình xưa đã chết bên trời
Chiều nay sông nước đọc lời điếu tang
Hỏi quê nào biết đâu làng
Lòng không, còn lại mấy hàng mây trôi.
(Bến đò Giao Thủy, 2004)
TẦN HOÀI DẠ VŨ
Nguyễn Huyền Thoại Vy
Dòng lục mở đầu bài thơ gồm ba câu đặc biệt: ngắn và khó định chủ – vị. Khoảnh khắc thời gian trong một ngày được nhà thơ níu lại gần, thật chậm rãi khoan thai như nhịp chẵn/ nhịp đôi thong dong vẫn thường gặp ở thể thơ này:
Chiều gần. Chiều chậm. Chiều rơi
Hai câu đầu được dấu chấm câu giữ lại. Chỉ câu thứ ba là không dấu câu nào có thể bắt lấy, nên buổi chiều rơi tự do vào khoảng không vô định. Ý thơ tưởng là nhàn dật và khoái hoạt, nhưng đặt trong cấu trúc câu lạ, hòa phối với điệp từ “chiều” khiến người đọc hồ dễ tỏ tường được tâm tư xa vắng mà khắc khoải ưu phiền của thi nhân. Quả thật, câu thứ hai – câu bát như một tiếng thở dài rụng xuống hoàng hôn:
Tiếng chuông chùa ngắn như hơi thở chiều
Tiếng chuông chùa từ lâu vừa mang nét văn hóa tâm linh vừa hàm chứa tư tưởng phương đông. Nội hàm của tiếng chuông là Phật pháp, là triết lý sắc – không, ngỡ có hình tướng mà thật ra vô tướng, vô ảnh. Nói cách khác, chung thanh như một ánh chớp soi rọi vào những ngõ ngách thẳm sâu của thân phận người. Cách so sánh “tiếng chuông” ngắn như “hơi thở chiều” mang màu sắc cổ điển. Tác giả dùng động (âm thanh tiếng chuông) để làm bật lên sự tĩnh lặng (vô thanh) xung quanh. Đây là nguyên tắc dùng động nói tĩnh hay gặp trong Đường thi. Trong bài thơ tứ tuyệt “Điểu minh giản” của Vương Duy (được xưng tụng là Thi Phật) thủ pháp mượn động nói tĩnh cũng thể hiện ở câu khai “Nhân nhàn, hoa quế lạc” (Người nhàn, hoa quế rụng). Tâm hồn phải thật yên bình mới lắng nghe được trong thiên nhiên thanh tĩnh tiếng rơi khẽ, nhẹ của hoa quế – một loài hoa thường được trồng ở các thiền viện. Câu thơ hay ở sự hòa điệu vi tế giữa người thơ và thiên nhiên trong trục giao cảm thiên – nhân hợp nhất. Câu bát của “Đò chiều” cũng có làn hương thoảng nhẹ bình đạm của hoa quế lại vừa có chất suy tư nội tâm của chủ thể trữ tình. Cấu trúc cặp lục – bát ở đây vừa phá cách về hình thức lại vừa cổ điển về thi liệu, thi pháp.
Câu thứ ba khoác vẻ đẹp trang nhã mà se sắt u buồn:
Trên đò ngọn gió tịch liêu
Lạnh lùng thổi lại hồn chiều bơ vơ
Vừa thoáng bóng dáng của ngọn gió vô hình vô tướng, thi nhân đã chùng lòng vì nỗi “tịch liêu” vây phủ tứ bề. Nếu hai câu đầu khơi gợi cái nhìn ngộ giác thì câu thứ ba khai mở huệ giác trong trạng thái hòa cảm trọn vẹn giữa tâm hồn và ngoại giới “hồn chiều bơ vơ”. Cảnh giao tình. Tình hòa cảnh. Tiểu ngã (atman) nhập vào đại ngã (brahman). Động từ “thổi” chạm đến được sự dịch chuyển của cái vô thường và bắt lấy khoảnh khắc trời đất – vũ trụ – lòng người giao thoa. Và đấy là chất thiền tịnh xuyên suốt ý thơ.
Ta qua chưa hết chuyến đò
Thấy trăng đứng đợi bên bờ tử sinh
Đã giác ngộ thì chuyến đò chiều cũng là chuyến đò định mệnh, chuyến đò tử sinh của kiếp người hữu hạn. Dẫu rằng chủ thể trữ tình vẫn còn phân vân giữa hai bờ sinh tử, chưa qua hết chuyến – đò – hoàng – hôn đời mình. Như quy luật khó cưỡng: Là tro bụi, sẽ trở về bụi tro “Chiều nay gió thổi ngang đầu/ Thân là hạt bụi đã sầu ngàn năm” (Thân là hạt bụi – Tần Hoài Dạ Vũ). Triết lý nhân sinh trên cũng láy lại trong hai câu lục bát khác của thi nhân: “Lạy cùng đất thấp trời cao/ Có ta hạt bụi xin chào mai sau!”.
Trăng sáng có bao giờ rời bỏ thi ca trong những giờ phút trọng đại của đời người!?. Trong buổi hẹn đầu mà nên duyên “Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ Tre non đủ lá đan sàn nên chăng ?” (Ca dao) hoặc trăng tỏ rạng trong đêm Kim – Kiều thề nguyện “Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai mặt một lời song song”. Cho đến trạng huống thị ngộ “Nguyệt xuất kinh sơn điểu” (Trăng lên làm chim núi giật mình) rồi đại ngộ “Tăng xao nguyệt hạ môn” (Sư gõ cửa trăng chiều). Hình ảnh “trăng đứng đợi” soi sáng hai bờ tử sinh là thi ảnh mới lạ, ám gợi về cõi sinh diệt u tịch. Thi nhân đề cập đến chuyến đi vào cõi vô cùng của đời người bằng giọng nhã đạm, khiến cái chết được nhắc đến nhẹ tựa bóng hình hư ảnh, như nước chảy mây bay:
Thấy sông trôi lại bóng mình
Biết ta là bóng hay hình rong chơi
Tiết tấu thơ chầm chậm u hoài nghiêng về tự vấn, tự soi rọi. Nói cách khác, nhà thơ quay cái nhìn vào bên trong, chiêm nghiệm về kiếp nhân sinh và lẽ biến dịch vô thường. Đời người ngắn ngủi, vô thường như chiếc bóng, nào ai cắt nghĩa được “Biết ta là bóng hay hình rong chơi” ?!. Là Trang sinh hóa bướm hay bướm là Trang sinh ?!
Lấy sông nước, bóng chiều, con đò làm bối cảnh cho tư tưởng, quan niệm về lẽ vô vi vạn biến, ý thơ dần dịch chuyển về cuộc tử sinh của tha nhân. Hình ảnh thơ mở ra rợn ngợp và ám ảnh. Điêu linh của vô cùng thiên địa “Niệm thiên địa chi du du” (Trần Tử Ngang). Ám gợi bởi thi ảnh sáng tạo khi  nghĩ về chuyến xe sinh tử không có vé khứ hồi:
Tình xưa đã chết bên trời
Chiều nay sông nước đọc lời điếu tang
Câu thơ ngân nga ở vần “ang” (tang) lan xa và loang dài trong buổi tà dương của ngoại cảnh, hắt bóng chiều lên đời người đã nếm trải quá nửa phù trầm như lời ai điếu của sông nước. Ý thơ hẫng một nhịp mất mát ở từ “đã chết”, khiến những đau thương lùi hẳn về quá khứ. Trước lời “điếu tang”, mọi giấc mơ đời bỗng nhiên hư huyễn. Kể cả tình xưa, lối xưa hay đò chiều đang ngậm bóng tà huy. Chỉ còn lại thấp thoáng một câu hỏi nhân sinh đau đáu. Câu hỏi vọng từ quá khứ, neo ở hiện tại và tiếp diễn ở vị lai:
Hỏi quê nào biết đâu làng
Lòng không, còn lại mấy hàng mây trôi.
Có thể nói đó là suy niệm của cả đời thơ, đời người. Từ Thôi Hiệu với “Nhật mộ hương quan hà xứ thị?/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Quê hương khuất bóng hoàng hôn/Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai – bản dịch của Tản Đà) cho đến những trăn trở của hoàng đế xuất gia Thuận Trị “Tôi từ đâu đến không người biết/ Tôi đến nơi nào có ai hay ?”. Để rồi gặp Bùi thi sĩ, câu hỏi “sinh kí tử quy” trở nên sáng tỏ, đốn ngộ và thoát tục:
Hỏi tên: Rằng biển xanh dâu.
Hỏi quê: Rằng mộng ban đầu đã xa.
Thế nhưng với người thơ Tần Hoài Dạ Vũ, quê nhà theo đám mây biến dịch hằng viễn, hoài trôi vô định. Đấy chẳng phải là áng mây Tần “Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa” (Truyện Kiều) đấy sao !? Hay cảm thức về vũ trụ vĩnh hằng trong thơ Thôi Hiệu “Bạch vân thiên tải không du du” (Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay) cùng với áng mây Tần kia đã ảnh hưởng đến hai chữ đầu “Tần Hoài” trong bút danh và phủ bóng lên đời thơ của ông ?. Có lẽ, chính thi ảnh và thi ý sáng tạo mới làm thành nét riêng biệt giữa “Đò chiều” với các bài thơ khác có hình ảnh ẩn dụ “mây trắng”. Sinh mệnh của câu thơ kết lại ở chi tiết “Lòng không” và sự hiện hữu, hiện hành của từ “còn lại”. Không có sự đối sánh giữa đời người nhỏ bé, hữu hạn (đò chiều) và thiên nhiên mênh mang, vô hạn (áng mây, dòng sông) ta hay gặp trong thi pháp thơ Đường. Bản thân chủ thể đã chạm cửa không (lòng không) nên hồn thơ và trời đất đã đến ngưỡng hợp nhất giữa thiên – địa – nhân ngay trong khoảnh khắc hiện tồn.
Trong hai câu thơ: “Dặm xa quán trọ cơ cầu/ Mùa xuân mây trắng ngang đầu nhớ quê” thì quán trọ phải chăng là cõi đời này? Người khách trọ kia có mong một quê nhà nào chăng?. Đó có phải là cõi quê chung mà Trần Thái Tông đã từng hỏi: “Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách/ Nhật mộ hương quan vạn lý trình”. Cái quê chung ấy biết có còn lại trong lòng kẻ cơ cầu “Lòng không còn lại mấy hàng mây trôi”. Câu thơ cuối tụ lại ở cảm nhận chung rằng chủ thể trữ tình đã đạt đến trạng huống giao hòa với vũ trụ miên viễn, nên thi nhân hóa thành một phần của đám mây, dòng sông, bầu trời.
Tinh hoa của cả bài kết lại ở ý thơ tình thơ, làm nên vẻ đẹp vi tế và chắp cánh cho tư duy thơ thoát trần, dù hồn thơ không hề thảnh thơi vô sự. Xuyên suốt chỉnh thể văn bản, thi nhân vẫn đau đáu dai dẳng về triết lý nhân sinh, về bể dâu đời người, về quy luật biến dịch. Đồng thời, đó là điểm nhất quán trong thơ Tần Hoài Dạ Vũ. Và biết đâu, như thi nhân Lý Bạch, tác giả của bài thơ cũng muốn “quy cố hương” cùng áng mây trắng nao nao “Bạch vân xứ xứ trường tùy quân” (Đi đâu mây trắng cũng theo anh).
NGUYỄN HUYỀN THOẠI VY
 
Sài Gòn, 5/6/2019
Nguyễn Thị Hoàng
Nguồn:
Theo https://vanhocsaigon.com/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXTrường đời 2

Trường đời 2 XVII- Buổi chiều hôm ấy, mãi quá ba giờ, Khánh Ngọc mới ra chỗ làm. Nàng đi thẳng ngay đến mỏm núi Sám Coọc mà nàng biết chắc...