Thứ Hai, 16 tháng 1, 2023

Ước là người đến sau, sau thật sau, để được là sau cuối

Ước là người đến sau, sau
thật sau, để được là sau cuối

Nhà thơ Nguyên Trân là một trong những thành viên sáng lập trang Văn Học Sài Gòn, tác giả của hai tập thơ “Cỏ không tên” và “Thinh Hương”. Hôm nay 27.01 là sinh nhật của người đàn bà trẻ làm thơ sinh trưởng ở Hà Nội hiện sống và làm việc ở TP.HCM, VHSG chúc mừng Nguyên Trân và giới thiệu bài viết của nhà văn Cao Chiến về thơ chị.
Nhà thơ Nguyên Trân
Tác giả Nguyên Trân đã cho trình làng hai tập thơ: “Cỏ không tên” vào cuối 2015 và “Thinh Hương” khá dày dặn gồm 80 bài – vào năm 2016, đều dán mác Nxb Hội nhà văn. Nội dung bài viết này gói trong một vài cảm nhận về tập thơ thứ hai.
Mô-tip xuyên suốt Thinh Hương cơ bản là nói về yêu, có thể coi là một tập thơ tình, dù đó là Về phố, Hương quê, Chờ xuân, Vẫn còn một đốm lửa, Nắng hạnh, Tình ru, Bốn mùa khắc khoải, Dòng hạ… Tình trong Thinh Hương có khá nhiều cung bậc nhưng thật sự là rất ấm áp dù đây đó có chút gì oán trách giận hờn. Người thục nữ trong Thinh Hương lắng nghe tiếng thầm thì của phố, của mùa, của cơn mưa qua, của gió heo may, của những khoảng lặng trái tim, mổ xẻ và cho chúng thăng hoa.
“Em lặng lẽ choàng chiếc khăn lụa tím/như lần đầu e lệ đón lời yêu/nước hồ lay động/bóng anh xa vắng/hoài công em đã trang điểm mỹ miều” (Chờ xuân);“Em trói chặt những ý nghĩ về anh/rồi đem nhốt thật sâu vào một nơi không thể tìm thấy/…năm quá dài và tháng quá rộng/lòng người sâu nhưng lòng người trống rỗng/dẫu cố tình tìm về, liệu có lại còn nhau/em ước mình là người đến sau/sau thật sau, để được là sau cuối/là người nhen lên ngọn lửa đã nguội/để giờ này không cần chôn chặt những nhớ thương” (Vẫn còn một đốm lửa).
Tập thơ Thinh Hương của Nguyên Trân
Nhiều người đàn bà có hành động làm đẹp như người đàn bà trong “Chờ xuân”nhưng thứ nhận được lại là sự thờ ơ khiến họ cảm thấy là mình đã hoài công trang điểm. Sự đối lập của hai trạng thái, hồi hộp náo nức rồi rơi vào trống trải chẳng phải ai cũng nói ra được. Chỉ bằng đôi hình ảnh choàng khăn, nước hồ lay động và hoài công trang điểm mỹ miều, tác giả đã lột tả trọn vẹn tâm trạng “Chờ xuân” khiến cho nhiều người phải chạnh lòng. Với “Vẫn còn một đốm lửa” thì lại là một trạng thái khác. Người đàn bà đã quyết liệt ra tay “trói chặt những ý nghĩ về anh/rồi đem nhốt thật sâu vào một nơi không thể tìm thấy” nhưng đâu đó vẫn còn một đốm lửa. Tôi thật sự rất có ấn tượng với tâm nguyện “em ước mình là người đến sau/sau thật sau, để được là sau cuối/là người nhen lên ngọn lửa đã nguội/để giờ này không cần chôn chặt những nhớ thương” (Vẫn còn một đốm lửa). Trong bài hát “Main dans la main” có câu “Mon presque premier amous”, nôm na là khi yêu thì dường như tình nào cũng là tình đầu. Phải nhân văn lắm lắm người ta mới ước mình không chỉ là người đến sau mà là sau thật sau để được làm người sau cuối.
Ngôn ngữ trong Thinh Hương có thể nói là tinh tế và có một chút gì vẻ hơi đài các khi biểu đạt trạng thái cảm xúc. Chủ quan tôi cho rằng tác giả đọc và thuộc rất nhiều thơ, bởi để có được ngôn ngữ theo lối này ngoài năng khiếu và sự si mê còn một yếu tố là năng lực hấp thụ và thẩm thấu thơ. “Văng vẳng điệu nhạc buồn/dưng nhớ người dưng quá/phố xưa bỗng hóa lạ/thiếu một làn hương quen” (Về phố); “Hoàng hôn trắng/ngu ngơ buông/mơ tiền kiếp/ngào ngạt một vùng trăng suông/nối nhớ niềm thương dâng trùng trùng điệp điệp/…gió không lời/lan nhè nhẹ/ngày nối ngày diệu vợi/giọt nắng hạnh miên tràn muôn lối” (Nắng hạnh); “Cơn gió hạ chất chồng hờn giận/ngậm hương sen tinh tấn giao hòa/khỏa đi cay đắng xót xa/nhớ thương lưu lại đậm đà mãi thôi” (Dòng hạ).
Cái hay của việc hấp thụ và tìm kiếm cho mình lối biểu đạt là ở chỗ ngôn ngữ và nhịp thơ phù hợp với tâm trạng. Ví dụ trong bài Hương quê, Nguyên Trân viết: “Giếng làng mát trong/hớ hênh yếm đài/thênh thênh sợi gầu dài/trăng thượng tuần gột rửa bụi trần/…bước nhỏ lối mòn/mái đình xưa vẫn hẹn/giọng ru hời thắm đượm/gió lành thoảng nhẹ dấu hài du hao” (Hương quê). Ở khúc thơ này ta thấy thấp thoáng bóng một miền quê cổ với giếng nước, cô gái hớ hênh yếm đài, và chút gì nữa chỉ có ở một vài nơi ví dụ như Kinh bắc hoặc một đôi  vùng ven Hà Nội, “gió lành thoảng nhẹ dấu hài du hao” man mác nhớ thương. Hoặc cái chất kim cổ giao hòa trong “Dòng hạ”mà tôi đã dẫn ở trên cũng vậy. Chính là ở sự tinh tế và có chút gì đài các của ngôn ngữ đã tạo cho Thinh Hương một giọng riêng không lẫn vào thơ của các tác giả khác, và tôi nghĩ với chút riêng như vậy đã là một thành công của người viết. Ở đôi triết lý dường như Thinh Hương bị đoản mạch khiến cho người đọc là tôi có chút hụt hẫng. “Khi biết nhận thức là biết mình thiếu thốn” (Đứa bé mồ côi), “Ôi Tổ quốc, thiêng liêng như tình mẫu tử/giữ yên bình cho Tổ quốc tràn Xuân” (Tổ quốc, đất mẹ thiêng liêng) nhàn nhạt thế nào. Dù vậy về tổng thể Thinh Hương vẫn là một tập thơ hay và rất đáng đọc.
CAO CHIẾN
 
28/2/2020
Đỗ Anh Vũ
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dây tơ đồng0000

Dây tơ đồng 1. Cún Ngày mới chào đời, tôi cũng có tên Tây tên Mỹ như ai, nếu tôi nhớ không lầm tên tôi là “Cool”, thế mà từ ngày ông chủ M...