Vương Trung - "Mo Mường"
thời hiện đại
Trước sau hồn thơ Vương Trung dù trong
thơ hay văn xuôi vẫn cất lên toàn bộ những biểu hiện sống động
nhất của văn hoá dân tộc Thái Tây Bắc quê ông. Tinh hoa
tinh tuý văn hoá của một dân tộc đi vào văn chương, trước hết ở chất liệu cuộc sống có
tính dân tộc học.
Nhớ lại, ngày sắp rời Tây Bắc về xuôi tôi được anh bạn Châu Hồng
Thuỷ cho hay: Vương Trung đang sắp sửa hoàn thành một cuốn tiểu thuyết khá lắm,
tầm ngang ngang với Giamilia của T. Aitmatov. Nghe thế, tôi cũng chỉ ậm
ừ, chẳng biết nói thế nào. Thế rồi ông bạn tôi đọc lên mấy câu thơ này, bảo
là rút trong bản thảo tiểu thuyết đó:
Em để mặt trời hồng phía sau
Phòng khi lưng ớn lạnh
Trước mặt, mắt phòng xa
Hai bên, tai đã ngóng
Mặt trời lẻn về gáy chẳng hay
Gió tạt ngang, tai nghe thính
Tối siết mặt, mắt nhìn xuyên
Sương nặng đầu, lửa thân bốc
Em, vẫn đợi tình yêu!…
Nghe xong, như thể vừa được uống chén rượu ngon,
tâm thần rạo rực, bèn hùa theo: “Rất có thể ông này làm một Giamilia, hoặc
hơn thế cũng nên…”.
Chuyện bẵng đi từ đấy. Gần mươi năm sau, một hôm nghe
tin Mối tình Mường Sinh của Vương Trung vừa ra mắt, tôi tìm mua liền.
Đọc một mạch. Chưa hẳn do truyện hấp dẫn ngay từ những dòng đầu. Có lẽ do nhớ
Tây Bắc. Nhớ Vương Trung. Nhớ quá nên đọc một mạch. Thế là được sống lại với
sông suối núi rừng bản làng Tây Bắc. Được sống với những đêm múa xoè, ruợu cần.
Được sống lại bóng hình những em gái Thái. Được sống lại từng vạt rừng hoa ban
trắng khắc khoải miên man… Chao ôi là nhớ. Những trang miêu tả ngày hội chơi
hoa ban của con trai con gái Thái Tây Bắc trong Mối tình Mường Sinh có
thể nói đó là những trang văn đẹp đến mộng mị, đến nao lòng. Ai đã từng sống
vài mùa hoa ban Tây Bắc cũng đều ủ trong lòng nỗi nhớ mưng mưng như thế.
Nhà thơ Vương Trung (1938-2012)
Đọc Vương Trung để đỡ nhớ Tây Bắc, đỡ nhớ Vương Trung. Nhưng
thật ra thì đọc Vương Trung lại nhớ Vương Trung, nhớ Tây Bắc thêm lên…Vương
Trung viết truyện như thơ. Đó là một tình ca. Tình ca kể về mối tình của một
chàng trai là thày giáo trẻ tên Sương với một cô gái vùng cao tên Ơn. Hai người
yêu nhau đắm say, thiêng liêng, nồng nàn chung thuỷ, được mọi người vun vén, lo
toan. Về sau, Sương tình cờ phát hiện ra: không ngờ bố của cô gái này ngầm tham
gia cho một tổ chức phá hoại đang chuẩn bị cướp chính quyền nhân dân sở tại.
Sương đau khổ. Cô gái không hề hay biết chuyện này. Kết thúc tác phẩm là cuộc
chia tay của chàng trai đối với cô gái khi anh được dịp nghỉ hè với nhiều nước
mắt, giằng xé bấn loạn giữa tình yêu lứa đôi và trách nhiệm công dân. Rất may,
truyện kết ở đấy. Lúc truyện này ra đời là vào năm 1995, năm nền văn học đã có
những biến đổi theo hướng hiện đại, mà một trong những biểu hiện của nó là
không nhất thiết cứ phải chọn cách kết thúc có hậu mới được cho là giải pháp
tích cực nhất.
Để hiểu và chấp nhận một điều tưởng như giản dị ấy thôi mà
cũng phải trải qua mấy chục năm lịch sử văn học. Cách kết thúc đó không giống
như phần kết của truyện thơ Ing- Éng được Vương Trung viết năm 1976.
Đây cũng lại là một truyện tình. Chưa cần nói gì đến nội dung tác phẩm, nhìn
vào bảng danh sách các tác phẩm của Vương Trung đã yên tâm nhận định một điều:
Hồn thơ Vương Trung liên tục cất lên những bản tình ca bất tử của tâm hồn người
Thái ngàn đời. Trong cái điệu hồn điệu sống nồng nàn của đồng bào người Thái,
luôn luôn trữ sẵn cái men tình nồng say để cất thành rượu quý. Kho tàng văn hoá
Thái tích trữ một gia tài rượu quý tình ca nồng nàn vào bậc nhất trong đại gia
đình các dân tộc Việt Nam. Chuyện chàng Ing và nàng Éng yêu nhau, Ing đi bộ đội,
Éng ở nhà bị ép gả, Éng đợi chờ, bị kẻ xấu dèm pha, Ing Éng hiểu lầm nhau, Éng
bỏ vào lâm trường, kết cục hai người đoàn viên, thề nguyền tin tưởng…Cốt truyện
là một motif dân gian Thái. Vương Trung kể: ban đầu ông để cho cô Éng đau khổ
vì tình, bị ép duyên nên đã vào rừng ăn lá ngón tự giải thoát. Năm 1963 về trại
sáng tác ở Hà Nội, gặp các ông Đỗ Quang Tiến, ông Xuân Diệu. Đỗ Quang Tiến bảo:
Nếu để cuộc tình hai người bí quá rồi cho cô gái tìm đến cái chết bằng cách tự
tử thì không phải là truyện của Vương Trung nữa rồi, mà là của dân tộc Thái,
các truyện dân tộc hay xử lý theo cách đó. Quả thật, dân tộc Thái là một dân tộc
đề cao nước mắt trong tình yêu, lắm khi lấy cái chung cục mất mát đau khổ làm
bài học nhen lên khát vọng cho con người, cảnh tỉnh con người hãy giữ lấy tình
yêu bằng mọi giá chứ đừng vướng vào vòng bi tình oan khiên ấy nữa…
Nghe theo ông Tiến, Vương Trung để cho hai người trải qua ngờ
vực, đau khổ, rồi cho cô gái lên nông trường, chàng trai vào bộ đội, rồi cuối
cùng tình cờ gặp nhau tại nông trường – nơi cuộc sống mới đang thành… Cách kết
thúc tác phẩm tiêu biểu cho một thời văn học nặng về minh hoạ – điều mà Mối
tình Mường Sinh vượt thoát được. Câu chuyện thì không có gì đáng kể,
nhưng đã là truyện thơ, cái quyết định lại không phải ở cốt, mà là ở lời thơ,
tình thơ là chính. Rất may, nhờ có các câu thơ hay, nên truyện này cứu được.
Thơ Vương Trung là tiếng Thái được tinh luyện, chưng cất mà thành. Trở lại với
những truyện thơ Thái, người Thái Tây Bắc nổi tiếng với những truyện tình Xống
chụ xôn xao, Khun Lú- nàng Ủa, những điệu khắp, điệu khèn, những bài
hát giao duyên tình tứ. Vương Trung đến với văn chương cũng bắt đầu bằng thơ. Đầu
tiên bằng các bài thơ lẻ, sau được in thành tập Sóng Nậm Rốm (1979).
Bài thơ Núi, mây và đàn bò đã có mặt trong nhiều tuyển tập của nền
thơ Việt Nam hiện đại. Hồn thơ và tay nghề thơ của Vương Trung đến lúc này đã
được dịp thử sức ở một kích cỡ lớn hơn, trong một thể loại truyền thống của dân
tộc Thái, đó là truyện thơ.
Có lẽ vào những năm bẩy mươi của thế kỷ XX, nhiều người đọc
Vương Trung chưa kịp nhận ra điều này: trước sau hồn thơ Vương Trung dù trong
thơ hay văn xuôi vẫn cất lên toàn bộ những biểu hiện sống động nhất của văn hoá
dân tộc Thái Tây Bắc quê ông. Tinh hoa tinh tuý văn hoá của một dân tộc đi vào
văn chương, trước hết ở chất liệu cuộc sống có tính dân tộc học. Để làm được việc
này, nhà văn chỉ cần có tài quan sát và miêu tả cho tinh tế là ổn rồi.
Trong Ing- Éng, Mối tình Mường Sinh không thiếu những trường đoạn
miêu tả cảnh sắc và tập tục vùng đồng bào dân tộc Thái, trong đó không ít những
cảnh chân thực, thơ mộng, rực rỡ. Nhưng nếu chỉ như vậy, có lẽ mới chỉ là hình
xác bên ngoài của văn hoá. Cái có ý nghĩa quyết định để khẳng định áng văn
chương giàu chất văn hoá dân tộc phải là ở diện mạo và chiều sâu tâm hồn nhân vật
được thể hiện qua tâm trạng, lời nói, cách cảm cách nghĩ. Khi để cho cô con gái
từ chối sự ép gả của mẹ cha như thế này thì rõ ràng là ra con gái Thái, không
thể lẫn được: Không ưa, cơm trắng dẻo cũng
ngán/ Đã ưa, rau dướng cũng ngon lành/Dù người mặc áo đỏ nhuộm cánh
kiến/ Không bằng người yêu mặc áo đen nhuộm chàm/ Con không yêu người ăn
cơm quên ruộng/ Được ăn cá quên sông… Cái cảnh chia tay cuối cùng
trong Mối tình Mường Sinh là một cảnh thăng hoa đầy tâm trạng: hai
người ghì riết nhau, miệng chàng trai giật tung một chiếc cúc bạc trên ngực áo
coóng của người yêu, rồi cô gái trao chiếc cúc áo ấy cho chàng trai như một
vật thề nguyền…Một khung cảnh thật giản dị nhưng cũng đầy lãng mạn và rất Thái.
Nhà thơ Vương Trung cả đời sống hết lòng giữa đồng bào mình, bén duyên tình chồng
vợ với người con gái Thái, nên cái trữ lượng văn hoá về dân tộc Thái thật dồi
dào. Câu chữ trong trang viết của ông được bảo hiểm bằng một mạch nguồn văn hoá
đầy cá tính, thâm hậu và sống động.
Điều này cũng cắt nghĩa tại sao những năm gần đây, Vương
Trung cho ra liên tiếp các công trình khảo cứu, biên dịch về văn hoá văn chương
dân tộc Thái: Mo Khuôn (sưu tầm và biên dịch, VHDT 1999), Nhà
sàn Thái cổ Việt Nam (VHDT, 2000), Táy Pú Xấc (thơ dân
tộc Thái, sưu tầm,VHDT, 2003), Chương Han (sử thi dân tộc Thái, VHDT,
2005), sắp xuất bản cuốn Lễ tang xưa của người Thái… Ông rất thạo chữ Thái
cổ. Một số thày cô giáo và sinh viên các trường đại học, cao đẳng quanh đấy vẫn
vác sách đến hỏi chữ ông. Những lúc ngơi tay viết, ông lại lang thang. Cái máu
sục sạo, tìm đãi vào kho tàng dân gian Thái cuối bản cùng mường đã ngấm vào cốt
tuỷ Vương Trung tự lúc nào.
Những người dân thị trấn Châu Thuận hôm nay quá quen với hình
ảnh một người già dáng hơi cao, đầu đội mũ nồi đen, bộ dạng giống ông giáo về
hưu, vai đeo túi thổ cẩm, lặng lẽ đi bộ một mình, hoặc lóc cóc đạp chiếc xe cũ
kỹ xuống các bản xa. Đó là những khi ông đi về với bà con, với các nghệ nhân
dân gian, hoặc chỉ với một câu thơ câu chuyện dân gian nào đó mà ông vừa nghe
thấy ai nhắc đến. Đơn giản hơn, ông đi thăm thú bà con chung quanh khi việc vui
việc buồn đời người cứ trôi như nước chảy. Ông sống giữa lòng cuộc sống của đồng
bào mình. Có một chi tiết thật thú vị: tên đầy đủ của nhà thơ là Lường Vương Trung.
Mà người Thái Châu Thuận quê ông từ xa xưa đã lưu truyền câu: “Lường làm Mo, Lò
làm Tạo”, nghĩa là người họ Lường chuyên đi làm Mo – người chủ văn hoá của bản
mường, còn người họ Lò chuyên đi làm quan trong vùng. Một ông Mo trong cộng đồng
dân tộc Thái là người có khả năng thuộc hầu hết các tác phẩm truyền miệng hoặc
thành văn của dân tộc mình, là người chủ lễ các cuộc lễ lớn của bản, là người
trong đời sống thường ngày luôn được bà con tin cậy tìm đến để xin những lời
khuyên nhủ…Ông Mo thực sự là một “thủ lĩnh” tinh thần của cộng đồng bản mường.
Thì Vương Trung cũng có thể xem như một ông Mo của thời hiện đại, một hiện thân
văn hoá, người góp phần nuôi giữ ngọn lửa văn hoá dân tộc Thái cho nhiều thế hệ
người Thái mai sau. Và không chỉ cho người Thái.
Hỏi Vương Trung: “Sao sống trong hẻm rừng Châu Thuận lặng lẽ
này mà anh làm được lắm thứ thế?”. Ông cười hiền lành, rủ rỉ như cách đây hai
mươi năm vẫn rủ rỉ hiền lành như vậy: “Mình không làm thì rồi chẳng biết có ai
làm không. Thôi thì…”. Bỏ lửng câu nói, ông với lấy chai rượu rót tiếp. Rượu
ngâm táo mèo để đã ngấu, vàng óng như mật. Hai anh em nâng cốc. Khà một cái.
Vương Trung khoe Nguyễn Anh Tuấn đạo diễn điện ảnh vừa rời khỏi đây tuần trước.
Tuấn lên lần này để chuẩn bị khởi quay bộ phim cùng tên chuyển thể từ tiểu thuyết Mối
tình Mường Sinh do chính Vương Trung làm kịch bản. À, thì ra là thế. Trong
số những người xuôi xa Tây Bắc, Nguyễn Anh Tuấn là kẻ “nghiện” miền Tây trầm trọng
nhất. Thoáng cái đã chiều tà. Nhìn qua cửa sổ nhà sàn, một vườn mận mé nhà
trong chiều cuối năm trông toàn cành là cành, khẳng khiu, phấn mốc. Cũng giống
như suốt dọc đường Tây Bắc, thỉnh thoảng lại một vạt rừng đào mận phấn mốc khẳng
khiu như vậy. Trông hiu hiu Đường Tống thuở nào…Nhìn sang Vương Trung, tóc đã
ngả màu cước. Hỏi ra mới biết bác năm nay đã vào thất thập rồi. Đời người mau
thế.
Bác ở lại nhé, em xuôi đây với những vui buồn khó nhọc người
xuôi. Cứ ngẫm, ở lại chơi với bác ít ngày thì còn được, chứ bảo ở hẳn nơi bác ở
chắc chúng em không có đủ nội lực ẩn sĩ như bác đâu, chúng em còn nhiều nặng nợ
trần ai lắm. Thôi thì trong hành trang em mang về xuôi lần này, xin được lẩm nhẩm
đường trường câu thơ của bác với hy vọng có dịp vận vào em lấy một lần:Sương nặng
đầu, lửa thân bốc / Em vẫn đợi tình yêu!…
Thuận Châu – Hà Nội, những ngày cuối năm 2006
NGÔ VĂN GIÁ
Hà Nội, 21/8/2015
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét