Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Tuyết Sương: Điều kỳ diệu

Truyện ngắn Tuyết Sương:
Điều kỳ diệu

Tôi và chị Hoa cùng dạy một trường. Hai nhà cũng rất gần, chỉ cách nhau cái hàng rào kẽm gai thưa thớt. Thưa đến nỗi không muốn đi đường vòng cổng chính thì cứ chui rào mà qua. Nhất là bọn trẻ hai nhà, chúng thường xuyên chui tắt như vậy. Hai nhà rất quí mến gần gũi, có nhau khi “tối lửa tắt đèn”.
Có lần, con gà mái tơ nhà tôi sang giành ổ gà nhà chị Hoa để đẻ. Chị cầm trứng chui qua rào, bảo “con gà mái tơ nhà cô đã nhảy ổ, lót cho nó một cái”. Cũng ngay ngày hôm đó hai nhóc nhà tôi đứa lên  năm đứa lên ba rong chơi dưới vườn, thấy quả su su toòng teng trên hàng rào, liền tháy máy thế nào đem vào khoe với mẹ. Tôi bảo: Su su trên hàng rào ấy là của bác Hoa. Con đã xin chưa mà hái? Nó cãi lại, “Con đâu có hái. Thấy nó đẹp con sờ thử. Tự nó rụng đó chứ” Thấy Chị Hoa mới chui rào quay về còn đứng xớ rớ ngoài sân chưa vô nhà, tôi nói to, cố ý cho chị ấy nghe thấy: “Thì tại con sờ vào, quả su su của bác Hoa mới rụng, chứ đâu phải tự nhiên. Của người ta mà tự động đưa về nhà mình khác gì ăn cắp. Con đưa sang, nói thế nào cho bác ấy thông cảm. Không thì roi vào đít đó”. Thằng nhỏ nhăn mặt, ôm tay tôi năn nỉ: “Hay mẹ qua xin lỗi bác đi. Con sợ lắm”. Tôi đứt khoát: “Không được, con làm sai bảo mẹ xin lỗi, bác ấy đâu có chịu”. Thằng nhỏ xịu mặt xuống, đành cầm quả su su chậm chậm bước đi đường vòng chứ không chui rào. Hình như nó đi mà không muốn đến đích. Tôi và chị Hoa nhìn nhau cười.
Nhà văn Tuyết Sương
Bỗng một hôm vừa chạng vạng tối, tôi đang lúi húi nấu cơm. Chồng chị Hoa đứng bên kia hàng rào vừa nói vừa chỉ vào chuồng gà nhà tôi: “Con gà nhà tôi nó lên ngủ  chuồng nhà cô kìa”. Tôi bước tới chuồng gà, chồm lên, cúi xuống, tìm mãi. Chỉ thấy mỗi con gà nhà mình chứ không có con thứ hai nào nữa. Chả là mấy tháng trước nhà tôi cũng nhiều gà lắm, có đến vài mươi con. Thời bao cấp, cán bộ công nhân viên mà được chừng ấy gà để cải thiện đời sống là khá lắm rồi. Có mấy ai được thế. Nhưng qua đợt dịch gà, nó chết sạch chỉ còn mỗi con nầy. Lẽ ra nó đã chết từ đời nào… Từ đời mẹ nó kìa. Nhưng bây giờ có nó là đầu đuôi nguồn gốc thế này: Thằng Tí, bạn của cháu tôi, nó khai hoang làm rẫy ở tận vùng xa, sát chân núi. Đến ngày giỗ cha, nó xách con gà mái đựng trong cái lồng đem về quê làm thịt. Tối đó nó ngủ nhờ nhà tôi để mai mua vé xe cho tiện. Sáng ngủ dậy, thấy có cái trứng trong lồng, tôi nói: “Sao cháu đem con gà đang đẻ về làm thịt, uổng vậy? Nó nói “Cháu có mỗi con gà này. Nếu không đem về thì lấy tiền đâu mua con khác”. Tôi nói “Đi cả ngày đường mang theo con gà cũng cực. Còn cô cũng muốn gầy lại bầy gà. Hay cháu để con này lại đây cho cô nuôi. Cô đưa tiền cháu về quê mua con khác mà cúng”. Thằng Tí nghe cũng phải nên vui vẻ đồng ý. Thế rồi con gà ấp, nở được tám con gà con. Tôi định bụng khi nào nó lẻ mẹ sẽ cho thằng Tí một cặp để đem vào rẫy nuôi. Nhưng rồi nó chết dần chết mòm chỉ còn lại một mẹ, một con. Đủ lông đủ cánh, lớn ngồng rồi mà nó cứ lọt tọt theo mẹ như cái đuôi, không chịu tự kiếm ăn. Mẹ nó bươi rác, nó nhào vô cướp mồi. Có lần mẹ nó nuốt một con trùn to đã vào cổ hơn nửa. Nó nhảy lên mổ nửa con trùn đang ngo ngoe lòng thòng ở miệng mẹ nó. Hai mẹ con kéo qua kéo lại. Con trùn đứt đôi, làm nó mất đà ngả ngửa chổng vó lên trời. Khi no diều, mẹ nó nằm dưới gốc cây lim dim đôi mắt. Nó chui vô cánh mẹ. Vì đã cao lớn nên nó phải ló cái đầu ra ngoài cao hơn lưng mẹ nó cả khúc. Mẹ nó phải xoè cánh ra mà cũng không che kín nó được, để lòi cặp giò đen như đôi đũa mun đang cắm dưới đất trông thật buồn cười. Thế rồi một hôm nó lủi thủi về chuồng có một mình cho đến ngày hôm nay.
Anh ấy lại vừa chỉ vừa nói “Đó, con gà đó đó. Tôi theo giõi từ chiều, giờ thấy nó nhảy lên chuồng nhà cô để ngủ”. Không hiểu sao, lúc đó tôi toét miệng cười thật tươi, nói: “Thì con gà nhà em mà anh”. Chồng chị Hoa nói: “Ủa, sao nó đen như con gà quạ chân chì nhà tôi vậy”.
Thế rồi bẵng đi cả tuần, vào một buổi xế chiều, nắng vàng rực, chị Hoa bên ấy cú gà cho ăn. Con gà chân chì cũng chạy tới, nhào vô ăn rất khí thế cùng những con gà khác ở sân nhà. Chi Hoa nhìn tôi, nói to qua hàng rào: “ Cô ơi, con gà quạ của tôi, tôi cho ăn, nó về ăn đây này, tôi bắt làm thịt đó nghen” . Tôi nhìn sang, biết là con gà nhà mình.  Nhưng… cái nghề cao quý xui tôi: “Thôi thì chị coi đúng gà mình thì cứ bắt”. Lúc này thằng Tí cũng đang có ở đây. Nó nói như càm ràm “Cô hay thiệt, sao gà nhà mình mà bảo người ta bắt”. Tôi nói: “Chứ có một con gà mà ai cũng giành là của mình, không ai nhịn ai rồi sẽ đi đến  đâu”. Nói vậy song tôi cũng hơi bực. Nhưng … nghề cao quý lại an ủi: “Con gà ấy có ngon miệng thì cũng chỉ được một ngày, một bữa chứ có được suốt đời đâu”. Thằng Tí lại nói “Cô ấy ăn được rồi mà còn nghĩ là mình xấu. Con gà cô ấy ngủ lộn chuồng nhà mình, mà mình không đem trả. Thiệt tức no bụng!”. Tôi thở ra rồi nói “Chị ấy có nghĩ vậy thì cũng đành chịu chứ biết làm sao”.
Thằng Tí nó tức cũng phải. Bỡi chính nó bán mẹ của con gà quạ chân chì ấy cho tôi. Nó biết rõ ngọn ngành tông tích con gà ấy như thế nào. Mỗi lần tôi đi vắng, thì chính nó và thằng cháu giúp tôi trông nom nhà cửa, heo gà. Nó chứng kiến con gà ấy lớn lên từng ngày. Nó cũng đã từng cùng chúng tôi cười ran khi thấy con gà ấy đã lớn tồ mà còn nấp vào cánh mẹ để lòi đầu hở chân như thế nào. Nó tức cũng phải. Còn tôi thì cũng có khác gì nó, còn tức hơn là đằng khác. Tôi còn thêm cái buồn man mác vì có ý định mấy bữa nữa chồng tôi nhận bằng đại học về, cả nhà sẽ có nồi cháo gà rau răm khao anh ấy và bạn bè. Nỗi niềm này tôi tâm sự với một cô bạn sau khi nghe cô ấy trách “Ông xã tốt nghiệp hạng ưu về mà sao mày chẳng khua nồi gõ bát gì hết”. Thế rồi không biết sao, nửa năm sau thì lọt vào tai chị Hoa. Chị Hoa nổi giận đùng đùng. Chị ấy không thèm chui qua rào như mọi lần, mà đứng bên kia rào nói qua với tôi bên này rào:
Tôi không ngờ cô là giáo viên ưu tú, còn trẻ… – Nếu như  không nhầm thì hình như chị ấy còn khen tôi đẹp nữa đấy:  Mà sao tồi thế. Vợ chồng đều là trí thức, là cán bộ, là đảng viên, là Huyện uỷ viên, là hội đồng nhân dân, v.v và v.v…
Chị ấy tuôn ra một tràng giòn như pháo nổ đêm giao thừa. Chị đứng thẳng người, chỉa ngón trỏ, huơ huơ cánh tay về phía trước như đang cầm bút tốc ký vào tờ giấy khổng lồ là khoảng không mà “trích ngang lý lịch” vợ chồng tôi. Tôi đành nói chen vào: Có gì thì cũng mời chị sang nhà ngồi ghế rồi từ từ mà nói đi chị! Chị Hoa gạt phắt đi:
Ai thèm nói chuyện với cô. – Vậy mà chị vẫn tiếp tục nói với tôi: – Đồ vừa ăn cướp vừa la làng. Con gà ấy cô ăn, sao còn đổ cho tôi ăn. Ngày mai tôi lên trường nói cho cả trường biết, cho xấu mặt, xem cô còn dạy được ai!
Tôi nghe chửi mà giận tím người, không nói chen vào không được. Mặc dù chị ấy đang cho “pháo” nổ giòn, có phần át tiếng của tôi, nhưng tôi vẫn nói. Song, cái nghề cao quý luôn ngự trị trái tim tôi, làm mềm mỏng, uyên bác lời lẽ:
Hôm ấy chị kêu tôi, nói chị cho ăn, con gà về ăn là gà của chị, chị bắt. Sau đó không thấy con gà về nữa, nên tôi nghĩ chị bắt, chứ đâu có ý nói chị ăn cắp ăn trộm. Và cách xử sự cũng còn tuỳ… mỗi người mỗi khác. Nhưng chị chớ quên mình cũng là giáo viên dạy giỏi đấy!
Con gà mái tơ béo múp hấp dẫn, hay bị tổn thương bởi lời đơm đặt, cơn giận nổi lên, làm chị quên béng mình là ai. Khi nghe tôi nhắc đến cái danh dự cao quý ấy thì khẩu khí chị bỗng chùng xuống: Nói vậy thôi, chứ cô coi, tôi ốm yếu như thế này, giữa ban ngày ban mặt, vườn trống thế kia mà rượt bắt được con gà lớn như vậy sao. Cô ăn rồi mà còn dám đổ thừa cho tôi. Cô không sợ mang tội à?”
Thời gian qua mau. Tính đến hôm nay đã gần nửa năm. Và bây giờ cũng đang lúc chập tối. Chị Hoa với vẻ mặt đau buồn, không chui rào mà đi bằng cổng chính vào nhà tôi. Tôi lịch sự mời chị ngồi ghế, bưng nước mời chị uống. Chị Hoa như muốn nói điều gì nhưng ngập ngừng, mắt rươm rướm lệ. Mãi rồi chị mới nói:
– Tôi mời cô chú ngồi xuống đây. Tôi có việc muốn nói.
Chị ấy nói như vậy là vì thấy chồng tôi vẫn còn đứng ngoài sân tiếp tục công việc. Đã lâu, hai nhà không còn thân mật như xưa. Nên thấy chị qua, chồng tôi chỉ chào rồi để mình tôi tiếp. Nghe chị ấy nói thế, tôi nói chồng tôi vào. Chúng tôi ngồi xuống ghế đối diện. Chị Hoa vẻ trịnh trọng:
– Là thế nầy. – Nói có ba tiếng ấy rồi chị quay quả hỏi tôi: Cô có nghe hôm trước bà Hai lé xóm mình đứng ngoài ngã ba “chửi đổng” không? . Tôi gật đầu xác nhận: “Có, tôi có nghe chửi nhưng không biết chửi ai”. Chị Hoa nói luôn: “Thì chửi cô chứ còn chửi ai”. Tôi giật nẩy người. “Cô bình tỉnh, để tôi nói cô nghe. Cũng như tôi, bà Hai lé tưởng cô ăn con gà của tôi, nên trong xóm này mất gà thì nghi ngay cho cô. Sau khi chửi, cô đi dạy, bà Hai lé vô vườn cô để tìm tang chứng, nhưng không thấy. Bà ấy đi vòng xuống xóm dưới thì thấy con gà mình bị nhốt trong chuồng nhà nọ. Bà Hai lé chửi cho nhà ấy một trận rồi ôm con gà về. Có lẽ nhà ấy là nguyên nhân làm mấy con gà xóm mình biến mất. Từ ấy tôi thấy áy náy trong lòng, bèn đi coi thầy. Ông thầy này ổng coi hay lắm cô ơi. Làm như ổng có nuôi ma xó vậy. Tôi vừa khấn thầm xong. Ông nói ngay,“Ở xóm bà, có một đôi vợ chuồng trẻ. Họ rất tốt bụng lại đàng hoàng. Sao bà đặt điều xấu xa cho họ. Họ đang giận bà lắm đấy. Sớm ăn năn hối cải không thì có tội với trời đất” Chi Hoa đưa tay chỉ về nhà mình. Tôi nhìn theo. Thấy đèn cầy sáng trưng. Khói hương bay nghi ngút. Tôi chưa kịp hỏi thì chị nói: “Tôi đã làm mâm cơm để tạ tội với ông bà, trời đất. Giờ qua đây xin lỗi cô chú. Mong cô chú bỏ qua cho. Thật tình tôi không phải cố tình sanh chuyện với cô chú. Mà tại hồi đó tôi cũng có con gà quạ chân chì. Hôm đó ông xã tôi định bắt làm thịt. Nó tung mạnh, sảy chuồng. Từ đó nó ngủ bờ ngủ bụi chứ không dám vô chuồng và cũng không về ăn nữa. Vợ chồng tôi rình bắt mấy lần nhưng không được. Rồi cả một tháng sau, tôi đang cho gà ăn lúa. Bỗng thấy con gà quạ xuất hiện. Tôi mới nghĩ, nó đã dạn lại rồi nên mới về ăn. Ông xã nhà tôi theo dõi thử nó ngủ ở đâu để bắt. Té ra là con gà quạ nhà cô. Đã là gà quạ thì con nào cũng đen nên dễ nhầm. Thôi thì cô chú rộng lòng bỏ qua, đừng giận tôi nữa. Chị Hoa lại rơm rớm nước mắt. Tôi vội nói:
“Không, không giận nữa đâu. Chị và bà con trong xóm đã hiểu đựơc nỗi oan này là vợ chồng tôi nhẹ nhõm và mừng lắm. Thôi, ta coi như chưa có chuyện đó xảy ra”. Chị Hoa gật gật đầu, miệng nói cảm ơn rối rít rồi cáo từ.
Chị Hoa về rồi, mà vợ chồng tôi vẫn ngồi nguyên tại chỗ. Như để tận hưởng cho hết niềm vui. Mãi, một lúc sau anh ấy mới khẽ khàng nói: Thầy bói chính là chị ấy đấy em ạ. Dù sao đi nữa chị Hoa cũng đã làm nên một ĐIỀU KỲ DIỆU.
TUYẾT SƯƠNG
 
14/5/2021
Nguyễn Thị Diệp Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...