Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Từ Murasaki đến Kawabata

Từ Murasaki đến Kawabata

Đã có rất nhiều người nổi tiếng như chính bản thân Kawabata Yasunari viết về ông. Những lời ca tụng cho người châu Á thứ hai đoạt Giải thưởng Nobel Văn chương vang lên từ khắp nơi trên thế giới.
Cũng giống như trong thực tế cuộc sống, có những đất nước được gọi là cường quốc về mặt này hay mặt khác ở từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử, trong văn học cũng có những sự tôn xưng không hẳn là chính thức nhưng chúng ta đều thừa nhận. Các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản,… đều có những thành tựu văn học ngang tầm thế giới trong quá khứ xa xôi. Nhưng ở thế kỷ XX, thế kỷ hiện đại và nhất là trong những năm tháng đương đại, thì dường như văn học Nhật Bản được thế giới biết đến nhiều hơn cả. Bằng cớ là hai giải Nobel Văn chương và những kiệt tác điện ảnh chuyển thể từ những tác phẩm của Akutagawa Ryunosuke.
Đọc những tác phẩm của Kawabata, ta mơ hồ thấy lại hình bóng của nàng Murasaki, một thiên tài văn học của Nhật Bản ngàn năm trước.
Một bên là nước Nhật cổ xưa với một thời đại đẹp đẽ, huy hoàng, xứng đáng với tên gọi Heian (Bình An). Một bên là nước Nhật hiện đại, là kẻ thua trận trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, đang tìm cách phục hồi danh dự bằng sự nỗ lực phát triển kinh tế.
Nhà văn Kawabata Yasunari sinh ngày 14.6.1899, mất 16.4. 1972. Ông được nhận Giải thưởng Nobel Văn chương năm 1968.
Một bên là người phụ nữ quý tộc chốn cung đình. Một bên là một con người bình thường có một tuổi thơ cô độc.
Một ngàn năm là khoảng cách đo được giữa hai cuộc đời.
Vậy, giữa Murasaki và Kawabata có điểm gì chung?
Nhà nghiên cứu ngữ văn phương Đông người Nga, giáo sư viện sĩ N.T. Fedorenko trong bài tùy bút “Kawabata – Con mắt nhìn thấu cái đẹp” khẳng định rằng: “Đối với Kawabata, một trong những nguồn cổ vũ và tác động mạnh mẽ nhất đến việc hình thành nên khuynh hướng thẩm mỹ của ông là tác phẩm văn học cổ điển trứ danh của Nhật Bản “Genji monogatari” (Truyện Genji), một thiên truyện được viết với trình độ nghệ thuật điêu luyện, một thứ “tiểu thuyết luân lý” kể về cuộc đời của Genji vĩ đại – cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong lịch sử văn học thế giới.
“Genji monogatari” của Murasaki Shikibu (978 – 1014) là đỉnh cao của văn xuôi dân tộc, là tài sản vô giá của nghệ thuật văn chương Nhật, là mẫu mực ngôn ngữ hoàn chỉnh nhất của thời kỳ cổ điển. Chính trong thiên tiểu thuyết này, ngôn ngữ Nhật với tính biểu cảm phi thường của nó đã đạt tới đỉnh cao, xứng đáng được xếp vào hàng những ngôn ngữ văn học phát triển nhất của thế giới.” (N.T. Fedorenko, Kawabata – Con mắt nhìn thấu cái đẹp, Thái Hà trích dịch từ tiếng Nga, tạp chí Văn học nước ngoài, số 4. 1999, trang 213).
Những tác phẩm của Kawabata là tiếng vọng âm thầm từ nước Nhật nghìn xưa, là sự tiếp nối những gì mà Murasaki đã phơi bày trên trang sách của mình từ một thiên niên kỷ trước.
Chẳng phải chỉ có một Kawabata mà hầu như suốt một ngàn năm sau Murasaki, trong văn xuôi và thơ ca Nhật Bản bàng bạc bóng hình và tư tưởng của nàng.
Chúng ta thử nhắc đến một vài người viết văn xuôi Nhật Bản sống sau thời đại của Murasaki. Thời Kamakura và Muromachi (từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVI) có những tên tuổi như Kamo no Chomei (1153 – 1216), thiền sư Dogen (1200 – 1253),… và Yoshida Kenko (1283 – 1353) tuy nổi tiếng là một trong bốn nhà thơ hàng đầu của thời đại mình nhưng ông đã để lại một tác phẩm văn xuôi tuyệt diệu là cuốn tùy bút “Trầm tư trên cỏ”. Chúng ta hãy đọc những lời ông ghi chép trong tập tùy bút của mình:
“Cho dù có tài ba bao nhiêu đi nữa, nếu không yêu nữ sắc thì người thanh niên vẫn còn thiếu sót, như thể một cốc rượu tuy quý báu mà lại không có đáy.”
“Không chỉ thưởng trăng và ngắm hoa tận mắt thì chúng mới đem lại cho chúng ta niềm vui. Vào một ngày xuân, dù không rời nhà; hay vào một đêm trăng, còn ở lại trong phòng, chỉ mới nghĩ đến trăng hay hoa thì đã cảm thấy hân hoan vui thích rồi”. (Dẫn theo Nhật Chiêu, Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1968, Khoa Ngữ văn và Báo chí trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, 1997, trang 177, 178).
Dù sống ở giữa thời Kamakura và Muromachi, nhưng Yoshida Kenko vẫn mang nặng tinh thần của thời đại Heian: tôn thờ và say mê cái đẹp, trân trọng và nâng niu từng khoảnh khắc sống của con người dẫu biết rằng những khoảnh khắc ấy là mong manh và ngắn ngủi.
Ngay cả ở một tác phẩm tưởng chừng như hoàn toàn trái ngược với Genji monogatari là “Heike monogatari”, một tác phẩm của những cuộc chiến khốc liệt, của những con người sinh ra để chiến đấu hơn là để yêu thương, thì phảng phất đâu đó vẫn là một nỗi vô thường kín đáo, một niềm bi cảm sâu xa.
Ở những vở kịch Nô nổi tiếng của Zeami Motokyo (1363 – 1443), tính chất yugen (u huyền) sâu thẳm vẫn là cái dường như ta đã bắt gặp trong “Genji”. Những hồn ma đầy huyền bí trong các vở kịch Nô tương tự như những hồn ma xuất hiện trong “Genji”. Đó đều là những hồn ma không sống yên ổn nơi thế giới bên kia, đều còn vương vấn bụi trần nên tìm cách quay lại dương gian, mong tìm lại cho mình tình yêu hay lẽ sống. Khát vọng không nguôi ấy đôi khi làm cho người ta hoảng sợ và đôi khi làm tổn hại đến cả những con người đang sống (hồn ma của phu nhân Rokujo luôn ám ảnh những người tình sau này của chàng hoàng tử Genji).
Bước sang thời Edo (từ thế kỷ XVII đến năm 1868), thời đại của “văn chương phù thế” như nhận định của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, có tên tuổi của một nhà viết tiểu thuyết tiếng tăm là Ihara Saikaku (1641 – 1693). Thời Edo có thể được xem là thời Heian của tầng lớp thị dân, là một Heian được trần tục hóa. Bên trong lớp vỏ sắc tình, Ihara Saikaku là một ngòi bút hiện thực. Dù vậy tác phẩm “Người đàn ông đa tình” kể về cuộc đời năm mươi năm tình ái của chàng trai Yonosuke vẫn làm cho chúng ta liên tưởng đến kiệt tác của Musaraki. “Năm mươi bốn chương sách ở đây tương ứng với năm mươi bốn chương của truyện Genji, tuy tiểu thuyết của Saikaku ngắn hơn nhiều (toàn bộ cuốn sách chỉ dài hơn 200 trang mà thôi trong khi truyện Genji dài khoảng 3000 trang).
Tuy nhiên, Yonosuke là một Genji của văn chương phù thế nghĩa là một Genji “thị dân hóa” hoàn toàn.
Yonosuke tất nhiên không có “hào quang” như ông hoàng Genji. Tiêu điểm của tác phẩm chỉ xoay quanh phương diện lạc thú của tình yêu. Nó không thể hiện một cảm hứng thẩm mỹ tinh tế và lý tưởng như truyện Genji…” (Nhật Chiêu, Câu chuyện văn chương phương Đông, Nxb. Giáo dục, 1997, trang 204).
Cái mốc thời gian năm 1868 không chỉ đơn thuần là năm thiên hoàng Minh Trị lên ngôi mà nó còn đồng nghĩa với việc đất nước Nhật Bản có những bước chuyển mình sang thời kỳ hiện đại. Thế kỷ XX của văn học Nhật Bản là thế kỷ của những tên tuổi văn xuôi có tiếng vang trên thế giới, cho dù chính Kawabata đã nhận xét rằng: “Ở Nhật, sau gần một thế kỷ du nhập văn chương Tây phương, không có gì đạt nổi tới những đỉnh cao của kiểu mẫu văn chương Nhật Bản mà Murasaki thời Heian hay Basho thời Tokugawa đã biểu hiện và văn chương dường như chỉ đi xuống” (Nhiều tác giả, Tuyển tập truyện ngắn Nhật Bản hiện đại, tập 1, Nhật Chiêu (chủ biên) và những dịch giả khác, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 1996, trang 18). Nhận xét của Kawabata không sai nhưng có phần nghiêm khắc quá chăng?
Tanizaki Junichiro (1886 – 1965) là một tên tuổi gắn liền với thiên truyện “Cầu mộng”. “Cầu mộng” gợi cho chúng ta nhớ tới một chương của tác phẩm Genji. Bản thân Cầu mộng cũng là một Genji thu nhỏ. Không có gì ngạc nhiên khi chính Tanizaki là người đã chuyển Genji từ tiếng Nhật cổ sang tiếng Nhật hiện đại thành công nhất. Nhân vật xưng tôi tên là Tadasu vừa có một nét gì đó của Genji vừa có một nét gì đó của Yugiri. Đó là nỗi ám ảnh không nguôi mang tính nhục cảm từ hình ảnh của người mẹ đẻ và sau đó là của người mẹ kế. Nhưng bên cạnh yếu tố sắc tình như trong Genji, Tanizaki Junichiro hình như còn đưa vào trong thiên truyện của mình những yếu tố của chủ nghĩa Freud mà ông đã tiếp thu được từ phương Tây hồi đầu thế kỷ này, trong đó người mẹ và tình nhân là một và đồng thời là hiện thân vĩnh cửu của cái đẹp.
Một tên tuổi khác nhuốm vẻ huyền thoại tương tự như văn hào Mỹ Ernest Hemingway là Mishima Yukio (1925 – 1970). Những kiệt tác như “Khát vọng tình yêu”, “Tiếng sóng”, “Kim các tự”… là những biểu hiện cụ thể bằng ngôn từ cho tư tưởng của ông. Đó là tư tưởng về cái đẹp: Đẹp là cái gì tàn bạo, dũng mãnh để đi tới tự hủy hoại hay là bị hủy hoại. Bản thân Mishima cũng là một con người đẹp với đầy đủ ý nghĩa của từ này và ông cũng là người đi tới tận cùng tư tưởng của mình bằng hành vi tự hủy hoại thân xác. Không hề đồng tình với cái chết của Mishima, nhưng chỉ hai năm sau đó, Kawabata cũng chủ động từ giã cõi đời. Không nên tìm cách lý giải những bí ẩn đó, vì có lẽ cả Mishima và Kawabata bằng cái chết của họ muốn nhắc nhở chúng ta rằng bản thân cuộc sống con người là bí ẩn, tương tự như mỗi cái đẹp là một bí ẩn và mỗi tình yêu cũng là một bí ẩn.
Không đầy vẻ kiêu hãnh và tuyệt vọng như Mishima Yukio, Kawabata nói đến cái đẹp với vẻ bình dị hơn nhưng không kém phần sâu sắc và thơ mộng.
 Nhà nghiên cứu văn học Hà Thanh Vân
TIẾNG VỌNG CỦA TÂM HỒN NHẬT BẢN TRUYỀN THỐNG
Trong bài diễn từ khi nhận giải Nobel văn học, Kawabata xác quyết rằng ông sinh ra từ cái đẹp của Nhật Bản, mặt khác ông cũng không quên nhắc đến tên tuổi của Murasaki như là một nguồn suối mát nuôi dưỡng cho cả nền nghệ thuật Nhật Bản.
Chúng ta hãy hiểu cái đẹp theo một nghĩa rộng và sâu. Cái đẹp không chỉ là những biểu hiện vật chất thuần túy. Hơn thế nữa, nó mang ý nghĩa tinh thần và ở một mức độ nào đó chính là tâm linh.
Là một người yêu cái đẹp như Murasaki đã từng yêu, Kawabata có cùng một cảm thức với Murasaki: cái đẹp hiện hữu trong cuộc sống, nhưng sự hiện hữu đó mang tính chất phù du, hư ảo. Tình yêu bắt nguồn từ sự rung cảm trước cái đẹp, do đó tình yêu cũng mong manh. Sáng chói như Genji, là niềm mơ ước của bao công nương và phu nhân quý tộc, chàng là hiện thân lý tưởng, toàn mỹ của cái đẹp và được bao vẻ đẹp khác nghiêng mình. Nhưng chính chàng cũng là người chứng kiến sự lụi tàn của cái đẹp. Những người con gái chàng từng yêu mến như Fujitsubo, Yugao, Murasaki… đều lần lượt bước sang thế giới bên kia trước chàng. Cũng giống như chàng Shimamura đến xứ tuyết và trái tim như chia làm hai nửa. Một tình yêu nhục cảm hướng về nàng Komako và một tình yêu gần như là sự tôn thờ dành cho người con gái tình cờ gặp gỡ dọc đường là nàng Yoko. Tác phẩm kết thúc bằng một đám cháy dữ dội và Yoko chết trong đám cháy đó. “Chàng tiến lên một bước để đứng cho vững và trong khoảnh khắc ngả đầu về phía sau, dải Ngân hà chảy tuột vào người chàng trong một tiếng gầm thét dữ dội” (Kawabata Yasunari, Vùng băng tuyết, Giang Hà Vỵ dịch, Nxb. Mũi Cà Mau, 1988, trang 186). “Xứ tuyết” là một bản bi ca đồng thời cũng là một bản tụng ca về cái đẹp.
Cái đẹp – đó chính là điểm khởi đầu cho niềm bi cảm mono no aware (nói một cách dễ hiểu là nỗi buồn của sự vật, là cảm thức bâng khuâng, xao xuyến trước vẻ đẹp của của con người và thế giới khi “ngộ” được rằng sự hiện hữu đó là vô thường). Trong tác phẩm “Genji” chữ aware xuất hiện thường xuyên và vì vậy hầu như các nhà nghiên cứu, phê bình đều thống nhất với nhau ở ý kiến “Genji” là một tác phẩm của niềm bi cảm. Cảm thức mono no aware đã từ truyền thống văn học Nhật Bản nghìn năm trước đi vào những tác phẩm “Xứ tuyết”, “Ngàn cánh hạc”, “Cố đô”, “Người đẹp say ngủ”, “Tiếng rền của núi”,… của Kawabata.
Cái đẹp bị hủy hoại, thế nhưng Murasaki và Kawabata không bao giờ cho rằng nó bị tận diệt. Cái đẹp luôn luôn tái sinh và hiện hữu trở lại. Hiểu được tư tưởng này, chúng ta sẽ nhìn những cái mà đôi khi người ta gọi là vô luân trong tác phẩm của Murasaki và Kawabata bằng một con mắt khác. Genji yêu người mẹ kế Fujitsubo vì tìm thấy ở nàng bóng dáng của người mẹ mất sớm. Đến lượt mình, chàng thanh niên Yugiri – con trai của Genji – mỗi khi gặp người mẹ kế Murasaki thì “từ nhiều năm nay, và tuy biết là mình không thể với tới được, chàng thường đứng ngắm nàng từ xa và tiếc là không được phép biểu lộ tình cảm của mình với nàng, dù chỉ là tình cảm bình thường nhất” (Murasaki Shikibu, Truyện kể Genji, tập 2, nhiều người dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, trang 99). Kaoru, đứa con hờ của Genji luôn bị ám ảnh bởi những người phụ nữ là chị em ruột. Chàng lấy công chúa Hai làm vợ nhưng khi gặp công chúa Nhất thì lòng lại xao xuyến. Tình yêu của chàng đối với cả ba chị em Oigimi, Nakanokimi và Ukifune xinh đẹp, giống hệt nhau là một thứ tình cảm đặc biệt. Người bạn thân của Kaoru, hoàng tử Niou cũng có một tình cảm tương tự. Họ đi tìm cái đẹp đã mất.
Và Kawabata, trong tác phẩm “Ngàn cánh hạc,” một tác phẩm lấy chủ đề từ một nghi lễ đã được nâng lên đến hàng “đạo”: Trà đạo của người Nhật Bản, đã nói đến cái đẹp tàn phai và tái sinh. Trong một buổi trà đạo, chàng thanh niên Kikuji gặp hai mẹ con bà Ota và Fumiko. Bà Ota vốn là người tình cũ của cha chàng. Với Kikuji, bà Ota tạo dựng lại một mối tình, một mối tình vừa đắm say, vừa tội lỗi. Bà chết đi, đến lượt Kikuji tìm thấy ở Fumiko hình ảnh của người mẹ quá cố. Một biểu trưng của cái đẹp là chiếc chén trà Shino của bà Ota. “Trên nền men trắng phủ một lớp màu đỏ nhạt. Nhìn vào đó, người ta có cảm tưởng màu đỏ nhạt dường như nổi lên trên bề sâu của nền men trắng.
Vành chén hơi ngả nâu. Tại một khoảng trên vành chén, màu nâu đậm hơn.
Có phải nơi đây nhiều người đã uống?
Vành chén có lẽ đã bị nhuộm bởi màu của trà và có lẽ bởi cả môi người.
Kikuji nhìn màu nâu nhạt, và có cảm giác là màu nâu đó đã được quết lên bằng một lớp màu đỏ.
Nơi nào là nơi sáp môi của người mẹ còn lưu lại?
Nơi vết nứt cũng có một màu đỏ sậm
Màu của sáp môi phai nhạt, màu của bông hồng đỏ tàn úa, màu của máu khô – Kikuji cảm thấy buồn nôn.
Cảm giác buồn nôn về một sự dơ dáy và sự lôi cuốn ngoài quyền hạn đến cùng một lúc.
Trên nền men điểm lấm tấm chấm màu xanh và màu rượu chát, vòng quanh lưng chén là hình vẽ lá cỏ rậm rạp. Sự sạch sẽ và sắc sảo đủ làm tan biến sự tưởng tượng bệnh hoạn của chàng”(Kawabata Yasunari, Ngàn cánh hạc, Trùng Dương dịch, Trình Bày xuất bản, Sài Gòn, 1969, trang 136, 137.)
Fumiko đã đập vỡ chén trà, muốn xóa đi những gì thuộc về quá khứ vì nàng yêu Kikuji, nhưng Kikuji đã nhặt lại những mảnh vụn. Cái đẹp ngay cả khi tan vỡ vẫn còn đủ sức làm rung động lòng người.
Trong tác phẩm “Cố đô”, Kawabata nói về hai chị em sinh đôi nhưng sớm bị chia lìa: Chieko và Naeko. Chàng trai Hideo say mê và muốn lấy Chieko nhưng tự cho mình không xứng đôi với nàng, thế nên anh cầu hôn Naeko, người giống nàng như hai giọt nước. Lại là một sự kiếm tìm vẻ đẹp này ở nơi một vẻ đẹp khác.
Những tác phẩm của Kawabata thường tràn ngập một nỗi buồn mono no aware, nỗi buồn cho cái đẹp. Cũng như Murasaki, Kawabata đã đi đến tận cùng của cái đẹp ấy và ông chợt hiểu ra rằng, cái đẹp mất đi nhưng rồi sẽ trở lại cũng như sự sinh sôi và nảy nở luân hồi của cuộc sống. Trên tinh thần đó, phải chăng chúng ta nên gọi những tác phẩm của Kawabata là những “bi kịch lạc quan” hay là những bản “bi ca hy vọng”? Cái chết của Kawabata không có nghĩa là lý tưởng của ông đã chết, mà có lẽ là một sự từ chối thỏa hiệp với một – cuộc – sống – không – đẹp ngoài đời.
HƠI THỞ TỪ CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI…
Dường như người ta đã nói nhiều về tính chất truyền thống trong những tác phẩm của Kawabata, nhưng trước hết ông là con người hiện đại của nước Nhật trước và sau chiến tranh thế giới thứ hai, cho dù ông có xem đó là một – cuộc – sống – không – đẹp.
Không chỉ là một người rất am hiểu những truyền thống văn hóa Nhật Bản, Kawabata còn là một người rất yêu thích các nhà văn Tsekhov, Lev Tolstoy, Marcel Proust, James Joyce,… Chúng ta đừng quên rằng vào những năm hai mươi của thế kỷ, Kawabata được xem là nhà văn của trường phái Tân cảm giác và dấu vết của một thời sáng tác đã theo ông đi vào những tác phẩm sau này như “Xứ tuyết”, “Ngàn cánh hạc”,…
Kawabata là người có kỹ thuật viết văn xuôi khá đặc biệt. Theo giáo sư viện sĩ N. T. Fedorenko, thì Kawabata cho rằng người nghệ sĩ phải biết dùng vài phương tiện ít ỏi mà nói lên được nhiều nhất, phải biết dùng ngôn từ và màu sắc để truyền đạt các cảm xúc và kinh nghiệm nhìn đời của mình. Nói về truyền thống, Kawabata tiếp nhận những ảnh hưởng của tác phẩm “Genji”, thơ Haiku với nền tảng là tinh thần Thiền tông. Sự kiệm lời của thơ Haiku và tinh thần Thiền tông kết hợp với sự duy lý trong kỹ thuật viết văn phương Tây làm cho những tác phẩm của Kawabata có một phong cách đặc thù. Tạm chưa nói đến truyện ngắn, nhưng những tiểu thuyết của Kawabata thường có số trang không nhiều, nhân vật cũng chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Một ngàn năm trước, Murasaki đã xây dựng nên một bộ trường thiên tiểu thuyết với hàng trăm nhân vật, nhưng ở thời hiện đại, Kawabata lại thấy bằng lòng với một dung lượng ngôn từ nhất định. “Genji “là một câu chuyện kể, một monogatari và Murasaki đóng vai trò người kể chuyện. Kawabata không kể mà ông ẩn mình đằng sau những câu chuyện.
Khó có thể nói Kawabata đi theo con đường của Marcel Proust với kiểu viết dòng ý thức, nhưng trong những tác phẩm của ông, thời gian không đi theo một mạch thẳng mà có sự gấp khúc, những liên tưởng, ám ảnh từ quá khứ cứ luôn luôn song hành với phút giây hiện tại (Shingo nhớ về người chị vợ đã mất, Kikuji nhớ đến bà Ota…), quá khứ và hiện tại bị xóa nhòa, trộn lẫn. Kawabata chú trọng đến những khoảnh khắc, những ý nghĩ thoáng qua, những hành động tưởng chừng như vô nghĩa mà lại có ý nghĩa. Kawabata không miêu tả toàn bộ cuộc đời, không nhìn cuộc đời bằng cái nhìn theo chiều dọc. Ông nhìn cuộc đời theo chiều ngang, bằng những nhát cắt ngang. Cũng giống như người ta không đứng dưới gốc cây hướng cái nhìn lên ngọn, mà xẻ ngang thân cây để nhìn thấy những đường vân quý giá.
Bút pháp của Kawabata dung dị nhưng không có nghĩa là đơn giản. Tác phẩm của ông vừa có một điểm gì chung mà lại vẫn rất khác nhau. Truyện ngắn “Cánh tay” là một truyện ngắn chứa đựng nhiều yếu tố hiện đại. Một tác phẩm có tính chất huyền ảo gợi cho chúng ta nhớ tới chủ nghĩa hiện thực huyền ảo châu Mỹ Latinh, nhưng tiểu thuyết “Người đẹp say ngủ” vẫn rất khác với “Cô vũ nữ xứ Izu”.
Và cái đẹp ở thời hiện đại cũng rất khác với cái đẹp ngàn năm trước. Murasaki nói đến sự tan vỡ của cái đẹp theo thời gian, còn Kawabata – một con người hiện đại – nói nhiều đến các yếu tố bên ngoài tác động vào cái đẹp. Ông hiểu rằng một nước Nhật thời hậu chiến không phải là một đất nước mà cái đẹp được tôn thờ nữa (cô con dâu Kikuko xinh đẹp và thuần khiết của ông già Shingo không thể ngăn cản được sự ngoại tình của chồng mình. Cô đã từ bỏ đứa bé mang trong bụng). Cái đẹp không chỉ mất đi theo thời gian, theo lẽ thông thường sinh lão bệnh tử mà cái đẹp còn có thể mất đi vì bất cứ lý do nào. Vì sự thờ ơ, ghẻ lạnh của người đời, vì cuộc sống hiện tại có quá nhiều khó khăn trắc trở, vì sự phát triển của xã hội làm mất đi nhiều giá trị cũ…
Điều mà Kawabata mong ước có lẽ là sự phục sinh của những truyền thống cũ tốt đẹp trong sự dung hòa với thế giới hiện tại. Bản thân tác phẩm của ông cũng là một sự kết hợp hài hòa giữa phương Đông và phương Tây. Phương Đông – đó là tư tưởng và phương Tây – đó là cách thức để biểu đạt tư tưởng đó. Kawabata – người nghệ sĩ Nhật Bản thuần túy trong những trang văn trực cảm và duy mỹ, nhưng cũng là nhà văn của thế giới khi biết dùng ngòi bút của mình hướng tới những chủ đề vĩnh cửu của nhân loại.
TS HÀ THANH VÂN
 
Hà Nội, 21/8/2015 
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy"

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy" “Tôi là ai? Bản ngã tôi ở đâu? Tôi sống trên đời này để làm gì và tôi có thể l...