Thứ Tư, 4 tháng 12, 2024

Triết lý nhân quả trong truyện ngắn của Mai Tiến Nghị

Triết lý nhân quả trong
truyện ngắn của Mai Tiến Nghị

Nhân quả là một đạo lý chi phối vũ trụ nhân sinh, người tin nhân quả là người có đức tin sáng suốt lành mạnh, làm chủ đời mình. Những truyện ngắn đầy tình huống bất ngờ, đầy chi tiết đặc sắc, giàu giá trị nghệ thuật, và mang đậm tư tưởng triết lý nhân quả của nhà văn Mai Tiến Nghị cho dù không phải là nội dung mới đặt ra trong văn học nhưng trong bối cảnh “lung lay chân lí và khủng hoảng niềm tin” thì những câu chuyện ăm ắp sự tình mà nhà văn đặt ra, vẫn còn đủ sức đánh thức lòng người…
Nhà văn Mai Tiến Nghị sinh năm 1954, quê Hải Hậu, Nam Định, tốt nghiệp Đại học sư phạm Toán, từng là người chiến đấu ở chiến trường từ năm 1971 đến 1976. Năm 2006, anh bắt đầu viết và được bạn đọc biết đến với truyện ngắn đầu tay Mặt trời chói lóa. Với bốn tập truyện ngắn và hai tiểu thuyết cùng nhiều giải thưởng  địa phương và trung ương đã khẳng định nghiệp viết như ngấm vào máu thịt anh.
Bằng một giọng văn khi sắc cạnh, mỉa mai, đanh thép, thống thiết, khi tưng tửng hóm hỉnh, trào lộng, mỗi câu chuyện anh kể không quá cầu kì nhưng lại chứa đựng những thông điệp triết lý sâu sắc về cuộc sống nhân sinh nhiều cung bậc. Anh tâm sự: “Viết là để chia sẻ sự yêu ghét, cảm thông với những thân phận con người và giúp cho người ta vững vàng vươn lên trong cuộc sống”. Phải chăng, chính quan niệm ấy mà truyện ngắn của Mai Tiến Nghị luôn ám ảnh sâu sắc về  triết lí nhân quả dưới cái nhìn đa chiều đa diện, hầu như các nhân vật được đưa vào hệ quy chiếu của triết lí nhân quả, biểu hiện ra các hành động vô thức nên bị trả giá; phạm lỗi lầm, tự sám hối, tự hành xác để rửa tội; hoặc gieo nhân lành và bảo toàn thiên lương.
1. Con người hành động vô thức nên bị trả giá
Nhân vật Điệp trong truyện Trứng vỡ, sinh ra trong một gia đình bất hạnh. Từ một cô bé hiền lành, xinh xắn chăm chỉ lo toan, chịu khó học hành, sống khép mình, Điệp đã tha hóa, trở thành con người khác hẳn “Ăn mặc diêm dúa áo thun cộc, quần bò trễ cạp…tóc nhuộm vàng hoe, nước hoa thơm nức, điện thoại di động dắt cạp quần”, Điệp trở thành “một nữ chúa tác oai tác quái trong đám học sinh nhà trường”. Điệp bỏ học ở tuổi mười lăm và có thai với “thằng tóc xanh đỏ rủ mành mành kiểu Hàn Quốc (…) Thằng này là dân chích choác và cũng chưa đầy mười tám tuổi”. Từ đây, Điệp bắt đầu cuộc đời mới, đầy non trẻ và khờ khạo bằng cái bụng lùm lùm, ngồi bán trứng vịt với bà mẹ chồng ở chợ. Chồng chết, Điệp đi phá thai, bị mẹ chồng tống cổ ra khỏi nhà và sống cù bất cù bơ, tiếp tục ngồi chợ để kiếm sống, giành giật, đánh chửi nhau bằng những rổ “đạn trứng”. Đó là cái giá phải trả cho sự trẻ người non dạ, không phân biệt được tốt xấu, đúng sai. Điệp vừa đáng trách, vừa đáng thương. Còn người cha nghiện ngập của Điệp đã phá nát hành phúc gia đình kia, cũng đã phải trả một cái giá đắt, mất nhà cửa, mất vợ, bỏ làng ôm con đi kiếm sống nơi xa.
Ở truyện ngắn Hàng xóm tác giả xây dựng hình tượng người phụ nữ có vai vế, khiến mọi người trầm trồ thán phục, bà từng là “Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch một huyện, oai lệch đất quê”, suốt một đời phấn đấu để củng cố chức quyền, lo chu toàn công việc, dựng chồng con cho ba cô con gái. Một chi tiết độc đáo trong tác phẩm, làm điểm nhấn khắc họa tính cách nhân vật và nỗi cay đắng cuộc đời. Về hưu, bà trở về như một nông dân chính hiệu, cô con gái út lấy chồng rồi ở luôn với bà. Bằng mối quan hệ và đường đi nước bước của mình, bà hết lòng vun vén, chỉ trong thời gian ngắn, cậu con rể đã nhanh chóng thăng tiến, trở thành phó chủ tịch huyện. Đổi lại, bà luôn tất bật với việc nhà và bị biến thành một người “chăn chó” để phụ vụ cho hứng thú của cậu con rể út, đi cơ quan về anh ta “chỉ có việc chơi với chó. Nó đưa từng con lên hộn hít rồi ngửi ngửi, thỉnh thoảng lại kêu toáng lên rằng bà ơi con này chưa sạch”.
Từ một người quyền lực “nghiêng trời lệch đất”, về hưu bà sống và bị đối xử như con ở, cuối đời đi “dọn phân cho chó” với bao nỗi ấm ức nhục nhằn, kết cục bị con chó của thằng con rể tấn công, cắn rách vai và hông. Trớ trêu là cậu con rể chỉ xót xa, sốt sắng gọi xe cứu thương để chữa cho con chó bị đánh, bỏ mặc bà già đau đớn. Tạo ra sự đối lập ấy, dường như tác giả gửi đến một thông điệp nhân quả, chính lòng tham nuôi thêm chó nhà để tăng thu nhập của bà đã tạo ra sự đối địch với con chó ngao của thằng con rể, con “hùm tinh” Tây Tạng, để kết cục nó tấn công bà; chính sự nuông chiều vun vén cho con quá mức đã tạo ra những kẻ vô ơn chỉ biết dựa dẫm và gây ác, rước kẻ thù vào nhà. Cuối cùng, chính bà là người gánh chịu, tự băng bó vết thương do mình tạo tác. Đó là bài học cuộc đời cho bất cứ ai về sở hữu quyền lực, sở hữu tình thương nhưng không biết chân giá trị và những giới hạn của chúng.
2. Con người phạm lỗi lầm, tự sám hối, tự hành xác để rửa tội
Nợ nhân gian là truyện ngắn từng lọt vào Top Ten truyện ngắn hay Báo Văn nghệ năm 2014. Truyện có lối kể tự nhiên độc đáo, tình huống hấp dẫn, nhiều chi tiết đắt. Nhan đề rất dung dị Nợ nhân gian nhuốm màu triết lí tín ngưỡng, tôn giáo. Lão Viên, nhân vật chính trong truyện, làm nghề giết mổ chó, cộng thêm những thủ đoạn gian manh, quỷ quyệt đã giúp lão từ một kẻ tứ cố vô thân, tay trắng trở nên giàu có, vợ con đàng hoàng. Cuối đời gia cảnh sa sút lầm than, sau cái chết của vợ, con trai nghiện ngập cũng chết, để lại đống nợ, tài sản khánh kiệt, lão lại trở về với cảnh tứ cố vô thân và thành kẻ ăn mày với một tên mới “Chín Dúm” – cái tên gọi, chất chứa sự nghèo khổ, nỗi tủi nhục cùng sự khinh khi của người đời.
Nửa đầu truyện là nhân, nửa cuối truyện là quả. Tác giả đã phác họa ngón nghề giết, mổ chó “thăng hoa” trong khủng khiếp và man rợ của nhân vật lão Viên: “Lão treo ngược con chó vào cột nhà, xẻo một miếng da ở cổ con vật đáng thương, sau đó dùng cái đũa vót nhọn khều khều trong đám gân thịt bầy nhầy để tìm động mạch…Cũng chỉ một nhoáng là lão lôi ra một sợi tròn tròn, to gần bằng chiếc đũa đang giật giật…lưỡi dao xén ngọt…máu phọt ra, lão lạnh lùng đưa cái sanh đồng hứng trọn”. Công đoạn tiếp theo của lão là nhúng vào nước sôi để cạo lông, bôi kẹo đắng để chỉ “thui sơ sơ thôi” trông cũng có màu vàng ươm để bắt mắt và bán có giá hơn, rồi lão “dùng chày đập đến dập hết mọi thớ thịt rồi mới đem luộc. Luộc xong, lão lại ngâm xuống ao khoảng vài giờ cho thớ thịt ngấm nước đến trương no…
Sau cùng lão nhúng cả con chó vào nồi nước sôi ùng ục rồi vớt ra treo lên”. Có tiền rồi, đồng tiền lại tác oai cho lòng tham, lão sắp đặt để hai con trai lánh được nạn đi lính, để như một cách thoát chết “giữ yên mạng sống”, lí lẽ của lão là “học làm đếch gì, nhớn lên ở nhà giết chó. Giết chó thì không cần phải học. Đang đánh nhau rầm rầm, biết chữ lại phải đi bộ đội”, chỉ chịu cái tiếng “thiểu năng trí tuệ” kết hợp với một chút quà cáp cho cán bộ xã, hai thằng con trai lão đã không phải đi lính. Trong khi bao nhiêu thanh niên phải ra trận và hi sinh thì lão đắc ý và tự hào về điều đó. Thực sự đây là quá trình gieo nhân ác của lão. Sự giàu, có được nhờ quy trình thủ đoạn mưu mẹo rợn tóc gáy, bất chấp mọi thứ đạo lí trên đời, tranh sống với cả người lẫn vật. Người xưa từng đúc kết “sát sinh đoản mệnh báo; Tranh khôn, tranh lợi làm gì./ Hễ là người biết nghĩ thì nên”. Mưu toan tưởng sẽ cứu được mạng con, nhưng hai đứa con trai lão lần lượt chết trong đau đớn, vô ích bằng cái chết nghiện ngập. Sự nuông chiều con dẫn đến phải tự tay mình băng bó vết thương cho con.
Cuối đời lão bắt đầu sự nghiệp ăn mày của mình, bắt đầu hành trình “lầm lũi sống cơ cực trong những năm tháng còn lại để trả nợ nhân gian, âu cũng là lẽ đời có luật nhân quả vậy. Lão đã chiêm nghiệm và ngộ ra điều đó”. Sau mỗi ngày đi ăn xin, bao nhiêu viên đá lão nhặt về là bấy nhiêu lần lão bị hắt hủi, chửi rủa. Lão chấp nhận, và lấy làm vui vì mình đã gây nghiệp ác ở ngay cõi này, nên giờ phải chuốc lấy để trả nợ đời, lão thấm thía: “nhẽ đời bắt tao trả nợ hay sao ý mày ạ. Cũng phải thôi, có nhẽ tao sát sinh nhiều quá…giết người, giết chó…giết nhiều chó quá nên nó oán”; lão day dứt ám ảnh, từ đó biến thành một “tâm sự lớn” luôn quẩn vấn và cật vấn lão: “Trước thì cũng có bát ăn bát để…giờ thì đi ăn mày… Tao ngẫm ra mình đang phải giả nợ đấy mày ạ. Đến chết mà cũng không biết cái nợ của mình nhớn chừng nào”; “Thì ra ở đời khôn nhiều thì dại lắm. Mỗi lần mình bị chửi là một lần giả nợ”. Ám ảnh nhân quả trong lão ngày càng lớn “Tao chưa thể chết được bởi vì còn phải giả nợ. Mới được lưng xô đá…bao giờ mới được hai xô… sau này nếu tao chết thì lấy đá ấy mua thêm mấy cân xi măng làm cho tao cái bia nhá”. Lão đau khổ, thất vọng phiền não nếu hôm nào đếm đi đếm lại mà số đá mạt tương đương với số lần bị chửi kia ít quá, bao giờ mới đủ để kết thúc cuộc đời, khi sự già yếu đã kề bên. Chua chát và đắng đót cho một kiếp người “tấm bia ấy lại được làm bằng những viên đá mạt ghi dấu những lần bị người đời hắt hủi… tấm bia càng to càng nhẹ lòng vì nghĩ rằng mình đã trả được nhiều nợ cho đời”. Đây là cách sám hối ăn lăn sửa lỗi của lão, một kiểu “đoái công chuộc tội”, nhưng “công” nhặt đá của lão cũng chỉ nằm trong suy nghĩ thiển cận chủ quan của lão, mong vợi bớt nỗi khổ trong lòng về những điều mình đã gây ra.
Đọc nhân vật lão Viên, tức lão ăn mày Chín Dúm, người đọc hẳn còn nhớ nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao. Chỉ là thế cùng lực kiệt mà phải dứt lòng dứt ruột bán đi con chó, người bạn gần gặn nhất của lão lúc xế chiều mà lão thấy mình mắc một tội lỗi lớn, tội lừa đảo, tội lỡ đi lừa một con chó, và rồi lão chết trong thảm khốc, dữ dội bằng cái chết theo cách của một con chó ăn phải bả. Đó là một cách tự sám hối, tự hành xác, cách để trả nợ con chó mà lão tự cho rằng mình đã phản bội tình yêu thương quý mến của nó. Nhìn bề ngoài chết khổ, chết sở thì thương tâm nhưng kì thực đó là một sự lựa chọn có chủ ý, trong lòng lão ra đi thanh thản.
Nhân vật lão Chín Dúm trong truyện của Mai Tiến Nghị cũng có suy nghĩ tự sám hối và hành xác, kể từ khi bước vào con đường ăn xin khổ ải, lão nghiệm ra sự trả giá để trong lòng tìm về sự thanh thản, trong lời trăn trối trước khi chết, lão có mong ước cuối cùng là được “Đốt nhá…cả gio cả…đá…xuống s..ông nh…á…cho mát…”. Theo cách lão Chín Dúm làm thì đó là phương pháp sám hối để “tẩy trừ cho hết tội lỗi” của mình. Nhân quả cũng không phải là cố định, gieo nhân lành gặt quả tốt. Khi đã phải gặt quả ác, quả xấu, vẫn có thể sửa bằng cách tự sám hối để tạo nhân lành, nhân đẹp. Cách ứng xử của nhân vật Chín Dúm là một bài học như vậy. Tự sám hối và tự hành xác, đi hết kiếp ăn mày mới có được sự thanh thản lúc ra đi, tìm nhân mới ở kiếp khác. Giọt nước mắt ấm nóng cuối cùng lúc nhắm mắt ấy đã thấu trời xanh đưa lão về miền cực lạc, đó là khát vọng nhân văn và niềm tin nhân quả nơi người viết.
Đọc Nợ nhân gian, người đọc không khỏi ám ảnh về kiếp người ngắn ngủi thoáng qua như ánh chớp, có rồi lại không, để rồi ta chợt giật mình tự hỏi ta đã làm gì, đã làm được gì, đã mất gì và phải trả giá ra sao?. Cuộc đời hẳn sẽ bớt được bao đau buồn nếu con người ta biết sám hối, biết thức tỉnh, biết dừng lại mà đi tiếp. “Số” hay “mệnh” dẫu chưa hẳn là hoàn toàn có thực nhưng nhân vi của mỗi người sẽ góp phần đáng kể cho một đường hướng ở con người. Bởi cái gọi là được hay mất, thành hay bại, có hay không… cũng chỉ là tương đối. Mai Tiến Nghị kể chuyện lúc nào cũng đáo để, góc cạnh đến tận cùng vấn đề. Truyện giàu chất triết lý nhân sinh cao đẹp, và đó hình như là phong cách của tác giả?
3. Con người gieo nhân lành, bảo toàn thiên lương
Đó là hình ảnh ông giáo trong Thầy và Sư, một con người từ tốn thiện tâm, nhân ái. Là người “được tin tưởng”, lại cũng “am hiểu Phật pháp, biết cách ăn nói vận động, vô tư không tham lam” nên ông giáo được tín nhiệm bầu vào ban kiến thiết của chùa. Thầy nhiệt tình làm việc hết khả năng có thể nhưng cũng gặp phải bao nỗi nhiêu khê, bị thiên hạ gán ghép thầy với sư. Chứng kiến tận mắt những trớ trêu, bất bình diễn ra ngay nơi tôn nghiêm chùa miếu, lòng tự trọng, sự ám ảnh bản năng đã khiến thầy giáo chủ động rút lui khỏi ban kiến thiết như là cách buông bỏ giữ mình, lánh mình khỏi những bấn lụy, nhớp nhơ để bảo toàn thiên lương.
Tác giả đã tạo dựng chi tiết rất chân thực ở nhân vật thầy giáo, tuy đã ở tuổi hưu nhưng khi nhìn thấy“hai bắp chân tròn trắng rợi rợi” của ni sư – cô học trò của chính mình cách đó hơn hai mươi năm, đang lồ lộ thì“ không phải ông giáo không có những phút cảm thấy bức bối”; “ngẩn người” “rạo rực như bốc hỏa, máu trong người chảy giần giật”; “ám ảnh tâm trí cả trong giấc ngủ”. Để bảo toàn lòng tự trọng và thiên lương trong sáng, ông đã tìm cách rút lui khỏi ban kiến thiết“ông tự dặn lòng: phải buông bỏ, phải buông bỏ… Mình đã già, người ta đang tu hành”. Còn bất hạnh cho vị ni sư khi phải đối mặt với một Sư ông dâm đãng, hám sắc hám tiền, bài bạc ức hiếp, quấy nhiễu con đường tu tập đến nỗi cũng bỏ chùa mà đi. Truyện đã đặt các tuyến nhân vật trong thế đối lập giữa những con người chân chính với những kẻ bất chính, tà đạo thời ‘mạt pháp”. Đó là một chỉ dấu cảnh tỉnh cho mỗi người về cách tiết chế bản năng, lập hướng tu thân, biết trọng mình, giữ mình trước những cám dỗ, nhố nhăng, ô trọc của cuộc đời.
A person in a suit

Description automatically generatedNhà phê bình Nguyễn Văn Nhượng ở Nam Định
Nhân vật thầy giáo Nghĩa trong Nợ nhân gian cũng là một con người luôn sống trong chiêm nghiệm nghĩ suy, luôn biết cảm thông chia sẻ với người nghèo khổ luôn biết lắng nghe và thấu hiểu lẽ đời. Chính vì vậy, lão ăn mày Chín Dúm đã coi thầy giáo Nghĩa như một người thân duy nhất giúp lão trang trải nỗi lòng uẩn khúc lúc cuối đời. Sắp từ giã cõi đời, lão vẫn phải chờ gặp cho bằng được thầy giáo Nghĩa để phó thác xong mới nhắm mắt. Hình ảnh thầy giáo Nghĩa bao dung nhân từ, đã gieo nhân lành, đáng là tấm gương sáng về lẽ ứng xử ở đời, nhất đối với những người nghèo khó quanh ta. Và hẳn nhiên cuộc sống quanh ta sẽ trở nên ấm áp hơn rất nhiều, nếu chúng ta biết thấu hiểu, biết cảm thông chia sẻ.
Truyện ngắn Trứng vỡ sẽ còn lưu lại mãi trong ta hình ảnh cô giáo Xuân tận tụy hết lòng vì học trò của mình. Điệp, một cô bé phải sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm của mẹ, đã được cô gần gũi, dìu dắt như đứa con trong gia đình, bù đắp thiếu thốn bằng tình thương yêu, bao dung như của một người mẹ. Nhưng sự sa sút trong Điệp ngày càng lớn, học hành chểnh mảng, đua đòi ăn chơi, ương bướng kể từ khi có sự nơi lỏng từ phía gia đình. Chỉ vì kiên trì nói trò không nghe, vì quá đỗi yêu thương, cô Xuân đã vụt chiếc thước vào mông Điệp rồi sau đó bị làm to chuyện, cô Xuân phải xin nghỉ hưu trước tuổi. Tình yêu nghề vẫn còn chảy mãi khiến cô “nghỉ việc rồi nhưng sáng nào cũng vội vàng chuẩn bị cặp sách lên lớp”. Lòng tự trọng khiến cô buồn và “thấm thía nỗi cay đắng của một nhà giáo mất nghề”.
Không lâu sau, nghe tin Điệp bỏ học, cô sống trong nỗi dằn vặt “Tại mình mà nó bỏ học? Tôi dằn vặt nhiều lúc trong giấc mơ chập chờn lại hiện lên hình ảnh con bé mắt long lên giận dữ thẳng tay gạt cái thước…”. Mỗi lần nhìn Điệp, nhất là sau khi bỏ học theo chồng khi chưa đến tuổi cưới, bụng lùm lùm ngồi bán trứng ở chợ mà cô “thấy có cái gì nghèn nghẹn buốt buốt trong ngực”. Chồng chết, cái thai cũng đem phá, Điệp bị hắt hủi, ra chợ trần thân kiếm sống, thường xuyên đánh chửi nhau với mẹ chồng. Cô Xuân lại một lần nữa đưa tay ra giải thoát, đưa Điệp về nhà. Những ân tình sau trước của cô Xuân sẽ mãi là những ngọn lửa cứu vớt những tâm hồn sa ngã như Điệp. Còn cô “cứu một người phúc đẳng hà sa”. Đó cũng là một thứ nhân lành, hứa hẹn những quả đẹp dâng đời. Ba truyện ngắn Thầy và Sư, Nợ nhân gian, Trứng vỡ đều tập trung khắc họa những người thầy giàu nhân cách vị tha, bao dung, sống cao thượng, bảo toàn thiên lương ngay trong những hoàn cảnh nhiều thử thách nhất. Chính họ đã gieo những “nhân lành” để lan tỏa yêu thương, giúp mọi người có một niềm tin bất biến vào cái thiện, để rồi cái thiện ấy sẽ góp phần cải tạo những phần đời, những số phận; sửa sang những nhân xấu, nhân ác, hướng cuộc sống đến những điều tốt đẹp.
Nhân quả là một đạo lý chi phối vũ trụ nhân sinh, người tin nhân quả là người có đức tin sáng suốt lành mạnh, làm chủ đời mình. Những truyện ngắn đầy tình huống bất ngờ, đầy chi tiết đặc sắc, giàu giá trị nghệ thuật, và mang đậm tư tưởng triết lý nhân quả của nhà văn Mai Tiến Nghị cho dù không phải là nội dung mới đặt ra trong văn học nhưng trong bối cảnh “lung lay chân lí và khủng hoảng niềm tin” thì những câu chuyện ăm ắp sự tình mà nhà văn đặt ra, vẫn còn đủ sức đánh thức lòng người trong bộn bề mưu sinh; đem lại niềm an vui hạnh phúc cho chúng sinh trong cuộc đời vốn nhiều truân chuyên, xô lệch này.
Tài liệu tham khảo:
1. Mai Tiến Nghị, Nợ nhân gian (2014), tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn.
2. Mai Tiến Nghị, Quý nhân (2017), tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn.
3. Lê Văn Tấn, Nguyễn Văn Nhượng, Top Ten truyện ngắn Hay 2014 báo Văn nghệ: Một vài ghi nhận, (04/04/2015), Báo Văn nghệ số 14, Hội Nhà văn Việt Nam.
28/10/2022
Nguyễn Văn Nhượng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ngày xưa không thể quên

Những ngày xưa không thể quên... Nếu ai đã từng đến Nha Trang, phải công nhận với tôi rằng biển ấy thật là đẹp. Một bãi biển dài thoai tho...