Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023

Thuộc về những yêu thương

Thuộc về những yêu thương

Nắng tràn khắp mặt sông, lấp lánh như một lời thì thầm. Nắng nhảy nhót trên những tàu dừa nước non mướt rượt, trên cây bần lẻ loi dập dềnh dập dềnh theo từng cơn sóng. Miên ngồi thật lâu trên gò mối bên đây cầu nhìn xuống dòng phù sa ngầu đục lững lờ trôi, tự nhiên ngỡ ai đó đã mang mình xuyên qua cánh cửa thời gian trả về của hơn ba mươi năm trước.
Tác giả Triệu Vẽ
Ngày đó thi thoảng dừng những cuộc chạy nhảy hay rời mắt khỏi quyển sách Miên có nghe lỏm bỏm lời nội nói chuyện với mẹ “Mới đây mà hai chục năm”, “Mới đây mà thằng Còi sắp lấy vợ!”. Miên vẫn còn nhớ rất rõ, cảm giác hoài nghi len lỏi và ở lại trong mình suốt một thời ấu thơ kể cả là lúc lớn lên về những lời nội nói.
Sao lại là “mới đây” được nhỉ? Mỗi một ngày với Miên thật dài, một năm với Miên cũng thật lâu. Mỗi bận Tết về, cứ mùng Ba, lúc hừng đông khi mấy chị em còn cuộn tròn như những con cuốn chiếu khổng lồ, rúc vào nhau trong chiếc mền hoa màu đỏ, bà nội và mẹ đã lục đục sau bếp vặt lông luộc gà cúng đưa ông bà, là Miên nghe rân rân một cảm giác tiếc rẻ. Cái cảm giác như có ai đó giật phắt món đồ yêu thích trên tay mình rồi vụt chạy biến đi mất tăm mất tích để mình chỉ còn biết đứng ngẩn ngơ mòn mỏi trông mong hơn ba trăm ngày nữa mới có thể gặp lại. Vẳng trong tiếng thì thào khe khẽ tiếng được tiếng mất của mẹ của nội những tinh sương ấy, Miên cơ hồ nghe có tiếng dội lên từ trong thẳm sâu lòng mình: “Phải chi hôm nay mới là 30 Tết?”.
Ừ, người ta luôn ngóng vọng những thứ đã qua phải không?
Có cái xuồng nhỏ như một chiếc lá màu nâu khổng lồ nhô ra khỏi con xẻo xa xa đang hướngvề nơi Miên ngồi. Quê Miên bây giờ người ta không còn đi chơi, đi chợ, đám giỗ, rước dâu bằng xuồng như ngày xưa nữa. Đường bê tông đã thông đến những nơi mà trước kia không một ai dám mơ ngày có thể chân chạm đất mà đi từ nhà này đến nhà kia, hay ngồi trên xe ào cái là ra phố ra chợ như giờ. Ngày đó, những ngôi nhà tựa một ốc đảo, tứ bề nước là nước, như nhà ngoại Miên nhiều không đếm hết. Đám cưới mấy cậu mấy dì, hay đám giỗ xuồng bé xuồng lớn đậu lềnh khênh như lá rụng mùa giông bão. Bọn trẻ con như Miên hay len lén người lớn chơi trò bước từ xuồng này qua xuồng kia, rồi thích thú cười vang trước cảm giác bồng bềnh chao đảo. Hóa ra, cái biến động, cái chao đảo bồng bềnh luôn hấp dẫn và mang lại cảm giác thích thú cho con người! Một vài lần trong đời ai cũng muốn thử trải nghiệm?
Những chiếc xuồng nhỏ lẻ loi như vầy giờ là của những người đặt lờ, chài lưới trên sông. Những người thật nghèo, thật khó, hay già nua hoặc không có đất đai ruộng lúa, bởi vì sông nước bây giờ con cá con tôm nào còn như ngày xưa đâu – ba Miên nói vậy. Bám vào mặt nước con sông để an tâm để sống với người dân miền sông nước quê Miên đã trở thành một ký ức rất xa. Xa đến nỗi mấy đứa cháu Miên không nghe ông ngoại kể hết câu vì chúng không hình dung ra được nữa.
– Một ngày thì được mấy kg cá hả chú?
– Trời, làm gì mà tới mấy kg cô? Có ngày được chục con cá bống dừa một nhúm tép là mừng rồi. Có khi không có con nào?
– Dạ, vậy bán hay để ăn chú?
– Bán chứ cô, hên thì hai ba chục không thì có vài về kho quẹt ăn. Ngày càng khó mà cô…
Tiếng đối đáp của Miên và người đàn ông rơi tỏm vào không gian lặng im của buổi chiều quê mát rượi. Miên không hỏi nữa. Cô ngồi lắng nghe tiếng dầm buông xuống, nhỏ dần và bóng chiếc xuồng khuất hẳn sau rặng dừa nước um tùm. Miên nhặt hòn đất nhỏ ném xuống, mặt sông vang lên một tiếng khô khốc, nhẹ hều, nước lăn tăn những vết loang tròn nhỏ, to dần, nối tiếp nhau rồi tan biến.
Miên vẫn ngồi bên đây cầu, vẩn vơ nối lại ý nghĩ của một thời chưa xa lắm, khi cây cầu này hãy còn làm bằng tầm vong, một năm đôi ba lần mục gãy hay nước nổi kéo về trôi đi mất. Mỗi chiều khi ánh mặt trời hãy còn nấn ná trên những ngọn tầm vong um tùm nhà ông Tư cờ tướng, đi học về, ngồi bên đây, đợi ba bơi xuồng ra đón, Miên hay ném hòn đất nhỏ xuống mặt sông, rồi nghĩ nó sẽ đi đâu. Nó có chạm đến đáy sông không, hay tan rữa biến mất nửa chặng đường? Nếu có chạm được đến đáy sông nó sẽ ở đó bao lâu, giữa một nơi nó không thuộc về?
Miên ngồi chồm hổm nhìn mẹ tay thoăn thoắt trở đi trở lại cái bánh tráng cho vàng đều. Sức nóng từ đụn than gáo dừa hắt lên khiến gò má đã nhũn nhão của mẹ hồng như hai quả cà chua chần qua nước sôi. Mái tóc bạc trắng ánh lên trong cái nắng trong trẻo đầu ngày, tự nhiên Miên thấy mẹ đẹp lạ lùng. Những ngày bão tuyết, không đi làm, cũng không đi đâu, Miên lôi những cái bánh tráng dừa này, những cái bánh mẹ đã nâng niu gói gém gởi qua, bỏ vào lò viba rồi thu lu ngồi ở sofa bẻ từng miếng nhỏ ngậm cho tan nơi đầu lưỡi, để mặc ý nghĩ đưa mình về miền nắng ấm có cảnh mẹ ngồi nướng bánh bên bếp than hồng suốt những ngày Tết.
Hai mươi năm nơi xứ người, Miên nhận ra cái gì đã có, nhất là những ký ức ngày còn nhỏ, nó như tấm vải dệt bằng tình yêu thương dẫu có là sợi nghèo sợi khó vẫn mãi luôn bền chặt trong hành trình đời của con người. Người ta có thể úp mặt vào đó để cân bằng, để tỉnh táo, để tìm lại chính mình, để có thêm sức mạnh.
– Ăn nóng đi, mẹ đã gói kỹ ba chục để mang đi. Lát mẹ đi lấy mứt chùm ruột nữa. Ăn cháo vịt không?
Miên cắn miếng bánh tráng hãy còn nóng, tiếng lách cách vang lên giữa không gian yên ắng, nếu có một tiếng gà giật mình xao xác gáy, hay tiếng thằn lằn bắt muỗi đâu đó vọng đến nữa thì hay biết mấy. Nắng len lỏi qua song cửa có vắt hờ chiếc khăn lau bụi, hắt xuống mặt bàn uống trà của ba một vệt méo mó ngồ ngộ. Chiếc bình trà sứt quai có hình ông tiên hai má hồng đào hình như lấp lánh đỏ hơn thường ngày. Chiếc bình trà mà ngày còn nhỏ Miên thấy ba dằn cộp cộp xuống mặt gỗ, dượm ném đi trong những cơn giận dữ với mẹ không biết bao nhiêu lần. Và rồi vẫn còn đó, dẫu không còn nguyên vẹn.
– Sao không thay cái bình khác ba? Nhà có bao nhiêu bình mới đẹp? Miên buột miệng hỏi.
Ba với tay từ tốn rót dòng nước màu nâu sẫm chảy tong tong xuống chiếc tách nhỏ như một búp, sen hãy còn lâu lắm mới nở. Tách trà của ba rất đậm. Có lần Miên tò mò thử, mới chạm môi đã nghe đắng chát đến nỗi rụt nhanh đầu lưỡi. Miên nghe nói uống trà không quen cũng say và mất ngủ như cà-phê vậy. Miên không biết, café không thể làm Miên mất ngủ nữa rồi, nhưng trà thì Miên chưa thử lần nào.
– Quen nó rồi con! Ba thả từng tiếng nhẹ nhàng như những chiếc lá li ti của cây trứng cá trước sân nhà Miên vậy.
Miên luống cuống làm rơi miếng bánh tráng trên tay xuống cát. Lớp cát nhìn mỏng vậy mà tựa như môt con vật bỏ đói lâu năm, miếng bánh nhỏ xíu sau vài cái nhúc nhích của bàn chân Miên đã mất hút không còn nhìn thấy đâu nữa. Miên tự dưng nghe rất rõ giọng anh như thể vừa mới hôm qua bên tai mình.
– Em muốn gì?
– Em mệt mỏi! Hay mình li dị đi!
– Okie, nếu em muốn!
Hình như có tiếng lá rơi xuống đất mỏng và khô khốc. Có những thứ đã mất và những khoảnh khắc đã đi qua liệu có thể tìm lại được không? Vài lần Miên nghĩ phải chi quả tim mình như một nắm bê-tông tươi thì hay biết mấy. Không cần nhiều thời gian, tất cả những gì đến nó sẽ đông cứng và giữ lại không cho rời đi. Vậy thì không rạn vỡ nữa phải không? Miên nhớ đến những con chữ trong tờ đơn li hôn như thể được viết lên từ tờ giấy của ba mươi năm trước. Nước ở đâu vậy nhỉ mà thấm từ mặt này sang mặt kia lan ra và nhòe đi?
Còn vài tiếng nữa là Miên đi rồi. 15 ngày cho 12 năm quay quắt nhớ cái Tết quê, nhớ mùi khói ngây ngây ba đốt lá cây trước sân nhà những chiều nắng ráo. Nhớ màu xanh mướt rượt của những tán lá dừa nước chen chúc nửa thân dưới cả đời không bao giờ khô. Nhớ tiếng kẽo kẹt của đám cành tre chi chít bện vào nhau trong câu chuyện kể đầy ma mị của nội. Đặc biệt nhớ từng gờ tường loang lổ, bộ ván bóng loáng từ thời bà cố để lại, cây chổi tre mòn vẹt lầm lũi bên hiên ngôi nhà nhỏ – nơi giờ chỉ có mẹ sớm tối ra vào cùng ba.
Mẹ đi chợ về. Miên dán mắt theo cái dáng đi tất tả của mẹ. Thốt nhiên nhớ mình đã đọc ở đâu đó khi rảnh rỗi rằng, khuôn mặt dáng dấp của một người, đôi khi là những trang hồi ký ghi lại chính cuộc đời của người đó. Miên thật tình chưa bao giờ thôi từ bỏ ý nghĩ là mình không cách gì sánh được với mẹ. Biết bao lần ngỡ như ngạt thở trong nỗi bất lực trước sự ương bướng của con gái ở tuổi dậy thì. Biết bao lần mất ngủ đến ám ảnh khi nghe tiếng ngáy liên tục tựa như tiếng vạc sành kêu đêm của chồng. Biết bao lần một mình đếm bước chân mình trong cơn gió thốc mùa Đông lạnh buốt. Miên tự hỏi mẹ lấy sức đâu đi qua ngần ấy tháng năm?
Đàn bà phải trải bao nhiêu chuyện, xoa đắp vá víu cho lành bao nhiêu vết thương mới hiểu ra rằng bản thân mình không mấy quan trọng trong cuộc đời một người đàn ông?! Cái ý nghĩ mình chiếm trọn tâm hồn, tình yêu của một người đàn ông không thay đổi, đã hút chặt lấy bao nhiêu người đàn bà để rồi quẳng họ vào cái hố sâu thăm thẳm của nỗi tuyệt vọng? Quờ quạng bấu níu leo lên miệng hố, bước chân đi tiếp, mấy người là mình của ngày hôm qua nữa?
– Bắp giã là của Miên. Khoai lang của chị Hai. Bánh hỏi xíu mại là của Út. Ông ngoại bánh mì heo quay!
Mẹ lấy ra từ cái giỏ đi chợ màu xanh rêu đã cũ nhưng sạch sẽ, những món ăn gắn với tên của từng người! Gói bắp giã nằm gọn trong lòng bàn tay, qua lần lá chuối, Miên nghe có cái gì mềm mại như bàn tay em bé chạm vào má mình len lỏi từ tay xuống chân. Sao chưa bao giờ có phần nào cho mẹ?
Mùi nhang thoang thoảng ba đốt từ bàn thờ bà cố lan đến chỗ Miên. Ba luôn có thói quen đốt nhang lên bàn thờ bà lúc đi đâu đó và cả lúc về. Có lần ba nói: là thưa bà đã về nhà và thưa bà để ra đi! Miên nhìn lên di ảnh bà. Trong lớp khói lảng bảng của những cây nhang ba vừa thắp và thêm mấy cây nữa của Miên, Miên như thấy nụ cười trên khuôn miệng móm mém của bà. Miên tự nhủ trong thinh lặng: “Thưa cố con đi!”.
Sân bay sau Tết cỏ vẻ ít người hơn thông thường vì dịch cúm  – loại cúm do virus Corona mới, gây viêm phổi cấp có các biểu hiện như ho sốt, khó thở dẫn đến viêm phổi nặng suy hô hấp cấp tính và tử vong. Tình hình khá nghiêm trọng, tổ chức y tế thế giới cũng đã công bố dịch bệnh trên toàn cầu. Con số người mắc bệnh và tử vong tăng lên từng ngày nhất là ở vùng ổ dịch –  thành phố Vũ Hán Trung Quốc. Các cháu Miên hai tuần sau Tết vẫn chưa đi học được. Miên dợm nói ba mẹ khỏi đưa, nhưng mẹ cứ đứng kề bên chạm mãi vào bàn tay và mái tóc đã thấp thoáng bạc của Miên. Miên không nỡ. Miên hiểu cảm giác này, khi mỗi sớm mai cứ nấn ná dõi theo bóng lưng con gái cho đến khi khuất hẳn sau những thân cây to sầm và dãy phòng học đồ sộ. Cái níu giữ người đàn bà, cái khiến cho người đàn bà có thể làm được nhiều thứ vượt xa ngưỡng chịu đựng của họ phải chăng là những đứa trẻ?
Sân bay ngỡ như bệnh viện, ai cũng mang khẩu trang y tế kín mít. Mẹ luống cuống nép vào trụ inox khổng lồ. Miên choàng tay ôm ngang lưng mẹ. Bóng hai mẹ con phản chiếu xiêu vẹo tựa hai vệt màu nghệch ngoạc của trẻ con nghịch bôi bẩn trên tường. Miên nghe tủi thân và yếu ớt đến tê liệt.
– Cái gì cũng phải từ từ con, nhường nhịn nhau mà sống!
Từng tiếng mẹ như những viên bi lăn theo đường thẳng, đều đặn, hệt như nhịp đập của quả tim con người, chảy vào bên tai Miên. Rất khẽ.  Sao mẹ biết? Miên đã nói gì với mẹ đâu?
– Dạ mẹ! Con đi!
Nghe tiếng mình vỡ ra như những hợp âm Staccato trong chương cuối của một bản nhạc, Miên quay lưng. Không nhìn lại. Chỉ cần quay lại, giọt nước mắt sẽ rơi. Miên cố nhấc từng bước. Mặt sàn bóng loáng mà cứ ngỡ mình là người lữ hành đang nhấc chân khỏi bãi cát dày dài, càng bước càng lún sâu. Nơi nào có yêu thương là nơi ấy mình thuộc về, phải không? Miên nghe cái gì đó nhồn nhột len qua lớp khẩu trang thấm vào môi mình mằn mặn.
T.V
 
19/3/2020
Triệu Vẽ
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...