Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Chu Quang Mạnh Thắng: Chú họ tôi

Truyện ngắn Chu Quang
Mạnh Thắng: Chú họ tôi

Hồi nhỏ, tôi và chú Hùng rất thân nhau. Chú chỉ hơn tôi vài tuổi và rất nghịch. Chú nghịch còn hơn cả quỷ sứ. Hầu như ngày nào, chú cũng tìm cách bày ra một trò gì đó để chọc phá thiên hạ. Hầu như ngày nào bố mẹ chú cũng phải nghe dân làng phàn nàn về cậu con trai. Mỗi lần như thế, chú lại được thưởng thức một trận đòn ra trò. Mà cũng chẳng sao, roi vọt đối với chú xảy ra như cơm bữa nên cũng chẳng còn giá trị răn đe. Chỉ sau những trận đòn vài giờ đồng hồ, chú lại là… chú.
Nhà văn Chu Quang Mạnh Thắng
Khác với chú Hùng, hồi nhỏ, tôi hiền như con gái nên vẫn thường bị những đứa con trai cùng lứa bắt nạt. Mỗi lần thấy tôi nước mắt ngắn dài, mồm miệng méo xệch, chú lại bực mình:
– Là con trai mà khóc à, đồ hèn!
Đúng là tôi hèn lắm, hèn không thể tưởng được. Chú lại càng bực mình rồi quyết định:
– Có lẽ tao phải san sẻ cho mày một ít “dũng khí” để ngẩng mặt… làm trai!
Đã nói là làm. Chiều nào chú cũng bắt tôi theo chú đi chăn trâu ngoài đê để chú san sẻ “dũng khí”. Chú thường đè tôi xuống bãi cỏ, bắt tập đánh vật. Tôi cũng rất có khiếu đánh vật. Tôi học rất nhanh khiến chú rất hài lòng.
– Thằng này giỏi!
Một lần, chú khen rồi nổi hứng ôm chặt cổ tôi, tôi cũng vòng tay khoá chặt cổ chú. Hai chú cháu gồng mình, vật nhau hì hụi một hồi, sườn đê thoai thoải làm cả hai trượt chân lăn lông lốc rồi rớt ùm xuống nước khiến bầy cá mương hàng trăm con đang nhởn nhơ hoảng hốt bơi túa đi nơi khác. Chú vuốt nước trên khuôn mặt, gật đầu:
– Khá lắm! Cho mày… chín điểm rưỡi!
Quả nhiên, tôi đã thực sự trở thành một thằng con trai bản lĩnh kể từ lúc ấy!
Chú còn dạy cho tôi đủ trò nghịch ngợm, nào thì bắn cung, nào thì đánh kiếm. Không biết chú học lỏm ở đâu mà biết nhiều thế.
*
*     *
Chẳng mấy chốc, chú đã bước sang độ tuổi đôi mươi. Còn tôi đã trở thành một kẻ choai choai và quậy phá rầm trời. Chỉ khác rằng, khi tôi càng nghịch thì chú lại càng hiền đi. Có lẽ một phần vì chú đã lớn, một phần vì chú đã biết… yêu! Dạo này chú đang yêu một cô gái tên Vân ở làng Hồi.
Làng Hồi cách làng tôi một cánh đồng rộng khá màu mỡ. Con gái làng Hồi đẹp lắm. Người ta bảo, từ ngày xửa ngày xưa, con gái làng Hồi đã rất đẹp, đẹp nổi tiếng cả một vùng. Tiếng đồn vang xa. Đến nỗi tận kinh thành, người ta cũng biết. Thế nên hàng năm, làng Hồi đều phải tuyển chọn một cô gái đẹp nhất, đúng độ tuổi trăng tròn để tiến cung theo lệnh của triều đình. Không biết đã có tất cả bao nhiêu cô gái nơi đây được đưa vào trong cung để làm tì thiếp? Chắc là nhiều lắm! Cho đến một năm, cô gái được dân làng tuyển trọn bỗng bị lòa cả hai mắt khi vừa đặt chân đến kinh thành. Cô liền được trả về và cái tên “làng Hồi” được bắt nguồn từ đó. Cho đến bây giờ, người ta vẫn truyền miệng cho nhau nghe về câu chuyện của cô gái ấy. Thì ra, trước khi tiến cung, cô đã yêu một chàng trai trong vùng. Mối tình của họ đẹp lắm. Nhưng lệ làng, phép nước hồi đó vô cùng hà khắc, họ không thể làm gì khác được. Cô gái ấy đã khóc hết bao nước mắt khi phải rời xa người yêu. Cô khóc mãi, khóc mãi… cho đến lúc vào tới kinh thành thì bị lòa cả hai mắt. Cũng nhờ thế mà cô được hồi hương, được trở về cùng gia đình và người bạn tình của mình. Chàng trai nọ mừng lắm. Họ làm đám cưới ngay sau đó và sống với nhau hạnh phúc trọn đời… Từ đó, con gái làng Hồi không chỉ nổi tiếng xinh đẹp mà còn nổi tiếng chung tình. Người ta còn đồn rằng, đôi mắt của cô gái ấy đã dần dần sáng lại khi được sống trong một tình yêu thương vô bờ bến của chàng trai nọ.
Chị Vân hiện cũng đẹp nhất làng. Chị đang theo học cao đẳng sư phạm ở dưới tỉnh, thứ bảy, chủ nhật, chị mới về nhà. Chú Hùng và chị học chung với nhau từ thủa nhỏ. Họ chơi rất thân và đã thầm yêu thương nhau từ những ngày còn học cấp ba. Chú thường kể cho tôi nghe rất nhiều về chị. Những lúc ấy, khuôn mặt chú rạng rỡ hẳn. Có lẽ chú vui lắm và chắc hẳn, chú đang có rất nhiều mộng ước. Tối thứ bảy nào, chú cũng lội bộ qua cánh đồng dưa rộng hơn cây số sang thăm chị Vân. Biết chuyện này, thanh niên làng Hồi ghen tức lắm. Nghe đâu, có mấy gã trai cùng làng cũng say mê sắc đẹp của chị nên chúng muốn “dạy” cho chú một “bài học”. Một tối, chú vừa ra khỏi làng Hồi thì “gặp nạn”. Một nhóm thanh niên bất ngờ lao vào tấn công chú với những quả “đấm sắt” và những câu chửi tục. Nhóm thanh niên đông quá. Chú phải tháo chạy về phía con đê rồi đứng trên mom đất cao, nhảy cắm đầu xuống sông, tẩu thoát. Chú lặn một hơi ra giữa dòng. Khi vừa ngoi lên mặt nước, chú nghe có tiếng nổ lớn sau lưng. Một cột nước tung lên cao rồi ào ào đổ xuống… Mìn! Một quả mìn tự tạo của dân đánh cá chuyên nghiệp. Không hiểu kẻ nào đã dám làm việc này? Chú thấy hai tai mình ù đi và tức tức trong lồng ngực. Cũng may, chú đã kịp trồi lên mặt nước trước khi quả mìn nổ, nếu không, chú đã chết nổi bụng như bọn cá mương, cá bống rồi… Không ngờ, bọn thanh niên làng Hồi lại chơi ác như thế!
– Bọn tồi! – Chú Hùng hét to – Có gan thì đêm mai ra cánh đồng dưa gặp lại tao!
Rồi chú nằm ngửa, kệ cho dòng nước cuốn trôi xuôi và cảm thấy cái số mình vẫn còn may mắn chán. Không có kẻ nào dám nhảy xuống nước bơi theo. Trong vùng, ai ai cũng biết chú Hùng bơi lặn rất giỏi.
Tối hôm sau, chú gom hết thanh niên trong làng, gậy gộc, dao búa, kéo nhau ra cánh đồng dưa. Đến giữa đồng thì gặp nhóm thanh niên làng Hồi. Hai bên lao vào choảng nhau tơi tả, tiếng la hét ầm trời, những thửa ruộng dưa hai bên đường bị dày xéo tan nát và máu đã đổ…
Cuộc ẩu đả nhanh chóng kết thúc chỉ sau mười lăm phút. Nhóm thanh niên làng Hồi tháo chạy. Nhóm của chú Hùng cũng hân hoan trở về rồi tự băng bó cho nhau. Nghe đâu, nhóm thanh niên làng trên còn thảm hại hơn nhiều.
Cuộc ẩu đả tập thể ầm ĩ đến nỗi cả vùng đều biết. Mọi người chỉ còn biết lắc đầu:
– Bọn thanh niên xứ này điên hết cả rồi!
Bố chị Vân thì hậm hực tuyên bố:
– Bọn giặc trời, đừng hòng tao gả con gái cho bất cứ thằng nào ở cái xứ này!
Sau sự kiện ấy, chị Vân ở lì dưới trường cả mấy tháng không về. Cũng đúng lúc ấy, chú Hùng nhận được giấy gọi nhập ngũ. Ngày chú lên đường, chị không về được. Trước khi đi, chú dúi vào tay tôi một lá thư:
– Mày cố gắng đưa cho chị Vân giùm chú!
Phải hơn một tháng sau, tôi mới gặp được chị. Đón nhận lá thư của chú Hùng, chị vui lắm. Không biết chú viết những gì mà khi đọc, chị cứ tủm tỉm cười  mãi không thôi…
Tôi cũng bớt nghịch ngợm kể từ khi chú Hùng đi bộ đội. Còn chú, thỉnh thoảng mới được về thăm nhà vài ngày rồi lại đi. Thời gian này, chú và chị Vân cũng ít gặp mặt, họ chỉ thư từ cho nhau.
*
*     *
Tôi bước sang độ tuổi bẻ gãy sừng trâu, chú Hùng cũng hoàn thành nghĩa vụ. Chú trở về, trông chững chạc hẳn. Chị Vân cũng vừa ra trường nhưng nghe đâu, bố chị đã chọn sẵn cho chị một người và không lâu nữa sẽ tổ chức đám cưới. Người chồng tương lai của chị giàu có lắm và còn là con một ông quan to dưới tỉnh. Nghe tin chị Vân bị ép phải lấy một người mà chị chẳng hề yêu bao giờ, chú Hùng buồn nhiều lắm. Chiều nào, chú cũng lặng lẽ ngồi trầm ngâm một mình trên bờ đê sông, nhìn đăm đăm về phía mặt trời lặn. Không biết chú suy nghĩ những gì, những lúc ấy trông khuôn mặt chú già đi đến vài tuổi… Tôi cũng thương chú lắm mà không thể giúp gì được.
Trước ngày cưới của chị Vân khoảng một tháng, chú lại nhờ tôi chuyển cho chị một lá thư. Sau đó, hai người bí mật hẹn hò nhau ngoài đồng dưa trong một đêm tối trời để chút hết những tâm sự còn day dứt trong lòng. Đêm ấy, họ ở bên nhau lâu lắm… Và khuya lắm, họ mới chịu chia tay…
Chiều hôm sau, chú kéo tôi lên con đê rồi móc từ trong túi quần một chai rượu. Chú ngửa cổ uống rồi chú khóc. Đàn ông mà cũng khóc à? Tôi ngạc nhiên nhìn chú với hai giọt nước mắt lăn dài… Rồi chú nắm lấy vai tôi:
– Mày biết không, chị Vân mày còn yêu chú nhiều lắm! Chú cũng không thể sống thiếu chị Vân mày được!
Thì ra, chú đang khóc vì cảm động trước những tình cảm của người con gái làng Hồi.
Bỗng, chú đưa chai rượu cho tôi:
– Tu một hớp đi mày! Rồi chú kể chuyện này cho mà nghe!
Tôi đón lấy chai rượu, tu một hớp rồi trả lại cho chú. Chú lại ngửa cổ uống. Rồi chú kể cho tôi nghe câu chuyện về cô gái làng Hồi khi xưa… Chú kể say sưa như thể tôi chưa được nghe lần nào…
– … Con gái làng Hồi chung tình lắm!
Chú kết thúc câu chuyện bằng một câu như thế.
Nắng buổi chiều đã nhạt.
Mặt trời đã sắp lặn…
Chúng tôi ngồi im lặng một hồi lâu nghe những con sóng nhỏ vỗ lách tách vào bờ…
Rồi chú Hùng tiết lộ:
– Có lẽ vài ngày nữa, chú và chị Vân sẽ phải đi khỏi nơi đây!
– Đi khỏi đây, là đi đâu, chú?
Chú thì thầm vào tai tôi vài câu rồi dặn kỹ:
– Chuyện này chỉ có một mình mày biết, cấm nói với ai!
Tôi ngoan ngoãn gật đầu. Xưa nay, chú luôn tin cậy ở tôi. Kể cả cái chuyện tày trời sắp xảy ra, chú cũng không hề giấu giếm. Chú biết, tôi luôn trung thành với mọi điều bí mật của chú.
Mấy hôm sau, chú Hùng biến mất khỏi làng. Bên làng Hồi, người ta cũng đồn ầm lên trước sự biến mất của chị Vân. Đọc xong mấy dòng chữ của chị Vân để lại, bố chị tức giận vung con dao phay chém đứt một đốt ngón tay út, thề với dòng họ, từ nay sẽ không có đứa con gái “bất hiếu” như chị. Người ta thi nhau đồn ra đồn vào, đồn tới đồn lui… Rốt cuộc, cũng chẳng ai biết họ đưa nhau đi đâu vì “bí mật” của họ, chỉ mình tôi biết. Họ đã đưa nhau đi xa lắm. Ngày còn ở bộ đội, chú thân thiết với một gia đình người dân tộc ở gần nơi đóng quân. Gia đình ấy rất quý mến chú. Họ lại hiếm hoi đường con cái, nên nhận chú làm con nuôi. Chính họ đã cưu mang, giúp đỡ cho chú và chị Vân trong những tháng ngày quan trọng nhất ấy.
*
*     *
Học xong trung học, tôi cũng rời xa quê hương. Tôi đi xa lắm. Tôi vào mãi tận miền Đông Nam Bộ và bắt đầu sống lang bạt kỳ hồ suốt thời trai trẻ. Hai năm, sau khi tôi rời khỏi quê hương thì nghe tin, vợ chồng chú đã dắt nhau về nhận lỗi với gia đình hai bên và xin được làm đám cưới. Tình thương yêu bao giờ cũng lấn át được mọi sự giận dữ. Nhìn thằng bé con bụ bẫm của chú và chị đang lững chững chạy đi, miệng bi bô tập nói như một con chim sáo, chẳng ai còn đành lòng chia cắt tình yêu và hạnh phúc của họ.
Mấy năm sau nữa, tôi mới có dịp về thăm quê và gặp lại họ. Thằng bé con đã lớn và giống chú Hùng như đúc. Chị Vân mà bây giờ, tôi phải gọi bằng thím vẫn càng ngày càng đẹp. Chị đã trở thành một giáo viên giỏi và rất nổi tiếng về sự chung tình.
Sau bữa cơm thân mật, chú lại kể cho tôi nghe về những tháng ngày hai người phải sống xa quê… Vượt qua bao nhiêu khó khăn, thử thách, cuối cùng, tình yêu của họ đã thắng.
Rồi chú mỉm cười, rỉ vào tai vợ:
– Chúng mình sẽ làm mối cho thằng Ngọc một cô gái làng Hồi nhé! – Xong, chú quay sang tôi – Đồng ý không, Ngọc?
Thì ra, chú vẫn luôn quan tâm đến tôi. Đã lâu không gặp nhưng tôi biết, chú đã nói là làm.
Tôi nhắm mắt cười tít…
Vì con gái làng Hồi… đẹp lắm!
Tháng 4.2005
 CHU QUANG MẠNH THẮNG
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...