Như Bình và Trong
khu vườn của cha mẹNhà văn Như Bình
Tôi nhớ, mùa xuân năm Nhâm Thìn cách đây 6 năm, chưa
bao giờ vườn bưởi của cha mẹ lại cho một mùa hoa rậm rịt như thế. Từ trước Tết,
hàng trăm hàng nghìn bông bưởi sây nụ, nảy nở chíu chít trong vòm lá xanh biêng
biếc. Những nụ bưởi to, trắng nõn, mẩy căng chen chúc nhau trĩu nặng trên cành…
Ngày chúng tôi về đưa cha ra Hà Nội khám bệnh, quành ra vườn
bưởi, thấy cành nào cành nấy lúc lỉu nụ xanh. Tôi reo lên: “Cha ơi, hoa bưởi
sây thế này năm sau mùa bưởi chắc trĩu quả”. Không ngờ Tết đó cha ngã bệnh. Hết
tháng giêng, cha trút hơi thở cuối cùng dưới vườn bưởi trắng xóa hoa.
Từ cửa sổ căn phòng cha tôi nằm những ngày cuối đời, nhìn ra
cả một vườn bưởi nở hoa trắng, đưa hương thơm ngan ngát. Lúc cha tôi còn chút sức,
thỉnh thoảng ông vẫn trở dậy tựa lưng vào vách tường, hút một vài hơi thuốc lá.
Giai đoạn này, ông không còn ăn được nữa nhưng thuốc lá thì không dứt dược.
Ngậm được một chút khói thuốc vào người, cha cứ ngồi lặng nhìn
ra cửa sổ ngắm hoa bưởi rơi trong gió xuân cạn mùa. Bình thường khu vườn là thế
giới sinh động của cha. Cha thích trồng cây trái, và chăm đàn gà chọi vài ba chục
con. Không ngày nào làm vườn xong, cha không ôm ấp, vuốt ve, hít hà mấy chú gà
chọi lớn ngồng để luyện cơ bắp cho nó.
Giờ ốm, người vẫn ngó qua cửa sổ ra khu vườn nhìn lũ gà chạy
tớn tác dưới những vòm cây ăn quả xanh mướt lá với một nỗi trầm ngâm. Cha ngồi
trên giường, phía dưới chân giường là con Mực ngồi lì cả đêm cả ngày canh cha.
Từ ngày chủ ốm, Mực không buồn chạy chơi đâu xa, không cạnh khóe với lũ gà, mèo
mà nằm bẹp cuối chân giường nơi cha nằm.
Cha nằm trên giường, Mực cũng úp bụng xuống nền nhà, hai chân
đặt ra trước để gác cái mõm ươn ướt lắng nghe động tĩnh từ phía giường người
bệnh. Lúc cha ngồi dậy, Mực cũng nhổm dậy nghển cổ lên. Cha ngồi im lìm nhìn ra
khu vườn mùa xuân đang mơn mởn chín. Mực cũng nghiêng cổ hướng đôi mắt đen
loang loáng nước buồn thiu nhìn theo.
Ngoài đó, hương xuân đang dịu dàng phủ màu xanh mướt mắt lên
cây lá. Bao thức hoa dại giấu mình nơi góc vườn chờ xuân đến bừng bừng khoe sắc.
Nương theo ánh nhìn của chủ, cả Mực và cha cùng đắm mình trong màu hoa bưởi trắng
nõn, đắm mình trong mùi hương mùa xuân đang nảy nở thơm dậy cả khu vườn….
Năm ấy, khi cha vĩnh viễn không còn tựa được cái bóng hình gầy
guộc của mình bên cửa sổ nữa, cũng là lúc cả vườn hoa bưởi rụng thành thảm trắng
dưới đất. Cào cấu vào thảm hoa, Mực chạy xồng xộc từ nhà ra vườn, từ vườn lao
vào nhà, vừa chạy vừa tru như thể lên cơn dại, quần nát cả thảm hoa bên ngoài cửa
sổ phòng cha… Những cây bưởi vườn cha còn bói thêm vài vụ hoa nữa mới lụi tàn,
còn Mực thì cuối năm ấy nhớ chủ, Mực bỏ ăn tìm lối theo cha ra đồng phủ phục
bên mộ người.
Tôi vẫn nhớ như in vườn bưởi nhà cha mẹ mùa xuân năm ấy… Hoa
bưởi trổ bông sai nụ đẹp đến mức, ai đến nhà thăm cha cũng phải vòng ra sau vườn
hái một cành trĩu bông mang về. Cha mất mà hoa bưởi rơi trắng gốc như mưa bay.
Những cơn mưa trắng xóa, vĩnh viễn ướp hương hoa vào bầu trời mùa xuân năm ấy
cho người bình thản nhẹ gót. Ngày tiễn cha ra đồng, hương bưởi đưa vào không
gian một mùi thơm tinh khiết để cả chủ lẫn khách bâng khuâng trong cuộc chia ly
về miền miên viễn.
Những mùa xuân trở về nhà không còn bóng dáng cha… Kỳ lạ những
cây ăn quả cổ thụ khỏe mạnh trong vườn dường như cũng còi cọc dần, rồi biến mất
tăm tích trong khu vườn cũ. Chết nhiều nhất là cam, bưởi và chanh. Nhiều người
già trong ngôi làng của cha mẹ đến chơi nói về câu chuyện những linh hồn của
cây. Nếu những cái cây trong vườn nhà đang xanh tốt, một ngày tự dưng sâu đỏ
lá, rồi úa héo, rồi chết đứng trong vườn thường báo hiệu trong nhà sắp có những
biến cố không vui… đặc biệt là người thân đau ốm, bệnh tật. Cây sống lâu với
người, cũng hóa thân như một linh vật thiêng liêng….
Nhưng với những người già sống được rất lâu trên thế
gian này, ngày họ ra đi, cây cối, hoa lá trong vườn nhà sẽ hân hoan mở cuộc tiễn
đưa. Mùa xuân năm ấy, những cây bưởi trong vườn nhà cha mẹ tôi rộ một mùa hoa.
Đó cũng là lần cuối gia đình tôi và khách khứa còn nhìn thấy một vườn hoa bưởi
trắng bông…
Người già ở làng tôi nói, cây trái trong vườn linh thiêng lắm,
tiễn một người già về trời nên cây rủ nhau trẩy hội hoa lần cuối để đưa tiễn.
Vườn nhà cha mẹ tôi rất rộng, những lũy tre ken dày hàng trăm năm tuổi bao
quanh khu vườn, làm cho nơi đây như vẫn cất giấu những câu chuyện ma kỳ bí cha
kể cho chúng tôi từ hồi ấu thơ. Và từ đó, tôi sợ những mùa hoa bỗng nhiên lộng
lẫy trong vườn nhà cha mẹ. Bởi ít nhất hai lần, vào những mùa xuân đẹp nhất,
tôi đã chứng kiến hoa thoát xác tiễn người.
Mùa xuân năm Bính Thân 2016, tự nhiên tất cả các cây mai
phương Nam trong vườn xưa cha dắm vào đất sau mỗi vụ chơi Tết bỗng đồng loạt
chi chít đơm bông. Tết đến, nở rộ một vườn mai vàng rực trước sân chen lẫn những
cây đào bích hồng tươi trong tiết trời lạnh giá.
Những cây mai phương Nam, những cây đào phương Bắc các con
mang về biếu cha mẹ dịp Tết năm nảo năm nào để trong chậu, ươm mãi, nựng mãi đến
Tết mới chịu dè dặt nở lơ thơ những đốm hoa như nắng vàng rực trong tiết trời
giá lạnh của miền Trung. Đếm những bông mai nở to nhất, cha mẹ khoe trong đêm
giao thừa khi con cái ở xa điện thoại về….
Hết Tết, tiếc cây hoa quý, vườn nhà thì rộng, cha bứng hết ra
khoảng vườn trước sân trồng chen nhau cả mai lẫn đào. Mấy năm liền, những gốc
mai, gốc đào rụng hết lá trơ trọi cành chẳng bói nổi một mùa hoa.
Tự nhiên, Tết năm 2016, cả vườn mai đào trước sân bỗng nhiên
rủ nhau bung lụa. Suốt cả Tết, ai đến nhà thăm mẹ cũng thốt lên ngạc nhiên nhìn
những cây mai phương Nam thắp hoa vàng rực sân vườn. Không một ai lường được
sau Tết, đến rằm tháng Bảy năm đó, mẹ ngã bệnh rất nhanh rồi nhẹ nhàng ra đi. Mẹ
đi khi vừa qua tháng ngâu, cây lan tỏi nở hoa tím chi chít cổng nhà.
Đám tang mẹ đi, hoa tường vi trút những cơn mưa hồng ra tận
ngõ. Tôi càng tin cây cối, hoa lá trong vườn nhà có linh hồn thật. Như đoán được
cuộc đưa tiễn cuối vào cõi vô cùng với chủ nhân lâu đời nhất của ngôi nhà nên
cây cối trong vườn nhà tận hiến một mùa hoa…
Tết năm 2017, và có lẽ thêm nhiều cái Tết sau này nữa, khu vườn
của cha mẹ trống vắng vô cùng tận. Các con cái xa quê trở về ngôi nhà của cha mẹ,
chỉ còn cửa đóng then cài. Ngày cuối năm, không có ai mở cổng quét lá cây rụng
dày lối ngõ rồi vun lửa đốt. Không ai tỉ mỉ làm cây nêu có chùm hoa giấy cắt
tua rua nhuộm phẩm đỏ ối để cắm lên trước cổng nhà xua đuổi tà ma khi năm mới về.
Thiên đài nhện giăng tơ trên lư hương. Góc nhà chuột chạy lích rích như trẩy hội.
Sân tường rêu phong, cây cối lặng im trong vườn buồn bã xanh… Con cái về đứng lặng
trước nếp nhà cổ kính in bóng thời gian… Không còn tiếng gọi “Cha ơi mở cổng
cho con”, “Mẹ ơi, con và các cháu về ăn Tết đây cả rồi”. Không còn nghe tiếng
chổi tre đứt quãng của mẹ quét lá trong vườn thảng thốt giật mình tiếng gọi cửa
của con cái chiều cuối năm. Không còn tiếng con Mực sủa inh ỏi mỗi khi có
khách…
Năm gian nhà gỗ, nếp nhà cũ kỹ còn giữ lại được từ thời ông
bà nội đến nay lặng phắc. Ngoài vườn, cỏ dại xanh ngút ngàn. Trước sân, những gốc
đào gốc mai trút hết hoa cho những cái Tết xưa giờ còi cọc trở lại.
Nhưng cũng thật lạ. Không phải cây trái nào trong vườn cũng
tàn lụi hết. Mỗi lần con cái trở về, thể nào trước sân nhà vườn của cha mẹ cũng
sẽ có một vài cái cây im lặng trổ hoa. Nhiều nhất là hoa xương rồng, thiếu tay
người chăm sóc, nhưng xương rồng vẫn trổ hoa đỏ chói vào dịp rằm mồng một để
con cái về thấy ấm lòng như cha mẹ đang còn.
Trước Tết năm nay, cây ngũ gia bì ngạc nhiên đậu một mùa hoa
hiếm hoi xanh biếc. Hàng cau trước hiên nhà vẫn sai quả… Chúng tôi vẫn vặt cau
vườn, bổ ra từng miếng xinh xắn, hái lá trầu không trong vườn mẹ têm hình cánh
phượng đặt lên ban thờ mời cụ kỵ, ông bà cùng mẹ thưởng trầu. Vườn của cha mẹ,
các con vẫn chăm bón, vun xới, trồng lại trên đó những gốc chanh gốc bưởi. Mùa
nào thức nấy, các con vẫn phủ lên màu xanh của rau quả mướt màu… Mỗi lần về
thăm nhà, cây cảnh trước sân vẫn gọi hoa về trổ những bông tươi thắm như thể
linh hồn cụ kỵ, ông bà, cha mẹ về đó, đậu trên những bông hoa mỉm cười chào đón
cháu con…
Chúng tôi vẫn giữ nếp cũ trở về quê ăn những cái Tết trong
ngôi nhà của cha mẹ. Dù cha mẹ đã đi xa, dù ngôi nhà giờ chỉ còn lại những chiếc
bóng của hoài niệm. Ở đó, ký ức như những thước phim chậm chạp ngược thời gian
gọi những ấm áp thương nhớ quay về.
Cũng chỉ đến lúc này, ngồi bên bếp lửa của cha mẹ nhen lên một
đụn khói xám chiều cuối năm, xít xà vị khói mốc meo trong căn nhà cũ kỹ của cha
mẹ, lúc đó mới thực chạm được vào Tết. Chỉ đến lúc tất cả cháu con quây quần
bên bếp lửa trong đêm vắng, lắng nghe tiếng nổ lách tách của than củi mới nhận
ra mùi Tết ấu thơ quen thuộc xộc lên cay xè cả mắt mình.
Chỉ có về lại ngôi nhà cha mẹ và đứng trước sân với nén hương
cúng tạ trời đất, mới thấy hương vị Tết thong thả dâng đầy trong mâm cơm cúng tổ
tiên, ông bà cha mẹ ngày cuối năm.
Xuân 2018
Như Bình
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét