Triết lý yêu trong
thơ tình Xuân Diệu
Với Xuân Diệu, tình yêu được coi như một giá trị sống đích thực,
tình yêu đáng được tôn thờ như một thứ “tôn giáo” và thi sĩ đã tin vào tình yêu
với một niềm tin thiêng liêng nhất…
Nhà thơ Xuân Diệu đã có một định nghĩa rất thú vị và độc đáo
về thơ và tình yêu: “Tình yêu và thơ là hai phạm trù mà trong đó cái tuyệt vời
thông minh kết hợp với cái tuyệt diệu ngây thơ, là hương đặc biệt của một số
tâm hồn thi sĩ và tình nhân”(1). Trong sự nghiệp cầm bút của mình, với hơn 450
bài thơ tình để lại, Xuân Diệu đã minh chứng một điều: Tình yêu không thể thiếu
thơ và thơ không thể thiếu tình yêu. Với Xuân Diệu, tình yêu được coi như một
giá trị sống đích thực, tình yêu đáng được tôn thờ như một thứ “tôn giáo” và
thi sĩ đã tin vào tình yêu với một niềm tin thiêng liêng nhất… “Thiêng liêng
quá những chiều không dám nói…Ôi vô cùng trong một phút nhìn nhau” (Xuân đầu).
Chính niềm tin vào tình yêu với tất cả sự “ngoan đạo” của một “con chiên” có
trái tim yêu đến cuồng si, nồng nàn là cội nguồn khiến thơ tình Xuân Diệu mang
đậm sắc màu triết lý đặc biệt: Triết lý yêu. Và Triết lý yêu là
một trong những giá trị nhân văn độc đáo, sâu sắc nhất của thơ tình Xuân Diệu.
Xưa nay tình yêu nam nữ vốn luôn hiện hữu với rất nhiều cung
bậc: Lãng mạn, mơ mộng, thiêng liêng, cao thượng, phàm tục, nhục thể, bi đát, đắm
đuối, si mê, lỗi lầm… như một nhận thức tất yếu về đời sống, thơ Xuân Diệu cũng
cắt nghĩa về tình yêu trên nhiều phương diện. Trước hết, đối với thi sĩ, yêu là
nguồn sống: Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ, không thương một kẻ
nào? (Bài ca tuổi nhỏ).
Nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985)
Quả thật, cuộc sống đúng như thi sĩ quan niệm: “Đời không ân
ái đời vô vị/ Kiếp sống không yêu kiếp sống thừa”. Cuộc sống thiếu tình yêu
không phải là sống mà chỉ là sự tồn tại đơn điệu, vô nghĩa, nhạt nhẽo. Không thể
sống thiếu tình yêu vì con người sinh ra vốn là để sống và yêu nói như Gớt:
“chúng ta sinh ra trong tình yêu, lớn lên trong tình yêu và chết đi trong tình
yêu”. Tình yêu cho con người được trải nghiệm những cảm xúc Người nhất: buồn,
vui, thương, nhớ, đau khổ và hạnh phúc… Cuộc sống thiếu tình yêu như mặt trời
không có nắng, tình yêu tiếp thêm sinh lực cho con người, tình yêu là nơi vực dậy
tinh thần cho con người trên hành trình cuộc sống đầy thử thách. Trong cái nhìn
của người đang yêu vạn vật ánh lên những sắc màu tươi vui, ánh sáng tràn ngập
khắp cõi thế gian… Tình yêu khiến con người trở nên cao thượng và nhân hậu, bao
dung hơn. “Được yêu, một sự kiện quan trọng biết bao! Yêu, càng trọng đại hơn nữa!
Vì yêu, trái tim trở nên can đảm. Nó chỉ còn toàn những gì thuần khiết, chỉ dựa
vào những gì cao thượng và lớn lao” (Victor Hugo).
Hơn ai hết Xuân Diệu thấu hiểu sâu sắc tình yêu cần thiết cho
cuộc sống con người đến nhường nào, con người chỉ có thể sống có ý nghĩa trong
sự gắn bó với tình yêu. Và có lẽ thế nên suốt cuộc đời mình, thi sĩ đã luôn
trong tâm thế đi tìm những cung bậc cảm xúc tình yêu, và thơ là nơi ông gửi gắm
bao cung bậc của con tim luôn tha thiết yêu đương đến si mê, cuồng nhiệt. Con
người ấy đã nhận kiếp trước ông đã yêu và kiếp này vẫn tiếp tục yêu, ngọn lửa
tình yêu dường như bất tận trong ông: Tôi đã yêu từ khi chưa có tuổi/ Lúc
chưa sinh vơ vẩn giữa luân hồi/ Tôi sẽ yêu khi đã hết tuổi rồi/ Không xương xóc
chỉ huyền hồ bóng dáng. (Đa tình)
Những người đã yêu, đang yêu và sẽ yêu mãi mãi không bao giờ
trả lời được trọn vẹn câu hỏi: tình yêu bắt đầu từ đâu? Và Xuân Diệu cũng vậy,
với một khát vọng truy tìm câu trả lời cho câu hỏi muôn thuở của nhân loại: Làm
sao cắt nghĩa được tình yêu? Thi sĩ đã đưa ra cách lý giải tưởng như rất
vu vơ, hồn nhiên ngây thơ nhưng lại đúng với quy luật tình cảm, tâm lý của con
người: Có khó gì đâu, một buổi chiều/ Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/ Bằng
mây nhè nhẹ, gió hiu hiu (Vì sao)… Yêu giản dị chỉ là như vậy, yêu như hít
thở khí trời để sống, có duyên thì tình yêu tự đến, tình yêu nằm ngoài những
toan tính, sắp đặt… đối với Xuân Diệu khởi đầu cho một tình yêu đích thực là tiếng
tơ lòng rung động chân thành, đánh thức miền yêu nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn
con người. Trong thơ của ông người đọc có thể thấy rõ sự phát hiện tinh tế diễn
biến tâm lý của tâm hồn mới chớm yêu thương, và ông cho rằng khi yêu tâm hồn trở
nên dễ xúc động, tinh tế, lãng mạn đến vô cùng: Bâng khuâng chân tiếc dậm
lên vàng/ Tôi sợ đường trăng tiếng dậy vang/ Ngơ ngác hoa duyên còn núp lá/ Và
làm sai nhỡ nhịp trăng đang. (Trăng) Khí trời quanh tôi làm bằng tơ/
Khí trời quanh tôi làm bằng thơ (Nhị hồ)
Thi sĩ nâng niu những cảm xúc tình yêu vừa hé nở như nâng niu
những gì quý giá nhất nhưng mong manh, dễ vỡ, dễ tan. Thái độ sống tích cực ấy
của Xuân Diệu cho thấy ông không chỉ rất có ý thức gìn giữ tình yêu mà còn tôn
thờ tình yêu như một chân giá trị, một khát vọng mà cuộc đời hướng tới. Ông
trân quý tình yêu như trân quý cuộc sống của chính mình, và tình yêu đẹp bao giờ
cũng là mục đích để con người dấn thân và hy sinh mà không hề nuối tiếc. Cho
nên thi sĩ ví tình yêu như “viên ngọc thiêng liêng” và ông trân trọng tất cả những
gì liên quan đến tình yêu và liên quan đến người mình yêu: đôi bàn tay, đôi mắt,
làn môi hé nở, thân hình người yêu, và đến cả “dấu nằm”, cái nhìn, giọng nói …
Đọc thơ Xuân Diệu chúng ta có cảm giác xúc cảm yêu như một dòng chảy khôn nguôi
ám ảnh trong tâm thức thi sĩ. Trong sự luận giải đa dạng, phong phú của Xuân Diệu
về tình yêu chúng ta có thể hiểu: Tình yêu có sức mạnh giúp con người sống vượt
lên giới hạn của chính mình, giúp con người dám sống và được sống là chính
mình…
Vì quan niệm yêu là nguồn sống nên hầu hết các bài thơ tình của
Xuân Diệu như Hôn cái nhìn, Biển, Bóng đêm biếc, Bài thơ tuổi nhỏ, Vì sao,
Yêu… đều cho thấy những cảm xúc trong ông luôn được đẩy đến tận cùng. Thi sĩ
yêu cuộc sống đến cuống quýt “muốn ôm, muốn riết, muốn say…” (Vội vàng), và bởi
thế nên ông như đắm chìm trong cõi yêu đương nồng nàn, cháy bỏng. Chính thi sĩ
đã thừa nhận: Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá/ Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu
gì (Vì sao?). Ở đây, có thể coi sự “khờ khạo, ngu ngơ” của thi sĩ như một
giá trị, một lối ứng xử văn hóa trong tình yêu. Nó chính là biểu hiện của những
gì thanh khiết, chân thành, trong sáng, vô tư, phi vụ lợi của tình yêu đích thực.
Sự thừa nhận “chỉ biết yêu thôi” đồng thời cũng cho chúng ta thấy một minh triết
yêu trong thơ tình Xuân Diệu: Yêu chính là phải biết sống hết mình cho người
mình yêu, yêu là sự dấn thân và tận hiến vì nhau và cho nhau.
Quan niệm “tận hiến” trong tình yêu được thể hiện trong thơ
Xuân Diệu rất rõ ràng, không chung chung, trừu tượng. Đó là sự tận hiến cả về
tinh thần và thể xác. Khát vọng hướng tới hòa hợp về tinh thần của những trái
tim yêu được thể hiện qua rất nhiều bài thơ “để đời” của Xuân Diệu: Xa
cách, Thân em, Biển, Bài thơ tuổi nhỏ, Cảm xúc, Thanh niên, Vô biên, Dâng, Phải
nói…
Trong thi ca nhân loại đã có rất nhiều thi sĩ thừa nhận quy
luật tình yêu như một chân lý bất biến: Yêu là khát khao mong muốn phát hiện vẻ
đẹp trong sáng tiềm ẩn trong tâm hồn người mình yêu. Dường như những trái tim
đang yêu không bao giờ thỏa mãn khát vọng kiếm tìm những “hạt ngọc” ẩn giấu
trong tâm hồn người yêu và luôn muốn đi đến tận cùng sự khám phá, thấu hiểu những
điều bí ẩn trong tâm hồn người yêu. Tâm hồn mỗi người luôn là thế giới đầy bí ẩn,
là niềm say mê, cuốn hút khám phá đến vô cùng. Nhà thơ Ấn Độ R.Tagor từng viết:
Đôi mắt băn khoăn của em buồn
Đôi mắt em muốn nhìn vào tâm tưởng của anh
Như trăng kia muốn vào sâu biển cả… (Thơ tình số 28)
Xuân Diệu cũng cho chúng ta thấy một khát vọng về yêu như vậy:
Anh thèm muốn vô biên và tuyệt đích/ Em biết không? Anh tìm
kiếm em hoài…Yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ/ Phải nói yêu, trăm bận đến ngàn
lần (Phải nói);
Em là em, anh vẫn cứ là anh/ Có thể nào qua Vạn lí trường
thành/ Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật (…) Ôi mắt người yêu, ôi vực thẳm!/ Ôi trời
xa vừng trán của người yêu/ Ta thấy gì đâu sau sắc yêu kiều (Xa cách).
Gần gũi là thế mà sao vẫn cách xa là vậy… cho nên suốt một đời
những trái tim biết yêu luôn luôn trong tâm thế hành trình kiếm tìm những giá
trị chân thực của tình yêu, và càng kiếm tìm càng như chẳng hiểu gì về thế giới
tâm hồn con người vốn vô cùng phong phú và phức tạp, quả đúng là “cuộc đời anh ở
bên em như chính đời em vậy/ nhưng chẳng bao giờ em hiểu được nó đâu”
(R.Tagor).
Đọc Xuân Diệu chúng ta thấy Nhà thơ thật tinh tế khi phát hiện
quy luật chi phối thế giới tinh thần vô cùng phong phú, phức tạp của con người:
Yêu là hạnh phúc vô biên và yêu cũng là đau khổ tột cùng. Trong sự luận giải của
thi sĩ, yêu là hạnh phúc bởi tình yêu mang lại cho con người cảm xúc khác lạ, vừa
dịu dàng, êm ái như sống trong cõi thần tiên: Lòng anh rạo rực không duyên
cớ/ Khi nắng chiều tơ giỡn với cành (Có những bài thơ), Chỉ lặng chuồi
theo dòng cảm xúc/ Như thuyền ngư phủ lạc trong sương (Vì sao?), Chúng
tôi lặng lẽ bước trong thơ/ Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ (Trăng); Chiều
mộng hòa thơ trên nhánh duyên…con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu/ Lả lả cành hoang
nắng trở chiều/ Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn/ Lần đầu rung động nỗi thương yêu (Thơ
duyên)… vừa mạnh mẽ, xôn xao, dữ dội: Giơ tay muôn ôm cả Trái đất/ Ghì trước
trái tim, ghì trước ngực…Hãy đốt đời ta trăm thứ lửa/ Cho bừng tia mắt đọ tia
sao (Bài ca tuổi nhỏ) và trên hết là hạnh phúc được là chính mình để “hồn
giăng rộng khắp không gian” được “ngơ ngẩn”, “nhung nhớ”, “bâng khuâng” (Dâng),
được “bỡ ngỡ”, “xôn xao”, “rợn rợn”, “hồi hộp”… (Xuân không mùa).
Yêu cũng là lĩnh vực tình cảm nhiều khi khiến con người đau
khổ tột cùng bởi không phải lúc nào mọi sự cũng đều chiều theo ý muốn của con
người. Khát vọng tình yêu là vô biên, tuyệt đích, nhưng hành trình hướng đến
khát vọng ấy lại luôn gặp phải rất nhiều giới hạn, rào cản. Xuân Diệu thấu hiểu
quy luật vận hành tự nhiên bất khả kháng “Sông trôi núi lở âm thầm/ Đường đi vũ
trụ có cầm được đâu?” cho nên trong thơ của mình Xuân Diệu đã tìm cách cắt
nghĩa rất riêng, rất sâu sắc về nguyên nhân gây nên nỗi đau khổ của yêu: Yêu
là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu? Cho rất nhiều,
song nhận chẳng bao nhiêu/ Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết (…). Họ lạc lối
giữa u sầu mù mịt/ Những người si theo dõi dấu chân yêu/ Và cảnh đời là sa mạc
vô liêu/ Và ái tình là sợi dây vấn vít/ Yêu, là chết ở trong lòng một ít (Yêu). Người
ta khổ vì thương không phải cách/ yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người/ người
ta khổ vì xin không phải chỗ…(Dại khờ), Bao nhiêu sầu, ôi sầu biết bao
nhiêu/ Khi yêu tình, khi theo mãi tình yêu (Yêu mến). Tôi là một kẻ
điên cuồng/ Yêu những ái tình ngây dại/ Tôi cứ bắt lòng tôi đau đớn mãi/ Đau vô
duyên, đau không để làm gì. (Thở than). Suốt đời nuốt lệ vào trong ngực/
Đem ái tình dâng kẻ phụ ta (Muộn màng). Tôi một mình đối diện với
tình không/ Để lắng nghe tiếng khóc mất trong lòng (Dối trá)…
Và trong việc luận giải nguyên nhân gây nên nỗi đau khổ của
yêu, Xuân Diệu cho rằng sự xa cách luôn là nguyên nhân thường trực nhất. Nó làm
cho lòng người luôn trong trạng thái bất ổn. Xa cách giày vò những trái tim
yêu, làm cho người đang yêu rơi vào cảm giác lo sợ bởi tình yêu vốn mong manh,
dễ bất ngờ tan vỡ “tình yêu đến, tình yêu đi ai biết” (Giục giã), và con người
nhiều khi cũng rơi vào trạng thái không thể kiểm soát và không hiểu nổi chính bản
thân mình: “Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn/ Ai nói trước lòng anh không
phản trắc/ Mà lòng em, sao lại chắc trơ trơ? ” (Giục giã)… bởi mọi cái “vô
thường” như thế nên xa cách làm cho nỗi nhớ thêm đầy và nhiều khi nỗi nhớ ấy quặn
thắt con tim yêu đến đớn đau: Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em! Không gì buồn
bằng những buổi chiều êm…Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ (Tương tư
chiều)…
Trong tình yêu, đau khổ cũng là một “thú đau thương”, cho nên
Ler montov từng nói: “Anh chỉ mang đến cho em toàn là đau khổ…Có lẽ vì vậy mà
em yêu Anh. Bởi vì niềm vui thì dễ quên, còn đau khổ thì không bao giờ”. Victor
Hugo lại nói: “Ai khổ vì yêu hãy yêu hơn nữa, chết vì yêu là sống trong tình
yêu”. Còn với Xuân Diệu, biển yêu dẫu “đắng” nhưng con người chưa bao giờ
“nguôi nỗi khát thèm”…thậm chí khát vọng ấy mãnh liệt ấy đến mức giục lòng người
“yêu khi đã hết tuổi rồi”, “khi chết rồi, thì tôi sẽ yêu ma” (Đa tình)…và điều ấy
phải chăng đồng nghĩa với thông điệp nhắn nhủ của thi sĩ tới bạn đọc muôn sau:
cho dù hạnh phúc hay đau khổ con người vẫn luôn khát vọng yêu và được yêu, vẫn
mơ ước về một tình yêu viên mãn, vĩnh hằng.Yêu là câu chuyện dài bất tận, không
biên giới, bến bờ, yêu không bao giờ có tuổi… và chỉ có những trái tim biết yêu
chân thành, biết trân trọng, nâng niu hạnh phúc và biết chấp nhận đau khổ mà
tình yêu mang lại thì mới mong thấy được giá trị thật sự của tình yêu đối với đời
sống của riêng mình.
Tình yêu trong thơ Xuân Diệu là tình yêu của con người sống
giữa đời thường chứ không phải tình yêu đạo đức trong sách vở của một “ông
hoàng” nào đó. Đó là thứ tình yêu dám bộc lộ những khát vọng thành thực đến
cháy lòng. Do đó triết lý yêu trong thơ tình Xuân Diệu bên cạnh việc luận giải
vấn đề yêu là hướng đến sự hòa hợp tâm hồn thì còn khẳng định một chân giá trị
đầy tính nhân bản: yêu là khao khát được hòa hợp với thân xác người mình yêu.
Nhiều bài thơ, câu thơ của Xuân Diệu đã bộc lộ khát vọng trên một cách say mê,
đắm đuối:
Hãy sát đôi đầu ! Hãy kề đôi ngực ! Hãy trộn nhau đôi mái tóc
ngắn dài ! Những cánh tay ! hãy cuốn riết đôi vai ! Hãy dâng cả tình yêu lên sóng
mắt ! Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt (Xa cách). Chúng ta đau,
thôi em tới đây mà ! Mơn man nào, em đừng khóc đôi ta/ Thế, riết thế, hãy vòng
tay chặt nữa/ Cho em hút những chút hồn đã rữa/ Cho em chuyền hơi độc rất tê
ngon (Sầu). Hãy tuôn âu yếm, lùa mơn trớn/ Sóng mắt, lời môi, nhiều –
thật nhiều (Vô biên). Em phải nói, phải nói, và phải nói/ Bằng lời
riêng nơi cuối mắt, đầu mày/ Bằng nét buồn bằng vẻ thẹn, chiều say/ Bằng đầu ngả,
bằng miệng cười, tay riết (Phải nói).
Xưa nay, trong ý thức của nhiều người, dục tính trở thành
vùng cấm địa không dám đụng tới, không dám nói tới, không dám nghĩ tới. Dục
tính trở thành một ẩn dấu hoàn toàn. Nhiều khi đám đông trong xã hội luôn nói tới
đạo đức, đề cao giá trị tinh thần thiêng liêng trên lý thuyết, ở những nơi đó,
lúc nào cũng thấy nhân danh Thượng đế đề cao giá trị tinh thần và dĩ nhiên người
ta cấm động đến những gì là vật chất, xác thịt bị coi là thấp hèn, vô luân, tội
lỗi. Trong một số xã hội, “đạo đức không bao giờ nói đến những việc liên quan tới
dục tính (…) trong ngôn ngữ hàng ngày người ta cố tránh không nói tới hoặc khi
cần phải nói chỉ nói một cách ám chỉ”(2).
Dưới ánh sáng của tư duy khoa học hiện đại, tiến bộ, ngày nay
quan điểm phiến diện trên đã được hoàn thiện thêm bởi những nhận thức mới. Thân
xác con người cũng là một giá trị cao quý xứng đáng được ca tụng, tôn vinh.
Trong tình yêu, bên cạnh giá trị tinh thần, khát khao hòa hợp về thân xác được
coi như một niềm khoái cảm thiêng liêng và thể hiện sự kết tinh cao độ của văn hóa
ứng xử giữa con người với con người. Những người biết yêu thật sự luôn là những
người biết trân trọng vẻ đẹp thân thể của người mình yêu thương, biết thưởng thức
vẻ đẹp ấy trong một niềm đam mê, say đắm của “nhục cảm lành mạnh” (F.Engels).
Và với Xuân Diệu, khoái cảm về thân xác mật thiết gắn bó với khoái cảm mà vẻ đẹp
tâm hồn do người yêu mang lại và chỉ khi nào yêu và được yêu như thế con người
mới được sống trọn vẹn trong hạnh phúc. Làm chủ thân phận Người, được tự do
vui, buồn, đau khổ, yêu đương, được sống là chính mình trong từng sát na hiện hữu…
đó là giá trị đích thực của mỗi con người với tư cách là một Nhân vị tồn sinh
trên cõi đời đầy bất an và cũng lắm nghiệt ngã này.
Và bởi coi sự hòa hợp với thân xác người yêu cũng là một
trong những yếu tố quan trọng để duy trì tình yêu, duy trì sinh lực sống nên
trong thơ tình Xuân Diệu người đọc thấy tràn ngập hình ảnh tôn vinh vẻ đẹp hình
thể của con người: Đôi môi, đôi mắt (Tương tư chiều), tóc liễu buông xanh (Nụ
cười xuân), miệng vàng, nhan sắc (Mời yêu), đường vai, nét tay (Dấu nằm)… đối với
thi sĩ vẻ đẹp hình thể của người yêu là “ngọc ngà tinh anh” do đất trời ban tặng.
Và có lẽ vì thế cho nên chỉ đến Xuân Diệu trạng thái khát khao được hòa hợp
cùng thân thể người yêu mới được diễn tả một cách đầy táo bạo. Thi sĩ đã không
hề ngần ngại diễn tả những trạng thái yêu mạnh mẽ như muốn “ôm“, muốn “riết“,
muốn “say”, muốn “cắn“, muốn “ngoàm“, muốn “hút”… tất cả đều gợi cảm giác nồng
nàn, tha thiết, đê mê của tình yêu rất trần thế, rất con người: Nên lúc
môi ta kề miệng thắm/ Trời ơi, ta muốn uống hồn em (Vô biên) Hỡi xuân
hồng ta muốn cắn vào ngươi (Vội vàng) Em vui đi răng nở ánh trăng rằm/
Anh hút nhụy của mỗi giờ tình tự (Giục giã) Nghiêng đầu bên trái hãy
kề nghe/ Những ngón tay thần sẽ vuốt ve/ Cho điệu lòng anh thêm ấm dịu; Sờ xem
ngực nóng khúc đê mê (Có những bài thơ)… Vượt qua rào cản của những quan
niệm ấu trĩ, lạc hậu về tình yêu nam nữ coi sự va chạm, tiếp xúc về thể xác là
điều “xấu xa, hổ thẹn”, những cảm xúc nhục thể trong thơ Xuân Diệu rất chân thực,
rất đời thường, gợi nhiều suy ngẫm về giá trị hiện hữu của con người. Có lẽ
chính vì vậy nên đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến thơ tình
Xuân Diệu thấm nhuần triết lý nhân sinh sâu sắc và có sức sống bền lâu trong
lòng bạn đọc nhiều thế hệ.
Trong Tình mai sau Xuân Diệu viết: Người thi
sĩ đã vào làng mây khói/ Không ở đâu, và ở khắp mọi nơi/ Như tiếng vọng trong
sương xa dắng dỏi/ Máu vu vơ theo giữa trái tim đời… Như vậy ngay từ lúc sinh
thời Xuân Diệu đã ý thức sâu sắc về ý nghĩa tồn sinh và bất tử của người nghệ
sĩ: điều duy nhất có giá trị trong cuộc đời chính là những dấu ấn của tình yêu
mà chúng ta đã để lại phía sau khi ra đi. Nhà thơ Xuân Diệu với trái tim yêu nồng
nàn, si mê, tha thiết nhất trong các thi sĩ Việt Nam đã đi vào “làng mây khói”
vĩnh hằng. Nhưng những câu thơ mang đậm triết lý yêu của ông còn lưu lại “giữa
trái tim đời” mãi mãi bởi: “Nhà thơ, ngay cả các nhà thơ vĩ đại nhất cũng phải
đồng thời là những nhà tư tưởng” (Bêlinxki).
Triết lý yêu trong thơ tình Xuân Diệu thể hiện một tầm tư tưởng
lớn, nó khác lạ và vượt lên những lối nghĩ suy tầm thường tưởng “cao đạo” mà giả
dối, thiếu thành thực mà người ta vẫn cứ “tụng ca” như những “giá trị đạo đức”
nhưng đó là những thứ đạo đức hoàn toàn xa lạ với bản chất Người. Vì vậy, những
bình diện của triết lý yêu trong thơ Xuân Diệu như đã trình bày ở trên, suy cho
cùng đó chính là những tư tưởng mang tinh thần nhân bản, nhân văn sâu sắc nhất
mà nhân loại luôn hướng đến. Và chính những bài thơ với triết lý yêu rất Người
và rất Đời (chứ không phải là những bài thơ tụng ca nào khác) trong sự nghiệp
thơ đã làm cho thơ Xuân Diệu trở thành thơ của một đời chứ không phải thơ của một
thời ngắn ngủi dễ quên… Triết lý yêu trong thơ tình Xuân Diệu là một trong những
giá trị quan trọng làm nên sự bất tử của thơ Xuân Diệu. Bạn đọc nhớ đến Xuân Diệu
sau 100 năm hay 1000 năm hoặc lâu hơn nữa phải chăng, cũng bắt đầu từ những bài
thơ tình thấm đẫm triết lý yêu mang vẻ đẹp nhân sinh cao cả và đầy khao khát trần
thế – những bài thơ dạt dào, tha thiết, êm đềm và sâu lắng, ru lòng người mãi
mãi khôn nguôi:
…Anh xin làm sóng biếc/ Hôn mãi cát vàng em/ Hôn thật khẽ, thật
êm/ Hôn êm đềm mãi mãi/ Đã hôn rồi, hôn lại/ Cho đến mãi muôn đời/ Đến tan cả đất
trời/ Anh mới thôi dào dạt… / Cũng có khi ào ạt/ Như nghiến nát bờ em/ Là lúc
triều yêu mến / Ngập bến của ngày đêm… (Biển)
CAO THỊ HỒNG
_________________
(1) Xuân Diệu, Tác phẩm văn chương và lao động nghệ
thuật (Lưu Khánh Thơ giới thiệu và tuyển chọn), Nxb. Giáo dục, H. 1999,
tr.11
(2) Nguyễn Văn Trung, Ca tụng thân xác, Nxb. Văn
nghệ, TP.HCM, 2006, tr. 73,74
7/10/2022
Tuấn Anh
Nguồn: TTO
Theo https://vanhocsaigon.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét