Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Hoàng Thanh Hương: Nơi chốn

Truyện ngắn Hoàng
Thanh Hương: Nơi chốn

Lòng ta có khi, tựa như vắng ai/ Nhiều khi đã vui cười, nhiều khi đứng riêng ngoài (Trịnh Công Sơn)
Chị ốm, bắt đầu là chảy máu cam, ho, chóng mặt và ngất xỉu trong phòng làm việc, cô nhân viên văn thư la hoảng khi thấy chị nằm thõng thượt trên ghế, máy vi tính vẫn phát những bản love songs tha thiết say đắm. Chị có thói quen làm việc trong âm nhạc, khi chị cô đơn chị bật nhạc lớn, lắc lư hát nhảy theo. Lúc ấy chị là một người đàn bà khác có thể anh chẳng tưởng tượng ra nhưng rất thú vị. Những giai điệu luôn làm con người hưng phấn và lương thiện hơn.
Từ khi yêu anh chị bỏ thói quen mở nhạc khi yêu, những bản không lời của Trịnh Công Sơn, Võ Thành An, Phú Quang. Khi còn hạnh phúc với chồng cũ, anh ta ngạc nhiên bởi sở thích của chị khi mỗi lần yêu là phải bật nhạc, những bản nhạc dìu dặt, ngân nga. Việt cũng được, Tây, Tàu cũng được nhưng phải du dương, êm đềm, ru vỗ. Lúc đầu anh ta cười khẩy, anh ta nhún vai nhưng sau đó thì chính anh ta lại hăng hái tự nguyện làm cái việc mà anh từng cho là vớ vỉn, lãng mạn dở người đấy bởi lẽ những lúc bên nhau trong âm nhạc chị là một Eva hoàn hảo.
Nhà văn Hoàng Thanh Hương
Chị sợ bệnh viện. Ở đời có hai cái chị sợ hãi nhất là bóng tối và bệnh viện. Đau ốm nặng nhẹ chị thường tự ra phòng khám tư gần nhà thông tin biểu hiện rồi mua qua loa cho xong rồi hì hụi uống một bọc nilon thuốc tây, uống hết thì cũng bớt nhưng lần sau bị thì khó khỏi hơn, thì bịch nilon thuốc nặng hơn. Bọn Tây nó khiếp cách chữa bệnh của người Việt, chị có gã bạn Úc, nó gặp chị cảm cúm một lần, chị nhờ nó chở pheng ra quầy thuốc tây làm hai vỉ tiffy, ăn sáng xong chị nuốt hai viên, nó nhăn mặt: no, no, no một tràng. Chị cười, mắt buồn rười rượi, nó không bao giờ hiểu được những thói quen xấu người Việt, những thói quen bị hình thành từ sự nghèo đói một thời. Sức khỏe à, tự mà chăm giữ lấy, đừng có mà mong xã hội, đừng có mà mơ lương y như từ mẫu, không có tiền nhét lén lút vào túi blu í à chỉ có mà nằm chờ đấy, mà toi. Gã bạn Tây lè lưỡi ặc ặc nhún vai bó tay chị và người Việt về quan điểm chăm sóc sức khỏe và bảo vệ bản thân. Gã bảo người Việt thật là giống nhau ở cách: Ăn nhanh, đi chậm, hay cười, thích mua đồ cũ. Chị bảo cơ bản không sai nhưng chúng tao có lòng yêu nước nồng nàn, có tính chăm chỉ, có tinh thần đoàn kết lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách tươm… nó nhún vai, ô ô ô một tràng, chị nhún vai gật gật ừ hứ, nói một tràng xong bỗng thấy miệng nhạt nhạt. Giờ nằm trong cái phòng dịch vụ nặng mùi nước lau nhà, WC rỉ nước róc rách chị cứ muốn ói dù trong bụng chả có tí cơm phở gì để mà ộc ọe ra. Ba bốn ngày nay nhợn nhợn vào buổi sáng, tối sầm mắt vào buổi chiều, hay có thai? Có thai? Anh mà biết điều này thì sao nhỉ? Anh chưa bao giờ muốn có con thêm với chị. Bầy con của anh đã trưởng thành rồi, chị chưa sinh nở lần nào, chị thèm có một đứa bé để chăm chút nựng nịu. Thiên hạ độc mồm, thối mồm: “Cây độc không trái, gái độc không con”, ở với chồng cũ 6 năm, chị héo hắt, cộc cằn vì đợi con. Ở với anh 3 năm, chị phấp phỏng hy vọng. Chị muốn làm mẹ đơn thân, anh ngần ngừ bảo anh già rồi, bệnh tật đầy người sợ con không được hoàn hảo. Ở đời có gì hoàn hảo chứ. Chị lại ói, toàn là nước lọc và đờm. Chị đã bao lần chuẩn bị cho mùa sinh nở, những mùa sinh nở tưởng tượng. Người đàn bà đến một ngưỡng tuổi nhất định sẽ thèm được thực hiện cái chức năng tạo hóa ban. Chị quá 30 rồi, chị thèm phát rồ cái cảm giác được ễnh bụng uể oải, nặng nề, đau thắt đáy lưng, thèm cái cảm giác ôm ấp, ngấu nghiến hôn hít đứa con do mình hoài thai sinh nở, cái cảm giác đó ám ảnh chị hết năm này qua năm khác, khiến chị cộc cằn, héo hắt. Mồm thiên hạ lúc nào cũng độc, cũng thối. Bọn ghét chị hả hê ví von bao năm cây độc với gái độc. Chúng tuyệt đối không biết, trứng chị mẩy thây lẩy. Chúng tuyệt đối không biết tinh trùng chồng chị không đuôi. Khi những bạn bè tối mắt quay cuồng kiểu bà mẹ bỉm sữa, chị eo ót phom dáng thảnh thơi đi về, nhâng nhâng đi qua mọi thị phi thương ghét. Chỉ đêm về khi  thần kinh phải bị ép bởi thuốc cho chùng xuống, cho mắt khép lại, những giấc mơ sinh nở lại ào ạt vẫy gọi chị, khiến chị thêm cộc cằn, héo hắt với chính mình, với chồng. Chồng cũ thả bay chị như thả con chim bị nhốt lồng bao năm lên trời. Chị bay vù một hơi chao liệng, thỏa mãn cảm giác thoát khỏi tù túng. Nhưng vẫn thấp thỏm, áy náy thương anh. 3 năm sau  li hôn anh vẫn một mình. 3 năm sau li hôn chị có anh. Tuổi tác chẳng phải là giới hạn. Đến sau đến trước chẳng là giới hạn. Chị là con chim tự do bay vào bay ra một cái lồng son cửa để ngỏ. Kẻ làm chiếc lồng là người sành điệu. Chị muốn quay cuồng kiểu bà mẹ bỉm sửa, một người mẹ đơn thân. Những giấc mơ sinh nở vẫn ào ạt, vẫy gọi chị hằng đêm. Giờ đây, chị nằm co quắp trong căn phòng dịch vụ bệnh viện trưa vắng, thao láo nhìn quạt trần quay vù vù. Dưới cái quạt trần là khuôn mặt chị bầu bĩnh ủ rũ. Chị bật cười, giờ nó rơi đùng một cái thì chị chẳng kịp chết vì bệnh tật, chẳng kịp thực hiện giấc mơ vĩ đại nhất đời đàn bà. Cái chết khiếp quá. Chị chưa sẵn sàng để chết. Tay với công tắc vặn turn off.
Chiều bác sĩ bảo chị có thai. Chị cười tưng bừng, đút vào túi bác sĩ hai tờ xanh, đút vào túi hộ lý hai tờ đỏ. Chị đưa tiền cho hộ lý nhờ đi mua cháo, chị phải ăn, ói cũng ăn để em bé khỏe. Chị thèm một đứa con gái có chiều cao của anh, làn da đôi mắt của chị, sống mũi của anh, đức hy sinh của anh và nhiều thứ tốt đẹp của anh… miên man với niềm sung sướng nhất của người đàn bà chị nhắm mắt và mơ mộng. Mọi mơ mộng đều ảo diệu, thứ thuốc an thần cực mạnh cho cuộc sống vui buồn, toan lo, phấp phỏng. Có những ảo tưởng đôi khi cứu vớt linh hồn khỏi cảm giác tội lỗi. Đàn bà là một khối mâu thuẫn khổng lồ giữa tham lam và hào phóng, độ lượng và tàn nhẫn, thù hận và thứ tha, sở hữu và vứt bỏ… Chị là một đàn bà, chỉ khác chị đàn bà hơn một chút, cái gì hơn cũng tốt, cái gì hơn cũng xấu, chỉ là chị không muốn sống một cuộc sống cái gì cũng ổn ổn, đường được, cũng theo trật tự khuôn phép để được coi là mẫu mực, đạo đức. Nếu hoàn hảo thì thần thánh đã đầy khắp trần gian.
Những kỉ niệm bên anh tràn về, phủ kín chị, chị thiếp đi với những giấc mơ nối tiếp nhau, giấc mơ nào cũng là hình ảnh anh. Một khu vườn có những khóm trúc nhật nở hoa tím, có những bụi bóng nước hồng theo mùa, và hoa păng xê chị thích, con gái chạy tung tăng, váy trắng bồng bềnh như thiên thần, anh ngồi mắt cười dõi từng bước chân con. Nhưng sao không giấc mơ nào có chị. Hay lúc ấy chị đi chợ, đi làm, đi đám cưới bạn bè hay đi đâu đó? Chị cũng không cần, miễn sao giấc mơ nào của chị có đủ hai con người kia là ok. Những giấc mơ bị cắt đứt bởi cái đập vai nhắc chị dậy uống thuốc. Bác sĩ bảo người đẹp không bệnh tật gì đâu, sức khỏe A1, chỉ là mỏi mệt vì mất ngủ thôi, huyết áp thấp, ăn ngủ, làm việt thể dục đều đặn là không phải gặp nhau lại đâu. Anh chàng bác sĩ xin số điện thoại chị và nhá số qua, anh chàng bảo khi cần cứ alo anh có phòng mạch tư trên đường T, nếu em có nhu cầu anh sẽ chăm sóc sức khỏe hai mẹ con thời kỳ mang thai và sinh nở. Chị dạ, lưu số. 9h đêm, thằng em đón về, nó bảo chị đừng thức khuya, mắt như ma cà rồng. Uống sữa và thuốc bổ vào. Da xanh như ma cà rồng. Thằng này xem nhiều phim ma cà rồng nhiễm nặng. Nhưng chị cũng thích loại phim này, nhiều khi thấy ma còn thật lòng hơn người trần mắt thịt. Ma mà biết bảo vệ hy sinh mạng sống cho nhau không tiếc. Ma yêu và sẵn sàng chết vì tình yêu. Người với người ngồi sát nhau mà âm mưu thủ đoạn ngập bụng, bao lừa lọc, bon chen, giành giật được kín đáo giấu che sau tóc, sau môi. Có vài khi chị sợ người, xong hết việc cơ quan, việc đường việc chợ là tót về nhà, khóa cửa chơi với chó. Chó là loài vật trung thành. Chó không bỏ chủ khi nghèo, khi nạn. Chị quý chó. Thằng em chị quý chó. Đường về nó ngần ngừ bảo em không nói bố mẹ chị có bầu đâu. Chị bảo cứ nói đi bố mẹ sẽ vui mà, hết thời gái độc rồi, giờ chị là gái bổ. Bố mẹ thương anh mà. Nó bảo: Không chồng mà chửa là phức tạp đấy. Chị đảng viên có sao không. Sao trăng gì. Đảng viên thì không được có thai à? Không chồng mà chửa mới “ngoan” em trai ạ. Chị điên như cô tiên. Vái chị 3 vái luôn. Hai chị em phá cười. Cái xe hơi của nó sặc mùi xăng làm chị lại muốn ói.
Anh đột ngột báo anh bận công chuyện, sẽ chủ động liên lạc. Ngày thứ 14 anh không điện thoại, tin nhắn, email, zalo. Chuyến đi này của anh quan trọng và bận rộn, quyết định sống còn cuộc đời anh. Giờ này tự nhiên chị cũng chẳng muốn nói gì với anh cả nếu anh có gọi, dù chị biết anh không gọi nhưng anh không phải đang quên chị. Thậm chí là còn rất nhớ. Nhưng đấy là chị nghĩ thế, ai mà biết lòng người. Biển sâu dò được chứ lòng người làm gì có đáy. Chị bất giác nhìn xuống bụng, nhún vai, cười mỉm. Cái xe hơi thằng em chạy rù rù, khoang ngồi sặc mùi xăng làm chị lại muốn ói…
Anh đã mua được chiếc ghế bằng rất nhiều tiền, anh đã giữ gìn hơn trong đi đứng nói năng, mỗi lần xuất hiện trước công chúng anh chuẩn bị kĩ từ trang phục, nói cười, thế đứng, động tác. Hoàn cảnh mới tạo nên anh mới lạ và xa lạ luôn với cả chị và những bạn bè thân sơ từng chung có. Chị hy vọng anh là một vị quan tốt, một vị quan gầy vì dân, bạc tóc vì dân. Anh hỏi chị có nhớ anh không, hôm qua có xem ti vi không, có thấy anh phát biểu không, anh mặc thế chuẩn không, tiền anh cho thằng T chuyển vào tài khoản rồi đấy, hai mẹ con thương anh giữ gìn kín kẽ vì tương lai chúng ta nhé, anh sẽ sắp xếp thời gian chúng ta đi du lịch một tuần nhé, bất kỳ đâu em thích nhé… những phụ từ cuối nhấn nhá ngân nga ngọt lịm như mật ong, đàn bà dễ chết say những ngọt ngào đàn ông phát ra từ miệng, mà nhiều khi những ngọt ngào đấy chả bắt đầu từ tim. Chị cũng chết say như thế lúc đầu, bây giờ không đứ đừ nữa, nghe cũng thường thường như xem thời sự mỗi ngày, nhịp tim cũng không loạn nhịp, chỉ là như một thói quen sinh hoạt, như một nơi chốn quen thuộc mỗi khi chênh vênh là tìm đến tự cân bằng. Chị nhớ cách đây đôi tuần, nằm nhà cũng không vui, ra đường cũng không vui, nhà thì không tiếng người, chó thấy chủ im ru nó cũng im ru dưới gậm ghế, nhạc thiền tịnh tâm chỉ khiến chị buồn ngủ, đường thì xe cộ loạn xạ, khói bụi đỏ mắt đặc mũi, ngang dọc ngược xuôi nhìn đâu cũng thấy những bịt bọc kín mít, không biết sau những vải, kính che cuốn kín mít kia những khuôn mặt đang biểu cảm gì. Chị chọn đi bộ ra vườn hoa quảng trường. Quảng trường cuối chiều đông người đi bộ thể dục, kẻ ngồi chơi ngắm cảnh, chị đi mải đụng ầm vào bà D, cả hai xuýt xoa, cả hai cười tóa nhận ra nhau. Bà D làm sở N, ly hôn chồng khi 35, giờ đã 53, người đàn bà ấy là idol của chị. Chị và bà thong thả bước, hít hà mùi thơm của thiên nhiên nhân tạo, sản phẩm của những công nhân lương 3 triệu một tháng, làm việc đúng giờ dưới mọi thời tiết.  Hai người, một bắt đầu bước vào đời đàn bà, một đã đi đến quá chặng giữa miệng nói chân đi quên mất đêm xuống tự khi nào. Mỏi rã rợi, chị và bà ngồi xuống thềm đá, bà D bảo rằng hôm nay, bà tự cho mình thời gian đi bộ thư thái để nghĩ về cuộc đời. Ngày nào cũng nối vào nhau những công việc và lo toan con cháu.  Bà bảo rằng chiều nay vui quá, được đi tung tẩy và cười thả ga, kiểu cười như thời còn son rỗi, còn nồng nàn yêu đương, còn hăng hái thi đua phấn đấu thực hiện các loại kế hoạch đề ra… giờ nhìn lại quãng thời gian đã qua bà lại cười khẽ. Bạn bà đã xin về hưu trước tuổi, chả phải vì hết năng lực mà vì muốn có thời gian cho riêng những việc mình thích. Cũng bạn bà, nói tới chuyện sắp về hưu là buồn xị mặt, than về buồn thúi thây. Bà bảo rằng người ta luôn nhìn về quyền và tiền rất khác nhau khi ngồi ở những chiếc ghế khác nhau. Bạn bà kẻ đầy tự trọng và nghĩa tình, kẻ vô sỉ vụ lợi bon chen, kẻ nhẹ dạ an phận, kẻ nhẫn nhịn, cầu hòa… Bà quay hỏi chị: Mày biết tao là loại gì không? Chị chỉ cười không nói. Có những câu hỏi chẳng trả lời thì tốt hơn. Bà bảo rằng, hôm nay, bà tự cho mình thời gian thư thái để lòng vòng tung tẩy hít thở khí trời lồng lộng không nghĩ về ai, không nghĩ về việc gì… kệ mọi sự để như một bé gái 4 tuổi. Một ngày, con người có bao cảm xúc về cuộc sống. Chị nghĩ thầm thầm bà là loại đàn bà tài sắc vẹn toàn, đa cảm đa đoan. Chị nắm tay bà nhỏ nhẻ: Em cứ nhìn chị, nghĩ về chị là em muốn hát bài “Chị tôi” của ông Trần Tiến. Bà cười khẽ. Chị thả giọng vào bài: Thế là chị ơi rụng bông hoa gạo/ Ô hay, trời chưa nín gió cho ngày chị sinh… Ngày chị sinh, trời cho làm thơ / Vấn vương với sợi tơ trời / Tình riêng bỏ chợ / Tình người đa đoan… Nhìn tóc bà, chị thảng thốt nhận ra thời gian thật độc ác với nhan sắc đàn bà.
Người ta thống kê phụ nữ thời hiện đại dễ tự tử hơn chị em ngày xưa. Đây là hành vi phổ biến nhất của bệnh trầm cảm. Hơn một triệu người chết do tự sát mỗi năm, Tổ chức Y tế Thế giới thống kê thế, nguyên nhân thì vô cùng, trước khi giết mình ai chẳng tuyệt vọng, chán đời. Chị đọc hết cuốn báo ứng nhân quả của ngài hòa thượng Diệu Pháp xong thì chả dám nghĩ đến chuyện tự chết. Vả lại đời chị khốn cùng bao lần rồi cũng ngóc lên được, tuyệt vọng rồi lại hy vọng, chị đã bao lần tự nhủ dù đời không yêu ta, ta vẫn luôn yêu đời. Cái lần nghe tin thằng bạn thân đại học tự tử, tim chị giật nhói, không khóc được thành tiếng. Nhớ đêm cuối cùng gặp nó ở Quy Nhơn, 3 đứa ngồi bên nhau nghe hát và nhâm nhi cà phê, nó nói tớ phải học lên nữa, sẵn đà đang máu lửa, bằng tuổi nhau Luân một vợ một con, nó một thân một mình với nhà thuê, giáo án, sách vở nghiên cứu sinh, còn chị gái già ham việc. Luân và chị bảo cứ học tiếp, tiền bạc tụi này lo tiếp tế, nhóm mình 2 thạc sĩ, 1 tiến sĩ là đạt chuẩn “nhóm văn hóa”. Nó rút từ túi quần cục giấy báo dày dày cười khà khà: Tiền là giấy thôi, hết sẽ phone cho tụi bay. Chị đã chờ cuộc phone ấy nhưng nó không bao giờ đến. Cuộc phone bạn Ngân báo nó chết làm chị thêm một lần tuyệt vọng. Xác nó thiêu thành tro, thả xuống dòng sông quê nó theo ước nguyện. Tiếp đến, cái chết vì ung thư gan của Mỹ Nhân làm chị tuyệt vọng hơn, lần cuối gặp nhau Nhân hỏi: “Mày thấy tao đẹp không? Đẹp. Xạo nha mày, tìm đồ trang điểm cho tao, tô son cho tao, màu cánh sen, chuốt mi màu xanh đen, mí đánh màu nâu không nhũ ánh, má tô hồng đậm chút, tao xanh lắm, làm ngay đi”. Chị đã vừa khóc vừa make up cho nó, người bạn cùng tổ dân phố xinh đẹp và cô đơn đến tận lúc chết, dù hai lần chồng. Đời người ai cũng phải chết, chỉ là chết như thế nào. Chị nhìn xuống bụng. Chị chưa muốn chết.
Ở đời chả có gì là sâu đậm mãi mãi. Giàu nghèo rồi cũng chết, yêu nhiều ít rồi cũng phai. Hết thảy mọi điều mọi ý đều do chữ duyên. Hết duyên cạn nợ là buông bỏ thanh thản. Có những thứ càng cố níu giữ càng nhanh mất đi đó là: Tình yêu. Giá tình yêu là cái vật chất gì có thể sờ, cầm, cắn, bóp được thì dễ rồi, song nó lại vô hình, mỗi người một tượng tưởng, thế nên muôn hình vạn trạng. Chị từng ước giá chị chưa từng gặp anh, chưa từng tin, chưa từng yêu, chưa từng nhẫn nại sống như bây giờ… biết đâu chị đã là một đàn bà khác.
Chị đọc những bài viết về bà mẹ đơn thân trên mạng, những nước mắt và nụ cười, những chịu đựng và mạnh mẽ. Chị đã chuẩn bị sẵn sàng cho mùa sinh nở của riêng mình. Giấy khai sinh và hàng tên anh bỏ trống. Nơi chốn chị sẽ đến, sẽ sống cùng con một cuộc sống với hai vai trách nhiệm. Chị là người đàn bà từng cộc cằn, héo hắt. Giờ đây, chị tự nhận mình là người đàn bà dịu dàng và rực rỡ nhất thế gian. Thằng em trai bảo em đã nói với bố mẹ chị sắp sinh. Chị bảo mẹ nói gì? Nó bảo bố mẹ vào nuôi chị nửa tháng rồi lại về, việc buôn bán vườn tược đành phải xếp lại. Nó hỏi còn anh? Chị bảo không mợ chợ vẫn đông mà. Nó cười rung râu chị gan thật và điên như cô tiên. Nó cười rung râu, xoa xoa vòm bụng chị vỗ về: Cậu đến khổ với mẹ con mày, nghe chưa, nghe chưa? Chị cười rung mi. Chị thầm cám ơn trời đất đã cho chị gặp anh, tin anh, yêu anh, thanh thản sống như bây giờ… từ anh chị đã là một đàn bà khác.
Tiếng chốt cổng quen thuộc, thằng em lại sang chở chị đi dạo, chị xoa xoa tay tròn vòng vòm bụng nhô cao kiêu hãnh, tuần này, tuần sau gì đấy chị sẽ sinh, mấy chị già bảo đẻ con so đau chết đi sống lại, đẻ con dại đau sống lại chết đi, ôi thế nghĩa là đẻ kiểu gì cũng đau đớn tột cùng rồi. Nhưng hạnh phúc lớn nhất của đàn bà là được đẻ con. Chị muốn trải qua. Chị chờ mãi chẳng thấy tiếng thằng em, mọi ngày cái miệng nó vống vót từ cổng. Nó bảo cái quyết định làm mẹ đơn thân của chị là sai lầm. Chị bảo có nhiều sai lầm trong cuộc đời phải trả giá đắt. Nhưng có biết bao người vẫn muốn trả. Chị sẽ trả đủ. Nó bảo chị điên như cô tiên. Tiếng bước chân hối hả. Chị ngó ra. Chị cười, nước mắt tự nhiên chảy xuống má, lem vào khóe môi mặn mặn. Anh cười hiền lành, bó hoa hồng vàng, giỏ nhựa lỉnh kỉnh hai cánh tay, hình ảnh ông chồng chuẩn bị chở vợ đi nhà hộ sinh. Chị cười. Nước mắt thi nhau rơi. Anh bảo khi khóc em rất đẹp. Chị cười. Mắt nhòa nhạt. Anh ngồi dưới sàn nói chuyện với cái bụng nhô cao kiêu hãnh, tay xoa vòng vòng, mỗi khi đứa bé cựa quậy mắt anh sáng lên, anh hét lên kinh ngạc và cười ha hả sung sướng. Chị nhận ra niềm hạnh phúc đàn ông và đàn bà về con cái giống nhau cơ bản, khác chỉ là ở cách biểu hiện. Chị giục anh về đi. Xe còi mấy lần giục giã. Điện thoại reo mấy lần. Anh cứ lần lữa, nấn ná, thêm vài phút. Chị giục anh về đi, về đi. Anh cúi hôn, hôn, lại hôn lên vòm bụng chị, hôn lên mắt chị, cắn vào môi chị. Anh bảo, ngoan vài bữa anh về. Chị không tính khóc nhưng nước mắt cứ thi nhau rơi. Đàn bà cũng lạ, cứ tưởng mình mạnh mẽ, hóa ra cũng sợi tơ mành. Anh bảo khi khóc chị rất đẹp. Anh đi. Chị với cái gương. Người đàn bà trong gương ngó chị, đôi mắt như ma cà rồng, làn da như ma cà rồng. Nhưng đúng là những giọt nước mắt đang tuôn rất đẹp. Người đàn bà trong gương nhoẻn cười.
Giá tình yêu là vật chất gì có thể sờ, cầm, cắn, bóp được thì dễ rồi. Chị đàn bà thế kỉ 21, thích đọc thơ Hồ Xuân Hương, cao hứng ngâm ngợi nỉ non, thằng em lắng nghe khen rối rít: Chị ngâm hay chết đi được, nghe cay đắng chết đi được.
Ờ thì đàn bà, nhiều khi đắng cay, tủi nhục chết đi được mà có chết được đâu…
HOÀNG THANH HƯƠNG
 
14/5/2021
Hoàng Thanh Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...