Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Chỉ một lần vâng lời mẹ

Chỉ một lần vâng lời mẹ

Nhận được tờ giấy trúng tuyển cao đẳng ở một thành phố lớn tôi mừng lắm, cả nhà cũng mừng vui lây, bởi vì lực học của tôi cũng xếp vào loại thường thường bậc trung, trúng nguyện vọng hai nên cũng chấp nhận được vì không phải “ngồi nhà” chờ năm sau, hoặc chạy đôn chạy đáo đi tìm các trường khác để thi.
Ngày tôi nhập trường không thể quên trong cuộc đời nuôi dạy con của Mẹ, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi, nó làm thay đổi tất cả những gì tôi đã dự tính cho tương lai của mình.
Ra khỏi ủy ban xã, cầm hồ sơ đã hoàn tất những thủ tục, tôi mừng rỡ xuống xuồng chèo một mạch về nhà để chuẩn bị ngày mai lên trường. Sau bữa cơm tối cả nhà quây quần trò truyện, ai cũng rôm rả xoay quanh việc của tôi. Mẹ cũng vậy, dưới ánh đèn dầu Hoa Kỳ leo lét, tôi vẫn thoáng thấy mẹ có nét âu lo, nhưng chắc do không khí của gia đình nên mẹ cũng hòa theo để cả nhà cùng hưởng trọn.
Bố dặn “Lên đó gắng lo học, không được lêu lổng đâu nhé, mày nhìn các anh các chị mà noi theo, chưa có đứa nào bỏ học giữa chừng, muốn thoát khỏi cuộc đời nông dân thì phải học con ạ!”.
Tôi lí nhí trong cổ họng một tiếng dạ không nên lời.
Nhà văn trẻ Văn Lê Tám
Mẹ ngồi trên giường cầm cái quạt mo đuổi muỗi cho thằng em trai tiếp lời “Tao có mười đứa con, sống trong thiếu thốn nghèo khổ nhưng đã có tám đứa khôn lớn nên người, bây giờ còn hai anh em mày, tao hết nổi rồi nhưng vẫn cố gắng lo, con nhìn mấy anh chị để suy nghĩ mà học hành”. Nằm trong mùng tôi không tài nào ngủ được vì ngày mai phải xa nhà, vì những gì bố mẹ dặn, và những toan tính của tôi khi lên trường.
Vẫn như mọi ngày, trời chưa sáng mẹ đã dậy nấu cơm cả nhà ăn để còn ra đồng, công việc thường nhật của tôi cũng vậy, đi gỡ lưới kiếm cá, hái rau về nấu thức ăn. Trong bữa cơm khói bay nghi ngút, mùi cá kho thơm phức, ăn với cơm nóng mẹ nấu nghe ngọt lịm. Mẹ dặn “Ăn cơm xong cả nhà ra đồng tranh thủ làm chút buổi sáng, nắng lên về nghỉ, tới xế chiều thằng Tùng đi chuyến tàu đò cuối khoảng hai giờ nó chạy qua nhà”.
***
Tới trưa rồi, nắng đã lên cao mà chưa thấy mẹ về, bố bảo tôi gọi mẹ về, lên đến hậu đất thấy mẹ đang lúi húi, tôi hỏi sao không về nghỉ trưa, mẹ nói đang dở tay dặm cho xong rồi về, tôi về trước mẹ lô nhô trong đám lúa ra mé kênh lên xuồng chống về nhà.
Ngủ trưa một giấc thức dậy tôi không thấy mẹ đâu, đồ đạc đã sẵn sàng, nhưng chưa đi được vì mẹ chưa đưa tiền. Rửa mặt mũi xong tôi thấy lo lo nên đi tìm mẹ. Đến nhà hàng xóm thấy mẹ ngồi nói chuyện với chị Bằng, như hiểu ý tôi mẹ nói về đi rồi mẹ về liền, tôi biết mẹ đi mượn tiền cho tôi đi học. Về đến nhà nằm hoài mà không thấy mẹ về tôi càng nóng lòng, cứ đi ra đi vào, đã đến giờ tàu đò sắp đến. Một lúc sau mẹ về mặt mày ỉu xìu buồn bã, thấy vậy tôi biết chắc là không mượn được tiền, nhìn mẹ trong lòng tôi vừa thương vừa có cảm nhận như sắp mất một cái gì lớn lao lắm.
Quăng nón lá, ngồi xuống cái võng may bằng bao bố, mẹ buồn bã nói “Không kiếm được tiền cho thằng Tùng đi Sài Gòn học rồi, không biết làm sao nữa bây giờ…” Nghe câu nói của mẹ, tôi như sụp đổ hoàn toàn, chân tay rã rời, ngực tôi như muốn nổ tung, nhưng tôi phải kìm nén cảm xúc lại là vì mẹ.
Tai tôi ù ù khi nghe tiếng nói của mẹ trong nước mắt “Thôi con ạ! mẹ không kiếm đâu ra tiền cho con đi học, đến hết nhà nọ nhà kia rồi, không ai có hết, ở nhà một thời gian rồi đi sư phạm như các anh các chị mày, học sư phạm không phải tốn tiền học phí, rồi ra trường về đi dạy học, cứ vậy mài ra mà ăn để sinh sống, chứ đừng đi ngành này nữa nhà mình không có tiền con ạ”.
Tôi cứ như chết lặng đi khi nghe những lời mẹ nói, một người phụ nữ lam lũ cả đời với đám con, quanh năm buôn thúng bán bưng, ngược xuôi đủ nghề để nuôi bầy con đi học, cái khó khăn nghèo đói của mẹ đã truyền cho anh em chúng tôi một nghị lực phi thường, vì vậy tôi phải cố gắng vượt qua. Và một điểm nữa thể hiện đức tính của mẹ, đó là chỉ thấy mẹ mặc mỗi một cái quần màu đen co rút.
Chấp nhận với hoàn cảnh khắc nghiệt lúc đó và nghe theo lời mẹ, noi theo truyền thống gia đình, ba năm sau tôi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, như những người anh, người chị tôi tiếp tục đứng trên bục giảng làm công việc thiêng liêng cao cả trong sự nghiệp trồng người. Mẹ tôi giờ đây không còn khỏe mạnh như lúc trước nữa, nhưng nhìn bà tươi tắn hơn ngày nào vì không phải chạy đôn chạy đáo đối phó với cuộc sống, và bà đang hưởng món ăn tinh thần vô giá đó là niềm tự hào bởi các con của bà giờ đều đã trưởng thành và đều là những người dìu dắt dạy dỗ thế hệ trẻ cho đất nước mai sau.
Nghề sư phạm, bố tôi cũng đã hướng cho các anh chị theo, vì ông nội tôi cũng là thầy giáo. Bố thường vẫn bảo với chúng tôi “Đó là nghề trồng người cao quý”. Hôm nay, nhìn các em học sinh mũm mĩm, đôi bàn tay như những búp măng tôi cảm thấy yêu nghê hơn bao giờ hết. Càng phải cảm ơn mẹ nhiều hơn, vì đã hướng nghiệp con đến với công việc cao quý. Cả tuổi thơ của con là những tháng ngày cơ cực của mẹ. Mẹ đã khổ vì sự tinh nghịch phá phách của con, chẳng lần nào sau khi “ăn đòn” xong là ngoan ngoãn. Nhưng con đã vâng lời mẹ một lần, lần đó đã là sự nghiệp hôm nay. Ước gì tuổi thơ của con trở lại, con sẽ vâng lời mẹ nhiều hơn.
VĂN LÊ TÁM
 
14/5/2021
Nguyễn Cẩm Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...