Thứ Ba, 3 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Y Mùi: Người tử tế

Truyện ngắn Y Mùi:
Người tử tế
Nhà văn Y Mùi

Sau khi nhận quyết định nghỉ hưu tôi nghĩ cần mở ngay một phòng khám bệnh tư; mục đích vừa để vui nhà, vừa đỡ quên nghề, vừa có thêm thu nhập.
Tôi khám bệnh, tư vấn và chăm sóc y tế cho cư dân quanh khu vực nhà mình. Khách hàng thường xuyên của phòng khám là những người dân trong khu vực bán kính khoảng dăm ba cây số là người quen và người nhà. Năm thì mười họa cũng có bệnh nhân ở xa đến, là do được giới thiệu. Em là một trong những trường hợp khách hiếm gặp như thế. 
Phòng mạch một ngày vắng khách. 
Chín rưỡi sáng. Tiếp xong bệnh nhân theo hẹn, tôi đã có thể đóng cửa để đi công việc thì em xuất hiện. Vừa nhăn nhó, tập tễnh bước vào nhà một cách khó khăn em vừa trình bày: “Em ở cách đây hơi xa. Em bị đau cái chân bên trái do dây thần kinh tọa bị chèn ép lâu rồi. Mỗi lần đau em vẫn chữa bằng thuốc tây. Lần này đau lại, em không dám uống thuốc nữa vì dạ dày cũng bị đau rồi. Có người giới thiệu chị mát tay lắm. Chị chữa cho em có được không?”.
Bỏ đôi dép xốp kiểu xăng đan xỏ ngón ở cửa, khá vất vả rồi em cũng ngồi được xuống một trong bốn cái ghế dành cho bệnh nhân. Tôi tò mò ngắm người khách lạ. Vài phút trôi qua, tôi nói:
– Sao lại không chứ? Mát tay và mát tính nữa. – Tôi cười thân thiện và nghĩ rất có thể đây là người khách sẽ giúp tôi có thêm thu nhập và là nguồn phát tán uy tín cho phòng khám của mình.
 
Em còn khá trẻ, chỉ khoảng trên ba mươi tuổi, ăn nói rất khúc chiết, kiểu của người có học, giọng chuẩn, không pha phương ngữ vùng miền. Nhìn cách ăn mặc thì không thể biết em là gái phố hay gái quê.
 
Bác sỹ còn chưa kịp hỏi han gì thì em đã kịp thưa thốt đầy đủ và ngắn gọn các thông tin về bệnh tình của mình và điều em muốn ở tôi. Thường với những bệnh nhân khác, cùng chứng bệnh như em thì tôi phải hỏi một loạt câu hỏi nhà nghề mới thu được bấy nhiêu thông tin. Em làm tôi hơi ngạc nhiên.
 
– Chị không cần biết ai giới thiệu em đến đây, cũng đừng hỏi tên và địa chỉ của em nhé. – Em đề nghị nhưng giống như ra lệnh.
 
– Tại sao thế?
 
– Trong máu của em có “Hív”. – Em thản nhiên nói về một sự thể tày trời.
 
Trời ạ! HIV. Em thản nhiên đến thế! Tôi nghe thì bị choáng. Ai mà không choáng chứ? HIV là con virút hiểm ác, hiện chưa có thuốc nào diệt được. Nó lan đến đâu thì tử thần theo đến đó. Bất kể thường dân hay chính khách, bất kể trí thức hay lao công, bất kể gái hay trai, già hay trẻ… nếu để con “Hív” dính vào da sây sát hay niêm mạc trầy xước thì coi như cầm chắc cái chết trong tay. Thời gian để người bị nhiễm HIV trở thành bệnh nhân AIDS chỉ là lâu hay chóng. Cửa tử đợi chờ bất cứ lúc nào và không ai có thể biết trước.
 
– Chị có nhận châm cứu cho em không ạ? – Em lặp lại câu hỏi lúc trước.
 
Chắc em đã đọc được những gì đang diễn ra trong cái đầu của bà bác sỹ hết tuổi lao động nhưng ham sống sợ chết do tất cả đã lộ ra trên khuôn mặt của tôi. Thử hỏi trên khắp hành tinh này ai không sợ chết? Ai không sợ HIV/AIDS?
 
Câu hỏi của người bệnh kéo tôi ra khỏi “cơn sốc phản vệ” thoáng qua. Sốc phản vệ là một loại tai biến trong ngành y. Trong châm cứu, tình trạng bất thường này gọi là vựng châm. Bệnh nhân bị toát mồ hôi, ngất ngây hay buồn ngủ, nặng hơn có thể xỉu đi khi cây kim cắm vào da thịt. Cơn vựng châm sẽ chỉ thoáng qua rồi hết rất nhanh, không nguy hiểm gì tới tính mạng.
 
Thật xấu hổ quá đi mất! Một thầy thuốc bị vựng châm không phải tại cây kim châm cứu, mà tại khi nghe nói đến con “Hív”. Tôi tự trách mình.
 
Tôi bắt đầu động não, nghĩ nhanh xem phải làm gì trong trường hợp này. Tôi có thể từ chối không chữa bệnh cho em vì tôi có quyền tự bảo vệ mình tránh lây nhiễm HIV từ em. Tôi sẽ tư vấn cho em chữa chứng đau ấy bằng nhiều cách khác để an toàn cho mình. Không ít lần tôi đã từ chối những thanh niên trông dặt dẹo, diện mạo chơi bời, xăm trổ đầy mình khi họ tìm đến phòng khám. Tất nhiên, tôi đã uốn ba tấc lưỡi một cách khéo léo làm cho họ phải vui vẻ biến khỏi phòng khám.
 
Tôi có quyền từ chối chữa bệnh cho em. Chắc chắn như thế! Nhưng không hiểu sao tôi không thể mang bài đuổi khéo ra áp dụng với cô bệnh nhân hoạt khẩu, tự tin, khác thường này. Tôi đáp lại câu hỏi của em bằng một câu hỏi:
 
– Em đã chụp phim X – quang cột sống chưa?
 
– Rồi chị ạ! Mấy đốt sống thắt lưng của em đã mọc gai đôi. Bác sỹ bảo thoái hóa nặng rồi.
 
– Em đứng lên, lại gần đây, quay lưng lại. Em kéo cao áo lên một chút.
 
Em ngoan ngoãn thực hiện mệnh lệnh của thầy thuốc. Tôi nắm tay lại, vừa đấm vào vùng thắt lưng của em, vừa hỏi:
 
– Đấm thế này em có đau không?
 
– Không.
 
– Có thích được đấm thế này không? – Tôi tiếp tục đấm và hỏi. Đó là cách thăm khám theo kiểu riêng, tôi vẫn áp dụng khi không có sự hỗ trợ của các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh, đồng thời xác định xem chứng đau có chữa được bằng châm cứu hay không. Khi gặp các chứng đau vùng lưng, ngực hay vùng ổ bụng tôi chỉ cần kết hợp giữa thăm khám thực thể, tức là: sờ, nắn, gõ, nghe và dăm câu hỏi chẩn bệnh để phân biệt là tôi có thể kết luận bệnh nhân đang gặp vấn đề ở cơ quan, nội tạng nào.
 
– Chị đấm thế em thấy dễ chịu. Thích lắm! – Cô bệnh nhân trả lời
 
– Em đã thử chữa bằng xoa bóp và bấm huyệt chưa?
 
– Chưa chị ạ!
 
– Bệnh của em có thể chữa bằng xoa bóp và bấm huyệt đấy nhưng ở đây tôi không làm. Em có thể tìm điểm xoa bóp bấm huyệt của người khiếm thị sẽ rẻ hơn, chỉ bảy mươi ngàn đồng một giờ thôi.
 
Tôi dừng một lát, dò đoán thái độ của người bệnh. Thấy nét mặt của em lộ rõ vẻ thất vọng nên tôi quyết định gợi ý, hướng tới một biện pháp chữa bệnh cho em và an toàn cho mình:
 
– Các chứng đau thần kinh và xương khớp nói chung, chứng đau lưng và đau thần kinh tọa nói riêng, đều chữa được bằng châm cứu rất hiệu quả, không gây tác hại gì cho người bệnh, chỉ khó chịu tí chút khi châm kim thôi. Riêng với em, châm cứu là biện pháp không được khuyến khích vì nếu vô ý, chỉ sơ suất một tí ti sẽ làm cho thầy thuốc bị lây nhiễm. – Tôi chuyển cách xưng hô: cảm ơn em đã thẳng thắn và cởi mở cho chị biết em bị nhiễm HIV. – Lại dừng giây lát, tôi tiếp: em đã tin cậy và đến đây rồi thì chị sẽ chữa cho em bằng cách không cần dùng đến kim châm cứu, nếu em đồng ý…
 
Em là bệnh nhân của tôi kể từ hôm ấy.
 
Em nằm sấp trên cái giường dài vừa đủ chiều cao người lớn và bảy mươi xen-ti-mét chiều ngang chuyên dùng cho bệnh nhân. Tôi thực hiện lần lượt các thao tác kỹ thuật dân gian kết hợp với y học hiện đại.
 
Củ gừng tươi được thái ngang thành những lát mỏng. Tôi đặt chúng lên những huyệt vị ở vùng thắt lưng, hông và dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, rồi đốt điếu ngải, hơ lên các lát gừng tươi chờ cho đến khi sức nóng từ điếu ngải hong những lát gừng tươi đến khô cong cả hai mặt thì dừng. Cuối cùng là tiêm thuốc, trong chuyên môn gọi là thủy châm. Phương pháp chữa bệnh cho em chỉ có thế. Tôi không sử dụng đến kim châm cứu. Những thao tác ấy không làm chảy máu nên nguy cơ lây nhiễm cho thầy thuốc là không có, ngoại trừ việc thủy châm. Ở công đoạn thủy châm, tôi dùng một cái panh kẹp bông cồn để sát trùng. Cái panh khác kẹp bông khô, phòng khi rút kim tiêm nếu chảy máu sẽ cầm máu vị trí tiêm. Như vậy là an toàn cho thầy thuốc.
 
Trong suốt buổi chữa bệnh, tôi chỉ hỏi những điều liên quan đến chứng đau lưng của em. Tuyệt nhiên, tôi không nhắc đến con siêu vi “Hív”, không nhắc đến bệnh “Siđa”. Em không thẳng thắn nói rõ em đang mang trong mình mầm bệnh chết người thì tôi sẽ vẫn châm cứu cho em như vẫn làm với các bệnh nhân khác. Thông thường, trong cả đợt điều trị cho bệnh nhân, bác sỹ có giỏi tay nghề châm cứu đến đâu thì thế nào cũng có buổi, có lần châm cũng bị chảy máu, nhiều hay ít. Nguy cơ lây nhiễm HIV cho thầy thuốc hoàn toàn có thể xảy ra. Em đã rất ý thức bảo vệ tôi tránh lây nhiễm mầm bệnh mà hiện nay ngành sinh – y học của cả loài người tiến bộ còn đang nghiên cứu tìm thuốc chữa chưa ra.
 
Tôi thầm cảm ơn em về điều đó.
 
***
 
Quả thật, tôi đã gặp một bệnh nhân rất đặc biệt. Buổi chữa bệnh lần thứ hai, câu đầu tiên tôi hỏi em, cũng là câu tôi thường hỏi khi gặp lại bệnh nhân đang điều trị:
 
 – Em có thấy đỡ không?
 
– Đỡ chị ạ! – Em nhỏ nhẹ trả lời, nét mặt bình an, không còn vẻ nhăn nhó như buổi đầu tôi gặp em.
 
– Em nằm đi!
 
Tôi chuẩn bị đồ nghề cần thiết. Tôi vừa làm, vừa tư vấn cho em phải làm gì để cải thiện tình trạng thoái hóa xương khớp, giảm nhẹ cơn đau mỗi khi bệnh tái phát mà không cần đi bác sỹ. Xong một lượt điều trị nữa cho em. Tôi hẹn giờ buổi tiếp theo.
 
Buổi chữa bệnh lần thứ ba.
 
“Đỡ nhiều không?”.
 “Đỡ nhiều chị ạ! Em đi lại dễ dàng rồi”.
 “Tốt quá!”.
 
Tôi lặng im ngồi hơ mồi ngải lên những lát gừng được xếp trên cơ thể bệnh nhân. Những gì cần tư vấn về bệnh của em thì tôi đã nói hết. Gian phòng khám trở nên yên ắng. Tôi nghe rõ tiếng thở đều đều của em. Đầu tôi miên man suy đoán về thân phận người phụ nữ trẻ, có cái eo lưng thon ngọn, làn da trắng nuột nà được giấu kín trong bộ cánh hợp trời trang đang tự tại nằm sấp trên cái giường chuyên dùng cho bệnh nhân châm cứu.
 
Em đã có thể uống vài liều thuốc giảm đau, chống viêm mà không cần đến tôi nếu dạ dày của em không dở chứng. Nếu em vẫn uống được thuốc tây thì tôi đâu có cơ hội gặp em. Tôi đang trôi trong những suy nghĩ như vậy thì đột nhiên em phá vỡ sự yên lặng, hỏi:
 
– Chị không quan tâm tại sao em lây nhiễm HIV à?
 
– Chị cũng muốn biết em từ đâu tới, gia cảnh của em thế nào nhưng ngay từ buổi đầu em đã giao hẹn không được hỏi gì. – Tôi trả lời, cười dụ để em tự bạch.
 
***
 
Em là một bệnh nhân kỳ lạ. Tôi chưa từng gặp ai giống như em trong suốt cuộc đời hành nghề y. Không biết cơ duyên gì mà em đã kể cho tôi nghe tất cả sự tình. Trong hai tuần chữa bệnh cho em, mỗi lần một chút tôi đã được nghe em kể về cuộc đời bất hạnh của em cùng câu chuyện em bị nhiễm HIV từ mười năm về trước. Lúc mới phát hiện ra chồng bị AIDS và mình nhiễm HIV em đã rất hoảng loạn. Hơn một lần em đã nghĩ đến cái chết để giải thoát cho đỡ tủi hổ, nhục nhã.
 
Một buổi, khi nằm sấp để tôi đốt ngải hong những miếng gừng trên huyệt vị, em kể về mẹ chồng. Bà là người chân quê, văn hóa chỉ lớp năm ngày xưa nhưng rất hiểu đời và thương con, thương cháu. Từ khi biết con trai mắc căn bệnh nan y chỉ còn chờ chết; con dâu bị nhiễm mầm bệnh tử thần từ con trai thì bà càng thương em hơn. Bà quý em hơn cả con gái.
 
“Hình như mẹ chồng em đoán ra sự quẫn trí của em nên bà nhắc đi nhắc lại rằng, bất cứ giá nào em cũng phải sống và sống cho thật tốt để chăm sóc nuôi nấng cháu bà thành người tử tế…Em cũng thương bà như mẹ đẻ”. – Em thở dài, đôi mắt u buồn nhìn xa xăm đâu đó mà chẳng tới đâu.
 
Buổi đầu đến phòng khám em giao hẹn không được hỏi gì về em. Thế nhưng dần dà, mỗi ngày một chút, tôi biết được rất nhiều về em và câu chuyện đẫm nước mắt của một người vợ bị nhiễm HIV từ chính chồng mình. Cũng từ em tôi biết thêm một câu chuyện trong rất nhiều câu chuyện bất hạnh do đại dịch HIV/AIDS hiện đang gây ra cho cả vài trăm ngàn người ở Việt Nam. Mỗi năm số người nhiễm HIV cộng dồn vào cũng khoảng hơn chục ngàn ca. Tương đương với con số đó, cũng chừng ấy gia đình Việt Nam bất hạnh vì đại dịch “Ết”. Tôi biết thêm một câu chuyện về một phụ nữ trẻ mất chồng do “Ết”, nhiễm “Hív” từ chồng đã vượt lên số phận, vượt lên đau thương mất mát, ẩn mình ở chốn phồn hoa đầy bon chen để sống hết sức tử tế giữa rất nhiều bất hảo, bất an…
 
Ngay khi đến tìm tôi em đã tỏ ra là người tử tế. Em không muốn bất kỳ ai vì vô tình, bất cẩn mà bị lây nhiễm HIV từ em. Trong khi nhiều người có HIV dương tính thì bất cần đời, đã mặc kệ cho tăng số người lây nhiễm mới trong cộng đồng lên; hoặc giả có người còn lấy việc mình bị lây nhiễm HIV làm vũ khí “kiếm ăn”, dọa nạt người khác. Thái độ sống của em đáng trân trọng như thế! Vậy mà tôi, một bác sỹ lúc nào cũng vỗ ngực tự đắc rằng có thể giải quyết ngon lành những chứng đau thần kinh, xương khớp bằng đông tây y kết hợp thì lại định từ chối chữa cho em cái chứng đau thần kinh tọa vì em có “Hív”!
 
***
 
Em kể, sức khỏe của chồng em suy sụp rất nhanh từ lúc bệnh cơ hội bắt đầu phát ra. Siêu vi “Hív” bùng nở rất nhanh, tàn phá tất cả các cơ quan nội tạng người bệnh cùng một lúc. Người đàn ông tuổi còn rất trẻ đã phải từ giã cõi người và ôm theo mối ân hận tới độ đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần; lúc đôi tay đã xuôi nhưng mắt thì vẫn không nhắm được vì những phút giây sống phóng túng. Hậu quả là báo hại người thân.
 
Vùng quê chẳng mấy khi thanh bình của em thêm một bà mẹ mất người con trai duy nhất vì “Ết”; thêm một người vợ trẻ mất chồng do “Ết”; thêm một đứa trẻ còn thơ dại mất cha do “Ết”.
 
Thị trấn trung du quê em nhỏ bé. Mươi năm về trước, kỳ thị và phân biệt đối xử với những người có HIV kinh khủng lắm. Em đi đến đâu cũng nghe tiếng xì xèo, to nhỏ ở phía sau lưng. Không có ánh mắt cảm thông. Không một lời sẻ chia. Không có sự thương xót. Những người ác ý thì dè bỉu, khinh bỉ mẹ con em ra mặt, bảo nhau tránh xa mẹ con, bà cháu nhà “Ết”. Em nghĩ chỉ có ra Hà Nội, nơi đông đúc người tứ xứ, không ai biết đến ai thì mẹ con em mới được yên thân. Vậy là em quyết định bỏ quê.
 
Ra thành phố, em tránh được sự kỳ thị. Em đã được yên ổn sống với nghề may gia công hàng chợ theo mùa. Thu nhập không cao nhưng đều đặn và đủ để em trang trải cuộc sống tối thiểu cho hai mẹ con ở phố. Con trai em đã lên lớp sáu. Em đã thuê được chỗ ở rộng hơn và đã đưa cả mẹ chồng ra sống cùng. Cũng may, em được một người bạn làm ở trung tâm phòng chống đại dịch “Ết”của thành phố, giúp làm thủ tục đăng ký sử dụng miễn phí thuốc ức chế phát triển virus. Em đã liên tục được sử dụng loại thuốc đó và thuốc tăng cường miễn dịch từ nhiều năm nay.
 
“Cũng do duyên phận trời đã định nên em mới có cuộc sống như bây giờ”. – Em bảo thế.
 
Vẫn người bạn quý mến ấy giới thiệu em gia nhập một tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế do chính phủ Mỹ tài trợ. Em trở thành tình nguyện viên của tổ chức đó. Em làm tư vấn viên, giúp đỡ thường xuyên một nhóm người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố. Mỗi tuần em đến khoa truyền nhiễm của bệnh viện trung tâm tham gia tư vấn cho những người có “H cộng” cách sử dụng thuốc ARV và theo dõi tác dụng phụ của thuốc ức chế siêu vi “Hív”. Em đã làm cầu nối để mười cháu nhỏ độ tuổi từ mẫu giáo đến tiểu học có cha mẹ bị chết vì HIV/AIDS nhận giúp đỡ vật chất thường xuyên của một tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, do một người Việt Nam định cư ở Đức sáng lập. Nguồn tài chính chủ yếu được những công dân Đức hảo tâm tài trợ. Em cũng là một tình nguyện viên tích cực của nhóm thiện nguyện ấy. Em thường xuyên đưa con trai em và mười trẻ thiệt thòi được những người Đức hảo tâm phụ nuôi đến tham dự các hoạt động cộng đồng do nhóm tổ chức vào các dịp lễ Tết, ngày Tết thiếu nhi, rằm Trung thu…
 
Nhiều phóng viên báo chí tìm muốn viết bài về em nhưng em từ chối vì nhiều lý do.
 
 “Em không muốn ai biết về thân phận của mình vì thực trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV như em hiện nay ở nước mình vẫn còn nặng nề lắm. Khi nào con em đủ lớn, đủ khôn thì có thể em sẽ tự kể ra chuyện nhà mình. May con trai của em không bị lây nhiễm HIV”.
 
Giọng em nghe buồn tênh! Em gượng nở nụ cười nhưng trông thì như đang mếu máo. Tôi chỉ biết thở dài.
 
“Đi làm tình nguyện viên như thế có lương không?”
 
“Không chị ạ. Chỉ được một chút gọi là phụ cấp đi lại. Em coi như làm từ thiện thôi. Đi làm việc thiện nguyện em không thấy cô đơn, cô độc nữa. Gặp những người cùng cảnh ngộ, gặp bạn đồng đẳng em được chia sẻ, trao đổi tâm tư. Nhiều gia đình có trẻ em bị nhiễm HIV thương tâm lắm. Có cháu bố mẹ chết hết vì “Ết”phải ở với ông bà. Có cháu thì bố chết, mẹ đi biệt tích bỏ con lại cho nhà chồng nuôi”…
 
 “Buồn quá nhỉ!”.
 
Tôi đệm một câu hết sức vô duyên như vậy.
 
“Em cảm thấy quý chị và tin chị nên em chia sẻ với chị. Còn khi về chỗ em sinh sống tạm thì em kín tiếng. Em từ đâu đến cũng không ai biết. Ngoài phần lớn thời gian ngồi ôm cái máy khâu, em đi đâu, làm gì cũng không ai biết. Kể cả con trai em cũng không biết mẹ đi đâu làm gì những khi ra khỏi nhà. Con trai em còn nhỏ quá nó chưa thể hiểu mà nói bây giờ”.
 
“Công việc của em ở bệnh viện là gì?”.
 
“Em phụ giúp các bác sỹ hoàn thiện hồ sơ sổ sách, ghi chép theo dõi cấp phát thuốc ARV và tư vấn cách dùng thuốc cho những người nhiễm mới. Từ ngày nhiễm “Hív” em đã đọc khá nhiều tài liệu về “Hív” và “Ết”. Em thành chuyên gia tư vấn cho nhóm có “Hát cộng” cách phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS cho người xung quanh, cách nhận biết các dấu hiệu ban đầu của bệnh nhiễm trùng cơ hội…”.
 
Em lại cười nhưng tôi thấy mắt em mọng đầy những nước.
 
“Em đã thành chuyên gia về HIV/AIDS thực thụ rồi. Em nói đâu ra đấy như là người được đào tạo bài bản vậy”.
 
Tôi xác nhận. Muốn tìm lời động viên em nhưng cứ như ai đang chặn họng tôi lại. Là người hoạt ngôn, nhưng hôm nay khi nghe câu chuyện của em tôi rất khó mở miệng.
 
“Em là Liên. Chị ghi số điện thoại của em và địa chỉ chỗ ở của em lại nhé. Khi nào rảnh hay có dịp đi ngang khu vực đó thì mời chị qua chơi cho biết mẹ con bà cháu nhà em ăn ở thế nào”.
Vậy là em đã tin tôi. Em đã coi tôi là chỗ thân tình. Nhớ buổi đầu em đến phòng khám khi tôi đề nghị em cho số điện thoại để liên lạc khi cần nhưng em không cho. Em bảo sẽ chủ động liên lạc với tôi.
Tôi tạm biệt em như tạm biệt một người nhà: “Nếu cột sống đau lại hoặc có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, cần tư vấn thì em nhớ là có một bác sĩ gia đình ở địa chỉ này nhé”.
Cùng với câu trả lời:“Vâng ạ” rất ngoan hiền, em tự tin bước ra khỏi phòng mạch giống như hôm đầu em đến tìm tôi, chỉ khác là đôi chân của em đã bước những bước vững vàng, chắc chắn. Không còn thấy một chút khó khăn trở ngại nào nữa.
Nhìn theo bóng em xa dần tôi đã mong muốn rất nhiều điều.
Cầu trời cho em đủ nghị lực và niềm vui sống!
Cầu trời cho con “Hív” cứ thế ngủ quên mãi mãi trong dòng máu đầy bản lĩnh của em!
Cầu trời cho em tiếp tục sống khỏe, để tiếp tục cống hiến cho cộng đồng và nuôi dạy con trai em nên người!
Cầu trời cho nền kinh tế nước nhà mỗi ngày một khá lên để Việt Nam có thể tự lo được tiền mua thuốc đặc trị, ức chế con “Hív” từ quốc tế!
Cầu trời cho tất cả những người có HIV vẫn sẽ được cấp phát thuốc ARV miễn phí như từ trước tới giờ!
 
Hy vọng là em đủ bản lĩnh để vượt qua nỗi đau bệnh tật, nỗi đau tinh thần, hy vọng là em sẽ sống khỏe đến khi y học thế giới tìm ra thuốc đặc trị chữa được AIDS với giá mà mọi người có thể chi trả!
Bất lực trước một bệnh nhân mắc căn bệnh nan y hiện cả nền y học thế giới chưa tìm ra cách trị tôi chỉ biết cầu trời như vậy.
Tôi cuốn vào công việc phòng khám và mấy hoạt động gọi là sống khỏe, sống vui nên chưa có dịp nào thăm nhà cô bệnh nhân đặc biệt tên Liên như đã hứa.
Bẵng đi một thời gian. Vào đầu mùa thu tôi nhận được một cuộc gọi đến
– Xin lỗi, em nào đấy?
– Em “Liên H cộng” đây. Chị không nhận ra em à?
– À, ừ, chào em. – Tôi lúng túng như người mắc lỗi vì không nhận ra người ở đầu dây bên kia, hỏi: em khỏe chứ?
Hỏi thì hỏi vậy nhưng tôi nghĩ chắc là em lại bị đau vì thường bệnh nhân cũ chỉ gọi khi họ đau lại và lại cần tôi.
– Em ổn chị ạ. Em có tin vui muốn chia sẻ với chị. Em đã có người yêu chị ạ. Chúng em quyết định làm đám cưới vào giữa tháng tới. Anh ấy là người cùng cảnh ngộ với em, làm nhóm trưởng nhóm tình nguyện viên của một tổ chức thiện nguyện phi chính phủ. – Giọng em thật vui tươi, thật nhiều năng lượng.
 
– Một tin thật tốt lành. Chị chúc mừng em.
– Chị đến chia vui với chúng em nhé?
– Nhất định rồi!
Căn phòng gần hai chục mét vuông dành làm phòng mạch sáng bừng lên một thứ ánh sáng, không phải từ mấy bóng đèn huỳnh quang đang được bật, cũng không phải từ khung cửa rộng mở mà phía ngoài ông mặt trời buổi sáng đang rực rỡ soi rọi.
 
Hình như nguồn sáng lạ kỳ ấy phát ra từ nơi ấy, phía “Liên Hát cộng” đang hiện diện, truyền qua không gian tới tận phòng mạch của tôi.
Chắc chắn là tôi sẽ đến dự đám cưới của các em. 
Tây Hồ, tháng 11 năm 2015
Y Mùi
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...