Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2023

Tiểu luận Võ Văn Trường: Cho em giọt nắng thần tiên

Tiểu luận Võ Văn Trường:
Cho em giọt nắng thần tiên

Tôi từng đọc những bài thơ của nhà thơ, TS Lê Văn Ri, bút danh Lê Nguyên Khôi, hiện là Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung thuộc Trung ương Đoàn. Sự đồng cảm của tôi với thơ anh bởi giọng thơ hồn hậu, thấm đẫm chất quê kiểng, tình mẫu tử thiêng liêng, những tình yêu lứa đôi đa tầng cung bậc mà anh gởi gắm về phía vô cùng.
Nơi ấy là ký ức về khoảng trời tuổi thơ một đi không trở lại, nơi ấy không biết tự bao giờ con sông Vu Gia quê anh đã biết châm nguồn ra biển lớn. Nơi ấy là hình bóng người mẹ hiền yêu dấu tảo tần một nắng hai sương để đi qua những năm tháng đất nước hết khói lửa chiến tranh lại cơ cực gánh gồng nghèo khó qua hai tập thơ “Gió qua triền cát” và “Phía xa xăm”.
Nhà thơ Lê Nguyên Khôi (Lê Văn Ri)
Với thơ Lê Nguyên Khôi viết cho thiếu nhi tôi đã có dịp đọc trên các trang báo, tạp chí và đến hôm nay tôi may mắn được đọc bản thảo tập thơ “Tuổi thơ màu giấy kính”, tác phẩm tâm huyết mà anh viết dành tặng tuổi thơ. Ngay cái tên tập thơ cũng phần nào thể hiện sự lóng lánh của lứa tuổi thần tiên. Lứa tuổi vô tư nhất, hồn nhiên nhất, trong sáng nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta.
Viết cho thiếu nhi chưa bao giờ dễ dàng và đang là vấn đề quan tâm lớn của Hội Nhà văn Việt Nam trong thực hiện chiến lược văn học cho thiếu nhi để kêu gọi các nhà văn hãy viết những tác phẩm đẹp nhất, nhân văn nhất cho trẻ em. Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Tất cả những người có lương tâm và vì con người đều có thể trở thành nhà tiên tri của dân tộc mình, bởi qua tâm hồn những đứa trẻ hôm nay, họ có thể nhìn thấy số phận của dân tộc họ ngày mai. Họ hiểu rằng: chỉ có thể làm cho tương lai tốt đẹp khi thấu hiểu hiện tại và chuẩn bị cho tương lai của dân tộc mình bằng cách chuẩn bị cho hiện tại với một trách nhiệm cao cả nhất và nhân văn nhất”. Có lẽ thấu hiểu điều đó và với trải nghiệm gần 30 năm làm công tác thanh thiếu niên, nhà thơ Lê Nguyên Khôi luôn dành cho trẻ thơ tình yêu thương, sự đồng điệu với tâm hồn các em để bật lên những tiếng thơ hồn nhiên, trong trẻ, giàu thi ảnh và lung linh sắc màu. Đó còn là ngôn ngữ, cách diễn đạt như thế nào về cả bầu trời tuổi thơ mà các em gắn bó…
“Em yêu tiếng cười của mẹ
Âm vang giọng nói của cha
Tết vui cả nhà sum họp
Giao thừa pháo sáng đường hoa…”
(Em yêu)
Hình ảnh trong các bài thơ mà nhà thơ viết cho các em bao giờ cũng gần gủi, thân thuộc có thể tìm thấy ở bất cứ làng quê nào đó của Việt Nam. Đó là dòng sông quê nội có cánh diều no gió trên đồng, đó là lời giảng bài của cô vang lên bên sân trường yên ả, có bóng cây vòm lá che nghiêng… Ở đó là tuổi thơ của các em và tôi biết đó cũng là ký ức ngày thơ của tác giả. Song cũng trong bức tranh chung ấy ta vẫn tìm được nét riêng của một vùng quê xứ Quảng từ ánh sáng chỉ một ngọn đèn hay từ một niêu cá bống được bắt lên từ dòng Vu Gia.
“Em yêu dòng sông quê nội
Sóng xô mát dịu trưa hè
Đêm đêm ngọn đèn be bé
Vàng thơm cá bống mẹ kho”
(Em yêu)
Với quê hương tuổi thơ ai chẳng từng thích thú trò tắm mưa, “mùa lụt nước lũ bắt cá giữa đường”, nhưng cũng với “tắm mưa”, nhà thơ đã cho các em tìm lại cảm giác tha hồ thỏa thích nhảy nhót theo bước chân vui đùa cùng những giọt nước mát. Mưa phải chăng đã trở thành người bạn với trẻ thơ để dạo chơi khắp phố phường rồi bất chợt phút giây trong chiều hè…tan biến như là trò chơi trốn tìm vậy.
Bìa tập thơ “Tuổi thơ màu giấy kính” của 
Lê Nguyên Khôi, do NXB Kim Đồng vừa ấn hành 8.2022.
“… Mưa nhảy nhót say sưa
Xoa lưng trần thật thích
Tiếng cười vui rúc rích
Tan biến cả chiều hè…”
Chiều hè thì tan biến nhưng tiếng mưa lại đọng vào đâu đó giữa muôn vàn cảnh vật của mùa tuổi thơ. Ở đó không hề có sự lo toan, phiền muộn mà chỉ có ước vọng, chợt lóe lên, nhòa đi như mơ như thực. Đó chính là tâm lý lứa tuổi về những điều bất chợt. Và rồi cơn mưa tuổi thơ cũng đã mở ra bao điều mới mẻ. Chỉ một chữ “nhòa” thôi, (không phải nhòe) hình ảnh thơ đã biến tấu một cách lấp lánh như câu chuyện về chiếc hộp cổ tích, đang ẩn chứa những điều bí ẩn trong tiếng mưa rơi.
“… Mưa rơi trên vòm me
Chú ve sầu sũng nước
Mưa gieo bao điều ước
Mắt em nhòa tiếng mưa”
Viết cho thiếu nhi không chỉ là sự thấu hiểu, đồng điệu với tâm hồn trẻ thơ mà thiên sứ của nhà thơ còn hướng đến giúp thiếu nhi có những cảm nhận về cái đẹp của cuộc sống, thiên nhiên, góp phần giáo dục hình thành nhân cách, mở lối bằng sự dìu dắt của tứ thơ, ngôn từ cho cách tri nhận, cảm quan của các em. Đọc “Tuổi thơ màu giấy kính” chúng ta bắt gặp nhiều bài thơ như vậy: “Đám mây và cô giáo”, “Cảm ơn cô giáo”, “Mùa Đông của em”, “Mặt trời của em”… đã mở lối, giúp các em cảm nhận những giá trị nhân văn trong cuộc sống. Đó là tri nhận lòng yêu thương đối với gia đình, thầy cô giáo, đưa các em đến với sự cảm nhận một cách chân thành, nồng ấm tình cảm gửi trao trong mối quan hệ tình thân “cô giáo như mẹ hiền”, “mẹ của em ở trường là cô giáo mến yêu”. “Cảm ơn cô giáo/ Lời ru ngọt ngào/ Nắng mai thức dậy/ Tung tăng gọi chào/ Em đi đến lớp/ Sân trường lao xao/ Mai sau em lớn/ Ấm nồng tình cô.”(Cảm ơn cô giáo) hay một tri nhận khác giàu thi ảnh: “Thầy, cô như bóng tỏa/ Lặng thầm theo tháng năm/ Xanh màu trang giáo án/ Cho em bước vào đời” (Tuổi hồn nhiên). Đối với tuổi thơ thì tình cảm gia đình, tình yêu thương của ba, mẹ bao giờ cũng thiêng liêng nhất. Nhà thơ đã có sự liên tưởng và quan sát tinh tế để biểu đạt tình cảm gia đình trong mắt trẻ thơ: “… Thẳm sâu nơi mắt biển/ Lời sóng ru dạt dào/ Sóng ba cùng sóng mẹ/ Vỗ tháng ngày bình yên” (Biển).
Tuổi thơ bao giờ cũng mong được che chở, yêu thương trong vòng tay của gia đình. Nhà thơ đã có sự cảm nhận về sự xáo trộn trong đời sống gia đình thời kỳ công nghệ số đang làm cho thời gian và không gian cuộc sống nhiều gia đình bị chi phối, đứt gãy mang đến cho không ít thiếu nhi cảm giác bâng khuâng, lo lắng:
“… Sao mọi người ít nói/ Chỉ vui chuyện của mình/ Ôm điện thoại thông minh/Để làm gì hả bố?” (Bố ơi sao lạ thế). Ngay cả trong giấc mơ của mình các em cũng chỉ mong cuộc sống gia đình được êm ấm, vui vẻ:
“... Giấc mơ rất đẹp
Đơn giản thôi mà
Bé mong cả nhà
Chan hòa vui vẻ”
(Giấc mơ của bé)
Ai trong mỗi chúng ta khi làm bố mẹ mà không đồng cảm, xúc động với những dòng thơ đầy tự sự: “Bố đi công tác/ Ở tận miền xa/ Mấy hôm xa nhà/ Mà sao lâu thế/ Con mong bố về/ Căn nhà trống vắng/ Đêm về im lặng/ Mình con học bài/ Cứ mỗi sáng mai/ Con mong bố gọi/ Mẹ thì ít nói/ Trông thật là buồn/ Đêm qua mưa tuôn/ Càng buồn hơn nữa/ Mẹ luôn tựa cửa/ Mau về bố ơi!” (Khi bố vắng nhà)
Thế giới thiên nhiên, động vật luôn hiện lên trong suy nghĩ trẻ thơ thật màu nhiệm, lý thú, thôi thúc các em tìm tòi khám phá. Trong “Tuổi thơ màu giấy kính” chúng ta bắt gặp nhiều bài thơ về thiên nhiên, thế giới con vật yêu thích hàng ngày của thiếu nhi. Đó là hình ảnh rất thân thuộc gần gũi với trẻ thơ như “Cây Bàng” trước ngõ “Chú lợn nhà em”, “Thăm nhà chú khỉ”, “Mèo cưng”, “Du xuân”, “Mùa thu của em”. Nghe đúng là quen thật nhưng quen mà vẫn cứ lạ. Lạ ở đây cách suy nghĩ, cảm nhận của trẻ thơ đầy những cảm xúc riêng tư. Những vầng thơ đã thật sự tạo được niềm thích thú cho trẻ khi đọc, nhất là những câu thơ hồn nhiên: “Chẳng thích nằm nôi/ Hay cần quạt mát/ Khi nào đói khát/ Mẹ luôn vỗ về” (Chú lợn nhà em) .
Với chú “Mèo con” thì sao. Thật không thể đáng yêu hơn. Bởi đây không chỉ là con vật ngoài đời mà hình ảnh “chú mèo mà trèo cây cau” còn ở đâu đó rất quen.
“Suốt ngày leo nhảy
Trông thật là hiền
Lắm lúc ưu phiền
Mèo vờn lũ chuột
Họ hàng thân thuộc
Mèo chẳng thích chơi
Quấn quýt rạng ngời
Trong vòng tay bé…”.
Còn chú khỉ thì sao. Chúng ta sẽ có dịp thăm nhà chú khỉ, cảm nhận sự ngộ nghĩnh khi được nhận diện qua những câu thơ tả thực nhưng giàu chất suy tưởng thú vị:
“... Hả hê khỉ nhảy tít mù
Mắt xoay lấc láo đánh đu mấy vòng
Chẳng khi nào khỉ thong dong
Gãi đầu suy ngẫm chờ mong được quà”
(Thăm nhà chú khỉ).
Chính tình yêu thương, sự đồng cảm mà tác giả đã bật rung cảm xúc, day dứt trước những em thiếu nhi không may mắn, thiếu vòng tay yêu thương của gia đình, phải tự
mình vất vả mưu sinh: “Những góc phố thân quen, những phận người may rủi/ Em cứ đi lầm lũi chân trần/ Cầm trên tay những con số xoay vần/ Những tấm vé mỏng manh nuôi những phận đời lay lắt/ Gieo khát vọng cho đời, ai đổi vận cho em?” (Em gieo phận đời may rủi trên tay). Nhà thơ dành sự thấu cảm, chia sẻ với các em khi tuổi thơ bị đánh mất bởi đại dịch Covid-19, nhà thơ đã xúc cảm nghe quanh mình đến giọt nắng cũng bơ vơ:
“Trống trường lặng im ngày xuân sắc biếc
Ký ức tuổi thơ đứt gãy nắng sân trường
Rộn rã tiếng ve, ngỡ ngàng cánh phượng
Lỗi hẹn hè, dằng dịt mùa thi”
Ai hát đồng dao lạc lõng trời chiều
(Gọi hè gọt nắng bơ vơ)
Hay:
 “… Mùa xuân vắng tiếng trống trường
Ve chưa gọi bạn nắng vương nỗi niềm
Lỗi mùa trống giục triền miên
Trưa hè cháy bỏng trôi miền trẻ thơ…”
(Lỗi hẹn mùa thi)
Hình ảnh nắng sân trường đứt gãy và miền tuổi thơ bị trôi đi cứ ám ảnh, khắc khoải như chính những gì đã diễn ra trong thực tại. Câu thơ cũng như vừa bị đứt gãy, vỡ òa, bật khóc. Mong thay những ngày tháng đó sẽ trôi qua thật nhanh để “Tuổi thơ màu giấy kính” mãi là tuổi thơ hồn nhiên đẹp đẽ nhất.
“Tuổi thơ màu giấy kính
Xanh, đỏ, vàng, trắng xinh
Mắt em màu cổ tích
Nhìn bầu trời lung linh…”
(Tuổi thơ màu giấy kính)
Thế giới tuổi thơ trong “Tuổi thơ màu giấy kính” không bàng bạc, vô vị mà đầy sắc màu, thi ảnh: “Em nắm tay mùa xuân/ Đi qua nhiều ô cửa/ Phố nghiêng màu sấp ngửa/ Khoe sắc vàng hoa mai” (Du xuân); không chỉ ầm ào, rộn rã mà tinh tế, lắng sâu: “Em bé nhỏ xuyên màu hoa nắng/ Điệp khúc mưa gảy khúc trên cành/ Gió miên man ru khung trời vắng/ Tiếng rao chiều hun hút vòng quanh” (Chạm vào xuân).
Với cách viết giàu cảm xúc chân thật, gần gũi với tâm hồn trẻ thơ, sự quan sát tinh tế, thấu cảm tâm lý lứa tuổi, bút pháp đa dạng, nhà thơ không chỉ thành công trong việc biểu đạt tâm hồn trẻ thơ, vẽ nên bầu trời đầy sắc màu, hồn nhiên trong trẻo của tuổi thơ, mà còn giúp các em phần nào nhận diện được thế giới xung quanh, cùng những nét chấm phá non trẻ trong hành trình đi đến tương lai của các em. Chính vì vậy, cho tôi gọi những lời thơ trong tập thơ “Tuổi thơ màu giấy kính” là những giọt nắng thần tiên mà nhà thơ Lê Nguyên Khôi đã dành tặng riêng cho các em thiếu nhi. Mạo muội xin có đôi lời cảm nhận về tập thơ của anh.
31/8/2022
Võ Văn Trường
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ban công nhỏ bé và Tiếng Sài Gòn dễ thương

Ban công nhỏ bé và Tiếng Sài Gòn dễ thương Hà Tuyết Giảo (He Xuejiao) là người Trung Quốc đã học tiếng Việt 8 năm, tốt nghiệp đại học ...