Thứ Tư, 4 tháng 12, 2024

Cái riêng trong cái chung

Cái riêng trong cái chung

Như tin đã đưa, nhà thơ Mã Thế Vinh đại thụ người dân tộc Nùng ở Lạng Sơn đã qua đời lúc 7h5 phút ngày 25.10.2022 (tức ngày 01 tháng Mười năm Nhâm Dần), hưởng thọ 91 tuổi. Tưởng nhớ một bậc lão thành có nhiều đóng góp cho nền văn học, đặc biệt là văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Vanvn.vn trân trọng giới thiệu lại bài viết của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Cư về nhà thơ Mã Thế Vinh.
Mã thế Vinh, từ nhỏ đã được tiếp xúc với hai dòng văn hóa của huyện Tràng Định là Lượn slương, lượn Nàng Hai của người Tày và sli của người Nùng Cháo – vốn văn hóa dân gian độc đáo của hai dân tộc. Ông được nuôi từ cái nôi văn hóa đầy bản sắc văn hóa dân tộc ấy, nên ông cũng lớn lên từ sự mộc mạc, từ ý nghĩa trong sáng, từ ý chí vững bền…
Phải đâu sự ngây ngô hay ngây thơ? Và chính từ đó ông nghĩ, ông không thổ lộ với ai! Vậy phải làm đây viết về cuộc sống, viết về con người quê hương bản quán cho đúng, cho trúng ( cho dù chưa hay) để người đọc cảm thấy người dân tọc có cái gì đó xa lạ, khác biệt với người Kinh. Nếp suy, nếp nghĩ ấy đã thôi thúc chàng trai trẻ dân tộc Nùng tìm tòi sáng tạo trên các “mặt trận” thơ, sân khấu, truyện ký… viết sao cho chân tình, trong sáng, mộc mạc, dễ hiểu dễ nhớ để thơ văn thực sự trở thành sợi dây tình cảm của quần chúng lao động, quần chúng cách mạng.
Cả đời Mã Thế Vinh đã đi theo hướng mà mình đã suy nghĩ, đã chọn. Với ngôn ngữ dân tộc ông đã viết và viết vớitình cảm yêu thương, với tinh thần trách nhiệm, với lòng kính trọng, lòng tự hào đối với cuộc sống, con người dân tộc mình, với các nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ, Luơng Văn Tri… trên mảnh đất xứ Lạng đầy kiêu hãnh.
Trong bản tham luận Văn hoá truyền thống người Nùng xứ Lạng – Nhân tình của Mã Thế Vinh, tôi có viết “Điều đáng kính với con người ông là bình thản theo kiểu ‘kiến bò”, không “nảy tưng” trong cả sáng tác lẫn sưu tầm, nên sự chú ý của những người làm công tác phê bình, ít để ý tới…”. Ông vẫn theo lối suy nghĩ “Táng pây táng thâng” (Khác đi khác đến), chầm chậm tới mình. Và ông, “Táng pây táng thâng thật” bằng cái Riêng! Trong cái toàn thể.
Riêng! Trong cái toàn thể. Bnạ làm thơ, ông cũng làm thơ. Song thơ ông được sáng tác bằng chữ dân tộc – Sau mới dịch ra tiếng Kinh. Không như một số tác giả khác là sáng tác bằng tiếng Kinh sau đó mới chuyển sang tiếng mẹ đẻ – do yêu cầu của cơ quan xuất bản hoặc vì một lý do nào đó khiến họ phải chuyển.
Riêng! Trong bốn hơi thở. Đó thơ – văn – Sân khấu – sưu tầm, biên soạn văn hoá truyền thống. Người Tày có câu “Một vợ thì áo liền vai/ Hai vợ thì áo loài sau khoài lưng”! Ở đây. Ông Mã Thế Vinh có những “ 4 vợ” ma áo của ông vẫn lành lặn, không “hở da hở thịt” nghĩa là không nhìn thấy loài khoài sau lưng!
Riêng! Trong bốn góc nhìn khác nhau mà vẫn thấy một mạch nước ngầm xuyên suốt.
Đã lâu và rất lâu. Cuộc mưu sinh làm tan chảy, úa tàn. Chúng không còn nghe thấy tiếng lá trở mình khi thay mùa. Ngọn gió nào đem mùi hương thơ ấu trở về thực tại. Một chồi mai tỉnh giấc cho ta sắc xuân. Ta mất dần cái cảm giác ấy khi nào?
Hôm nay, được đọc lại một số tác phẩm của nhà thơ Mã Thế Vinh – do Hội văn học nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn tổ chức cuộc hội thảo về 03 nhà văn, nhà thơ xứ Lạng – ta chợt nhận ra mình lâu nay rối ren trong hạt gạo, manh áo, cảm giác ấy có được là nhờ hơi thở, sự chuyên tâm, cuộc vạt lộn từ chính từng quãng đời của nhà thơ được phản ánh đậm nét qua từng tác phẩm.
Với Vẻ tỉ tò đin hây (Vẽ bản đồ quê tôi):
Tôi thấy tác giả bám sát các vấn đề lớn của chính trị mà tác phẩm vẫn vượt qua được và không ít các bài thơ như Hiến pháp slì tồng pan phân mấư (Hiến pháp ban hành như mùa xuân):
Căm báo lằu ngòi trang tẻo trang
Vàm chảng Cụ Hồ pỉ bjoóc khang
“Pi mấư mà thâng Hiến pháp mấư”
Hiến pháp tải nhỉ cúa Việt Nam
Hiến pháp slì tồng pan phân mấu
Va vìn choóp ón mọi co ban
Bjoóc đeng bjoóc đáo tò cheng slắc
Tồng lẩm slim cần nước Việt Nam
(Cầm báo giở xem trang tiếp trang
Lời nói Bác Hồ như hoa nở
Năm mới vừa tới Hiến pháp mới
Hiến pháp thứ hai của Việt Nam
Hiến pháp ra đời như mưa sớm
Mưa sớm vườn hoa lá lá tươi
Hoa đỏ, hoa đào đua khoe sắc
Như lòng gnười dân nước Việt Nam)
Và ông khẳng định:
Hiến pháp tải tàng xáy xạ hội
Rườn máy, công trường xáu hạc tàng
(Hiến pháp dẫn đường xây xã hội
Nhà máy, công trường với học đường)
Rồi ông đoán định tương lai nước Việt Nam:
Nam Bắc chung khen pác xướng vang
Việt Nam tởi tởi ăn rườn đéo
Hốc slíp dân tộc khửn tồng hàng
(Nam Bắc xiết tay miệng ca vang
Việt Nam đời đời chung một dải
Sáu mươi dân tộc tiến một hàng)
Hay như bài Hẳm píc lai (Càng căm)
Đét chiếu đới lăng nằng píc noỏi
Píc Mị xâm lăng hẳm píc lai!
Cọn Mị cháu nước slèng bó sliết
Công khỏ thâng chầư cổ xéng ngài!
(Nắng chiếu nóng lưng còn bực ít
Căm Mỹ xâm lăng càng căm nhiều
Đánh Mỹ cứu nước không tiếc sức
Công khó đến mấy cũng vượt qua)
Song với Vẻ tỉ tò đin hây, thành công nhất của ông vẫn là đề tài viết về quê hương, nông thôn, bản quán. Bởi những hình ảnh, con người, con vật… đã in đậm trong con người ông. Nên ông đau đáu viết về dân tộc mình, nông thôn – vùng phên dậu Tổ quốc mình và với cách dùng ngôn ngữ mẹ đẻ rất tài tình.
Queng quỉ xoi công dú nhỏt phja
Lỉu lít khảu xu pỏ hất nà
Mẻ ti pjốc lủc rườn oóc tổng
Pỏ lồng khay ảng tuối phư pà
(Queng quí trên núi gọi mùa công
Lỉu lít vào tai người làm ruộng
Mẹ thì giục con cái đi làm đồng
Bố xuống mở cổng vác bừa đôi)
Hay
Vài sleng có ới chung pay cón
Mò mún mà slao ti khảu pà
(Trâu đực anh ơi! dắt đi trước
Bò non để slao ghép bừa đôi
(Páo mùa công – Báo mùa công)
Phải nói rằng, ông Mã Thế Vinh sáng tác thơ với những ý tưởng, cách biểu đạt riêng – rất dân tộc, không lẫn với ai, nhiều bài ông viết theo điệu phong slư, then, sli nên bạn đọc có thể đọc, hát theo các làn điệu đó như Đỉn tỉ Lạng Sơn (sáng tác tại quê nhà Tri Phương từ năm 1962), lúc đó Lạng Sơn còn các huyện Văn Uyên, Điềm He, Thoát Lãng, Bằng Mạc… Sau phần thơ về địa lý của tỉnh Đông – Tây – Nam – Bắc giáp những đâu là ông dùng từ 4 câu đến 8 câu nói về các huyện một cách rất độc đáo và không kém phần lý thú:
– Quay quay chầư tó ái Bắc Sơn
Mì Mỏ Nhài, Đàng Lang oóc háng
Mì Ngả Hai pây Thái tàng luông
Mì Quỳnh Sơn, Vũ Lăng, Nhất Thể
Lai thúa tâm, cam chỉa đay khai
Cần xẩư tằng cần quây khùng ái
(Xa xa ai cũng quý Bắc Sơn
Có Mỏ Nhài, Đàng Lang ra chợ
Có Ngả Hai đi Thái đường quang
Có Quỳnh Sơn, Vũ Lăng, Nhất Thể
Có nhiều lạc, cam giấy đắt hàng
Người gần, người xa cũng muốn đến)
– Thói mà không táp khái Vạn Linh
Bằng Mạc mì bam đin quang quảng
Mì háng Phài oóc háng vui khua
Da hom khai ná slua slắc tỉ
(Lại về cung Táp Khái Vạn Linh
Bằng Mạc có đất đai rộng lớn
Có chợ Bãi ra chợ vui cười
Có thuốc lá thơm bán không thua nơi nào)
Cùng với lối nếp suy, nếp nghĩ như vậy, ông viết bài Việt Bắc fựn đang (Việt Bắc chuyển mình) viết về 6 tỉnh Cao – Bắc – Lạng – Thái – Tuyên – Hà rất cô đọng, nêu bật được đặc điểm của từng tỉnh. Đây cũng là cái tài vận dụng ngôn ngữ của ông, đồng thời ông cũng nắm vững những đặc điểm của từng tỉnh.
Và ông cũng sáng tác những bài ngắn chỉ 8 câu theo cách suy nghĩ, cách viết rất độc đáo của ông như bài Cáy khăn:
Cáy khăn tải ết hử đông phja
Cáy khăn tải nhỉ hử tồng nà
Cáy khăn tải slam coóc rườn slùng
Cáy khăn tải slí xung hù trà
Lèng xoong này căn ti oóc tổng
Heng loỏng fèn pay phja tốc phja
Pang slao slặt pay pang báo fạt
Tha lớc slập căn khen nẩư kha
(Gà gáy canh một cho núi rừng
Gà gáy canh hai cho ruộng đồng
Gà gáy canh ba góc nhà sáng
Gà gáy canh tư pha ấm trà
“Lèng” xong gọi nhau đi ra đồng
Tiếng loỏng động đến núi tiếp núi
Bên gái gặt lúa bên trai đập
Mắt liếc gặp nhau nhẹ chân tay)
Đó là tả cảnh không khí làm ăn, vào vụ thu hoạch khẩn trương, nhộn nhịp. Với cảnh thanh bình của nông thôn ông lại có lối so sánh đén tài tình, đọc lên ai cũng thèm muốn được sống trong khung cảnh ấy.
Bản Phặt, bản Lầm cáp bản Cao
Slí kỷ mùng rườn mạy mác pao
Nả rườn nặm quá pỉ luồng quẳn
Khau quá lăng pài slứ phủng phao
Thôm pja nà nặm pết rạy píc
Hai pảo chang cồn đếc múa ca
Báo slao cằn sổc tăm khẩu mấư
Cần ké nả cai phản công cha!
(Khẳn bản) 11.1958.
(Bản Phặt, bnả Lầm với bản Cao
Hơn bốn mươi nóc nhà hoa quả bao
Trước nhà nước chảy tựa rồng cuốn
Núi ở sau nhà như phượng bay
Ao cá ruộng nước vịt rỉa cánh
Trăng sáng ngoài sân trẻ múa ca
Trai gái thi nhau giã thóc mới
Người già trước sân bàn việc công)
Ông dùng từ ngữ bình dị, không cầu kỳ, cùng với cách diễn đạt rất “dân tộc” tuy nhiên thơ ông cũng có những câu khá bất ngờ – đó là sự khám phá, tìm tòi, có nhiều phát hiện chỉ có ở người miền núi.
… Rườn tẩư vạ rườn nưa
Lai lùa khươi tứn xậu
Fầy rủng coóc nả đeng
Lải tha vằn khửn dá
Dủp dảp tàng bươn hốc
Ngầu nả lẩm hai bân
(Cừn bươn hốc)
(… Nhà trên và nhà dưới
Nhiều dâu rể dậy sớm
Lửa cháy bên má đỏ
Tưởng mặt trời mọc rồi
“Dủp dảp” đường tháng sáu
Bóng má tựa ánh trăng)
(Đêm tháng 6)
Một trong những đóng góp của nhà thơ Mã Thế Vinh là dày công vun xới, sáng tạo trường ca Có Pèng (Anh Pèng) và đặc biệt là trường ca Lằm tàng chài pây (Con đường anh đi) viết về đồng chí Hoàng Văn Thụ -một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng ta, đồng thời là người con xứ Lạng. Ông viết theo thể phong slư – với lối kể truyền thống của trường ca và nghệ thuật đồng hiện. Sự hoà quyện cao độ của trí thông minh với sức mạnh con người, cùng với vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp của con người.
Ông miêu tả nhân việt anh hùng với những nét khái quát, cô đọng, hàm súc tạo nên những hình khối lớn, những tính cách kiên cường. Và ông viết bằng cả tấm lòng và viết bằng một thứ thơ truyền thống “có nhung có tuyết”. Hơn nữa nhà thơ không vô cảm với quá khứ. Nhân cuộc hội thảo này chúng tôi chỉ nêu ra một số luận điểm chính. Còn những vấn đề cụ thể liên quan đến hai trường ca này cùng truyện thơ Người đẹp vùng biên, chúng tôi sẽ viết cụ thể vào một dịp khác.
***
Nói đến thơ của Mã Thế Vinh mà bỏ qua tập truyện của ông e là một thiếu sót không nhỏ. Với truyện ký, ông viết không nhiều – cho tới nay ông chỉ có 01 tập. Hai vết sẹo không dầy với số trang 205 trang khổ 13X20,5, số lượng 500 bản, do Nxb Hội nhà văn xuất bản năm 2011, mà ông tặng tôi từ ngày 01.04.2011, nay tôi mới có dịp đọc lại.
Tất nhiên, việc tác phẩm được in như vậy đã là sự đảm bảo phần nào cho uy tín của Mã Thế Vinh trươc bạn đọc xa gần. Các truyện, ghi chép của ông mới đây đều thuộc  đề tài trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông kể xúc tích, ngắn gọn; trong tác phẩm Hai vết sẹo này tôi thấy nổi bật lên hai đặc điểm chính là: Mang đậm nội hàm văn hoá bản địa cũng tức là văn hoá ở quê hương ông nói riêng và vùng quê miền núi nói chung và có tính nhân loại cao trong truyện ký Bác Hồ thăm đơn vị bắt sống Lơ-Pa-giơ và Sác-tông trong chiến dịch giải phóng Biên giới năm 1950 có đoạn “Bác bước tới bắt tay và nói tiếng Pháp rất chuẩn rằng: Ta làm quen với nhau đi, tôi là cố vấn chính trị của mặt trận. Bác lấy thuốc lá mời chúng hút rồi nói tiếp.
– Các anh tuyên truyền cho cuộc chiến tranh Đông Dương coi là cuộc chiến tranh về lý tưởng (Guerre idélogique) nhưng thực chất là cuộc chiến tranh xâm lược, chiến tranh ăn cướp.
– Thưa ông, chúng tôi là người lính.
– Không phải, các anh là chỉ huy cấp cao qua trường lớp, các anh không phải là người lính bình thường, các anh rất hiểu các anh đang làm gì ở đất nước Việt Nam này!
Hai tên quan Năm quan Tư lúng túng im lặng… Bác hỏi đến gia đình vợ con và Bác lại hỏi tiếp: Các anh có nguyện vọng gì?
– Thưa ông. Chúng tôi muốn được đi tắm… Bác vội quay lại bảo anh Văn Phác lệnh cho bộ đội bảo vệ: Cho chúng đi dạo một vòng và cho ra suối nước. Bác bắt tay, tặng cho hai bao thuhốc lá. Hai tên cám ơn rất trân trọng”…
 Hai vết sẹo tập truyện của ông rất dễ đọc, dễ nhớ và nội dung truyện rất cảm động. Bởi ông viết theo tư duy dân tộc, tư duy phương Đông là tư duy hình tượng, thường có xuất phát điểm gắn với dân gian. Cách tư duy cách viết này rất gần gũi với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào các dân tộc sống ở miền núi và vùng biên giới Việt – Trung. Đọc tác phẩm này, tôi thấy chất vùng biên Tràng Định không lẫn vào đâu được – đó là ý thứ nhất. Ýthứ hai đó là ông lặp lại đề tài như Gặp lại người chị đã đã mất tích và Chị em mồ côi; đi săn hổ, đi bẫy hổ… nhưng không trùng về góc nhìn của mình. Nói nôm na là mỗi một nhà văn đều có sở trường, sở đoản viết về vùng đất, một không gian địa lý nhất định.
Ông rất ít viết về các vùng đất khác. Gần như các truyện, ghi chép trong tác phẩm này đều được quy tụ về vùng Thất Khê – quê hương nơi đã sinh ra và nuôi  ông khôn lớn. Ông đã khôn khéo từ không gian nhỏ hẹp ấy biến thành không gian văn hoá của riêng mình từ sự tưởng tượng và hiện thực, các mẩu chuyện kể dân gian, lịch sử và hiện thực xã hội trước đây thành 21 truyện ký.
Tôi cho đây là tập truyện thành công nhất của Mã Thế Vinh. Nhưng không có sự thay đổi, vẫn tiếp tục cày ải, đào xới chuyện cũ, vấn đề cũ thì rất khó thuyết phục độc giả lần sau như lần đầu.
Hà Nội, 9/10/2012
Hoàng Tuấn Cư
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ngày xưa không thể quên

Những ngày xưa không thể quên... Nếu ai đã từng đến Nha Trang, phải công nhận với tôi rằng biển ấy thật là đẹp. Một bãi biển dài thoai tho...